Tác động tích cực
Văn hóa doanh nghiệp tạo nên phong thái của doanh nghiệp, giúp phân biệt doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác
Văn hoá doanh nghiệp gồm nhiều bộ phận và yếu tố hợp thành: Triết lí kinh doanh, các tập tục, lễ nghi, thói quen, cách họp hành, đào tạo, giáo dục, thậm chí cả truyền thuyết, huyền thoại về người sáng lập hãng… Tất cả những yếu tố đó tạo ra một phong cách, phong thái của doanh nghiệp và phân biệt nó với các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội khác. Phong thái đó có vai trò như “không khí và nước”, có ảnh hưởng cực kì lớn đến hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp.
Chúng ta không mấy khó khăn để nhận ra phong thái của một doanh nghiệp thành công, phong thái đó thường gây ấn tượng rất mạnh cho người ngoài và là niềm tự hào của các thành viên trong doanh nghiệp. Như khi bước vào công ty Walt Disney, người ta có thể cảm nhận được một vài giá trị rất chung qua các bộ đồng phục cho các nhân viên, một số khẩu ngữ chung mà nhân viên Walt Disney dùng (như “một chú Mickey tốt đấy” có nghĩa là “bạn làm việc tốt đấy”), phong cách ứng xử chung (luôn tươi cười và lịch sự với khách hàng) và những tình cảm chung (đều rất tự hào vì được làm việc cho công ty).
Văn hóa doanh nghiệp tạo nên lực hướng tâm chung cho toàn doanh nghiệp
Một nền văn hóa tốt giúp doanh nghiệp thu hút nhân tài và củng cố lòng trung thành của nhân viên đối với doanh nghiệp.
Người ta lao động không chỉ vì tiền mà còn vì những nhu cầu khác nữa. Hệ thống nhu cầu của con người theo A.Maslow, là một hình tam giác gồm năm loại nhu cầu xếp theo thứ tự từ thấp đến cao: Nhu cầu sinh lí; nhu cầu an ninh; nhu cầu giao tiếp; nhu cầu được kính trọng và nhu cầu tự khẳng định mình để tiến bộ. Các nhu cầu trên là những cung bậc khác nhau của sự ham muốn có tính khách quan ở mỗi cá nhân. Nó là những động lực thúc đẩy con người hoạt động nhưng không nhất thiết là lí tưởng của họ.
Từ mô hình của A.Maslow, có thể nhận thấy thật sai lầm nếu một doanh nghiệp cho rằng chỉ cần trả lương cao là sẽ thu hút, duy trì được người tài. Nhân viên chỉ trung thành và gắn bó lâu dài khi họ thấy hứng thú được làm việc trong môi trường doanh nghiệp, cảm nhận được bầu không khí thân thuộc trong doanh nghiệp và có khả năng tự khẳng định mình để thăng tiến. Trong một nền văn hoá chất lượng, các thành viên nhận thức rõ ràng về vai trò của bản thân trong toàn bộ tổng thể, họ làm việc vì mục đích và mục tiêu chung.
Văn hóa doanh nghiệp khích lệ quá trình đổi mới và sáng chế
Tại những doanh nghiệp mà môi trường văn hoá ngự trị mạnh mẽ sẽ nảy sinh sự tự lập đích thực ở mức độ cao nhất, nghĩa là các nhân viên được khuyến khích để tách biệt ra và đưa ra sáng kiến, thậm chí cả các nhân viên cấp cơ sở. Sự khích lệ này sẽ góp phần phát huy tính năng động sáng tạo của các nhân viên. Mặt khác, những thành công của nhân viên trong công việc sẽ tạo động lực gắn bó họ với công ty lâu dài và tích cực hơn.
Tác động tiêu cực
Thực tế chứng minh rằng hầu hết các doanh nghiệp thành công đều có tập hợp các “niềm tin dẫn đạo”. Trong khi đó, các doanh nghiệp có thành tích kém hơn nhiều thuộc một trong hai loại: Không có tập hợp niềm tin nhất quán nào hoặc có mục tiêu rõ ràng và được thảo luận rộng rãi nhưng chỉ là mục tiêu có thể lượng hoá được (mục tiêu tài chính) mà không có mục tiêu mang tính chất định tính. Ở một khía cạnh nào đó, các doanh nghiệp hoạt động kém đều có nền văn hóa doanh nghiệp “tiêu cực”.
Một doanh nghiệp có nền văn hoá tiêu cực có thể là doanh nghiệp mà cơ chế quản lí cứng nhắc theo kiểu hợp đồng, độc đoán, chuyên quyền, hệ thống tổ chức quan liêu, gây ra không khí thụ động, sợ hãi ở các nhân viên, khiến họ có thái độ thờ ơ hoặc chống đối giới lãnh đạo. Đó cũng có thể là một doanh nghiệp không có ý định tạo nên một mối liên hệ nào khác giữa những nhân viên ngoài quan hệ công việc mà là tập hợp hàng nghìn người hoàn toàn xa lạ, chỉ tạm dừng chân ở công ty. Người quản lí chỉ phối hợp các cố gắng của họ và dù thế nào cũng sản xuất được một thứ gì đó, nhưng niềm tin của người làm công vào doanh nghiệp thì không hề có.
Trên thực tế, có không ít các doanh nghiệp hiện nay đang đi theo “đà” này. Ví dụ như các công ty mĩ phẩm, dược phẩm, họ có thể tiến hành tuyển dụng ồ ạt hàng chục, thậm chí hàng trăm nhân viên bán hàng tại một thời điểm, không quan tâm đến trình độ học vấn của nhân viên. Các công ty này trả lương cho nhân viên thông qua thống kê đầu sản phẩm họ bán được trong tháng. Nếu một nhân viên không bán được gì trong tháng, người đó sẽ không nhận được khoản chi trả nào từ phía công ty. Trường hợp họ bị ốm, công ty cũng không có chế độ đặc biệt nào. Thậm chí, nếu một nhân viên xin nghỉ việc vài ngày, họ sẽ có nguy cơ bị mất việc làm.
Một điều không thể phủ nhận là nếu những giá trị hoặc niềm tin của doanh nghiệp mang tính tiêu cực thì nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến con người của doanh nghiệp đó. Công việc xác định phần lớn cuộc đời của một nhân viên. Nó quyết định thời giờ đi lại của chúng ta, nơi chúng ta sống tới hàng xóm láng giềng của chúng ta. Công việc ảnh hưởng đến quyền lợi, cách tiêu khiển cũng như bệnh tật của chúng ta. Nó cũng quyết định cách chúng ta dùng thời gian sau khi về hưu, đời sống vật chất của chúng ta và những vấn đề chúng ta sẽ gặp phải lúc đó. Bởi vậy, nếu môi trường văn hoá ở công ty không lành mạnh, không tích cực sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm lí làm việc của nhân viên và tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh của toàn công ty.
***Trích dẫn từ Khóa luận tốt nghiệp Cử nhân Quản lí văn hóa năm 2011:
“XÂY DỰNG VĂN HÓA DOANH NGHIỆP Ở CÔNG TY TNHH TRÍ LỰC - THÀNH PHỐ MÓNG CÁI - TỈNH QUẢNG NINH”
Giảng viên hướng dẫn: TS. Nguyễn Thị Phương Thảo
Sinh viên thực hiện : Đỗ Thái Hà
Trường: Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương