Bên cạnh đặc điểm cấu trúc ngữ pháp của các nhan đề ca khúc như chúng tôi vừa miêu tả, còn phải thấy rằng, nhan đề ca khúc cũng đồng thời cung cấp cho chúng ta những giá trị thông tin ngữ nghĩa; khiến ta có thể nhanh chóng xác định, phân loại những mảng đề tài thu hút được người nghệ sĩ cầm bút, thúc giục họ mau chóng có những sáng tác mới; là một nguồn lực động viên tinh thần mạnh mẽ đối với quân dân cả nước trong cuộc kháng chiến trường kì đầy gian khổ nhưng cũng đầy tự hào.
Trong 128 ca khúc trữ tình cách mạng đã nêu, dựa vào sự biểu hiện ngữ nghĩa qua nhan đề ca khúc, ta có thể phân chia ra làm 7 nhóm chủ đề chính, gồm: Ca ngợi người anh hùng - ca ngợi lãnh tụ - ca ngợi Đảng, Tình yêu tổ quốc - yêu cách mạng, tình yêu lứa đôi, tình yêu và niềm tự hào với những tên đất tên miền cụ thể, hình tượng người chiến sĩ, tình yêu với những ngành nghề, những chủ đề khác.
Ở nhóm Ca ngợi người anh hùng - ca ngợi lãnh tụ - ca ngợi Đảng, có thể thấy nổi bật lên những nhan đề như: Hát mừng anh hùng Núp, Đảng cho ta một mùa xuân, Biết ơn chị Võ Thị Sáu, Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người, Người là niềm tin tất thắng, Mang hình Bác chúng ta lên đường, Tôi hát tên người đồng chí Lê Nin… Nhóm này có tất cả 16 nhan đề.
Ở nhóm chủ đề tình yêu tổ quốc - tình yêu cách mạng nổi bật lên các nhan đề: Ta đã lớn, Hòa bình trên đất nước ta, Quê tôi giải phóng, Lời ca thống nhất, Bài ca hy vọng, Việt Nam quê hương tôi, Mỗi bước đi thêm yêu tổ quốc, Hát mừng quê ta giải phóng, Dân ta đánh giặc anh hùng, Đường tôi đi dài theo đất nước, Tự nguyện, Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam… Nhóm này có số lượng lớn nhất, gồm tất cả 34 nhan đề.
Ở nhóm tình yêu lứa đôi, có tất cả 8 nhan đề: Tình trong lá thiếp, Tình ca, Tình ca Tây Bắc, Tình em, Sợi nhớ sợi thương, Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây, Em ở nơi đâu, Câu hò bên bờ Hiền Lương.
Nhóm tình yêu và niềm tự hào với những tên đất tên miền cụ thể có tất cả 28 nhan đề, chiếm số lượng lớn thứ hai, chỉ sau nhóm tình yêu tổ quốc – yêu cách mạng: Bạch Long Vĩ đảo quê hương, Quảng Bình quê ta ơi, Tiếng hò trên đất Nghệ An, Hà Tây quê lụa, Bức tranh xuân Vĩnh Phú, Tháng ba Tây Nguyên, Bài ca Hà Nội, Bài ca thành Huế, Hà Nội thủ đô ta đó, Chào sông Mã anh hùng, Ơi dòng suối Lala, Bài ca Trường Sơn, Vàm cỏ Đông, Bến cảng quê hương tôi, Thành phố hoa phượng đỏ…
Nhóm hình tượng người chiến sĩ có 20 nhan đề: Anh vẫn hành quân, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Em thương người trong Huế đấu tranh, Cô gái vót chông, Cô gái mở đường, Người con gái sông La, Ngợi ca dũng sĩ miền Nam, Dáng đứng Việt Nam, Cùng hành quân giữa mùa xuân, Đường Trường Sơn xe anh qua…
Nhóm chủ đề ngành nghề có 8 nhan đề: Đường cày đảm đang, Tôi là người thợ lò, Tôi người lái xe, Bài ca xây dựng, Tôi lắng nghe sông Đà gọi Thác Bà, Bài ca năm tấn, Cây lúa Hàm Rồng, Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi.
Những chủ đề khác gồm 8 nhan đề còn lại: Các nhan đề biểu hiện hình tượng người mẹ (Mẹ yêu con, Lời ru trên nương, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Địu con đi nhà trẻ); các nhan đề biểu hiện hình tượng tiếng đàn (Tiếng đàn Ta lư, Rừng xanh vang tiếng Ta lư); hai nhan đề khác là Gọi nghé trên đồng và Xe chú vô đúng ngày tựu trường.
Việc phân loại nhan đề dựa trên tiêu chí từ vựng ngữ nghĩa có thể được tổng kết lại qua bảng dưới đây:
Bảng phân loại nhan đề ca khúc theo tiêu chí từ vựng ngữ nghĩa
Chủ đề | Anh hùng, lãnh tụ, Đảng | Tổ quốc, cách mạng
| Tình yêu lứa đôi | Tên đất tên miền | Người chiến sĩ | Ngành nghề | Khác |
Số lượng | 16 | 34 | 8 | 28 | 20 | 8 | 8 |
Tỉ lệ | 13% | 28% | 7% | 23% | 16% | 7% | 7% |
***Trích dẫn từ Luận văn Thạc Sĩ Khoa học Ngữ văn năm 2012:
"ĐẶC ĐIỂM TIẾNG VIỆT THỂ HIỆN TRONG PHẦN LỜI CA CỦA CA KHÚC TRỮ TÌNH CÁCH MẠNG VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1954 - 1975"
Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Phạm Tất Thắng - TS. Đỗ Anh Vũ
Học viên Cao học : Đỗ Thái Hà
Chuyên ngành: Ngôn ngữ học - Trường: Đại học Sư phạm Hà Nội