The Road Not Taken
Nguyên tác: Robert Frost
Two roads diverged in a yellow wood,
And sorry I could not travel both
And be one traveler, long I stood
And looked down one as far as I could
To where it bent in the undergrowth;
Then took the other, as just as fair,
And having perhaps the better claim.
Because it was grassy and wanted wear;
Though as for that the passing there
Had worn them really about the same,
And both that morning equally lay
In leaves no step had trodden black.
Oh, I kept the first for another day!
Yet knowing how way leads on to way,
I doubted if I should ever come back.
I shall be telling this with a sigh
Somewhere ages and ages hence:
Two roads diverged in a wood, and I–
I took the one less traveled by,
And that has made all the difference.
“The road not taken” được viết năm 1916. Bài thơ chỉ miêu tả một cánh rừng, hai ngả đường và một con người chọn lối đi nhưng lại mở ra nhiều ý nghĩa triết lí của cuộc đời. Đã có rất nhiều cách hiểu, cách cảm nhận về bài thơ. Có người cho rằng bài thơ ca tụng sự tự do của cá nhân, sự lựa chọn độc lập và sự lựa chọn ấy bao giờ cũng đúng và đáng được hoan nghênh. Có người lại thấy sự hối tiếc khi mơ hồ phỏng đoán về con đường không được lựa chọn. Nó là gì? Là khổ đau hay hạnh phúc? Nếu chọn nó, cuộc đời sẽ đi về đâu? Sẽ được và mất những gì? Và có thể, bỏ qua “The road not taken” ấy là bỏ lỡ một cơ hội lớn trong đời khiến người ta phải hối tiếc khôn nguôi. Nhìn chung, tất cả các cách hiểu trên đều thể hiện sự băn khoăn của con người về tính đúng sai của mỗi quyết định, mỗi sự lựa chọn. Triết lí của bài thơ là ở quan niệm về sự sở hữu và bi kịch của sự lựa chọn, cụ thể qua sự phân tích tác phẩm như sau:
Mở đầu bài thơ, tác giả giới thiệu hai lối đi khác nhau trong một khu rừng, một lối xa hơn và một lối gần bên cạnh. “Tiếc rằng ta không thể chọn cả hai” nên nhà thơ sau khi “đứng một thời gian dài” đã chọn lối gần là con “đường nhiều cỏ, lối mòn như chưa có”. Đây là một sự lựa chọn táo bạo, tự tin. Có lẽ bất cứ ai cũng sẽ tán thành và thán phục sự lựa chọn đầy tính khai phá này.
Không ngại chông gai, chấp nhận mạo hiểm, sự lựa chọn này thể hiện một lối sống rất đẹp. Nhà văn Lỗ Tấn của Trung Quốc đã từng nói: “Trên mặt đất làm gì có đường, người ta đi nhiều thì thành đường đó thôi”. Đúng vậy, mọi cái đều khó nhất là ở sự khởi đầu. Nhưng nếu dám khởi đầu, con người có thể làm nên tất cả, kể cả những điều kì vĩ nhất.
Ở đoạn thơ thứ ba xuất hiện hình ảnh lá rụng: “Lá rụng rơi xóa mất bước chân ta”. Lá rụng nghĩa là thời gian đã trôi qua, tuổi xuân cũng đã qua, bước chân táo bạo thời trai trẻ đã mờ dần theo thời gian. Và bây giờ cái mạnh mẽ nhất chiếm lấy tâm tư, tình cảm, khát vọng của nhà thơ không phải là con đường đã từng chọn mà là “con đường không được chọn”. Nhà thơ hy vọng có thể bước thử lên nó vào một “ngày khác”. Nhưng sẽ không bao giờ có “ngày khác” ấy bởi vì cơ hội chỉ đến một lần, tuổi xuân chỉ có một lần. Vuột mất cơ hội, vuột mất tuổi trẻ, ta còn lại những gì? Chỉ còn lại sự nuối tiếc và khát khao mà thôi.
