Bốn nhân vật của Tây du kí là để tiêu biểu cho 4 cái thức của mỗi con người chúng ta. Tam tạng là tiêu biểu cho A-lại-da thức, có vẻ vô tư, vô thiện, vô ác, vô phú, vô kí tính. Trư Bát giới là tiêu biểu cho đệ thất thức, anh đó say mê ăn ngủ, ưa chấp ngã lắm, cho nên bao nhiêu cái hư hỏng phiền não là do anh mà ra hết. Rồi ý thức là Tề Thiên Đại Thánh, là anh bay trên trời cũng được, lặn xuống nước cũng được. Quá khứ vị lai hiện tại Tôn Ngộ Không đều biết cả. Tiền ngũ thức là Sa Tăng. Sa Tăng là anh xuôi xuôi theo vậy thôi, đó là đặc tính của tiền ngũ thức, gặp đâu hay đó, gặp sắc thì hay sắc, gặp tiếng thì nghe tiếng, hễ tiếng qua đi rồi thì thôi.
Kể từ khi nhận giới hạnh, trở thành đệ tử của Phật giáo, Ngộ Không bao giờ cũng thể hiện niềm kính tín đối với Phật tổ và các vị Bồ Tát. Tuy nhiên, đức tin của Ngộ Không xuất phát từ sự minh triết, giác ngộ thực sự, và luôn luôn tiềm ẩn tinh thần phê phán chứ không giống như sự cuồng tín và cố chấp của Đường Tăng. Bằng chứng rõ nhất là tuy ở cương vị đồ đệ nhưng chính Ngộ Không lại là người rất nhiều lần giảng giải giáo lí Phật giáo cho sư phụ của mình. Điều này một mặt có nguồn gốc từ bản thân lí tưởng bình đẳng, bác ái, và tinh thần đề cao giác ngộ bằng sự thể nghiệm cá nhân của Phật giáo nói chung. Mặt khác, nó là sản phẩm của tinh thần thực tiễn của người Trung Quốc vốn được thể hiện rất rõ trong Phật giáo Thiền tông. Nó tạo nên cái cung cách ứng xử cũng khá ngang tàng giữa Ngộ Không với các thần thánh Phật giáo: phản ứng tức khắc mỗi khi cảm thấy các “bề trên” không minh chính hoặc tỏ ra không xứng đáng. Như lần đến mời Quan Âm Bồ Tát hàng phục Hắc đại vương, Bồ Tát vừa mở miệng hỏi Ngộ Không đã nói ngay ý nghi ngờ của mình, chẳng cần úp mở: “Sư phụ tôi dọc đường có gặp một ngôi chùa thờ ngài, ngài được người ta thờ cúng, mà lại cho con yêu tinh gấu đen ở bên cạnh, để nó ăn trộm áo cà sa của sư phụ tôi, mấy lần đòi nó không trả, nay tôi đến đòi ngài đấy!”. Hay lần này Di Lặc giáng hạ bắt quái Hoàng Mi, ban đầu Ngộ Không tỏ ra rất lễ độ với Phật tổ, nhưng vừa nghe nói: “hắn chính là tên tiểu đồng lông mày vàng giữ chiếc khánh cho ta” là lập tức đổi giọng, lớn tiếng quát: “Hòa thượng đáng cười này giỏi thật! Ngài bỏ sống tiểu đồng, để hắn ngông cuồng xưng là Phật tổ hãm hại lão Tôn, không thể miễn lỗi gia pháp không nghiêm!”
Mĩ Hầu Vương đặc biệt có đôi mắt vàng sáng chói, chiếu suốt qua các cung Trời làm Ngọc Hoàng rung động, kinh ngạc. Đôi mắt vàng ấy phân biệt rõ chính tà, hư thật. Đôi mắt vàng ấy đã giàn giụa nước mắt trước cảnh đời vô thường, khổ đau đi tìm đường học đạo bất sinh bất diệt từ Tôn giả Tu Bồ Đề tại một xứ xa xăm. Đôi mắt vàng ấy đã là linh hồn của cuộc hành trình thỉnh Kinh mà thiếu nó thì tức thời phái đoàn rơi vào ma nạn.
Đôi mắt vàng ấy là gì, nếu không phải là biểu tượng của trí tuệ Bát Nhã, của giáo lí trí tuệ Phật giáo?
