Thứ ba, 23/04/2024 - 18:24

KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN B

Chuyện kể rằng: Ngày xưa, thời Xuân Thu Chiến Quốc, dưới trướng của Sở Công Vương có hai người bắn súng lừng danh thiên hạ. Một người tên là Phan Đáng, còn người kia tên là Dưỡng Do Cơ...

Ba chìm bảy nổi

Thành ngữ ba chìm bảy nổi dùng để ví cảnh ngộ của một người khi lên xuống, phiêu giạt, long đong vất vả nhiều phen: “Cái con người hai mươi chín mới nói chuyện vợ con đã ba chìm bảy nổi vì nghèo khổ” (Nguyễn Thế Phương, “Đi bước nữa”).

Sở dĩ có được nghĩa này là do chúng được cấu tạo bằng cách đan xen hai tổ hợp ba bảy và chìm nổi.

Chìm và nổi là hai động từ trái nghĩa nhau “chuyển từ mặt nước xuống dưới sâu” (chìm) và “chuyển từ dưới sâu lên trên mặt nước” (nổi). Từ chỗ biểu thị tính liên tục của hành động hết chìm lại nổi... tổ hợp dùng để chỉ sự gian truân, vất vả của một người nào đó, vừa qua khỏi điều không may này, lại gặp phải sự éo le trắc trở khác: Cuộc đời chìm nổi.

Ba và bảy là hai số đếm. Khi tham gia tổ hợp, chúng biểu tượng số lượng không phải một, cũng không phải ba hay bảy cụ thể, mà là nhiều: Có ba bảy cách làm; Thương anh ba bảy đường thương. Khi dùng đan xen vào các tổ hợp khác, ba bảy thường được tách ra theo kiểu như ba lo bảy liệu (lo liệu nhiều), ba lần bảy lượt (nhiều lần), ba dây bảy mối (nhiều lo)...

Ba chìm bảy nổi còn có thể nói thành bảy nổi ba chìm hoặc là ba chìm bảy nổi chín (sáu) lênh đênh.

 

Ba hồn bảy vía - Ba hồn chín vía

Ai đã đọc “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, hẳn không quên hình ảnh chị Dậu chạy ra ngõ hú gọi ba hồn bảy vía anh Dậu “về với vợ con” trong khi anh bị bọn cường hào đánh trói nằm bất tỉnh nhân sự trong nhà. Còn trong dân gian, theo mê tín, khi xem bói bài tây hoặc chữa bệnh bằng mẹo, người ta thường bắt buộc phải tráo quân bài hoặc làm một động tác quy ước nào đó bảy lần (với nam) và chín lần (với nữ). Ấy là do “đàn ông có bảy vía, đàn bà có chín vía”, theo sự mê tín của dân gian.

Xưa nay, người bình dân chỉ quan niệm giản đơn rằng, người ta sống là do có tinh thần tức là “hồn vía” nhập vào thể xác. Khi hồn vía lìa khỏi xác thể thì cũng là lúc con người từ bỏ thế giới này mà về nơi “chín suối” với tổ tiên. Tất cả cái tinh anh khí phách của người đàn ông hợp thành ba hồn bảy vía, còn tất cả cái khôn ngoan tháo vát ở người đàn bà hợp thành ba hồn chín vía. Chính vì thế, ở dân tộc Kinh, mỗi khi có người ốm “thập tử nhất sinh” hoặc bị tai nạn “bất tỉnh nhân sự”, tính mạng bị đe dọa thì người ta thường trèo lên mái nhà hoặc chạy ra ngã bảy, ngã ba mà vừa đi về và vừa gọi hồn vía người bị nạn để mong cho họ đừng “bỏ đi” xuống “suối vàng”. Hoặc giả, nếu họ có chết thì hồn khỏi bị lạc đường, bơ vơ dễ sa vào bàn tay bọn ma quỷ “vô lại”, làm công cụ để hại người lương thiện. Sự gọi hồn ấy, tuỳ theo người bị nạn là nam hay nữ mà gọi ba hồn bảy vía hay ba hồn chín vía.

Đồng bào dân tộc thiểu số cũng có quan niệm về hồn vía như trên, có điều hồn vía được phân biệt thêm là có vía lành, vía dữ. Khi chết, vía lìa khỏi xác và hồn đi sau cùng. Người Tày, Nùng không gọi hồn như người Kinh, người ta tổ chức hát then, cúng tế để gọi hồn người chết về.

Nhưng nguyên do của ba hồn bảy vía và ba hồn chín vía là ở đâu? Tại sao đàn ông lại chỉ có “bảy vía” mà đàn bà lại “chín vía”?

Đó là những câu hỏi không dễ giải thích ngọn ngành, chỉ biết rằng từ xưa người Việt đã có quan niệm và xử sự như vậy.

Tìm về với tôn giáo, chúng ta thấy sáng rõ được nguồn gốc của quan niệm trên. Thật ra, đó là xuất phát từ quan điểm duy tâm của Đạo Giáo. Theo kinh sách của Lão Tử, hồn là cái linh, thuộc vào phần khí của con người, phách (vía) là cái linh, phụ thuộc vào phần hình của con người. Hồn là phần khinh thanh (nhẹ) phách là phần trọng trọc (nặng). Vì vậy, khi nguời ta chết, hồn bay về trời, còn phách thì tiêu xuống đất theo thể xác. Hồn thì tồn tại mãi mãi, phách và xác thì sẽ tiêu tan. Đàn ông và đàn bà đều có ba hồn phụ vào tam tiêu (tam tiêu là ba miền thượng tiêu là phần trên dạ dày, trung tiêu là miền giữa dạ dày và hạ tiêu là miền trên bàng quan), song chỗ khác nhau giữa đàn ông và đàn bà là: Đàn ông có ba hồn và bảy phách phụ vào thất khiếu (thất khiếu là bảy lỗ trên mặt: hai mắt, hai tay, hai mũi và miệng), còn đàn bà có ba hồn và chín phách phụ vào cửa khiếu là thất khiếu + lỗ sinh dục và hậu môn). Quan niệm về hồn vía ở trên, không ai khác, chính là do các bậc nho học truyền bá và ảnh huởng sâu rộng trong dân gian đến mức người ta chỉ còn biết cái ngọn của nó và tin theo, làm theo.

Trở lại với thành ngữ trên, do có nguồn gốc tôn giáo như vậy, mỗi khi gặp một trường hợp “bất tỉnh nhân sự”, cần “cấp cứu” trong khi không có thầy thuốc, người Việt, theo thói quen mê tín, thường hú gọi hồn vía người ấy quay về, đừng bỏ phần xác mà ra đi theo ma quỷ!

 

Ba que xỏ lá

Trong thời Pháp thuộc, có một bọn người chuyên tổ chức những “trò chơi có thưởng”. Trò chơi của bọn họ gồm một cái que và ba chiếc lá, mỗi lá có đính một chiếc vòng nhỏ ở cuống. Người chơi cầm cái que nhỏ xỏ vào ba vòng này. Mỗi người chỉ được xỏ một lần. Người nào xỏ vào được một lúc cả ba lá và nhấc được chúng lên thì được lĩnh thưởng. Ai xỏ trật, tức xỏ không vào lá nào hoặc chỉ vào một trong ba lá, sẽ mất toi số tiền đặt cược. Cũng liên quan tới trò này, có người kể lại cách thức chơi của bọn chủ trò có khác chút ít. Chúng thường dùng ba que nhỏ, trong đó chỉ có một que xỏ vào chiếc lá rồi chìa cho mọi người xem. Chúng tuyên bố rằng nếu ai rút trúng que có chiếc lá khi chúng nắm tay lại thì người đó trúng thưởng. Ngược lại, người chơi sẽ mất số tiền đặt cược trước. Dù chơi theo cách thức nào đi nữa, thì bọn chủ trò vẫn có nhiều mưu mẹo, khiến cho người chơi bao giờ cũng thua cuộc. Vì thế, người ta mới gọi bọn chủ trò là bọn “ba que xỏ lá” với hàm ý là bọn bịp bợm, lừa đảo, dối trá. Từ cách thức chơi thứ nhất, nhiều người cho rằng hình thức ban đầu của thành ngữ “ba que xỏ lá”' là “xỏ lá ba que”. Sở dĩ có sự thay đổi này là do việc đọc chệch cho thuận miệng, dễ đọc, dễ nhớ.

Thành ngữ “ba que xỏ lá” dần dần được mở rộng phạm vi sử dụng. Nó được dùng để chỉ tất cả những hạng người lừa lọc, bịp bợm, đểu cáng.

Trong quá trình sử dụng, thành ngữ “ba que xỏ lá” được tách thành hai vế “ba que”, “xỏ lá”. Các bộ phận được tách ra này đã gia nhập vào vốn từ vựng tiếng việt. /ề ý nghĩa, các từ “ba que”, “xỏ lá” được dùng tương tự như thành ngữ “ba que xỏ lá”.

 

Bá Nha - (Chung) Tử Kỳ

Bá Nha quê ở Sinh Đô nước Sở được bổ làm quan đại phu ở nước Tấn. Vâng lệnh triều định, đi sứ đến nước Sở quê hương của mình. Ở đây, ông được người cùng quê đón tiếp nồng nhiệt, nhưng ông chỉ lưu lại một thời gian ngắn. Sau khi cáo vua Sở lui về Tấn, ông đã dùng thuyền để về nước Tấn. Thuyền đến sông Hán Dương, cảnh đẹp non nước hữu tình đã làm ông lưu luyến và cũng tai nơi này, Bá nha đã gặp Chung tử Kỳ. Từ chỗ coi khinh chú tiều phu này, đến chỗ phục tài cầm kỳ và sự am hiểu âm nhạc của Tử Kỳ, hai người đã kết nghĩa huynh đệ. Vì chữ hiếu,Tử Kỳ không thể cùng Bá Nha về chốn kinh thành và đành chia tay hẹn ngày gặp lại.

Một năm sau Bá Nha trở lại chốn cũ, non nước cảnh vật vẫn còn đấy, nhưng người bạn tâm đắc của ông thì không. Tử Kỳ đã chết, chỉ còn nấm mồ bên bờ sông. Trước mồ bạn, Bá Nha gảy đàn và đọc một bài từ bi ai. Đọc xong, ông lấy hết sức đập đàn vỡ tan tành vì cho rằng từ nay không còn ai có thể hiểu hết ý nhạc trong tiếng đàn của ông.

