Ma ăn cỗ
Sự hiện hình của hồn người chết được gọi là ma. Ma vẫn sỗng, vẫn hoạt động dưới âm phủ. Ma thiếu ăn sẽ trở thành ma đói, thường gây tác oai tác quái cho người sống. Thế là những ai có thân nhân chết, phải nhớ đến mà làm cỗ cúng ma vào dịp ba ngày, một trăm ngày kể từ ngày chết. Đặc biệt, đúng ngày người đó chết hàng năm phải làm cỗ cúng bái, gọi là giỗ. Và ai đó nữa, nhẹ dạ cả tin đi xem bói, được biết có ma làm hại, cũng phải làm cỗ để cúng ma. “Xem bói ra ma, quét nhà ra rác” mà lại! Có điều là, sau khi cúng xong, mâm cỗ vẫn còn nguyên lành, thứ nào thứ nấy không hề mất mát, vơi đi. Mâm bát, xôi thịt, chè, cháo vẫn đầy như lúc chưa cúng! Nguyên thì vẫn nguyên thế thôi, kì thực theo sự hình dung của người đời, ma đã ăn cỗ rồi đấy! Ma ngồi chỗ nào để ăn cỗ, ai mà biết được. Ma thì có phép thần thông biến hóa, lai vô ảnh, khứ vô hình. Ma đâu phải như người? Ma không ăn thịt, ăn xôi tì tì mà chỉ ăn hương, ăn khói, tận hưởng cái tình người dương gian gửi gắm qua đó mà thôi. Muốn hay không, trước lí lẽ như vậy, người ta dễ dàng nghĩ rằng ma ăn cỗ rất tài tình, kín đáo mà ta không thấy, không hay biết. Từ đời này qua đời khác, trong tri thức dân gian in đậm nét chuyện ma ăn cỗ. Do đó, hễ việc làm nào đó, thường là việc làm xấu, được thực hiện kín đáo, vụng trộm khéo léo đến mức không lưu lại dấu vết gì, không để cho một ai hay biết thì dân gian ta thường ví với việc ma ăn cỗ.
Nhìn chung, thành ngữ ma ăn cỗ được dùng để chỉ tất cả mọi việc làm vụng trộm và kín đáo đến mức phi tang mọi dấu vết. Tuy nhiên, trong thực tế sử dụng, thành ngữ ma ăn cỗ dường như có thiên hướng được ưa dùng để ví với những cuộc tình vụng trộm, nhất là đối với việc ngoại tình của các cặp tình nhân. Có lẽ, trong quan niệm dân gian, chuyện tình vụng trộm được coi là xấu, thiếu đứng đắn. Cũng như ma ăn cỗ, những cuộc tình chẳng để lại dấu vết gì. Nó chẳng khác nào mặt hồ gợn sóng sau cơn gió, rồi lại phẳng lặng như tờ. Nó cũng chẳng khác nào con chim đậu trên cây, sau khi bay đi, ai mà tìm được dấu chân chim?
Khi sử dụng thành ngữ ma ăn cỗ, người ta hay dùng các từ ngữ có tính phủ định như ai biết được, ai mà biết, ai biết đâu, nào ai biết, làm sao mà biết, để biểu thị cái ý: chính mình không thấy, không biết nhưng vẫn gợn lên trong suy nghĩ một chút hồ nghi là sự việc đang được hỏi đến có thể có trong thực tế.
Mạt cưa mướp đắng
Có một cuộc hội ngộ thật ngẫu nhiên và đầy lý thú. Một anh chàng rao bán cám làm thức ăn cho lợn gà, mà trong gánh chỉ rặt một thứ mạt cưa! Lại nữa một kẻ rêu rao bán dưa chuột, nhưng những thứ bán ra chỉ toàn là mướp đắng! Chả là về ngoại hình thì mạt cưa trông cũng từa tựa như cám, và “mướp đắng” cũng khó phân biệt với dưa chuột mà lại! Và, trớ trêu thay cái phường mạt cưa mướp đắng ấy lại gặp nhau!
“Tình cờ chẳng hẹn mà nên
Mạt cưa mướp đắng đôi bên một phường”
(“Truyện Kiều”. Nguyễn Du)
Thành ngữ mạt cưa mướp đắng hay mướp đắng mạt cưa, do chỗ được hình thành từ câu chuyện vui như trên, cho nên trước hết nó được dùng để chỉ những kẻ chuyên đi lừa đảo trong xã hội. Trong sử dụng, thành ngữ này còn có thể được dùng để chỉ chính ngay hành vi bịp bợm của những hạng người xảo trá, đê tiện.
Máu ghen Hoạn Thư
Đã đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du mấy ai quên được Hoạn Thư, con người “ở ăn thì nết cũng hay. Nói điều ràng buộc thì tay cũng già”. Mà nhớ nhất là sự đánh ghen của người đàn bà họ Hoạn này, cái ghen sâu sắc, âm thầm mà độc địa, tàn khốc.
