Thứ năm, 21/11/2024 - 17:08

KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN L

Chuyện kể: Cá chép sau khi hóa rồng mới trở về vùng sông nọ tổ chức một cuộc thi sắc đẹp cho muôn loài sống dưới nước nhân vào kỳ vũ cốc...

Lá lành đùm lá rách

Theo nghĩa từng chữ, chúng ta nhận thấy quan niệm sống được tàng ẩn trong câu tục ngữ này. Ở câu tục ngữ này nổi lên sự đối lập của hai hình ảnh lá lành và lá rách trong đó các từ lành, rách tạo sự liên hệ tới quần áo và cách đánh giá giàu nghèo của người Việt Nam – nghèo đói hơn nhau cũng chỉ ở tấm áo, manh quần! Vì vậy, trong tiếng Việt lá lành đùm lá rách bao giờ cũng được dùng biểu trưng cho sự nghèo khổ.

“Chồng em áo rách em thương

Chồng người áo gấm xông hương mặc người”

(Ca dao)

Cho nên cũng không nghi ngờ gì về việc khẳng định lá lành trong câu tục ngữ này là hàm chỉ lớp người có đời sống khá hơn so với những người nghèo đói được nói đến trong nhóm từ lá rách. Ngoài ra, các từ lá và đùm trong câu câu tục ngữ lá lành đùm lá rách cũng giả định tới việc cùng chung chia sẻ một vật thể vật chất (lương thực, thực phẩm) nào đấy. Để có một nắm cơm, một chiếc bánh ngon, đẹp khi gói bọc người ta có thể xếp lá rách trong lớp lá lành. Đó là một điều bình thường. Nhưng cái ý nghĩa cần lưu ý, hẳn là lá lành là nơi nương tựa của lá rách trong việc tạo nên một vật thể vật chất gắn liền với đời sống của con người. Cũng vậy, người giàu có thể đùm bọc che chở cho người nghèo để tạo lập cho họ một cuộc sống đỡ khó khăn hơn! Âu đó cũng là cái nghĩa tương thân tương ái ở đời.

Với câu tục ngữ lá lành đùm lá rách, chúng ta nhận thấy một quan niệm giản đơn về cuộc sống giàu nghèo. Nhưng cao hơn thế là cái đạo lý, cái lẽ đời của con người Việt Nam. Ở đâu có cuộc sống đói khổ, ở đâu có hoạn nạn, con người cần có sự thông cảm, tương trợ lẫn nhau, người giàu giúp kẻ nghèo khó, đừng như đèn nhà ai nấy rạng, để rồi mặc cho cái cảnh: kẻ ăn chẳng hết người lần chẳng ra.

 

Lá mặt lá trái

''Bạn bè ngày nay lá mặt lá trái không biết đâu mà lường'' (Ước mơ tuổi trẻ, tr.69).

Người ta quen dùng thành ngữ lá mặt lá trái song có lẽ cũng ít ai biết đến xuất xứ của nó.

Lá mặt tức là mặt phải của lá (trong tiếng địa phương miền Nam mặt là bên phải, tay mặt là tay phải, và /á trái tức là mặt trái của lá. Thành ngữ lá mặt lá trái có thể bắt nguồn từ cách làm các loại bánh lá.

Thông thường, đối với các loại bánh lá, người ta có thể phân biệt chúng qua hình thức bên ngoài như bánh gai gói bằng lá chuối khô, bánh nếp gói bằng lá chuối tươi. Song đối với một loại bánh mà có nhân khác nhau phân biệt sẽ trở nên khó khăn. Trong trường hợp này, người làm bánh phải đánh dấu bằng kiểu buộc lạt hoặc bằng cách tạo dáng khác nhau. Và cách đánh dấu đơn giản nhất là dùng ngay lớp lá ngoài cùng của chiếc bánh: Quay mặt phải của lá ra ngoài hay mặt trái của lá ra ngoài. Chẳng hạn, đối với bánh nếp khi gói mặt phải lá quay ra tức là bánh nhân mặn (đỗ xanh, thịt lợn) còn mặt trái lá quay ra là bánh nhân ngọt (đỗ xanh, đường). Cách đánh dấu như vậy hoàn toàn có tính chất quy ước, chỉ có giá trị đối với từng vùng, từng làng, thậm chí từng người làm bánh. Khi quy ước tạm thời được chấp thuận thì những kẻ không có lương tâm nghề nghiệp đã cố tình vi phạm quy ước, làm ra những chiếc bánh có chất lượng kém thậm chí đánh tráo cả loại bánh ''lá mặt" với loại bánh “lá trái” để kiếm nhiều lời!