"Bá Nha - Tử Kỳ" đã đi vào lời ăn tiếng nói của nhân dân gần như một thành ngữ chân chính. Trước hết nó phản ảnh sự tri âm trong thưởng thức âm nhạc. Có người chơi đàn mà không có người biết thưởng thức như Chung Tử Kỳ thì khác nào "đàn gảy tai trâu".

Về sau, ý nghĩa của từ Bá Nha - Tử Kỳ được hiểu rộng ra hơn. Dùng để đề cập đến sự đồng điệu, đồng cảm ở mức cao độ giữa con người với nhau trong mọi lĩnh vực.

Trong truyện Kiều của Nguyễn Du có câu:

"Rằng nghe nỗi tiếng cầm đài

Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ".

Bầu dục chấm mắm cáy

Bầu dục chấm mắm cáy

hay

Dùi đục chấm mắm cáy

Trong cuốn "Thành ngữ tiếng Việt" (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội - 1978), Nguyễn Lực và Lương Văn Đang đã thu thập cả hai dạng thành ngữ này và giải thích với cùng một nghĩa là "không phù hợp, thô bạo, thiếu tế nhị" (trang 57).

Trong thực tế giao tiếp hàng ngày, người ta thường nói "dùi đục chấm mắm cáy" hơn là "bầu dục chấm mắm cáy". Tuy vậy "bầu dục chấm mắm cáy" lại là dạng ban đầu, dạng khởi thủy; còn "dùi đục chấm mắm cáy" chỉ là biến thể do đọc chệch "bầu dục" ra "dùi đục" mà thành.

Nghĩa của thành ngữ "bầu dục chấm mắm cáy" hình thành trên cơ sở của độ chênh, hay tính không tương hợp giữa thức ăn và gia vị. Bầu dục là món ăn ngon và hiếm. Chẳng thế mà trong kho thành ngữ, tục ngữ của ta còn câu "bầu dục đâu đến hàng thứ tám!". Vậy mà cái "không đến hàng thứ tám" ấy lại đem chấm với mắm cáy, một thứ mắm xoàng nhất; có thể nói là mạt hạng, trong các loại mắm ở vùng biển! Bầu dục, nếu ăn đúng cách là phải chấm với chanh, hay nước gừng. Còn mắm cáy thì chỉ dùng để ăn với rau muống, dưa, cà... Có một câu ca dao khi nói về các món ăn ngon cũng nhắc đến cách ăn bầu dục. Ấy là:

Sáng ngày bầu dục chấm chanh

Trưa gỏi cá cháy, tối canh cá chày

 

Bách phát bách trúng

Chuyện kể rằng:

Ngày xưa, thời Xuân Thu Chiến Quốc, dưới trướng của Sở Công Vương có hai người bắn súng lừng danh thiên hạ. Một người tên là Phan Đáng, còn người kia tên là Dưỡng Do Cơ.

Có một lần, trong lúc tập luyện, Phan Đáng bắn ba phát tên đều trúng vào hồng tâm, lấy làm đắc ý lắm. Lúc ấy, Dưỡng Do Cơ cũng ở đó, tỏ vẻ không thán phục, bảo rằng: “Bắn trúng hồng tâm có gì là đặc biệt. Cách xa một trăm bước, mũi tên của tôi có thể xuyên qua bất kỳ chiếc lá nào của cây dương liễu”. Nói rồi, Dưỡng Do Cơ giương cung. Quả nhiên, mũi tên xuyên qua chiếc lá dương liễu trên cành cây um tùm.

Nhưng Phan Đáng vẫn không chịu, liền chọn lấy ba lá liễu ở ba chỗ khác nhau, đánh dấu và thách Dưỡng Do Cơ bắn trúng. Dưỡng Do Cơ chỉ nhìn qua, rồi lùi vào vị trí để bắn. Thế rồi, cả ba mũi tên như có mắt, lần lượt xuyên qua ba chiếc lá trước sự kinh ngạc của mọi người.

Về sau, trong cuốn sử ký của nhà viết sử nổi tiếng Tư Mã Thiên, có đoạn viết: “Nước Sở có một người tên là Dưỡng Do Cơ, là một người bắn tên rất kỳ tài, cách xa trăm bước mà “bách phát bách trúng”.

Dưỡng Do Cơ chỉ bắn cả thảy có bốn phát tên trong cuộc thi tài ấy, mà sao Tư Mã Thiên lại viết là “bách phát bách trúng?” Thì ra, “bách” (nghĩa là một trăm) không được dùng để chỉ số lượng cụ thể và xác định. Một nhà thiện xạ được ca ngợi là “bách phát bách trúng” không nhất thiết phải giương cung đến một trăm lần. “Bách” ở đây được dùng với nghĩa biểu trưng là “nhiều, rất nhiều”, còn kết cấu “bách... bách...” biểu thị sự đối xứng truyệt đối như là “bao nhiêu... thì... bấy nhiêu”.

Trong tiếng Việt, thành ngữ này có hai dạng đồng nghĩa được dùng song song: “bách phát bách trúng” và “trăm phát trăm trúng”.

Về sau “bách phát bách trúng’ còn để chỉ khả nămg của những người làm việc gì cuũng đạt kết quả như ý muốn. Cũng vậy, hiện nay, “trúng” đâu phải chỉ là trúng đích mà còn có nghĩa là đạt kết quả, là thành công nữa.

