Thứ năm, 21/11/2024 - 20:16

Lời thơ được phổ nhạc

Ca khúc hay là một ca khúc mà bản thân lời của nó đã là một bài thơ hay. Và những bài thơ hay thường dễ trở thành lời cho những ca khúc hay. Ca khúc có lời vốn là một bài thơ ta thường quen gọi là thơ phổ nhạc. Thơ được âm nhạc truyền cho giai điệu, lồng và...

       Ca khúc hay là một ca khúc mà bản thân lời của nó đã là một bài thơ hay. Và những bài thơ hay thường dễ trở thành lời cho những ca khúc hay. Ca khúc có lời vốn là một bài thơ ta thường quen gọi là thơ phổ nhạc.

       Thơ được âm nhạc truyền cho giai điệu, lồng vào tiết tấu, tiếp cho âm thanh… để cất cánh bay vào không gian nghệ thuật. Và, có thể nói, những ngân vang của thơ phổ nhạc về những người yêu của anh bộ đội đã góp phần đáng kể trong số những ca khúc được nhiều người ưa thích.

       Trường Sơn đông - Trường Sơn tây của Phạm Tiến Duật là bài thơ thuộc loại hay nhất về tình yêu đôi lứa trong chiến đấu, giữa anh bộ đội và chị dân công hỏa tuyến. Vì hay nên khi chỉ mới là bài thơ, nó đã ít nhiều lan tỏa được vào công chúng. Tuy nhiên, sức lan tỏa của nó được sâu rộng như ngày nay phải nói là nhờ thông qua ca khúc cùng tên của Hoàng Hiệp.

       Tình yêu là vô hình nhưng lại có những biểu hiện cụ thể. Săn sóc nhau, lo lắng cho nhau là một biểu hiện của tình yêu. Chiến tranh đã cướp đi của tình yêu cả những biểu hiện cụ thể đó. Hai nhân vật chính trong Trường Sơn đông Trường Sơn tây chỉ còn biết lo lắng cho nhau, săn sóc nhau trong mong ước, trong suy tư và gửi gắm những mong ước, suy tư đó qua không gian "xa thẳm" đang trong khói lửa của chiến tranh:

       "Trường Sơn tây anh đi, thương em bên ấy mưa nhiều, con đường gánh gạo, muỗi bay rừng già cho dài tay áo. Hết rau rồi em có lấy măng không? Còn em thương bên tây anh mùa đông, nước khe cạn, bướm bay lèn đá. Biết lòng anh say miền đất lạ, chắc em lo đường chắn bom thù".

       Yêu nhau mà phải xa nhau nên càng suy nghĩ nhiều về nhau, càng thương, càng nhớ. Đó là lẽ thường tình. Nghệ thuật của chúng ta đã có biết bao nhiêu thành tựu trong việc thể hiện điều đó. Và đây nữa, thêm một đóng góp của Phạm Tiến Duật và Hoàng Hiệp:

"Anh lên xe, trời đổ cơn mưa

Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ

Em xuống núi, nắng về rực rỡ

Cái nhành cây gạt mối riêng tư"

       Riêng tư phải gác lại, thương nhớ phải xua đi, thực ra không nhờ "cái nhành cây" mà chính là nhờ nơi cái tầm cao mới trong bản lĩnh, trong trách nhiệm, trong lương tâm của tuổi trẻ cách mạng. Cái tuổi trẻ vì nước bị xâm lăng nên thấy "đường ra trận …đẹp lắm" thấy "từ nơi em đưa sang bên nơi anh, những binh đoàn nối nhau ra tiền tuyến, như tình yêu nối lời vô tận…" (trích theo lời của ca khúc).

      Tuy nhiên, chính nhờ cách thể hiện cái bản lĩnh ấy, cái trách nhiệm ấy, cái lương tâm ấy; thông qua những động tác gần như hoàn toàn máy móc của cái gạt nước, gần như hoàn toàn vô tri của cái nhành cây; mà Trường Sơn đông Trường Sơn tây đã đi thẳng được vào khung trời mĩ cảm của quảng đại công chúng ca nhạc.

       Cũng nói về cuộc đấu tranh giữa tuổi trẻ, tình yêu với xa cách vì chiến tranh, còn một bài thơ phổ nhạc rất hay là Hành khúc ngày và đêm của Phan Huỳnh Điểu, lời thơ Bùi Công Minh.