Thành ngữ lá mặt lá trái ra đời từ đó và được dùng phổ biến để biểu thị sự tráo trở, lật lọng của con nguời.

 

Lá thắm chỉ hồng

Những câu nói trong dân gian như lá thắm, tơ hồng vương vấn hoặc nguyệt lão xe tơ đều lấy trong điển tích ông tơ bà nguyệt...

Lúc tình đến độ, Kim Trọng ướm chuyện trăm năm. Thúy Kiều thỏ thẻ thưa:

Dẫu khi lá thắm chỉ hồng

Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha.

Lá thắm, theo điển tích là thư từ qua lại của đôi lứa trong ngày còn thơ. Nước Sở có thành Tây Độ Quan trấn thủ là Kiều Công Di có ái nữ là Kiều Nga, một giai nhân tuyệt sắc. Bấy giờ, tình hình trộm cướp như rươi dân tình không được an cư lạc nghiệp. Nội thành dành cho người quyền quí; ngoại thành cho thứ dân. Cửa thành luôn được canh phòng nghiêm ngặt, thường dân ra vào bị xét hỏi rất ngặt.

Giai nhân Kiều Loan đã thầm yêu trộm nhớ chàng nho sinh mạt rệp Kim Ngọc. Nhà chàng ở ngoại thành, nghèo rớt mồng tơi. Cậu học trò không dễ gì qua được cổng thành, nói chi đến chuyện lọt được nha môn để gặp gỡ người yêu. Bên này bên kia thành quách mà tưởng như núi non nghìn trùng. Không gặp nhau được, mỗi người chỉ biết nhìn dòng sông thở vắn than dài. Sông kia, mỗi ngày hai lần triều lên xuống, con nước từ ngoại thành đi vào rồi lại chảy ra. Theo triều lên xuống, đôi gái trai đã viết thơ trên lá, thả xuống sông, nhờ dòng nước mà trao đổi tâm tình cho thỏa nhớ thương. Dòng sông đã trở thành dòng lá thắm.

Những câu nói trong dân gian như lá thắm, tơ hồng vương vấn hoặc nguyệt lão xe tơ đều lấy trong điển tích ông tơ bà nguyệt. Theo Thần tiên truyện, thời Nguyên Hòa nhà Đường rất thái bình, có quan đại thần Chung Thôi rất giàu sang, thuộc vào hàng danh gia vọng tộc. Quý tử của Chung Thôi là Chung Hạo thông minh đĩnh ngộ; mới 12 tuổi đã văn hay chữ tốt, quan lại trong triều ai cũng khen; các vị có con gái đều mong muốn kết sui gia với Chung Thôi.

Ngoài thời gian vui thú cùng cầm kỳ thi họa, Chung Hạo cũng thường theo cha đi săn bắn. Một hôm đi săn, mải đuổi theo con thỏ, Chung Hạo lạc vào rừng sâu, quanh co cả ngày không tìm được lối ra. Đêm xuống lạnh giữa rừng hoang, Hạo bắt đầu thấy sợ. Dưới ánh trăng bỗng nghe tiếng suối róc rách, chàng lần đến tìm nước uống. Bên bờ suối, trong hang đá, một bà lão đang ngồi xe chỉ, màu chỉ đỏ thắm. Chung Hạo khẽ bước lại gần, kính cẩn thưa:

- Tiểu nhân đi săn, bị lạc đường. Xin hỏi nơi đây là đâu, sao lão bà lại ngồi một mình xe chỉ đỏ?

- Đây là động tiên. Ta đang ngồi xe duyên cho những đôi tình yêu nhau dưới trần gian. Chỉ này là dây tơ hồng. Ta xe nhiều hay ít thì trai gái cũng theo đó mà thương yêu nhau nhiều hay ít. Ta muốn đôi trai gái nào nên vợ chồng thì ắt chúng sẽ kết duyên, không xa lìa nhau được.

- Vậy thưa lão bà có thể cho tiểu nhân biết sau này sẽ được sánh duyên cùng ai ?

Lão bà đưa mắt nhìn vào bên trong động. Ở đó có một ông lão đang cúi gầm trên một cuốn sách dày cộm.

- Kia là ông tơ. Công tử muốn biết thì hỏi ông ấy.

Ông lão hỏi tên tuổi Chung Hạo rồi lật từng trang sách ra tra cứu:

- Sau này công tử sẽ được xe duyên với Tố Lan, con gái một mụ ăn mày ở chợ Đông, gần kinh thành.

Lão ông chưa dứt lời, Chung Hạo đã đùng đùng nổi giận. Đường đường là một quí tử của quan đại thần, tài nghệ, văn hay chữ tốt khó ai bì kịp mà sau này lại kết duyên cùng với con gái mụ ăn mày. Tức tối, chàng quay bước đi, không một lời chào. Ông tơ vẫn chúi đầu trong sổ bộ, bà nguyệt vẫn bình thản xe chỉ hồng.

