Thứ sáu, 29/03/2024 - 17:13

Các biểu trưng về tình yêu trong ca khúc trữ tình Cách mạng Việt Nam

Tình yêu trong các ca khúc trữ tình cách mạng không mờ ảo sương khói, không là cỏ, là gió, chợt đến rồi đi. Yêu, không theo cái cách bột phát, lộ liễu, gấp gáp, mà có phần "cổ điển" trong cái nghĩa kín đáo, sâu nặng, bền lâ...

       Tình yêu trong các ca khúc trữ tình cách mạng không mờ ảo sương khói, không là cỏ, là gió, chợt đến rồi đi. Yêu, không theo cái cách bột phát, lộ liễu, gấp gáp, mà có phần "cổ điển" trong cái nghĩa kín đáo, sâu nặng, bền lâu. Với ca khúc trữ tình cách mạng, tình yêu luôn thủy chung, sắt son, trọn vẹn.

       Cách thức tỏ tình (được biểu hiện trong ca từ) cũng không chỉ khoanh lại trong một dạng. Đã có thời, tình yêu được bộc lộ theo lối bóng gió, xa gần:

"Trúc xinh trúc mọc đầu đình

Em xinh em đứng một mình cũng xinh"

(Dân ca)

       để rồi, tuy có mạnh dạn hơn, nhưng vẫn dè dặt, "ý tứ":

"Ai có về bên bến sông Tương

Nhắn người duyên dáng tôi thương:

Bao ngày ôm mối tơ vương.

Tháng với ngày mờ nhuốm đau thương,

Tâm hồn mơ bóng em luôn,

Mong vài lời em ngập hương…"

(Ai về sông Tương - Thông Đạt)

       hoặc

"…Một đêm trong rừng vắng

Có cô sơn nữ miệng cười khúc khích

Ngắm anh lữ khách rồi lòng bâng khuâng…"

(Sơn nữ ca - Trần Hoàn)

       để rồi da diết đến là mãnh liệt:

"Khi hát lên tiếng ca gửi về người yêu quê ta

Ta át tiếng gió mưa thét gào cuộn dâng phong ba

Em ơi nghe chăng lời trái tim vọng ra

Rung trong không gian mặt biển sôi ầm vang

Qua núi biếc chập chùng xa xa

Qua bóng mây che mờ quê ta

Tiếng ca đời đời chung thủy thiết tha…"

(Tình ca - Hoàng Việt)

        Mặc dù đây là tình cảm riêng tư của vợ chồng nhưng lại chẳng riêng tư chút nào. Đất nước trong thời lửa đạn nên đó là tình trạng chung của nhiều người. Tài năng của Hoàng Việt là biết đẩy từ cái bình thường trở thành cái cao cả, cao thượng:

Em có nghe tiếng ca chứa đựng hận thù sâu xa. Đã biến tình đôi ta thành những cánh sao tỏa sáng. Vượt băng băng qua đêm tối tìm hương hoa. Bến nước Cửu Long còn đó em ơi! Biển lúa nương dâu còn mãi muôn đời. Là còn duyên tình ta với bao tiếng ca không thể xóa nhòa.

       Bài hát Tình ca của nhạc sĩ Hoàng Việt là tiếng nói tha thiết của nhạc sĩ gửi về những người thân yêu ở miền Nam, quê hương anh. Trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, biết bao cặp vợ chồng phải chia li, biết bao người yêu thương phải cách trở; Hoàng Việt đã biến những yêu thương, đau khổ, căm thù đó thành tiếng hát. Tiếng hát thương nhớ, vấn vương nhưng lạc quan, yêu đời; tiếng hát tha thiết chờ mong trông đợi nhưng bền vững niềm tin; tiếng hát bốc lửa nhưng chói chang hi vọng… Tình ca thực sự là một bài hát chan chứa tình yêu nhưng lại dào dạt sức mạnh chiến đấu, một ngôn ngữ mới của âm thanh trữ tình đầy tính lãng mạn cách mạng. Chúng ta khó tìm thấy trong đó những lời lẽ sáo mòn về cuộc tình tự của những đôi nam nữ với "tình yêu muôn thuở". Tác giả đã khéo lồng cái "tôi" vào trong cái "ta" và cái "ta" đó lại mang đầy màu sắc của cái "tôi". Người nghe cũng như người hát tưởng đâu như đang nói về mình, nhưng đồng thời đó lại là tiếng nói của rất nhiều người - nhiều người trong một tâm trạng, một hoàn cảnh và chung một dòng suy nghĩ. Tính khái quát của tác phẩm chính là ở đó.

