Thứ năm, 21/11/2024 - 16:31

Một số mô típ thần thoại - truyền thuyết chủ yếu trong Tây du kí

Trong Tây du kí, sự ra đời thần kì của Tôn Ngộ Không và nhiều nhân vật khác chính là kết quả của việc nhào nặn lại mô típ “sự ra đời thần kì” phổ biến trong thần thoại – truyền thuyết ấy.

     Sự ra đời thần kì

     “Sự ra đời thần kì” là một mô típ quan trọng nói lên nguồn gốc thần kì, hứa hẹn một kì công, kì tích hoặc báo trước một biến cố đặc biệt nào đó trong cuộc đời nhân vật. Trong thần thoại Hi Lạp, nhiều cô gái ở trần gian đã sinh con với thần Zeus sau các cuộc tình vụng trộm của vị thần tối cao này. Trong sử thi Ấn Độ Ramayana, bốn anh em Rama – con của Đaxaratha - đều là hóa thân của thần Visnu, do ba vương hậu ăn bốn phần của bát chè thần mà vị thần hiện ra từ ngọn lửa tế lễ hiến sinh đưa cho… Thần thoại – truyền thuyết Trung Quốc cũng có không ít nhân vật ra đời thần kì. Y Doãn - đại thần của Thương Lang - được sinh ra từ bọng cây dâu; nàng Giản Định nuốt trứng chim én mà sinh ra Khiết – thủy tổ của nhà Thương; bà Khương - vợ của Đế Hạo – giẫm chân mình lên dấu chân người khổng lồ mà sinh ra Hậu Tắc - người được vua Nghiêu phong làm tổ nghề nông. Đặc biệt, có câu chuyện về sự ra đời kì lạ của Khải – con của thiên thần Đại Vũ và người con gái họ Đồ Sơn. Đại Vũ khi trị thủy, tự biến mình thành con gấu đào núi Hoàn Viên, hẹn với vợ hễ nghe tiếng trống thì đem cơm đến. Khi Vũ “quăng đá”, “đá đụng vào mặt trống”, người vợ đến thấy Vũ mang hình dạng con gấu, liền xấu hổ mà bỏ đi. Vũ cứ thế đuổi theo, người vợ chạy đến chân núi Tung Cao hóa thành tảng đá. Vũ đòi đá trả lại cho con mình, thế là tảng đá đứt đôi, sinh ra Khải. Hình tượng người sinh ra từ đá khá phổ biến trong thần thoại – truyền thuyết Trung Quốc này cũng thấy trong thần thoại Hy Lạp, huyền thoại Kitô giáo, vốn có nguồn gốc ở sự sùng bái đá từ thời đại đồ đá... Trong Tây du kí, sự ra đời thần kì của Tôn Ngộ Không và nhiều nhân vật khác chính là kết quả của việc nhào nặn lại mô típ “sự ra đời thần kì” phổ biến trong thần thoại – truyền thuyết ấy.