Đoạn 4 của bài thơ là “một tiếng thở dài” của nhà thơ khi về già. Thở dài nghĩa là không thỏa mãn. Trong tiếng thở dài đó có sự tiếc nuối về con đường mình đã chọn và cả con đường không được chọn. Một lần lựa chọn, một lần bỏ lỡ mà ôm hận đến thiên thu!
Con đường trong bài thơ trở thành một hình tượng biểu trưng của con đường đời, của lí tưởng, của những gì lớn lao, quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến số phận của mỗi con người. Vì vậy, sự lựa chọn chỉ diễn ra một lần nhưng ảnh hưởng của nó lại bao phủ lên toàn cuộc đời nhân vật. Nhà thơ chưa bao giờ cho rằng sự lựa chọn con đường chưa có người đi của mình là sai lầm và cũng chưa bao giờ tỏ ra ân hận vì sự lựa chọn đó. Vậy mà trong sâu thẳm của tâm hồn, “con đường không được chọn” vẫn có sức vẫy gọi rất lớn như một bến bờ hạnh phúc mà con thuyền cuộc đời của nhà thơ không bao giờ cập bến được. Điều đó thể hiện một tâm lí rất phổ biến của con người, đó là chúng ta thường không trân trọng những gì mình đang có mà ngược lại, chỉ trân trọng và khao khát những gì đã mất đi hoặc không thuộc về mình.
Nếu như ban đầu, khu rừng kia chỉ có một lối đi, nhà thơ buộc phải đi lối đó thì có lẽ mọi việc sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Sẽ không có sự day dứt, tiếc nuối, mơ tưởng và cả “tiếng thở dài”. Hơn nữa, nếu như “con đường không được chọn” ấy kém xa con đường được chọn thì nhà thơ sẽ không rơi vào tình cảnh “tiếc rằng ta không thể chọn cả hai” ở đầu bài thơ. Đến đây, chúng ta sẽ hiểu rằng sự phức tạp không nằm ở chỗ không được chọn lựa hay đã chọn lựa như thế nào mà lại nằm ở chỗ được/phải/bị chọn lựa.
Cái gì cũng vậy, nếu có 2 cái để chọn thì sẽ tốt hơn chỉ có một cái rất nhiều. Từ lí tưởng, sự nghiệp, tình yêu cho đến món ăn, chiếc áo… đều cần được chọn lựa. Chọn cái nào và bỏ cái nào đều là kết quả của một quá trình cân nhắc và ai cũng sẽ chọn cái có lợi nhất cho mình và bỏ qua cái kia. Nhưng nên nhớ rằng điều ấy vẫn có những điểm rất đáng yêu, rất cần thiết khiến chúng ta không dễ dàng gạt nó đi mà không hề vướng bận. Vậy là trong lựa chọn đã có sự mất mát vô hình mà ngay lúc ấy ta không nhận ra. Từ đó, trong suốt cuộc đời, sự mất mát ấy có thể lớn dần lên thành nỗi nhớ, thành sự nuối tiếc, niềm ân hận và thành nguyên nhân của mọi sự thất bại, bất hạnh. Dù ta hạnh phúc hay khổ đau, thành công hay thất bại, sự mất mát từ cái không được chọn ấy vẫn trở thành một phần của cuộc đời ta. Dù có khôn ngoan đến mấy, dù chọn cái nào đi nữa thì ta cũng phải bỏ qua một cái, vậy là ta không tránh khỏi bi kịch của sự lựa chọn.
Khoảng giữa thế kỷ XX, nhà thơ Tố Hữu từng nói lên nỗi trăn trở của thế hệ mình qua 2 câu thơ: “Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước. Chọn một dòng hay để nước trôi.” Dòng nước của Tố Hữu và con đường của R.Frost đều nói đến cái khó của sự chọn lựa. Ai cũng có một cuộc đời, ai cũng có ít nhất là một lần lựa chọn, ai cũng chọn điều tốt nhất cho mình nhưng đồng thời cũng bỏ qua những điều có thể cũng là tốt nhất. Vậy đó, bây giờ chúng ta hiểu tại sao R.Frost không đặt nhan đề bài thơ là “con đường được chọn” mà lại đặt là “con đường không được chọn”.
Cảm ơn Triệu Hựu Đình đã đưa tôi đến với bài thơ này.