       Bài hát Tình ca của Hoàng Việt xứng đáng là một bản tình ca đúng cái nghĩa của nó. Một khúc tình ca của những tâm hồn đầy nhiệt tình cách mạng, chứa chan tình cảm; rất lãng mạn đắm say nhưng cũng rất tỉnh táo, lạc quan; rất đỗi yêu thương nồng cháy nhưng cũng rực lửa đấu tranh.

       Khoảng cách thời gian, không gian chẳng làm nhạt đi niềm tin về một tình yêu vĩnh cửu, một tình yêu không già. Đó không phải loại tình ca giận hờn đỏng đảnh một cách hời hợt, hoặc đau đớn não nề một cách giả tạo như thường gặp trong nhiều bài hát "thời thượng" của âm nhạc thời kinh tế thị trường. Nếu thuở nào đã nhắn nhủ nhau lời thề: "Bến thì một dạ, khăng khăng đợi thuyền", thì nay ông vẫn muốn giữ cho tình yêu "một màu hoa tím". Chỉ một lần đến là có một đời để nhớ để yêu, là nguyện nuôi tình yêu trẻ mãi đến trọn đời. Chữ yêu luôn đi kèm với chữ tin, dù xa cách vẫn biết "anh đang nghĩ với em những điều em nghĩ" và "anh vẫn thấy đời không lẻ loi". Những nàng Tô Thị của hôm nay cũng như trong quá khứ, của thời bình cũng như thời chiến, luôn mong mỏi "đợi anh về" để có một hạnh phúc thật giản dị, đời thường: được ghen được hờn, được thương được giận, được cùng chồng hôn con.

       Sau tám năm, lại xuất hiện một bài hát cũng theo cách đi này nhưng không phải là sự cách trở giữa anh Bắc em Nam, mà là cuộc chia tay để rồi anh Nam em Bắc. Tiễn anh lên đường (Nguyễn Văn Tý) là bức tranh về tình yêu của đôi trai gái miền Bắc vừa dìu dặt, vừa trung chinh. Nhưng cao hơn, mối tình lại được đặt trong nhiệm vụ chung của lúc đó là giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. "Căm  thù giặc Mĩ sục sôi, anh ra nơi tiền tuyến em vào dân quân. Đôi chúng ta đã chung một lời nguyền. Thề quyết đánh tan giặc Mĩ, Nam Bắc nối liền ta sẽ gần nhau" .

       Tình ca Tây Bắc khắc họa lại tình yêu của đôi trai gái Thái, mộng mơ và trong sáng, có thể ví như núi Mường Hum với dòng sông Mã. Khi nhìn nhận về những bài hát trữ tình dạng này, nhóm tác giả của cuốn Âm nhạc mới Việt Nam tiến trình và thành tựu có đưa ra nhận xét:

       Trong tất cả những tác phẩm liên quan đến loạt bài hát tình ca "núi rừng" đã nảy nở hai yếu tố quan trọng cho hướng phát triển chung của dòng tình ca mới giai đoạn 1954 - 1975. Tình ca Tây Bắc của Bùi Đức Hạnh đề xuất một mô hình, một kinh nghiệm về việc vận dụng ngôn ngữ của nhạc mới vào tình ca. Trước ngày hội bắn của Trịnh Quý đề xuất một mô hình, một kinh nghiệm về việc đưa nội dung đề tài mới vào tình ca.

       Tình ca Tây Bắc vừa là bài ca ngọt ngào về tình yêu đôi lứa của các chàng trai, cô gái vùng Tây Bắc; vừa là khúc ca trữ tình, sâu lắng về tình yêu quê hương, đất nước. Bùi Đức Hạnh đã lấy âm hưởng dân ca làm nền cho giai điệu bài hát rất có hiệu quả. Bên cạnh lời ca giàu hình ảnh, hình tượng và cảm xúc, giai điệu bài hát mượt mà, đằm thắm, ngọt ngào như dòng suối trong xanh. Mỗi lần ngân lên khúc ca ấy, chúng ta như được trở về và sống trong phong cảnh sơn thủy hữu tình nên thơ; được ngắm rừng cây xanh, suối mát và được tận hưởng không khí yên ả, thanh bình của quê hương Tây Bắc.