 

Bán lợi mua danh

 

Bán lợi, lợi đây không chỉ cái vật chất mà có cả tinh thần, để mua lấy một sự danh giá. Bây giờ nâng cao hơn một bước là mua danh, trục lợi người ta khái quát thành chữ “chạy”. Cái sự mua danh trục lợi, chạy chức, chạy quyền tồn tại trong xã hội đối với những kẻ phàm phu.

Dưới thời phong kiến, người ta nộp tiền hay lễ vật cho người có chức vị cao để được ngôi thứ, chức vị.

Nghĩa bóng: Ham danh, dùng tiền của để mua danh vị.

Còn có câu gần nghĩa: Mua danh ba vạn; Bán chỗ nằm mua chỗ ngồi; Bán gia tài, mua danh diện; Mua danh bán lợi.

Chuyện kể:

Một nhà địa chủ nọ thấy quan chánh tổng oai lắm, lúc nào cũng áo the khăn xếp, lại còn tay cầm cái ba toong chỉ trỏ, đám sai nhân trong nhà, quan lớn, quan bé trong làng đều răm rắp làm theo những lời phán ngông nghênh của chánh tổng. Ở làng, cứ mỗi năm hai lần, hội đồng làng có tổ chức hương ẩm. Đến dự, chánh tổng rồi các lý trưởng đều được ngồi mâm trên. Còn tên địa chủ tuy giàu có nhưng vẫn phải ngồi ở mâm thứ hạng.

Hắn tức lắm. Một hôm, có người khích hắn:

- Nhà giàu, trâu đàn, ruộng mẫu, kẻ ăn người ở, vậy mà ra làng vẫn phải ngồi chiếu dưới. Tiền bạc nhiều mà sao không mua lấy một cái chức.

Hắn nghe nói phải. Thế là hắn chuẩn bị mấy thẻ vàng, cùng ba vạn bạc rồi đến nhà chánh tổng để mua lấy một chức lý trưởng.

Viên chánh tổng nghe hắn trình bày mới nói:

- Nghe nói nhà người có cô con gái xinh xắn, nết na, đã cùng với ai chưa?

Tên nhà giàu mới nói:

- Ấy, tôi cũng biết ông chánh có người con trai. Nếu được thì xin ông cứ cho người đến dạm ngõ.

Người con trai ông chánh là đứa què quặt, bệnh tật, chỉ biết ăn, không biết làm, nó chẳng đi học nên dốt lắm. Được lời, ông chánh tổng như vớ được vàng, mới vội cho người sang dạm ngõ rồi làm lễ cưới cho con trai. Cưới xong rồi về nhà chánh tổng, cô gái xinh đẹp kia mới vỡ lẽ là mình đã bị lừa. Cha cô đã bán đứng cô cùng với một số tiền vàng để mua cái chức lý trưởng.

Lại nói chuyện tên địa chủ nhà giàu, từ khi có cái chức lý trưởng được ngồi lên chiếu trên của làng, dân làng càng khinh hắn ra mặt, vì hắn đã dốt nát lại thích sang trọng. Một hôm ra làng, tên địa chủ kia khăn xếp áo the, hãnh diện ngồi vào giữa chiếu trên. Người làng thấy thế thì lấy làm khinh lắm, có người bèn làm mấy câu thơ khao làng rằng:

Bán lợi mua lấy cái danh

Tuồng là những kẻ mảnh sành chiếu trên.

Cái chức lý trưởng mà người nhà giàu nọ có được là do phải bán đổi cả con gái và tiền bạc mới có. Vì thế dân làng biết chuyện trên nói rằng: “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng” là vậy.

----------------------

Bán lợi, lợi đây không chỉ cái vật chất mà có cả tinh thần, để mua lấy một sự danh giá. Bây giờ nâng cao hơn một bước là mua danh, trục lợi người ta khái quát thành chữ “chạy”. Cái sự mua danh trục lợi, chạy chức, chạy quyền tồn tại trong xã hội đối với những kẻ phàm phu.

(Theo “Đi tìm điển tích thành ngữ”. NXB Thông Tấn)

 

Bàn tay có ngón ngắn ngón dài

Câu thành ngữ muốn nhắc nhở con người ta không nên đánh đồng tất cả cùng loại, tất cả giống nhau vì mỗi người mỗi vẻ, mỗi việc mỗi khác.

Chuyện kể:

Xưa cái bàn tay sinh ra đã như bây giờ, cả năm ngón có ngón ngắn ngón dài.

Nhưng năm ngón tay thì cho thế là không công bằng nên cứ ấm ức, tị nạnh cãi cọ nhau mỗi ngày. Vì chúng không đoàn kết nên chẳng làm được việc gì, hễ bảo cầm cái gì là các ngón cứ rũ ra, chẳng bèn chụm lại.

Bàn tay giận lắm mới mắng chúng:

- Chúng mày là anh em, cớ ao tị nạnh cãi cọ nhau?

Chúng nói:

- Người ăn ở không đều, có năm anh em cùng sinh ra cùng giờ, cùng ngày, cùng tháng, cùng năm thế mà lại có đứa to, đứa nhỏ, đứa ngắn, đứa dài.

