Thứ sáu, 26/04/2024 - 06:42

KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN Q

Chuyện kể: Ngày xưa, có hai người học trò một tên là Lưu Cải, một tên là Lễ Châu. Họ cùng nhau đèn sách mấy năm liền nên tình cảm như anh em ruột thịt...

Qua cầu rút ván

Câu thành ngữ có ý ám chỉ những người vô ơn, bội nghĩa.

Chuyện kể:

Ngày xưa, có hai người học trò một tên là Lưu Cải, một tên là Lễ Châu. Họ cùng nhau đèn sách mấy năm liền nên tình cảm như anh em ruột thịt.

Sắp đến kỳ thi, Lễ Châu bị ốm.Tưởng bệnh tình khó qua khỏi, Lễ Châu bèn nói với Lưu Cải:

- Tôi nay chắc không sống được. Ngôi nhà và mảnh vườn này của cha mẹ tôi để lại, anh hãy bán nó đi, một phần lấy tiền đi thi, bõ công đèn sách mấy năm qua, một phần để làm ma cho tôi. Anh đỗ đạt kỳ này là tôi mãn nguyện lắm rồi.

Lưu Cải thương bạn khóc nức nở. Theo lời bạn, Lưu Cải bán mảnh vườn lấy tiền vừa để lo thuốc thang cho bạn, vừa thêm vào việc lều chõng của mình. Rồi kỳ thi năm ấy, nhờ có tiền đi thi nên Lưu Cải đã đỗ, rồi được bổ làm quan. Thời gian trôi đi, nhờ thuốc thang chữa trị, lại thấy bạn mình thi đỗ thì thấy làm vui nên bệnh của Lễ Châu lui dần, rồi một ngày kia bệnh tình khỏi hẳn.

Nhớ đến bạn năm nào cùng chung đèn sách, Lễ Châu nghĩ đến tình xưa, nghĩa cũ đặng tìm đến bạn cũ nhờ đỡ đần để có dịp chờ ngày thi tiếp. Từ ngày làm quan, Lưu Cải tính tình thay đổi, lạnh nhạt với bạn cũ. Sợ bạn mình nhờ vả, liên lụy nên Lưu Cải tìm cách trốn tránh, rồi sinh lòng hại bạn. Nhưng Lễ Châu không hề biết bụng dạ của bạn đã thay đổi nên chẳng chút nghi ngờ. Một ngày kia, trời đã tối, tìm gặp được Lưu Cải, Lễ Châu theo bạn vào nhà. Thời ấy, người ta đào hào xung quanh nhà để chống trộm. Muốn vào nhà phải qua một chiếc cầu, dưới đó là hào sâu có cắm chông và rắn rết. Lưu Cải đi trước, lợi dụng lúc tối trời, vừa bước sang bên này ván cầu, anh ta bèn rắp tâm rút cái ván để cho Lễ Châu lăn xuống hào mà chết. Nghe tiếng rút ván Lễ Châu hiểu ngay sự tình nên đã kịp dừng chân. Tưởng bạn đã rơi xuống hào sâu chết rồi, Lưu Cải mới lỉnh vào vườn trong.

Lễ Châu trở về nhà, buồn rầu vì tình bạn tráo trở. Lưu Cải làm quan được mấy năm thì bỗng nhiên một hôm bị sét đánh chết. Hôm đưa ma bạn về, Lễ Châu mới kể chuyện cũ cho thầy dạy mình nghe. Thày dạy mới bảo:

- Đó là kẻ “qua cầu rút ván”, người như thế khó qua khỏi được trời quở trách. Chết bất đắc kỷ tử là phải lắm rồi.

Trước thì được người giúp đỡ, khi thành công, thành danh rồi thì lại bội ơn, khinh bạc người, rồi tìm cách hại người, những kẻ như thế, xưa nay, đời nào cũng có. Nên dân gian mới có câu:

Khi chưa, tình nghĩa trăm đàng

Được thì rút ván, phũ phàng làm ngơ.

Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn

 

Quạ nào mà chẳng đen đầu

Khẳng định đầu con quạ nào cũng đen. Đen ở đây là ý xấu xa. Thành ngữ ví von cùng một giuộc, cùng bản chất xấu xa như nhau cả. Còn có câu: Giống quạ đen đầu. Đen như quạ.

Chuyện kể:

Xưa, quạ và công là đôi bạn thân. Màu lông của chúng đều xám xịt như rúc ở bùn lên. Một hôm, quạ bảo công:

- Đằng kia có người thợ vẽ, ta ăn trộm một ít về sửa lại bộ cánh cho đẹp.

Rồi hai con rủ nhau ăn trộm được thỏi mực tàu, một gói thuốc xanh và gói kim nhũ.

Quạ đem công ra vẽ. Nó dùng màu xanh tô vào cổ, vào mình cho công. Tô đến đâu rắc kim nhũ đến đấy. Đến cái đuôi, công xòe ra cho quạ vẽ nhưng vì màu xanh đã cạn nên chỉ vẽ được vành tròn rồi rắc nhũ lên.

Đến lượt công vẽ cho quạ thì bỗng có tiếng lợn kêu eng éc ở đằng xa. Quạ chắc mẩm sẽ được bộ lòng lợn. Càng nghĩ càng thèm, nó không tự chủ được nữa bèn giục công rối rít.

- Thôi chị vẽ cho tôi nhanh lên, kẻo lỡ hết bữa cỗ ngon.

Công vẫn đủng đỉnh:

- Cô cứ từ từ, phải có bộ cánh đẹp thì đi dự tiệc mới ra dáng chứ.

Tiếng lợn kêu càng dồn dập, quạ càng sốt ruột, nó giục:

- Chị công ơi, chị đổ cả màu đen lên mình tôi cho mau đi!

Công chưa kịp nghe ra thì quạ liền nhảy vào chậu thuốc vẽ rồi cứ thế chúi đầu xuống chậu thuốc mực tàu. Công bực quá, cầm chậu thuốc đổ cả lên đầu đó.

Thành thử bây giờ chả con quạ nào không đen đầu (1)

Tham lam, háu ăn và hấp tấp đến như quạ thì chẳng còn coi nghệ thuật là gì. Những người cùng hội cùng thuyền thì giống nhau, vì thế, phải chọn bạn mà chơi, kẻo người đời cho rằng “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, bởi:

“Quạ nào mà đầu chẳng đen

Quạ đâu lại dám mon men với cò” (2)

Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn

(1): Phỏng theo truyện “Con công và con quạ”, Truyện cổ nước Nam, Nguyễn Văn Ngọc, NXB Văn học, 2003.

(2): Ca dao.

 

Quýt làm cam chịu

Đối với chúng ta, quýt và cam là hai giống cây ăn quả rất được ưa thích, thường trồng trong vuờn. Hai giống cây này cùng họ hàng, rất gần gũi nhau, có thể lai giống lẫn nhau. Quýt lai cam và cam lai quýt là chuyện bình thường.

Vậy thì quýt làm cam chịu vốn có nghĩa ra sao khi xét về nguồn gốc ?

Một số người làm vườn giải thích rằng: cam và quýt tuy cùng họ với nhau thật, nhưng nếu trồng chung trong một vườn thì cam sẽ kém ngon, còn quýt sẽ to quả hơn, và vị của nó cũng đã khác đi rồi. Vì thế, muốn có cam hay quýt thuần chủng, giữ được hương vị riêng thì phải trồng tách biệt, mỗi loại cây một nơi. Trong một vườn, đã trồng cam thì thôi trồng quýt, mà đã trồng quýt thì thôi trồng cam. Cam mà “làm”, thì quýt phải “chịu”, và ngược lại. Với cách hiểu nghĩa gốc của câu tục ngữ như vậy, thì cam và quýt ở đây là những loài cây trồng, đối tượng của người làm vườn, còn làm hay chịu là hành động của nguời làm vườn ấy !

Nhưng cũng còn một cách hiểu khác.

Ai đã đọc truyện Trạng Lợn, hẳn còn nhớ một câu chuyện nhỏ sau đây: Chuyện kể rằng Trạng được người đời đồn đại là có tài bói toán siêu hạng. Một hôm công chúa bị mất đôi vòng ngọc quý do nước ngoài đem cống vua ta. Cả triều đình xôn xao, mất ăn mất ngủ. Viên quan coi việc an ninh lập tức cho lính triệu ngay Trạng Lợn vào triều và trao cho việc truy tìm thủ phạm. Trạng biết là khó gỡ, nhưng không dám chối từ, bèn tìm cách hoãn binh, xin cho được mười lăm ngày để suy tính. Nằm trên một căn gác cao tĩnh mịch, Trạng nghĩ quanh quẩn đã được bảy ngày mà vẫn chẳng tìm ra được diệu kế gì, bụng lấy làm lo lắm. Nếu không hiến được kế tìm ra thủ phạm thì có thể mất đầu ! Nghĩ quẩn quá, Trạng đập tay xuống chiếu mà than rằng: “Hừ, rõ thực quýt làm cam chịu”. Không ngờ, trong vụ ấy thằng Quýt thông đồng với thằng Cam ăn trộm vòng ngọc của công chúa. Hai tên trộm vì quá lo lắng đã đến rình dưới căn gác để nghe trộm xem động tĩnh thế nào. Khi nghe thấy Trạng phán như vậy, chúng hoảng hốt, vội ra đầu thú để mong được giảm nhẹ tội. Thế là Trạng không chỉ thoát tội, mà còn lập được công to nhờ có sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa từ cam và từ quýt trong lời than của Trạng với tên riêng của hai thằng kẻ trộm! Sự trùng hợp ngẫu nhiên ấy lại nên chuyện và có thể chấp nhận được vì nó có cơ sở trong cuộc sống. Ta đã chẳng từng gặp những cái tên rất dân dã, như anh Mít, anh Xoài, anh Nghêu, anh Ốc, thị Hến, cô Thơm, thằng Cò, cái Hĩm... đó sao!

Và như thế thì câu quýt làm cam chịu ban đầu cũng chỉ biểu thị một tình huống cụ thể tương tự như chuyện thằng Quýt làm cái việc ăn trộm vòng ngọc mà thằng Cam thì phải chịu tội. Về sau, do tính điển hình của sự việc và cảnh huống mà câu này trở thành tục ngữ với nghĩa khái quát hơn, ứng với mọi cảnh huống tương tự: Người này làm, còn người kia phải chịu hậu quả.

Dĩ nhiên, ngay cách lý giải vừa nêu cũng chỉ là một giả thuyết.

Nhiều khi người ta không cần biết đến lai lịch của thành ngữ, tục ngữ, nhưng người ta vẫn sử dụng nó một cách thuần thục và sinh động. Đối với thành ngữ quýt làm cam chịu (hay cam làm quýt chịu) cũng vậy.

Trong tiếng Việt còn có một thành ngữ rất gần nghĩa với câu quýt làm cam chịu. Đó là câu kẻ ăn ốc người đổ vỏ. Song, câu thành ngữ thứ hai này thường dùng để nói về một cảnh huống hơi khác là: một người được hưởng thụ, còn một người khác lại phải gánh chịu hậu quả.

 

Theo: KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ

HOÀNG VĂN HÀNH (chủ biên)

VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

VIỆN NGÔN NGỮ HỌC

NXB VĂN HÓA SÀI GÒN


Tác giả: HOÀNG VĂN HÀNH (chủ biên)
Nguồn: KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ

Bài viết liên quan
KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN O

KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN O

Chuyện kể: Tương truyền Vi Cố, đời nhà Đường, bên Trung Quốc, một hôm gặp một bà già chột mắt ẵm đứa bé đi qua chợ. Một người không rõ ở đâu đến bảo: “Đứa bé sau này sẽ là vợ anh”.
KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN N

KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN N

Tục truyền, chúa Chổm là nhân vật có thật trong lịch sử nước nhà. Thuở hàn vi, chúa Chổm mắc nợ nhiều. Khi được lên ngôi vua và rước về kinh thành Thăng Long thì bị đòi nợ suốt dọc đường...
KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN M

KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN M

Chuyện kể: Nhà kia tích cóp mua được con bò đẹp, ưng lắm, chăm bẵm suốt ngày. Tối đến, chủ nhà dắt bò buộc vào gốc tre cạnh nhà. Thằng trộm mấy lần rình, đợi khi cả nhà ngủ say, nó tháo dây thừng dắt ...
KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN L

KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN L

Chuyện kể: Cá chép sau khi hóa rồng mới trở về vùng sông nọ tổ chức một cuộc thi sắc đẹp cho muôn loài sống dưới nước nhân vào kỳ vũ cốc...
KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN K

KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN K

Ngày xưa khi cân đo những thứ kim loại quý hay các vị thuốc bắc người ta dùng một loại cân cũ gọi là cân ta. Theo quy ước chung, khi cân đo bằng loại cân này...
KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN H

KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN H

Chuyện kể: Xưa có một con vẹt được người nuôi, dạy cho nói tiếng người. Con vẹt học được vài ba tiếng, suốt ngày ra rả, lặp đi lặp lại tiếng nói đã bắt chước được, làm huyên náo cả khu vườn...
KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN G

KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN G

Chuyện kể: Từ Đức Ngôn yêu công chúa Nhạc Xương, em gái Trần Hậu Chủ. Gặp buổi nước Trần suy loạn, Từ Đức Ngôn nói với công chúa ...
KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN Đ

KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN Đ

Có một lần Tào Tháo đem quân đi chinh phạt nhà Thục. Quân Thục chống trả quyết liệt và cố thủ vững chắc. Cuộc chiến kéo dài, quân Tào mệt mỏi, tiến thoái lưỡng nan...
KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN D

KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN D

Chuyện kể: Xưa có anh học trò rất dốt, nhưng ở đời “Xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ”. Có người tưởng anh hay chữ thật, đón về nhà dạy trẻ...
KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN B

KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN B

Chuyện kể rằng: Ngày xưa, thời Xuân Thu Chiến Quốc, dưới trướng của Sở Công Vương có hai người bắn súng lừng danh thiên hạ. Một người tên là Phan Đáng, còn người kia tên là Dưỡng Do Cơ...
KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN A

KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN A

Theo sách Phật, đời nhà Đường vào thế kỷ thứ VII có ngài Tuệ Viễn quê ở Lư Sơn. Tuệ Viễn thông tuệ kinh pháp nhưng cũng là người thông kinh sử và phụng thờ đức phật...
KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN C

KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN C

Chuyện kể: Đời xưa, chuột vốn là giống linh thiêng ở trời, trời giao cho chìa khóa giữ kho lúa. Lợi dụng quyền hành, chuột thường đến kho, mở khóa rả rích ăn bao nhiêu là thóc, trấu còn lại vương ...
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Chẳng cầu trong những năm tháng đẹp nhất gặp được người tốt nhất, chỉ nguyện những năm còn sống được tương phùng, lựa chọn một tòa thành sống với nhau đến già. ...
Tiếng dương cầm vọng mãi
Tiếng dương cầm vọng mãi
Chẳng ngôn ngữ nào êm dịu và trầm lắng cho bằng ngôn ngữ của thi ca Chẳng âm điệu nào thiết tha cho bằng cung thanh trầm của khúc nhạc... Tôi có một tình yêu lớ...
Nắng ấm quê hương
Nắng ấm quê hương
Quê hương là gì hở cha?Ai đi xa cũng nhớ nhiều... Phải thừa nhận rằng từ trước giờ, con chưa bao giờ nghĩ đến khái niệm Quê hương. Và cũng chưa một lần, con tự ...
THÀNH NGỮ TRUNG HOA

THÀNH NGỮ TRUNG HOA

Ngọc bất trác, bất thành khí  Nhân bất học bất tri lý Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ Vô duyên ...
Status 129 trên Nhân Văn Blog

Status 129 trên Nhân Văn Blog

Âm nhạc luôn luôn là nguồn hạnh phúc cho tất cả mọi người sống trên trái đất. Không có âm nhạc thế ...
43 câu nói ý nghĩa

43 câu nói ý nghĩa

1. Bộc lộ sự nóng nảy ra ngoài, đó gọi là bản năng. Kìm nén sự nóng nảy vào bên trong, đó gọi là ...
Như một người cha

Như một người cha

Trong cuộc đời mỗi chúng ta, luôn có những người đã dạy ta một điều gì đó khiến cuộc đời ta thay ...
Người tuổi Dần

Người tuổi Dần

Trời sinh người tuổi Dần rất nhạy cảm, và có giác quan thứ sáu, có khả năng nhìn thấu nội tâm của ...

"Nhân sinh nhược chích như sơ kiến....
Nếu cuối cùng mọi thứ đều phải tan biến, chỉ xin được giữ lại ánh nhìn buổi ban sơ..."

Bụng chứa thi thư, 

phong thái tự đẹp!

Hữu xạ tự nhiên hương

Ngọc bất trác, bất thành khí 

Nhân bất học bất tri lý

Nhất tự thiên kim

Thiên ngôn vạn ngữ

Tri nhân tri diện bất tri tâm

Video clip