Thứ tư, 09/10/2024 - 07:26

Phật duyên

Đi khắp núi sông, chỉ cảm thấy đời người như mộng, tìm một nơi an ổn, sống bình đạm qua ngày, mới là phúc báo. Nếm trải hết năm vị, cảm thấy trà thô cơm nhạt, áo vải giản đơn mới là thuần khiết.

     Trồng hoa sen, là để trong tháng năm dễ dàng trôi đi, có thêm một phần bình hòa. Tôi luôn tin rằng, những sự vật có liên quan đến Phật, Thiền đều có linh tính, đều có thể dẫn dắt tôi. Mà tôi của kiếp trước, chắc chắn là một đóa sen xanh nở trong đầm phóng sinh. Tuy rằng nhìn trời qua đáy giếng, không thể đến đi tự do tự tại như một hạt bụi trong thế giới bao la, nhưng trong tâm có thiện niệm, không có sở cầu. Tôi hiểu rất rõ rằng phàm trần đông đúc, ảo ảnh mơ hồ, phần nhiều là hư ảo, chẳng qua là để che mắt, quấy nhiễu tâm tính con người.

     Đi khắp núi sông, chỉ cảm thấy đời người như mộng, tìm một nơi an ổn, sống bình đạm qua ngày, mới là phúc báo. Nếm trải hết năm vị, cảm thấy trà thô cơm nhạt, áo vải giản đơn mới là thuần khiết. Phong cảnh bên ngoài khung cửa sổ chống, nhìn tưởng như phẳng lặng không gợn sóng, nhưng kỳ thực ẩn giấu sóng ngầm.

     “Như Lai nói các tâm đều không phải là tâm, nên được gọi là tâm. Cho nên làm thế nào? Tu Bồ đề! Không được có tâm quá khứ, không được có tâm hiện tại, không được có tâm tương lai.”

     Phật nói, vạn vật đều đang tu hành. Viết chữ cũng là một loại tu hành, tôi vốn là một người tùy tính, không thích câu nệ, đời người vội vã ba chục năm, nhưng vẫn chưa làm được gì cả. Sao chép kinh Phật, và cũng không nghiên cứu sâu là mấy, chỉ cần trong lòng có sự từ bi, tự tại. Từng chữ, từng hàng văn, đều có Phật tính.

     Phật pháp vô biên, chỉ một quyển kinh, một câu kệ, là có thể dẫn dắt cho hết thảy những người mê lầm chốn thế gian. Thế nào là Phật? “Biết hết thảy các pháp quá khứ, tương lai, hiện tại, chúng sinh, không phải chúng sinh, hữu thường, vô thường… giác ngộ dưới gốc cây bồ đề, vì thế có tên là Phật Đà.” Thế nào là đất Phật? Kinh viết rằng: “Có hết thảy trí tuệ, hết thảy các loại trí tuệ, rời bỏ phiền não chướng và sở trị chướng, với hết thảy pháp, hết thảy tướng, đều có thể tự khai giác, cũng có thể khai giác hết thảy hữu tình, cảm giác như ngủ mơ, như hoa sen nở, vì thế gọi là đất Phật.”

     Phật chỉ tĩnh tọa dưới gốc bồ đề, là đột nhiên giác ngộ, hiểu được quá khứ tương lai. Ngài cầm hoa mỉm cười, vạn vật hóa thành bụi trần. Người có tuệ căn, kiếp sau sẽ hóa thành hoa sen, nở trong đầm Thất Bảo. Kẻ tư chất ngu độn, thì luân hồi đến biển đời, tiếp tục lịch trần kiếp, cảm nhận tự nhiên, mới có thể được chứng ngộ. Phật vốn chẳng có lòng phân biệt, chỉ là con người có quá nhiều ham muốn, tu vi của bản thân lại còn nông cạn, không tin vào nhân quả, cố giữ danh lợi, cho dù có thường xuyên quỳ trên nệm cỏ, ngày đêm thắp nhang cúng vái, thì những chuyện mà y cầu khấn, rốt cuộc cũng khó được như ý nguyện.

     Thực ra, Phật cũng từng trải qua hết trăm ngàn kiếp nạn, mấy lần dạo qua hồng trần, đi qua biển tình cuộn sóng, mới tránh xa gió mây mênh mang, nghiêm trang thoát tục. Hoa Nghiêm kinh nói: “Hết thảy pháp không sinh, hết hảy pháp không diệt. Nếu hiểu như thế, chư Phật thường hiển linh.” Đây là cảnh giới của Phật, nhìn có vẻ Thiền tâm mộc mạc, nhưng lại hàm chứa huyền cơ sâu sắc. Nếu như đời người chưa từng trải qua mấy câu chuyện, diễn mấy cuộc hợp tan, ngắm mấy lần hoa nở, mấy độ trăng tròn, thì sao có thể hiểu được sống chết tức là Niết Bàn, tùy duyên tức là an lành.

     Lục Tổ đàn kinh viết: “Hết thảy chúng sinh đều có hai thân, gọi là Sắc thân và Pháp thân. Sắc thân vô thường, có sinh có diệt. Pháp thân hữu thường, không hiểu biết không giác ngộ.” Những người bình thường như chúng ta, đến đi trong cõi trần, làm thế nào mới có thể giống như hoa sen, tẩy sạch điểm trang, không nhiễm bụi trần? Thực ra những chuyện sinh diệt của nhân gian thuộc về lẽ thường tình, hữu tình vô tình, ảo diệt thăng trầm, đều đã có số mệnh. Chưa từng qua bãi bể, thì sao thấy được nương dâu? Không tu kiếp này, thì sao có được kiếp sau?

     Có người không đi ra khỏi được chốn quan trường danh lợi, có người không vượt qua nổi cửa ải ái tình. Hồng trần vạn tượng, tuy chỉ là mộng ảo bọt bóng, như sương như sét, chúng sinh chìm đắm bên trong đó vẫn lưu luyến khó từ bỏ. Chúng ta đều biết Thiền là diệu dược linh đan, có thể trị lành vết thương của phù thế, nhưng tham Thiền cũng cần có cơ duyên. Thiền ở trong phong cảnh của đời người, giữa năm tháng bình đạm. Cái tâm bình thường người nào cũng có, nhưng làm được đến mức không sinh không diệt, không bẩn không sạch, không tăng không giảm, thì đâu có dễ dàng.

     “Hỏi thế gian tình ái là gì? Mà khiến đôi lứa thề nguyền sống chết.”1 Thứ khiến con người đau buồn nhất chính là ái tình. Trên đá Tam Sinh, khắc tình duyên ba kiếp của mỗi con người. Món nợ mà bạn đã thiếu, cho dù vật đổi sao dời, cuối cùng thì bạn vẫn phải trả. Người đã định sẵn có duyên với bạn, cho dù sơn cùng thủy tận, cuối cùng cũng sẽ tương phùng. Dẫu có là cao tăng đắc đạo, tu hành La Hán, cắt đứt mọi vô minh phiền não, tham thấu được huyền cơ sinh tử, thì cũng vẫn phải trả món nợ tình này.

     “Dành cả một đời tan nát, đổi lấy mấy cái ngoái nhìn.”2 Phật nói, kiếp trước ngoái nhìn năm trăm lần, mới đổi được một cái lướt qua nhau của kiếp này. Chúng ta đành phải luẩn quẩn lục đạo luân hồi, đến đến đi đi, kết thúc rồi lại bắt đầu. Cùng tu hành với vạn vật, không biết ngày nào mới có thể nhảy ra khỏi tam giới, có được linh tính. Khi đó, tụ tan được mất, duyên sinh duyên diệt, cũng chỉ coi là bình thường.

     Phật vô tình, ngồi trên đài sen, tâm như nước lặng. Phật hữu tình, tùy duyên mà hóa độ cho chúng sinh. Tuy nói rằng sông núi trên thế gian đều bình đẳng, nhưng những người được Phật dẫn dắt, cũng là người có duyên, là người có thể dẫn dắt. Trong ngưỡng cửa của Phật, không chia ra sang hèn, trên dưới, người tu Phật cần có một trái tim Thiền trong vắt vô trần. Giữ những kinh kệ như biển mây vô biên, chúng ta là những người chèo đò không biết mỏi mệt, không cần cập bờ, cứ tự tại là đã thành Phật.

     Phật nói, sống trên đời giống như thân ở giữa bụi gai, tâm không động, người không vọng động, không động thì sẽ không bị thương; nếu tâm động, thì người vọng động, làm cơ thể bị thương, đau đến thấu xương cốt, thế là thể nghiệm được mọi nỗi đau khổ của nhân thế. Câu Thiền ngữ này, tôi đã chép lại cả trăm ngàn lần, mỗi lần đều có một cảm nhận khác nhau. Cố chấp như thế, không phải là bản ý của tu Phật. Cảnh giới của Phật là mây trên trời xanh, nước chảy từ phía Đông.

     Nếu như biến tất cả mọi sống chết, thiện ác, sướng khổ thành ảo tưởng, dùng cái bóng của bản thân để thể nghiệm, chân thân sẽ không bị thương một chút nào. Cái tâm Thiền định, nên là như thế, không bị nghi ngờ, không hỏi nông sâu. Hãy để cái bóng đối thoại với linh hồn trong vắt, lãng quên mọi khổ nạn đã trải qua trên trần thế, cho dù luân hồi, vừa không sợ hãi, vừa đẹp đẽ.

     Đúng thế, hãy trấn tĩnh cõi lòng, tọa Thiền tu tâm. Khi duyên Phật tới, tự có thể bước ra khỏi hồng trần. Con đường ấy có lẽ rất xa xôi, phải đợi đến tận cuối cuộc đời; có lẽ rất gần, chỉ cần trong khoảnh khắc mà thôi. Nếu như mãi mãi kiếp này không thể đạt được, thì hãy ở lại cõi Ta Bà này, làm một người nhàn nhã, ngắm quang âm như sương, hóa thành tro bụi cùng với vạn vật. Nếu có kiếp sau, hẹn ước lên đài hoa sen, nối tiếp Phật duyên.

 

1Trích bài Mô ngư nhi - Nhạn khâu (Mô ngư nhi - Mồ chim nhạn) của Nguyên Hiếu Vấn.

2Trích bài Thanh bình lạc của Vương Quốc Duy.


Tác giả: Bạch Lạc Mai (Lục Bích dịch)

Bài viết liên quan
Nội dung đang được cập nhật.
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Chẳng cầu trong những năm tháng đẹp nhất gặp được người tốt nhất, chỉ nguyện những năm còn sống được tương phùng, lựa chọn một tòa thành sống với nhau đến già. ...
Tiếng dương cầm vọng mãi
Tiếng dương cầm vọng mãi
Chẳng ngôn ngữ nào êm dịu và trầm lắng cho bằng ngôn ngữ của thi ca Chẳng âm điệu nào thiết tha cho bằng cung thanh trầm của khúc nhạc... Tôi có một tình yêu lớ...
Nắng ấm quê hương
Nắng ấm quê hương
Quê hương là gì hở cha?Ai đi xa cũng nhớ nhiều... Phải thừa nhận rằng từ trước giờ, con chưa bao giờ nghĩ đến khái niệm Quê hương. Và cũng chưa một lần, con tự ...
THÀNH NGỮ TRUNG HOA

THÀNH NGỮ TRUNG HOA

Ngọc bất trác, bất thành khí  Nhân bất học bất tri lý Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ Vô duyên ...
Status 129 trên Nhân Văn Blog

Status 129 trên Nhân Văn Blog

Âm nhạc luôn luôn là nguồn hạnh phúc cho tất cả mọi người sống trên trái đất. Không có âm nhạc thế ...
43 câu nói ý nghĩa

43 câu nói ý nghĩa

1. Bộc lộ sự nóng nảy ra ngoài, đó gọi là bản năng. Kìm nén sự nóng nảy vào bên trong, đó gọi là ...
Như một người cha

Như một người cha

Trong cuộc đời mỗi chúng ta, luôn có những người đã dạy ta một điều gì đó khiến cuộc đời ta thay ...
Người tuổi Dần

Người tuổi Dần

Trời sinh người tuổi Dần rất nhạy cảm, và có giác quan thứ sáu, có khả năng nhìn thấu nội tâm của ...

"Nhân sinh nhược chích như sơ kiến....
Nếu cuối cùng mọi thứ đều phải tan biến, chỉ xin được giữ lại ánh nhìn buổi ban sơ..."

Bụng chứa thi thư, 

phong thái tự đẹp!

Hữu xạ tự nhiên hương

Ngọc bất trác, bất thành khí 

Nhân bất học bất tri lý

Nhất tự thiên kim

Thiên ngôn vạn ngữ

Tri nhân tri diện bất tri tâm

Video clip