Thứ năm, 28/03/2024 - 22:56

Những bài thơ phổ nhạc trong ca khúc trữ tình cách mạng 1954 - 1975

Người xưa thường nói: Trong thơ có nhạc và trong nhạc có thơ, lời đó thật đúng, đặc biệt đối với trường hợp tiếng Việt – một ngôn ngữ giàu nhạc tính do sự hội tụ của 6 thanh điệu...

Người xưa thường nói: Trong thơ có nhạc và trong nhạc có thơ, lời đó thật đúng, đặc biệt đối với trường hợp tiếng Việt – một ngôn ngữ giàu nhạc tính do sự hội tụ của 6 thanh điệu. Trong 128 ca khúc trữ tình cách mạng thuộc phạm vi tư liệu của chúng tôi, có tới 31 ca khúc được phổ từ thơ, chiếm 24% trong tổng số ca khúc được khảo sát.

Ca khúc phổ từ thơ

Ca khúc không phổ từ thơ

31

97

24%

76%

 

Theo quan điểm đánh giá của chúng tôi, trong 31 ca khúc được phổ từ thơ này có tới 23 ca khúc thực sự thành công, được công chúng yêu thích và trình diễn suốt mấy chục năm qua, đó là các bài: Tình ca Tây Bắc, Tiếng đàn bầu, Bóng cây kơ nia, Tình em, Tháng ba Tây Nguyên, Anh vẫn hành quân, Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây, Anh ở đầu sông em cuối sông, Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam, Cùng anh tiến quân trên đường dài, Cô gái vót chông, Đường chúng ta đi, Hạt gạo làng ta, Đôi dép Bác Hồ, Bài ca Trường Sơn, Người lái đò trên sông Pô cô, Thành phố hoa phượng đỏ, Sợi nhớ sợi thương, Ngọn đèn đứng gác, Lời ru trên nương, Người con gái sông La, Lá đỏ, Nổi lửa lên em.

Có 2 ca khúc được phổ từ những bài thơ khá nổi tiếng nhưng sự thành công của ca khúc lại không được như thành công của thi phẩm. Đó là các bài Đất quê ta mênh mông (Hoàng Hiệp) phổ từ bài thơ cùng tên của Dương Hương Ly và Dáng đứng Việt Nam (Nguyễn Chí Vũ) phổ từ bài thơ cùng tên của Lê Anh Xuân.

6 ca khúc còn lại là những ca khúc rất ít được trình diễn, thậm chí còn không tìm được bất cứ bản thu âm nào trong các trung tâm lưu trữ. Đó là các ca khúc: Anh Xuân ơi tôi nghe rõ lời anh (Nhạc: Đỗ Dũng; Thơ: Phan Cung Việt), Xe ta ơi lên đường (Nhạc: Trương Tuyết Mai; Thơ: Huy Cận), Bắc cầu (Nhạc: Quốc Anh; Thơ: Chính Hữu), Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi (Nhạc: Thanh Phúc; Thơ: Hải Hồ). Hai ca khúc không tìm được bất cứ bản thu âm nào là Ta đã lớn (Nguyễn Xuân Khoát), phổ từ bài thơ Ta đi tới của Tố Hữu và Như hoa hướng dương (Tô Vũ) phổ từ bài thơ cùng tên của Hải Như.

Đối với 23 ca khúc được coi là thực sự thành công ở trên, chúng tôi cho rằng có thể chia làm 2 loại. Loại thứ nhất gồm những bài thơ vốn đã hay, đã nổi tiếng, đến khi nhạc sĩ phổ nhạc thì bản nhạc cũng thành công không kém gì bài thơ, thậm chí còn chắp cánh cho bài thơ hay hơn, nổi tiếng hơn. Loại này không nhiều, theo chúng tôi chỉ có 4 bài là: Bóng cây kơ nia (Nhạc: Phan Huỳnh Điểu; Thơ: Ngọc Anh), Hạt gạo làng ta (Nhạc: Trần Viết Bính; Thơ: Trần Đăng Khoa), Ngọn đèn đứng gác (Nhạc: Hoàng Hiệp; Thơ: Chính Hữu), Lời ru trên nương (Trần Hoàn phổ nhạc từ bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ của Nguyễn Khoa Điềm). Còn với 19 ca khúc còn lại, chúng tôi cho rằng âm nhạc đã làm cho những bài thơ ấy nổi tiếng, được nhiều người biết đến hơn. Nói cách khác, giá trị nội dung nghệ thuật của những bài thơ ấy chỉ thường thường bậc trung, nhưng việc phổ nhạc thành công đã đem đến cho những bài thơ ấy một đời sống khác. Đó là các bài: Tình ca Tây Bắc (Bùi Đức Hạnh phổ nhạc từ bài thơ Núi Mường Hung, dòng sông Mã của Cầm Giang), Tiếng đàn bầu (Nguyễn Đình Phúc phổ nhạc từ bài thơ Đàn bầu của Lữ Giang), Tình em (Huy Du phổ nhạc từ bài thơ Tình em của Hồ Ngọc Sơn), Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam (Chu Minh phổ nhạc từ bài thơ Đầu sóng của Hoàng Trung Thông), Cô gái vót chông (Hoàng Hiệp phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của Môlôyclavi) v.v…

Có thể nhận thấy một đặc điểm về nhan đề của những bài thơ được phổ nhạc là đại đa số các ca khúc đều giữ lại tên ban đầu của bài thơ (24 ca khúc tương ứng với 80% những ca khúc được phổ từ thơ). Chỉ có 7 ca khúc có sự thay đổi phần lời, nhằm tạo ra tính khái quát cao hơn, định hướng chủ đề rõ ràng hơn hoặc nổi bật tính chất của tác phẩm âm nhạc hơn. Đó là các trường hợp:

1. Bài thơ Núi Mường Hung dòng sông Mã khi phổ nhạc được đổi tên thành Tình ca Tây Bắc.

2. Bài thơ Đàn bầu khi phổ nhạc được đổi tên thành Tiếng đàn bầu.

3. Bài thơ Đầu sóng khi phổ nhạc được đổi tên thành Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam.

4. Bài thơ Trên đường chúng ta đi khi phổ nhạc được đổi tên thành Đường chúng ta đi.

5. Bài thơ Trường Sơn khi phổ nhạc được đổi tên thành Bài ca Trường Sơn.

6. Bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ khi phổ nhạc được đổi tên thành Lời ru trên nương.

7. Bài thơ Ta đi tới khi phổ nhạc được đổi tên thành Ta đã lớn.

Theo đánh giá của chúng tôi, những thay đổi về nhan đề trong các trường hợp trên đều hợp lí, phản ánh đúng tinh thần của tác phẩm thơ cũng như tác phẩm nhạc. Không có trường hợp nào việc sửa tên lại làm hiệu quả thẩm mĩ của tác phẩm bị giảm xuống.

Trong 31 bài thơ được phổ nhạc nói trên, có thể phân loại theo một tiêu chí khác là dựa trên các thể thơ. Các bản phổ nhạc xuất phát từ thơ tự do chiếm số lượng lớn nhất gồm 23 tác phẩm: Tình ca Tây Bắc, Tháng ba Tây Nguyên, Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây, Anh ở đầu sông em cuối sông, Ta tự hảo đi lên ôi Việt Nam, Dáng đứng Việt Nam, Đường chúng ta đi, Đôi dép Bác Hồ, Bài ca Trường Sơn, Người lái đò trên sông Pô cô, Ngọn đèn đứng gác, Lời ru trên nương, Người con gái sông La, Lá đỏ, Ta đã lớn, Anh Xuân ơi tôi nghe rõ lời anh, Xe ta ơi lên đường, Nổi lửa lên em, Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi.

Đứng thứ hai là những bản phổ nhạc xuất phát từ các bài thơ thể 5 chữ gồm 6 tác phẩm: Tiếng đàn bầu, Bóng cây kơ nia, Anh vẫn hành quân, Tình em, Hạt gạo làng ta, Như hoa hướng dương.