Sau những nốt nhạc dạo đầu thep nhịp ca, bài hát chuyển qua nhịp tự do với lời thơ tình thiết tha, hát mà gần như nói:

"Rất dài và rất xa là những ngày thương nhớ

Nơi cháy lên ngọn lửa là trái tim yêu thương, là trái tim thương yêu"

       Đó là hai trái tim yêu thương của hai chiến sĩ: Một chiến sĩ trên mặt trận giết giặc và một chiến sĩ nữa trên mặt trận giáo dục: Một cô giáo đang yêu. Nhạc chuyển vào nhịp hành quân với tiếng hát - lời thơ phấn khởi, hào hùng:

"Anh đang mùa hành quân, pháo lăn dài chiến dịch

Bồi hồi đêm xuất kích chờ nghe tiếng pháo ran

Ngôi sao như mắt anh trong những đêm không ngủ

Giáo án em vẫn mở cho ánh sao bay vào…"

       Nếu như trong Trường Sơn đông Trường Sơn tây, tác giả đã mượn "cái gạt nước", "cái nhành cây" để xua đi niềm thương, nỗi nhớ trong tình yêu xa cách; thì ở Hành khúc ngày và đêm, nỗi nhớ thương của cô giáo đối với anh bộ đội pháo binh được thấm dịu lại qua một thoáng tưởng tượng thật là sâu và cũng thật là ngộ: Ngôi sao kia là mắt anh không ngủ và giáo án này, em để mở dưới ánh sao, để cho anh nhìn - anh nhìn thấy em - chúng ta nhìn thấy nhau rồi đó.

       Ở đây ta lại nhìn thấy cái tầm cao mới trong bản lĩnh, trong trách nhiệm, trong lương tâm của tuổi trẻ cách mạng nhưng được tô đậm ở một khía cạnh khác. Đó là sự lí giải súc tích về các mối liên quan biện chứng giữa tình yêu chân chính với xa cách, hướng tới những hiệu quả tích cực của mối liên quan đó:

"Ngày và đêm xa nhau đâu chỉ dài và nhớ

Thời gian trong cách trở đốt cháy ngời tình yêu"

       Và thế là biến thương nhớ thành dũng cảm, thành ý chí, thành tự hào:

"Pháo anh lên đồi cao, nã vào đầu giặc Mĩ

Bục giảng dưới hầm sâu, em cũng là chiến sĩ"

       Một niềm tin vững chắc, một niềm lạc quan và hi vọng chói ngời đã mở ra cho tuổi trẻ, cho tình yêu ngay giữa cái bóng đen tưởng chừng như vô cùng khủng khiếp của cuộc chiến tranh ấy:

"Cái chết cúi gục đầu, cuộc đời xanh tươi trẻ

Ngày đêm ta bên nhau, những đêm ngày chiến đấu…

Đêm ngày trong chiến đấu, anh với em sống vẫn gần nhau".

       Đây là một trong những ca khúc phổ nhạc từ thơ đã ghi đậm vào kí ức mĩ cảm của công chúng.

      Dù có trong tay những bài thơ hay, nhưng nếu người nhạc sĩ thiếu trải nghiệm trong thực tiễn sôi động, thiếu tâm hồn cao đẹp, chưa chắc đã chắp cánh được cho thơ; càng khó tạo nên một tác phẩm hoàn chỉnh để chuyển tải tới người nghe, giúp họ cảm thụ được những điều tưởng chừng đã cũ, đã quen thuộc một cách mới mẻ hơn, đẹp đẽ hơn.

       Đêm Trường Sơn nhớ Bác (lời thơ: Nguyễn Trung Thu) là một trong những tác phẩm phổ thơ hay nhất của nhạc sĩ Trần Chung và cũng là một trong những tác phẩm phổ thơ hay nhất của ca khúc Cách mạng Việt Nam. Sự đồng cảm sâu sắc của hai tác giả thơ và nhạc đã vẽ nên một bức tranh bằng ca từ và nhạc điệu; để người như được đắm mình vào khung cảnh Trường Sơn đại ngàn, nơi lí tưởng của tuổi trẻ Việt Nam được cháy sáng rực rỡ bằng cuộc hành quân thần kì vì sự nghiệp thống nhất đất nước.

       Bên cạnh đó, nhà thơ Nam Yên và nhạc sĩ Văn An cũng tìm được thêm một phương thức biểu hiện khác là hình ảnh Bác Hồ trong Đôi dép Bác Hồ. Với đôi dép đơn sơ ấy, Bác đã từng đi khắp nơi từ chiến khu, chiến trường nóng bỏng, đến những công trường, hầm mỏ, nhà máy, đồng quê. Hai tác giả thơ và nhạc đã nâng lên đến tầm cao của sự dẫn đường chỉ lối của lãnh tụ đối với nhân dân, với cách mạng, để đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác; cho đến thắng lợi cuối cùng, giải phóng hoàn toàn đất nước, thống nhất non sông một dải.

