Thứ năm, 21/11/2024 - 16:53

KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN D

Chuyện kể: Xưa có anh học trò rất dốt, nhưng ở đời “Xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ”. Có người tưởng anh hay chữ thật, đón về nhà dạy trẻ...

Dở dở ương ương

Cũng như nhiều thành ngữ khác trong tiếng Việt, thành ngữ dở dở ương ương được hình thành bằng ghép láy hai từ dở và ương đi liền nhau.

Nếu chấp nhận rằng có một sự chuyển nghĩa từ dở trong khế dở (khế không ra ngọt mà cũng không ra chua) đến dở trong dở người từ ương trong ổi ương đến ương trong ương gàn, ương ngạnh v.v… thì cũng có thể chấp nhận có hai cách giải thích của thành ngữ dở dở ương ương.

Với nghĩa gốc, dở là ở trạng thái chưa xong, chưa kết thúc; còn ương biểu thị cái trạng thái của trái cây gần chín, cái trạng thái chưa chín hẳn, nhưng cũng chẳng còn xanh nữa! Có thể nói dở và ương đều có một nét nghĩa chung là ở trạng thái, chưa kết thúc của quá trình, ở trạng thái nửa vời, không ra thế nọ mà cũng chẳng ra thế kia. Từ đó, với nghĩa bóng, nghĩa rộng, thành ngữ dở dở ương ương thường được dùng để biểu thị tính cách của những người khôn chẳng ra khôn mà dại chẳng ra dại. Dĩ nhiên cái tính cách, phẩm chất này lại thường thể hiện ở cách nói năng, cách ứng xử, thí dụ:

“Ấy cũng chỉ vì trên đầu có hai thứ tóc nên mới ăn nói dở dở ương ương như thế”. (Tạp chí văn nghệ quân đội 1-1967).

“Gọi là Đạo Khùng vì ông dở dở ương ương lúc cười nói huyên thuyên, lúc im hơi lặng tiếng, khi thì đon đả hỏi chuyện khách viếng thăm, vui vẻ trả lời các câu hỏi, lúc lì lì hoặc gắt gỏng, xua đuổi người đến thỉnh cầu như xua tà” (Khoa học bịp).

Với nghĩa chuyển, dở được dùng để biểu thị tính khí không bình thường, được biểu hiện bằng những hành vi ngớ ngẩn, còn ương là “gàn”, cứ theo ý mình, không chịu nghe ai” (Từ điển tiếng Việt, 1988). Như vậy thì việc giải thích dở dở ương ương là thành ngữ biểu thị tính cách của con người không bình thường, khôn chẳng ra khôn, dại chẳng ra dại cũng là cách giải thích có thể chấp nhận được. Trong trường hợp này, thì nghĩa của dở dở ương ương được hình thành từ nghĩa chuyển của dở và ương, chứ không phải từ nghĩa gốc của hai từ này.

 