Khi biết tin chồng đi lấy vợ lẽ, Hoạn Thư giận lắm nhưng không hề để lộ cho ai biết, thậm chí còn trị tội bọn gia nhân khi chúng định mách bảo để tâng công. Khi Thúc Sinh về đến nhà, Hoạn Thư sai bày rượu tiếp đón vui vẻ như không có gì xảy ra. Thấy thế Thúc mừng lắm, yên trí là vợ chưa biết, cho nên cũng “ngậm tăm" luôn cái chuyện vợ lẽ kia. Hoạn Thư như “đi guốc trong bụng” chồng, đúng lúc Thúc Sinh đang nôn nao nhớ Kiều thì Hoạn Thư gợi ý là Thúc nên quay lại Lâm Truy. Được lời như cởi tấm lòng, Thúc vội vàng lên ngựa ra đi. Chỉ chờ có vậy Hoạn Thư cũng vội lên xe về Tích Giang thăm cha mẹ đẻ và một cuộc đánh ghen bắt đầu.
Hoạn Thư thuê bọn côn đồ Ưng Khuyển đi đường tắt sang Lâm Truy bắt cóc Kiều. Đầu tiên họ Hoạn cho Kiều một trận đòn phủ đầu, sau đó cho về làm con hầu nhà Hoạn Thư với tên mới là Hoa Nô. Nói về chàng Thúc, sau khi tưởng Kiều đã chết, tỏ ra đau đớn lắm nhưng rồi nỗi đau cũng nguôi dần. Rồi một hôm chàng lại đánh đường về thăm vợ cũ quê xưa. Thật trớ trêu là cái bẫy của Hoạn Thư đã giăng sẵn chờ chàng. Khi Thúc vừa về đến nhà lập tức Hoạn Thư cho gọi Kiều ra hầu hạ. Thúc Sinh và Kiều gặp nhau mà như trong cơn ác mộng, lòng dạ cứ rối bời, không hiểu là thật hay là do ma quỷ! Thật là một cách đánh ghen kỳ lạ, “giết người không dao” vậy. Chưa hết Hoạn Thư còn bắt Kiều phục dịch hầu hạ hai vợ chồng mình nữa. “Bắt khoan bắt nhặt đến lời. Bắt quỳ tận mặt bắt mời tận tay”. Còn nữa, Hoạn Thư còn bắt Kiều đánh đàn hầu rượu. Tiếng đàn “như khóc như than” của Kiều làm cho Thúc Sinh tan nát lòng bao nhiêu thì Hoạn Thư càng hởi lòng hởi dạ bấy nhiêu. Sau đó, nể lời đề nghị của chồng, Hoạn Thư cho Kiều ra Quan âm các để tụng kinh niệm phật với cái tên mới Trạc Tuyền. Đã là tình cầm sắt mà phải giả bộ làm ngơ, dù gần nhau gang tấc, chàng Thúc đau khổ lắm. Một hôm nhân khi Hoạn Thư về thăm mẹ đẻ Thúc lẻn ra tình tự với Kiều. Hai bên đang kể lể nỗi lòng, thở than sùi sụt thì Hoạn Thư đã trở về và nghe hết mọi chuyện. Sau đó Hoạn Thư vào Quan âm các đàng hoàng vui vẻ chào hỏi hai người, khen tài hoa Thúy Kiều rồi khoác tay chồng cùng về nhà như không hề biết chuyện gì. Cách xử sự của Hoạn Thư làm Kiều kinh ngạc đến run sợ, và ngay đêm đó Kiều đã quyết định trốn khỏi nhà Hoạn Thư để bắt đầu một chặng đời lưu lạc mới của mình. Điều đặc biệt là trong suốt quá trình đánh ghen Hoạn Thư không hề hỏi đến và làm như tuyệt nhiên không biết gì về quan hệ giữa Thúc Sinh và Thúy Kiều, cứ coi như hai người không quen biết nhau vậy!
“Máu ghen đâu có lạ đời nhà ghen” đến nỗi Thúc Sinh lấy Kiều rồi mà phải bó tay còn Kiều thì kinh sợ mà chạy trốn! Cho đến nay “Máu ghen Hoạn Thư” chắc vẫn còn nhiều người ngán ngẩm và kiêng nể! Đã đành là, “ghen tuông thì cũng người ta thường tình”. Nhưng để biến một kiểu ghen thành di sản văn hoá, - tâm lý điển hình cho một lớp người và được xã hội hoá, dân gian hoá, như lối ghen của Hoạn Thư thì không có nhiều trong văn hoá thế giới. Nguyễn Du ơi! Không phải sau ba trăm năm, mà rồi sẽ mãi mãi, người đời vẫn còn khóc vì tài và mệnh của một con người.
Mất bò mới lo làm chuồng
Câu thành ngữ chỉ kẻ không biết lo liệu đề phòng trước, để việc hỏng rồi mới ứng cứu, lo liệu phòng thân. Cũng hàm ý chỉ kẻ dốt nát.
Chuyện kể:
Nhà kia tích cóp mua được con bò đẹp, ưng lắm, chăm bẵm suốt ngày. Tối đến, chủ nhà dắt bò buộc vào gốc tre cạnh nhà. Thằng trộm mấy lần rình, đợi khi cả nhà ngủ say, nó tháo dây thừng dắt bò đi mất. Sáng ra ngủ dậy không thấy bò đâu, nhà kia tức lắm. Người hàng xóm sang chơi thấy vậy bảo:
- Chẳng là bác không có chuồng để ngăn kẻ trộm, chứ buộc vào gốc tre thì nó dắt mất là phải.
