Thứ ba, 03/12/2024 - 23:49

Những biểu tượng hay xuất hiện được sử dụng phổ biến trong lời ca

Một số hình tượng mang ý nghĩa biểu tượng (tượng trưng, ẩn dụ) được nhiều nhạc sĩ sử dụng và chúng trở đi trở lại trong hệ thống ca từ của những ca khúc trữ tình cách mạng giai đoạn này.

     Một số hình tượng mang ý nghĩa biểu tượng (tượng trưng, ẩn dụ) được nhiều nhạc sĩ sử dụng và chúng trở đi trở lại trong hệ thống ca từ của những ca khúc trữ tình cách mạng giai đoạn này. Nếu đặt những biểu tượng đó trong hệ thống của thơ, chúng tôi cho rằng nó sẽ bị coi là mòn sáo, kém sáng tạo. Nhưng vì ca khúc là loại hình nghệ thuật thiên về âm thanh, không đặt ra yêu cầu quá cao về ngôn từ nên những biểu tượng mà chúng tôi sắp trình bày ở đây, vẫn có thể chấp nhận được. Nói cách khác, khả năng biểu cảm và thẩm mĩ của ca khúc nương nhờ vào nhạc là chính, lời là yếu tố thứ hai nên thính giả/độc giả cũng không quá khắt khe trong việc đòi hỏi lời của mỗi ca khúc cũng phải đẹp đẽ, toàn bích như những tuyệt phẩm thơ. Còn trong trường hợp một ca khúc đẹp cả nhạc lẫn lời thì đó thực sự là một “cuộc hôn phối tuyệt diệu nhất giữa thi ca và âm nhạc” (Trịnh Công Sơn); là điều may mắn và hạnh phúc cho cả người sáng tạo lẫn người thưởng thức; rộng hơn nữa có thể là niềm tự hào cho tình yêu âm nhạc của cả một dân tộc.

     Biểu tượng “mùa xuân”

     Biểu tượng mùa xuân trong ca khúc trữ tình cách mạng giai đoạn 1954 - 1975 có lẽ xuất hiện lần đầu qua bài hát Đảng cho ta một mùa xuân (Phạm Tuyên) với những ca từ:

“Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng

Một mùa xuân tươi tràn ánh sáng khắp nơi nơi

…Bao năm khổ đau đất nước ta không mùa xuân

…Đảng đã cho ta mùa xuân của cuộc đời…”

     Mùa xuân – mùa ấm áp nhất trong năm, mùa của cây cối sinh sôi đâm chồi nảy lộc đã trở thành biểu tượng của cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tươi trẻ, lạc quan. Theo sau Phạm Tuyên, nhiều nhạc sĩ khác như Văn Ký, Nguyễn Đức Toàn, Bùi Đức Hạnh – Cầm Giang đều sử dụng mùa xuân trong ca từ như một biểu tượng:

“Ước mơ những mùa xuân bóng dáng tương lai”

                                (Bài ca hy vọng – Văn Ký)

“Người thiếu nữ ấy như mùa xuân chị đã dâng cả cuộc đời (…) Mùa xuân lan tràn xứ sở”

                    (Biết ơn Võ Thị Sáu – Nguyễn Đức Toàn)

“Đất nước hòa bình hạnh phúc ta như mùa xuân”

      (Tình ca Tây Bắc – Nhạc: Bùi Đức Hạnh; Thơ: Cầm Giang)

“Vì độc lập tự do quyết dành ấm no dành lấy những mùa xuân”

           (Bác đang cùng chúng cháu hành quân – Huy Thục)

“Cùng hành quân đi giữa mùa xuân”

              (Cùng hành quân đi giữa mùa xuân – Hoàng Hà)

“Em là chồi biếc của mùa xuân Việt Nam

                        (Người con gái sông La – Doãn Nho)

“Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”

(Dáng đứng Việt Nam – Nhạc: Nguyễn Chí Vũ; Thơ: Lê Anh Xuân)

     Kéo theo biểu tượng mùa xuân, những hình ảnh “mùa xuân” theo nghĩa đen cũng xuất hiện nhiều hơn và dường như chúng cũng chịu một áp lực của biểu tượng để trở thành hình ảnh có độ biểu cảm cao hơn mức thông thường, có xu hướng tiến lên thành hình tượng:

“Từng đôi chim bay đi tiếng ca rộn ràng cánh chim xao xuyến gió mùa xuân”

(Bài ca hy vọng – Văn Ký)

“Tổ quốc đã cho ta cuộc đời hôm nay và sức sống tin yêu vào một ngày mai. Mùa xuân vang muôn tiếng hát”

(Bến cảng quê hương tôi – Hồ Bắc)

“Chim bay giăng giăng ngoài nắng xuân đẹp thay (…) Như đóa hoa xuân chào riêng anh”

(Tình ca – Hoàng Việt)

“Mùa xuân đã đến quê hương chúng tôi”

                       (Việt Nam quê hương tôi – Đỗ Nhuận)

     Biểu tượng liên quan đến ánh sáng

     Những biểu tượng liên quan đến ánh sáng xuất hiện trong ca từ ca khúc thời kì này gồm có: lửa, đèn, trăng, sao và mặt trời, không kể đích danh những lần xuất hiện của từ “ánh sáng” cũng với tư cách một biểu tượng, chẳng hạn:

“Một mùa xuân tươi tràn ánh sáng khắp nơi nơi”

                  (Đảng cho ta một mùa xuân – Phạm Tuyên)

“Kìa ánh sáng chân trời mới đang bừng chiếu bốn phương”

                                (Bài ca hy vọng – Văn Ký)

     Biểu tượng “lửa” xuất hiện điển hình trong bài Nổi lửa lên em (Nhạc: Huy Du; Lời: Giang Lam – Huy Du), lửa là gian khổ đấu tranh (lửa chiến tranh còn bỏng đất quê mình) nhưng lửa cũng chính là nhiệt tình cách mạng, là lòng yêu nước nồng cháy:

“Nổi lửa lên em đánh Mỹ đêm ngày (…) Nổi lửa lên em, đất nước tưng bừng đưa ta vào trận đánh”

                                        (Nổi lửa lên em)

     Biểu tượng “ngọn đèn” xuất hiện một cách sáng tạo trong ca khúc Ngọn đèn đứng gác (Nhạc: Hoàng Hiệp; Thơ: Chính Hữu), đó là niềm tin, là hi vọng không bao giờ tắt của muôn lớp người đang trên đường chiến đấu hoặc hướng về tiền tuyến:

“Trên đường ta đi đánh giặc dù về Nam hay ta lên Bắc, ở đâu cũng gặp những ngọn đèn dầu trong mắt đêm thâu. Ơ những ngọn đèn không bao giờ nhắm mắt (…) Trong gió trong mưa ngọn đèn đứng gác cho thắng lợi nối theo nhau đang hành quân đi lên phía trước”

                                    (Ngọn đèn đứng gác)

     Biểu tượng “trăng” xuất hiện ít hơn, có lẽ vì trăng phù hợp hơn với không khí lãng mạn của văn học và âm nhạc thời kì trước:

“Tình nghĩa quê em sáng tỏ như ánh trăng đêm rằm”

                   (Chào em cô gái Lam Hồng – Ánh Dương)

“Nổi lửa lên em, ánh trăng sáng ngời đưa ta vào trận đánh”

     (Nổi lửa lên em – Nhạc: Huy Du; Lời: Giang Lam – Huy Du)

     Biểu tượng ánh sao và mặt trời (kéo theo “nắng” như một hằng số) xuất hiện nhiều lần hơn cả trong các sáng tác của Phạm Tuyên (Đảng cho ta một mùa xuân), Tình ca (Hoàng Việt), Những ánh sao đêm (Phan Huỳnh Điểu), Hà Nội niềm tin và hy vọng (Phan Nhân)…:

“Vầng dương hé sáng khắp nơi ta có Đảng

…Và rồi từ đây ánh dương xây đời mới”

                              (Đảng cho ta một mùa xuân)

“Đã biến tình đôi ta thành những cánh sao tỏa sáng”

                                              (Tình ca)

“Buồm vươn cánh vượt sóng ra ngoài khơi

Trong nắng hồng bừng lên sáng ngời”

                                 (Việt Nam quê hương tôi)

“Tôi hát ngàn lời ca nồng nàn hơn nắng ban mai đẹp tình hơn cánh hoa mai”

                          (Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người)

“Thủ đô mến yêu của ta là ngôi sao mai rạng rỡ”

                              (Hà Nội niềm tin và hy vọng)

“Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi

Mặt trời của mẹ con nằm trên lưng”

  (Lời ru trên nương – Nhạc: Trần Hoàn; Lời: Nguyễn Khoa Điềm)

“Đường ta về trong ánh nắng ban mai”

          (Đường chúng ta đi – Nhạc: Huy Du; Thơ: Xuân Sách)

“Mọi gian lao mẹ con ta san sẻ ngắm chân trời rạng rỡ ánh dương”        

(Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa – Nguyễn Văn Tý)

“Hồ Chí Minh ánh thái dương rực sáng bầu trời đưa chúng ta lên cuộc sống làm người”

                   (Người sống mãi trong lòng miền Nam – Nguyễn Đồng Nai)

     Tóm lại, những biểu tượng liên quan đến ánh sáng luôn có một ý nghĩa vận động và tích cực, hướng con người đến tương lai, niềm tin, sự sống và hạnh phúc. Những biểu tượng liên quan đến ánh sáng có thể xem là một “sản phẩm” đặc thù của ca từ dòng nhạc cách mạng 1954 – 1975.

     Biểu tượng “trái tim”

     Hình tượng trái tim cũng được sử dụng nhiều trong ca từ của ca khúc trữ tình cách mạng giai đoạn 1954 – 1975 với ý nghĩa về tình yêu thủy chung, thiêng liêng, bền vững sắt son với đất nước, nhân dân, với Đảng, với những người yêu nhau, với vợ chồng…

“Em ơi nghe chăng lời trái tim vọng ra rung trong không gian mặt biển sôi ầm vang”

                                      (Tình ca – Hoàng Việt)

“Bạn ơi mùa xuân khắp nơi tươi đẹp quá. Khi lí tưởng Đảng rực sáng trong tim chúng ta”

                             (Đảng cho ta một mùa xuân – Phạm Tuyên)

“Giọng hát vẫn như còn vang dội vào trái tim những người đang sống”

                             (Biết ơn Võ Thị Sáu – Nguyễn Đức Toàn)

“Lời thề sắt son, theo tiếng Bác gọi bốn ngàn năm dồn lại hôm nay, ngời sáng trong muôn triệu trái tim”

                             (Người là niềm tin tất thắng – Chu Minh)

“Ngọn lửa trong tim những chiều hành quân sáng lên lời ca những người anh hùng”

(Cùng anh tiến quân trên đường dài – Nhạc: Huy Du; Thơ: Xuân Sách)

 

“Gửi lời tim cho gió qua mấy câu thiết tha hò ơi”

(Câu hò bên bờ Hiền Lương – Nhạc: Hoàng Hiệp; Lời: Hoàng Hiệp, Đằng Giao)

 

 

***Trích dẫn từ Luận văn Thạc Sĩ Khoa học Ngữ văn năm 2012:

"ĐẶC ĐIỂM TIẾNG VIỆT THỂ HIỆN TRONG PHẦN LỜI CA CỦA CA KHÚC TRỮ TÌNH CÁCH MẠNG VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1954 - 1975"

Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Phạm Tất Thắng - TS. Đỗ Anh Vũ

Học viên Cao học                : Đỗ Thái Hà

Chuyên ngành: Ngôn ngữ học - Trường: Đại học Sư phạm Hà Nội



Bài viết liên quan
Nội dung đang được cập nhật.
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Chẳng cầu trong những năm tháng đẹp nhất gặp được người tốt nhất, chỉ nguyện những năm còn sống được tương phùng, lựa chọn một tòa thành sống với nhau đến già. ...
Tiếng dương cầm vọng mãi
Tiếng dương cầm vọng mãi
Chẳng ngôn ngữ nào êm dịu và trầm lắng cho bằng ngôn ngữ của thi ca Chẳng âm điệu nào thiết tha cho bằng cung thanh trầm của khúc nhạc... Tôi có một tình yêu lớ...
Nắng ấm quê hương
Nắng ấm quê hương
Quê hương là gì hở cha?Ai đi xa cũng nhớ nhiều... Phải thừa nhận rằng từ trước giờ, con chưa bao giờ nghĩ đến khái niệm Quê hương. Và cũng chưa một lần, con tự ...
THÀNH NGỮ TRUNG HOA

THÀNH NGỮ TRUNG HOA

Ngọc bất trác, bất thành khí  Nhân bất học bất tri lý Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ Vô duyên ...
Status 129 trên Nhân Văn Blog

Status 129 trên Nhân Văn Blog

Âm nhạc luôn luôn là nguồn hạnh phúc cho tất cả mọi người sống trên trái đất. Không có âm nhạc thế ...
43 câu nói ý nghĩa

43 câu nói ý nghĩa

1. Bộc lộ sự nóng nảy ra ngoài, đó gọi là bản năng. Kìm nén sự nóng nảy vào bên trong, đó gọi là ...
Như một người cha

Như một người cha

Trong cuộc đời mỗi chúng ta, luôn có những người đã dạy ta một điều gì đó khiến cuộc đời ta thay ...
Người tuổi Dần

Người tuổi Dần

Trời sinh người tuổi Dần rất nhạy cảm, và có giác quan thứ sáu, có khả năng nhìn thấu nội tâm của ...

"Nhân sinh nhược chích như sơ kiến....
Nếu cuối cùng mọi thứ đều phải tan biến, chỉ xin được giữ lại ánh nhìn buổi ban sơ..."

Bụng chứa thi thư, 

phong thái tự đẹp!

Hữu xạ tự nhiên hương

Ngọc bất trác, bất thành khí 

Nhân bất học bất tri lý

Nhất tự thiên kim

Thiên ngôn vạn ngữ

Tri nhân tri diện bất tri tâm

Video clip