Chung Hạo chaỵ thục mạng suốt đêm trong rừng sâu. May mắn, sáng sớm mai, gặp được quân lính triều đình đang tỏa đi tìm kiếm. Trở về dinh, sau ngày đó, chàng công tử đâm ra biếng ăn lười nói. Lời tiên tri của ông tơ như cứ lởn vởn trong đầu. Đến một hôm, không kìm được sự thôi thúc, Chung Hạo cùng một gia đồng tìm xuống chợ Đông. Vừa đến đầu chợ, đã gặp ngay một đứa bé gái chừng 9 tuổi mặt mày lem luốc, áo quần rách bươm, dắt theo một bà ăn xin mù lòa. Tên gia đồng dò hỏi thì biết được tên của con bé là Tố Lan. Chung Hạo thất kinh, ù té chạy về dinh, tâm thần hoảng loạn. Không được, không thể nào ta lại chịu khuất phục số mệnh, để làm chồng một con bé ăn mày bẩn thỉu như vậy được. Làm thế nào đây! Suy nghĩ cạn nước, chỉ còn cách là diệt trừ cái mầm định mệnh khắc nghiệt đó đi.

Với rắp tâm sẵn, một buổi sáng Chung Hạo một mình tìm xuống chợ Đông. Anh ta đứng nấp sau một thân cây lớn. Cô bé dắt mẹ đi qua. Chàng ta cầm hòn đá, liệng ngay vào đầu con bé rồì ù chạy. Sau đó, dò hỏi tin tức thì được biết con bé bị thương tích quá nặng, e không sống được; và rồi bà lão mù cũng không còn thấy ăn xin giữa chợ Đông nữa.

Bảy năm sau. Chung Hạo đã nên danh phận. Nghe tin thiên hạ bàn tán ở huyện Trúc Giang có con gái quan Thái úy nổi danh là một giai nhân sắc nước hương trời, tên là Thảo Nương. Vương Tôn công tử gần xa, ngày đêm đến cầu thân, nhưng chưa ai được kén chọn. Chung Hạo tìm đến, thuê một phòng trọ trước phủ đường. Mới một lần tình cờ nhìn thấy Thảo Nương, Chung Hạo chao động cả lòng. Chàng vội quay trở về nhà, xin phụ thân Chung Thân tính đường mai mối. Hai gia đình là môn đăng hộ đối, nên việc kết hôn sớm viên thành. Đôi uyên ương nên vợ chồng yêu nhau mặn nồng.

Một hôm, Chung Hạo âu yếm gội đầu cho Thảo Nương. Thấy vợ mình có một cái thẹo lớn đàng sau gáy, chàng hỏi:

- Vì sao có cái thẹo này ?

- Nguyên, thiếp là con một bà ăn mày mù ở chợ Đông. Lúc nhỏ, một hôm đang dắt mẹ đi ăn xin, không hiểu sao lại có một kẻ xấu cầm đá ném vào đầu thiếp, thương tích nặng, tưởng đã lìa đời. May nhờ bà con tận tình cứu chữa. Và sau đó, may mắn được quan Thái úy có lòng từ tâm, lại hiếm muộn, nên đem hai mẹ con thiếp về nuôi dưỡng. Thiếp được nghĩa phụ dạy dỗ, cho ăn học. Mẹ thiếp qua đời. Thiếp được giúp việc bút nghiên cho nghĩa phụ nơi công đường. Đã rất nhiều đám đến dạm hỏi, nhưng đều bị từ chối. Lạ thay, bên nhà chàng vừa ngỏ, thì dưỡng phụ bằng lòng ngay. Chúng ta đẹp duyên ngày nay chắc là có duyên nợ.

- Không, Thảo Nương nàng ơi. Nếu là định mệnh thì nàng phải là...

- Tố Lan. Tố Lan là tên của thiếp lúc còn bé. Sau khi được đưa về dinh, nghĩa phụ đã xin ý mẹ, đổi tên này.

Thiên Hạo đã tin hẳn duyên giai ngẫu là do thiên định. Chàng say đắm ngắm nhìn cái duyên số Tố Lan của mình và khẽ ngâm:

Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ

Vô duyên đối diện bất tương phùng.

(Có duyên ngàn dặm xa vẫn gặp

Không duyên tận mặt vẫn cách lòng).

 

Lấy thúng úp voi

Câu thành ngữ ngụ ý nói về một việc làm khó khăn, không thể thực hiện được cố che giấu một việc lộ liễu.