     Tình tiết “Thạch Hầu xuất thế” mở đầu tác phẩm miêu tả tỉ mỉ hoàn cảnh, thời gian, không gian, quá trình thai nghén và ra đời “con khỉ đá” là trường hợp tiêu biểu, điển hình nhất. Tác giả kể rằng lúc thế giới mới chia làm bốn châu lớn, ở Đông Thắng Thần Châu, ngoài biển có một nước gọi là nước Ngạo Lai ở sát gần biển lớn; giữa biển có một ngọn núi đẹp, gọi là núi Hoa quả, “là mạch tổ của mười châu, cội nguồn của ba đảo, đứng sừng sững từ lúc mới chia trong đục, hình thành từ thuở hồng hoang”, “Trên đỉnh ngọn núi này, có một tảng đá tiên cao đến ba trượng sáu thước năm tấc, xung quanh hai trượng bốn thước”. Chiều cao “hợp với vòng trời ba trăm sáu mươi lăm độ”, xung quanh “hợp với chính lịch hai mươi bốn khí”. “Trên có chiến khiếu tám lỗ hợp với cửu cung bát quái”. Tác giả còn bình luận thêm: “Có lẽ từ khi mới sinh ra, đã bẩm thụ khí thiêng của trời đất, tinh hoa của mặt trời, mặt trăng, nên mới thông linh như thế”, rồi mới nói về sự ra đời kì lạ của con khỉ đá: “Bên trong tảng đá nuôi một bào thai tiên. Một hôm nứt đôi, sinh ra một quả trứng đá tròn, to bằng quả cầu. Do gặp gió, hóa thành một con khỉ đá.”. Việc cố ý miêu tả kĩ lưỡng hình dạng, kích thước của “tảng đá tiên” hợp với các thông số thiên văn, lịch pháp và đồ “cửu cung bát quái” một cách kì lạ có liên quan đến quan niệm về sự sinh thành vũ trụ vạn vật mà tác giả đã trình bày rõ ngay từ đầu tác phẩm, đồng thời có tác dụng làm nổi bật ngụ ý: khỉ đá là con của trời đất, của vũ trụ, có khả năng thông linh với trời đất, với vũ trụ. Sau này Tôn Ngộ Không Tề Thiên Đại Thánh quả nhiên đã bộc lộ rõ năng lực phi thường ấy trong khi thực hiện những kì tích của mình. Những chi tiết miêu tả sinh động cụ thể đến kì lạ trên đây chính là sự sáng tạo tài tình của tác giả trên nguyên tắc chung của mô típ “sự ra đời thần kì”. Lấy thần phật yêu quái làm đối tượng miêu tả chủ yếu, Tây du kí đã sáng tạo ra cho người đọc một thế giới ảo tưởng. Mặc dù mang tính chất thần kì rất nhiều, thế giới ảo tưởng này là tác giả căn cứ vào cuộc sống hiện thực mà hư cấu ra. Tính cách của thần phật yêu ma cũng đều là tính cách của người trong cuộc sống hiện thực được khái quát và nâng cao lên.

     Biến hình

     “Biến hình” hay “biến thái” (biến hóa, thay hình đổi dạng) là mô típ đặc trưng và phổ biến của thi pháp thần thoại – truyền thuyết. Tất cả các nền thần thoại đều đầy rẫy những chuyện biến thái: các vị thần hóa mình hoặc hóa các sinh vật khác thành người, thành động vật, phần nhiều là thành chim, cây, hoa, suối, sông, đảo, mỏm đá, núi, tượng v.v... Các hiện tượng biến thái nhất thời phải được phân biệt rạch ròi với luân hồi theo đúng nghĩa là tái đầu thai, chuyển hoàn toàn và dứt khoát từ một trạng thái này sang một trạng thái khác. Nhân vật Tây du kí chủ yếu là nhân vật thần kì, cốt truyện cũng chủ yếu là đấu tranh thần ma, luôn xảy ra chuyện biến hình. Về nguyên tắc, các vị thần thánh đều có thể biến hình tùy ý. Tuy nhiên, tùy theo chức năng và mục đích hành động quen thuộc nào đó. Những nhân vật ma quỉ hay người và động vật tu luyện ở trần gian thì tùy theo công phu và thời gian tu luyện mà khả năng có thể khác nhau. Qua việc thể hiện các cuộc đấu tranh của Tôn Ngộ Không, có thể thấy ảnh hưởng và sự sáng tạo to lớn của tác giả khi vận dụng mô típ biến hình trong thần thoại – truyền thuyết, đặc biệt là truyền thuyết Phật giáo. Nhiều nhà nghiên cứu đã đánh giá rất chí lí rằng nếu không có những hình tượng Hình Thiên, Xuy cứu đã đánh giá rất chí lí rằng nếu không có những hình tượng Hình Thiên, Xuy Vưu, Khoa Phụ… trong thần thoại – truyền thuyết Trung Quốc thì cũng không có hình tượng người anh hùng Tôn Ngộ Không.

     Tôn Ngộ Không khi đi thám thính và khi muốn chui vào bụng đối phương thường biến thành những con vật bé nhỏ như con ong mật, con nhặng xanh, con dế, con bướm, con bọ mát… lại có thể tùy cơ mà biến thành những con vật khác lớn hơn, hoặc biến thành hình yêu quái và bọn tiểu yêu để lừa chúng. Nhờ có “tám vạn bốn nghìn sợi lông trên người, sợi nào cũng có thể biến hóa được thành vật khác”, Ngộ Không thường nhổ những sợi lông đó để sử “phép phân thân” và “phép thế nhân”… Đặc biệt, với bảy mươi hai phép Địa sát biến hóa, lão Tôn đã thoải mái trình diễn những cuộc đấu phép kinh thiên động địa với những “kì phùng địch thủ” như Nhị Lang thần, Ngưu ma vương, trong đó có cả những cuộc rượt đuổi kì lạ giữa những biến thái khác nhau. Đây là những dẫn chứng rất điển hình về sự kế thừa và sáng tạo mô típ biến hình trong Tây du kí.

