Bất kì một loại hình nghệ thuật nào cũng đều có ngôn ngữ đặc thù của nó. Điều đó có nghĩa là ngôn ngữ vừa mang tính đặc thù của từng loại hình nghệ thuật, vừa mang tính xác định sự khác biệt giữa loại hình nghệ thuật này với loại hình nghệ thuật khác. Riêng đối với ngôn ngữ âm nhạc, đặc biệt là ngôn ngữ ca khúc có mối liên hệ chặt chẽ với ngôn ngữ giao tiếp, vì ca khúc, chẳng qua chỉ là sự cách điệu với những thủ pháp nghệ thuật đặc thù ở một mức cao hơn mà thôi. Theo PGS Dương Viết Á thì giữa ngôn ngữ âm nhạc và ngôn ngữ giao tiếp có sự giống nhau về bản chất và vai trò: cùng nhằm mục đích biểu đạt tư tưởng chung cho nhiều thời đại cũng như nhiều vấn đề khác, nhưng lại có sự khác nhau về chức năng, về phạm vi áp dụng.
Ngôn ngữ có trước âm nhạc. Khi người này nói với người khác, tức là dùng ngôn ngữ, và với ngôn ngữ nói, nó trao chuyển đến cho người nghe một lúc hai lượng thông tin: bằng ngữ nghĩa để truyền đạt nội dung ý nghĩ và bằng ngữ điệu để truyền đạt nội dung tình cảm. Chính từ ngữ điệu, loài người đã dựa vào đó để phát triển, hệ thống hóa, nâng cao lên và thành loại hình nghệ thuật âm nhạc.
Hơn nữa, nói đến lời ca là nói đến loại thể nhạc hát. Loại thể này, dù là nằm trong loại hình âm nhạc, dù chịu sự chi phối của hình thức tư duy đặc thù: tư duy âm thanh, thì chính nó, đến lượt loại thể âm nhạc này, cũng lại có đặc thù riêng của nó. Loại thể nhạc hát, có nghĩa là nhạc có lời, ở đây vừa có cả hai loại phương tiện diễn tả: ngôn ngữ và âm thanh. Hai loại phương tiện đó kết hợp với nhau, tác động lẫn nhau, mâu thuẫn nhưng thống nhất trong một chỉnh thể của một tác phẩm nhạc hát, cấu trúc đó tạo nên đặc thù của loại thể này.
Nhạc hát là một loại thể nghệ thuật đứng rất gần với loại thể thơ ca. Có thể coi đó là cái dấu nối từ ngôn ngữ đến âm nhạc, từ thơ ca đến âm nhạc. Ở vào vùng giáp ranh này, nhạc hát lại có những qui luật riêng của chính nó, mà một trong những qui luật đó là qui luật của ngôn ngữ.
Ngôn ngữ ca khúc, chẳng qua chỉ là sự cách điệu của ngôn ngữ nói ở mức cao hơn, dưới sự chi phối của qui luật âm nhạc.
Dù là bộ phận nằm trong một chỉnh thể thống nhất của một tác phẩm âm nhạc, dù qui luật âm nhạc đóng vai trò chủ đạo so với những qui luật khác như qui luật của thơ ca, người soạn lời ca không thể không tôn trọng những qui luật tối thiểu của ngôn ngữ. Cũng như nhà điêu khắc không phải là nhà vật lí, nhưng khi dùng đất đá, đồng, hay thạch cao để nặn tượng không thể không biết đến sức bền của chất liệu mà mình đang sử dụng. Từ từ đến ngữ, từ ngữ đến câu, từ câu đến lời…, ở đây, ngôn ngữ có những qui luật sắp xếp, cấu trúc của nó, đó là ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, cú pháp, tu từ.
Mối quan hệ giữa ngôn ngữ và âm nhạc, trong đó âm nhạc đóng vai trò chủ đạo, được biểu hiện khá rõ trong lời ca. Người nghe sẽ không hề ngạc nhiên khi thấy nhiều từ ngữ địa phương xuất hiện trong một bài hát theo làn điệu dân ca; nhiều khi người nghe không hiểu từ địa phương đó nhưng họ lí thú, rung cảm với tác phẩm vì người nghe đã được âm nhạc dẫn dắt vào một không khí nhất định về một địa phương nhất định.
Nói cách khác, bản thân âm thanh với tính cách là những phương tiện diễn tả của loại hình nghệ thuật âm nhạc cũng là một thứ ngôn ngữ - ngôn ngữ nghệ thuật - một loại công cụ để biểu đạt những cảm xúc của nhạc sĩ trước hiện thực cuộc sống.
Tóm lại, ngôn ngữ, khi được sử dụng như một phương tiện diễn tả của âm nhạc (nhạc có lời), thì chịu sự qui định của đặc trưng âm nhạc. Hình tượng của lời ca, ca từ được xây dựng bằng ngôn ngữ là một bộ phận gắn bó hữu cơ với tác phẩm âm nhạc, và có những đặc điểm riêng của nó.
Thái Hà
Website: http://nhanvanblog.com/
Facebook: http://www.facebook.com/thaiha811
Page: https://www.facebook.com/nhanvanblog/
Email: dothaiha86@gmail.com