Chuyện kể:

Có một thầy cúng đã dốt nhưng hay huênh hoang, bảo thủ. Từ bé đến lớn thầy rất ít ra khỏi nhà, vì thế rặt những gì nhà thầy có là thầy coi như thiên hạ cũng chỉ có thứ ấy. Nhà thầy có nuôi một con mèo và một con ngỗng ăn cỏ. Vậy nên thầy nghĩ thiên hạ chỉ có hai giống ấy.

Một hôm, người ta đồn có con voi từ rừng về phá làng. Chuyện đến tai thầy. Thầy hỏi người nhà:

- Nó có mấy chân?

Người nhà bảo:

- Nó có bốn chân.

Vậy là thầy chắc nhẩm, nó to lắm cũng thì cũng chỉ bằng con mèo là cùng.

Thầy mới hỏi lại:

- Thế nó ăn gì?

Người nhà bảo:

- Nó ăn cỏ.

Thầy nói luôn:

- Vậy có gì to tát đâu mà làm ầm cả lên thế. Chắc bằng con ngỗng là cùng.

Con voi về làng, phá nhà, quật chết người, thầy mới hung hăng gọi người nhà ra bảo.

- Việc ấy cứ để ta. Mang cho ta cái thúng ra đây!

Tưởng thầy có phép thần chú gì để đuổi voi nên người nhà đi lấy thúng cho thầy, rồi hỏi:

- Thầy làm phép gì ạ?

Thầy huênh hoang đáp:

- Ta úp nó lại, lấy đá đè lên, nó có mà chạy đằng giời.

Rõ ràng là thầy cúng ở truyện trên chưa cầm thúng úp vào con voi, nhưng ai cũng biết rằng cái thúng thì bé mà con voi thì quá lớn, quá khổ thì úp sao đặng. Cái sự vô lý đến nực cười. Nếu có dùng cái thúng úp lên con voi thì phần được che phủ chẳng thấm tháp gì với phần không được che, tức là cái nhỏ không thể che lấp được cái lớn, muốn che giấu không thể che được, vẫn lộ ra.

Dễ gì lấy thúng úp voi

Giấu đầu thì lại bị lòi đuôi ra.

Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn

 

Len lét như rắn mùng năm

Theo dân gian, ngày năm tháng năm âm lịch là ngày “diệt sâu bọ”. Người ta làm bánh trái, đồ xôi, nấu chè, bày hoa quả cúng tế để tẩy trừ “sâu bọ” có hại cho cây cối, mùa màng và đời sống nói chung. Không rõ là Tết “diệt sâu bọ” ở xứ ta và ngày giỗ Khuất Nguyên ở bên Trung Quốc có gì liên quan nhau không? Riêng ở Việt Nam ta thì theo tục truyền rằng, ngày xưa, người Việt cổ, vào ngày 5 tháng 5 thường đi tìm rắn để giết vì rắn rết dù là loài bò sát nhưng vẫn bị coi là sâu bọ tai ác. Chả thế mà thằn lằn vốn hiền lành cũng bị nỗi “oan Thị Kính” đó sao:

“Đảo chân ai chẳng dám chầy

Thằn lằn len lét ẩn ngày mùng Năm”

(Thiên Nam ngữ lục)

Người ta cũng cho hay là trong ngày mùng năm tất cả các con rắn đều nép mình ở trong hang không dám ngóc đầu lên (len lét) vì sợ bị giết chết. Ngày này, người ta nói rắn rất sợ người và trốn đi biệt tăm hết cả. Nhất là đến giờ Ngọ, thì khó mà nhìn thấy một con rắn hay chú thằn lằn nào?!

Thành ngữ len lét như rắn mùng năm chỉ thái độ và diện mạo của những người hay sợ sệt nói chung. Thường đó là thái độ của những người nhu nhược sợ những người cấp trên hoặc những người nắm sinh mệnh kinh tế hay chính trị của mình một cách trực tiếp.

Trong tiếng Việt có thành ngữ len lét như chuột ngày đồng so sánh với thành ngữ trên mang sắc thái ý nghĩa kém hơn.

 

Lệnh ông không bằng cồng bà

Với thành ngữ này, việc nhận biết ý nghĩa và khả năng vận dụng không khó khăn gì. Về mặt ngữ nghĩa, chỉ có chữ “lệnh” là điều băn khoăn duy nhất. Nên hiểu “lệnh” là “mệnh lệnh” hay là “cái lệnh”, một dụng cụ thường dùng ở các nhà thờ, đền chùa? Trong thế đối ứng với “cồng” người ta dễ chấp nhận “lệnh” là dụng cụ phát ra âm thanh. Cái đáng quan tâm nhất thành ngữ là tại sao lệnh ông lại không bằng cồng bà. Trong dân gian có hai cách hiểu vấn đề này.

