Pautopxki đã nói: "Những nhân vật và những tính cách sinh động chính là tấm huân chương cao quí của nhà văn". Thực vậy, nhân vật giữ một vai trò hết sức quan trọng trong thành công của một tác phẩm, một tác giả văn học. Một tác phẩm hay phải là tác phẩm có những nhân vật ấn tượng, cá tính, ám ảnh và thể hiện được sự sáng tạo của người nhào nặn ra chúng. Độc giả trên thế giới biết đến Ngô Thừa Ân bởi vì ông là cha đẻ của Tôn Ngộ Không - một con khỉ tinh anh và trượng nghĩa.
Nhân vật văn học là thuật ngữ chỉ hình tượng nghệ thuật về con người, một trong những dấu hiệu về sự tồn tại toàn vẹn của con người trong nghệ thuật ngôn từ. Bên cạnh con người, nhân vật văn học có khi còn là các con vật, các loài cây, các sinh thể hoang đường được gán cho những đặc điểm giống với con người.
Là phương thức nghệ thuật nhằm khai thác những nét thuộc đặc tính con người, các thành tố tạo nên nhân vật gồm: hạt nhân tinh thần của cá nhân, tư tưởng, các lợi ích đời sống, thế giới xúc cảm, ý chí, các hình thức ý thức và hành động.
Tính toàn vẹn (chỉnh thể) của con người được thể hiện ở văn học trong giới hạn những khả năng của ngôn từ nghệ thuật, chủ yếu là các khả năng miêu tả (tạo hình) và biểu cảm. Ở dạng đầy đủ, đó là hình tượng con người với toàn bộ những đặc điểm loại hình (nét mặt, dáng người, tên riêng...); lối nghĩ; hành động; thế giới tinh thần, tâm hồn. Do vậy, khái niệm này gần với khái niệm tính cách.
Nhân vật văn học là một đơn vị nghệ thuật, nó mang tính ước lệ, không thể bị đồng nhất với con người có thật, ngay khi tác giả xây dựng nhân vật với những nét rất gần với nguyên mẫu có thật. Nhân vật văn học là sự thể hiện quan niệm nghệ thuật của nhà văn về con người, nó có thể được xây dựng chỉ dựa trên cơ sở quan niệm ấy. Ý nghĩa của nhân vật văn học chỉ có được trong hệ thống một tác phẩm cụ thể. Vai trò và đặc trưng của nhân vật văn học bộc lộ rõ nhất trong phạm vi vấn đề "nhân vật và tác giả". Theo Bakhtin, tương quan "nhân vật - tác giả" tuỳ thuộc hai nhân tố: 1. lập trường (công nhiên hoặc che giấu) của tác giả trong quan hệ với nhân vật (lập trường đó có thể là: anh hùng hoá, mỉa mai, chế nhạo, đồng cảm, v.v...); 2. bản chất thể loại của tác phẩm (ví dụ trong văn trào phúng sẽ có kiểu quan hệ của tác giả đối với nhân vật khác với trong văn xuôi tâm lí). Tuỳ thuộc hệ thống nghệ thuật của nhà văn, có những mức độ tự do khác nhau của nhân vật với tác giả: mức tối đa - nhân vật đối lập và đối thoại với tác giả, tính "tự trị" của nó là đáng kể (đây là cơ sở để nói đến "lôgic nội tại" của nhân vật); mức tối thiểu - nhân vật và tác giả mang các nét chung về tư tưởng, tác phẩm trở thành tấm gương soi những tìm tòi về tinh thần của nhân vật, cũng là những bước đường tư tưởng của nhà văn.
Nhân vật văn học là một trong những khái niệm trung tâm để xem xét sáng tác của một nhà văn, một khuynh hướng, trường phái hoặc dòng phong cách. Nhân vật là một sản phẩm sáng tạo của nhà văn, chúng là kết tinh của hoàn cảnh; vì thế nhân vật văn học là người dẫn dắt độc giả vào những môi trường khác nhau của cuộc sống. Văn học không thể thiếu những nhân vật, vì đó chính là phương tiện để nhà văn khái quát hiện thực một cách hình tượng. Mỗi nhà văn có một cách nhìn cuộc sống khác nhau và vì vậy, họ xây dựng những nhân vật khác nhau. Chúng ta cần hiểu đây là một công việc "xây dựng", có nghĩa là nó cần sự sáng tạo, ý tưởng và ước lệ. Nhân vật văn học là đơn vị nghệ thuật đầy tính ước lệ, không thể đồng nhất nó với những con người có thực ngoài đời. Hiện thực cuộc sống chỉ có thể là nguyên liệu tốt nhất cho hoạt động sáng tác của nhà văn. Văn học là môi trường hiện thực hoá những tư tưởng, vật chất hoá tiếng lòng của con người. Nhân vật văn học chính là phương tiện chuyên chở hữu hiệu và trung thành nhất cho những quan niệm nghệ thuật và lí tưởng thẩm mĩ của nhà văn về con người. Vì thế nhân vật luôn gắn chặt với chủ đề của tác phẩm.
Nhân vật như một công trình xây dựng tuyệt mĩ của nhà văn. Con người thực đi vào tác phẩm văn học để trở thành nhân vật trong tác phẩm thì nhà văn phải nhào nặn con người thực qua các biện pháp nghệ thuật đầy sáng tạo. Tuỳ vào tính chất thời đại và bút lực của các nhà văn mà các nhân vật sẽ hiện lên ở những phương diện và mức độ sinh động khác nhau. Miêu tả con người chính là công việc xây dựng nhân vật của nhà văn. Xây dựng nhân vật là một quá trình tìm tòi và sáng tạo. Mỗi nhà văn đều có những thủ pháp xây dựng riêng biệt mang đậm cá tính sáng tạo của mình và chống lại những lối mòn. Xung quanh lớp vỏ ngôn từ được miêu tả về nhân vật là vô số những biện pháp nghệ thuật. Nếu như truyện ngắn đề cập tới một lát cắt trong cuộc đời con người, phạm vi cuộc sống đề cập mang tính nhất thời, hạn hẹp, thường chỉ là một quãng đời của nhân vật thì tạo ra một nhân vật tiểu thuyết là tưởng tượng ra một con người. Tóm lại là phải có đầy đủ mọi thứ làm nên cuộc đời một con người.
Phong cách của nhà tiểu thuyết được thể hiện rõ nét qua các bút pháp xây dựng nhân vật trung tâm, có thể là đề cao, lí tưởng hoá, lạnh lùng sắc sảo hay triền miên theo dòng ý thức... Nhân vật trong tiểu thuyết truyền thống thường được xây dựng theo mô típ nhân vật - hành động. Cốt truyện xoay quanh hành động của các nhân vật, qua đối thoại, miêu tả ngoại hình, ứng xử, lí tưởng hoá nhân vật trở thành những người anh hùng và dũng cảm.
***Trích dẫn từ Khóa luận tốt nghiệp Cử nhân Văn học năm 2010:
“HÌNH TƯỢNG TÔN NGỘ KHÔNG TRONG TÂY DU KÍ CỦA NGÔ THỪA ÂN”
Giảng viên hướng dẫn: ThS. Nguyễn Thanh Diên
Sinh viên thực hiện : Đỗ Thái Hà
Trường: Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội