Thứ bảy, 20/04/2024 - 14:20

Tinh thần phản kháng của nhân dân trong xã hội Phong kiến thể hiện qua hình tượng Tôn Ngộ Không

Qua chuyện "đại náo thiên cung" của Tôn Ngộ Không, người đọc không những thấy rõ ước mơ, lí tưởng của nhân dân muốn thoát khỏi sự ràng buộc đối với thế lực phong kiến mà còn hiểu rõ bản chất của giai cấp thống trị trong xã hội phong kiến.

     Tây du kí trước hết là một tác phẩm phản kháng mạnh mẽ hiện thực đen tối. Diện phản kháng của tác phẩm rất rộng. Đó là tất cả những gì bất công ngang trái, hủ bại và tàn bạo ở trên trời, dưới đất và giữa trần gian. Mũi nhọn của sự chống đối đó, trước hết nhằm vào hiện thực xã hội thời Minh – một xã hội mà cường quyền và bạo lực thống trị, một xã hội đầy rẫy bất công ngang trái mà chính tác giả là nạn nhân.

     Ngô Thừa Ân khái quát bộ mặt xã hội phong kiến Trung Quốc bằng những câu chuyện, sự việc thấm đượm tính chất thần thoại. Qua chuyện "đại náo thiên cung" của Tôn Ngộ Không, người đọc không những thấy rõ ước mơ, lí tưởng của nhân dân muốn thoát khỏi sự ràng buộc đối với thế lực phong kiến mà còn hiểu rõ bản chất của giai cấp thống trị trong xã hội phong kiến.

     Một hôm trong bữa tiệc, khi lũ khỉ ăn yến vui vẻ thì bỗng nhiên Mĩ Hầu Vương sầu não, nước mắt giàn giụa. Y nghĩ:

"Ngày nay dẫu không phải theo luật lệ của vua chúa, không sợ oai quyền của chim muông, nhưng sau này tuổi già sức yếu, trong đó có lão Diêm Vương cai trị. Một ngày kia chết đi, chẳng hóa uổng công sinh ra ở trong thế gian, không được mãi hưởng phúc trời ư?"

     Tinh thần tiến thủ không ngừng và tư tưởng muốn tránh khỏi luân hồi, không sinh, không diệt, thọ ngang với trời đất, núi sông, thúc giục Hầu Vương lên đường tìm thầy học đạo. Con người có tài ngang trời dọc đất đó lẽ nào chịu bó tay để cho số mệnh sai khiến? Vì thế, sau khi học được bảy mươi hai phép thần thông biến hóa, Ngộ Không rẽ nước xuống tận Long Cung, đòi cho được cây thiết bổng nặng một vạn ba nghìn năm trăm cân làm vũ khí tùy thân.

     Sau khi được cây thiết bổng, Tôn Ngộ Không quyết một phen đánh đến Sâm La, bảo Diêm Vương cho xem sổ sinh tử. Bất kể Diêm Vương cho sống bao lâu Ngộ Không cầm bút lăn thấm mực xóa tên mình, tên loài khỉ, rồi ném sổ xuống đất. Bọn thập diện Diêm Vương trơ mắt đứng nhìn, tấu trình Địa Tạng Vương để tâu lên Ngọc Hoàng Thượng Đế.

     Rõ ràng Tôn Ngộ Không chống đối với mọi thế lực thống trị. Tôn cả gan khiêu chiến với những kẻ nắm vận mệnh, muốn thoát khỏi mọi sự ràng buộc để được mãi hưởng phúc trời. Thú vị nhất là Ngộ Không náo động Long Cung, khuấy rối âm phủ, xông xáo như vào chỗ không người. Bọn Long Vương, Diêm Vương đều cúi đầu sợ hãi. Lão Tôn vung cây thiết bổng lên là bọn Long Vương lòng run mật vỡ, Tôn hạ cây thiết bổng xuống là Diêm Vương cúi đầu hoảng sợ.

     Sau khi Đông Hải Long Vương Ngao Quảng dâng biểu, Ngọc Hoàng Thượng Đế đành gọi Ngộ Không lên trời giao cho chức “Bật Mã Ôn” (quan giữ ngựa). Khi đến ngoài điện Linh Tiêu, Ngộ Không không chờ truyền chiếu, đi thẳng vào trước ngự tọa, với thái độ tự đắc của kẻ chiến thắng. Trước Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thái Bạch Kim Tinh cũng phải cúi đầu lạy tạ, Tôn Ngộ Không vẫn đứng thẳng người. Khi Thượng Đế phán hỏi:

“- Đứa nào là yêu tiên?

Ngộ Không cúi mình trả lời:

- Lão Tôn đây!

Câu trả lời ngang tàng của Ngộ Không khiến các tiên chầu sợ hãi thất sắc nói:

- Loài khỉ kia, sao không phục lạy yết kiến lại dám ứng đối vô lễ. ‘Lão Tôn đây!’  tội đáng chết! đáng chết!”

     Có thể xem thái độ ngạo mạn của Tôn Ngộ Không đối với Ngọc Hoàng Thượng Đế là thể hiện thái độ miệt thị của nhân dân lao động đối với chế độ đẳng cấp và bọn quyền quí, thể hiện nguyện vọng yêu cầu bình đẳng của nhân dân. Ngọc Hoàng Thượng Đế giao cho Ngộ Không chức Bật Mã Ôn khác nào chính quyền chính thống trong xã hội hiện thực không chịu dùng những người ngoài dòng họ.

     Sau khi biết Bật Mã Ôn là cấp cuối cùng, mạt hạng, giữ việc trông ngựa, Tôn Ngộ Không nổi giận đùng đùng nói:

“- Sao lão Trời khinh nhờn lão Tôn đến thế, lão Tôn đường đường một vị đại vương ở Thủy Liêm Động nay chỉ làm một đứa chăn ngựa mạt hạng đến như thế này thì làm gì?”

     Nói xong, Ngộ Không đạp đổ tung bàn tiệc, rút bảo bối trong tai múa tít, vừa đi vừa đánh ra khỏi Ngự Mã lâu đến thẳng Nam Thiên môn, trở về Thủy Liêm động.

     Về đến nhà, Tôn dựng cờ “Tề Thiên Đại Thánh”. (Vị thánh lớn bằng trời).

     Ngộ Không tự xem mình ngang bằng Trời. Trời là vương quốc của thần, tượng trưng thế lực thống trị tối cao, nhưng Tôn Ngộ Không lại dựng cờ “Tề Thiên Đại Thánh” cho rằng địa vị của mình ngang hàng với Trời. Quả thật, lần này Ngộ Không không chỉ làm những việc bình thường như quấy rối Long Cung, đại náo Âm phủ mà y dám chọi với thế lực thống trị tối cao là Trời.

     Ngọc Hoàng Thượng Đế lo ngại sức phản kháng của Tôn Ngộ Không, nên một lần nữa xuống chỉ chiêu an, thừa nhận chức “Tề Thiên Đại Thánh”, mời Ngộ Không lên triều đình. Nhưng ở đây không lâu, Ngộ Không biết chức “Tề Thiên Đại Thánh” của mình là chức hữu danh vô thực, rút thiết bổng ở mang tai ra đại náo Thiên cung lần thứ hai.

     Lại xảy ra một cuộc binh đao giữa Ngộ Không và thiên binh, thiên tướng. Lần này Ngọc Hoàng Thượng Đế giận lắm, sai bốn đại vương hiệp cùng Lí Thiên Vương và Na Tra Thái Tử, cùng mười vạn thiên binh, căng mười tám thiên la địa võng vây Hoa Quả Sơn. Nhưng dù lực lượng của thiên binh thiên tướng có hùng hậu bao nhiêu đi nữa cũng không thể làm gì trước sức mạnh vô địch của Ngộ Không. Ngọc Hoàng phải nhờ đến Thái Thượng Lão Quân mới bắt được Đại Thánh lên trời.

     Tuy phải tốn nhiều công sức mới bắt được Tôn, nhưng không cách nào giết nổi Tôn. Dao chém, búa bổ, giáo đâm, kiếm xả, vẫn không hề hại đến thân thể của Tôn. Thần Hỏa bộ phóng lửa đốt, Tôn không cháy, thần Lôi bộ lấy roi sét đánh, Tôn chẳng hại mảy may. Ngọc Hoàng Thượng Đế bèn giao Tôn cho Thái Thượng Lão Quân dùng lửa văn vũ luyện đan trong lò Bát Quái để thiêu cháy Tôn.

     Thái Thượng Lão Quân hi vọng sau bốn mươi chín ngày sẽ mở lò lấy than làm thuốc. Nhưng cửa lò vừa mở. Đại Thánh cất mình nhảy ra, đạp đổ cả lò, chạy biến ra ngoài. Đại Thánh rút thiết bổng ở mang tai, không kể hay dở, gặp đâu đánh đấy, làm kinh động Thiên Cung.

     Ngọc Hoàng truyền chỉ sang tận Tây phương cầu Đức Phật Tổ Như Lai đến cứu giá. Dưới đây là câu chuyện giữa Như Lai và Đại Thánh:

"…Các tướng lui ra, Đại Thánh cũng thu phép lại, hiện nguyên hình đến mặt Phật Tổ, vẻ giận dữ to tiếng hỏi:

- Người là thiện sĩ ở đâu, dám đến đây ngăn trở việc cản binh đạo, lại còn hỏi ta?

Phật Tổ cười nói:

- Ta đây là Tây Phương Cực lạc thế giới, Thích Ca Mâu Ni tôn giả Nam Vô a Di Đà Phật. Nay nghe thấy nhà ngươi hung tợn rông càn thôn dã, luôn luôn làm loạn cả Thiên đình, không biết ngươi sinh trưởng ở nơi nào, tu đắc đạo từ bao giờ mà dám làm điều ngang ngược như vậy?

Đại Thánh nói:

Ta vốn là:

Trời đất sinh thành hỗn hợp tiên,

Vượn già trong núi Quả Hoa Sơn

Thủy Liêm động đó là cơ nghiệp

Học bạn tìm thầy thấu lẽ huyền

Luyện được trường sinh nhiều phép thuật,

Học tài biến hóa rộng vô biên

Chỉ hiềm hạ giới còn eo hẹp

Lập chí lên trời chiếm Cửu thiên

Bảo điện lẽ đâu trời ở mãi,

Nhân gian vua chúa vẫn chia truyền.

Người tài làm chủ nhường ta chứ?

Thế mới anh hùng dám đứng lên.

Phật tổ nghe, cười nhạt nói:

- Nhà ngươi là loài khỉ kết thành tinh, sao dám dụng tâm cướp ngôi của Thượng Đế… Nhà ngươi từ một kiếp súc sinh mới được làm người, sao dám nói khoác lác như thế?... Mau mau qui y đi, đừng có nói bậy bạ, e rằng gặp phải tay thâm độc, tính mạng khoảnh khắc tan tành thì đáng tiếc cho đời ngươi lắm!

Đại Thánh nói:

 - Thượng Đế tuy tu từ thuở nhỏ, nhưng không nên chiếm lâu chốn Thiên đình. Người ta thường nói: Làm vua phải luân chuyển, sang năm đến nhà ta, bây giờ chỉ bảo cho y (Ngọc Hoàng Thượng Đế) cuốn gói đi, đem Thiên cung nhường lại cho lão. Bằng không nhường thì lão sẽ quấy rối mãi, không bao giờ thanh bình được."

     Một lần nữa chứng tỏ Tôn Ngộ Không không chỉ phá rối Long cung, Diêm cung, đại náo Thiên cung, cũng không muốn dừng lại ở mức “Tề Thiên”, mà còn muốn thay cả Ngọc Hoàng Thượng Đế! Có thể xem đó là đỉnh cao của sự phản kháng của Tôn. Dĩ nhiên điều đó rất phù hợp thực tế của các cuộc khởi nghĩa nông dân không bao giờ giẫm chân tại chỗ. Ban đầu là sự phục thù cá nhân, về sau những cá nhân đó tập hợp lại công khai tuyên chiến với thế lực thống trị. Cuộc khởi nghĩa của một trăm linh tám anh hùng ở Lương Sơn Bạc là bằng chứng cụ thể. Khi mới bước chân ra đi, Tống Giang, Lâm Xung, Dương Chí, Lư Tuấn Nghĩa… có ai tự nguyện đứng trên hàng ngũ của nghĩa quân nông dân, công khai chống lại triều đình? Thật ra, họ là những người “Vô gia khả qui hữu quốc nan đầu” (không có nhà để về, có tổ quốc nhưng không chốn nương thân), gặp nhiều nỗi bất bình trong cuộc sống riêng tư, đành khoác đao lên Lương Sơn Bạc làm nghề “lạc thảo”. Tinh thần phản kháng của Tôn Ngộ Không không phát triển theo chiều hướng đó.

     Tuy không miêu tả cụ thể bộ mặt xã hội phong kiến, nhưng qua một số quốc gia mà thầy trò Đường Tăng đã qua, chúng ta cũng phần nào hiểu được bộ mặt của các triều đại phong kiến - đó là triều đại của những "quan văn bất tài, quan võ không giỏi, của những ông vua hôn mê vô đạo...".

     Bằng hình thức câu chuyện thần thoại, “Đại náo thiên cung” đã phản ánh sự phản kháng của nhân dân trong xã hội phong kiến Trung Quốc. Đương nhiên, hiện thực được phản ánh trong tiểu thuyết ảo tưởng có mang đặc điểm riêng của nó, không giống với những tác phẩm văn học trực tiếp phản ánh đời sống hiện thực nói chung. Nhân vật phản nghịch trong “Đại náo thiên cung” đã giương cao lá cờ “Tề Thiên đại thánh” và nêu lên khẩu hiệu “Thay nhau làm vua, sang năm đến lượt ta”; mười vạn thiên binh thiên tướng thua chạy tơi bời, nền thống trị của thiên cung lung lay muốn đổ, đến nỗi Ngọc Hoàng thượng đế không thể không cầu viện bên ngoài; những tình tiết hư cấu và ảo tưởng đó đều dựa trên cơ sở những cuộc khởi nghĩa nông dân, chiến tranh nông dân trong hiện thực. Nếu trong lịch sử không nhiều lần xảy ra những cuộc khởi nghĩa nông dân, chiến tranh nông dân với qui mô to lớn tiến công mạnh mẽ vào các vương triều phong kiến, thì không thể tưởng tượng ra cái tình tiết “đại náo thiên cung” táo bạo như vậy được, và cũng không thể xây dựng nên hình tượng một nhân vật phản nghịch là Tôn Ngộ Không rực rỡ huy hoàng như vậy được.

     Tác giả dành 7 hồi đầu để ca ngợi hành vi nổi loạn của Tôn Ngộ Không, dẫn dắt mọi người đi đến kết luận: chỉ có phản kháng, đấu tranh mới giải quyết được bất công ngang trái. Tôn Ngộ Không nêu khẩu hiệu: Thay nhau làm vua, sang năm đến lượt ta. Nếu trên lịch sử Trung Quốc không có những cuộc khởi nghĩa nông dân qui mô to lớn, có lúc đã lật nhào một triều đại, thì không thể tưởng tượng nổi một Tôn Ngộ Không với khẩu khí ngang tàng như vậy. Đó cũng chính là tiếng vang động của phong trào nổi dậy của nông dân đời Minh. Thực tế từ Minh Hiến Tông đến Minh Thành Tông biết bao cuộc khởi nghĩa nông dân đã nổ ra và nhất định có ảnh hưởng đến tác giả. Mới nhìn qua, tưởng như Tôn Ngộ Không đã quấy phá bừa bãi không có lí do rõ rệt. Kì thực đâu phải vậy. Bằng hình thức quanh co, tác giả đã cho chúng ta thấy nguyên do nổi loạn là hiện thực đen tối, vua quan thối nát. Thái độ của Ngọc Hoàng thượng đế đối với Tôn Ngộ Không là một ví dụ. Vừa nghe lời tâu thiên vị của Long vương và Địa tạng vương đã lật đật hạ chỉ đánh dẹp. Đến chừng nghe Thái Bạch kim tinh phân tích lí lẽ lại xuống chiếu chiêu an, phong cho Tôn Ngộ Không chức Bật mã ôn hữu danh vô thực để cầm chân. Đến khi Tôn Ngộ Không nổi giận bỏ về núi Hoa Quả, Thượng đế sai binh tướng đánh dẹp không nổi, bất đắc dĩ lại phải phong làm “Tề thiên Đại Thánh”. Thái độ hẹp hòi mềm nắn rắn buông đó có khác gì cách cư xử của vua quan nhà Minh đối với viên thừa lại một huyện nhỏ như Ngô Thừa Ân? Rồi sao Mộc lang xuống trần bắt gái, rồi các đệ tử nơi cửa Phật đòi tiền hối lộ người thỉnh kinh. Đó là hiện thực nơi cung trời, nơi cửa Phật, cũng chính là hiện thực xã hội triều Minh. Trong tác phẩm còn biết bao nhiêu ma quỉ, thú dữ, trùng độc, cũng nham hiểm quỉ quyệt chẳng khác gì con người. Nhờ tu luyện giỏi có con biến thành kẻ quân tử, có con biến thành mĩ nữ, có con thành nhà thuyết giáo. Đó chính là hình bóng của bọn cường hào, ác bá, quan lại, văn nhân, học sĩ nhan nhản trong đời sống hiện thực. Tác giả cũng không chỉ dừng lại ở sự châm biếm quanh co. Có chỗ tác giả đả kích thẳng vào đời sống hiện thực. Trên đường thỉnh kinh, tác giả đã dựng nên 9 nước trần gian, trong đó nhiều nước vua vô đạo, quan văn võ bất tài. Ví dụ, vua nước Xa Trì tôn ba con yêu quái thành đạo sĩ làm quốc sự, chúng có thể “lên điện không lạy vua, xuống điện không chào chúa”, vua nước Tì Khưu thì tin vào thuốc trường sinh luyện bằng 1111 bộ tim gan trẻ con. Tuy tên gọi khác nhau nhưng tình trạng thối nát nói tới ở đây, so với hiện thực đời Minh thì cũng chỉ là một.

     Xã hội đó phản ánh ước mơ, lí tưởng của nhân dân muốn thoát khỏi sự ràng buộc, áp bức của thế lực phong kiến. Thật ra không riêng gì trong Tây du kí mới có cái xã hội tự do tự tại đó mà trong những tác phẩm văn học ra đời trong chế độ phong kiến cũng có những xã hội lí tưởng do nhà thơ, nhà văn thiết kế xây dựng. Xã hội Đào Hoa trong Đào hoa nguyên kí của Đào Uyên Minh là một ví dụ cụ thể.

     Có thể xem đó là vấn đề mà thời đại bấy giờ chưa thể giải quyết được. Ngũ Hành Sơn tượng trưng sức mạnh tinh thần kìm hãm sức phản kháng của Tôn Ngộ Không.

     Tuy vậy, trước sau Tôn Ngộ Không không phải là kẻ chịu nằm yên dưới Ngũ Hành Sơn, y giãy giụa khiến núi non nứt nẻ. Cho đến sau khi được Đường Tam Tạng cứu khỏi, Ngộ Không vẫn là chú khỉ có ý chí quật cường và tinh thần đấu tranh của tự bao giờ. Không phải Ngộ Không ngoan ngoãn đội cái mũ “Khẩn cô nhi” của Quan Thế Âm Bồ Tát, mà y tìm mọi cách đập nát nó ra. Có lần Ngộ Không kháng nghị với Quan Thế Âm:

"- Tại sao bà lại đem cái mũ ấy cho Đường Tăng lừa tôi đội lên đầu để tôi chịu khổ? Cái mũ ấy bám chặt vào đầu tôi, mỗi lần Đường Tăng đọc “Khẩn cô nhi chú” là đầu tôi đau buốt, rõ ràng là bà hại tôi chứ gì?"

     Một nhân vật có năng lực và trí tuệ siêu việt như thế, thường không được người ta hiểu rõ, và phải chịu sự ngược đãi bất công. Do Quan Âm và Đường Tăng cùng nhau lập mưu lừa phỉnh, y phải đội vành vàng lên đầu. Y đánh giết con yêu tinh định ăn thịt Đường Tăng, song y lại bị Đường Tăng xem là “kẻ không có lòng hướng về điều thiện, cố ý làm điều ác”, niệm chú cho chiếc vành vàng xiết chặt, làm cho y đau đớn vô cùng. Y ba lần bị Đường Tăng đuổi đi. Đoạn cuối Tây du kí, câu nói cuối cùng của Tôn Ngộ Không là nói với Đường Tăng: “Mau mau đọc chú nới lỏng vành vàng ra, lấy xuống đập cho nát tan, chớ để cho vị Bồ tát kia làm tội người khác”. Câu nói đó biểu hiện sự căm giận bất bình của y, rõ ràng tác giả rất đồng tình với y.

     Trong Tây du kí, Ngô Thừa Ân sáng tạo thế giới trên trời hết mực hoàn chỉnh. Ở đây có cả Thần, Đạo, Phật. Nắm uy quyền tối cao của thế giới thần là Ngọc Hoàng Thượng Đế, kẻ thống trị sinh linh vạn vật của bốn đại châu. Vị tổ của đạo là Thái Thượng Lão Quân, tuy không thống trị ai, nhưng giữ uy quyền tuyệt đối. Phật cũng là kẻ giúp việc đắc lực cho bọn thống trị thần quyền. Thế giới này hoàn toàn đối lập với Tôn Ngộ Không. Bằng sức lực và trí tuệ, Ngộ Không đột nhập vào thế giới đó. Ngọn thiết bổng của Tôn tung hoành đó đây, khiến kẻ ở Thiên cung vô kế khả thi. Cuối cùng, ba lực lượng này liên hiệp lại, tốn bao công lao sức lực mới địch nổi Tôn.

     Về những hình tượng nhân vật trong Tây du kí, Tôn Ngộ Không là hình tượng rực rỡ nhất, điều đó không còn nghi ngờ gì nữa. Y là nhân vật chính thực sự của bộ tiểu thuyết này. “Đại náo thiên cung” là truyện kí anh hùng của cá nhân y. “Sang Tây Thiên lấy kinh” là lịch sử xây dựng sự nghiệp của y. Bắt đầu cuốn tiểu thuyết, tác giả đã nói lên sự ra đời khác thường của y. Y học được bảy mươi hai phép biến hóa, có bản lĩnh tuyệt vời. Y đã làm náo động long cung, bắt Hải Long vương phải đưa vũ khí cho y để tự vũ trang. Y lại làm náo động cả âm ti, xóa bỏ tất cả tên họ loài khỉ trong sổ sinh tử. Y không thừa nhận bất cứ quyền uy nào trong đất nước của thần, gặp Ngọc Hoàng Thượng Đế cũng chỉ “dạ” to một tiếng, và tự xưng là “lão Tôn”. Lúc biết phong hiệu “Bật mã ôn” chỉ là một trò bịp, y bừng nổi giận, đánh phá ra khỏi cửa Nam thiên, và dứt khoát dựng cờ “Tề Thiên đại thánh”. Lần thứ hai Ngọc Hoàng lừa y lên trời, xây cho y một cái phủ “Tề thiên đại thánh”, nhưng ngày ngày y chỉ cưỡi mây, dạo chơi bốn biển, kết nghĩa bạn bè khắp nơi. Hội bàn đào thịnh soạn không mời y, làm cho y sáng mắt nhìn thấy sự giả dối của các thần, lập tức làm cho thiên cung náo động tơi bời, rồi bỏ ra đi. Thiên binh thiên tướng bắt y cũng không được. Sau đó vất vả lắm mới nhốt được y vào lò bát quái của Lão Quân để thiêu luyện bảy bảy bốn mươi chín ngày, chỉ luyện thêm cho y đôi mắt rực lửa, nhân lúc Lão Quân mở lò lấy thuốc, y tung mình ra ngoài, đá đổ lò bát quái, làm Lão Quân ngã chỏng gọng, “đánh đến nỗi sao Cửu Diệu phải đóng kín cửa, Tứ thiên vương phải chạy mất tăm”. Y còn tiến thêm bước nữa đòi Ngọc Hoàng thượng đế nhường cả thiên cung, tuyên bố “nếu không nhường, thì sẽ quấy rối, mãi mãi không có thái bình!”. Đó là hình tượng của một nhân vật phản nghịch triệt để, to gan lớn mật, dám khiêu chiến với cả kẻ thống trị tối cao trên thiên cung. Rõ ràng, về khách quan, hình tượng đó đã phản ánh tư tưởng phản kháng và tinh thần cách mạng của nhân dân.