       Đầu năm 1972, trong không khí sôi động của những tin chiến thắng khi cuộc kháng chiến chống Mĩ đang ở vào giai đoạn quyết liệt nhất, có một bài hát ru thắm đượm tình nhân ái với một giai điệu sâu lắng mang âm hưởng dân ca dân tộc độc đáo. Bài hát chứa đựng một tình cảm ngọt ngào, âu yếm, thiết tha, lại có một cái gì như trăn trở, da diết. Đó là bài "Lời ru trên nương" của Hồ Thuận An (Trần Hoàn), sáng tác dựa theo bài thơ "Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ" của Nguyễn Khoa Điềm.

       Cái cảnh người mẹ vừa địu con trên lưng vừa trỉa bắp (ngô) trên sườn núi trong tiếng nổ của đạn đại bác, dưới tiếng rú rít của từng đàn máy bay siêu âm…

"…Mặt trời của bắp thì nằm lưng núi

Mặt trời của mẹ, con nằm trên lưng…"

       Lời ca - vì là lời thơ hay ý thơ của Nguyễn Khoa Điềm - đã được âm nhạc của Trần Hoàn chắp cánh bay, bay xa và bay cao. Người mẹ như lững thững và sừng sững đối mặt với quân thù để che chắn cho con. Ru con nên vẫn êm ái, êm dịu. Nhưng người mẹ Việt Nam hiện đại và đương đại, trong chiến tranh, vẫn ru con; không dữ dội song có dữ dằn - dữ dằn vì lo toan giữa cái sống và cái chết, dữ dằn vì lo toan cho tương lai của con cháu mình.

       Một đặc điểm chung dễ nhận thấy của tất cả những bài hát ru là giai điệu toát lên một âm hưởng dịu dàng, đằm thắm; biểu hiện một tình cảm âu yếm, nâng niu, bao dung của người mẹ. Đây không phải là một bài hát ru con trong cuộc sống yên ả, thanh bình mà rất khắc nghiệt của những ngày chiến tranh.

       Người mẹ trong chiến tranh cùng với bao người khác đã phải đương đầu với gian truân, khổ ải; với cuộc sống vừa phải chiến đấu vừa phải sản xuất làm ra hạt bắp (ngô) để duy trì sự sống. Người mẹ vừa lo bảo toàn tính mạng cho đứa con, lại vừa lo cho nó lớn lên, nên người: “Mẹ thương A Kay, mẹ thương bộ đội. Con mơ cho mẹ hạt lúa lên bông. Mai sau khôn lớn, vung chày lún sâu…”; và: “Giặc Mỹ buộc ta phải đi xa con suối. Các anh cầm súng với các chị cầm chông, A Kay ơi! Mẹ đưa A Kay ta quyết giành cuộc sống…”.

       Thật tội nghiệp sao khi bé thơ (A Kay) trong bài hát vừa ra đời đã phải ngày ngày “lớn trên lưng mẹ”, mà không được lớn trong vành nôi, trên cánh võng hoặc trong vòng tay bế bồng của mẹ. Chẳng có người mẹ nào mong muốn điều đó. Chẳng qua chỉ vì “giặc Mỹ buộc ta phải đi xa con suối”. Nhưng chính những em bé như thế đã góp phần tạo nên vóc dáng anh hùng của dân tộc ta.

       Người mẹ hiện ra trong bài thơ của Nguyễn Khoa Điềm, rồi bài hát của Hồ Thuận An là điển hình cho những người mẹ Việt Nam: lam lũ, vất vả, cực nhọc nhưng luôn dạt dào tình mẫu tử sâu nặng; và tràn đầy niềm tin, lạc quan ở cuộc sống. Người mẹ có được phẩm chất này chính bởi luôn xuất phát từ đứa con. Tất cả những ai không làm mẹ không thể cảm nhận được một điều giản dị như chân lí: Đối với người mẹ, đứa con là tất cả. Chúng là ngọn nguồn của mọi niềm vui, yêu thương, hi vọng.

       Tác giả thơ đã có hai câu thật hay, có thể cho là hiếm có trong kho tàng thơ ca hiện đại Việt Nam: “Mặt trời của bắp thì nằm lưng núi. Mặt trời của mẹ, con nằm trên lưng”. Người mẹ đã ví con như mặt trời, có nghĩa con chính là nguồn sống của mẹ...

       Không có con, mẹ không có cuộc sống, không có lí do tồn tại, giống như không có mặt trời (thiên nhiên), thì trái bắp kia không thể trổ thành hạt. Quả là không thể có cách so sánh nào sâu sắc hơn.

       Với Lời ru trên nương, Hồ Thuận An đã tỏ ra thẩm thấu sâu sắc mọi ý tứ của lời thơ để tạo nên một ngôn ngữ âm nhạc “đắt” nhất, phù hợp nhất. Chất liệu dân ca dân tộc Pa kô được nhạc sĩ nhào nặn rất nhuần nhuyễn, cộng với một bố cục hợp lí.