Nhà kia nghe ra cho là phải, bèn đi mua cột cây về dựng giữa vườn một cái chuồng bò. Vừa làm anh ta vừa nói:
- Phen này thì thằng trộm kia đó mà dắt được bò của ông đi.
Người hàng xóm sang, cả cười:
- Bác mất bò rồi thì làm chuồng làm gì cho phí công, phí của.
Người mất bò lúc ấy mới mới ngớ ra mình làm gì còn bò nữa mà làm chuồng, đành lại dỡ xuống. (1)
Chuyện như bịa nhưng vẫn có trong cuộc sống. Ở đời nhiều người vẫn chẳng phòng xa, khi hỏng việc, cháy nhà, vỡ nợ, sụt cầu hoặc mất của rồi mới có ý đề phòng cẩn thận, lúc ấy, mọi sự đã trỏ nên quá muộn. Chả trách dân gian mới có câu “Cháy nhà mới đi tìm nước”, “Mất bò mới lo làm chuồng” là vậy.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn
(1) Theo “Truyện cổ nước Nam”
Ôn Như Nguyễn Văn Học – NXB Văn học, 2003
Mèo già hóa cáo
Câu thành ngữ ý nói đến kẻ tinh ranh càng lâu ngày càng thêm tinh khôn ranh mãnh.
Chuyện kể:
Xưa có con muỗi và con dơi, hai con có việc bất bình đi thưa kiện nhau.
Muỗi thì muốn mèo làm thầy kiện, dơi thì cầu chuột làm thầy cãi. Thầy kiện và thầy cãi vốn không ưa nhau lại chẳng biết tranh tụng ra sao nên cậy thế, thầy kiện mèo mới tiện mồm xơi thịt quách thầy cãi chuột. Dơi không còn thầy cãi, dơi thua kiện bèn tính cách báo thù muỗi.
Muỗi sợ không dám bay ra ban ngày nên cứ đợi nhá nhem tối bay ra. Dơi cũng đợi có thế, kéo đàn kéo lũ ra đớp cho thật nhiều muỗi mới hả giận.
Vì thương nhớ thầy kiện chuột nên dơi cứ tâm niệm mình là chuột, thế rồi lột xác bộ mặt của chuột vào mình để trả thù loài muỗi. Vì thế bộ mặt dơi bây giờ mới chẳng khác gì mặt chuột.
Còn nói về con mèo, càng ngày nó càng ăn chuột dữ lắm, không những thế lại còn dở chứng ăn vụng. Không có ai ngăn cản nó càng làm dữ, lâu ngày trở thành mèo già hoang. Thấy nó đã trở thành mèo già hoang, lang bạt kỳ hồ, nên trời ấn chỉ bắt nó thành loài cáo.
Ai ngờ nó thành cáo rồi thì càng ranh ma quỉ quyệt hơn, không chỉ vồ chuột, nó còn rình bắt trộm gà vịt của người.
Từ đấy dân gian truyền tụng nhau “mèo già hóa cáo” là vậy. (1)
Thực ra mèo không phải là cáo. Truyện trên nói mèo càng già thì càng ranh mãnh quỉ quyệt. Nói cáo nhưng lại thành ra con người. Người chuyên lừa đảo, sống ranh ma quỉ quyệt thì người ta ví như loài cáo vậy./.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn
(1) Theo “Đông Tây ngụ ngôn” – Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc – NXB Văn học, 2003.
Mỗi cây mỗi hoa
Thực tế, cây nào hoa ấy là do tạo hóa sinh ra. Nói một cách giản dị là “cây nào hoa ấy”, “chẳng hoa nào giống hoa nào”. Từ đó, suy ra vế hai “mỗi nhà mỗi cảnh”, không mấy ai giống ai.
Chuyện kể:
Trước khi tạo hóa nặn ra con người thì đã có cây cối đủ loại rồi. Nhưng ngặt một nỗi, các loại cây cùng chung một màu hoa làm cho cảnh sắc đâu đâu cũng giống nhau. Hơn nữa, cây to cũng như cây cỏ bé nhỏ mọc ở ven rừng, cánh hoa cũng bằng nhau chằn chặn. Rồi hương hoa cũng vậy, đâu đâu cũng một mùi giống nhau, chẳng có gì là hấp dẫn.
Vì hoa giống nhau nên loài cây không sao phát tán, gây giống sinh trưởng được nên đã nhờ ong, bướm mời Thần Tạo Hóa xem xét giúp.
Thần Tạo Hóa bay xuống trần gian, đi khắp Trái đất, quả thấy đâu đâu cũng chỉ một loài hoa. Vốn đa cảm, Thần Tạo Hóa thấy Trái đất trùng trùng điệp điệp các loại cây nhưng hương sắc thì nhạt nhòa, đơn điệu nên đã triệu các loại cây lớn, bé đến phán:
- Quả thật là cây cối trần gian phong phú. Nhưng cứ thế này thì rồi Trái đất cũng lụi tàn, cây cối chúng mày không phát dục được. Hơn nữa đơn điệu quá, chỉ một màu, chỉ một mùi hương. Ta có sáng kiến thế này: Các ngươi dồn hết hoa của các ngươi lại, ta pha thêm màu sắc, rỏ nước thơm vào rồi tạo hoa cho loài cây các ngươi. Các loại cây trên Trái đất đều nghe theo, gom hết hoa lại đựng cả trời mây mới hết. Thần Tạo Hóa sai các thần linh dưới quyền pha màu rồi đổ nước thơm vào. Sau đó, lệnh cho gió thổi cả trời mây hoa xuống trần thế. Rồi Thần ra lệnh mỗi cây chỉ được lấy một loài hoa. Trần thế đang âm u, bỗng nhiên rực rỡ. Cây cối xòe lá, xòe ngọn ra đón hoa. Thế là cả thế gian bừng lên muôn màu muôn sắc.