Như giáo lí Phật giáo đã "dựng đứng dậy những gì bị quăng ngã xuống, mở ra những gì bị che kín”, đôi mắt vàng của Mĩ Hầu Vương đã thấy và đã làm cho chúng ta thấy cái sự thật mộng mị, bất toàn, hư dối từ Âm phủ đến Thiên cung. Cuộc đại náo của Tề Thiên Đại Thánh tại Long cung và Thiên cung là sự đánh thức dậy sự thật ấy cho chúng sinh tại đó thấy rõ lối ra khỏi vô thường, không thật để đi vào nguồn giải thoát chân thật. Vì vậy chiếc thiết bổng nặng nghìn cân của Đại Thánh Tề Thiên, biểu hiện sức mạnh của đôi mắt vàng, là chiếc gậy đánh thức mà không phải nổi loạn, là xây dựng mà không phải đập phá. Chiếc gậy sắt ấy đập phá các nguyên nhân gây ra khổ đau cho cuộc đời và xây dựng an lạc, hạnh phúc của vô sinh. Chỉ đôi mắt vàng tuyệt vời kia xuất hiện trong tiểu thuyết hay truyện phim là đủ để chúng ta đánh giá cao tiểu thuyết ấy, phim ấy.
Hầu như suốt thời gian theo dõi cuộc hành trình thỉnh Kinh, chúng ta đã bị cuốn hút bởi cái nhìn chính xác và bởi thái độ tự chủ trước các hiểm nạn và trước mọi cám dỗ của Tôn Hành Giả. Mỗi cái nhìn, mỗi bước đi của Hành Giả như vang vọng lời Kinh Bát Nhã:
“…Dĩ vô sở đắc, cố Bồ-đề-tát-đoả y Bát Nhã Ba La Mật-đa, cố tâm vô quái ngại, vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn li điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn”.
Hồi thứ hai là hồi học đạo và hành đạo của Tôn Ngộ Không. Tôn Ngộ Không đã học, bàn luận, hành “Tam thừa giáo” và “Nhất thừa giáo” suốt bảy năm liền, như Ngô Thừa Húc giới thiệu:
“…Diễn đủ Tam thừa giáo
Lúc diễn thiền môn, khi giảng đạo
Ba nhà hợp lại nghĩa thêm càng"
Trong thời gian này Tôn Ngộ Không làm công tác của một người xuất gia, chấp tác và thực hành văn tuệ, tư tuệ và tu tuệ để nuôi dướng trí tuệ giác ngộ Không tính (Vô ngã tính) của các pháp. Ngô Thừa Ân đã vẽ nên thời gian tu tập này rành rẽ hệt như một nhà Phật học chính gốc. Động cơ và nguyện vọng xuất gia của Tôn Ngộ Không là để giải thoát hết thảy phiền não, khổ đau của sinh tử rất tương ứng với giáo lí của Phật giáo. Ngô Thừa Ân đã dẫn dắt Tôn Ngộ Không đi đúng tiến trình Giới, Định Tuệ giải thoát khiến cho người đọc Tây du kí không còn nghi ngờ giá trị của bộ tiểu thuyết này mà trong tâm là giới thiệu con đường (hay lộ trình tu tập giải thoát của đạo Phật).
Sau bảy năm hành đạo, khi Tôn Ngộ Không hiểu rõ đường đi và chỗ đến, Tôn giả Tu Bồ Đề dạy tiếp tục công phu thiền chỉ và thiền quán để chế ngự thân và ý, để điều hòa thân và điều hòa tâm. Tôn Ngộ Không thực hành công phu này trong ba năm thì sáng tỏ tâm và tuệ. Một hôm Tôn giả hỏi Tôn Ngộ Không:
“- Ngươi tu đã đắc quả gì rồi?
- Đệ tử gần đây pháp tính hơi thông, căn nguyên cũng dần kiên cố.”
Đã thông pháp tính, đã rõ căn nguyên, còn phải đề phòng ba tai họa nữa (nghĩa là cần tiếp tục công phu chỉ, quán để vượt qua ba tai họa ấy), điều mà kinh nghiệm giải thoát của Tôn Ngộ Không chưa đặt chân đến được. Do vì thành quả tu tập của Tôn Ngộ Không ngang đây là sắp cướp được quyền sinh diệt của tạo hóa nên tạo hóa sẽ giáng xuống ba tai họa. Đó là họa “sét đánh” có thể làm ngưng trệ sinh mệnh giải thoát; họa “âm hỏa” (không phải là lửa trời, cũng không phải là lửa của người) và họa “bi phong” (không phải là gió trời) rất mạnh cũng gây ảnh hưởng khốc hại đến sự nghiệp giải thoát.
Ngôn ngữ của Ngô Thừa Ân tại đây rất là tiểu thuyết và rất là biểu tượng, nhưng đồng thời cũng diễn đạt các bước đi tu tập giải thoát rất là thiện xảo.
Trong giáo lí nhà Phật, ba tai nạn đó là gì?
Trở về với giáo lí truyền thống Phật giáo, khi hành giả thông rõ pháp tính là khi đắc pháp nhãn thanh tịnh, bước vào dòng Thánh; bấy giờ còn lại tập khí sinh tử phải trừ, bao gồm bảy kiết sử: dục, sân, hữu ái, vô hữu ái, mạn, trạo cử và vô minh (hay si). Vô minh ở đây là nội dung của sự việc tâm thức bị rơi vào chấp trước quả đắc (gọi là nạn), lúng túng không thấy lối ra (gọi là trạo cử) mà tự mình không biết (gọi là vô minh). Sự chấp trước này thì rất tế nhị nhưng rất quyết định trong việc làm tắc nghẽn trí tuệ giải thoát sau cùng, tựa như sấm sét nhanh chóng kết liễu sinh mệnh con người. Để vượt qua, hành giả cần hành định sâu và thiền quán mạnh về Vô ngã để cũng nhanh chóng như tiếng sét cắt đứt ngay sinh mệnh của chấp trước, vô minh.
Nạn “âm hỏa” là biểu trưng cho lửa sân và lửa tham dục ở cấp độ tế nhị (đó là dục, sân, khiết sử hữu ái và vô hữu ái); lửa này cũng có khả năng thiêu cháy trí tuệ toàn giác làm héo úa thân huệ mạng.
Nạn “bi phong” là biểu tượng của tâm lay động chao đảo của hành giả do còn chấp pháp, do còn non định lực giải thoát trước bi nguyện độ sinh vô lượng. Định và tuệ Vô ngã còn hạn lượng của hành giả sẽ không thể đứng vững được trước bi nguyện độ sinh vô hạn lượng. Bi nguyện vô hạn lượng này sẽ như một cơn lốc gió vô cùng mạnh làm choáng ngợp hành giả, khiến hành giả không thể hiện được Bồ tát hạnh để chứng đắc trí tuệ toàn giác. Chính ba tai nạn này sẽ tái hiện nhiều lần dưới nhiều thể trạng khác nhau đối với hành giả mà các hồi sau chúng ta sẽ có dịp tiếp tục bàn đến.
Để giúp đệ tử Tôn Ngộ Không có điều kiện thoát khỏi ba tai nạn trên, Tôn giả Tu Bồ Đề đã chỉ dạy sâu thêm công phu tu tập để phát triển mạnh thiền quán Vô ngã, củng cố thêm nhiều cho trí tuệ giải thoát, bằng pháp môn “địa sát” gọi là 72 phép biến hóa thần thông (thất thập nhị huyền công) và “cân đẩu vân” hầu có đủ mọi cách làm bật lên gốc rễ của vô minh và quyến thuộc vô minh.
Chuẩn bị hành trang giải thoát cho Tôn Ngộ Không kĩ càng như thế quả Ngô Thừa Ân đã nắm vững lộ trình tâm thức giải thoát của Phật giáo, ít nhất là về mặt giáo lí.
Tại đây, Tôn Ngộ Không hẳn đã có trí tuệ giải thoát ở mức độ ít nhất là giác tỉnh Năm uẩn là Vô ngã, không còn tự ý giam hãm tâm thức giải thoát của mình vào Năm uẩn, và hẳn đã có tâm giải thoát ở mức dộ Tứ sắc định để có thể biến hoác theo ý muốn (hệ lụy bị Năm uẩn trói buộc do tập khí thì vẫn còn).
Tại đây, sau khi từ giã bậc đạo sứ đại trí tuệ, đệ nhất li thủ, đệ nhất giải Không, trở về Hoa Quả Sơn, Tôn Ngộ Không đã dễ dàng dẹp loạn Hỗn Thế Ma Vương, loạn của các ngã tưởng, để bình định lại giang sơn trí tuệ của mình tại Thủy Liêm động.