Bàn tay đem nỗi thắc mắc của chúng nói với người. Người không biết giải thích sao mới hỏi thần Tạo Hóa. Thần Tạo Hóa nói với người rằng:

- Xưa kia, thần Sinh Mệnh trình ta vậy, nên nó vậy, chứ ta cũng chưa tìm hiểu tỉ mỉ nó như như thế nào! Rồi thần Tạo Hóa bảo với người:

- Thôi được, nếu chúng muốn bằng nhau, thì bằng.

Thế rồi từ đó các ngón tay lại bằng nhau chằn chặn.

Từ ngày các ngón tay bằng nhau, cái bàn tay cứ trùng trục ra trông đến buồn cười. Khổ một nỗi là khi chúng bằng nhau rồi thì chả đứa nào chịu kém đứa nào, thành thử cứ ỳ ra, chẳng làm được việc, cầm cái gì rơi cái đấy.

Người thấy bất tiện quá mới mắng các ngón rằng:

- Chúng mày tị hiềm sinh chuyện. Tạo hóa sinh ra như thế là có quy luật chứ đâu theo ý riêng của chúng mày.

Các ngón tay thấy sai mới im thin thít.

Rồi người lại lên thần Tạo Hóa xin được cho các ngón tay to bé, dài ngắn như trước. Thần Tạo Hóa vốn là người am hiểu sự đời mới lại chấp nhận cho năm ngón tay của bàn tay ngắn dài, to, bé như xưa.

Người mới bảo bàn tay xòe ra, thấy các ngón lại dài ngắn khác nhau, mới phân tích cho chúng rõ về cái phận của mình:

- Chúng mày là anh em trong một bàn tay, nhưng mỗi đứa có một chức phận, mỗi đứa có một cái tên. Bây giờ nghe tao nói đây: Ngón to lùn là ngón Cái. Nó là anh, nó hỗ trợ các em để cầm, để nắm, hễ bóc cái gì thì bảo nó, tôn nó là anh cả. Ngón kế, dài thon hơn là anh hai. Khi chúng mày cụp xuống, nó ngỏng lên chỉ đường gọi là ngón Trỏ. Ngòn dài nhất có nhiệm vụ động viên phong trào, hô hoán bốn đứa kia cùng làm, ấy là ngón Giữa. Còn ngón thứ tư có dáng hình đẹp, vừa phải làm công việc như các anh, các em, còn phải làm duyên làm dáng cho cả bàn, ta đặt tên là ngón Đeo Nhẫn. Cuối cùng là đứa bé nhất, nhưng không có nó không thành bàn tay, đặt tên nó là ngón Út.

Từ bấy giờ, năm ngón tay không còn thay đổi nữa, chúng đều thấy thân phận của mình, mỗi khi bàn tay làm gì chúng đều răm rắp làm theo.

Trong xã hội, phận người ta cũng đã được định đoạt như các ngón tay, như là một sự sắp đặt của tạo hóa. Vậy nên cái sự suy bì thiệt hơn như các ngón tay hẳn là không nên. Bàn tay phải có ngón ngắn ngón dài, giống như người ta phải có người thế nọ, người thế kia.

Sự đời cũng giống người ta

Bàn tay năm ngón suy ra sự đời.

Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn

 

Bàn tay không che nổi mặt trời

Sự ngộ nhận là căn bệnh của kẻ gian dối, lừa bịp. Nhiều kẻ vụng trộm, biển thủ của công và của người khác cứ tưởng bàn tay che được mặt trời, nhưng ở đâu cũng có ánh sáng tường tận, trước sau gì rồi sự lừa dối ấy cũng được đưa ra ánh sáng giống như: “Vải thưa không che được mắt thánh” vậy.

Một hôm, cái mồm trông thấy thức ăn của người để trên bàn. Nó thèm quá nhưng chẳng biết làm thế nào để lấy ăn được. Nó bèn nịnh bàn tay:

- Anh ơi, ta cùng một mẹ sinh ra, nhưng em biết nói sau, còn anh biết cầm trước. Anh bốc trộm cho em miếng thức ăn để ở bàn kia. Em thèm lắm rồi.

Bàn tay là đứa hay táy máy, luôn luôn cử động, chẳng lúc nào yên, thấy cái mồm nói thế cũng muốn ra tay, nhưng lại sợ người nhà bắt được vụt cho vào tay thì đau lắm.

Suy nghĩ một lát, bàn tay chỉ vào cái mắt và nói:

- Anh cũng muốn lắm, nhưng hèm một nỗi là có con mắt kia nó nhòm ngó, bép xép với chủ thì anh em ta chẳng những bị đòn mà còn bị kẻ khác chê cười.

Mồm mới nói:

- Anh là bàn tay, gì mà chả làm được. Cái mắt nhìn được là nhờ có ánh sáng mặt trời. Anh cứ che mặt trời lại thì nó còn nhìn thấy gì nữa mà mách.

Bàn tay thấy cái mồm nịnh thế cũng yên tâm đôi chút:

- Ừ nhỉ, ta là bàn tay, gì mà ta chả làm được!

Nói đoạn, nó mới xòe một bàn tay của mình ra, hướng về phía mặt trời, che lại, còn tay kia bốc lấy một ít thức ăn, cho luôn vào mồm.

