Thứ tư, 24/04/2024 - 11:58

Quan niệm về con người trong tư tưởng Phật giáo ở Tây du kí

Ở mặt giải thoát thì Tôn Ngộ Không là biểu tượng của trí tuệ cần được tu tập để phát triển giải thoát và để chế ngự các cảm thọ khổ đau...

     Ở mặt giải thoát thì Tôn Ngộ Không là biểu tượng của trí tuệ cần được tu tập để phát triển giải thoát và để chế ngự các cảm thọ khổ đau. Xây dựng một nhân cách giải thoát là xây dựng Giới, Định, Tuệ và lòng đại bi cho nhân cách ấy. Ở mặt xã hội, con người cũng cần được giáo dục, huấn luyện một nhân cách xã hội gồm tri, hành và lòng nhân ái thế nào để thành công, lợi lạc cho mình và người.

     Tại hồi hai, vai trò lí trí, được biểu trưng bằng nhân vật Tôn Ngộ Không, là vai trò chỉ đạo mọi hành động của con người cũng cần được huấn luyện, giáo dục. Thường thì mẫu người giáo dục của Trung Hoa được đào tạo theo khuôn mẫu đạo Khổng Nho và được thêm vào một ít Lão, Trang. Ngô Thừa Ân đã rất sáng tạo và rất can đảm giới thiệu một khuôn mẫu giáo dục theo giáo lí nhà Phật. Có lẽ sự chọn lựa này đã đến với Ngô Thừa Ân sau khi nhà văn chứng kiến sự đổ vỡ của xã hội phong kiến Trung Hoa với đầy rẫy những bất công áp bức, chủ nghĩa hình thức, kém nhân bản v.v…; vai trò của Nho giáo không đáp ứng nổi yêu cầu mới của con người và lịch sử - như về sau Kim Dung, trong tiểu thuyết kiếm hiệp Tiếu Ngạo Giang Hồ đã xây dựng mẫu người Lệnh Hồ đại hiệp thay thế quân tử kiếm Nhạc Bất Quần. Tây du kí ra đời như là tiếng mời gọi nhân dân Trung Hoa chú ý đến tiếng nói rất trí tuệ, hiện thực và nhân bản vọng về từ Tây Trúc. Không phải là chú ý đến sự nghiệp Tây du thỉnh kinh của Đường Tăng, mà là chú ý đến nhân cách được xây dựng từ giáo lí này: một nhân cách sống vì hạnh phúc an lạc của số đông, sống hiền thiện vì công bằng, bình đẳng, tôn trọng sự thật, trách nhiệm cá nhân và đặc biệt là sống tùy duyên rất là trí tuệ.

     Nhân cách ấy cần được huấn luyện, giáo dục rất thực, mà không phải của từ chương và hình thức – rất vững chắc cả ba mặt hành động của thân, lời và ý, như là Tôn Ngộ Không đã được huấn luyện văn, tư, tu trong bảy năm và khả năng làm chủ tư duy và tâm lí (thiền định) trong ba năm trước khi vào đời để tiếp tục thực hành và học hỏi thực tế của trường đời.

     Triết lí chỉ đạo cho nhân cách ấy là giáo lí Vô ngã, Vô thường, Khổ, Không của Phật giáo (mà nói tắt là giáo lí Vô ngã). Do thấm nhuần sự thật Vô ngã, người học viên dần dần làm bật lên được gốc rễ chấp ngã, gốc rễ của các tâm lí vị kỉ, bảo thủ chật hẹp, tham lam, sân hận, lừa dối và các sầu, bi, khổ, ưu, não; và tại đây, một nhân cách mẫu mực xuất hiện để xây dựng an lạc, hạnh phúc cho bản thân, gia đình và xã hội.

     Triết lí hành động của nhân cách ấy là trí tuệ Vô ngã (chính kiến và chính tư duy) phân biệt chánh, tà, hư, thực, tốt, xấu; là lòng vị tha và sức mạnh vô úy. Tất cả ấy là con người, vì con người, cho con người hiện thực, và do con người trách nhiệm. Đây là mẫu nhân cách trí tuệ, nhân bản và sinh động.