Những bản phổ nhạc còn lại xuất phát từ các bài thơ thuộc thể bốn chữ và ba chữ. Bài thơ thể bốn chữ là bài Bắc cầu của Chính Hữu, được Quốc Anh phổ nhạc thành bài hát cùng tên. Bài thơ thể ba chữ là Sợi nhớ sợi thương của Thúy Bắc, được Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc thành bài hát cùng tên.

Có thể tổng kết thể thơ của các bài thơ được phổ nhạc theo bảng dưới đây:

Thơ tự do

Thơ 5 chữ

Thơ 4 chữ

Thơ 3 chữ

23

6

1

1

74%

19%

3%

3%

 

Chúng tôi cho rằng, việc những bản nhạc phổ từ thơ tự do chiếm một tỉ lệ lớn như vậy là có khả năng giải thích được. Đó là bởi các bài thơ tự do sẽ mang trong nó một nhịp điệu phóng khoáng hơn (nói cách khác là giàu nhịp điệu hơn), vần cũng có thể dồi dào hơn và câu chữ cũng nhiều hơn (những bài thơ tự do thường có dung lượng tương đối dài). Nhìn vào các bản nhạc phổ từ thơ tự do, có thể thấy rõ sự phong phú về điệu thức, giọng và nhịp điệu được thể hiện. Có những bài nhịp điệu rất nhanh, rộn ràng như Cô gái vót chông, Tháng ba Tây Nguyên, Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây. Có những bài nhịp điệu trầm hùng, mang vóc dáng chính ca như Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam, Anh vẫn hành quân, Lá đỏ. Có những bài nhịp điệu dặt dìu mang âm hưởng lời ru hoặc phong cách dân gian như Lời ru trên nương, Tiếng đàn bầu. Có những bài nhịp điệu tự do, uyển chuyển, mênh mang, tha thiết như Cùng anh tiến quân trên đường dài, Người lái đò trên sông Pô cô, Người con gái sông La. Có những bài biến hóa và phong phú về nhịp điệu như Đường chúng ta đi.

Vẫn còn một cách phân loại cuối cùng nữa dựa vào việc sử dụng bao nhiêu phần trăm lời của bài hát. Cách phân loại này cũng cho ta khá nhiều nhìn nhận và phát hiện thú vị.

Loại thứ nhất là những ca khúc dùng 100% lời bài hát, không thêm một từ, không bớt một từ. Những trường hợp thế này chúng tôi cho rằng rất hiếm hoi trong lịch sử thơ phổ nhạc của Việt Nam. Chỉ có 2 ca khúc trong số 31 ca khúc phổ thơ đạt được tiêu chí này. Đó là các bài Cùng anh tiến quân trên đường dàiĐường chúng ta đi. Hai bài thơ đều của Xuân Sách và hai bản phổ nhạc đều của nhạc sĩ Huy Du.

Loại thứ hai là những ca khúc cũng dùng 100% lời bài hát nhưng có thêm một vài từ đệm hoặc lặp lại một vài từ, câu để phù hợp với tiết tấu, giai điệu. Nhóm này có 8 bài: Bóng cây kơ nia, Sợi nhớ sợi thương, Đôi dép Bác HồHạt gạo làng ta, Ngọn đèn đứng gác, Người con gái sông La, Lá đỏ, Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam.

Loại thứ ba là những ca khúc sử dụng phần lớn lời của bài thơ, phần lời không được đưa vào ca khúc là những yếu tố lời không phù hợp với ca từ. Đó là các trường hợp như: Tiếng đàn bầu, Tình em, Tháng ba Tây Nguyên, Anh vẫn hành quân, Anh ở đầu sông em cuối sông, Ta đã lớn, Anh Xuân ơi tôi nghe rõ lời anh, Xe ta ơi lên đường, Bắc cầu, Như hoa hướng dương, Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi. Những phần lời không được sử dụng cho ca từ bắt nguồn từ hai lí do chính: Một là, nếu dùng hết phần lời của bài thơ thì ca khúc sẽ quá dài, không phù hợp với cấu trúc của tác phẩm âm nhạc. Hai là những phần lời phải bỏ có biểu hiện nhạc tính không cao, không đặc sắc về giá trị nội dung và nghệ thuật hoặc không phù hợp với ca từ. Điển hình nhất cho việc phần lời phải bỏ đi vì giá trị nghệ thuật không cao hoặc không phù hợp là những bài thơ của các nhà thơ người dân tộc thiểu số. Những câu thơ như trích dẫn dưới đây rõ ràng là rất khó có thể chấp nhận để trở thành ca từ:

“Nếu con gấu dẫm gẫy cành bông trắng

Là lúa anh sẽ cứa đứt chân

Nếu lúa này chuột khỉ dám đến ăn

Xơ bông em sẽ bay mù mắt nó”  

(Núi Mường Hung, dòng sông Mã – Cầm Giang)

Cha bảo anh là con voi đó

Giữa đàn voi dân tộc Tây Nguyên

Cánh tay khỏe như là cánh nỏ

Mẹ bảo em là con ong đó

Loài ong biết cần cù gây tổ

(Tháng ba Tây Nguyên – Thân Như Thơ)

Loại thứ tư là những ca khúc chỉ dùng một phần nhỏ lời của bài thơ. Nói cách khác, những ca khúc này xem bài thơ như một cảm hứng để mình sáng tạo tiếp. Đó là các bài Người lái đò trên sông Pô cô, Nổi lửa lên em.

Có thể tổng kết mức độ dùng lời của nguyên tác bài thơ qua bảng dưới đây:

Không thêm bớt

Thêm bớt chút ít

Dùng phần lớn

Dùng phần nhỏ

2

8

19

2

6%

26%

62%

6%

 

Như vậy, cách phân loại trên phản ánh với chúng ta về nhạc tính cao hay thấp của các thi phẩm. Những bài thơ ở loại 1, loại 2 là những bài thơ có nhạc tính rất cao, hình ảnh, ca từ đạt chất lượng nghệ thuật nên những ca khúc cứ theo đó mà hình thành một cách tự nhiên, người nhạc sĩ gần như không phải gia công, đẽo gọt. Trái lại, từ loại 3 trở đi, người nhạc sĩ phải biết “gạn đục khơi trong”, sử dụng hiệu quả những phần lời mang giá trị nghệ thuật, giàu nhạc tính, có thể trở thành ca từ trong tác phẩm âm nhạc. Còn với trường hợp những bài thơ được sử dụng rất ít phần lời thì có thể cái hay cái đẹp của bài thơ lay động người nghệ sĩ và truyền cảm hứng từ một góc độ khác (chẳng hạn chủ đề tư tưởng mới, hình tượng người anh hùng hiện lên với những biểu hiện mới)…

 

***Trích dẫn từ Luận văn Thạc Sĩ Khoa học Ngữ văn năm 2012:

"ĐẶC ĐIỂM TIẾNG VIỆT THỂ HIỆN TRONG PHẦN LỜI CA CỦA CA KHÚC TRỮ TÌNH CÁCH MẠNG VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1954 - 1975"

Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Phạm Tất Thắng - TS. Đỗ Anh Vũ

Học viên Cao học                : Đỗ Thái Hà

Chuyên ngành: Ngôn ngữ học - Trường: Đại học Sư phạm Hà Nội



Bài viết liên quan
Khái niệm âm tiết và cấu trúc âm tiết

Khái niệm âm tiết và cấu trúc âm tiết

Do tiếng Việt là một ngôn ngữ đơn tiết và có nhiều thanh điệu nên yêu cầu kĩ thuật thanh nhạc của mỗi ca sĩ khi thể hiện phần lời ca khúc phải đảm bảo sự “tròn vành rõ chữ”...
Khái niệm ca khúc trữ tình

Khái niệm ca khúc trữ tình

Ca khúc trữ tình là những bài hát thể hiện chiều sâu nội tâm của con người với những cung bậc khác nhau...
Một số khái niệm âm nhạc cơ bản