     Cuộc đấu phép giữa Nhị Lang thần với Đại thánh bắt đầu sau khi hai bên đã đánh nhau liền ba trăm hiệp không phân thắng bại. Nhị Lang bèn “trổ hết thần uy, lắc mình một cái, tức thì người cao muôn trượng, mặt xanh, răng nhọn, tóc đỏ, hai tay cầm một ngọn giáo thần ba mũi hai lưỡi, trông tựa đỉnh núi Hoa Sơn, nhắm đầu Đại Thánh bổ xuống”. Đại Thánh cũng trổ thần thông, “biến thành người giống hệt Nhị Lang từ thân người đến mồm miệng, cầm cây gậy Như ý bịt vàng, khác nào cây cột chống trời trên đỉnh Côn Lôn, chặn ngay Nhị Lang thần lại”. Hai bên biến hóa pháp thân to lớn như trời đất đang đánh nhau thì Đại Thánh trông thấy bọn tiểu yêu sợ hãi chạy tan tác, đâm hoang mang, vội thu pháp thân, co người bỏ chạy. Bị sáu anh em Mai Sơn chặn trước cửa động, Đại Thánh lắc mình biến thành con chim sẻ đậu trên ngọn cây. Thế là bắt đầu cuộc rượt đuổi giữa các biến thái khác nhau của Nhị Lang và Đại Thánh: Nhị Lang – con chim ưng; Đại Thánh – con quạ, Nhị Lang – con hạc biển; Đại Thánh – con cá, Nhị Lang – con chim ưng; Đại Thánh – con rắn nước, Nhị Lang – con hạc màu tro; Đại Thánh – con chim giẽ… Cuối cùng Đại Thánh biến ra miếu thổ địa vẫn bị Nhị Lang phát hiện, lại dùng phép tàng hình chạy về cửa sông Quán vào miếu biến ra Nhị Lang giả…

     Cuộc đấu phép giữa Đại Thánh và Ngưu Ma Vương cũng diễn ra tương tự như thế. Trong cuộc giao tranh dữ dội, bị thổ địa, âm binh chặn mất đường vào động và Ngộ Không, Bát Giới đuổi tới, lão Ngưu sợ quá biến thành một con thiên nga bay vút lên không, bắt đầu cuộc rượt đuổi kì lạ: Đại Thánh – con chim hải đông thanh, Ngưu vương – con chim nhạn vàng; Đại Thánh – con chim phượng đen, Ngưu Vương – con hạc trắng; Đại Thánh – con phượng đỏ, Ngưu Vương – con nai tơ; Đại Thánh – con hổ đói, Ngưu Vương – con báo lớn; Đại Thánh – con sư tử mắt vàng, Ngưu Vương – con gấu người. Cuối cùng Ngưu vương “hiện nguyên hình là một con trâu trắng, đầu to như trái núi, mắt sáng tựa chớp nhoàng, đôi sừng như hai ngọn tháp sắt, răng bày sắc như dao, từ đầu chí đuôi dài tới hơn một nghìn trượng, từ sống lưng tới gót chân cao hơn tám trăm trượng”. Đại Thánh cũng hiện nguyên hình, biến pháp thân “cao hơn vạn trượng, đầu như núi Thái Sơn, mắt như hai vầng nhật nguyệt, mồm tựa ao máu, răng như tấm cửa, tay cầm gậy sắt nện thẳng xuống đầu con trâu”. Trận đánh “chuyển núi động ngàn, kinh thiên động địa” ấy đã làm “cản trở cả sự đi lại trên tầng không”. Việc các nhân vật biến hóa pháp thân trở thành to lớn, mang tầm vóc vũ trụ rõ ràng là kết quả sự kế thừa những hình tượng kì vĩ vốn có trong thần thoại – truyền thuyết.

     Ngoài những hình tượng Hoàng Đế, Xuy Vưu, Hình Thiên, Cung Công… trong thần thoại Trung Quốc, biến văn Đôn Hoàng cũng đã cung cấp cho Tây du kí mẫu gốc cơ bản về hình thức biến hình. Theo Uông Phiếm Chu, “Hàng ma biến văn” có kể về phương thức đấu phép của Phật Xá Lợi – đệ tử Phật với Lao Độ Xoa - sư ngoại đạo, chủ yếu là dùng thủ đoạn tương sinh tương khắc trong tự nhiên. Lúc Lao Độ Xoa hóa làm trâu nước, Phật Xá Lợi hóa voi mạnh; Lao Độ Xoa hóa thành hồ Thất bảo (thất bảo thủy trì), Phật Xá Lợi hóa voi trắng hút cạn nước; Lao Độ Xoa hóa thành con hải long, Phật Xá Lợi lại hóa thành chim cánh vàng (hải long là thức ăn của chim cánh vàng); Lao Độ Xoa hóa làm cây đại thụ cao ngất trời; Phật Xá Lợi liền hóa cuồng phong nhổ bật rễ lên… Cuối cùng Phật Xá Lợi thắng lợi hoàn toàn nhân sự qui y của Lao Độ Xoa. Trong Tây du kí, cuộc đấu tranh của anh em Ngộ Không với yêu quái dưới sự phù trợ của Phật, Bồ Tát… chủ yếu cũng biểu hiện thành hình thức tương sinh tương khắc này.

     Trong hai dẫn chứng điển hình vừa nêu trên, có thể thấy rõ sáng tạo của tác giả trong việc vận dụng mô típ khá quen thuộc này (thần thoại Hi Lạp, Ả Rập… cũng có mô típ này). Trình tự diễn biến hai cuộc đấu phép rõ ràng khác nhau, các biến thái cụ thể cũng khác nhau và khác với các biến thái được mô tả trong mẫu gốc. Đó là chưa kể đến tình huống dẫn đến các cuộc đấu. Đặc biệt, với cuộc đấu phép giữa Nhị Lang và Đại Thánh, ngòi bút tác giả đã tỏ ra cực kì xảo diệu khi kết hợp điểm nhìn bên ngoài với điểm nhìn bên trong, bộc lộ thế giới nội tâm nhân vật, tạo nên sự hấp dẫn kì lạ của cuộc đuổi bắt. Khi Đại Thánh tránh cái mổ của con hạc biển, sà xuống chui vào lòng suối, biến thành con cá; Nhị Lang đuổi tới bờ suối không thấy tăm hơi Đại Thánh đâu cả, nghĩ thầm: “Con khỉ này chỉ có thể chui xuống nước, biến thành loài tôm cá nào đó. Để ta biến hóa lừa bắt nó”; Nhị Lang bèn biến thành con ngư ưng bơi tung tăng nơi cuối dòng đợi bắt Đại Thánh. Đại Thánh “đã biến ra một con cá đang thuận dòng bơi xuôi, bỗng thấy một con chim giống diều xanh mà lông không xanh, giống con cò mà trên đầu lại không có mào dài, giống con giang mà chân lại không đỏ”, bèn nghĩ bụng: “Đúng là Nhị Lang đợi bắt ta rồi” và vội vã quay đầu bơi đi. Nhị Lang trông thấy: “Con cá quẫy kia trông như cá chép mà đuôi không đỏ, như cá diếc hoa mà không có vẩy hoa, như cá quả mà đầu không có chấm sao, như cá mè mà không có ngạnh. Tại sao nó vừa trông thấy ta là đã quay đi ngay? Chắc hẳn là con khỉ biến thành đây”. Rõ ràng bằng việc thể hiện ý nghĩ của hai nhân vật, thông qua sự so sánh, người đọc vừa cảm nhận được sự quan sát tinh tế của tác giả về các đối tượng được mô tả, vừa cảm nhận được sự thông minh cơ trí của hai nhân vật “kì phùng địch thủ” này. Đem cái quen thuộc để làm nổi bật cái lạ, làm cho bản thân cái quen thuộc cũng trở nên lạ lẫm vì được nhìn bằng con mắt phân tích, phát hiện, đó là chỗ sáng tạo độc đáo của tác giả khi thể hiện tình tiết này.

