Thông minh và trí tuệ nghe có vẻ giống nhau nhưng thực chất có sự khác nhau rất cơ bản. Thông minh là năng lực của con người, còn trí tuệ là cảnh giới của tâm hồn. Thông minh có thể mang đến tiền tài và quyền lực, trí tuệ có thể mang đến niềm vui.
Trên thế giới không có nhiều người thông minh, trong số 10 người thì chỉ có 1 đến 2 người, còn người có trí tuệ thì lại càng hiếm thấy, trong số 100 người có khi không có lấy người nào. Ngay cả Socrates được công nhận là người trí tuệ cũng tự thấy rằng nếu xét theo yêu cầu về trí tuệ thì bản thân ông cũng là người vô tri.
Trong cuộc sống hàng ngày, những người không chịu thiệt thòi là người thông minh, còn người có thể chịu thiệt là người trí tuệ.
Người thông minh luôn có thể bảo toàn lợi ích của mình khi làm việc với người khác. Ví dụ như trong làm ăn, họ luôn có thể thu về lợi nhuận – còn người trí tuệ tuyệt sẽ không theo đuổi việc thu lợi nhiều nhất trong kinh doanh, một số người thậm chí có phải bù tiền thì họ cũng làm, họ đặt lợi ích của người khác lên hàng đầu. Người trí tuệ đều biết rằng “không mất thì sẽ không được”.
Người thông minh biết bản thân làm được gì, còn người trí tuệ biết bản thân không làm được điều gì.
Người thông minh biết nắm bắt cơ hội, biết khi nào nên “ra tay”, còn người trí tuệ biết khi nào nên buông tay. Vì vậy, cầm lên được là thông minh, còn bỏ xuống được mới là trí tuệ.
Người thông minh thể hiện thế mạnh của mình ra ngoài, cũng chính là bộc lộ hết tài năng; còn người trí tuệ để người khác thể hiện thế mạnh của họ, âm thầm lặng lẽ làm.
Ví dụ trong một buổi tiệc, người thông minh bận nói, họ nói không ngừng, vì vậy họ giống như chiếc ấm trà; còn người trí tuệ bận nghe, chú ý lắng nghe người khác nói, thế nên họ là chiếc tách trà. Nước trong ấm rốt cuộc cũng phải rót vào tách mà thôi.
Người thông minh chú ý chi tiết, còn người trí tuệ chú trọng tổng thể.
Người thông minh phiền não nhiều, thường mất ăn mất ngủ, bởi vì họ nhạy cảm hơn người bình thường. Còn người trí tuệ có thể rời xa phiền muộn, đạt tới cảnh giới "bất dĩ vật hỉ, bất dĩ kỉ bi", không vì ngoại vật mà vui, không vì bản thân mà buồn, bởi vậy người trí tuệ ăn ngon ngủ yên giấc.
Người thông minh khát vọng cải biến người khác, khiến cho người khác phải thuận theo ý mình, còn người trí tuệ thường thuận theo tự nhiên.
Vì vậy, quan hệ giao tiếp của người thông minh thường phức tạp, mặt khác người trí tuệ thì lại có những mối quan hệ hài hòa.
Thông minh đa số là trời phú, cộng thêm đó là di truyền, còn trí tuệ dựa nhiều vào luyện tập.
Thông minh có thể tích lũy thêm nhiều tri thức, còn trí tuệ khiến người ta phong phú văn hóa tinh thần.
Vì vậy, một người càng có nhiều tri thức thì càng thông minh, còn người càng có nhiều văn hóa thì càng trí tuệ.
Thông minh dựa vào tai và mắt, người ta thường gọi là “tai thính mắt tinh”; còn trí tuệ phụ thuộc vào tâm hồn, tức “tuệ do tâm sinh”.
Khoa học dạy người thông minh, triết học dạy người trí tuệ.
Thông minh có thể mang đến tài phú và quyền lực, trí tuệ có thể mang đến hạnh phúc. Bởi vì người thông minh thường có nhiều kỹ năng, mà trong thực tế những kỹ năng này chỉ cần gặp cơ duyên, liền có thể chuyển hóa thành tài phú và quyền lực. Nhưng mà tài phú và quyền lực cùng với hạnh phúc rất nhiều khi không phải là tỷ lệ thuận. Rất nhiều người giàu có nhưng rốt cuộc lại không thấy mình hạnh phúc; hạnh phúc là cảm nhận từ trái tim.
Vì thế, nếu cầu tài thì chỉ cần thông minh là đủ, còn nếu muốn thoát khỏi phiền muộn thì cần có trí tuệ.
Có câu: “Thông minh nan, hồ đồ canh nan”, ý rằng thông minh đã khó, hồ đồ còn khó hơn. Kỳ thực, “hồ đồ” mà ông nói là “hồ đồ” của người trí tuệ, bởi người ta cho rằng bậc trí giả giống kẻ khờ. Vậy nên, “khó được hồ đồ” ở đây chính là “khó được trí tuệ”. Socrates còn tự nhận mình là vô tri, vậy mới thấy đắc được trí tuệ khó khăn đến mức nào!
Theo soundofhope.org