Tưởng thế là ổn, ai ngờ lúc ông chủ về, biết chuyện mới nọc bàn tay ra đánh. Vừa đánh ông chủ vừa nói:

- Mày tưởng mày che lấp được mặt trời à. Bàn tay nhỏ xíu, mặt trời thì to lớn, bao la, đâu đâu chả có ánh sáng. Đúng là ngươi coi trời bằng vung.

Sự ngộ nhận là căn bệnh của kẻ gian dối, lừa bịp. Nhiều kẻ vụng trộm, biển thủ của công và của người khác cứ tưởng bàn tay che được mặt trời, nhưng ở đâu cũng có ánh sáng tường tận, trước sau gì rồi sự lừa dối ấy cũng được đưa ra ánh sáng giống như: “Vải thưa không che được mắt thánh” vậy. Ấy nên để khẳng định, người đời có câu:

Đố ai che được mặt trời

Đố ai đếm được mưa rơi bao lần.

 

Bán trời không văn tự

Bông lông, khoác lác dành cho những kẻ “Bán trời không văn tự”. Những con người như thế ắt chẳng làm nên tích sự gì. Vậy mà lắm kẻ vẫn dùng miệng lưỡi ấy mà lừa gạt được thiên hạ mới hay.

Văn tự: Viết giấy chứng thực khi mua bán, trao đổi.

Nghĩa bóng: Liều lĩnh, bất chấp, làm ăn mạo hiểm, khoác lác, không có lề luật, không biết đúng sai.

Còn có câu: Bán trời không chứng.

Chuyện kể:

Có hai người học trò, một người tên là Tự, một tên là Chứng học hành chểnh mảng, kỳ thi cả hai đều trượt. Trên đường trở về quê, hai người mới nghĩ ra một việc là góp vốn để làm nghề đi buôn. Nhưng buôn chung bán chung phải có người làm anh, người làm em. Họ mới kết nghĩa làm huynh đệ. Nhưng ai là anh, ai là em thì họ chẳng bầu ra được. Chữ nghĩa thì không mấy nhưng lại có tài nói khoác, người tên là Tự mới nói:

- Bây giờ ta thi nói khoác. Ai thua thì người ấy chịu là em.

Hai người vỗ tay tán thưởng.

Người tên là Tự mới hỏi trước:

- Trên đời này cái gì to nhất?

Người tên là Chứng đáp liền:

- Trái đất là to nhất.

Người tên là Tự mới nói:

- Chưa to.

- Vậy thì cái gì?

- Trời là to nhất.

Người tên là Chứng mới lại nói:

- Trời cũng chưa to. Ta còn bán được cả trời.

Tự mới vặn lại:

- Thế anh bán cho ai, người mua trời rồi cất vào đâu?

- Ấy có người mua được mới lại chứ. Ta bán cho ông nội của ta, ông của ta cầm trời rồi cất đi.

Tự lại hỏi:

- Thế ông nội của anh lấy gì để mua?

Chứng mới nói:

- Ông ta lấy trái đất để mua. Mà phải trái đất mới mua nổi trời.

Tự mới cự lại:

- Thế thì trời cũng chẳng to. To hơn phải là ông nội của anh, vì ông nội của anh cầm được cả trời kia mà.

Có một thầy giáo đi qua, thấy hai anh chàng học trò cãi cọ lý sự khoác lác bèn thêm vào:

- Đồ bán trời không văn tự. Chúng mày không thi đỗ là đáng đời lắm.

-----------------------

Bông lông, khoác lác dành cho những kẻ “Bán trời không văn tự”. Những con người như thế ắt chẳng làm nên tích sự gì. Vậy mà lắm kẻ vẫn dùng miệng lưỡi ấy mà lừa gạt được thiên hạ mới hay.

Bắc thang lên hỏi Thiên đình

Liệu trời được giá cho mình bán chăng!

(Ca dao)

(Theo “Đi tìm điển tích thành ngữ”. NXB Thông Tấn)

 

Bọ ngựa chống xe

Hình ảnh con bọ ngựa giương càng lên như lưỡi gươm trước cỗ xe lớn mà không hề run sợ thì thật đáng phục, nhắc kẻ nhút nhát soi mình. Tuy nhiên, thành ngữ này còn chỉ sự đấu tranh không cân sức, dẫn đến tình thế nguy hiểm, thường là lâm vào thất bại. Đó là điều không nên làm.

Một hôm, Trang Tử nước tề đi săn, dọc đường ông gặp một con bọ ngựa. Nực cười thay, con bọ ngựa nhỏ bé ấy lại cứ đứng giữa đường, giương càng lên như muốn thách thức, chống chọi với xe của ông. Quan quân thấy lạ la ầm lên, khiến Trang Tử dừng xe lại hỏi sư tình. Tả hữu thưa rằng:

- Có con bọ ngựa trước xe ngài. Nó không tránh mà cứ giương càng lên chống lại. Giống bọ này thật kỳ lạ, chẳng biết sức mình khỏe hay yếu, thấy đối thủ là liều thân xông lên không chịu lùi bước, ngài cứ cho xe đi, xem nó sống chết ra sao.

Nghe xong Trang Từ liền đáp lại:

- Khoan đã, giống bọ ngựa này thế mà đáng khâm phục. Nếu như ai đó, khi bị kẻ mạnh bắt nạt đã không hề run sợ, lại còn dám chống trả đến cùng, dù chịu chết chứ nhất định không chịu nhục, âu cũng là tấm gương đáng kính, đáng noi theo.

Dứt lời, Trang Tử cho đánh xe sang bên đường. Kể từ bận đó, tướng sĩ của Trang Tử ra trận đều liều chết xông lên, quyết không chịu thua kém giống như con ngựa hôm nào.

Theo “Cổ học tinh hoa” – Nguyễn Văn Ngọc – NXB Văn Học, 2003

Phục là phục cái lòng dũng cảm chứ không phục sự liều mạng. Hình ảnh con bọ ngựa giương càng lên như lưỡi gươm trước cỗ xe lớn mà không hề run sợ thì thật đáng phục, nhắc kẻ nhút nhát soi mình. Tuy nhiên, thành ngữ này còn chỉ sự đấu tranh không cân sức, dẫn đến tình thế nguy hiểm, thường là lâm vào thất bại. Đó là điều không nên làm.

Có lẽ từ chuyện này mà có câu:

Nực cười bọ ngựa đá xe

Tưởng rằng xe vững ai dè xe nghiêng.

 

Bóc ngắn cắn dài

Thành ngữ bóc ngắn cắn dài được giải thích như trên là đúng nhưng chưa đủ. Trên thực tế, thành ngữ này còn được dùng với ý nghĩa rộng hơn, phê phán lối làm ăn có tính cò con do tham lam, muốn bỏ ít công sức, vốn liếng mà lại muốn thu được lợi nhuận nhiều.

Ý nghĩa chung của thành ngữ bóc ngắn cắn dài nẩy sinh trên một lôgich và cơ chế nghĩa khá lí thú. Như đều biết, thành ngữ bóc ngắn cắn dài nói tới một việc rất cụ thể, nói đến chuyện ăn uống một thứ gì có vỏ. Thứ đó là gì không thành vấn đề, bởi ai mà chẳng liên hệ với cái thứ vỏ mềm, khả dĩ ăn được như khoai lang, chuối... Điều quan trọng hơn là, trên thực tế có những kẻ bóc vỏ được một phần ngắn mà khi ăn lại cắn một phần dài hơn, lấn sang cả chỗ chưa bóc vỏ. Lệ thường thì đó là hành vi phàm ăn tục uống. Nhưng người đời không nhất thiết khai thác hoàn toàn ý này. Người ta chỉ còn giữ được cái ý “làm thì ít mà muốn hưởng thì nhiều”. Điều này có liên quan tới nghĩa thứ hai của thành ngữ, tức là phê phán kẻ làm ăn cò con, hám lợi, muốn bỏ sức và bỏ vốn ít nhưng muốn thu về cho nhiều lợi lộc hơn. Thực ra ở thành ngữ này, dân gian đã khai thác theo một hướng khác trên cơ sở nghĩa biểu trưng của các từ cấu tạo nên thành ngữ. Các từ bóc, ngắn, cắn, dài đều có ý nghĩa biểu trưng riêng. Ở đây bóc biểu trưng cho lao động, cho hành động làm (việc), ngắn biểu trưng cho số lượng ít, sản phẩm làm ra không nhiều, trong khi đó cắn biểu trưng cho hành động ăn, việc tiêu dùng nói chung, dài biểu trưng cho số nhiều, phần chi tiêu lớn. Tổng hòa nghĩa của các thành tố này, chúng ta có thành ngữ bóc ngắn cắn dài với ý nghĩa “làm ra được ít mà chi dùng quá nhiều”. Vì đi theo hướng biểu trưng này nên thành ngữ bóc ngắn cắn dài đã xa dần với cái xuất phát điểm của nó, cũng như thực tế quan sát việc ăn uống theo lối bóc ngắn cắn dài. Từ bóc chẳng còn gợi gì đến việc “bóc vỏ” nữa. Thành ra, trong tiếng Việt, đôi khi người ta còn dùng động từ làm để thay vì cho bóc trong thành ngữ này để tạo lập một biến thể khác là làm ngắn cắn dài.

Dạng thức Làm ngắn còn dài tuy làm mất thế đối xứng giữa các động từ vốn có liên hệ chặt chẽ về nghĩa và hành động bóc và ăn trên thực tiễn, song nó vẫn được tồn tại hiển nhiên trong tiếng Việt, do tính biểu trưng của các thành tố trong thành ngữ đem lại.

Trong sử dụng ngôn ngữ, thành ngữ bóc ngắn cắn dài được dùng khá linh hoạt. Thành ngữ này được tách, chen, thay đổi vị trí các yếu tố trong đó theo những dạng thức khác nhau tùy theo dụng ý người nói, người viết.

 

Bóng chim tăm cá

Trong văn học cổ, chim, cá, bướm, ong... là hình tượng để chỉ người đưa thư, những sứ giả của tin tức. Theo Hán thư, người ta có thể buộc phong thư vào chân con chim nhạn để cho chim bay chuyển đến nơi cần gửi. Sách cổ (cổ thư) còn ghi lại rằng khách từ phương xa đến để lại đôi cá chép, mổ ra thấy có lá thư trong bụng. Vì thế, bóng chim tăm cá dùng để chỉ tin tức thư từ:

Nghĩ điều trời thẳm vực sâu

Bóng chim tăm cá biết đâu mà tìm

(Truyện Kiều - Nguyễn Du)

Cũng để chỉ ý này, văn học cổ còn có nhiều cách nói khác nữa. Ví dụ: sứ hồng (sứ giả chim hồng), sứ điệp tin ong (con bướm là sứ giả truyền tin, con ong làm mối lái đưa tin của chúa xuân muôn loài), tin nhạn (tin do chim nhạn mang lại), tin mai (tin gửi kèm theo cành mai)...