     Khi mà cá nhân có tự do tâm lí, làm chủ được tâm lí thì cá nhân sáng suốt hơn và có nhiều sáng tạo hơn. Chính yếu tố tâm lí sáng tạo này sẽ đóng góp lớn cho xã hội.

      Ngô Thừa Ân quan niệm nhân cách giáo dục ấy tốt hơn nhân cách xây dựng từ đạo Nho nhiều, nhưng đồng thời cũng thấy khó khăn trong việc thực hiện trong xã hội phong kiến Trung Hoa, bởi giáo lí Phật giáo nói lên tính bình đẳng, dân chủ, tự chủ, độc lập sẽ lay đổ ngai vàng và quyền lợi của ngai vàng. Để bảo vệ quyền lợi của phong kiến, triều đại vua chúa (Trời) sẽ gieo rắc ngay ba tai họa chết người mà được gọi là nạn “sét đánh”, nạn “âm hỏa” và nạn “bi phong”. Vì thế, Ngô Thừa Ân đã chuẩn bị khá kĩ lưỡng cho Tôn Ngộ Không với một căn bản định, tuệ và “thất thập nhị huyền công” để vận dụng đối phó với các kháng lực đến từ chính quyền phong kiến và từ phía các tà giáo trên đường thực hiện lí tưởng xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, bình đẳng, nhân bản, xây dựng một nếp tư duy mới về giá trị nhân sinh và xã hội.

     Bước đầu tiên của việc thực hiện lí tưởng mà Tôn Ngộ Không đã được giáo dục là dẹp giặc loạn xâm lược của Hỗn Thế Ma Vương và tiêu diệt toàn bộ thế lực xâm lược này. Hỗn Thế Ma Vương là biểu tượng của thế lực dục vọng, ác hại mà Tôn Ngộ Không cần loại bỏ trước khi bắt tay vào việc giáo dục kiến thiết giang sơn Thủy Liêm động.

     Cái nhân cách giáo dục mà Ngô Thừa Ân quan niệm, đã được biểu hiện qua Tôn Ngộ Không; sau khi được đào tạo giáo dục từ hệ thống giáo dục vô ngã của Tôn giả Tu Bồ Đề thì liền đi vào xã hội để xây dựng xã hội và con người xã hội.

     Với trí tuệ vô ngã, với nhận thức mọi hiện hữu đều Vô ngã nên soi thấy mọi giá trị trong cuộc sống cũng Vô ngã, cũng đều không có một giá trị nhất định (hay chỉ có giá trị tương đối). Các giá trị ước lệ của xã hội về con người và xã hội chẳng những đã không thể đứng vững mà còn gây xáo trộn cho tâm lí con người và gây xáo trộn cho xã hội. Chúng cần được nhận thức mới xét lại, thay thế hay đập vỡ, dù giá trị ấy ở mỗi cá nhân hay tập thể. Đấy là những gì mà Ngô Thừa Ân đã mượn chiếc thiết bổng nặng hơn vạn cân của Tôn Ngộ Không đập nát loạn Hỗn Thế Ma Vương. Cần phải dọn sạch các giá trị “hỗn thế” ấy, con người rất Người mới có được một không khí trong lành để sống. Từ đây, con người sống với tâm lí tự do hơn, thoải mái hơn, có nhiều điều kiện sáng tạo hơn và làm việc lành, lợi ích hơn cho bản thân, gia đình và xã hội. Đây là ý nghĩa mà Ngô Thừa Ân đã biểu tượng hóa thành các thần thông tự tại đi vào nước, vào lửa, vào đất, vào không gian của Tôn Ngộ Không.

     Từ đây, mỗi người chịu trách nhiệm về hành động của chính mình đối với bản thân, gia đình và xã hội, mà không ai khác quyết định hay bắt ép. Giá trị của con người, hành động của con người là do tự giác, tự nguyện và do lựa chọn của họ, mà không liên hệ gì đến việc thưởng phạt tại Âm phủ, Long phủ hay Thiên đình. Đây là ý nghĩa mà Ngô Thừa Ân đã lồng vào hình ảnh Tôn Ngộ Không xóa sạch sổ ghi thiện ác, sinh tử của loài khỉ (xứ sở của Tôn Ngộ Không) ở Âm ti.

     Về cá nhân, mỗi người được giáo dục theo tinh thần Vô ngã sẽ luôn luôn giữ hành động của mình được dẫn dắt bởi tâm ngay chính, nhân ái, trí tuệ và không vướng mắc, luôn luôn kiểm soát tâm mình và giữ tâm lí ở ngoài các niệm thị phi, đố kị, sầu, bi, khổ, ưu, não. Khi tâm lí được huấn luyện đến cấp độ không vướng mắc (hay ít bị vướng mắc) vào các tâm niệm đó thì tâm lí sẽ ở vào trạng thái tự do. Bấy giờ là thời điểm sáng suốt, sáng tạo và hạnh phúc của cá nhân. Ở mặt giải thoát tương đối mà nhìn, thì đây là cảnh giới tâm lí tốt đẹp. Cảnh giới tâm lí tốt đẹp này thường xuất hiện trên đôi mắt của Tôn Ngộ Không mà chúng ta sẽ tiếp tục theo dõi.

     Khác với con người đi vào giải thoát, con người xã hội mãi sống với những khát vọng hạnh phúc trần gian. Khát vọng này đã nuôi dưỡng các ngã tưởng và nhìn thấy thế giới giá trị của nhị nguyên tính thiết thực hơn và gần gũi với mình hơn. Do vậy, ngay cả khi sống trong một xã hội dân chủ, hợp tình hợp lí nhất, thì cái ngã tưởng, ngã niệm ấy cũng tự động xây dựng thế giới giá trị của nhị nguyên tính trong tâm thức. Sự kiện này làm dấy khởi các tâm lí dao động khiến tâm lí đi ra khỏi thế giới giá trị của nền văn hóa giáo dục nhân bản và trí tuệ. Đi ra khỏi thế giới giá trị của vị tha, nhân bản và trí tuệ là ý nghĩa được Ngô Thừa Ân biểu tượng bằng sự đi ra khỏi cái vòng vẽ an toàn của Tôn Ngộ Không. Đi ra khỏi cái vòng vẽ an toàn ấy là đi vào cái vòng Kim Cương mài đầy khổ lụy của Độc Giốc quỉ vương.

     Khi tâm thức tự dẫn thân vào giá trị nhị nguyên của các ngã tư tưởng (như Đường Tăng tự bước vào ngôi nhà của Độc Giốc) thì cái nền văn hóa giáo dục nhân bản là Vô ngã trở nên mất tác dụng ở bên ngoài xã hội, như Tôn Ngộ Không hai lần bị Độc Giốc cướp mất khí giới. Vấn đề chủ yếu của nền văn hóa mới là tạo nên một xã hội công bằng, nhân ái, hòa hợp và đoàn kết để con người có điều kiện sống thuận lợi thực hiện an lạc, hạnh phúc của tâm thức. Nếu bên trong tâm thức đã nắm giữ cái nhân của phiền não, rối ren (nhị nguyên tính) thì an lạc, giải thoát của cá nhân sẽ bị đánh mất. Rất khó đánh thức tâm lí cá nhân trong trường hợp này, bởi khi cá nhân thiếu tỉnh giác Vô ngã thì thế giới bên trong và bên ngoài trở thành của nhị nguyên, của vô thường và khổ đau. Bấy giờ trí tuệ của cá nhân khó trỗi dậy, nếu công phu huấn luyện tâm yếu. Chỉ có một lối thoát duy nhất là hành sâu thiền quán Vô ngã để thấy rõ cái thật tướng Vô ngã của phiền não. Thấy như vậy là thấy tận đầu nguồn của phiền não, hữu vi. Như bài học Đức Như Lai đã chỉ dạy cho Tôn Ngộ Không và phái đoàn Tây du qua sự mách nước chỉ rõ gốc gác của Độc Giốc và chiếc vòng Kim Cương mài.