       Tiếng ru và hình ảnh người mẹ trong lao động cứ quyện chặt nhau làm cho cả bài như một bức tranh được bố cục hợp lí, hòa hòa; gợi ta nghĩ đến một sức vươn dậy mãnh liệt, vô tận của cuộc sống, không kẻ thù nào có thể hủy diệt. Người mẹ trong bài hát này gắn với một không gian cụ thể, với những âm điệu mang màu sắc địa phương rõ rệt, khiến người nghe không thể lẫn lộn với bất cứ vùng đất nào khác. Bài hát có sức rung động mãnh liệt trái tim người nghe bởi sự sâu sắc của lời thơ được chuyển tải bằng một giai điệu giàu cảm xúc, có nhiều tìm tòi trong ngôn ngữ âm nhạc.

       Đây là một trong số hiếm hoi những bài hát phổ thơ đạt được sự hài hòa hoàn chỉnh nhất giữa lời ca và âm nhạc - một bài hát phổ thơ mẫu mực, khó có sự toàn bích hơn.

       Đối chiếu với thực tế, ta có thể thấy, đã có những bài thơ trở nên nổi tiếng hơn rất nhiều sau khi được chắp thêm "đôi cánh nhạc". Theo quan điểm của Phan Huỳnh Điểu: "Xét đến cùng, chất thơ trong ca từ của một nhạc sĩ thuần túy không thể bằng được chất thơ trong ca từ vốn là bài thơ của một nhà thơ". Từ lí dó đó, nhạc sĩ rất hứng thú phổ nhạc cho thơ và xem thơ và nhạc như "cặp chị em sinh đôi", "thơ một cánh, nhạc một cánh cho tác phẩm bay lên".

       Ca từ và ngôn ngữ âm nhạc của bài ca được kết hợp một cách gắn bó, hài hòa, bổ trợ nhau. Chính cái "ăn nhập" nhạc/lời đạt tới đỉnh cao nghệ thuật phổ thơ nên các ca khúc trữ tình cách mạng đã có một sức sống bền lâu, hấp dẫn không chỉ với công chúng hôm qua mà cả công chúng yêu nhạc hôm nay.

 

 

 

 

Thái Hà

Website: http://nhanvanblog.com/

Facebook: http://www.facebook.com/thaiha811

Page: https://www.facebook.com/nhanvanblog/

Email: dothaiha86@gmail.com

 


Tác giả: © dothaiha - nhanvanblog.com

Bài viết liên quan
Nội dung đang được cập nhật.
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Chẳng cầu trong những năm tháng đẹp nhất gặp được người tốt nhất, chỉ nguyện những năm còn sống được tương phùng, lựa chọn một tòa thành sống với nhau đến già. ...
Tiếng dương cầm vọng mãi
Tiếng dương cầm vọng mãi
Chẳng ngôn ngữ nào êm dịu và trầm lắng cho bằng ngôn ngữ của thi ca Chẳng âm điệu nào thiết tha cho bằng cung thanh trầm của khúc nhạc... Tôi có một tình yêu lớ...
Nắng ấm quê hương
Nắng ấm quê hương
Quê hương là gì hở cha?Ai đi xa cũng nhớ nhiều... Phải thừa nhận rằng từ trước giờ, con chưa bao giờ nghĩ đến khái niệm Quê hương. Và cũng chưa một lần, con tự ...
THÀNH NGỮ TRUNG HOA

THÀNH NGỮ TRUNG HOA

Ngọc bất trác, bất thành khí  Nhân bất học bất tri lý Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ Vô duyên ...
Status 129 trên Nhân Văn Blog

Status 129 trên Nhân Văn Blog

Âm nhạc luôn luôn là nguồn hạnh phúc cho tất cả mọi người sống trên trái đất. Không có âm nhạc thế ...
43 câu nói ý nghĩa

43 câu nói ý nghĩa

1. Bộc lộ sự nóng nảy ra ngoài, đó gọi là bản năng. Kìm nén sự nóng nảy vào bên trong, đó gọi là ...
Như một người cha

Như một người cha

Trong cuộc đời mỗi chúng ta, luôn có những người đã dạy ta một điều gì đó khiến cuộc đời ta thay ...
Người tuổi Dần

Người tuổi Dần

Trời sinh người tuổi Dần rất nhạy cảm, và có giác quan thứ sáu, có khả năng nhìn thấu nội tâm của ...

"Nhân sinh nhược chích như sơ kiến....
Nếu cuối cùng mọi thứ đều phải tan biến, chỉ xin được giữ lại ánh nhìn buổi ban sơ..."

Bụng chứa thi thư, 

phong thái tự đẹp!

Hữu xạ tự nhiên hương

Ngọc bất trác, bất thành khí 

Nhân bất học bất tri lý

Nhất tự thiên kim

Thiên ngôn vạn ngữ

Tri nhân tri diện bất tri tâm

Video clip