Cà cuống chết đến đít còn cay
Về xuất xứ, câu thành ngữ trên bắt nguồn từ chuyện con cà cuống.
Cà cuống, tên khoa học là belortone indica là một giống côn trùng thuộc bộ cánh nửa (nửa cứng, nửa mềm), mình dẹt và sống trong nước hoặc nửa nước nửa cạn như ruộng lúa. Ở con đực, cơ thể có chứa tinh dầu trong đôi tuyến đặc biệt nằm ở khoang bụng dưới phía đuôi. Chất tinh dầu này, tên hoá học là veleriant amil, không độc, có vị cay mùi thơm ngát, thường được dùng làm gia vị trong bữa ăn của người Việt Nam ta, nhất là ở nông thôn, trong mùa gặt hái.
Theo nghĩa đen, câu thành ngữ trên nói về một thực tế là: con cà cuống cho dù chết thì ở đằng đuôi (đít) chất cay của tinh dầu quý kia vẫn còn. Song, trong đời sống tiếng Việt, câu thành ngữ trên không dùng với nghĩa đen, chỉ dùng với nghĩa bóng: nó chỉ những kẻ ngoan cố, bảo thủ, cố chấp, cay cú trước sự thất bại hoặc cái sai rành rành của mình. Thí dụ:
“Thằng cha khụng khiệng đi khỏi, ba anh em nhìn nhau phì cười:
- Rõ cà cuống chết đến đít còn cay” (Nguyễn Đình Thi. “Vỡ bờ”)
Vì sao câu thành ngữ có nghĩa như trên? Suy nghĩ kĩ tìm ra được câu trả lời khá lí thú là: quá trình hình thành nghĩa bóng của thành ngữ trên chính là quá trình sáng tạo tinh tế trong cách dùng từ và lối chơi chữ đồng âm của dân gian. Thật thế, câu thành ngữ khởi thuỷ là dựa vào một hiện tượng có thật: cà cuống - chết – đít còn cay. Thế rồi dân gian chỉ thêm vào giữa các từ của câu tiếng Việt miêu tả hiện tượng ấy một chữ đến mà làm thay đổi cục diện của thế trận ngôn từ: cà cuống chết (đến) đít còn cay. Tự nhiên, các chữ khô cứng của phán đoán miêu tả hiện thực cà cuống - chết – đít còn cay như động đậy, sống dậy, có hồn và chắp dính với nhau theo một mạch liên kết, một “hoá trị” khác: cà cuống - chết đến đít – còn cay: Rõ ràng là ở đây không nói chuyện về con cà cuống nữa, mà đã có chuyện về nhân sinh, về con người, ở chỗ “chết đến đít – còn cay”. “Chết đến đít là cách nói quen thuộc của dân gian diễn tả sự nguy ngập, khó tránh khỏi, ở đây là “sự thất bại” “sự sai trái” đối lập với “phải” và cay ở đây không phải là “vị cay” nữa mà là “cay cú” ăn thua. Sự phối hợp giữa các thành viên (từ) trong thế trận ngôn từ cùng với sự chơi chữ đã đem lại cho câu thành ngữ trên một hiệu quả bất ngờ. Và lập tức nó được hiểu theo nghĩa bóng mà thôi, như ta đã biết.
Câu thành ngữ trên còn được dùng ở dạng biến thể khác là: “Cà cuống chết đến ức còn cay”. Thí dụ:
“Thằng địch rất ngoan cố xảo quyệt. Thua keo này nó bày keo khác. Cà cuống chết đến ức còn cay. Mỗi ngày ta cần nghiên cứu cách đánh mới”. (Nhiều tác giả “Gương chiến đấu của thanh thiếu niên miền Nam”).
Có lẽ, đó là do người ta tưởng lầm rằng tuyến cay của cà cuống ở trên ức nó. Tuy nhiên, cách nói thứ hai nhẹ hơn, kém sâu cay hơn trong việc lột tả ý nghĩa đã nêu.
Cá chậu chim lồng
Câu thành ngữ ám chỉ cảnh sống bó buộc, tù túng, mất tự do.
Chuyện kể:
Ngày xưa, có một nhà giàu nọ rất chơi thích chơi chim cảnh. Người nhà giàu thường nhốt chim sáo trong lồng treo trước cửa nhà để mua vui. Rồi một ngày, người nọ lại bắt được một con cá vàng, bèn thả vào chậu đặt cạnh lồng chim để làm cảnh. Ngày ngày, người chủ đem thức ăn đến cho chim và cá, cốt để thưởng thức tiếng hót của chim, dạy chim nói tiếng người và xem cá lượn lờ tung tăng trong chậu.
Một hôm, người chủ đi vắng, con cá nói với con chim rằng:
- Chị còn sung sướng nỗi gì mà còn nhảy nhót liên hồi, lại còn líu la líu lô. Chị có biết chị đang ở đâu?
Thấy con cá cùng cảnh ngộ bắt chuyện, con sáo mới giãi bày:
- Tôi thấy chị cứ lượn lờ bơi quanh cái chậu, còn nhởn nhơ nỗi gì, tôi thấy ấm ức cho chị lắm thay. Còn tôi, trước đây, sống ở trời đất bao la rộng bằng ngàn, bằng vạn chiếc lồng. Vườn là rừng, sông suối chỗ nào tôi cũng biết. Tôi muốn bay, muốn đậu, mặc sức, rồi líu lo suốt ngày trên vách đá cùng họ hàng chim muông. Giờ đây bị nhốt trong lồng, muốn đạp mà ra, tôi có hót là hót cho đỡ nhớ rừng, nhớ đàn, chứ nào có sung sướng gì.
Lúc ấy cá mới nói:
- Tôi và chị cùng chịu chung số phận. Tôi sống ở sông. Sông nước mênh mông, họ hàng nhà cá chúng tôi từng đàn lượn tung tăng, đến ngày con nước trẩy hội đông vui. Tôi nhớ sông, nhớ đàn mà quẫy quanh nơi thành chậu, để mà vươn ra chứ đâu có nhởn nhơ nỗi gì.
Một con mèo suốt ngày rình bên chậu nước và chiếc lồng, chỉ chờ thời cơ cá nhảy ra khỏi chậu là ngoạm lấy, rồi tìm cách thò tay vào lồng mà tóm ngọn con chim, nghe thấy chúng than thở với nhau, đành góp lời vào:
- Khổ thân cho chúng mày. Cá chậu chim lồng. Số phận đã run rủi vậy, còn than vãn nỗi gì.
Cảnh đời không gì khổ hơn, nguy hiểm hơn cảnh “cá chậu chim lồng”, đã bị nhốt ở nơi chật hẹp lại bị đối xử không ra gì, số phận không biết đâu mà lường, sống chết không biết đâu mà tránh.
Ai ơi cá chậu chim lồng
Một ngày bằng cả năm gông ngồi tù
Ấy nên ngay cả con chim, con cá cũng muốn tự do, huống hồ là con người.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông Tấn
Cá chuối đắm đuối vì con
Cá chuối: Một loài cá nước ngọt (còn có nơi gọi là cá quả, cá lóc) rất chăm con. Nghĩa bóng: Cha mẹ chịu mọi khó khăn, gian khổ, quên mình vì con cái. Còn có câu: Cá chuối đắm đuối về con.
Chuyện kể:
Có đàn cá rồng rồng[1], sống ở ao. Chúng theo mẹ cá chuối đi kiếm ăn, nhưng vì ao nhỏ, cá lại nhiều nên thức ăn chả có mấy. Đàn rồng rồng đói quá cứ nhao nhao lên mặt nước, mà chả kiếm được gì.
Một hôm, có một con cóc ngồi trên bờ ao, thấy đàn rồng rồng nhịn đói, thương hại mới nói với cá chuối mẹ rằng:
- Ở trên bờ nhiều kiến lắm. Chị mà lên đây thì no cả tháng.
Cá chuối mẹ mới hỏi:
- Ở trên ấy, chị còn nhảy đi kiếm được, chứ như tôi, không chân không tay, bắt thế nào được chúng.
Cóc mới bảo:
- Kiến nó thích cái nhớt của chị lắm! Chị chỉ cần nằm ở trên bờ một lúc là chúng bu đến đầy. Chị tha hồ mà ăn.
Cá chuối nghe có lý, lại nghĩ đến đàn con đang đói được ăn kiến thì chúng lớn biết chừng nào. Nó đành liều thân, quăng mình nhảy lên bờ ao. Nó nằm đó giả chết. Một con kiến thấy mùi cá tanh, chạy đến, rồi hai con, ba con. Chỉ một lúc, đàn kiến báo hiệu cho nhau có một con cá chết nằm trên bờ, nên cả đàn bu lại, vừa dự tiệc tại chỗ vừa tính chuyện đưa mồi vào tổ.
Tuy bị kiến cắn đau, lại thêm lên cạn, da khô tưởng muốn chết, nhưng cá chuối mẹ vẫn nghiến răng chịu đựng. Nó đợi cho đàn kiến bu đầy mới quăng mình nhảy tõm xuống nước. Hàng trăm con kiến nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Đàn rồng rồng xúm lại, đớp thoả thích.
Cứ như thế, cá chuối mẹ lâu lâu lại tìm bờ nhảy lên kiếm thức ăn cho con bằng kiểu ấy. Nhưng một hôm, cá chuối mẹ nhảy lên quá xa bờ, nó lại chờ cho đàn kiến bu đến đông, da khô rộp cả, nó bèn vội vàng nhảy xuống. Nhưng lúc ấy, kiệt sức, nó giẫy lung tung. Đến khi tìm được ao thì cá chuối đã chết, nó chìm xuống tận đáy, đến chiều thì nổi lên. Biết chuyện cá chuối mẹ chết, con cóc thương xót mới nói rằng: Chị cá chuối này mới đáng thương làm sao, tận tình với con, đắm đuối vì con mà chết.
Lại nói đàn rồng rồng không thấy mẹ về, chúng bèn chia nhau đi kiếm mồi. Rồi chúng lớn lên, đến kỳ trưởng thành, nở trứng sinh con. Theo kế kiếm ăn của mẹ trước đây, chúng cũng nhảy lên bờ cho kiến bu, rồi cũng có con lại đắm đuối vì con như mẹ chúng, nên chịu chung số phận như mẹ.
------------------------
Cá chuối nặng lòng vì con cho đến chết. Như truyện trên thì quả là loài vật cũng thấy rõ nghĩa vụ của mình. Chuyện này vừa là sáng kiến kiếm mồi cho con, vừa là cái nghĩa lớn để rồi phải hy sinh vì nghĩa cũng cam lòng.
Theo "Đi tìm điển tích thành ngữ" của Tiêu Hà Minh - NXB Thông Tấn
[1] Rồng rồng: cá chuối non mới nở.
Cá hóa rồng
Con Rồng là truyền thuyết, là sự tưởng tượng của dân gian, cho rằng nó từ cá chép mà thành. Rất có thể từ một truyền thuyết mà có câu chuyện trên, rồi từ chuyện đó mà nên thành ngữ “cá chép hóa rồng” để răn dạy sự học hành, thi tài của người đời, nếu chịu khó, quyết tâm sẽ thành đạt, trở nên danh giá…Tuy nhiên cũng có kẻ may mắn, gặp thời mà “lên xe xuống ngựa”, nhưng phải nhớ rằng gốc gác, cội rễ của mình cũng chỉ từ sự bình thường mà nên. Chớ lấy cái danh giá của hiện tại mà coi thường người khác.