Theo nhiều người, thành ngữ này gắn liền với việc chiêu mộ binh lính của anh em Triệu Thị Trinh. Trong khi Triệu Quốc Đạt phát lệnh chiêu tập binh lính kết quả không được bao lăm, thì bằng tiếng cồng vang vọng, Triệu Thị Trinh đã tập hợp quanh mình rất nhiều nghĩa sĩ.

Nhiều người khác lại khẳng định xuất xứ của thành ngữ này gắn liền với tục cưới xin ở một số dân tộc ít người. Số là, khi làm lễ cưới, bên nhà trai phải phát lệnh trước để xin dâu, nếu đồng ý thì bên nhà gái đánh cồng đáp lại. Trong trường hợp, không nghe thấy tiếng cồng đáp lại tức là chưa được rước dâu. Rõ là, tiếng cồng nhà gái (cồng bà) có quyền quyết định tối hậu.

 

Lo bò trắng răng

Nếu ai đó hay lo lắng vu vơ, lo những chuyện không đâu, những chuyện không đáng phải lo, thì sẽ được coi là người “lo bò trắng răng”.

Thành ngữ này được ra trên cơ sở của một thực tế rõ ràng là răng của bò bao giờ cũng trắng. “Bò trắng răng” là một sự thật hiển nhiên. Cho nên “lo bò trắng răng” là lo cái điều vốn hiển nhiên là như thế, cái điều không đáng, không cần phải lo!

Cũng có nhiều người giải thích theo cách khác, cho rằng trắng ở đây có nghĩa là không (như nghĩa của trắng trong mất trắng tức là mất không). Và do đó, lo bò trắng răng nghĩa là lo bò không có răng. Cách giải thích này cũng có vẻ hợp lý. Song, nếu bằng vào câu ca dao:

Lo gì mà lo bò trắng răng

Mua ba đồng thuốc nhuộm răng cho bò

Thì ta thấy cách luận giải trình bày ở trên là cơ sở hơn. Vả lại, cái thực tế về sự thiếu hụt hàm trên của bò cũng được dùng làm cơ sở để tạo nên một thành ngữ khác, đồng nghĩa với thành ngữ “lo bò trắng răng”. Đó là “lo bò không có hàm trên”.

Thành ngữ thứ hai có nghĩa còn rõ hơn, cụ thể hơn song không được dùng phổ biến như thành ngữ lo bò trắng răng.

 

Lòng vả cũng như lòng sung

Câu truyền miệng “Lòng vả cũng như lòng sung” ám chỉ một điều lòng ta thế nào thì lòng người cũng thế. Ta sao người vậy, chớ vội chê người mà không xét mình.

Vả và sung cây cùng họ với nhau, quả mọc thành chùm. Quả vả to hơn quả sung. Quả sung ăn được. Ruột quả vả và ruột quả sung có côn trùng sống ký sinh.

Nghĩa bóng: Lòng dạ, suy nghĩ, tâm trạng của con người ai cũng như ai, không có gì khác nhau; cùng chung cảnh ngộ thân phận.

Còn có câu: Bụng trâu làm sao bụng bò làm vậy; Chanh khế một lòng, bưởi bòng một dạ; Lòng bầu cũng như ruột bí; Máu bò cũng như tiết dê; Ngài khác gì tằm; Sung cũng như ngái; Mái cũng như mây.

Chuyện kể:

Cây vả và cây sung mọc ở bờ ao. Hai cây làm bạn với nhau che mát cho đám rêu rong, ếch nhai. Một hôm, chả biết thế nào cây sung nói với cây vả:

- Bác vả ơi, lá của bác to như cái tai trâu, mà toàn lông lá phát khiếp. Bác sống ở đây bọn cóc nhái ghét bác vì quả của bác chẳng ai thèm ăn, rụng thối cả bờ ao. Bằng không, bác mọc ra chỗ đồi kia, vừa rộng lại có bao nhiêu đất ăn, chẳng phải tranh nhau tý đất bờ ao làm gì cho khổ.

Cây vả thấy thế bực lắm. Nó bảo:

- Cô sung thật chẳng biết điều. Vả tôi mọc ở đây trước. Ngày xưa tổ tiên cô mọc ở suối trên rừng kia, may mà có con chim ăn quả của cô, bay về đậu lên vả tôi, mới ỉa một bãi xuống, mà mọc thành cô.

Hai cây cãi nhau mãi chẳng ai chịu ai. Có con chim thường bay qua lại đây để mổ quả vả và quả sung nghe thấy vậy, nó cười như hót, rồi bảo rằng:

- Chị vả và chị sung ơi, đừng cãi nhau nữa, các chị không biết đấy thôi chứ tôi mổ quả của các chị tôi biết. Lòng chị vả cũng như lòng chị sung thôi, đều đầy những muỗi, hay gì mà cứ cãi nhau thế.

Cây vả và cây sung lúc ấy mới ngượng ngùng xem lại quả của mình thì thấy ruột quả rỗng giống nhau, lại còn đầy côn trùng sống ký sinh.

--------------------

Câu truyền miệng “Lòng vả cũng như lòng sung” ám chỉ một điều lòng ta thế nào thì lòng người cũng thế. Ta sao người vậy, chớ vội chê người mà không xét mình.

Lòng vả cũng như lòng sung

Một trăm con lợn cũng chung một lòng.

(Ca dao)

Giống như cây vả và cây sung chê trách, nói xấu nhau, nhưng chỉ có con chim mới biết trong ruột sung, ruột vả như thế nào.

(Theo “Đi tìm điển tích thành ngữ”. NXB Thông Tấn)

 

Lời ong tiếng ve

“Ong” và “ve” trong câu thành ngữ trên là con ong và con ve. Và thành ngữ lời ong tiếng ve có nghĩa là lối chê bai, châm chọc của người đời đối với ai đó. Phải chăng, do đặc điểm của ong và ve là hay châm chích và khi bay, hai giống côn trùng này phát ra tiếng kêu vo ve khó chịu nên người ta đã nhân cách hóa để nói về chuyện đàm tiếu của con người.

Lời ong tiếng ve là những tin đồn, là lời chê bai về những chuyện không hay. Những tin đồn, những lời đàm tiếu đó có thể đúng mà cũng có thể sai.

Những lời ong tiếng ve có khi là của “miệng thế gian” và có khi là của kẻ rỗi hơi “ngồi lê đôi mách” thích đơm đặt chuyện người khác do “ghen ăn tức ở”. Đối tượng mà lời ong tiếng ve hướng tới không chỉ là người nào đó, mà có khi là cả một tập thể.

Trong tiếng Việt thành ngữ trên còn có những biến thể khác, như điều ong tiếng ve, tiếng ong tiếng ve…

Thành ngữ lời ong tiếng ve có một loạt các thành ngữ đồng nghĩa khác như: lời ra tiếng vào, lời to tiếng nhỏ, lời xa tiếng gần…

 

Lừa ưa nặng

Lừa cũng có ích như ngựa, người ta dùng để chở hàng hoặc cưỡi. Đặc điểm của lừa là khi trên lưng không thồ hàng hoặc thồ quá nhẹ thì quất thế nào cũng cứ ỳ ra. Thành thử người ta phải chất lên lưng lừa hàng nặng hoặc cưỡi lên thì lừa ta mới chịu cất bước. Từ đặc điểm trên, người ta suy ra với nghĩa bóng ám chỉ người nào đó không chịu nghe lời nói nhẹ nhàng, chỉ khi nặng lời hoặc dùng roi vọt, vũ lực mới nghe theo.

Chuyện kể:

Có một người tiều phu nuôi một con lừa, hằng ngày vào rừng kiếm củi. Nhưng mỗi lần đi hái củi, người tiều phu phu này lại phải đào đất cho vào bao để khoác lên lưng con lừa. Người hàng xóm thấy lạ bèn hỏi:

- Sao bác lại chở đất vào rừng.

Người chủ con lừa phàn nàn:

- Tôi đâu muốn, chỉ tại con lừa nó chẳng chịu đi cho, khi chưa khoác lên nó cái gì.

Người tiều phu đi kiếm củi, có hôm được nhiều, có hôm được ít. Một hôm được ít củi quá, mà trời đã tối, người tiều phu chất củi lên lưng lừa nhưng nhẹ quá, lừa cứ ì ra, chẳng chịu đi cho. Lúc ấy người hàng xóm đi qua liền nói:

-Thì bác cứ chất thêm ít đất nữa lên, xem nó có chịu đi không!

Quả nhiên khi thêm đất, con lừa bắt đầu nhúc nhích theo bác tiều phu chở củi về nhà.

Từ lần ấy, khi nào có ít củi, bác tiều phu lại chất thêm cho lừa ít đất. Càng nặng thì lừa của bác tiều phu càng nhọc nhằn hăng hái men theo đường núi mà về nhà. Cứ như vậy, thành ra đất bác tiều phu mang đi thì rồi lừa lại mang đất về cùng với củi, chẳng mất đi tí gì.

Đặc tính của lừa là như vậy, người tiều phu lợi dụng nó để làm một việc có ích. Nhưng ở đời khối kẻ giống con lừa, nhỏ nhẹ thì chẳng nghe lại cứ phớt lờ lý tình, để đến khi phải to tiếng, dùng vũ lực mới nghe thì đã muộn. Vậy nên người đời mới ám chỉ rằng: “Thân lừa ưa nặng” là vậy.

Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn

 

Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo

Thành ngữ chỉ: Người thiếu trung thực, điêu toa, lật lọng. Còn có câu: Lắt léo như miệng lưỡi.

Chuyện kể:

Cái lưỡi và cái mồm sinh ra cùng một ngày nên chúng hay đỡ lời cho nhau, nhưng cũng hay đổ lỗi cho nhau mỗi khi bị người quở trách.

Một hôm, một học giả nọ có khách đến chơi. Học giả nọ mới hỏi cái mồm:

- Bạn ta từ xa đến, thiết đãi gì cho phải đạo?

Cái mồm nhanh nhảu đáp:

- Cứ mua món lưỡi lợn về thiết đãi khách là sang trọng nhất.

Trong bữa ăn, khách thấy chỉ rặt một món lưỡi, mới mạnh dạn hỏi chủ. Lúc ấy, cái mồm mới máy cái lưỡi đích danh trả lời. Nó lên tiếng rằng:

- Thưa ông, không có gì ngon lành hơn món lưỡi. Lưỡi là chìa khóa của sự hiểu biết, nhờ có lưỡi mà ông có thể thuyết giáo được điều hay lẽ phải. Lưỡi tô vẽ lên cái đẹp, biến cái không thành có, cái xấu thành tốt. Món lưỡi giúp tình bạn hai ông thêm bền chặt. Lưỡi thật muôn năm. Vậy chẳng có gì hơn cái lưỡi cả.

Chuyện bữa cơm thiết đãi khách hôm ấy rồi cũng qua đi. Người ta chơi bời ăn ở với nhau thế nào rồi cũng có va chạm. Người học giả và người khách nọ một ngày kia có điều xích mích. Chả lẽ để cái xích mích nhỏ nhặt mà sinh ra bất hòa, người khách nọ nghĩ đến việc bạn tiếp mình bằng món lưỡi lợn ngày nào bèn mời người học giả kia đến chơi. Người nhà nọ cũng không quên mua lưỡi lợn để thiết học giả, tỏ tình thân ái. Vào bữa, người nhà mới thổ lộ:

- Hôm nay, tôi lại tiếp ông toàn bằng lưỡi lợn, một thứ ngon nhất trên đời, ông thấy thế nào?

Lúc đó, cái mồm lại máy cái lưỡi, đứng ra liến láu:

- Thưa ông, lưỡi là thứ dở nhất trên đời. Nó là đầu mối của sự chia rẽ. Nó là biểu hiện của sự sai lầm, mọi sự đặt điều vu khống. Cũng do cái lưỡi mà sinh ra bất hòa. Lưỡi thật muôn năm!

Lúc ấy, cả hai người cùng đồng thanh thốt lên: “Đồ lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”. Thế nào mi cũng nói hay cả.

Rồi hai ông gật gù với nhau: “Nó là cái lưỡi giọng gì mà nó nói chả hay. Thôi, muốn nói xuôi nói ngược thế nào mặc nó, ta cứ nâng cốc, muôn năm!”

Người ta nói uốn ba tấc lưỡi, nhưng chính là cái mồm nói, xem ra như thế thì cái lưỡi bị oan ức. Như dân gian lấy cái lưỡi không xương để chỉ sự lươn lẹo mới hay làm sao. Nó chính là điển hình chi những điều xấu xa, dối trá nói xuôi, nói ngược.

Lưỡi vò độc quá đít ong

Vui lòng tan hợp, dứt theo nghĩa nhân (1)

Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn

(1): Ca dao

 

Lươn ngắn lại chê chạch dài, thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm

Câu thành ngữ hàm ý chỉ kẻ không biết người, biết mình, chỉ biết chê người chứ không biết mình cũng có tật như người.

Chuyện kể:

Cá chép sau khi hóa rồng mới trở về vùng sông nọ tổ chức một cuộc thi sắc đẹp cho muôn loài sống dưới nước nhân vào kỳ vũ cốc. Ban tổ chức sau khi đánh giá sơ khảo, cuối cùng thì cũng tuyển chọn được con lươn và con chạch vào một cặp, con trai và con cá thờn bơn vào một cặp. Cả hai cặp thi này đều có thân hình hơi giống nhau.

Đối với cặp lươn, chạch, ban tổ chức xét đi xét lại các tiêu chí thì cái gì cũng một chín một mười, nên cuối cùng ra tuyên bó kẻ nào có thân ngắn hơn thì sẽ là kẻ trúng tuyển. Chạch sướng quá vọt lên khỏi bùn. Con lươn tuy thế không chịu bèn lươn lẹo cãi: “Con chạch mới là giống dài người, tôi đâu có đuôi, chạch nó có vây đuôi, sao tôi lại dài hơn nó được”. Hai con từ bấy cãi nhau một hồi, khiến ban tổ chức phải cầm thước đo, lươn mới chịu. Chấm đến cặp thờn bơn và trai, so đi tính lại hai con mình cũng mỏng. Con thì miệng há ra, con thì ti hí cái mồm, chẳng con nào chịu kém con nào, ban tổ chức mới tính chuyện con nào mồm miệng cân đối thì cho thắng cuộc. Lúc ấy chị thờn bơn mới nói: “Miệng tôi là cân đối nhất. Cái trai kia, mồm nó lệch hẳn một bên sao đẹp được”. Con trai và con thờn bơn lại lên diễn đàn cãi nhau, không con nào chịu con nào khiến ban tổ chức đau đầu phân định. Lúc đó cá chép vốn có kinh nghiệm phân giải mới tuyên bố: “Lươn ngắn sao chê chạch dài, thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm”. Thôi giải tán!

Câu này là cách nói hoán dụ. Con lươn dài hơn con chạch lại chê chạch dài, con cá thờn bơn mồm vẹo một bên lại chê trai lệch mồm. Như vậy cái không thể có cứ cãi là có, đó là cãi chày cãi cối. Truyện này dựa vào đặc điểm hơi giống nhau của lươn, chạch, trai, thờn bơn thành ra thành ngữ để răn đời. Thế nên mới có câu: Chuột chù chê khỉ rằng hôi, khỉ mới trả lời cả họ mày khôn! Những kẻ không hơn, thậm chí không bằng người khác mà vẫn cứ lên giọng chê người, thật đáng ghét!

Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn

 

Theo: KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ

HOÀNG VĂN HÀNH (chủ biên)

VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

VIỆN NGÔN NGỮ HỌC

NXB VĂN HÓA SÀI GÒN


Tác giả: HOÀNG VĂN HÀNH (chủ biên)
Nguồn: KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ

Bài viết liên quan
Nội dung đang được cập nhật.
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Chẳng cầu trong những năm tháng đẹp nhất gặp được người tốt nhất, chỉ nguyện những năm còn sống được tương phùng, lựa chọn một tòa thành sống với nhau đến già. ...
Tiếng dương cầm vọng mãi
Tiếng dương cầm vọng mãi
Chẳng ngôn ngữ nào êm dịu và trầm lắng cho bằng ngôn ngữ của thi ca Chẳng âm điệu nào thiết tha cho bằng cung thanh trầm của khúc nhạc... Tôi có một tình yêu lớ...
Nắng ấm quê hương
Nắng ấm quê hương
Quê hương là gì hở cha?Ai đi xa cũng nhớ nhiều... Phải thừa nhận rằng từ trước giờ, con chưa bao giờ nghĩ đến khái niệm Quê hương. Và cũng chưa một lần, con tự ...
THÀNH NGỮ TRUNG HOA

THÀNH NGỮ TRUNG HOA

Ngọc bất trác, bất thành khí  Nhân bất học bất tri lý Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ Vô duyên ...
Status 129 trên Nhân Văn Blog

Status 129 trên Nhân Văn Blog

Âm nhạc luôn luôn là nguồn hạnh phúc cho tất cả mọi người sống trên trái đất. Không có âm nhạc thế ...
43 câu nói ý nghĩa

43 câu nói ý nghĩa

1. Bộc lộ sự nóng nảy ra ngoài, đó gọi là bản năng. Kìm nén sự nóng nảy vào bên trong, đó gọi là ...
Như một người cha

Như một người cha

Trong cuộc đời mỗi chúng ta, luôn có những người đã dạy ta một điều gì đó khiến cuộc đời ta thay ...
Người tuổi Dần

Người tuổi Dần

Trời sinh người tuổi Dần rất nhạy cảm, và có giác quan thứ sáu, có khả năng nhìn thấu nội tâm của ...

"Nhân sinh nhược chích như sơ kiến....
Nếu cuối cùng mọi thứ đều phải tan biến, chỉ xin được giữ lại ánh nhìn buổi ban sơ..."

Bụng chứa thi thư, 

phong thái tự đẹp!

Hữu xạ tự nhiên hương

Ngọc bất trác, bất thành khí 

Nhân bất học bất tri lý

Nhất tự thiên kim

Thiên ngôn vạn ngữ

Tri nhân tri diện bất tri tâm

Video clip