     Nói đến việc vận dụng mô típ “biến hình” ở đây, cần phải thấy sự sáng tạo của tác giả không phải chỉ được thể hiện trong việc mô tả những biến thái cụ thể, sinh động, phù hợp với hoàn cảnh địa lí và văn hóa dân tộc của người Trung Quốc; mà quan trọng hơn là tạo ra được những tình huống li kì, hấp dẫn để việc biến hình được thực hiện; qua đó mà góp phần thể hiện tình cảm, tư tưởng, thái độ của nhân vật. Chẳng hạn, Ngộ Không biến hóa dựa trên nguyên tắc chung “lớn thì bằng vũ trụ, bé chẳng khác sợi lông”, “không cái gì là không biến ra được”, nhưng ở những hoàn cảnh cụ thể khác nhau, sự biến hóa đều có những sắc thái riêng biệt, và góp phần làm nổi bật không chỉ sự thông minh, cơ trí, mà cả sự từng trải, tính cách ngoan cường, tình cảm yêu ghét phân minh và lòng trung thành tận tụy của nhân vật này. Sự “sáng tạo” của nhân vật khi trổ phép biến hóa thần thông ở những tình huống khác nhau chính là sự sáng tạo của tác giả trong vận dụng mô típ này.

 

***Trích dẫn từ Khóa luận tốt nghiệp Cử nhân Văn học năm 2010: 

“HÌNH TƯỢNG TÔN NGỘ KHÔNG TRONG TÂY DU KÍ CỦA NGÔ THỪA ÂN”

Giảng viên hướng dẫn: ThS. Nguyễn Thanh Diên

Sinh viên thực hiện     : Đỗ Thái Hà

Trường: Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội



Bài viết liên quan
Nội dung đang được cập nhật.
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Chẳng cầu trong những năm tháng đẹp nhất gặp được người tốt nhất, chỉ nguyện những năm còn sống được tương phùng, lựa chọn một tòa thành sống với nhau đến già. ...
Tiếng dương cầm vọng mãi
Tiếng dương cầm vọng mãi
Chẳng ngôn ngữ nào êm dịu và trầm lắng cho bằng ngôn ngữ của thi ca Chẳng âm điệu nào thiết tha cho bằng cung thanh trầm của khúc nhạc... Tôi có một tình yêu lớ...
Nắng ấm quê hương
Nắng ấm quê hương
Quê hương là gì hở cha?Ai đi xa cũng nhớ nhiều... Phải thừa nhận rằng từ trước giờ, con chưa bao giờ nghĩ đến khái niệm Quê hương. Và cũng chưa một lần, con tự ...
THÀNH NGỮ TRUNG HOA

THÀNH NGỮ TRUNG HOA

Ngọc bất trác, bất thành khí  Nhân bất học bất tri lý Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ Vô duyên ...
Status 129 trên Nhân Văn Blog

Status 129 trên Nhân Văn Blog

Âm nhạc luôn luôn là nguồn hạnh phúc cho tất cả mọi người sống trên trái đất. Không có âm nhạc thế ...
43 câu nói ý nghĩa

43 câu nói ý nghĩa

1. Bộc lộ sự nóng nảy ra ngoài, đó gọi là bản năng. Kìm nén sự nóng nảy vào bên trong, đó gọi là ...
Như một người cha

Như một người cha

Trong cuộc đời mỗi chúng ta, luôn có những người đã dạy ta một điều gì đó khiến cuộc đời ta thay ...
Người tuổi Dần

Người tuổi Dần

Trời sinh người tuổi Dần rất nhạy cảm, và có giác quan thứ sáu, có khả năng nhìn thấu nội tâm của ...

"Nhân sinh nhược chích như sơ kiến....
Nếu cuối cùng mọi thứ đều phải tan biến, chỉ xin được giữ lại ánh nhìn buổi ban sơ..."

Bụng chứa thi thư, 

phong thái tự đẹp!

Hữu xạ tự nhiên hương

Ngọc bất trác, bất thành khí 

Nhân bất học bất tri lý

Nhất tự thiên kim

Thiên ngôn vạn ngữ

Tri nhân tri diện bất tri tâm

Video clip