Theo truyền thuyết ở Trung Quốc hằng năm vào ngày mồng 1 tháng 11 và ngày 21 tháng 12 âm lịch, mưa to gió lớn. Khi ấy, các loài tôm cá tụ tập nhau về cửa sông Trường Giang thuộc đất Tứ Xuyên để thi tài. Vùng này hiểm trở, nước đổ vào chân núi có ba vực sâu do vua Hán Vũ đào để trị thủy nên còn gọi là Ba Tầng Cửa Vũ hay Vũ Môn Long Vân.
Tôm, cua, ốc, ếch, rùa, ba ba và các loại cá khắp nơi đổ về đăng ký thi tài. Cuộc thi gọi là vượt vũ môn. Khi thi, con nào vượt được 3 vực sâu có sóng lớn tức là thắng cuộc. Tất cả cá lớn, cá bé các loài đều ra sức thi tài nhưng lần lượt bị loại. Duy chỉ có con cá chép ở phía nam sông Thanh Lãnh ba lần nhảy đều được chấm điểm ưu, vì nó đã vượt qua được ba vực sâu sóng lớn.
Giám khảo ếch oang oang tuyên bố:
- Anh chép lực lưỡng sông Thanh Lãnh là thí sinh được giải. Mọi người nghe đây: “Chép đã dầy công ôn luyện mấy năm nay, nhờ vậy đã giành phần thắng và được hóa rồng đỏ gọi là Xích Long”.
Nói xong, Ban giám khảo ếch khoác lên mình cá chép những vẩy bạc long lanh.
Con Rồng là truyền thuyết, là sự tưởng tượng của dân gian, cho rằng nó từ cá chép mà thành. Rất có thể từ một truyền thuyết mà có câu chuyện trên, rồi từ chuyện đó mà nên thành ngữ “cá chép hóa rồng” để răn dạy sự học hành, thi tài của người đời, nếu chịu khó, quyết tâm sẽ thành đạt, trở nên danh giá.
Phận gái lấy được chồng khôn
Xem bằng cá vượt vũ môn hóa rồng
Tuy nhiên cũng có kẻ may mắn, gặp thời mà “lên xe xuống ngựa”, nhưng phải nhớ rằng gốc gác, cội rễ của mình cũng chỉ từ sự bình thường mà nên. Chớ lấy cái danh giá của hiện tại mà coi thường người khác.
Theo Điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh – Nhà xuất bản Thông Tấn
Cái tổ con chuồn chuồn
Óc quan sát thế giới tự nhiên của người Việt Nam dành khá nhiều cho đời sống và cá tính riêng của con chuồn chuồn. Bởi là, nó gần gũi với con người, trước hết là với trẻ em. Trẻ em thích chơi chuồn chuồn. Thấy chuồn chuồn là giơ tay bắt ngay, nên mới có câu hát:
“Chuồn chuồn có cánh thì bay
Đừng cho thằng bé giơ tay bắt chuồn”
Đối với tuổi nhỏ, chuồn chuồn có mặt như một thứ trò chơi và cũng như bạn bè. Bắt chuồn về cho chuồn chọi nhau; bắt chuồn về, cho chuồn cắn vào rốn, nói là để cho chóng biết bơi. Và bao nhiêu trò nữa. Chuồn chuồn thân quen và hấp dẫn với trẻ nhỏ đến thế, mà tổ con chuồn chuồn ở đâu, nghìn đời nay rồi, chẳng ai mách giùm các em một câu!
Còn trong ý thức người lớn tuổi thì khác hơn. Cũng rất quen thuộc, nhưng chuồn chuồn không còn là một thứ trò chơi nữa, mà đã đi vào chuyện làm ăn, chuyện ứng xử ở đời, có cả những điều hy vọng và những điều buồn đau. Đối với những người để tâm nhiều đến việc buôn bán, làm ăn thì có câu: Vốn chuồn chuồn, ý nói vốn ít ỏi, mỏng nhỏ, chẳng hề làm nên cơ nghiệp gì. Đối với những người quanh năm suốt tháng làm bạn với nắng mưa, với trời đất, thì truyền cho nhau câu tục ngữ:
“Chuồn chuồn bay thấp thì mưa
Bay cao thì nắng, bay vừa thì râm”
Chuồn chuồn cũng tham dự vào ý thức thẩm mĩ của dân gian Việt Nam như là sự liên tưởng - so sánh trực giác, nhờ đó mà nó được cô đúc hơn, hình ảnh sâu sắc hơn cái ý về sự hời hợt, qua loa, không chuyên chú theo lối chuồn chuồn đạp nước. Chuyện về con chuồn chuồn còn được mang vào mỗi cuộc đời trong cái phút lâm chung của họ. Đó là phút người bệnh đã mê sảng và đã “bắt chuồn chuồn”, tức là các ngón tay cứ chúm lại rồi toẽ ra, lại chúm lại, toẽ ra như động tác các ngón tay khi bắt chuồn chuồn, báo hiệu cái chết đã đến!
Con người quan sát đời sống con chuồn chuồn sâu sắc và đa dạng đến thế mà cái tổ con chuồn chuồn ở đâu và hình dáng của nó ra sao vẫn chẳng ai biết cả. Nhưng tại sao người ta vẫn nói “ai biết đâu cái tổ con chuồn chuồn”. Và văn học cứ viết, chẳng hạn như: “Ngày tháng trôi qua, hai chị em gái của Hà đi lấy chồng. Mỗi lần có tiếng pháo nổ, tiếng nhạc xập xình bên ấy, mấy đứa chúng tôi lại bảo nhau: “Thế là tổ con chuồn chuồn lại bay mất một con” (báo Văn nghệ quân đội). Thế ra tổ con chuồn chuồn lại có điều gì đó tương đồng với một gia đình sinh ra toàn con gái cả hay sao? Chuyện về cái tổ con chuồn chuồn thật là rắc rối. Con chuồn chuồn có tổ không? Chuồn chuồn làm tổ ở đâu? Hình dáng tổ con chuồn chuồn ra sao? Và tại sao để nói lên ý về sự không thể biết được, sự bí ẩn, kín mật, dân gian lại tạo lập cách nói “Cái tổ con chuồn chuồn?”
Trước hết hãy trở về đời sống sinh vật của chuồn chuồn. Chuồn chuồn là loài sâu bọ cánh mỏng, có gân. Vòng đời của chuồn chuồn không dài chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn nhộng, ba năm ở dưới nước, giai đoạn trưởng thành hai tháng. Hóa từ nhộng ra, chuồn chuồn con sinh sống kiếm ăn ở mặt nước, nên ít ai nhận biết. Đến lúc lớn lên, có khả năng tự vệ, chuồn chuồn mới bay lên cạn kiếm mồi. Cuộc sống ở trên cạn, chuồn chuồn cũng có những cá tính khác thường: không ở đâu lâu một chỗ, mà cứ nay đây, mai đó, ngày bay, đêm nghỉ. Lại có những ngày chuồn chuồn rủ nhau tụ họp, bay giăng đầy sân, đầy bãi gây một ấn tượng rộn rã, bỗng chốc lại tan đàn, bay đi mất hút cả một mùa. Lúc ở phía trước, lát ở phía sau, thoắt một cái lại biến mất vẻn vẹn chỉ có hai tháng sống trên cạn thôi mà đã mất một thời sống quanh quẩn nơi mặt nước, không có ai biết đến. Những ngày sống trên cạn thì du thủ du thực, vui đâu chầu đấy; lại có những ngày tụ họp bay rợp trời rợp đất rồi sau đó mất hút...
Tất cả những “lối sinh hoạt” ấy: “thoắt đến thoắt đi” vừa nhìn thấy đã biến mất, vừa đến đã đi, sáng bay ra, tối đi hết, gây ra cảm nghĩ “không biết đâu mà lường”, “khó mà tìm cho được”. Nhưng, có lẽ chừng ấy cũng chưa đủ chứng cứ ngôn ngữ học cho sự xuất hiện thành ngữ cái tổ con chuồn chuồn”, mà phải thêm điều này nữa: Trong cách nghĩ dân gian, con chim phải có tổ, người ta phải có nhà. Và dường như, các loài có cánh đều làm tổ, đẻ trứng và nuôi con ở tổ, thế thì chuồn chuồn cũng phải có tổ như chim có tổ để trú ngụ, đẻ trứng, nuôi con chứ! Cái logic ấy tự nhiên, chỉ có điều là, tổ chim nhìn thấy được mà tổ chuồn chuồn thì ở đâu, mà chẳng bao giờ nhìn thấy cả. Cái logic dân gian này cùng với lối sinh hoạt “nay đây mai đó”, “thoắt đến thoắt đi” của chuồn chuồn đã đưa liên tưởng con người đến với ý nghĩ về sự “bí ẩn”, “chẳng thể nào biết được”, từ đó mà có câu thành ngữ “cái tổ con chuồn chuồn” nói về cái ý đó, giống như cách nói “ai biết ma ăn cỗ” hay “ai biết ma ăn cỗ ở đâu”. Ở đây các logic dân gian và logic hiện thực khách quan không đồng nhất. Chuồn chuồn không làm tổ, nên không có tổ, do đó, không bao giờ con người tìm thấy tổ chuồn chuồn. Chuồn chuồn đạp nước, đẻ trứng xuống nước, trứng nở thành nhộng. Nhộng sống dưới nước sau ba năm mới hóa thành chuồn chuồn. Cái tổ con chuồn chuồn biểu trưng cho sự “bí ẩn”, “không thể biết”. Để diễn đạt ý về sự đã biết rõ, biết tường tận điều bí ẩn nào đó, người ta phải nói biết tỏng cái tổ con chuồn chuồn rồi.
Cá không ăn muối cá ươn
Tự phụ, tự cao, cái bệnh ấy khác gì cá không ăn muối (ướp muối). Lắng nghe theo lời người trên, làm theo cái phải ấy là người biết. Cha ông đúc rút kinh nghiệm quả là tài tình.
Nhà nọ, một hôm bắt được hai con cá béo mới nói:
- Hôm nay còn nhiều đồ ăn, tạm cho chúng mày vào nồi, ướp muối để chiều làm thịt.
Hai con cá nghe thấy vậy, lo lắng lắm. Một con mới bảo con kia:
- Người ta nói: “Xót như xát muối”, sợ lắm, tôi chả tội gì mà phải vậy.
Con cá kia mới nói:
- Xót thật đấy, nhưng mình còn có ích, chứ không thì ươn thối, ươn tha ra đấy, người ta quẳng đi, lại chả làm mồi cho lũ kiến, thế thì còn đau đớn hơn nhiều.
Tiện ở góc bếp, vại muối cũng chêm vào:
- Đúng đấy, muốn để lâu được thì chịu khó xót một tí còn hơn là thối rũ xương ra, ai người ta thiết nữa.
Nói vậy nhưng con cá nọ cũng chẳng nghe ra. Nó quẫy đuôi một cái thật mạnh, văng mình ra khỏi nồi, tìm cách trốn.
Người nhà khi làm cá, chỉ thấy còn một con, mới đem mổ ướp muối. Còn con kia nhảy ra khỏi chậu, đến chiều tối thì nhớt khô cả lại, kiến bắt đầu bu đầy. Đến sáng hôm sau, nó đã chết ươn. Cho đến ngày hôm sau nữa thì bắt đầu thối rữa, người ta mới phát hiện ra nó, bèn xúc quẳng nó vào thùng phân. Lúc đó vại muối thấy vậy nói:
- Đúng là đồ không biết nghe lời. Đồ cá không ăn muối, ươn thối ươn tha ra vậy, ai còn cần mày nữa.
Tự phụ, tự cao, cái bệnh ấy khác gì cá không ăn muối (ướp muối). Lắng nghe theo lời người trên, làm theo cái phải ấy là người biết. Cha ông đúc rút kinh nghiệm quả là tài tình.
