Gần đây, tôi có xem bộ phim "Tôi ở tương lai đợi cậu”, trong đó có rất nhiều phân đoạn khiến tôi cảm động vô cùng. Đặc biệt là tập mới đây, ở buổi họp phụ huynh sau khi kì thi kết thúc, khi thầy giáo Hác đứng trên bục giảng nói với các bậc phụ huynh rằng:
"Chúng ta không thể đem thành tích và thứ hạng để đo lường một học sinh, điều này đối với các em có thể trở thành một gánh nặng. Kì thực, so với điểm số, việc giúp các em có thể tìm ra được năng khiếu cũng như khả năng phù hợp của bản thân quan trọng hơn rất nhiều".
Có những lời bàn tán, nghi hoặc từ phía các bậc phụ huynh thế này:
"Nếu như điểm số, thứ hạng không quan trọng, vậy thì không lên được đại học phải làm sao? Hiện tại, sau khi tốt nghiệp đại học đều không còn được phân việc nữa, huống hồ chưa qua đại học, tương lai sẽ đi về đâu?”
Bối cảnh của câu chuyện này là vào năm 1998, nhưng tôi tin rằng, những thanh âm này, vào năm 2019 vẫn còn tồn tại. Có biết bao học sinh đang sống qua những ngày bị đo lường bằng điểm số, tôi nghĩ, con số này sẽ không ít đâu.
Điểm số cố nhiên là quan trọng, nhưng không thể dùng điểm số để phủ định toàn bộ một con người. Đối với giáo dục, không nên chỉ dừng lại ở bình diện "hoàn thành mục tiêu" và "cơm no áo ấm” mà phải giúp học sinh khơi gợi mong muốn học tập, từ đó phát hiện được điểm riêng biệt của mình, bồi dưỡng thành kĩ năng giỏi.
Trước đây, từng có một thầy giáo nói với tôi thế này:
"Trời đã sinh tôi thì ắt có chỗ dùng tới. Kì thực, mỗi một người đều có vị trí của riêng mình, chỉ là một số người có thể tự mình tìm ra, còn một số người lại cần được người khác chỉ dẫn. Khác biệt ở chỗ, người tự mình tìm ra, có thể tự mình nắm chắc vận mệnh, còn người cần người khác chỉ dẫn lại phải xem có may mắn gặp được thầy giỏi hay không, mà cơ duyên này lại là một điều hết sức vi diệu, rất nhiều người cả đời đều không có được may mắn đó, đến cuối cùng chỉ có thể tầm thường, vô vị sống cho qua một đời".
Rất nhiều người trong quá trình theo đuổi quy tắc, tiêu chuẩn hóa đã đánh mất chính mình, lại không ít người may mắn gặp được một người thầy như thầy Hác, chỉ dẫn một hai. Cuộc sống vốn dĩ không phải là một bộ phim, có rất nhiều điều chúng ta cần phải tự mình thấu hiểu. Người tỉnh ngộ, liền nắm bắt được thông điệp của vận mệnh. Người không tỉnh ngộ chỉ có thể mơ mơ hồ hồ sống qua ngày.
Tôi vẫn ấn tượng sâu sắc với nhân vật Tiểu Vũ, người bị bố mẹ bắt thôi học.
"Cho con đọc sách, chính là muốn con cầm được cái bằng phổ thông, hiện tại tấm bằng đại học cũng vô dụng rồi, con cũng đừng nghĩ về trường học nữa, con thôi học theo bố mẹ bày một sạp bán rau, bán hàng tại nhà, tìm một người rồi lấy vợ, sinh con thôi".
Câu nói này đối với một đứa trẻ trong một gia đình đặc thù, không có gì là lạ, cho dù là ở năm 1998 hay là bây giờ, lịch sử vẫn luôn lặp lại như thế.
Trước đây, có nhiều người cũng từng nói:
"Con gái đọc nhiều sách để làm gì, sau này cũng phải gả cho người ta, chi bằng đi làm sớm hơn một chút, giảm bớt gánh nặng cho gia đình".
Logic của họ đều như vậy, dù gì bạn cũng không thích học, càng học không giỏi, tốt nhất là cứ đi làm luôn cho xong.
Xem ra điều này cũng rất có lí. Tuy nhiên, sau này, tôi phát hiện: Có rất nhiều thứ chúng ta làm, thực không phải vì kết quả, mà là ở độ tuổi nào thì nên làm những chuyện mà độ tuổi đó nên làm.
Chúng ta cần tuân theo nguyên tắc của xã hội để trưởng thành. Nếu bạn mười mấy tuổi đã sớm phải gánh vác những chuyện mà người hai mươi mấy tuổi mới phải làm, thì bạn sẽ đánh mất nhiệt huyết cùng hăng hái mà thanh niên mười mấy tuổi nên có, sau này bạn muốn bù đắp cũng bù không nổi đâu.