     Tại đây, Ngô Thừa Ân nhấn mạnh đến vai trò giáo dục cá nhân và trách nhiệm cá nhân trong nền văn hóa giáo dục mới. Mỗi người cần tự giác, tự nguyện nuôi dưỡng các giá trị nhân bản, hiện thực và trí tuệ cho mình, cho người và cho xã hội.

 

***Trích dẫn từ Khóa luận tốt nghiệp Cử nhân Văn học năm 2010: 

“HÌNH TƯỢNG TÔN NGỘ KHÔNG TRONG TÂY DU KÍ CỦA NGÔ THỪA ÂN”

Giảng viên hướng dẫn: ThS. Nguyễn Thanh Diên

Sinh viên thực hiện     : Đỗ Thái Hà

Trường: Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội



Bài viết liên quan
Yếu tố “kì” trong Tây du kí

Yếu tố “kì” trong Tây du kí

Thế giới nhân vật Tây du kí là một thế giới tràn đầy những yếu tố kì lạ. Những đặc điểm kì lạ về vòng đời, về hình tướng, về năng lực biểu hiện rõ tính thần kì của các nhân vật...
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Chẳng cầu trong những năm tháng đẹp nhất gặp được người tốt nhất, chỉ nguyện những năm còn sống được tương phùng, lựa chọn một tòa thành sống với nhau đến già. ...
Tiếng dương cầm vọng mãi
Tiếng dương cầm vọng mãi
Chẳng ngôn ngữ nào êm dịu và trầm lắng cho bằng ngôn ngữ của thi ca Chẳng âm điệu nào thiết tha cho bằng cung thanh trầm của khúc nhạc... Tôi có một tình yêu lớ...
Nắng ấm quê hương
Nắng ấm quê hương
Quê hương là gì hở cha?Ai đi xa cũng nhớ nhiều... Phải thừa nhận rằng từ trước giờ, con chưa bao giờ nghĩ đến khái niệm Quê hương. Và cũng chưa một lần, con tự ...
THÀNH NGỮ TRUNG HOA

THÀNH NGỮ TRUNG HOA

Ngọc bất trác, bất thành khí  Nhân bất học bất tri lý Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ Vô duyên ...
Status 129 trên Nhân Văn Blog

Status 129 trên Nhân Văn Blog

Âm nhạc luôn luôn là nguồn hạnh phúc cho tất cả mọi người sống trên trái đất. Không có âm nhạc thế ...
43 câu nói ý nghĩa

43 câu nói ý nghĩa

1. Bộc lộ sự nóng nảy ra ngoài, đó gọi là bản năng. Kìm nén sự nóng nảy vào bên trong, đó gọi là ...
Như một người cha

Như một người cha

Trong cuộc đời mỗi chúng ta, luôn có những người đã dạy ta một điều gì đó khiến cuộc đời ta thay ...
Người tuổi Dần

Người tuổi Dần

Trời sinh người tuổi Dần rất nhạy cảm, và có giác quan thứ sáu, có khả năng nhìn thấu nội tâm của ...

"Nhân sinh nhược chích như sơ kiến....
Nếu cuối cùng mọi thứ đều phải tan biến, chỉ xin được giữ lại ánh nhìn buổi ban sơ..."

Bụng chứa thi thư, 

phong thái tự đẹp!

Hữu xạ tự nhiên hương

Ngọc bất trác, bất thành khí 

Nhân bất học bất tri lý

Nhất tự thiên kim

Thiên ngôn vạn ngữ

Tri nhân tri diện bất tri tâm

Video clip