 

Bợm già mắc bẫy cò ke

Cò ke là một loại thân thảo. Có hai loại cò ke: loài dây leo có tên khoa học là Grewiea astropelata và loài thân đứng có tên là Grewia paniculata. Quả cò ke khi chín có màu đen, vỏ nhẵn là món ăn đặc biệt ưa thích của các loài chim.

Bẫy cò ke có cấu tạo đơn giản nhưng hiệu quả cao. Nếu chim đã chui đầu vào ăn mồi (ăn quả cò ke) thì đều bị cần bật đập gẫy cổ chết ngay. Vì vậy mà khi chim đã bị “mắc bẫy cò ke” thì khó lòng thoát chết.

Theo kiểu bẫy cò ke dùng bẫy chim, người ta làm ra những chiếc bẫy chó tương tự và cùng tên. Vì thế trong Từ Điển Bùi Văn Tập, bẫy cò ke này được giải thích là: một bẫy chó rất sơ sài; và nghĩa bóng là mưu lừa rất tầm thường.

Trong câu tục ngữ “Bợm già mắc bẫy cò ke” có một sự đối lập thú vị: Bợm già là những tay bợm lão luyện, lọc lõi trong nghề lừa lọc thế mà bị mắc bẫy cò ke tức là bị mắc mưu lừa tầm thường! Và khi đã sa cơ thì dù có là bợm già cũng phải bó tay Tục ngữ này phản ảnh một thực trạng xã hội: Những kẻ dù có anh hùng, ngang dọc mà chủ quan thì cũng có lúc bị sa cơ thất thế bởi những mưu chước rất tầm thường.

Theo: KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ

HOÀNG VĂN HÀNH (chủ biên)

VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

VIỆN NGÔN NGỮ HỌC

NXB VĂN HÓA SÀI GÒN


Tác giả: HOÀNG VĂN HÀNH (chủ biên)
Nguồn: KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ

Bài viết liên quan
KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN A

KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN A

Theo sách Phật, đời nhà Đường vào thế kỷ thứ VII có ngài Tuệ Viễn quê ở Lư Sơn. Tuệ Viễn thông tuệ kinh pháp nhưng cũng là người thông kinh sử và phụng thờ đức phật...
KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN C

KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN C

Chuyện kể: Đời xưa, chuột vốn là giống linh thiêng ở trời, trời giao cho chìa khóa giữ kho lúa. Lợi dụng quyền hành, chuột thường đến kho, mở khóa rả rích ăn bao nhiêu là thóc, trấu còn lại vương ...
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Chẳng cầu trong những năm tháng đẹp nhất gặp được người tốt nhất, chỉ nguyện những năm còn sống được tương phùng, lựa chọn một tòa thành sống với nhau đến già. ...
Tiếng dương cầm vọng mãi
Tiếng dương cầm vọng mãi
Chẳng ngôn ngữ nào êm dịu và trầm lắng cho bằng ngôn ngữ của thi ca Chẳng âm điệu nào thiết tha cho bằng cung thanh trầm của khúc nhạc... Tôi có một tình yêu lớ...
Nắng ấm quê hương
Nắng ấm quê hương
Quê hương là gì hở cha?Ai đi xa cũng nhớ nhiều... Phải thừa nhận rằng từ trước giờ, con chưa bao giờ nghĩ đến khái niệm Quê hương. Và cũng chưa một lần, con tự ...
THÀNH NGỮ TRUNG HOA

THÀNH NGỮ TRUNG HOA

Ngọc bất trác, bất thành khí  Nhân bất học bất tri lý Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ Vô duyên ...
Status 129 trên Nhân Văn Blog

Status 129 trên Nhân Văn Blog

Âm nhạc luôn luôn là nguồn hạnh phúc cho tất cả mọi người sống trên trái đất. Không có âm nhạc thế ...
43 câu nói ý nghĩa

43 câu nói ý nghĩa

1. Bộc lộ sự nóng nảy ra ngoài, đó gọi là bản năng. Kìm nén sự nóng nảy vào bên trong, đó gọi là ...
Như một người cha

Như một người cha

Trong cuộc đời mỗi chúng ta, luôn có những người đã dạy ta một điều gì đó khiến cuộc đời ta thay ...
Người tuổi Dần

Người tuổi Dần

Trời sinh người tuổi Dần rất nhạy cảm, và có giác quan thứ sáu, có khả năng nhìn thấu nội tâm của ...

"Nhân sinh nhược chích như sơ kiến....
Nếu cuối cùng mọi thứ đều phải tan biến, chỉ xin được giữ lại ánh nhìn buổi ban sơ..."

Bụng chứa thi thư, 

phong thái tự đẹp!

Hữu xạ tự nhiên hương

Ngọc bất trác, bất thành khí 

Nhân bất học bất tri lý

Nhất tự thiên kim

Thiên ngôn vạn ngữ

Tri nhân tri diện bất tri tâm

Video clip