Lúc phái đoàn Tây du đến vùng núi Kim Đầu, Tôn Ngộ Không đã biết là có yêu tà, đã can ngăn Đường Tăng đặt chân đến một toà nhà lớn dưới chân núi mà nghi là do yêu tà biến hóa ra, và đã vạch một vòng an toàn ngăn chặn yêu tà cho Đường Tăng, Ngộ Năng, Ngộ Tịnh và Tiểu Long Mã. Tôn Ngộ Không phải đi xa xin cơm cho Đường Tăng. Ngộ Năng lòng vốn chộn rộn không yên; Đường Tăng cũng thế; Ngộ Năng lại khởi lên niệm đố kị Ngộ Không, giục Đường Tăng đến thẳng ngôi nhà quỉ mà khất thực. Độc Giốc quỉ vương đã bắt giam Đường Tăng, Ngộ Năng, Ngộ Tịnh và Tiểu Long mã. Đây là nạn nguy hiểm nhất kể từ ngày đầu lên đường thỉnh kinh.
Hồi 50 nói lên cái tâm động của Đường Tăng và Ngộ Năng: vừa dấy niệm phàm phu, vừa thiếu tuệ, thiếu tình, không biết nghe theo lời dặn của Ngộ Không (người đệ tử đã rất mực trung thành và rất trí tuệ). Tại đây Đường Tăng và Ngộ Năng bộc rõ ràng thái độ kỉ luật thiếu nghiêm túc, định lực yếu và thiếu lòng tin vào tiếng nói trí tuệ (Ngộ Không). Chính khuyết điểm này của tâm thức giải thoát đã mở ra ma nạn ở động Kim Đầu. Với trí tuệ đó, với định lực đó, và với tâm tình đó, hành giả sẽ không thể bước thêm được một bước giải thoát nào, nếu không nói có thể đánh chìm lí tưởng giải thoát. Vì thế, Ngô Thừa Ân đã đưa phái đoàn Tây du (trừ Ngộ Không) vào lao ngục của ác ma lúc bấy giờ.
Tại động Kim Đầu này, Tôn Ngộ Không đã chiến đấu vất vả hơn bao giờ, đã bị cướp mất cả khí giới. Tôn Ngộ Không đã cầu viện Lí Thiên Vương, Na Tra thái tử và cả thần sấm sét; tất cả đều bị ác ma tước mất khí giới. Cuối cùng, Tôn Ngộ Không phải cầu cứu Đức Như Lai mách nước. Tất cả đều thất bại chỉ vì chiếc vòng Kim Cương mài của Độc Giốc quỉ vương (ngoài như Bồ Tát và Phật).
Cái vòng Kim Cương mài (hay Độc Giốc quỉ vương) là biểu tượng của Thái cực của đạo Nho, hay Đạo của Lão giáo. Với đạo Nho, Thái cực sinh ra Lưỡng nghi, (âm, dương); với đạo Lão, Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị… Thái cực hay Đạo ấy mới thực sự là đầu nguồn của thế giới nhị nguyên, của nền văn hóa nhị nguyên.
Đến hồi 49, phái đoàn Tây du nhờ đại định, đại tuệ và lòng đại bi của Bồ Tát Quan Thế Âm cứu giúp mới vượt qua được ma nạn âm dương và ngũ hành, nên hẳn tại đây, núi Kim Đầu, phái đoàn không thể vượt qua được Thái cực hay Đạo (nhất nguyên). Trí tuệ Vô ngã của Tôn Ngộ Không, dù đã được Bồ Tát Quan Thế Âm chỉ dạy cái dụng vô lượng của nó, cũng chưa thể thắng được Độc Giốc quỉ vương, dù không bị Độc Giốc hãm hại. Điều này nói lên rõ ràng trí tuệ Vô ngã của Ngộ Không chưa phát triển được diệu dụng vô biên của nó, do vì thiếu đại định, thiếu tâm giải thoát. Do vì thiếu tâm giải thoát nên phiền não, lậu hoặc còn ngăn che. Còn bị lậu hoặc ngăn che là còn vướng vào tập khí chấp thủ các ngã tướng - Ở đây thì chấp vào tướng một, nhất nguyên, một sự chấp thủ tế nhị vào quả chứng đắc, nên phải bị bại trước Độc Giốc quỉ vương là còn nhân duyên rơi vào vòng đối đãi của sinh tử. Cái vòng Kim Cương mài thu hết, khử hết các khí giới, các vật sinh từ âm dương, ngũ hành là biểu tượng của ý nghĩa đó.