 

***Trích dẫn từ Khóa luận tốt nghiệp Cử nhân Văn học năm 2010: 

“HÌNH TƯỢNG TÔN NGỘ KHÔNG TRONG TÂY DU KÍ CỦA NGÔ THỪA ÂN”

Giảng viên hướng dẫn: ThS. Nguyễn Thanh Diên

Sinh viên thực hiện     : Đỗ Thái Hà

Trường: Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội



Bài viết liên quan
Không khí vùng miền được thể hiện qua ca từ

Không khí vùng miền được thể hiện qua ca từ

Toàn bộ hình ảnh của dân tộc, mỗi vùng đất, mỗi con người, mỗi nét đẹp văn hóa đều hiện lên chân thực, sống động, cái riêng hòa trong cái chung, tổng hợp để làm nên một sức mạnh kì diệu...
Vấn đề gieo vần trong ca từ

Vấn đề gieo vần trong ca từ

Vần là sự hòa âm, sự cộng hưởng nhau theo những qui luật ngữ âm nhất định giữa hai từ hoặc hai âm tiết ở trong hay cuối dòng thơ và thực hiện những chức năng nhất định như liên kết các dòng thơ, gợi ...
Đặc điểm từ vựng ngữ nghĩa của nhan đề ca khúc

Đặc điểm từ vựng ngữ nghĩa của nhan đề ca khúc

Ca ngợi người anh hùng - ca ngợi lãnh tụ - ca ngợi Đảng, Tình yêu tổ quốc - yêu cách mạng, tình yêu lứa đôi, tình yêu và niềm tự hào với những tên đất tên miền cụ thể, hình tượng người chiến sĩ, tình ...
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Chẳng cầu trong những năm tháng đẹp nhất gặp được người tốt nhất, chỉ nguyện những năm còn sống được tương phùng, lựa chọn một tòa thành sống với nhau đến già. ...
Tiếng dương cầm vọng mãi
Tiếng dương cầm vọng mãi
Chẳng ngôn ngữ nào êm dịu và trầm lắng cho bằng ngôn ngữ của thi ca Chẳng âm điệu nào thiết tha cho bằng cung thanh trầm của khúc nhạc... Tôi có một tình yêu lớ...
Nắng ấm quê hương
Nắng ấm quê hương
Quê hương là gì hở cha?Ai đi xa cũng nhớ nhiều... Phải thừa nhận rằng từ trước giờ, con chưa bao giờ nghĩ đến khái niệm Quê hương. Và cũng chưa một lần, con tự ...
THÀNH NGỮ TRUNG HOA

THÀNH NGỮ TRUNG HOA

Ngọc bất trác, bất thành khí  Nhân bất học bất tri lý Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ Vô duyên ...
Status 129 trên Nhân Văn Blog

Status 129 trên Nhân Văn Blog

Âm nhạc luôn luôn là nguồn hạnh phúc cho tất cả mọi người sống trên trái đất. Không có âm nhạc thế ...
43 câu nói ý nghĩa

43 câu nói ý nghĩa

1. Bộc lộ sự nóng nảy ra ngoài, đó gọi là bản năng. Kìm nén sự nóng nảy vào bên trong, đó gọi là ...
Như một người cha

Như một người cha

Trong cuộc đời mỗi chúng ta, luôn có những người đã dạy ta một điều gì đó khiến cuộc đời ta thay ...
Người tuổi Dần

Người tuổi Dần

Trời sinh người tuổi Dần rất nhạy cảm, và có giác quan thứ sáu, có khả năng nhìn thấu nội tâm của ...

"Nhân sinh nhược chích như sơ kiến....
Nếu cuối cùng mọi thứ đều phải tan biến, chỉ xin được giữ lại ánh nhìn buổi ban sơ..."

Bụng chứa thi thư, 

phong thái tự đẹp!

Hữu xạ tự nhiên hương

Ngọc bất trác, bất thành khí 

Nhân bất học bất tri lý

Nhất tự thiên kim

Thiên ngôn vạn ngữ

Tri nhân tri diện bất tri tâm

Video clip