Tuy nhiên, do các thần trộn màu không đều nên có cây thì nhần được màu hoa rực rỡ, có cây chỉ nhận được màu nhạt, xanh, đỏ, tím, vàng cũng khác nhau. Do nước thơm vẩy không đều nên có loài hoa thì thơm phảng phất, có loài hoa thì thơm ngây ngất, cũng có loài hoa thì do nước thơm không sạch nên đã chuyển mùi khó chịu. Những cây cao thường chỉ hứng được cánh hoa nhỏ, còn những cánh hoa to và nặng hơn phần nhiều rơi xuống thấp, đậu vào những cây nhỏ hơn dưới mặt đất. Thành thử, những cây dưới thấp thường có hoa to hơn những cây cao.
Thần Tạo Hóa đứng trên mây nhìn xuống, cười:
- “Mỗi cây, mỗi hoa. Muôn trời rực rỡ”. Rồi Thần bay về trời.
Từ thực tế mỗi cây mỗi hoa, con người vận vào cuộc sống xã hội phong phú nên có vế “mỗi nhà mỗi cảnh”. Thế nên, ở đời không nên chỉ nghĩ giản đơn là mình thế nào thì người thế ấy, nhà mình sao thì nhà khác vậy. “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh” là chân lý giản dị. Vì vậy, trăm người trăm ý, trăm nhà trăm mối là hiển nhiên.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn
Môi hở răng lạnh
Môi và răng là hai bộ phận của cơ thể, gắn liền với nhau, có liên quan với nhau. Hành động của người này có ảnh hưởng đến người khác. Ý nói anh em tình nghĩa ruột già, nghĩa tình đồng bào một nước nên che chở đùm bọc lấy nhau. Còn có câu: Máu chảy ruột mềm Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ...
Chuyện kể:
Một hôm, hàm răng mắng nhiếc cái môi rằng:
- Ngươi suốt ngày cứ ngậm miệng ăn tiền, nhưng hễ có miếng gì ăn được là ngươi chực sẵn thừa cơ mở miệng ra là đớp trước. Còn ta suốt ngày phải nhai đến mỏi cả hàm.
Cái môi tức giận bảo:
- Ta sinh trước, ta che chở cho mi. Mi sinh sau, chỉ có việc nhai, của ngon vật lạ mi dùng cả, còn tị nỗi gì.
Hàm răng cãi:
- Ta suốt ngày ở trong, bị ngươi che lấp cả, chỉ khi vui cười, ngươi mới mở miệng ra. Thành thử ai người ta biết được răng ta đen hay trắng.
Cái môi giận quá mới bảo:
- Mi có thích ta suốt ngày mở miệng ra cho người ta nhìn thấy mi không? Được, ta sẽ chiều theo ý mi.
Từ đấy, cái môi cứ cong lên, hở ra mà cười suốt ngày.
Mùa đông gió lạnh, cái môi càng cong lên. Nó ngày ngày buôn chuyện với mọi người.
Chỉ chờ có thế, cô gió lợi dụng lúc môi cong lên, hở hoác liền chui vào trong mồm. Hàm răng bị gió rét làm tê buốt cả chân răng. Lúc ấy, nó mới kêu:
- Chị môi ơi, ngậm miệng lại đi. Cứ thế này thì răng tôi lạnh lắm.
Người ta biết cái quy luật của đời thì cũng biết thêm cái thân phận mình, hiềm tị nhau biết đâu lại mang cái vạ vào mình. Ở đời anh em, cha mẹ, bạn bè, làng xóm, rộng ra là đồng bào phải biết yêu thương, đùm bọc nhau. Môi với răng gắn với nhau như anh em ruột thịt nên có câu: “Như môi với răng” là vậy.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn
Một mất mười ngờ
Câu thành ngữ ý nói về việc khi người ta mất của dễ nghi ngờ lung tung, thường ngờ vực cho kẻ này, người nọ.
Chuyện kể:
Có người thợ mộc, một hôm bị mất cái bào. Từ hôm bị mất bào, anh ta chẳng biết xoay sở ra sao. Có một thằng bé hôm ấy đi ngang qua đấy. Lệ thường thằng bé vẫn lễ độ chào anh ta, thế mà hôm ấy chẳng biết sao, mặt thằng bé tỉnh bơ đi ngang qua. Anh thợ mộc thấy bộ dạng thằng bé thế thì ngờ ngay rằng: “Chắc chắn là thằng bé này”. Nghĩ bụng, anh ta hộc tốc chạy theo thằng bé đòi lại bào.
Nhưng chạy được một quãng thì thằng bé mất hút. Anh ta lại gặp ngay một người đàn ông. Người này vui vẻ chào anh ta. Anh ta chào lại nhưng trong lòng lại sinh nghi: “Quái cái lão này, chẳng bù cho mấy hôm trước, mặt cứ tỉnh bơ, hẳn có sự khuất tất gì đây nên mới giả bộ thân thiện thế”.
Anh thợ mộc nghi thì nghi nhưng vì chẳng có chứng cớ gì mà vặn người đàn ông kia nên đành lủi thủi quay về. Vừa về đến nơi, có một người làng đến xin anh ta một mẩu gỗ nói là để kê bàn. Vốn cái bào thì cần phải có cái nêm, vì vậy anh thợ mộc nghĩ ngay: “Chắc xin mẩu gỗ để nêm bào đây”. Người làng chọn trong đống gỗ vụn không có mẩu gỗ nào ưng ý nên thôi. Anh thợ mộc lại nghĩ: “Chắc nó sợ lộ, đích thị là thằng này lấy trộm bào của mình”.
Đang nghĩ kế rình bắt quả tang người làng kia thì bỗng hắn nhìn thấy một ông già cầm tấm gỗ ván đã được bào nhẵn đi ngang qua. Chẳng đắn đo suy nghĩ, anh ta nghi ngay: “Vết bào kia còn mới, chắc ông già kia ăn trộm bào của mình”. Thế là anh ta lại chuyển hướng rình bắt ông già nọ.
Buổi chiều, vợ anh thợ mộc bới từ đống mùn cưa thì thấy cái bào bị vùi trong đó. Hỏi ra lúc quét dọn, mẹ vợ anh ta mắt kém dồn cả đống mùn cưa, phôi bào cùng cái bào vào đấy. Vợ anh ta thấy anh ta mừng vì tìm được bào bèn nói:
- Từ sáng đến giờ, anh ngờ đến chín người trộm bào, còn tôi đây nữa sao anh không ngờ nốt cho nó chẵn mười.
Kẻ bị mất cắp hay suy diễn lung tung không căn cứ, mọi sự, mọi động thái của người khác đều bị tình nghi. Đấy chính là tâm lý và cũng là cái xấu của kẻ bị mất. Vì thế, nghi nghờ là sự vô cùng dễ dẫn đến mất tình, mất nghĩa.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn
Một miệng thì kín, chín miệng thì hở
Câu thành ngữ ý nói bất cứ chuyện gì đã đến người thứ hai biết thì khó giữ được bí mật.
Chuyện kể:
Có một ông quan, một hôm, vợ quan đi vắng mới tí tóe với người hầu gái. Người hầu gái sợ quan bà nên chạy xuống bếp, chẳng may làm đổ chậu nước. Quan vừa đến đấy, quần áo lại lụng thụng, dẫm phải vũng nước nên ngã chỏng vó ra giữa bếp. Anh người làm không nhịn được mới cười chí chết. Quan ngượng quá gọi anh người làm đến dọa:
- Mày phải kín tiếng, không được nói chuyện này cho ai nghe chưa? Nếu không chết cả nhà mày đấy.
Anh người làm dạ dạ, vâng vâng. Khi hết buổi làm, anh ta về nhà nhưng nghĩ mãi đến chuyện vừa xảy ra thì cứ thế mà cười không sao nhịn được. Vợ anh ta mới hỏi, anh ta trả lời:
- Chuyện buồn cười lắm, không thể kể được.
Thấy sự lạ, vợ càng sinh nghi mới hỏi vặn anh ta mãi, sau anh ta đành kể đầu đuôi, rồi nói:
- Chuyện kín chỉ mình mình biết không được hở ra.
Câu chuyện tưởng đến đấy là dừng. Ai ngờ quan bà biết chuyện mới rày la quan ông. Quan ông cho là thằng làm mách lẻo nên tức lắm, mới gọi đến quở phạt.
Bị quở phạt, anh người làm mới gọi vợ ra trách:
- Mình rõ tệ. Câu chuyện kín đáo tôi đã nói với mình, dặn mình đừng có nói cho ai nghe. Quan bà biết chuyện là tại mình.
Anh người làm rày la vợ. Vợ chạy sang nhà Dần, đùng đùng trách cái Dần rằng:
- Cái nhà chị Dần này thật đáng trách. Tôi kể cho chị nghe, đã dặn đừng nói ai biết cơ mà. Thế mà chị tung tin ra, có chết không cơ chứ.
Dần bực lắm, mới te te chạy sang nhà Sửu mắng té tát:
- Tôi đã bảo rằng chuyện ấy không được nói cho ai hay, chỉ mình chị biết thôi. Thế mà chị cứ bô bô kể cho mọi người biết, thế là thế nào?
Trong khi người nọ tra vấn người kia rằng chẳng giữ kín chuyện, làm phiền đến nhau, mất cả chữ tín, thì anh người làm bị quan khảo cho mấy khảo rồi mắng rằng:
- Đã bảo rồi, một miệng thì kín, chín miệng thì hở. Mày kể với vợ mày, chắc vợ mày không có mồm? Bà biết chuyện tao là tại mồm vợ mày mà ra. Từ nay về sau, ông cấm mày không được vào trong bếp.
Nước ngoài có chuyện ông vua có đôi tai lừa, chỉ người cắt tóc biết. Người cắt tóc không nhịn được mới đào hố mà nói xuống hố rồi lấp đất chôn lời nói ấy đi. Nhưng “tai vách mạch rừng” nên chuyện ấy cũng giống như thành ngữ: “Một miệng thì kín, chín miệng thì hở”. Ở đời chẳng có chuyện gì là giấu kín được mãi. Chuyện quan nọ còn là chuyện nhỏ mà không giấu nổi, huống hồ những chuyện tày đình thì kín tiếng làm sao?
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn
Một nắng hai sương
Sách “Thành ngữ tiếng Việt” của Nguyễn Lực, Lương Văn Đang giải thích thành ngữ một nắng hai sương là “sự chịu đựng gian khổ từ sáng sớm đến chiều tối”. Theo cách giải thích này, một số người đã luận giải thành ngữ này một cách sai lầm rằng, một nắng là ánh nắng suốt một ngày, còn hai sương là sương tối và sương sáng. Và, một nắng hai sương là làm lụng vất vả, nắng nôi suốt một ngày trời! Hình như ở thành ngữ một nắng hai sương không có sự hạn định thời gian một cách cụ thể (từ sáng đến tối). Đặc biệt theo cách suy luận này thì sẽ biện minh như thế nào cho dạng thức một nắng hai sương?
Sự mâu thuẫn này hướng người ta tìm cách lý giải khác. Quả nhiên, trong tiếng Việt có một loại thành ngữ được cấu tạo theo quy tắc đối và điệp. Thành ngữ một nắng hai sương thuộc vào loại đó. Cấu trúc tổng quát của loại thuật ngữ này là một A hai B (trong đó A và B cùng một phạm trù ý nghĩa và cùng một từ loại). Thí dụ: một vừa hai phải, một sống hai chết, một ngày vãi chài hai ngày phơi lưới... Thành ngữ một nắng hai sương cũng nằm trong quy tắc cấu tạo như vậy. Điều đáng chú ý là trong thành ngữ một nắng hai sương các yếu tố nắng, sương gợi lên sự vất vả gian truân, còn các yếu tố một, hai có tác dụng nhấn mạnh mức độ.
Trong sử dụng ngôn ngữ, thành ngữ một nắng hai sương có thể xuất hiện với những dạng thức biến thể như hai sương, một nắng, một sương hai nắng. Ở đây, sự nhắc lại ý về số lượng tạo ra cảm giác nhặt, nhiều, liên tục. Và, sự láy lại ý về sự gắt gao của nắng, sự vắng lạnh của sương gây ấn tượng về sự nhọc nhằn, vất vả, lặng lẽ triền miên, phải chịu đựng.
Một nghề thì sống đống nghề thì chết
Câu thành ngữ ý nói một nghề mà giỏi thì thành đạt, một nghề mà chắc chắn thì sống, đừng có hời hợt, nghề gì cũng biết nhưng không chuyên một nghề gì thì sẽ đổ vỡ không thành.
Chuyện kể:
Ở một làng nọ, có một người muốn làm giàu, chuyên học đòi, ai mách gì cũng nghe theo.
Một hôm, nghe người ta đồn ở làng Ứng Thủy có nghề làm gầu kiếm ra tiền. Anh ta bèn cất công sang Ứng Thủy để học. Ba năm sau thành nghề, anh làm được gầu rồi thì năm ấy lại mưa đều, nước dư nước dật, ruộng đồng tốt tươi, chẳng ai cần đến gầu để chống hạn cả. Có người bảo: “Mưa nhiều, thì sẽ úng. Ở làng Vạc có nghề làm guồng chống úng, anh sang đó mà học”. Anh ta nghe người ta mách lại sang làng Vạc học nghề làm guồng. Nhưng năm ấy thời tiết lại khô hạn, có nước đâu mà cần guồng chống úng. Thấy trời nắng anh ta lại quyết tâm lên đường học nghề làm nón. Lần này chắc mẩm sẽ thành. Nhưng chẳng tính toán gì, lúc anh ta học được nghề làm nón thì thiên hạ chẳng mấy ai dùng nón nữa. Người ta sử dụng mũ nỉ, mũ lưới, vừa tiện vừa gọn. Chẳng bán được hàng, chẳng ra nghề ngỗng gì, anh ta ngửa mặt lên trời than:
- Trời ơi, tôi già mất rồi. Một đống nghề như tôi mà vẫn chết đói ư!
Người ta làm nghề gì cũng muốn thành đạt, nghề tinh xảo mà phát triển. Muốn được như vậy phải tu chí đến nghề, ta gọi là “chuyên”. Vậy nên có câu “Nhất nghệ tinh” là làm một nghề cho tinh thông còn hơn chín mười nghề hời hợt, chẳng nghề gì tinh thông cả. Câu thành ngữ hàm ý ca ngợi những người biết say sưa theo đuổi nghề nghiệp của mình để đem lại cuộc sống đẹp. Đồng thời hàm ý chê bai, phê phán những người thiếu kiên trì không có được nghề nào tinh thông cả.
Dân gian có câu: “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”.
Còn “Một nghề thì sống, đống nghề thì chết”, như anh chàng truyện trên là vậy.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn
(1) Theo “Đông Tây ngụ ngôn” – Ôn Như Nguyễn Văn Học – NXB Văn học, 2003
Mũ ni che tai
Ý nghĩa của câu thành ngữ nói về thái độ bàng quang, tiêu cực, gác bỏ ngoài tai mọi sự đời, trốn tránh đấu tranh.
Chuyện kể:
Xưa có hai vợ chồng con chiền chiện làm tổ ở tai ông sư. Vốn tâm niệm không sát sinh nên ông sư cứ để cho chiền chiện sống ở đó. Được ít lâu chiền chiện đẻ ra một chiền chiện con.
Một hôm, chiền chiện mẹ bay đi kiếm ăn. Lúc trở về qua hồ sen, chiền chiện ngỡ trong hoa sen có sâu bọ, bèn bay vào kiếm thức ăn thì bấy giờ trời đã tối, cánh hoa sen cụp lại, chiền chiện không sao ra được, phải nương náu trong hoa.
Đêm ấy, chiền chiện bố ở tổ một mình, bị con cào cào nó đánh chiếm tổ, vô tình thế nào cào cào đè gẫy mất chân chiền chiện con.
Sáng ra, hoa sen nở, chiền chiện mẹ bay về tổ. Chiền chiện bố vừa giận, vừa ghen, quát tháo mắng ầm cả lên rằng:
- Con kia! Đêm qua mày ăn nằm với ai, để ở nhà cào cào nó vào nó phá, nó làm gẫy chân con…
Chiền chiện mẹ nghe nói vội nhảy ra đứng ở vành tai ông sư om sòm chửi cào cào rằng:
- Mày làm thế nào cho chân con bà lành lại thì làm. Nếu mày để cho chồng bà đánh mắng bà thì mày chết với bà.
Cào cào bay lại đậu lên vành tai bên kia ông sư mà mắng lại rằng:
- Mày nấu cơm không lành, canh không ngọt cho chồng mày, nó đánh mắng mày chứ việc gì đến tao.
Rồi hai con hăng lên, đánh nhau toán loạn, chửi rủa nhau đến cùng, làm ông sư đinh tai nhức óc, không sao chịu được.
Có người đến bảo ông sư rằng:
- Nhà chùa không nỡ vứt cái tổ chim đi thì chụp cái mũ lên đầu, chúng cứ cãi nhau nữa cũng chẳng hề gì.
Ông sư nghe nói phải mới nhờ bà vãi đan cho một cái mũ len có cái diềm rộng.
Bà vãi đan xong cái mũ này làm ngơ được mọi điều trong thiên hạ thì gọi nó là mũ ni.
Thế rồi mỗi lần vợ chồng chiền chiện và cào cào cãi nhau, ông sư nọ lại lấy cái mũ ra đội vào, cẩn thận che kín cả hai tai và sau gáy lại, rồi a di đà Phật, “mũ ni che tai, mũ ni che tai”.
Cũng vì không bỏ tổ chim, cứ để nó làm tổ tai mình nên chẳng bao lâu nhà sư ấy đắc đạo. (1)
Cái sự cãi nhau mà lại ở ngay tai người khác mà người ấy vẫn làm ngơ được chẳng qua là nhờ cái mũ ni che tai. Thế mới hay, thờ ơ bàng quan lại được thăng chức là điều thật vô lý. Cái thói như thế, người đời còn gọi là “dĩ hòa vi quý”.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn
(1) Theo truyện “Vợ chồng con chiền chiện và ông sư” Nguyễn Văn Ngọc – NXB Văn học, 2003.
Muỗi đốt chân voi
Nghĩa bóng: Không ăn thua, không tác dụng gì, tốn công vô ích. Còn có câu: Như muỗi đốt chân voi Như muỗi đốt cột đình Muỗi đốt sống trâu.
Chuyện kể:
Xưa trời sinh ra loài muỗi, lúc đầu chũng cũng như ruồi chỉ hút lấy chất uế tạp nơi nọ nơi ki mà sống. Loài muỗi tập trung lại sống đông đúc ở nơi bụi cây. Một hôm, chẳng biết từ đâu có một con voi nghênh ngang đi tới. Con voi to lớn chẳng để ý tới lũ muỗi li ti, vo ve cạnh mình, đuôi nó quật từ bên nọ sang bên kia làm họ hàng nhà muỗi chết không sao kể siết. Loài muỗi mới bàn nhau rằng:
- Thằng này nó hại ta thế này, không lẽ ta cứ chịu để thế được chăng. Song nghĩ lại nó to như vậy, ta không làm gì được thì phải có “Anh hùng tự hữu anh hùng trị” chứ.
Thế là loài muỗi đem đơn đến sư tử để kiện.
Sư tử vốn là chúa sơn lâm thật đấy, nhưng thấy voi to lớn nên sợ không dám đương đầu với voi, bèn mách với trời. Trời bảo:
- Ta sinh ra mỗi loài một phận, tự kìm chế nhau mà sống. Loài muỗi có cái vòi khác nào như mũi kim, sao không bảo nhau mà đốt cho voi sợ.
Sư tử đem lời nhà trời về nói với loài muỗi. Loài muỗi nghĩ ra, con nọ nhìn con kia, quả thấy con nào con nấy có cái vòi như mũi kim châm cả, mới dương dương tự đắc nói rằng:
- Quả là loài muỗi ta có thanh gươm lợi hại, ấy vậy mà giờ đây mới tỏ. Nay thì con voi kia phải đền mạng.
Liền đó, họ nhà muỗi dương dương tự đắc, bay ra nhiều vô kể, bu lấy chân voi, chúng ra sức mà đốt, hòng hút hết máu làm cho voi phải quỵ xuống. Nhưng con voi nọ chẳng thèm để ý đến việc ấy, nó thong dong vít bụi chuối ăn hết lá lại đạp đổ cả cây.
Lũ muỗi đốt vào chân voi, da voi thì dầy mà vòi muỗi thì bé tí thì làm sao đâm vòi vào được. Muỗi già, muỗi bé đều bị gãy vòi, lại thêm đuôi con voi phật đi, phật lại bên này bên kia làm cho họ hàng nhà muỗi chết nhiều vô kể.
Muỗi chết nhiều quá mới lại kiện đến sư tử. Sư tử biết chuyện mới bảo:
- Đồ nhà muỗi chúng mày mà đốt chân voi thì nhằm nhò gì, khác gì chúng mày đốt cột đình. Như tao đây còn phải chịu nó, huống hồ chúng bay, thôi liệu mà lo lấy thân phận mình, từ nay chớ có kiện cáo gì nữa nghe chưa?
Con muỗi, loài côn trùng nhỏ bé, yếu ớt, dùng vòi đốt chân voi - con vật to lớn, da dầy. Rõ là hình ảnh tương phản. Người ta cũng vậy, làm cái việc không ngang tài, ngang sức thì không thể làm được mà cứ cố tình thì cũng chỉ uổng công vô ích giống như muỗi đốt chân voi mà thôi.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn
Mưa không khắp
Câu thành ngữ ý nói về việc phân phát không đều, kẻ được người không, nơi ít nơi nhiều.
Chuyện kể:
Một năm, trời làm hạn hán, đâu đâu ruộng vườn cững nứt nẻ, hồ ao cạn kiệt, dân tình khổ sở.
Ở vùng nọ có chàng Trần Công quyết đi hỏi trời để bắt thần mưa tìm cho ra nhẽ. Trên đường đi, chàng giúp giải thoát cho một con vượn bị mắc bẫy. Vượn tạ ơn cho chàng một cây gậy thần. Nhờ gậy thần chàng tìm đến được chỗ thần mưa. Gặp thần mưa, chàng vung gậy lên, thần mưa sợ hãi nói:
- Người có việc gì mà định đánh cả người nhà trời vậy?
Chàng đáp:
- Ở hạ giới đã mấy năm nay, trời làm hạn hán, khắp nơi không có một giọt nước nào, dân tình điêu đứng. Ta lên hỏi tội thần, mau mau làm cho mưa xuống.
- Ta là thần mưa thật, nhưng nhiệm vụ này ta đã trao cho con ta. Nó đi ăn tiệc ở Thiên Cung chưa về kịp, đã mấy ngày nay ta cũng nóng ruột lắm. Thôi chàng đã lên đây ta mời chàng giúp cho con ta vậy.
Chàng Trần Công chưa hiểu gì thì thần mưa nói:
- Kia là bầu nước, bên cạnh là một nhành lá. Chàng trèo lên lưng con sư tử kia, nhúng cành lá vào bầu nước. Sư tử sẽ đưa chàng đến những miền chàng muốn, rồi cứ thế chàng vẩy nước xuống, nơi ấy sẽ có mưa.
Trần Công làm theo lời thần mưa. Nhìn xuống đã thấy một trời mù mịt. Chàng đoán là nơi ấy mưa to lắm. Mong muốn cho trần gian nước ngập đầy đồng, hết cảnh hạn hán nên Trần Công ra sức vẩy. Mệt quá chàng thiếp đi trên lưng sư tử. Khi tỉnh dậy thì sư tử đã đi hết một vòng hạ giới. Nơi sư tử đi qua lúc chàng thiếp đi, do không vẩy được nước thần, thành thử nơi ấy vẫn chưa có mưa. Khi sư tử cùng chàng bay tới vùng Hạ Hòa, chàng thấy vùng này nắng hạn đã lâu mà bầu nước thì còn nước bèn đổ tất cả nước còn lại trong bầu xuống vùng Hạ Hòa. Xong việc khi trở về hạ giới, Trần Công giật mình vì vùng Hạ Hòa nước ngập mênh mông. Ngập lụt đã làm cho dân tình điêu đứng. Chàng buồn rầu trở lại quê mình thì thấy ruộng đồng vẫn khô hạn nứt nẻ. Bấy giờ chàng mới vỡ lẽ ra rằng tại mình làm mưa không khắp.(1)
Có lẽ từ câu chuyện trên mà có thành ngữ trên. Nhưng quan trọng là từ truyện trên người ta vận dụng để nói việc khác, đó là việc xử sự không công bằng trong xã hội.
Trên thực tế thì mưa không thể rải khắp cùng lúc được nên người đời mới có câu chống chế: “Mưa làm sao khắp được”. Nhưng nói mưa là nói sự công bằng trong xã hội, đó là sự cần bàn.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn
- Theo "Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam", NXB Văn học, 1973
Theo: KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ
HOÀNG VĂN HÀNH (chủ biên)
VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
VIỆN NGÔN NGỮ HỌC
NXB VĂN HÓA SÀI GÒN