Muốn thoát li khỏi nạn Kim Đầu (Kim có nghĩa gốc của kim, mộc, thủy, hỏa, thổ; bởi đầu có nghĩa là cái mũ) thì hành giả phải nhờ định sâu thiền quán cho đến khi thấy rõ cái gốc sinh khởi của âm dương, ngũ hành. Khi thấy rõ cái gốc ấy rồi thì liền thấy rõ con đường vĩnh viên thoát li sự trói buộc của âm dương, ngũ hành. Công phu giải thoát này Ngộ Không chưa chứng đạt, vì thế phải cầu cứu Như Lai.
Đức Phật cho 18 vị A-la-hán liệng 18 hạt “kim đơn sa” để trắc nghiệm dò tìm gốc của chiếc Kim Cương mài Độc Giốc quỉ vương. Mười tám hạt “kim đơn sa” là tượng trưng cho 18 tâm giác tỉnh Vô ngã để hàng phục 18 tâm ái (ái sáu căn, sáu trần và sáu thức?). Khi 18 hạt kim đơn sa bị chiếc vòng Kim Cương mài thu hết thì sự kiện đó có nghĩa chiếc vòng ấy là của Thái Thượng Lão Quân. Chiếc vòng Kim Cương mài là biểu tượng của trí tuệ vượt ra khỏi nhị nguyên tính, có thể thoát li, đoạn trừ các chấp thủ “nhị thủ” như Kim Cương có thể chặt đứt các vật thể khác. Tôn Ngộ Không chỉ thất bại trước chiếc vòng này, do vì chưa trừ hết tập khí chấp thủ.
Độc Giốc là kẻ phàm phu nên bị chiếc quạt Bát Phong của Thái Thượng Lão Quân thu phục và thu lại chiếc vòng kim cương mài (còn phàm phu là còn vướng vào khen, chê, được, mất, thị, phi, danh vọng và lợi dưỡng).
Khi biết nguồn gốc của chiếc vòng thì liền biết Độc Giốc là gia nhân của Thái Thượng Lão Quân và việc hàng phục Độc Giốc trở nên dễ dàng.
Bài học giải thoát của phái đoàn Tây du ở đây là an trú vào chính niệm Vô ngã, an trú vào Vô tướng tâm định mới thoát khỏi ma nạn; mới hàng phục được dục ái, hữu ái và vô hữu ái. An trú vào Vô tướng tâm định là ý nghĩa chiếc vòng tròn mà Ngộ Không đã vạch ra cho Đường Tăng, Ngộ Năng, Ngộ Tĩnh và Tiểu Long mã ẩn trú. Tôn Ngộ Không nói: “Chỉ vì không tin cái vòng của con, thầy mới phải lọt vào cái vòng của người, biết bao khổ sở! Than ôi!" (hồi 53).
Hình tượng Tôn Ngộ Không hiện lên rực rỡ ở 7 hồi đầu, từ hồi 8 trở đi, mặc áo cà sa, hộ tống Đường Tăng thì hành động của y đã được gán cho một mục đích cụ thể. Y trở thành Tôn hành giả phò tá Đường Tăng mà không còn là anh hùng nổi loạn như trước kia nữa. Tác giả tạo cho nhân vật một ý nghĩa mới. Ở các hồi đại náo thiên cung, địa phủ, đường thỉnh kinh, tác giả tập trung khắc họa mưu trí của Tôn Ngộ Không. Y nhận được bất kì loài yêu ma quỉ quái nào và tìm cách trừng trị được hết. Phương pháp tốt nhất của y là chui tọt vào bụng đối phương quấy rối lung tung làm cho kẻ địch không chịu nổi phải khuất phục. Trong cuộc đấu tranh với đủ các loại yêu ma quỉ quái, y luôn luôn bền bỉ dẻo dai, thọc sâu tận sào huyệt, vật lộn đến cùng, chưa đạt được mục đích thì chưa buông tha. Gặp trắc trở, y luôn lạc quan, không bao giờ khóc lóc như Đường Tăng, hay buông lời chán nản như Trư Bát Giới. Trước sau vẫn thế, có điều Tôn Ngộ Không ngày trước thì ngang tàng, không hề mảy may ràng buộc, còn Tôn Ngộ Không sau này thì bị chiếc vành vàng tượng trưng cho giáo lí nhà Phật xiết ngang đầu. Đã bao lần chiếc vành vàng phát huy tác dụng của nó, thậm chí có đến ba lần Đường Tăng phải thừa nhận Tôn là người không thể vắng mặt. Nói cách khác, Tôn đã liên tục vi phạm giáo lí nhà Phật để đảm bảo cho thắng lợi của cuộc thỉnh kinh. Y được phong “Đấu chiến thắng Phật”, nghĩa là ông Phật biết đấu tranh và đã chiến thắng. Ở chỗ này, một mặt tác giả khẳng định phẩm chất dám đấu tranh và giỏi đấu tranh của nhân vật, nhưng mặt khác cũng để lộ những mâu thuẫn khó giải quyết trong tư tưởng của mình.
Tôn Ngộ Không là biểu trưng cho Chính kiến và Chính tư duy (Thánh tuệ uẩn) của mỗi hành giả, là trí tuệ Vô ngã thấy rõ mọi hiện hữu là Vô ngã, vô thường và dẫn đến tan rã, khổ đau. Trí tuệ ấy khác với trí tuệ sinh diệt. Nó là vô sinh nên tác giả Ngô Thừa Ân giới thiệu Mĩ Hầu Vương được sinh ra từ trứng đá, kết tinh của tú khí trời đất. Trí tuệ ấy tự biết tìm đường đi ra khỏi sinh tử như Mĩ Hầu Vương biết tìm đường đến với đại đệ tử của Đức Phật (Tôn giả Tu Bồ Đề) để học đạo sinh bất diệt.
Tôn giả Tu Bồ Đề là vị đệ nhất li dục, li ái (còn có nghĩa là đệ nhất rời chấp thủ hết thảy các ngã tướng) trong hàng đệ tử của Đức Phật – theo Kinh Kim Cang Bát Nhã - Đạo mà Mĩ Hầu Vương được truyền dạy là thấy rõ Vô ngã tướng (hay không tướng) của vạn hữu và tự tâm rời xa mọi tham ái. Nắm được sở đắc ấy thì liền tự tại, ở ngoài mọi khổ đau. Sự kiện tự tại này đã được Ngô Thừa Ân biểu hiện qua 72 phép thần thông biến hoá của pháp môn Địa - sát.
Trí tuệ này là cao nhất để đi đến trí tuệ giải thoát sau cùng, không còn trí tuệ nào khác cao hơn, nên được gọi là Vô sư trí. Vì thế, Tôn giả Tu Bồ Đề cấm Tôn Ngộ Không tiết lộ danh tánh của Thầy dạy đạo cho mình.
Đạt được trí tuệ xa lìa khổ đau ấy, Mĩ Hầu Vương nhận được pháp danh là Tôn Ngộ Không. Chữ Tôn, theo lời cắt nghĩa của Tôn giả Tu Bồ Đề, nếu xoá bộ khuyển bên cạnh thì thành chữ Tử (con) và chữ Hệ (trẻ con). Như thế trí tuệ của Tôn Ngộ Không đang ở thời kì của mầm nhân giải thoát sau cùng, trí tuệ này cần được tu lập thêm Giới và Định.
Trí tuệ tự thân nó là động, tháo động, vì thế Tôn Ngộ Không mang thân tướng giống khỉ. Cái động của trí tuệ cần được thuần hoá và nuôi dưỡng bằng định tâm và sự thực hành giới hạnh. Định tâm sẽ rửa sạch cái động của y, giới đức sẽ rửa sạch cái động của thân, khẩu. Chưa đủ, có những thời điểm manh động của trí cần phải nhờ đến đại định để chế ngự như là Tôn Ngộ Không cần phải đội trên đầu chiếc vòng “Khẩn cô nhi” (còn gọi là vòng “Kim cô” hay vòng “định tâm”) và cần được chế ngự bởi “định tâm chú” (hay chú Khẩn cô nhi) của Bồ Tát Quan Thế Âm.
Khi mà trí tuệ ấy chưa được Giới, Định chế ngự và nuôi dưỡng thì nó sẽ bị Năm uẩn (hay vũ trụ, cuộc đời) khống chế với vô lượng phiền não. Đây là hình ảnh mà Tôn Ngộ Không bị Ngũ hành sơn chụp lên mình năm trăm năm mà không trăn trở được. Đó là cái họa đại náo Thiên cung của Tề Thiên Đại Thánh, do vì Đại Thánh thấy rõ cái hư, cái rởm của trên trời và dưới thế, không chịu được nữa mà đại náo, đập phá, đạp đổ.
Sau khi thấy rõ hậu quả của tâm tháo động, Tôn Ngộ Không sẵn sàng hướng về bi tâm, giải thoát tâm như đã sẵn sàng chờ Đường Tăng, để theo phò tá, ròng rã suốt 500 năm. Nếu bi tâm khởi, tâm giải thoát (đại định khởi) thì Tôn Ngộ Không thoát li được sự trói chặt của Năm uẩn như sau khi phá đổ Ngũ hành sơn và lên đường Tây du.
Đường giải thoát chưa dừng lại ở đây. Ngộ Không (hay trí tuệ) cần tiếp tục vào đại định và lòng đại bi, cần phải tu tập nhiều lần nữa. Nghĩa là Ngộ Không phải tinh tấn lên đường thực hành giải thoát. Bấy giờ Ngộ Không có thêm một pháp hiệu nữa là Hành Giả.
Trí tuệ của Tôn Hành Giả (nặng phần tự độ) cần phải được tu tập cùng với bi tâm độ sinh (phần độ tha của Đường Tăng) thì mới thiện xảo, mới tiến gần giải thoát tối hậu. Cũng thế, bi tâm cần được trí tuệ Vô ngã dẫn đường, nếu không thì dễ lạc đạo. Tác giả Ngô Thừa Ân diễn đạt điểm giáo lí này qua sự xây dựng hai nhân vật Đường Tăng và Tôn Hành Giả. Khi nào mà Đường Tăng không nghe Tôn Hành Giả thì phái đoàn Tây du mắc nạn lớn. Khi nào mà vắng bóng Ngộ Không thì ma quái hiện hành hung, phái đoàn Tây du trở nên buồn bã ảm đạm như một phái đoàn đưa ma (như cảnh quỉ Hoàng Bào hãm hại Đường Tăng sau khi Ngộ Không bị đuổi về núi Hoa Quả).
Người tu giải thoát rời xa trí tuệ một bước thì bị hoạ liền một bước. Cần phải thường xuyên giữ chính niệm hay “như lí tác ý” để tránh các nạn như nạn ở am Mộc Tiên (hồi thứ 64): Đường Tăng mắc vào cảnh mê thơ, rượu và tình. Bấy giờ, khi Tôn Hành Giả xuất hiện kịp thời thì ma cảnh liền tan biến, Đường Tăng ra khỏi sự đắm trước nội thọ và ngoại thọ.
Xét cho cùng, việc qui y Phật pháo của Tôn Ngộ Không là việc đương nhiên, không thể khác được. Điều đó gắn chặt với những mâu thuẫn trong tư tưởng tác giả cũng còn do đề tài tác phẩm qui định. Tác giả để 7 hồi đại náo lên đầu nhằm biểu dương tính cách phản kháng của Tôn, nhưng rồi cuối cùng y phải qui Phật mới có thể dẫn đến việc thỉnh kinh. Cách giải quyết đó tất nhiên cũng có liên quan tới tư tưởng chính thống phong kiến của nhà nho Ngô Thừa Ân.
