Như ta đã biết, vần vốn là một khái niệm quen thuộc của thi ca, là yêu cầu bắt buộc đối với một số thể thơ cổ điển hoặc truyền thống như: Đường luật (ngũ ngôn, thất ngôn, cổ phong), song thất lục bát, lục bát. Trong một cái nhìn hiện đại và mới mẻ hơn, những quan niệm cũng như cách phân loại về vần thơ Việt Nam được trình bày qua một chuyên luận đầy tin cậy mang tên Vần thơ Việt Nam dưới ánh sáng ngôn ngữ học của tác giả Mai Ngọc Chừ. Tác giả Mai Ngọc Chừ phân chia ra 3 loại vần chính là vần chính, vần thông và vần ép cùng định nghĩa về vần ở đầu chuyên luận: “Vần là sự hòa âm, sự cộng hưởng nhau theo những qui luật ngữ âm nhất định giữa hai từ hoặc hai âm tiết ở trong hay cuối dòng thơ và thực hiện những chức năng nhất định như liên kết các dòng thơ, gợi tả, nhấn mạnh sự ngừng nhịp”.
Vần là điều kiện tất yếu và bắt buộc (với các mức độ khác nhau) với thơ nhưng lại không phải là điều kiện bắt buộc với ca từ. Tuy thế, trong quá trình khảo sát và phân tích tư liệu, chúng tôi nhận thấy rằng, những ca khúc hay, nổi tiếng bên cạnh giai điệu đẹp thường rất được chú trọng vấn đề tạo vần trong lời ca. Nói cách khác, người nhạc sĩ biết tận dụng đặc điểm gieo vần của thơ để thể hiện trong phần lời của ca khúc sẽ gây nên những hiệu ứng nghệ thuật thực sự tích cực, có tác động sâu sắc tới ấn tượng của người nghe, nhất là khi sự gieo vần đó được kết hợp với một giai điệu đẹp và sự trau chuốt về ca từ.
Như ở chương 1 chúng tôi từng có dịp trình bày, việc gieo vần trong ca từ bài Tình ca của Hoàng Việt với sự bắt vần của một loạt các âm tiết có kết thúc bằng nguyên âm /a:/ đã tạo ra hiệu quả nghệ thuật mạnh mẽ, gây được dư âm sâu sắc, còn vang vọng mãi trong tâm hồn con người dù bài hát đã kết thúc. Dưới đây, chúng tôi sẽ phân tích thêm một vài trường hợp điển hình đặc sắc khác về sự tạo vần/gieo vần trong ca từ của một số ca khúc trữ tình cách mạng giai đoạn 1954 - 1975.
Trong bài Mẹ yêu con (Nguyễn Văn Tý), ngay từ những câu đầu của bài hát, người nhạc sĩ đã chú trọng tới sự gieo vần cho ca từ, tạo nên âm hưởng ngân vang bằng cách chọn những âm tiết có kết thúc cùng bằng một âm cuối mang tính chất mũi là /ng/: “Mẹ thương con có hay chăng? Thương từ khi thai nghén trong lòng. Mấy nắng sớm chiều mưa dòng. Chín tháng so chín năm, gian khó tính khôn cùng…”. Cũng dùng những âm tiết có tính chất mũi ở cuối để bắt vần với nhau là các ca khúc nổi tiếng khác như Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người (Trần Kiết Tường) và Cô gái mở đường (Xuân Giao): “Tôi hát ngàn lời ca. Bao la hơn những cánh đồng. Mênh mông hơn mặt biển Đông, êm đềm hơn những dòng sông” và “Tiếng hát ai vang động cây rừng. Phải chăng em cô gái mở đường (…) Ơi những cô con gái đang ngày đêm mở đường. Hỏi em bao nhiêu tuổi mà sức em phi thường (…) Em đi bắc những nhịp cầu, nối những con đường tổ quốc yêu thương. Cho xe thẳng tới chiến trường”.
Trong trường hợp khác, khi mở đầu bài hát, tác giả có thể chưa quan tâm đến gieo vần nhưng càng về sau càng chú ý. Và nhất là ở những câu kết của bài hát, vấn đề gieo vần càng được đặc biệt chú trọng để tạo ra hiệu quả về độ dư ba, dư âm vang vọng mãi trong lòng người. Chúng tôi muốn nói đến bài Bác đang cùng chúng cháu hành quân (Huy Thục). Hai câu đầu của bài chưa hề có bắt vần: “Đêm nay trên đường hành quân ra mặt trận. Trùng trùng đoàn quân tiến bước theo con đường của Bác”. Nhưng đến hai câu tiếp theo, người nhạc sĩ bắt đầu quan tâm đến tạo vần: “Nở ngàn hoa chiến công ta dâng lên Người. Dâng lên tới Đảng cả niềm tin chiếu sáng ngời”. Và cho đến hai câu cuối thì cả vần chân và vần lưng đều được quan tâm tạo dựng với những âm tiết chứa nguyên âm /a:/, thể hiện độ mở cao nhất: “Lời Bác thúc giục chúng ta. Chiến đấu cho quê nhà Nam Bắc hòa lời ca”.
***Trích dẫn từ Luận văn Thạc Sĩ Khoa học Ngữ văn năm 2012:
"ĐẶC ĐIỂM TIẾNG VIỆT THỂ HIỆN TRONG PHẦN LỜI CA CỦA CA KHÚC TRỮ TÌNH CÁCH MẠNG VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1954 - 1975"
Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Phạm Tất Thắng - TS. Đỗ Anh Vũ
Học viên Cao học : Đỗ Thái Hà
Chuyên ngành: Ngôn ngữ học - Trường: Đại học Sư phạm Hà Nội