Cá không ăn muối cá ươn
Con cãi cha mẹ trăm đường con hư.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh – NXB Thông Tấn
Cạn tàu ráo máng
“Người ta đối xử cạn tàu ráo máng vì họ ở huyện ở tỉnh, họ có ăn đời ở kiếp chi với ta” (Chu Văn. “Bão biển”).
Thoạt tiên, thành ngữ này được dùng để chỉ sự chăm sóc thiếu chu đáo của con người đối với vật nuôi như voi, ngựa, lợn và các gia súc khác. Ở trong thành ngữ này, máng là dụng cụ đựng thức ăn cho lợn và các gia súc, tàu cũng là một loại máng dùng để đựng thức ăn cho voi và ngựa. (Về sau tàu còn được dùng để chỉ chỗ nhốt voi nhốt ngựa. Trong trường hợp này tàu có nghĩa là chuồng. Đối với những con vật quý, giúp đỡ cho con người khỏi những nỗi nhọc nhằn trong việc thồ chở hàng hoá, các vật liệu nặng, hoặc cung cấp cho người thịt ăn hàng ngày như vậy mà phải để cho cạn tàu ráo máng, để phải chịu đói, chịu khát cùng kiệt thế, âu cũng là một sự tàn nhẫn quá mức. Nhưng nói vật là để nói người vậy. Đã cạn tàu ráo máng với nhau thì còn đâu là tình nghĩa; con người lúc đó sẽ đối xử với nhau một cách tàn nhẫn:
“Mấy ông đã không ơn nghĩa lại đối xử cạn tàu ráo máng rứa thì can chi mà chị ngượng” (Xuân Thiều. “Thôn ven đường”).
“Bố mẹ Bính đối với Bính thật cạn tàu ráo máng và đến mức độc ác hơn là thú dữ” (Nguyên Hồng. “Bỉ vỏ”).
Cáo mượn oai hùm
Cáo thì chỉ “bắt nạt” được gà, còn hùm (tên nôm của hổ) là chúa tể của muôn loài! Hùm giỏi giang ở đâu thì chưa biết nhưng riêng cái khoản tục ăn thì không ai bằng (ăn như hùm đổ) và gian ác thì cũng đáng được xếp hạng “miệng hùm nọc rắn”. Vô phúc con vật nào - cả con người nữa, để nó vồ được thì chỉ có mà về... chầu tiên tổ. Vậy nên, trong tiếng Việt đã sinh ra câu “cáo mượn oai hùm” để chỉ hạng người luôn mượn thế kẻ mạnh, nấp dưới ô quyền lực đi hù dọa, lòe bịp người khác hoặc lấy đó làm lá chắn để thỏa sức lộng lành.
Thành ngữ này vốn bắt nguồn từ một câu chuyện kể về sự gian ngoan, ma lanh của cáo đã khéo uốn ba tấc lưỡi để lừa “thầy hùm”, còn hùm thì đúng là “to đầu mà dại”.
… Có một con hùm đói mồi, đang lang thang trong rừng kiếm ăn, thì gặp ngay con cáo. Hùm sướng rơn và chắc mẩm phen này được bữa chén no say. Nhưng con cáo gian ngoan đã nói ngay với hùm rằng: “Này, cái ông hùm ông hổ kia ơi! Ông đừng có mà ăn thịt tôi. Thượng đế đã giao cho tôi làm chúa tể muôn loài. Ông mà ăn tôi là làm trái ý của thượng đế! Không tin, ông cứ đi đằng trước, tôi đi đằng sau, thử hỏi có con vật nào trông thấy tôi mà không sợ?” Và hùm đã làm theo. Quả nhiên, chúng đi đến đâu, mọi thú vật đều chạy toán loạn. “Sự thật” đó đã làm cho hùm tin lời cáo, và đương nhiên cáo đã thoát chết! Hùm có biết đâu rằng, những con vật kia sợ mình, sợ từ cái bóng của mình, chứ đâu có sợ cáo!...
Trong dân gian, bên cạnh thành ngữ “cáo mượn oai hùm” còn có cách nói “cáo đội hổ uy” với nghĩa tương tự nhưng ít dùng. Tiếc thay, đến nay trong tiếng Việt từ hùm, từ hổ chưa có được cái nét nghĩa “khờ dại và cả tin đến mức ngu xuẩn”. Còn nét “tinh khôn, ranh mãnh, quỷ quái” (Thằng cha ấy cáo lắm. Bọn thực dân cáo già) đã trở thành một trong những nghĩa phổ biến của từ cáo.
Cha truyền con nối
Nghĩa là kế tục chức tước, địa vị, cha trước con sau nối tiếp từ đời này sang đời khác. Đây là một tục lệ của chế độ quân chủ chuyên chế. Thời phong kiến, không chỉ ở nước ta mà ở nhiều nước trên thế giới đều có hiện tượng này. Câu thành ngữ này chỉ rõ cha làm vua, làm quan sẽ truyền ngôi, truyền chức vị lại cho con. Còn có câu: “Con nối cha truyền Phụ truyền tử kế”.
Chuyện kể:
Đã thành truyền thống, nên khi vua Gia Long mất, Hoàng tử Đảm nối ngôi. Hoàng tử Đảm đăng quang, đặt niên hiệu là Minh Mạng (1820). Để phân biệt dòng chính, dòng thứ, giữ kỷ cương trong hoàng tộc và đảm bảo trật tự trong hoàng gia, Minh Mạng đã làm một bài “Đế hệ thi” và bài “Phiên hệ thi”.
“Đế hệ thi” gồm những chữ đầu đề sẽ đặt tên con, cháu, chắt... thuộc dòng chính theo trực hệ của Minh Mạng:
Miên, Hồng, Ưng, Bửu, Vĩnh
Bảo, Quý, Định, Long, Trường
Hiền, Năng, Kham, Kế, Thuật
Thế, Thoại, Quốc, Gia, Xương.
Như thế, các con trai của Minh Mạng đều có tên bắt đầu bằng chữ Miên: Miên Thẩm, Miên Trinh...
Các cháu nội của Minh Mạng đều bắt đầu bằng chữ Hồng: Hồng Bảo, Hồng Nhậm...
Các chắt trai bắt đầu bằng chữ Ưng: Ưng Lịch, Ưng Đặng...
Cứ thế mà tiếp tục cho đến chữ hai mươi.
“Phiên hệ thi” thì dành tặng cho những anh em ruột của mình (cùng con vua Gia Long). Chẳng hạn bài “Phiên hệ thi” mà vua Minh Mạng làm tặng cho Đinh Viễn quận vương (con thứ sáu của vua Gia Long):
Tịnh, Hoài, Chiêm, Viễn, Ái
Cảnh, Ngưỡng, Mẫu, Thanh, Kha
Nghiễm, Khác, Do, Trung, Đạt
Liêu, Trung, Tập, Cát, Đa.
Từng thế hệ con cháu của Đinh Viễn quân vương cũng theo đó mà đặt tên cho mình.
Vua Minh Mạng làm mười bài “Phiên hệ thi” để tặng mười gia đình anh em ruột của mình. Đây là ước vọng khao khát ngai vàng được bảo đảm “truyền tử lưu tôn” của gia tộc nhà vua ít nhất hai mươi đời. (1)
Cha truyền con nối là luật lệ thời phong kiến. Truyện trên chỉ là đại diện một triều đại phong kiến Việt Nam. Thực tình lệ này có cả ở các nước phương Tây, Trung Quốc và hiện nay nước Nhật vẫn duy trì. Câu ca dao:
Con vua thì lại làm vua
Con sãi ở chùa lại quét lá đa
chính là phê phán tục lệ cha truyền con nối.
Bây giờ dân chủ, dân cử, ai có tài có đức thì được tín nhiệm, được tôn vinh lên lãnh đạo đất nước. Tuy nhiên, quan niệm “một người làm quan, cả họ được nhờ” vẫn ăn sâu vào đầu óc nhiều người. Chính vì thế mới sinh ra tư tưởng cục bộ mất đoàn kết.
Về khía cạnh nào đó, thành ngữ này còn mang một nghĩa mới, nghĩa tích cực. Đó là những truyền thống tốt đẹp của gia đình, xã hội luôn được nhiều thế hệ lưu truyền, gìn giữ.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông Tấn
(1): Dựa theo “Chuyện kể các đời vua nhà Nguyễn”, Nguyễn Viết Kế - NXB Đà Nẵng, 2004.
Cháy nhà mới ra mặt chuột
Sự kiện cháy nhà làm cho chuột lộ mặt là một hiện thực làm cho người dễ nhận biết. Cũng từ hiện thực này mà suy ra theo hàm ý của thành ngữ là: Nhân khi có biến cố mới phát hiện ra tung tích của kẻ xấu, kẻ phá hoại, bộc lộ bộ mặt thật của kẻ giả nhân giả nghĩa.
Ngày xưa, khi tạo hóa mới sinh ra loài vật, mèo và chuột thân nhau lắm. Mèo và chuột cùng ở một nhà. Vốn hiền lành lại to xác hơn chuột nên mèo thường nằm co ro ở góc tủ, người cho gì ăn nấy. Còn chuột, vốn tính ranh mãnh, lại nhỏ bằng củ hành, nên cứ chui rúc vào các ngách, luồn lủi vào các đồ đạc lộn xộn. Khi chủ nhà đi vắng, chuột tha hồ quậy phá. Thức ăn dự trữ của người, nó ngang nhiên ngồi giữa đĩa mà ăn. Chán chê, nó còn tha cả vào hang để cho họ nhà chuột thưởng thức. Họ nhà chuột dài răng nhanh nên cứ ngứa răng là chúng gặm nhấm bất cứ thứ gì để cho cùn răng đi. Một hôm, người thấy quần áo bị cắn nát vụn, rờ đến cái tủ thì bị đục khoét thành lỗ. Nhìn quanh, người chẳng thấy gì ngoài con mèo đang vờn cái chổi. Giận quá, người mới xách tai mèo lên quở rằng:
- Chỉ có mày ở nhà. Cá kho, cơm nguội mày xơi hết. Áo quần thì nát tươm. Còn ai vào đây nữa.
Nói đoạn, người liền đánh cho mèo một trận đòn thừa sống thiếu chết.
Mèo tức quá, một hôm thấy lũ chuột ra chơi bèn quát mắng rằng:
- Đồ ăn hại làm càn. Vì bọn ngươi mà ta bị đòn suýt chết.
Chuột nhơn nhơn nói:
- Bác mèo ơi, chỉ vì thân bác to hơn chúng tôi nên không chui luồn được. Người đâu có nhìn thấy lũ chuột nhắt này bao giờ. Mà có thấy thì chúng tôi cũng nhanh chân tẩu thoát, sao mà người bắt được. Bác chịu đòn là phải.
Mèo càng giận vì mỗi lần chuột cắn phá là người lại đem mèo ra đánh. Mèo kêu oan xin người trừng trị lũ chuột nhưng người không tin, còn nói:
- Mày chỉ đổ vấy đổ vá, nào thấy chuột bọ gì đâu.
Thế là lại một trận đòn nữa giáng xuống đầu mèo.
Một hôm, chẳng may người sơ xuất thế nào để bén lửa lên mái gianh. Nhà cháy rừng rực, cháy hết cả đồ đạc. Lũ chuột chui trong hang, trong nghách nóng quá không còn chỗ ẩn nấp liền thục mạng chạy túa ra cả sân. Lúc này, người thấy chuột ra nhiều quá mới cho là mèo nói đúng. Mèo giận chuột bèn nhảy ra vồ lấy một vài con để thanh minh với người. Khi vồ được chuột, mèo ngửi thấy mùi thịt chuột thơm thơm, đang lúc đói bụng, bèn chén luôn một con. Thấy ngon, mèo vồ luôn mấy con chuột khác nữa. Từ đấy về sau, mèo cứ rình chuột để ăn thịt, vừa là để hả cơn giận vừa là được món ăn ngon.
Còn lũ chuột từ đấy thì sợ nhất cháy nhà rồi sợ cả mèo. Còn mèo thì cũng chẳng cần phải đợi cháy nhà nữa mà nó rình chuột ở khắp mọi nơi. Cho đến ngày nay, lũ chuột vẫn bảo nhau:
- Sợ nhất cháy nhà. Nhà mà cháy thì có mà phơi mặt ra chết, mèo nó tha hồ mà xơi.
Đời nay nhiều kẻ vẫn ném đá giấu tay, giả nhân giả nghĩa, giấu kín tung tích để hại người khác. Những kẻ như vậy rồi cũng có ngày bị lôi ra ánh sáng, bản chất xấu xa sẽ bị phơi bày. Quy luật “cháy nhà ra mặt chuột” là thế.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông Tấn
Chạy như cờ lông công
Cờ là biểu tượng cho một quốc gia, một dân tộc, một tổ chức, một ngành nghề thậm chí còn là tín hiệu cho một mệnh lệnh. Cờ thường được làm bằng vải, nhưng cũng có khi bằng lông chim, lông thú, đôi khi còn được làm bằng cành cây giống như cờ bằng bông lau của Đinh Bộ Lĩnh ngày trước.
Cờ lông công trong thành ngữ “chạy như cờ lông công” là cờ làm bằng lông con công. Đây là loại cờ hiệu của những người lính trạm xưa kia, thường dùng khi chạy công văn hoả tốc.
Ngày nay, ngoài việc truyền đạt các mệnh lệnh, công văn bằng các vô tuyến, hữu tuyến, người đưa tin còn được sử dụng các phương tiện giao thông khác như máy bay, ô tô, xe lửa...
Nhưng ngày xưa, công việc này chỉ được thực hiện nhờ sức người và sức ngựa. Vì vậy, nhà nước phong kiến mới đặt ra các trạm và tuyển mộ các loại lính trạm, phu trạm. Từ trạm nọ đến trạm kia là một cung đường. Thông thường, người lính trạm khi chạy công văn hoả tốc phải vượt hai đến ba cung đường trong một ngày. Người đời nhìn thấy cờ hiệu lông công của những người lính trạm ở khắp các nẻo đường của Tổ quốc. Bao giờ họ cũng vội vàng, tất tưởi, người chạy đi, kẻ chạy lại, cả người cả ngựa đều đẫm mồ hôi. Công văn vừa chuyển đi, lại có công văn đến. Sự đan chéo, liên tục của các công văn, mệnh lệnh tạo nên sự đan chéo, dồn dập của những cờ hiệu lông công. Vì vậy, “chạy như cờ lông công” trước hết được hiểu là “chạy rối rít, chạy loạn xạ”; “Liên lạc vẫn chạy như cờ lông công mang lệnh dồn dập của tiểu đoàn” (Trần Đăng “Truyện và ký sự”).
Nhưng có lẽ cũng từ một thực tế là những người mang cờ hiệu lông công mặc dù chạy ngược chạy xuôi rối rít nhưng chẳng phải là để vận chuyển hàng hoá nặng nhọc gì, với con mắt người đời đấy là một việc làm không cần thiết. Còn tính khẩn cấp của công văn lại cũng chẳng liên quan gì đến họ.
Có thể vì lẽ đó mà thành ngữ “chạy như cờ lông công” còn có một sắc thái nghĩa nữa là “chạy rông, chạy rối rít, chạy không đạt kết quả gì”.
“Thưa ông bà... từ sáng đến giờ tôi chạy cứ như cờ lông công đấy thôi ạ!” (Lộng Chương. “Quẫn”).
Chắp cánh liền cành
Con chim bị lìa cánh được chắp lại, cây cành bị gãy lại liền. Ý nói: Đôi trai gái gắn bó với nhau, tình nghĩa vợ chồng khăng khít. Còn có câu: “Chim liền cánh, cây liền cành” gần nghĩa với “gương vỡ lại lành”.
Chuyện kể:
Hà Thị là người nhan sắc nết na, Hàn Bằng là chồng rất yêu nàng. Hai người sống với nhau hạnh phúc. Tống Khang Vương thấy Hà Thị đẹp mê hồn liền bắt về làm vợ rồi bỏ tù Hàn Bằng. Uất ức, Hàn Bằng tự sát còn Hà Thị lao từ lầu cao xuống tự tử.
Khang Vương chôn hai xác gần nhau. Qua một đêm, từ hai ngôi mộ có hai cây tử quy mọc lên, rễ chạm nhau ở dưới, cành chạm nhau ở trên. Thấy cây xòa cành sang nhau, Tống Khang Vương cho chặt cành đi, nhưng càng chặt thì cành càng vươn ra, quấn vào nhau.
Cũng từ hôm đó có đôi chim uyên ương đến đậu trên cành tử quy, tiếng hót thảm thiết. Tống Khang cho rình bắt chim. Thấy chim đẹp, liền cho chặt đôi cánh để chim không bay rồi cho đậu lên cành cây làm cảnh. Nhưng cánh chim chả mấy chốc lại mọc lông rồi đôi uyên ương vỗ cánh, bay lên cao hót tiếng hót thống thiết: “Liền cánh - liền cành”. Hai cây tử quy sau này cứ sát liền bên nhau mà lớn lên, che rợp cả một khoảng trời, không ai còn dám chặt cành của nó nữa. Còn đôi chim uyên ương trở thành hai đám mây trắng bay khắp bầu trời (1)
Dù có bị người khác chia lìa tình cảm, nhưng tình vợ chồng thủy chung vẫn chiến thắng. Cái quan trọng vẫn là không bị cám dỗ, mua chuộc và không chịu khuất phục bởi hoàn cảnh đen tối.
Thiếp xin về kiếp sau này
Như chim liền cánh như cây liền cành.
“Chắp cánh liền cành” còn là mơ ước được gần gũi, chia sẻ, là biểu hiện của sự trọn vẹn, toại nguyện tình cảm trong cuộc sống.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông Tấn
(1): Theo “Điển hay, tích lạ”, Nguyễn Tử Quang, NXB Trẻ, 2001.
Chén tạc chén thù
Trong cuộc rượu đãi khách, trước tiên chủ nhà thường rót chén mời khách uống. Chén rượu từ tay người chủ rót để mời khách ấy gọi là chén thù. Uống xong, khách lại tự tay rót chén rượu nâng lên mời chủ để đáp lại tấm lòng thân tình, nồng thắm của người chủ dành cho mình. Chén rượu do khách rót nâng lên mời chủ ấy là chén tạc. Dân gian đã chớp lấy một chi tiết nhỏ trong cuộc tạc thù giao tiếp nhau để biểu trưng cho toàn cuộc vui với không khí thân mật, cởi mở giữa chủ và khách, giữa những người dự tiệc với nhau.
“Vợ chồng chén tạc chén thù
Bắt nàng đứng chực trì hồ hai nơi”
(“Truyện Kiều” - Nguyễn Du)
Ý nghĩa của thành ngữ chén tạc chén thù thường chỉ hạn hẹp ở sự hàm chỉ việc tiếp rượu trong cuộc ăn uống vui vẻ, thân mật. Tuy nhiên, đôi lúc người Việt cũng mở rộng giới hạn này ra. Theo đó, chén tạc chén thù được dùng để chỉ sự ăn uống nhậu nhẹt nói chung, nay người này mời, mai người kia tiếp đãi lại cho tương xứng. Và, rộng hơn thế nữa, thành ngữ chén tạc chén thù còn nói lên lối sống cánh hẩu, thích bè cánh, có đi có lại giữa những con người tham lam, vụ lợi.
Điều đáng chú ý là thành ngữ chén tạc chén thù vốn là kết quả của sự tương hợp hai danh ngữ (chén tạc + chén thù) nhưng trong hoạt động ngôn ngữ thì thành ngữ này lại thường hành chức với tư cách là vị ngữ.
Thành ngữ chén tạc chén thù có một số biến thể khác là chén thù chén tạc. Ý nghĩa và cách sử dụng hai dạng thức này hoàn toàn đồng nhất.
Trong tiếng Việt, gần nghĩa với thành ngữ chén tạc chén thù là các thành ngữ chén chú chén anh, chén bác chén chú.
Chết đuối vớ được cọc
Câu thành ngữ chỉ việc gặp may mắn, đang lúc nguy ngập lại có chỗ bám víu, thoát khỏi tình trạng tuyệt vọng.
Chuyện kể:
Xưa có tên nhà giàu, keo kiệt đến bẩn thỉu. Một hôm có người làng bên mời hắn sang ăn liên tục, lúc về biếu hắn một bị khoai ngon. Hắn khoác bị khoai xuống thuyền sang sông xem chừng hí hửng lắm.
Người lái đò mới hỏi:
- Bác khoác bị gì mà nặng thế? Bác cứ để xuống sạp thuyền cho đỡ mỏi.
Tên nhà giàu ích kỉ, sợ lúc lên bờ quên bị khoai nên chống chế:
- Thôi cảm ơn bác, tôi đã khoác nó vào cổ rồi, tháo ra buộc vào ngại lắm.
Thuyền đến gần bờ bỗng chòng chành do có sóng lớn ập đến. Người lái đò quen với sông nước nên chẳng có cơ sự gì, nhưng còn tên nhà giàu kia bị lộn cổ xuống sông, chới với một lúc. Rất may ở gần đấy có một cái cọc tre của người cắm đăng, hắn mới quờ quạng bám vào được. Người lái đò biết cái cọc cắm ở đấy lâu ngày đã mục, lại thêm cái bị khoai nặng, nên kêu to:
- Bác thả cái bị ra.
Tên nhà giàu lúc ấy mới hoảng hồn, tháo cái bị đeo ở cổ ra. Cái bị khoai chìm xuống, tên nhà giàu nhìn theo tiếc rẻ.
Người lái đò vội bơi thuyền đến vớt tên nhà giàu lên, đoạn mới nói:
- Số ông còn may đấy! Chết đuối vớ được cọc.
Lúc đã hoàn hồn, tên nhà giàu mới mở miệng nói:
- Nhưng bị khoai của tôi…Tiếc thật!
Giữa lúc nguy ngập, khó khăn tưởng như không còn lối thoát mà có “cứu tinh”, nhờ đó mà thoát hiểm, đó là gặp may mắn, giống như “chết đuối vớ được cọc” vậy.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh, NXB Thông tấn
Chết đứng như Từ Hải
Hình tượng Từ Hải trong truyện Kiều của Nguyễn Du đã để lại cho nhân dân ta những ấn tượng sâu sắc. Đây là một bậc trượng phu khác người. Cái diện mạo “râu hùm, hàm én, mày ngài, vai năm tấc rộng thân mười thước cao” đã thể hiện một con người có sức mạnh vô song. Hơn thế nữa Từ là kẻ ngang tàng, “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Không chịu luồn cúi triều đình phong kiến, Từ đã dấy binh khởi nghĩa. Với tài thao lược “gươm đàn nửa gánh non sông một chèo” chàng đã lập nên một vương quốc, một triều đình riêng. Trong con mắt của triều đình phong kiến chính thống, Từ là kẻ phiến loạn, là giặc mang tội bất trung. Tội ấy đáng chém đầu. Nhưng với một vương triều mạnh, với một con nguời tài giỏi như Từ, đánh đổ đâu dễ dàng. Chúng nghĩ ngay kế mua chuộc và dụ hàng. Nhà vua cử tên tổng đốc trọng thần “mặt sắt đen sì” Hồ Tôn Hiến làm nhiệm vụ này. Hồ Tôn Hiến nghĩ ngay ra diệu kế. Bấy giờ, nàng Kiều sau bao năm lưu lạc đã thành vợ của Từ Hải. Hồ Tôn Hiến dùng vàng bạc mua chuộc Kiều mong nàng tìm cách thuyết phục Từ Hải quy hàng triều đình. Cả tin lại chán ghét cảnh bèo dạt mây trôi, Kiều đành nhận lời. Bởi nghe lời Kiều, Từ Hải đã quy hàng. Những tưởng triều đình sẽ ban thưởng chức tước như đã hứa, nhưng tráo trở thay nhân cơ hội này, Hồ Tôn Hiến đã giết Từ Hải. Người anh hùng đã chết, chết trong sự oan ức. Từ chết đứng “trơ như đá, vững như đồng, ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng dời”.
Từ hình ảnh chết đứng của Từ Hải như vậy, trong tiếng Việt xuất hiện thành ngữ “chết đứng như Từ Hải”. Thành ngữ này còn một biến thể khác là “như Từ Hải chết đứng”. Về ý nghĩa, thành ngữ “chết đứng như Từ Hải” biểu thị trạng thái đứng đờ ra của con người khi bị tác động đột ngột, không ứng xử kịp nhất là trước những niềm vui nỗi buồn, sự đau khổ bất ngờ.
Chuồn chuồn đạp nước
Câu thành ngữ ý nói về việc làm ăn lớt phớt, chiếu lệ qua loa cho xong chuyện, không sâu sắc, kỹ càng.
Chuyện kể:
Có cô chuồn chuồn nước sinh ra trên mặt nước, sống ở đó hai năm rồi mà vẫn chẳng hơn gì loài bọ gậy gọng vó. Chuồn chuồn buồn lắm. Đến năm thứ ba, đôi cánh mỏng trong suốt của nó mới bắt đầu mọc ra. Chuồn chuồn lấy làm sung sướng lắm, mới nói với con gọng vó:
- Ta có đuôi dài, lại có đôi cánh đẹp. Ta chẳng thèm sống ở dưới ao tù này nữa. Ngày mai ta tạm biệt gọng vó, ta dành cả cho anh cái ao.
Gọng vó nói:
- Chị sống ở ao lâu ngày, chớ có quên nơi mình sinh ra. Mai chị bay đi, chắc cuộc đời làm chuồn chuồn của chị cũng chỉ vài ba tháng nữa. Đời ngắn ngủi, vậy chị cố mà về thăm chúng tôi.
Vào một buổi sáng đẹp trời, cô chuồn chuồn từ dưới ao bắt đầu cất cánh bay lên. Nó cứ bay lượn mãi trên cao, rồi sà vào vườn cây. Đôi cánh mỏng và nhẹ của nó lướt đi, đem theo thân hình nó với hai con mắt to và cái đuôi dài cũng nhẹ làm sao. Nó cứ bay, bay mãi, du lịch khắp đó đây. Nó vừa bay, vừa ăn thịt con mồi, hễ thấy con muỗi, con ruồi nào lảng vảng là nó há cái hàm ra mà đớp lấy.
Rồi cô chuồn chuồn cũng đến kỳ sinh nở. Trong cuộc hành trình vô định đó, chỉ có đến lúc này nó mới nhớ đến xứ sở của mình, nơi nó đã sinh ra. Nghĩ vậy, nó bèn chao mình xuống mặt nước, trong chốc lát lẹo cái đuôi xuống, đẻ ra bao nhiêu là trứng.
Có một con bọ nước thấy chuồn chuồn cứ chớp nhoáng như vậy, mới bảo:
- Chị đúng là người chẳng có tổ có tông. Đập nước như vậy thì có tích sự gì. Bằng không chị xuống đây, ao rộng, chị tha hồ mà tắm có thoải mái hơn không?
Chuồn chuồn mới nói:
- Tôi nhớ nước nhưng sà xuống đấy thì ướt hết cánh, làm sao bay được. Mặt nước vốn là nơi tôi sinh ra, bây giờ đến kỳ, tôi đẻ nhờ trên mặt nước vài quả trứng. chị trông giùm tôi với.
Nói rồi, nó lại chao xuống, chớp nhoáng, nhúng phần đít xuống mặt nước đẻ đến khi hết trứng.
Chuồn chuồn là loài sâu bọ cánh mỏng. Vòng đời không dài, chia làm hai giai đoạn, nhộng ở dưới nước ba năm, giai đoạn hóa chuồn chuồn hai đến ba tháng. Khi đẻ, nó lại đẻ xuống nước. Từ đặc tính của chuồn chuồn mà người ta vận vào đời sống. Ý nói rằng: Chẳng thiếu gì người được giao nhiệm vụ nhưng làm ăn cẩu thả tắc trách. Cái sự làm ăn được chăng hay chớ đó có khác gì con chuồn chuồn đạp nước mà dân gian đã chớp lấy gắn cho con người.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn
Chuột sa chĩnh gạo
Câu thành ngữ ý nói may mắn gặp được nơi sung sướng, đầy đủ một cách tình cờ, ngẫu nhiên, ví như chuột lọt được vào chĩnh đựng gạo, tha hồ mà ăn không phải khổ công tìm kiếm hàng ngày.
Chuyện kể:
Đời xưa, chuột vốn là giống linh thiêng ở trời, trời giao cho chìa khóa giữ kho lúa. Lợi dụng quyền hành, chuột thường đến kho, mở khóa rả rích ăn bao nhiêu là thóc, trấu còn lại vương khắp kho.
Trời biết, lấy làm giận, bèn đuổi chuột xuống hạ giới. Nó khấn trời từ nay không dám ăn thóc nữa. Trời cứ tưởng nó ngứa răng, hạt thóc lại có trấu, nó mới cắn, còn cái khác thì nó không ăn, nên thương tình cho nó giữ chĩnh gạo của trần gian. Khi được giao việc, chuột sướng quá, vắt chân chữ ngũ giữa chĩnh gạo mà rung đùi. Cái thói ăn tham một mình không đành, nó còn rủ cả đàn, cả lũ đến ăn vô kể. Vì gạo không có trấu, nên chúng ăn không để lại dấu tích, lúc đầu người không phát hiện ra, chỉ khi cạn kiệt dần mới biết. Người tức giận tâu lên vua Bếp. Vua Bếp bắt chuột lên trả trời và tâu rằng:
- Từ khi Ngọc Hoàng cử thằng chuột đến canh chĩnh gạo cho người, dân ngày càng đói kém đi, bếp nổi lửa ít. Tại thằng chuột này cả. Nó ăn vụng gạo dữ lắm, cứ đà này thì dân chết đói hết.
Chuột cãi:
- Trước đây bảo tôi ăn vụng thóc, tôi chịu vì có trấu làm dấu tích. Giờ bảo tôi ăn vụng gạo, lấy bằng chứng đâu?
Vua Bếp và trời không có bằng chứng bỏ tù nên đành thả nó về trần gian, nhưng cho con mèo xuống để canh gác. Từ bấy, nó cũng không được giữ chìa khóa chĩnh gạo nữa và lại sợ mèo, nên nó không được ăn gạo thỏa thuê như trước đây mà chỉ rình khi vắng người, vắng mèo, ra ăn trộm vài ba hạt thóc lúa, ngô, khoai mà thôi.
Tuy vậy nó vẫn chờ dịp để lại được giao giữ chìa khóa chĩnh gạo của người.(1)
Chuột sa chĩnh gạo ở đây là nói người. Chuyện chuột sa chĩnh gạo đâu mà chẳng có. Nhưng điều may đến với một số người dốt nát, lười biếng do dựng nhau lên, do xếp đặt, cứ ngồi đó mà hưởng lộc, sống chết mặc bay, dân tình đói kém thì khác chi loài chuột bọ gặm nhấm.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn
(1): Dựa theo truyện “Chuột và mèo", “Truyện cổ nước Nam” - Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, NXB Văn học, 2003.
Chữ như gà bới
Thành ngữ này ý chê người viết chữ xấu, nguệch ngoạc, thiếu nét, chẳng có hàng lối.
Chuyện kể:
Một đêm cậu ấm học bài rả rích. Con bò nghe tiếng bảo con gà:
- Thằng này nó đi thì thì mày chết trước. Nó thi đỗ thì tao chết sau. Mày biết sao không?
Gà ra chừng không hiểu, bò liền giải thích:
- Khi nó đi thi thì chắc ông chủ sẽ giết mày làm lễ cáo tổ. Còn như nó thi đỗ thì chắc tao sống sao được, nó khao cả làng.
Con gà bèn nói:
- Mày ngủ mày biết đâu đấy. Chớ tao thức, tao biết cả. Này nhé. Nó học cũng chỉ như mày, mà nó viết cũng chỉ như tao, chắc nó không dám vác lều chõng đi thi đâu mà sợ.
Bò hỏi:
- Học như tao, viết như mày là thế nào?
Gà đáp:
- Học dốt như mày thì ai chả biết. Còn viết như tao, thì mày cứ xem tao bới như thế nào thì nó viết như thế! (1)
Xưa và nay người ta đều có luận điểm: nét chữ nết người. Quả là chữ đẹp dễ đọc, dễ mến, đánh giá được phần nào tính chăm chỉ, cẩn thận, siêng năng. Vậy nên giáo dục nước nhà mới có phong trào “vở sạch chữ đẹp”. Tuy nhiên giới trẻ ngày nay lại chuyên chú tâm đến công nghệ chứ ít chú tâm đến luyện chữ rèn người. Vậy nên học sinh rèn viết chữ đẹp là việc cần làm.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh, NXB Thông tấn
(1) Theo “Truyện cổ nước Nam” của Ôn Như Nguyễn Văn Học, NXB Văn học, 2003
Có công mài sắt, có ngày nên kim
Đến như sắt mài mãi cũng thành kim, thì bất cứ việc gì cũng có thể làm được, miễn là chúng ta biết chịu khó khổ luyện, biết kiên trì nhẫn nại, không quản gian lao vất vả. Lời giáo huấn biểu hiện qua câu tục ngữ Có công mài sắt có ngày nên kim, một mặt được nhận thức qua ngôn từ của nó mà mấu chốt là sự đối lập giữa hai hình ảnh sắt và kim, mặt khác, thông qua sự liên hệ tới giai thoại về cuộc đời của nhà thơ nổi tiếng đời Đường ở Trung Quốc – nhà thơ Lý Bạch.
Tương truyền, thuở niên thiếu, Lý Bạch là cậu bé không chịu khó học hành, ham chơi như bao đứa trẻ bình thường khác. Một hôm, cậu bé chán học, lẻn sang chơi ở chân núi phía Đông. Kỳ lạ quá! Trước mắt cậu bé là một bà lão đang cắm cúi mài một thanh sắt bên một tảng đá lớn. “Bà già tóc bạc đến dường kia mà lại chăm chắm mài một thanh sắt để làm gì nhỉ?” Cậu bé hết sức phân vân, bèn rón rén đến bên cạnh cụ già rồi cất tiếng hỏi:
- Cụ ơi, cụ mài sắt để làm gì vậy?
Bà lão ngoảnh mặt lên, hiền từ trả lời:
- Để làm kim khâu cháu ạ.
- Làm kim khâu ư? Thanh sắt thì làm thế nào mà trở thành cái kim khâu được? Cậu bé chất vấn bà lão.
- Mài mãi cũng phải được. Kẻ có công mài sắt thì có ngày nên kim chứ - Bà lão trả lời một cách tin tưởng như vậy.
Lý Bạch nửa tin nửa ngờ hỏi lại:
- Liệu hôm nay có xong được không hả cụ?
Bà lão thong thả trả lời hoà nhịp với động tác mài kim:
- Hôm nay không xong thì mai lại làm tiếp vậy, năm nay không xong thì sang năm tiếp tục làm, ngày lại ngày, già nhất định mài xong.
Nghe đến đây, Lý Bạch chợt hiểu ra và im lặng. Về nhà Lý Bạch thường ngẫm nghĩ về những lời của bà lão mà càng chuyên tâm học tập. Chẳng bao lâu, Lý Bạch trở thành nhà thơ lỗi lạc với những áng thơ Đường tuyệt mĩ, có một không hai trong nền văn học Trung Quốc. Từ đó, trong dân gian lưu truyền câu tục ngữ “Chỉ yếu công phu thâm/ Thiết chữ ma thành châm”, nghĩa là có công mài sắt, có ngày nên kim. Thoạt đầu, nó như một nhận xét về cuộc đời, văn nghiệp của Lý Bạch: từ chỗ lười học, nhờ sự tỉnh ngộ qua cuộc gặp gỡ với cụ già mà siêng năng, kiên trì học tập và cuối cùng trở thành tài. Nhưng dần dần câu tục ngữ có công mài sắt, có ngày nên kim được lưu truyền rộng rãi, vượt qua phạm vi của một cuộc đời, một sự nghiệp, trở thành một lời dạy, lời giáo huấn mọi người về ý chí bền bỉ trong công việc nói riêng, trong cuộc đời nói chung.
Có nếp có tẻ
Tuy có sự phân biệt về giá trị nhưng trên quan điểm thực tiễn của nhân dân, sự đánh giá lại không chỉ có một chiều đơn giản như vậy. Gạo tẻ là gạo ăn thường ngày, là nhu cầu thường xuyên không thể thiếu. Gạo là tẻ đấy, là cái thường ngày đấy, nhưng ai dám nghĩ là tầm thường. "Cơm tẻ mẹ ruột". Cơm tẻ bữa nào cũng ăn nhưng chưa ai chán, không biết chán, trong khi đó người ta có thể chán ngay đối với cơm nếp.
Cho nên dù cứ cho rằng trong thực tế nếp là hơn tẻ đi thì trong thành ngữ có nếp có tẻ điều đó cũng không được nói tới. Ở đây chỉ nhấn mạnh sự cần thiết của cả hai, không nên thiếu một bên nào. Một căn cứ rất có ý nghĩa để hiểu như vậy là trật tự của các yếu tố trong thành ngữ. Không ai nói "có tẻ có nếp", mà chỉ nói "có nếp có tẻ". Trật tự đó rất tế nhị, vì nó nói lên rằng: dù là có nếp rồi, nghĩa là có được thứ quý hơn rồi - so với tẻ - thì chưa được coi là đủ, vẫn cần sự có mặt của tẻ.
Ở thành ngữ này, các từ nếp, tẻ chỉ tác dụng biểu thị quan hệ khác biệt và cùng hiện diện, chứ không biểu thị quan hệ so sánh. Cũng tức là tuy có dùng nếp - tẻ thật đấy, nhưng không phải để phân biệt đối xử "nhất bên trọng nhất bên khinh". Muốn được như vậy, thành ngữ đã khéo sử dụng một trật tự có dụng ý.
Chân nam đá chân chiêu
Bấy lâu nay có lẽ nhờ vào nghĩa của từ “đá” đứng giữa hai vế mà người ta đều hiểu đúng nghĩa đen của thành ngữ này là “chân nọ đá vào chân kia”, và lại cũng có lẽ do hiểu từ “xiêu” trong kết hợp “chân xiêu” một cách đơn thuần là “xiêu xẹo” nên ngẫu nhiên nguời ta cũng hiểu được nghĩa bóng của thành ngữ này là “đi đứng không vững vàng”. Nhưng tại sao “chân nam” lại là chân này và “chân xiêu” lại là chân kia?
Thực ra, “nam” là do “đăm”, còn “xiêu” là do “chiêu” đọc chệch mà thành. “Đăm” và “chiêu” là hai từ cổ thuần Việt có nghĩa “bên phải” và “bên trái”. Từ điển “Đại nam quốc âm từ vị” của Huỳnh Tịnh Của (1895) còn ghi: “đăm” là tay mặt, tay hữu; “chiêu” là “tay tả”. “Đăm” và “chiêu” còn thấy ở nhiều câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ như: “Tay chiêu đập niêu không vỡ”
Hoặc:
“Gà kia mày gáy chiêu đăm
Để chúa tao nằm, tao nghỉ chút nha”.
“Đăm”, “chiêu” trong “gà gáy chiêu đăm” hoặc suy nghĩ “đăm chiêu” đã thoát ra khỏi nghĩa đen là “phải trái” để mang nghĩa bóng là “lo nghĩ vất vả, lo nghĩ trước sau”. (Từ điển của Hội Khai Trí Tiến Đức 1932).
Như vậy, thành ngữ “chân nam đá chân xiêu” đọc đúng phải là “chân đăm đá chân chiêu” tức chân phải đá chân trái để chỉ “trạng thái đi đứng không vững vàng”
Sau nữa, nếu không đau ốm hoặc say sưa mà lại cũng “chân nam đá chân xiêu” thì chỉ là những nguời “vội vàng tất tưởi”. Đây là nghĩa thứ hai của thành ngữ này: “Nhà Chỉn cũng nghèo thay! Nhờ được bà hay lam hay làm, thắt lưng bó que, xắn váy quai cồng, tất tả chân nam đá chân chiêu. Vì tớ đỡ đần trong mọi việc”. (Nguyễn Khuyến).
Chim sa cá lặn
Trang Chu, hay thường gọi là Trang Tử, người đời Chiến Quốc, học thức rất uyên bác, không môn gì không biết. Trong sách "Nam hoa kinh", ông chép rằng: Mao Tường và Lệ Cơ là hai người đàn bà đẹp, cá thấy - chìm vào chốn hang sâu, chim thấy - bay cao (ngư kiến chi nhập thâm, điểu kiến chi cao phi). Ý Trang Chu muốn nói rằng mọi sự trên đời đều là tương đối. Mao Tường, Lệ Cơ tuy đẹp, song chỉ đẹp đối với người, chứ biết đâu trông thấy họ cá chẳng sợ mà lặn sâu, chim chẳng sợ mà bay cao?
Người sau hiểu khác hẳn nguyên ý ấy của Trang Chu. Sách "Thông tục biên" dùng thành ngữ "trầm ngư lạc nhạn" tức "chim rơi cá chìm" để chỉ nhan sắc người đàn bà cực đẹp.
Các nhà văn cổ điển của nước ta thường viết theo ý câu ấy:
"Mặn mà chìm cá rơi chim"
(Hoa Tiên)
Hay:
"Chìm đáy nước cá lờ đờ lặn
Lửng da trời nhạn ngẩn ngơ sa"
(Cung oán)
Cũng cần thấy rằng thành ngữ này mang tính văn chương nhiều hơn là tính khẩu ngữ. Nó đặc biệt được sử dụng nhiều trong văn học cổ.
Chó mái chim mồi
Cách diễn tả thành ngữ như trên là thoả đáng. Tuy nhiên, xét về mặt chữ nghĩa đôi điều còn khiến chúng ta phải băn khoăn. Trong dạng thức chó mái chim mồi thì “chim mồi” đã rõ nghĩa và dễ hiểu. Đó là loại chim người ta nuôi làm “mồi” để dử bắt đồng loại. Nhưng chó mái là gì, quả thật là khó hiểu. Xem ra, trong tiếng Việt chỉ có từ mái dùng để chỉ giống cái, nhưng tiếc thay từ này không được dùng để chỉ cái giống đối với loài chó, mà chỉ dùng cho gà, vịt, ngan, ngỗng tức là cho loài chim nói chung mà thôi. Có lẽ do thấy dạng thức chó mái chim mồi có lí do không ổn như đã thấy mà nhiều người chuyển sang sử dụng dạng thức chó má chim mồi.
Dạng thức chó má chim mồi chẳng những không khắc phục được cái sai lệch của dạng chó mái chim mồi mà còn sa vào một bất hợp lí khác. Chúng ta dễ dàng nhận thấy, trong khi chim mồi là một tổ hợp từ chuyên biệt về nghĩa thì chó má lại là một từ có nghĩa tổng hợp, chỉ loài chó nói chung. Đây là lí do cơ bản làm cho chó má không tương hợp được với chim mồi. Và do đó dạng thức chó má chim mồi không chỉnh trong sự đối ứng theo từng cặp giữa các thành tố tạo nên thành ngữ.
Bên cạnh các dạng thức vừa nêu trong tiếng Việt còn có dạng chó máy chim mồi cũng được dùng nghĩa tương tự.
Thoạt tiên, nghe đến chó máy cũng hơi lạ và khó hiểu. Nhưng thực ra, máy trong chó máy lại là một động từ thường dùng để chỉ hành động ra hiệu cho kẻ khác biết điều gì đó như trong máy nhau đi về, máy cho người khác biết để tránh xa. Do đó, chó máy là loại chó chuyên đi đánh hơi, ra hiệu cho chủ biết điều cần phát hiện, tìm kiếm. Với nghĩa này, chó máy là cách nói khác của chó săn mà thôi, và hoàn toàn tương hợp với chim mồi về từ loại cũng như ý nghĩa. Như vậy, phải chăng chó máy chim mồi là dạng đúng, dạng chính xác. Tuy nhiên, do chỗ từ máy khó hiểu, hay gây nhầm lẫn mà người Việt có xu hướng ít dùng và thay vào đó, người ta hay dùng dạng chó săn chim mồi để chỉ lũ cam tâm làm tay sai cho kẻ thù.
Chờ được mạ, má đã sưng
Thành ngữ này có lẽ đã xuất hiện ở địa phương dùng từ mạ để chỉ mẹ, cho nên khi thành ngữ này được "truyền khẩu" sang các vùng khác thì đâm khó hiểu và do âm vạ gần với mạ nên câu thành ngữ được tách thành một dị bản sai: "Chờ được vạ, má đã sưng". Mà nói như thế về ý nghĩa cũng có vẻ xuôi xuôi vì vạ là từ cổ, có nghĩa phạt (bắt vạ, ngả vạ) hoặc tai họa (bị vạ), nhưng lâu nay người ta đã hiểu vạ khác đi với nghĩa "được cuộc", "được kiện". Do đó thành ngữ này từ lâu cũng được dùng trong những trường hợp có chuyện "được thua".
Nhưng thực ra, vạ với nghĩa cổ phạt và tai họa thì không phải là thứ mong được. Trong làng xóm xưa kia có lối phạt vạ những ai vi phạm lệ làng, trong đó có hình thức phạt là: cả làng kéo đến nhà người bị phạt để ngả vạ, nghĩa là bắt sự chủ làm cỗ cho mà ăn, nên được vạ là không chính xác. Người ta chỉ nói phạt vạ, bắt vạ, ngả vạ, gieo vạ, đổ vạ, nộp tiền vạ...
Có sách từ điển định nghĩa chờ được vạ là "chờ được xét xử bồi thường". Định nghĩa như thế thật khiên cưỡng, thiếu chính xác.
Chưa biết mèo nào cắn mỉu nào
Điều đáng chú ý ở thành ngữ này là từ mỉu. Mỉu là biến thể ngữ âm của từ miu. Trong đời sống hàng ngày cũng như trong sách vở, chúng ta chỉ gặp từ miu (hoặc miêu). Vậy trong thành ngữ trên, tại sao không phải là miu như chúng ta vẫn thường biết mà lại là mỉu?
Một trong những đặc điểm của thành ngữ là tính chất đối của các ý, các vế... Chẳng hạn như thành ngữ "lươn ngắn chê chạch dài", ý nghĩa “lươn ngắn” đối với ý nghĩa “chạch dài”; và đặc biệt là sự đối ứng chi tiết giữa các thanh: lươn (thanh bằng) đối với chạch (thanh trắc), ngắn (thanh trắc) đối với dài (thanh bằng).
Trở lại thành ngữ trên, hai vế mèo nào và mỉu nào đối với nhau (qua từ cắn). Thực chất ở cả hai vế đều là mèo cả. Vì vậy không có sự đối ứng về loài (như giữa lươn và chạch). Nhưng ở hai vế này có sự đối ứng của thanh: mèo (thanh bằng) đối với mỉu (thanh trắc). Chính vỏ ngữ âm của từ mỉu đã gợi cho vế thứ hai mang nét nghĩa nào đó khác với vế thứ nhất, mà nếu là từ miu thì không thể có được. Và như vậy, mèo và mỉu tuy là một song người ta vẫn cảm thấy ở chúng có cái gì đó khác nhau. Mặt khác, sự biến âm “miu” thành “mỉu” tạo cho thành ngữ bao hàm sắc thái hài hước nhẹ nhàng.
Con cà con kê
Vì từ “con” mà từ trước đến nay vẫn có hai cách hiểu khác nhau về thành ngữ đó.
Nhiều người cho rằng “con cà con kê” là một thành ngữ có sự kết hợp của hai từ cùng có ý nghĩa trong tiếng Việt và tiếng Hán, đó là “cà” (trong tiếng Việt cổ “cà” nghĩa là “gà”) và “kê” (tiếng Hán có nghĩa là “gà”). Song nếu vậy thì nghĩa đen của thành ngữ này hiểu một cách nôm na sẽ là: dài dòng, luẩn quẩn và trùng lặp, “hết con gà lại quay lại con gà”? Mà như thế thì nghĩa đen này không phù hợp với nghĩa biểu trưng của thành ngữ theo cách dùng phổ biến hiện nay.
Lại có người giải thích theo một cách khác, rằng: “cà” và “kê” trong thành ngữ nêu trên không phải là “gà” mà là “cây cà” và “cây kê”. Cà gieo thành đám. Trăm nghìn cây con mọc lên. Kê gieo thành đám như mạ. Cây cà, cây kê đến tuổi trồng, người ta nhổ lên, bó thành từng bó nhỏ rồi đưa đi trồng. Công việc trồng cà, trồng kê tỉ mẩn, vào những ngày mưa, với việc tỉa ra từng cây một, rề rà. Từ đó, nghĩa đen của thành ngữ này là: dài dòng hết cây cà lại sang cây kê, không dứt. Cách giải thích này xem ra có cơ sở hơn là vì quả thật nó phù hợp với nghĩa biểu trưng của thành ngữ “con cà con kê” như cách dùng phổ biến hiện nay của mọi người.
Cõng rắn cắn gà nhà
Thành ngữ cõng rắn cắn gà nhà được dùng trong tiếng Việt với ý nghĩa hàm chỉ hành động phản bội Tổ quốc, phản lại nhân dân, đem giặc về giết hại đồng bào, đồng chí, anh em bạn bè thân thích.
Ý nghĩa thành ngữ cõng rắn cắn gà nhà được hình thành nhờ tính biểu trưng của các từ ngữ tạo nên nó. Trong thành ngữ này, rắn biểu trưng cho kẻ xấu, độc ác hại người, và hiểu rộng ra là kẻ thù, là bọn giặc. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi trong ý thức của nhân dân ta, rắn bao giờ cũng được liên hệ với cái độc ác, nham hiểm. Rắn đổ nọc cho lươn, rắn đến nhà không đánh thành quái là thế. Còn gà là vật nuôi quen thuộc, là đối tượng cần được chăm sóc, bảo vệ chu đáo. Trong nhận thức dân gian, gà hay được biểu trưng cho tình anh em ruột thịt: “Khôn ngoan đối đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau” (Ca dao). Khi từ gà kết hợp với từ nhà, tạo thành tổ hợp gà nhà, thì ý nghĩa đó càng thể hiện rõ. Một khi những người anh em thân thiết mà lại làm hại lẫn nhau, thì người đời sẽ chê trách là ''gà nhà bới bếp nhà”. Cho nên khi nói, rắn cắn gà nhà, thì ý nghĩa nổi bật lên đầu tiên là kẻ ác làm hại những người thân thích của mình. Cái lí thú của thành ngữ này còn ở từ cõng với nghĩa khom lưng đưa rước kẻ khác. Và, trớ trêu thay, hành động cõng ở đây lại là cõng rắn, đưa rước kẻ độc ác, kẻ nguy hiểm về làm hại những đối tượng đáng lẽ mình phải có bổn phận chăm sóc, bảo vệ! Sự kết hợp ý nghĩa biểu trưng của các từ, các thành tố riêng lẻ đã đem lại cho thành ngữ cõng rắn cắn gà nhà ý nghĩa chung hàm chỉ hành động đem kẻ ác, kẻ nham hiểm đến làm hại người thân của mình, và hiểu rộng ra, đó là hành động phản bội đồng bào, đưa giặc vào giày xéo Tổ quốc thân yêu của mình. Cùng nghĩa với thành ngữ cõng rắn cắn gà nhà, trong tiếng Việt còn có thành ngữ rước voi về giày mả tổ. Về cơ bản, ý nghĩa hai thành ngữ này tương tự nhau. Tuy nhiên, thành ngữ rước voi về giày mả tổ có sắc thái biểu cảm mạnh hơn.
Cốc mò cò xơi
Câu thành ngữ nói đến việc làm uổng công, vô ích, làm cho người khác hưởng
Chuyện kể:
Con cò và con cốc chơi với nhau. Con cò thì lanh lợi, hay bắt nạt con cốc nhưng nó lại lười biếng, co chân ngủ suốt ngày. Con cốc thì hiền lành thật thà. Một hôm, con cò nói với con cốc:
- Cốc ơi, mày có cái mỏ dài, lại mò cá giỏi. Mày chịu khó ra ruộng bờ sông kia, mỗi buổi mò lấy vài con chúng ta cùng ăn.
Cốc hiền lành, nhưng phàn nàn nói lại:
- Chị cũng là giống cò chuyên bắt tôm cá, vậy tôi với chị cùng đi, càng được nhiều.
Con cò mới tán tỉnh rằng:
- Hai người cùng đi, ai trông nhà, lỡ có con rắn hay con quạ cắp mất trứng thì khốn.
Cốc thật thà đi mò, nhưng được con cá tép nào nó tiện mỏ xốc luôn vào ruột. Lúc về chỉ quắp được mỗi con cá nhỏ mang về cho cò. Nhiều lần như thế, cò liền nghĩ ra một mẹo bắt cốc mò được con cá nào cũng phải mang về hết cho mình, liền nịnh cốc:
- Cốc à, ta có cái vòng xinh xắn, chị sếu mới tặng cho, ta thấy cốc thật thà hiền lành, ta tặng lại cốc. Lại đây, ta đeo vào cổ cho nào.
Cốc thấy cái vòng cổ đẹp thì thích quá. Nó giục cò đeo vào cổ cho mình. Nhưng cái vòng nhỏ làm cho cò phải hết sức mới cho vòng lọt xuống cổ cốc được. Vòng đeo vào cổ rồi, cốc lấy làm mãn nguyện lắm, bèn nhanh nhảu ra ruộng bắt cá. Nhưng mỗi lần mò được con cá, nó định nuốt vào bụng thì lại cứ nghẽn ở cổ vì cái vòng ở ngoài thắt chẹn lại, nó đành quắp về cho cò. Cứ thế, cứ thế, mỗi lần nó thèm con cá nhưng không sao nuốt cho được lại thật thà đem dâng cò. Cò ăn cá no bụng mới nói:
- Mày không ăn được con to thì có con tép tôm nào nho nhỏ cố nuốt lấy mà sống.
Con vạc đứng trên cây cao chứng kiến cảnh ấy mới nghển cổ ca rằng:
- Cốc mò cò xơi. Cốc mò cò xơi! (1)
Cái phép ăn chặn của cò thật tài tình. Kẻ làm ra của cải chẳng được hưởng mà kẻ ngồi chơi bắt kẻ khác mang thức ăn cho mình. Thật là bất công. Thời nay, cái chuyện “cốc mò cò xơi” chẳng lấy gì là lạ. Những ông chủ cò khoác vào cổ kẻ làm công những cái ách có khác gì cái vòng đeo cổ cốc. Có thể từ chuyện trên mà có thành ngữ: “Cốc mò cò xơi”.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh, NXB Thông Tấn
(1) Theo “Truyện cổ nước Nam” của Ôn Như Nguyễn Văn Học, NXB Văn học, 2003
Công cha nghĩa mẹ
Quả thật là cha sinh mẹ dưỡng. Công cha mẹ sinh thành dưỡng dục to lớn như núi, mãi mãi mát trong dồi dào như nước trong nguồn chẳng bao giờ cạn. Con cái phải luôn ghi nhớ điều đó để phụng dưỡng đền ơn cha mẹ. Thế mới là người có hiếu, có nhân đức.
Công: Những việc làm.
Nghĩa: Tình cảm.
Thành ngữ đề cao công lao to lớn của cha, nghĩa tình cao cả của mẹ nuôi dạy con trưởng thành, khôn lớn.
Chuyện kể:
Ngày xưa, có hai vợ chồng nghèo khó nhưng có lòng thương con vô hạn. Ngày ngày người cha vào rừng lấy củi, săn bắn những con thú nhỏ, kiếm mật, còn người mẹ thì trồng trỉa cấy nương đặng nuôi con khôn lớn trưởng thành.
Bỗng một ngày kia, hai đứa con sinh đôi không may bị bệnh nặng. Có người mách bảo rằng chỉ có sữa mẹ mới chữa lành bệnh cho con, mà sữa ấy chỉ từ một loài lá cây trên núi cao kia mới có. Từ ngày hai đứa con sinh bệnh, người mẹ lo lắng nhiều, lại gặp cảnh túng quẫn nên người mẹ ngày một gầy yếu, bầu sữa cho con bú càng cạn kiệt dần. Người chồng thương con bàn với vợ quyết đi tìm lá để có sữa chữa bệnh cho con. Nhìn đỉnh núi cao vút, vợ thương chồng, nhưng đành nén lòng để cho chồng khoác tay nải ra đi. Ngày lại ngày đằng đẵng, người mẹ ở nhà lo lắng, chờ chồng biền biệt chưa về. Thương chồng, thương con, người mẹ vắt kiệt bầu sữa còn lại rồi gửi con cho xóm làng chăm giúp để lên đường tìm chồng. Người mẹ vượt qua bao dốc cao, vực thẳm, rừng rậm, một hôm đến một vùng đất cao bằng phẳng, ở đấy có một hòn đá to, người mẹ mệt quá ngồi tựa vào hòn đá rồi thiếp đi. Bỗng hòn đá rùng rùng rồi như có âm thanh trong núi phát ra: “Mình ơi, chúng ta đã đến nơi có cây thuốc sữa chữa bệnh cho con rồi”. Người vợ hoảng hốt, nhưng rồi nhận ra tiếng vọng đó là của chồng mình. Biết chồng gặp nạn đã hoá thành hòn đá bèn gục đầu vào hòn đá mà khóc. Vì khóc nhiều quá người vợ gục đầu chết cạnh hòn đá. Hòn đá thấm nước mắt của người vợ ngày càng to ra, sừng sững trước trời đất. Còn nước mắt của người vợ thì cứ tuôn chảy mãi hoá thành suối chảy suốt ngày đêm.
Lại nói hai người con, thần Núi, thần Suối động lòng thương xót. Thần Núi, thần Suối biết rõ cha mẹ hai đứa có công, có nghĩa đi tìm thuốc tiên mà chết bên nhau nên đã hoá phép cho hai người con khỏi bệnh.
Lớn lên, hai người con càng khoẻ mạnh. Ngày ngày đi vào rừng, hay xuống biển họ vẫn thấy sừng sững trước mặt mình đỉnh núi và những dòng suối cứ tuôn chảy ngày đêm từ đỉnh núi xuống. Dân làng mới kể cho hai anh em nghe về câu chuyện của cha mẹ họ. Hai anh em thương nhớ cha mẹ mới làm lễ cúng thần Núi, thần Suối và gửi về trời lời biết ơn cha mẹ rằng: “Công cha như núi này, nghĩa mẹ tuôn trào như nước kia. Ngày ngày, chúng con không nguôi thương nhớ, nguyện một lòng đền đáp”. Sau này, dân trong vùng thấy ngọn núi lớn, sừng sững, mới đặt tên cho núi đó là núi Thái Sơn.
Từ chuyện hai anh em, dân vùng ấy truyền câu ca:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
--------------
Quả thật là cha sinh mẹ dưỡng. Công cha mẹ sinh thành dưỡng dục to lớn như núi, mãi mãi mát trong dồi dào như nước trong nguồn chẳng bao giờ cạn. Con cái phải luôn ghi nhớ điều đó để phụng dưỡng đền ơn cha mẹ. Thế mới là người có hiếu, có nhân đức.
Từ chuyện trên người Việt đã khéo vận dụng vào ca dao đúc rút nên thành ngữ để giáo dục muôn đời.
(Theo “Đi tìm điển tích thành ngữ”. NXB Thông Tấn)
Cú kêu cho ma ăn
Cú là một loại chim ăn thịt, mắt rất to, thường đi rình mò kiếm mồi ban đêm. Cú có tiếng kêu đanh, dữ dội, gây cảm giác rợn người. Theo quan niệm mê tín, hễ nhà ai có cú đến đậu đầu nhà, kêu ba tiếng, thì nếu không chết người thì cũng ốm đau nặng. Đặc biệt, những gia đình đang có người bệnh, thấy cú bay qua và kêu thì cũng phải xem chừng đấy. Cái nhìn của cú, con mắt của cú đối với họ là nỗi sợ hãi kinh hoàng. Chẳng thế mà dân gian ta hay nói là "dòm như cú dòm nhà bệnh", "cú dòm nhà bệnh" để ví với ý định xấu của người nào đó có rắp tâm làm hại người. Vì vậy trong quan niệm dân gian, cú và tiếng kêu của cú là biểu tượng của điềm xấu, điềm gở. Theo quan niệm mê tín, thì tiếng kêu của cú là tín hiệu báo trước sẽ có người chết. Hễ nghe tiếng cú kêu ở đâu, thì ở đó sẽ có một thân phận, một con người sắp lìa bỏ cuộc đời. Theo tín hiệu đó, ma sẽ lần đến để chia phần thi thể người xấu số, mà theo cách nói dân gian là đến ăn. Có lẽ vì lý do này mà một số địa phương ở Nghệ Tĩnh gọi cú bằng cái tên khác là "con hót ma". Nhưng rõ là cú chỉ kêu cho ma hưởng phần, chứ bản thân cú nào có được hưởng gì, ăn gì trước cái chết của con người! Cái nghịch lý này được dân gian chớp lấy và khái quát thành cả một thói đời bằng thành ngữ "cú kêu cho ma ăn". Trong tiếng Việt, thành ngữ này để chỉ việc làm vô ích, uổng công, làm cho kẻ khác hưởng.
Cùng với thành ngữ "cú kêu cho ma ăn", trong tiếng Việt còn có thành ngữ "cốc mò cò xơi".
Của ít lòng nhiều
Ý nói: Của đem cho tặng, không đáng là bao nhưng tình cảm thì chân thành, nặng nghĩa tình. Còn có câu: Của một đồng, công một nén.
Chuyện kể:
Theo Kinh A xà, ngày xưa, lâu lắm rồi, có một ông vua Ấn Độ, nhân một ngày lễ, mời Phật vào cung làm lễ. Hôm ấy, vua cho đốt bao nhiêu là đèn dầu trong cung Phật ngự, suốt dọc hành lang dẫn từ cung vua đến cung Phật ở. Một bà cụ nghèo khó ở vùng ấy cũng muốn dâng lên Phật ngọn đèn dầu, song bà chẳng còn đồng tiền nào. Bà đi ăn xin một ngày ròng khắp kinh đô, tối về được hai đồng. Bà dùng cả hai đồng, tất tả ra phố mua dầu, đốt một đĩa đèn dâng lên lễ Phật, bà khấn: “Nếu đời sau con được thành đạo, thì xin ngọn đèn này sáng suốt đêm không tắt”.
Sáng hôm sau, khi một nhà sư lên cung Phật tắt đèn, thì thấy mọi ngọn đèn của vua đã tắt từ bao giờ, riêng ngọn đèn dầu của bà cụ ăn xin vẫn sáng rực, không làm cách nào tắt được. Nhà sư thấy chuyện lạ, nên thưa với Đức Phật. Người bảo: “Bà cụ tâm thành tu nhân tích đức, kiếp sau sẽ thành Phật Như Lai”.
Vua nghe chuyện, hỏi một quan trong triều tại sao vua cúng nhiều đèn như sao sa vậy mà chẳng được như bà lão kia chỉ dâng lên một đĩa đèn. Quan đáp: “Bởi vì bà ta của ít lòng nhiều. Bà dâng lên một đĩa đèn nhưng tấm lòng của bà thánh kính bao la”. (1)
Chẳng chỉ Phật, nhiều người bây giờ cũng có tâm đức, giúp được người không kể ơn, không đòi của nả, nhưng nặng tình nặng nghĩa, của ít lòng nhiều, với tấm lòng thành thì dù ít đấy nhưng nghĩa cao:
Của ít Phật chẳng trách đâu
Miễn giàu tấm lòng tu đức, tích tâm.
Tuy nhiên, có lúc nào đó, có người nào đó còn nặng về của cải vật chất. Như thế gọi là biếu xén, đút lót, hối lộ. Thế mới có chuyện khôi hài: “Đồng tiền là Tiên, là Phật”... hay “Nén bạc đâm toạc tờ giấy” là vậy.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông Tấn
(1): Theo “Điển tích Văn học”, Mai Thục-Đỗ Hiểu, NXB Giáo dục,1997.
Của người phúc ta
Nghĩa bóng: Ban phát hay sử dụng tiền bạc, đồ vật của người khác để lấy ơn cho mình. Câu gần nghĩa: Lấy xôi làng đãi ăn mày.
Chuyện kể:
Xưa có ông Đa và bà Mít, hai người cùng xóm với nhau và cả hai cùng sính Phật. Nhưng ông Đa thì chăm siêng lễ bái, tuần nào tiết ấy lên chùa đều đặn, còn bà Mít khi thì mải công việc ruộng vườn, khi thì ở nhà khuyên con giữ cháu, vì vậy không mấy khi đi lễ Phật được. Vậy nên, cứ ngày rằm, mồng một, bà Mít gửi tiền gạo cho ông Đa đem đi cúng vái hộ. Lúc đầu, ông Đa còn khấn minh bạch là của bà Mít gửi cúng. Nhưng sau nghĩ rằng “Giời Bụt biết đấy là đâu” nên ông bèn nhận cả là của mình, rồi tiện mồm khấn rằng: “Con có chút vật nhỏ mọn tự mình làm ra, mong Trời Phật phù hộ độ trì, làm phúc cho con”.
Quan Nam Tào, Bắc Đẩu, ông thì cầm nghiên, ông thì cầm bút thấy ông Đa khấn thế nào thì cứ tiện mà biên thế ấy.
Đến khi ông Đa, bà Mít cùng trăm tuổi về cõi Phật, Phật tra sổ thấy bà Mít chỉ cúng có vài ba tuần, còn thì là của ông Đa cả. Phật nghi ngờ, hỏi quỷ thần. Quỷ thần xem sổ rồi điều tra ra tiền gạo của nả là của bà Mít, mà ông Đa nhận là của mình.
Thấy sự dối trá, Phật phê: “Của người phúc ta”, rồi phạt ông Đa hóa kiếp làm cây đa đứng ở đầu ngõ chùa, sinh ra cái lá đa để thí cháo cho chúng sinh. Còn bà Mít thì được hóa thành cây mít ở trong vườn chùa, lá dùng để in oản, gỗ dùng để tạc tượng.
Của người phúc ta nói rộng ra là dùng tiền bạc, của nả của người khác mà đem dâng hiến, tặng cho người khác cốt để làm lợi cho mình. Suy ra thì đời nào cũng vậy, người ta dùng tiền bạc của công vung tay bố thí, tặng biếu cho kẻ khác thản nhiên như của mình để tỏ lòng tốt, hòng thu lợi cho mình, đó gọi là “tiền chùa”. Ngược lại với câu này là “Của ai phúc nấy”.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông Tấn
Cửa Khổng sân Trình
Trong thành ngữ nổi bật tên tuổi hai nhân vật tiêu biểu của đạo Nho: Khổng (Khổng Tử) và Trình (Trình Tử). Khổng Tử là người học rộng, tài cao, vốn là người nhà Chu nước Lỗ (551 trước công nguyên). Khổng Tử soạn lại Lục Kinh, Kinh Thi, phê bình Kinh dịch, dịch Kinh lễ, Kinh nhạc làm Kinh Xuân – Thu và Lục nghệ. Đạo của Khổng Tử dạy gồm 8 tôn chỉ: hiếu, dễ, trung, thứ, tu, tề, trị, bình. Học trò của Khổng Tử rất nhiều. Về sau, chính họ đã chép những lời dạy của thầy mình thành Luận ngữ. Còn Trình Tử, tức là Trình Điều, một danh nho thời Tống thì cũng không hiếm người theo học. Như vậy, nói đến cửa Khổng sân Trình là nói đến hai bậc thầy nổi tiếng trong mối quan hệ với học trò của họ. Thầy và trò là tiêu biểu cho nhà trường, do đó thành ngữ cửa Khổng sân Trình dễ dàng được hiểu là trường học, nơi dạy đạo Nho thuở trước. Thành ngữ cửa Khổng sân Trình còn có biến thể là sân Trình cửa Khổng.
Ngoài ra, trong văn học cổ còn dùng các từ ngữ như sân Trình, cửa Trình, cửa Tuyết, sân Tuyết với ý nghĩa tương tự như cửa Khổng sân Trình. Các dạng thức này được hình thành từ điển tích được ghi lại trong Chu Tử ngữ học. Số là, có hai học trò là Du Tạc và Dương Thời đến nhà Trình Tử ra mắt thầy. Đến nơi thì thầy đang nhắm mắt ngẫm nghĩ. Họ không dám cắt dòng suy nghĩ của thầy, cứ như vậy đứng lặng yên. Mãi đến khi thầy Trình mở mắt thì tuyết đã rơi ở chỗ hai cậu học trò đứng dày đến một thước. Do tích này mà các từ ngữ sân Trình, cửa Trình, sân Tuyết, cửa Tuyết chẳng những biểu hiện nơi học tập đạo Nho mà còn thêm nét nghĩa hàm chỉ ý chí quyết tâm cầu học của những người có chí tiến thủ theo con đường đèn sách thuở trước:
“Thông minh sẵn có tư trời
Còn khi đồng ấu mãi vui cửa Trình”
(Bích Câu kỳ ngộ)
Thái Hà đọc và tổng hợp theo: KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ
HOÀNG VĂN HÀNH (chủ biên)
VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
VIỆN NGÔN NGỮ HỌC
NXB VĂN HÓA SÀI GÒN