"Rừng cây xanh lá muôn đóa hoa mai mừng đón xuân về.

Vui trong nắng vàng từng đàn bướm trắng bay khắp rừng hoa".

       Lời mở đầu của bài hát rất tự nhiên như chính cảnh quan núi rừng yên ả vốn có vậy. Nhưng rừng không phải là tập hợp những cây vô tri vô giác, mà rừng như được "thổi hồn" vào đó vì những đóa hoa vàng đang tưng bừng nở rộ để báo hiệu mùa xuân đã về. Hòa với màu vàng của hoa mai và của ánh nắng, sự xuất hiện của "từng đàn bướm trắng bay khắp rừng hoa" làm cho bức tranh của núi rừng ngày xuân như được tô điểm tuyệt bích. Đang hồ hởi, phấn khởi trước cảnh quan thiên nhiên tươi tắn, tác giả như lắng đọng tâm hồn khi "Ngập ngừng bên suối nước reo quanh mình như muôn tiếng đàn. Bâng khuâng nỗi lòng nhịp sáo ai đưa tiếng ca rộn vang". Đến đây, bức tranh thiên nhiên không chỉ có cảnh đẹp, mà đan cài trong đó là âm thanh trầm bổng của tiếng đàn, là nhịp điệu du dương của tiếng sáo.

       Đoạn tiếp theo với lời ca "Em là dòng sông Mã. Anh là núi Mường Hung. Cho thuyền em ngược dòng. Gió đưa em về núi" (lời 1) đã làm cho phong cảnh sơn thủy hữu tình thêm lãng mạn, mộng mơ vì có đôi trai làng, gái bản đang bên nhau trong mùa hò hẹn. Núi là anh, suối là em - sự ví von ấy như minh chứng cho một tình yêu đôi lứa mãi mãi bền vững như ngọn núi Mường Hung cao vút và dạt dào vô tận như dòng sông Mã không bao giờ khô cạn. Hay ở lời 2: "Anh là rừng xanh thắm. Em là suối ngàn sâu. Cây rừng anh làm cầu, vắt ngang trên dòng suối" thì tình yêu đôi ta lại càng thêm mặn mà, đằm thắm; vì anh như cây rừng làm nhịp cầu để nối liền và gắn kết với dòng suối của em. Một hình ảnh ẩn dụ thật tinh tế mà vẫn rất gần gũi như lối nghĩ, lối nói thật thà, chất phác của người dân tộc Thái: "Em hãy về bên suối, Đợi anh ở bên khuông. Anh làm no lòng mường. Em làm vui ấm bản" (lời 1) vừa là câu hẹn hò, vừa là lời động viên nhắn nhủ; để tình yêu đôi ta được sống trong thuận hòa, no ấm của bản làng, quê hương.

       Nếu sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cảnh và tình trong những lời mở đầu rất nhẹ nhàng bằng âm điệu mượt mà, sâu lắng; thì ở những lời ca tiếp theo là những giai điệu trữ tình ngọt ngào, da diết. Đó là "cái nền" mềm mại, uyển chuyển để tạo "sức bật" cho điệp khúc của bài hát được đẩy nhanh tiết tấu với nhịp điệu vui tươi, rộn ràng trong đoạn cuối: "Rừng rừng hoa với chim ca tưng bừng. Suối nước trong xanh soi bóng anh và bóng em. Bên nhau cùng sống vui êm đềm cùng núi rừng. Đất nước hòa bình hạnh phúc ta như mùa xuân". Mối tình "Núi Mường Hung - dòng sông Mã" như được cất cao, ngân vang với một mong ước rất đỗi thân thương và bình dị: Tình yêu đôi lứa chỉ đẹp hơn, ý nghĩa hơn khi bản làng có cuộc sống êm đềm, yên ả và đất nước được hòa bình, hưng thịnh. Lời ca như một ẩn ý nhắn với chúng ta rằng, tình yêu đôi lứa chỉ thật sự "hạnh phúc như mùa xuân" khi biết kết hợp và gắn bó hài hòa, mật thiết với tình yêu quê hương, cội nguồn, xứ sở - mảnh đất sinh ra và nuôi dưỡng chúng ta khôn lớn, trưởng thành.

       Còn Thuận Yến:

"Anh phải về thôi, xa em thôi

Hoàng hôn yên lặng cũng theo về"

       Giữa gió và rừng đại ngàn Trường Sơn, Thuận Yến nhớ về:

       "Xa hàng cây đêm hò hẹn ta ngồi" (Đấy là Cổ Ngư, đường Thanh Niên đất Hà Thành một thời họ đã yêu và nhớ).

"Hoa khế rụng tắm ngần lối nhỏ

Để mãi lòng ta xao xuyến bồi hồi"

       Người thưởng thức sáng tác này của Thuận Yến cũng đầy cảm rung khi những nốt nhạc của ông bỗng dâng cao và, "chia tay em, chia tay hoàng hôn, anh mang theo về tình yêu và nỗi nhớ, anh mang theo về con tim cô đơn…"

       Một không gian từ bờ bên này hướng về phía quê nhà bên kia sông hiện dần ra trong Câu hò trên bờ Hiền Lương. Khung cảnh rộng mở với thuyền căng buồm theo gió trên sông, chim dang cánh so mây lưng trời, nhưng lại u ám bởi "sương mờ" và "mây đen". Tất cả tạo nên bối cảnh cho câu hò cất lên trong đoạn phát triển. Cao trào tình cảm của bài hát được gửi vào câu hò mang những hình ảnh, ý tứ rất dân gian: mượn con thuyền - bến nước để thổ lộ tình anh với nàng. Theo "thú nhận" của tác giả, tuy chưa được nghe một Nghị quyết nào của Trung ương về việc chiến đấu, nhưng bức xúc tình cảm chung của những người tập kết đã khiến ông ngay thời điểm đó đã thấy nhất định phải hành động, phải "xé mây":

"Xé mây cho sáng trăng vàng

Khai sông nối bến cho nàng về anh"

       Câu hò bên bờ Hiền Lương trở thành một trong những bài ca trữ tình, tha thiết và Nam bộ nhất trong số các ca khúc nhớ quê hương của những người con miền Nam trên đất Bắc.

       Nỗi nhớ ở các ca khúc trữ tình cách mạng không ảo não, rầu rĩ, mặc dù trong chia li có đắng cay, đau buồn và bão tố. Chỉ một ngày chưa gặp mặt đã nhớ mênh mông, huống hồ nhiều ngày nhiều đêm xa nhau trong khoảng cách không gian của hai ngả đường chiến dịch, hai đầu con sông, hai đầu đất nước, hai phương trời. Có nhớ mới biết yêu nhường nào, có "ở hai đầu nỗi nhớ" mới biết "yêu và thương sâu hơn" và thời gian trong cách trở chỉ càng đốt cháy ngời tình yêu đích thực.

 

 

 

 

Thái Hà

Website: http://nhanvanblog.com/

Facebook: http://www.facebook.com/thaiha811

Page: https://www.facebook.com/nhanvanblog/

Email: dothaiha86@gmail.com

 


Tác giả: © dothaiha - nhanvanblog.com

Bài viết liên quan
Lời thơ được phổ nhạc

Lời thơ được phổ nhạc

Ca khúc hay là một ca khúc mà bản thân lời của nó đã là một bài thơ hay. Và những bài thơ hay thường dễ trở thành lời cho những ca khúc hay. Ca khúc có lời vốn là một bài thơ ta thường quen gọi là ...
Sự phù hợp về cao độ trong ca khúc

Sự phù hợp về cao độ trong ca khúc

Sự tính toán về mặt khoa học đã cho thấy những tương ứng giữa cao độ của các nốt nhạc với âm vực của các thanh điệu trong hệ thống thanh điệu của tiếng Việt. Điều này vô cùng quan trọng bởi nó liên ...
Ca khúc trữ tình cách mạng

Ca khúc trữ tình cách mạng

Nếu tính chất âm nhạc chủ yếu của những bài hành khúc là khỏe khoắn, hào hùng, thì ca khúc trữ tình là những bài hát thể hiện chiều sâu nội tâm của con người với những cung bậc khác nhau. Trong ca ...
Lí thuyết ca từ

Lí thuyết ca từ

Nói đến bài hát, không thể không nói đến lời ca. Trong ca khúc, lời ca, ca từ đóng một vai trò khá quan trọng.Lời ca, trước hết là lời, lời nói, nhưng không phải lời nói hằng ngày, mà là lời được ca ...
Lời ca chịu sự chi phối của âm nhạc

Lời ca chịu sự chi phối của âm nhạc

Ca khúc trữ tình cách mạng viết về chiến đấu nhưng lại thông qua cái góc độ trữ tình, tâm tình để ca ngợi cái đẹp trong chiến đấu. Trong ca khúc trữ tình cách mạng, thật khó phân biệt chỗ nào tác giả ...
Văn hoá doanh nghiệp

Văn hoá doanh nghiệp

Văn hoá doanh nghiệp là toàn bộ những nhân tố văn hoá được doanh nghiệp chọn lọc, tạo ra, sử dụng và biểu hiện trong hoạt động kinh doanh, tạo nên bản sắc kinh doanh của doanh nghiệp đó.
Các cấp độ văn hóa doanh nghiệp

Các cấp độ văn hóa doanh nghiệp

Theo Edgar H. Schein, văn hoá doanh nghiệp có thể chia thành ba cấp độ khác nhau. Thuật ngữ “cấp độ” dùng để chỉ mức độ có thể cảm nhận được của các giá trị văn hoá doanh nghiệp hay nói cách khác là ...
Một số đặc điểm cơ bản về Móng Cái - Quảng Ninh

Một số đặc điểm cơ bản về Móng Cái - Quảng Ninh

Đặc điểm địa lí Thành phố Móng Cái tỉnh Quảng Ninh nằm ở vị trí vĩ độ kinh đông, vùng Đông Bắc tổ quốc, có tọa độ địa lí quốc gia: Vĩ độ Bắc từ 21010' đến 21039' và kinh độ Đông từ 107043' đến ...
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Chẳng cầu trong những năm tháng đẹp nhất gặp được người tốt nhất, chỉ nguyện những năm còn sống được tương phùng, lựa chọn một tòa thành sống với nhau đến già. ...
Tiếng dương cầm vọng mãi
Tiếng dương cầm vọng mãi
Chẳng ngôn ngữ nào êm dịu và trầm lắng cho bằng ngôn ngữ của thi ca Chẳng âm điệu nào thiết tha cho bằng cung thanh trầm của khúc nhạc... Tôi có một tình yêu lớ...
Nắng ấm quê hương
Nắng ấm quê hương
Quê hương là gì hở cha?Ai đi xa cũng nhớ nhiều... Phải thừa nhận rằng từ trước giờ, con chưa bao giờ nghĩ đến khái niệm Quê hương. Và cũng chưa một lần, con tự ...
THÀNH NGỮ TRUNG HOA

THÀNH NGỮ TRUNG HOA

Ngọc bất trác, bất thành khí  Nhân bất học bất tri lý Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ Vô duyên ...
Status 129 trên Nhân Văn Blog

Status 129 trên Nhân Văn Blog

Âm nhạc luôn luôn là nguồn hạnh phúc cho tất cả mọi người sống trên trái đất. Không có âm nhạc thế ...
43 câu nói ý nghĩa

43 câu nói ý nghĩa

1. Bộc lộ sự nóng nảy ra ngoài, đó gọi là bản năng. Kìm nén sự nóng nảy vào bên trong, đó gọi là ...
Như một người cha

Như một người cha

Trong cuộc đời mỗi chúng ta, luôn có những người đã dạy ta một điều gì đó khiến cuộc đời ta thay ...
Người tuổi Dần

Người tuổi Dần

Trời sinh người tuổi Dần rất nhạy cảm, và có giác quan thứ sáu, có khả năng nhìn thấu nội tâm của ...

"Nhân sinh nhược chích như sơ kiến....
Nếu cuối cùng mọi thứ đều phải tan biến, chỉ xin được giữ lại ánh nhìn buổi ban sơ..."

Bụng chứa thi thư, 

phong thái tự đẹp!

Hữu xạ tự nhiên hương

Ngọc bất trác, bất thành khí 

Nhân bất học bất tri lý

Nhất tự thiên kim

Thiên ngôn vạn ngữ

Tri nhân tri diện bất tri tâm

Video clip