Một số khái niệm âm nhạc cơ bản

Ca từ là phần ngôn ngữ của tác phẩm âm nhạc và phần ngôn ngữ này được đánh giá là có độ trau chuốt, gọt giũa, sáng tạo, mang những giá trị thẩm mĩ có thể tương đương với ngôn ngữ văn học...
Tình người và giá trị nhân văn trong lời ca

Tình người và giá trị nhân văn trong lời ca

Cái đau thương không thể đằm sâu mãi mà đã chuyển hóa trở thành niềm tự hào; sự hi sinh trở thành cái cao cả; và lời ca cứ ngân lên vang mãi theo giai điệu âm nhạc tràn ngập vào lòng người; đánh thức ...
Lời thơ được phổ nhạc

Lời thơ được phổ nhạc

Ca khúc hay là một ca khúc mà bản thân lời của nó đã là một bài thơ hay. Và những bài thơ hay thường dễ trở thành lời cho những ca khúc hay. Ca khúc có lời vốn là một bài thơ ta thường quen gọi là ...
Sự phù hợp về cao độ trong ca khúc

Sự phù hợp về cao độ trong ca khúc

Sự tính toán về mặt khoa học đã cho thấy những tương ứng giữa cao độ của các nốt nhạc với âm vực của các thanh điệu trong hệ thống thanh điệu của tiếng Việt. Điều này vô cùng quan trọng bởi nó liên ...
Ca khúc trữ tình cách mạng

Ca khúc trữ tình cách mạng

Nếu tính chất âm nhạc chủ yếu của những bài hành khúc là khỏe khoắn, hào hùng, thì ca khúc trữ tình là những bài hát thể hiện chiều sâu nội tâm của con người với những cung bậc khác nhau. Trong ca ...
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Chẳng cầu trong những năm tháng đẹp nhất gặp được người tốt nhất, chỉ nguyện những năm còn sống được tương phùng, lựa chọn một tòa thành sống với nhau đến già. ...
Tiếng dương cầm vọng mãi
Tiếng dương cầm vọng mãi
Chẳng ngôn ngữ nào êm dịu và trầm lắng cho bằng ngôn ngữ của thi ca Chẳng âm điệu nào thiết tha cho bằng cung thanh trầm của khúc nhạc... Tôi có một tình yêu lớ...
Nắng ấm quê hương
Nắng ấm quê hương
Quê hương là gì hở cha?Ai đi xa cũng nhớ nhiều... Phải thừa nhận rằng từ trước giờ, con chưa bao giờ nghĩ đến khái niệm Quê hương. Và cũng chưa một lần, con tự ...
THÀNH NGỮ TRUNG HOA

THÀNH NGỮ TRUNG HOA

Ngọc bất trác, bất thành khí  Nhân bất học bất tri lý Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ Vô duyên ...
Status 129 trên Nhân Văn Blog

Status 129 trên Nhân Văn Blog

Âm nhạc luôn luôn là nguồn hạnh phúc cho tất cả mọi người sống trên trái đất. Không có âm nhạc thế ...
43 câu nói ý nghĩa

43 câu nói ý nghĩa

1. Bộc lộ sự nóng nảy ra ngoài, đó gọi là bản năng. Kìm nén sự nóng nảy vào bên trong, đó gọi là ...
Như một người cha

Như một người cha

Trong cuộc đời mỗi chúng ta, luôn có những người đã dạy ta một điều gì đó khiến cuộc đời ta thay ...
Người tuổi Dần

Người tuổi Dần

Trời sinh người tuổi Dần rất nhạy cảm, và có giác quan thứ sáu, có khả năng nhìn thấu nội tâm của ...

"Nhân sinh nhược chích như sơ kiến....
Nếu cuối cùng mọi thứ đều phải tan biến, chỉ xin được giữ lại ánh nhìn buổi ban sơ..."

Bụng chứa thi thư, 

phong thái tự đẹp!

Hữu xạ tự nhiên hương

Ngọc bất trác, bất thành khí 

Nhân bất học bất tri lý

Nhất tự thiên kim

Thiên ngôn vạn ngữ

Tri nhân tri diện bất tri tâm

Video clip