Dốt có đuôi

Nhiều người cho rằng, thành ngữ “dốt có đuôi” xuất hiện gắn liền với chế độ khoa cử dưới thời phong kiến. Thoạt tiên, thành ngữ này chỉ có ý chê bai một đối tượng không đến nỗi dốt nát. Họ cũng là người có đỗ đạt trong kì thi hội, thi đình hẳn hoi. Số là, sau kì thi, những người trúng tuyển được tập trung lại để yết kiến vua. Họ được sắp xếp thứ tự từ người đỗ cao nhất đến người đỗ thấp nhất (tức đứng cuối, đứng rốt) với quần áo mũ miện nhà vua ban phát chỉnh tề. Người đứng sau cùng đội chiếc mũ có tai dài, vì thế người ta mới chế giễu là “có đuôi”. Rõ ràng trong mắt sĩ tử và dân chúng thì người đội mũ có đai dài trông như cái “đuôi ấy”, vẫn là người dốt hơn cả so với những người có mặt. Từ đây, trong lời ăn tiếng nói của nhân dân xuất hiện thành ngữ “dốt có đuôi” để chế giễu tất cả những ai dốt nát. Một số người khác lại cho rằng, thành ngữ này có xuất xứ từ một câu chuyện cười Việt Nam. Chuyện rằng, một thầy đồ được mời đến cúng cho gia chủ tên là Tròn. Nhưng than ôi, thầy đồ gì mà chữ nghĩa chẳng được bao năm. Đến cái tên của gia chủ là Tròn mà ông ta cũng chẳng biết viết, đành khoanh một vòng tròn. Chẳng may, có một kẻ tinh nghịch đã sổ thêm một nét vào “chữ Tròn” ông vừa mới viết. Khi đọc sớ, thầy không biết, cứ việc theo hình vẽ mà đọc tên gia chủ là “Gáo”. Chủ nhà giật mình, cải chính. Ông thầy cúng biết mình nhầm, xấu hổ lắm, những mong có lỗ nào mà chui ngay xuống đất. Qua câu chuyện này, thành ngữ “dốt có đuôi” có hai cách hiểu về xuất xứ và cũng có hai biến thể khác nhau: “dốt có đuôi” “dốt có chuôi”. Dẫu hiểu thế nào thì thành ngữ này cũng chỉ biểu hiện ý nghĩa: “dốt nát và không giấu được cái dốt của mình”.

Để biểu thị ý nghĩa “dốt nát, không biết gì”, ngoài thành ngữ “dốt có đuôi”, “dốt có chuôi”, trong tiếng Việt còn có các thành ngữ “dốt đặc cán mai”, “dốt như bò”. Tuy nhiên, các thành ngữ này không có nét nghĩa “không giấu được cái dốt, cái dốt bộc ra ngoài”, chúng chỉ đơn thuần biểu thị mức độ cao nhất của sự dốt nát mà thôi.

 

Dốt hay nói chữ

Chuyện dốt hay sính chữ không chỉ chuyện xưa. Nay có kẻ dốt làm quan, nhất là quan pháp đình thì thiên hạ khổ lắm lắm! Một phán quyết sai làm hại cả nhà, thậm chí cả một cộng đồng xã hội. Vì vậy truyện “Tam đại con gà” chính là hiểu được kẻ dốt nói chữ là như thế nào. Chuyện này âu cũng cho đời một bài học.

Ý nói kẻ dốt nát nhưng cứ tỏ ra hay chữ, dùng chữ nghĩa để chứng tỏ ta đây.

Còn có câu: Dốt đặc còn hơn hay chữ lỏng. Ý nói thà không biết gì còn hơn biết lơ mơ lại còn tỏ vẻ rồi nói những điều sai trái. Cũng tương tự như thế còn có câu: “Người chẳng có mẽ lại hay làm dáng”, “Xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ” để chỉ trích kẻ đề cao mình.

Chuyện kể:

Xưa có anh học trò rất dốt, nhưng ở đời “Xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ”. Có người tưởng anh hay chữ thật, đón về nhà dạy trẻ.

Một hôm, dạy thằng con nhà chủ đọc sách Tam thiên tự, sau chữ “tước” là sẻ, đến chữ “kê” là gà, thầy ta thấy cái chữ nhiều nét khó không biết dịch nghĩa sao cả. Khi trẻ hỏi gấp, thầy cuống quýt đọc liều “dủ dỉ là con dù dì”. Tối hôm ấy, nhân nhà chủ có bàn thờ thổ công, thầy đến khấn thầm, xin ba đài âm dương xem chữ ấy có đúng không. Thổ công không nói gì cả. Thầy cho là phải, lấy làm đắc sách. Hôm sau, thầy bệ vệ ngồi trên giường bảo lũ học trò đọc to rằng: “Dủ dỉ là con dù dì, dủ dỉ là con dù dì”. Người chủ đang ở vườn, thấy vậy bỏ cuốc chạy vào hỏi thầy:

- Chết chửa, chữ ấy là chữ “kê” sao lại dạy chúng nó là con dù dì.

Bấy giờ thầy mới nghĩ: “Mình đã dốt, thổ công nhà này cũng dốt nữa”, song vẫn nhanh trí gỡ rằng:

- Ông tưởng tôi không biết chứ kê, mà kê nghĩa là gà hay sao? Nhưng tôi dạy chúng nó thế là để chúng biết đến tam đại con gà kia đấy.

Nhà chủ ngạc nhiên hỏi:

- Tam đại con gà là thế nào?

Thầy cắt nghĩa:

- Thế này nhé: Dủ dỉ là chị con công; Con công là ông con gà. Thế chẳng phải tôi đã dạy chúng hiểu ba đời con gà là gì.

Nhà chủ đành chịu thầy, rồi ra nói với thằng con: “Thầy này đã dốt lại hay nói chữ”.

Theo truyện “Tam đại con gà” – “Truyện cổ nước Nam”, Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc – NXB Văn học, 2003

--------------

Chuyện dốt hay sính chữ không chỉ chuyện xưa. Nay có kẻ dốt làm quan, nhất là quan pháp đình thì thiên hạ khổ lắm lắm! Một phán quyết sai làm hại cả nhà, thậm chí cả một cộng đồng xã hội. Vì vậy truyện “Tam đại con gà” chính là hiểu được kẻ dốt nói chữ là như thế nào. Chuyện này âu cũng cho đời một bài học.

(Theo “Đi tìm điển tích thành ngữ”, NXB Thông Tấn)

 

Thái Hà đọc và tổng hợp theo: KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ

HOÀNG VĂN HÀNH (chủ biên)

VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

VIỆN NGÔN NGỮ HỌC

NXB VĂN HÓA SÀI GÒN


Tác giả: HOÀNG VĂN HÀNH (chủ biên)
Nguồn: KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ

Bài viết liên quan
Nội dung đang được cập nhật.
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Chẳng cầu trong những năm tháng đẹp nhất gặp được người tốt nhất, chỉ nguyện những năm còn sống được tương phùng, lựa chọn một tòa thành sống với nhau đến già. ...
Tiếng dương cầm vọng mãi
Tiếng dương cầm vọng mãi
Chẳng ngôn ngữ nào êm dịu và trầm lắng cho bằng ngôn ngữ của thi ca Chẳng âm điệu nào thiết tha cho bằng cung thanh trầm của khúc nhạc... Tôi có một tình yêu lớ...
Nắng ấm quê hương
Nắng ấm quê hương
Quê hương là gì hở cha?Ai đi xa cũng nhớ nhiều... Phải thừa nhận rằng từ trước giờ, con chưa bao giờ nghĩ đến khái niệm Quê hương. Và cũng chưa một lần, con tự ...
THÀNH NGỮ TRUNG HOA

THÀNH NGỮ TRUNG HOA

Ngọc bất trác, bất thành khí  Nhân bất học bất tri lý Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ Vô duyên ...
Status 129 trên Nhân Văn Blog

Status 129 trên Nhân Văn Blog

Âm nhạc luôn luôn là nguồn hạnh phúc cho tất cả mọi người sống trên trái đất. Không có âm nhạc thế ...
43 câu nói ý nghĩa

43 câu nói ý nghĩa

1. Bộc lộ sự nóng nảy ra ngoài, đó gọi là bản năng. Kìm nén sự nóng nảy vào bên trong, đó gọi là ...
Như một người cha

Như một người cha

Trong cuộc đời mỗi chúng ta, luôn có những người đã dạy ta một điều gì đó khiến cuộc đời ta thay ...
Người tuổi Dần

Người tuổi Dần

Trời sinh người tuổi Dần rất nhạy cảm, và có giác quan thứ sáu, có khả năng nhìn thấu nội tâm của ...

"Nhân sinh nhược chích như sơ kiến....
Nếu cuối cùng mọi thứ đều phải tan biến, chỉ xin được giữ lại ánh nhìn buổi ban sơ..."

Bụng chứa thi thư, 

phong thái tự đẹp!

Hữu xạ tự nhiên hương

Ngọc bất trác, bất thành khí 

Nhân bất học bất tri lý

Nhất tự thiên kim

Thiên ngôn vạn ngữ

Tri nhân tri diện bất tri tâm

Video clip