Tuy nhiên, chỗ mới mẻ ấy cũng chính là chỗ tác giả tỏ ra lúng túng, có lúc mơ hồ và hỗn loạn. Tác giả không thừa nhận giải pháp của đạo Phật, nhưng lại miêu tả giáo lí nhà Phật như một thứ quyền uy vô thượng. Tôn Ngộ Không đã có lúc đánh phá mọi thần tượng truyền thống, nhưng lại không vượt nổi bàn tay Phật tổ Như Lai. Đó là chỗ mâu thuẫn tư tưởng tác giả. Về mặt này Thủy hử rõ ràng và dứt khoát hơn Tây du kí. Trong Thủy hử do tư tưởng thuần nhất của tác giả, động cơ và mục đích của cuộc bạo động được diễn đạt rõ ràng, sáng sủa. Trong Tây du kí thì nhiều chỗ uẩn khúc làm cho người đọc có lúc không rõ tác giả tán thành cái gì, phản đối cái gì. Ví dụ: một mặt tác giả thể hiện Đường Huyền Trang và Tôn Ngộ Không như những người tự động hành hương đi tìm chân lí, nhưng mặt khác tác giả lại miêu tả Phật tổ chủ động phái Quan Âm sang Trung Quốc tìm người truyền đạo về phương Đông. Việc đi thỉnh kinh cũng còn được mô tả như là sự chấp nhận ý muốn của nhà vua Đường Thái Tông. Như vậy việc đi tìm chân lí chỉ là thừa hành mệnh lệnh nhà Phật và nhà vua và do đó mọi sự phản kháng đấu tranh đều trở nên vô nghĩa. Một ví dụ khác nếu việc đi thỉnh kinh được hiểu như là hành động tìm kiếm chân lí, thì mục đích của nó phải là phổ biến chân lí để cải tạo hiện thực bất công ngang trái. Nhưng tác giả lại kết thúc câu chuyện ở chỗ họ đưa được kinh Phật về Trung Quốc, rồi nhờ công lao đó mà được công nhân là tu thành chính quả, được gọi sang đất Phật và ở đây hưởng phúc muôn đời. Đó là một kết thúc không tương xứng với cơ cấu tác phẩm. Những chỗ mơ hồ hỗn loạn như thế chứng tỏ tầm tư tưởng hạn chế của nhà văn. Tác giả bất mãn với hiện thực lên tiếng phê phán những bất công ngang trái, theo đuổi lí tưởng tự do bình đẳng, nhưng lại có tư tưởng vương quyền và chịu ảnh hưởng đạo Phật. Bởi vậy tác giả không chỉ ra được một phương hướng giải quyết nào thật rõ ràng và sáng sủa. Chỗ mơ hồ và hỗn loạn đó cũng để lại dấu vết khá rõ trong tư tưởng và hành động của nhân vật chính của tác phẩm: Tôn Ngộ Không.
Đề tài của Tây du kí là chuyện đi lấy kinh. Bản thân câu chuyện này được phát triển với tiền đề định sẵn là khẳng định Phật giáo, nên chính nó đã mang màu sắc tôn giáo rồi. Trải qua một quá trình lưu truyền lâu dài, được bao người bổ sung, sửa chữa, trau chuốt, ngoài việc phản ánh tư tưởng, tình cảm của quần chúng nhân dân, nó còn mang theo những tạp chất khác. Trong xã hội phong kiến, thế lực Phật giáo tỏa ra khắp nơi, vì trình độ nhận thức của thời đại hạn chế, người ta rất dễ bị ảnh hưởng. Ngô Thừa Ân không tránh khỏi những quan niệm tôn giáo nào đó. Bởi thế, trong Tây du kí cũng tồn tại tư tưởng định mệnh, tư tưởng nhân quả báo ứng và Phật pháp vô biên. Thí dụ, chín chín tám mươi mốt vạn, không thể thiếu vạn nào. Vả lại, thường là lúc tai qua nạn khỏi, có một vị thần phật đến thuyết giáo một hồi, nào là “cái ăn, cái uống đều do tiền định”, nào là “ma chướng chưa hết, cho nên bách linh hạ giới, phải chịu tai nạn”. Như vậy là điều hòa cuộc đấu tranh của Tôn Ngộ Không với thuyết định mệnh. Những chỗ tuyên truyền nhân quả báo ứng cũng không ít, rõ ràng nhất là chuyện Lưu Toàn dâng dưa và chuyện hạn hán ở quận Phượng Tiên. Trong câu chuyện thứ hai, Tôn Ngộ Không thật như một ông thầy giảng về “khuyến thiện”. Còn như tư tưởng Phật pháp vô biên thì biểu hiện cụ thể ở việc Tôn Ngộ Không bị Như Lai khống chế, tuy y có tài nhào một cái là xa mười vạn tám ngàn dặm, nhưng lại không vượt khỏi lòng bàn tay Như Lai. Những điểm này có mâu thuẫn ít nhiều với tư tưởng chủ để của toàn sách, đồng thời cũng phản ánh mâu thuẫn trong thế giới quan của tác giả. Nhưng so sánh với thành tựu rực rỡ của bộ truyện, thì những khuyết điểm đó chỉ là thứ yếu.
***Trích dẫn từ Khóa luận tốt nghiệp Cử nhân Văn học năm 2010:
“HÌNH TƯỢNG TÔN NGỘ KHÔNG TRONG TÂY DU KÍ CỦA NGÔ THỪA ÂN”
Giảng viên hướng dẫn: ThS. Nguyễn Thanh Diên
Sinh viên thực hiện : Đỗ Thái Hà
Trường: Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội