Nát như tương
Về cách làm tương, trong dân gian có câu: “xôi giặt ba ngày, đậu liền rang, chín tương hai muối ngọt như đàng”. Nghĩa là để cơm nếp mốc ủ ba ngày, rồi rang đậu tương bỏ ngâm, sao cho ba lần nổi ba lần chìm, sau đó mới cho muối theo tỉ lệ muối hai tương chín. Làm đúng theo quy cách như vậy, thì tương sẽ ngọt như đàng (đường). Trong quy trình này, hạt đậu tương phải chịu sự chìm nổi theo thời gian, thành ra khi tương có thể ăn được thì hạt đậu tương cũng nát. Hèn gì trong lời ăn tiếng nói của nhân dân xuất hiện thành ngữ nát như tương hay nát như tương bần (bần: Bần yên Nhân, nơi làm tương ngon nổi tiếng thuộc Hưng Yên ngày nay). Trước hết, nát như tương được dùng để chỉ sự nát vụn, nát nhừ của vật thể.
Với việc miêu tả trực quan trạng thái nát nhừ, bể vụn của vật thể, thành ngữ nát như tương có nghĩa gần giống như thành ngữ nát như cám. Tuy nhiên, nát như tương còn có ý nghĩa trừu tượng hơn. Trong đời sống ngôn ngữ hàng ngày, thành ngữ này thường dùng để biểu thị sự hư hỏng, đổ nát của một tổ chức, một thể chế…
Thành ngữ nát như tương, trong nhiều trường hợp còn được dùng để chỉ một trạng thái tinh thần: đau đớn ưu phiền đến mức độ cao:
“Đào trên mây, hạnh giữa trời
Nghĩ cho nát dạ người như tương”
(Nguyễn Huy Tự. “Hoa tiên”)
Ở phương diện này, đôi khi chúng ta thấy thành ngữ nát như tươm được dùng thay thế nát như tương:
“Mảnh riêng còn nát như tươm
Càng ngơ ngẩn bóng càng năn nỉ tình”
Cái đớn đau dày vò tâm can đến mức độ cao mà thành ngữ nát như tương biểu thị còn có thể được lặp lại trong các thành ngữ nát gan nát ruột (nát ruột nát gan) héo gan héo ruột (héo ruột héo gan).v.v…
Trong tiếng Việt, nát như tương còn thấy xuất hiện với chức năng biểu thị chất lượng kém, trình độ tồi của một số sản phẩm trí tuệ: văn nát như tương, lý sự nát như tương:
“Đến điều lí sự nát như tương
Ngẫm sự văn chương đen tựa mực”
Hẳn là nát trong văn như tương, lý sự nát như tương, không phải là từ nát chỉ sự vỡ vụn, nhừ bấy của vật thể. Trong trường hợp này, nát là yếu tố biểu thị sự kém cỏi về trí tuệ. Chúng ta đã từng thấy ý nghĩa này trong từ dốt nát của tiếng Việt.
Năm tao bảy tuyết
Trong tiếng Việt để diễn tả ý nhiều lần gặp lại (của một sự việc nào đó), người ta thường dùng thành ngữ năm tao bảy tiết (tuyết). VD:
"Phần nhiều kéo nhau đến đây là hạng tứ bất tử cả đấy. Trốn chúa lộn chồng năm tao bảy tiết, ba chìm năm nổi chín lênh đênh, vỡ nợ tam tứ từng" (Nguyễn Tuân "Sông Đà").
Tao ở đây là "lần", "lượt", "phen" và tiết (tuyết) là chỉ hình thức đối xứng về mặt ngữ âm trong thành ngữ cùng với các số từ quen thuộc năm và bảy để diễn đạt, biểu thị cái ý "nhiều lần', "nhiều bận". Thường thì thành ngữ trên được dùng khi muốn nói về một sự tái diễn nhiều lần mà thường không toại nguyện người trong cuộc.
"Chờ mãi anh sang anh chả sang
Thế mà hôm nọ hát bên làng
Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn
Để cả mùa xuân cũng bẽ bàng".
(Nguyễn Bính "mưa xuân")
Với ý nghĩa này, thành ngữ trên đồng nghĩa với cách nói năm lần bảy lượt.
Trong sử dụng, có khi thành ngữ năm tao bảy tiết phát sinh những nét nghĩa mới tuỳ hoàn cảnh nói năng. Có khi nó hàm nghĩa "nhiều, ở mức độ lớn". VD: "Mẹ chỉ biết, thương chồng thì lo cho chồng năm tao bảy tiết, thương con, mẹ lo cho con chẳng kể nắng mưa" (Văn nghệ quân đội, số 11-1983)
Có khi năm tao bảy tiết (tuyết) còn hàm nét nghĩa "vất vả, phải làm đi làm lại nhiều lần":
"Bên anh chăn nuôi thế nào chứ ở đây thật là năm tao bảy tuyết đấy. Được cái khoản cung cấp lợn giống với cung cấp thịt cho nhà nước nhìn cũng tươm". (Nhiều tác giả "Hội thi").
Nằm gai nếm mật
Nằm trên gai nhọn, nếm mật đắng để tự đầy ải thân mình nhằm nuôi chí phục thù. Ý nói chịu đựng mọi gian khổ để mưu việc lớn. Còn có câu: Nấm mật nằm gai Ăn sương nằm gió Nằm sương gối đất Gối đất nằm gai Dãi gió dầm mưa cũng hàm chỉ ý trên.
Chuyện kể:
Chiến tranh giữa nước Việt và nước Ngô kéo dài. Trận đánh cuối cùng ở Cối Kê thật khủng khiếp. Quân nước Việt đại bại; quân nước Ngô xung trận chém giết quân nước Việt dã man. Vua nước Việt là Câu Tiễn phải mở cửa thành xin hàng quân Ngô. Vua nước Ngô là Phù Sai cho bắt vua Câu Tiễn cùng Hoàng hậu và tướng Phạm Lãi mang về đất Ngô theo hầu Câu Tiễn. Ba người tù hàng ngày phải cắt cỏ cho ngựa, quét dọn chuồng ngựa. Phạm Lãi nhiều lúc khóc âm thầm, cho rằng vì mình sức hèn, đức kém nên vua Câu Tiễn và Hoàng hậu mới nhục nhã thế này. Song vua Câu Tiễn nghĩ khác, ông cam chịu mọi khổ nhục để nuôi chí báo thù.
Vua Phù Sai thử lòng vua Câu Tiễn. Một hôm, bắt vua Câu Tiễn nếm phân của mình. Vua Câu Tiễn làm theo mà không chút phân tâm. Vua Ngô cho rằng vua Câu Tiễn đã y phục. Ba năm sau, Ngô Phù Sai trả tự do cho Câu Tiễn. Ba người về nước, chiêu hiền đãi sĩ, mưa tính việc báo thù cho đất nước. Mùa cày ruộng, vua đi cày với dân. Mùa gặt lúa, vua đi gặt với dân. Còn Hoàng hậu thì chăn tằm dệt vải. Câu Tiễn sống thật kham khổ để nuôi chí lớn, lạnh không đắp chăn, nóng vẫn nằm bên bếp lửa. Một lần, Phạm Lãi đến gần chỗ vua thường nằm phát hiện ra, dưới chỗ vua nằm là một lượt gai, phía trên treo lủng lẳng một túi mật, thỉnh thoảng vua lại nhấm một giọt. Thấy lạ, Phạm Lãi bèn hỏi:
- Muôn tâu, sao lại như thế này?
Câu Tiễn thong thả trả lời:
- Tự hành, đó cũng là nuôi chí. Ta làm như vậy là để nhớ những cay đắng, tủi nhục từ trận Cối Kê thảm hại năm xưa.
Ít lâu sau, nước mạnh, dân giàu, Phạm Lãi giúp mưu kế để vua Câu Tiễn dàn trận đánh nước Ngô. Nước Ngô suy yếu lại rơi vào tay Câu Tiễn (1)
Lịch sử đấu tranh chống xâm lược, bao gương “ngậm thù lớn”, “nuôi chí bền” mà làm nên chiến thắng. “Nếm mật nằm gai há phải một hai sớm tối” (Cáo Bình Ngô) cho đến thời đại ngày nay đánh đuổi giặc Pháp, giặc Mỹ vẫn là bài học nuôi chí bền nằm gai nếm mật để chiến thắng kẻ thù. Ngoại trừ phục thù mang tính cá nhân, còn nằm gai nếm mật vẫn là đức tính chịu hy sinh, gian khổ truyền từ đời cha ông. Tuy nhiên, nên hiểu “nằm gai nếm mật” với nghĩa rộng hơn, không chỉ bó khuôn trong nghĩa đen của truyện này.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn
(1) Theo truyện “Báo thù”, Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, NXB Văn học, 2003.
Nhạt phấn phai hương
Người phụ nữ bao giờ cũng có thời xuân sắc, trẻ trung, lọt vào mắt xanh bao chàng trai, và làm cho họ say mê, đeo đuổi. Nhưng thời đó cũng phải qua, nhan sắc cũng tàn tạ theo thời gian năm tháng, đó là lúc nhạt phấn phai hương:
Lòng phiền, nhạt phấn phai hương
Ủ ê mày liễu võ vàng mắt hoa.
(Truyện Phương Hoa)
Ai cũng hiểu thành ngữ nhạt phấn phai hương chỉ sự tàn phai nhan sắc do tuổi tác của người phụ nữ. Nhưng hiểu hương, phấn trong thành ngữ này là gì thì lại không đơn giản. Thoạt tiên, nhiều người cho rằng hương, phấn ở đây là các loại xa xỉ phẩm dùng để hoá trang, tôn thêm sắc đẹp cho người phụ nữ. Vậy thì nhạt phấn phai hương có liên quan gì đến tuổi già? Nhạt phấn phai hương trong trường hợp phấn hương là đồ hoá trang chỉ liên quan đến cách sống, lối sống cá nhân, do chủ quan tạo ra. Trong khi đó, tuổi già là do quy luật khách quan chế định, tác động. Thành ra, cách hiểu này chưa thoả đáng.
Thực ra, phấn hương trong nhạt phấn phai hương là hệ quả của sự ước lệ. Trước đây người ta ví người phụ nữ như một bông hoa (làm hoa để người ta hái, làm gái để người ta thương). Lúc còn xuân sắc, đương thì cũng là lúc hoa vừa mới nở, đang đưa hương và khoe sắc phấn. Lúc hoa tàn, thì phấn hương sẽ phai nhạt. Khi người con gái về già, thì nhan sắc tàn tạ dần đi cũng tựa như hoa tàn thì hương phấn tất phải nhạt phai. Như vậy, theo phép ước lệ của truyền thống văn hoá cổ thì hương, phấn trong nhạt phấn phai hương chính thực là hương phấn của hoa. Tuy nhiên về sau này người ta dễ dàng bỏ qua điều đó, nghiễm nhiên xem phấn, hương trong thành ngữ này là các chất hoá trang thường dùng của phụ nữ. Cứ vậy, người ta chỉ hiểu ý nghĩa chung của thành ngữ mà mặc nhiên xem phấn hương là chuyện đã biết và dễ hiểu như thế. Theo cách hiểu này và theo khuôn mẫu có sẵn của nhạt phấn phai hương người ta tạo lập các dạng thức mới của thành ngữ này, lệ như nhạt phấn phai son (hay phai son nhạt phấn):
“Tưởng không nổi giận duyên tủi phận
Tưởng không điều nhạt phấn phai son"
(Khuyết danh “Bần thán nữ”)
“Nơi lạnh lẽo, nơi xem gần gặn
Há phai son lạt phấn ru mà”
(Nguyễn Gia Thiều “Cung oán ngâm khúc”).
Như nước đổ đầu vịt
Như đã biết, đầu vịt đã bị thon, lại hơi nhô. Lông ở đầu vịt thường dày và mượt. Thành ra, nước đổ lên đầu vịt cứ trôi tuồn tuột, chẳng dành thấm vào đâu được. Hiện tượng có thực này dễ làm người ta liên tưởng đến việc không tiếp thu lời khuyên bảo ban của một số người. Ở họ, dẫu có cố công giảng giải, răn bảo bao nhiêu thì cũng vô ích. Họ không ghi nhớ, không hiểu ra do kém trí thông minh, ít hiểu biết hoặc trì độn. Nhưng cũng có khi không phải vì kém cỏi, tối dạ mà là do sự bướng bỉnh, gàn quấy, hiểu cả đấy, biếtt là lời hay lẽ phải đấy, nhưng cứ không nghe theo không làm theo như chẳng nghe gì cả. Kẻ dốt nát thì không tiếp nhận lời dạy bảo là chuyện bình thường. Họ cứ ù ù cạc cạc như vịt nghe sấm. Nói với họ rõ là chán, nói với đầu gối còn hơn. Như vậy, cả kẻ dốt nát và kẻ bướng bỉnh đều gặp nhau ở chỗ là mọi lời giáo huấn, chỉ dẫn đều vô tích sự, đều vô dụng, không mang lại hiệu quả gì.
Dần dần thành ngữ "nước đổ đầu vịt" được mở rộng để chỉ sự vô tác dụng, vô ích, không có kết quả nói chung.
Gần nghĩa với "nước đổ đầu vịt" còn có một loạt thành ngữ như: như nước đổ lá khoai (môn), như nước đổ đầu chày...
Như vợ chồng ngâu
Câu này hàm ý chỉ cảnh vợ chồng xa cách, biệt ly.
Chuyện kể:
Ở một khu rừng nọ có một cái suối trong. Các nàng tiên trên trời thường đến suối tắm vui đùa thỏa thích, người ta gọi là Suối Tiên. Khi tắm, các nàng đều chút bộ cánh trên bờ, xuống bơi lội đùa giỡn cho thỏa thích. Một hôm có chàng đốn củi mải mê ngắm nhìn.
Bỗng có ba cánh trắng để trên bờ, chàng ta bèn lấy trộm một bộ rồi nấp vào bụi cây.
Tắm xong, ba nàng tiên lên bờ. Hai nàng nhận được bộ cánh của mình bay vụt lên trời. Còn một nàng mất cánh đang ngơ ngác thì anh chàng đốn củi bước ra.
Nàng tiên cầu khẩn:
- Hỡi chàng trai, hãy vui lòng trả cho ta đôi cánh để ta về trời.
Chàng trai tươi cười trả lời:
- Nàng đã thuộc về ta, nàng hãy theo ta về làm vợ.
Kẻ xin, người giữ, nhùng nhằng mãi cho đến xế chiều, nàng tiên đành lòng theo chàng trai về nhà. Từ đó nàng tiên trở thành vợ người đốn củi. Họ sinh hạ được một người con trai. Một hôm, chàng đốn củi có việc phải đi xa. Chàng dặn vợ:
- Mẹ con nàng ở nhà, có ăn thì ăn đụn lúa vàng, rồi sang đụn lúa gié, chớ ăn đụn lúa giệ, có tổ ong vò vẽ, đốt cả mẹ lẫn con.
Nhưng người vợ ở nhà không làm theo người chồng dặn. Sau khi ăn hết đụn lúa vàng, nàng chuyển sang đụn lúa giệ. Không thấy có tổ ong vò vẽ nàng sinh nghi. Tìm tòi một lúc nàng nhận ra bộ cánh của mình chồng giấu trong cót thóc.
Được cánh, nàng tiên nóng lòng về thăm cha mẹ. Nhưng vì thương con nên nấn na chưa chịu về. Sắp đến ngày chồng về, một buổi nàng bèn làm thật nhiều bánh và dặn con:
“Con ở nhà, hễ khi nào đói bụng thì lấy bánh ra mà ăn, đợi cha về con nhé!”.
Đoạn gài lên áo con một chiếc lược và bảo:
- Con ở nhà nhớ giữ chiếc lược cho cha.
Rồi nàng bay bổng lên không trung về trời.
Người chồng về thấy chiếc lược trên áo con thì đoán ngay ra nông nỗi. Hai cha con buồn rười rượi, côi cút ngóng trông.
Một hôm, chàng bế con ra suối tiên, nấp vào chỗ kín. Trưa hôm sau một bà tiên già từ trên trời cầm lọ xuống lấy nước. Chàng tiến lại gần và cầu khẩn:
- Hỡi bà tiên. Bà hãy thương cha con tôi. Ba năm trước đây có nàng tiên xuống tắm chốn này, nàng đã làm vợ tôi và sinh hạ với tôi thàng bé này. Nay nàng đột ngột trở về trời để lại niềm thương nhớ cho hai cha con chúng tôi.
Bà tiên cầm lọ nước giơ lên như làm phép rồi nói:
- Nàng tiên đó là Ả Chức. Ả Chức hàng ngày dệt vải nhưng luôn nhớ chồng, nhớ con. Được, ta sẽ giúp ngươi.
Nói đoạn bà tiên múc lọ nước bay lên trời. Chiều hôm đó, có hai người nhà trời đem túi nhà trời đưa cho cha con người đốn củi bay vút lên chín tầng mây. Đến canh khuya, hai cha con được vào cõi lộng lẫy. Trước mặt họ, nàng Ả Chức xuất hiện vẫn đẹp như xưa. Vợ chồng, mẹ con gặp nhau mừng mừng, tủi tủi.
Sau khi biết rõ tình cảnh của họ, Ngọc Hoàng thương tình bèn cho cha con người đốn củi ở lại hà trời, giao cho chàng chăn trâu. Sau này người ta gọi chàng là chàng Ngưu, gọi chệch là chàng Ngâu. Hàng ngày, Ngưu thả trâu ăn cỏ bên này bờ sông Ngân Hà, còn nàng Chức dệt vải bên bờ sông kia. Mỗi năm Ngọc Hoàng chỉ cho họ gặp nhau một lần vào ngày mồng 7 tháng 7 âm lịch. Còn đàn quạ thì ngày đó phải đội đá bắc cầu qua sông cho vợ chồng họ gặp nhau. Cầu ấy gọi là cầu Ô Thước.
Từ đó, cứ đến mồng 7 tháng 7 thì trời khác thường. Mưa ào ào rồi lại tạnh ngay, người ta gọi là mưa ngâu. Mưa ngâu thất thường, rỉ rả suốt ngày. Người ta đồn rằng đó là những giọt nước mắt của hai vợ chồng họ được gặp gỡ nhau trong một ngày, rồi lại ly biệt cho đến năm sau.
Từ chuyện trên mà nên thành ngữ “Như vợ chồng Ngâu” để nói cảnh vợ chồng biệt ly. Dân gian cũng mượn cái quy luật của khí hậu thời tiết tháng bẩy mà thêu dệt cảnh nước mắt đặt cho nó cái cái tên mưa ngâu thần thoại, thật hợp với cảnh sụt sùi ly biệt của đôi vợ chồng yêu thương nhau mà khó khăn trắc trở. Có lẽ vì thế mà dân gian vẫn kiêng cưới hỏi vào tháng bảy là thế.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn
Như vợ chồng sam
Câu thành ngữ chỉ vợ chồng chung thủy, sống chết bên nhau, luôn luôn cùng nhau.
Chuyện kể:
Ngày xưa, ở một vùng biển Đông, có hai vợ chồng người đánh cá nghèo. Một hôm chồng ra khơi thả lưới thì bão lớn nổi lên, nhấn chìm cả thuyền đánh cá.
Tin dữ về làng. Người vợ ở nhà, lòng đau như cắt, rồi nàng bỏ nhà ra đi hy vọng tìm thấy chồng.
Người vợ cứ đi, đi mãi, men theo bờ biển đến một hòn núi lớn, rồi mệt quá ngủ thiếp ở dưới một gốc cây.
Đang ngủ thấy một ông lão đầu tóc bạc phơ đứng trước mặt mình. Ông lão nói:
- Ta là thần cây. Thấy nhà ngươi chân tình ta rất thương. Vậy ta báo tin cho nhà người biết là chồng ngươi còn sống, hiện ở ngoài hải đảo.
Nói rồi ông cụ trao cho người đàn bà viên ngọc và bảo:
- Ngươi hãy ngậm ngọc này thì tự nhiên sẽ bay qua biển đến đảo sẽ được gặp chồng. Nhưng nhớ là phải nhắm mắt, ngậm miệng kẻo rơi viên ngọc mà nguy đó.
Ông cụ nói xong biến mất. Người đàn bà ngậm ngọc nhắm mắt bay đi. Đến khi chân chạm đất nàng nở mắt ra thì thấy đã đứng ở bãi cát. Trông thấy chồng, nàng mừng quá. Hai vợ chồng hàn huyên hồi lâu rồi tính chuyện quay về làng.
Người chồng ôm ngang lưng vợ để vợ bay qua biển cả. Người vợ sung sướng không thể nói hết. Vì thế người vợ quên mất lời dặn của thần cây. Người vợ mở miệng, hỏi han chồng. Đột nhiên viên ngọc văng ra. Người vợ chỉ kịp kêu lên một tiếng rồi cả hai sa xuống biển. Rồi sau đó họa hóa thành đôi sam.
Ngày nay, những con sam thường đi cặp đôi lúc nào con đực cũng ôm lấy con cái, giống như đôi vợ chồng bay từ hòn đảo nọ qua biển trời để trở về nhà.(1)
Đôi sam đã trở thành câu vận cho những đôi vợ chồng chung thủy quấn quýt, không thể rời nhau. Cái đức học được là tình chồng vợ cao cả vậy. Từ đặc điểm của đôi sam mà có truyện trên, sau trở thành thành ngữ.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh,
NXB Thông tấn
(1) Theo “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam”, Nguyễn Đổng Chi –NXB Văn học 1973.
Nói có sách, mách có chứng
Nói có sách mách có chứng, nghĩa là nói điều gì đó xác thực, có chứng cứ rõ ràng, có thể kiểm chứng được. Nói có sách, mách có chứng có nghĩa là không nói vu vơ kiểu ăn ốc nói mò, không thêu dệt, không nói kiểu tung tin thất thiệt, bịa đặt dựng chuyện, vu oan giá hoạ để bóp méo, xuyên tạc sự thật hay đổ lỗi cho người khác. Nhưng tại sao, để diễn đạt ý nghĩa đó người Việt Nam lại chọn cách nói như vậy? Có thể bắt đầu từ cấu trúc thành ngữ, sau đó cậy nhờ việc suy xét ý nghĩa dân gian của các từ sách, mách, chứng được dùng trong thành ngữ này để hiểu nội dung thành ngữ. Dễ thấy là, thành ngữ nói có sách, mách có chứng gồm 2 vế: Nói có sách và mách có chứng, được tạo thành trên hai cơ sở của phép đối và điệp. Nói đối với mách, sách đối với chứng. Trong thực tế sử dụng thành ngữ này có thêm một số biến thể khác như: nói phải có sách, mách phải có chứng hoặc nói chẳng có sách, mách chẳng có chứng gì cả. Do vậy, cấu trúc của mỗi vế nói trên cũng có các biến thể khác nhau như đã thấy.
Đối với loại thành ngữ được tạo ra theo kiểu này, khi nắm được ý nghĩa của một trong hai vế, thường là vế thứ nhất, là có thể hiểu được nội dung chính yếu của các thành ngữ. Sách trong quan niệm dân gian là kho báu, là nơi thâu góp được những điều hay, lẽ phải ở đời. Sách là nơi cho những điều tin cẩn, rõ ràng và sự sáng suốt. Sách là mực thước. Soi trong sách có thể nhận được điều chân xác và sự yên tâm ở lời nghe được và những lời nói ra. Nói có sách, mách có chứng mang được ý nghĩa trên, trước hết là nhờ vào ngữ nghĩa dân gian ấy của từ sách. Còn mách trong ý nghĩa nguyên sơ của nó, cũng có nghĩa là nói, nói cho biết, bảo cho biết. Mách trong mách bảo, mách nước cũng với nghĩa như thế. Chứng là chứng cứ. Mách có chứng nghĩa là nói cho ai đó điều gì đó phải có chứng cứ cụ thể, tức điều đem báo, đem mách cho ai đó là điều có thật, đã trông tận mắt, nghe tận tai. Mách có chứng cũng yêu cầu không được nói sai, nói không có căn cứ, nói những điều chưa biết chắc đúng, sai, thật, hư. Mách có chứng cũng có nghĩa là nói đàng hoàng, đúng đắn, công khai, chứ không theo lối mách lẻo hay thóc mách.
Nói nhăng nói cuội
Để cắt nghĩa thành ngữ trên có hai ý kiến. Một ý kiến cho rằng vì “nhăng” có nghĩa là quấy phá nhăng nhít cho nên nó đi với “cuội” là thích hợp để diễn tả cái ý nói năng dối trá không đáng tin cậy. Còn ý kiến khác lại cho rằng “nhăng cuội” chính là do “giăng cuội” nói chệch ra mà thôi. Vì vậy nhăng cuội (hay giăng cuội) thường được dùng ở dạng tách đôi xen vào giữa là hình thức lặp của một động từ nói để biểu thị sự nói năng nhảm nhí, vu vơ, dối trá, chuyện nhăng cuội, hứa nhăng hứa cuội, nói nhăng nói cuội, tán nhăng tán cuội, v.v...
Thành ngữ nói nhăng nói cuội (hay nói giăng nói cuội) mang nét nghĩa chung là nói không thật, nói vu vơ, hão huyền. Trong tiếng Việt còn có thành ngữ gần nghĩa là nói hươu nói vượn. Song ở thành ngữ nói hươu nói vượn không có nét nghĩa dối trá.
Nói toạc móng heo
Ý nghĩa chung của thành ngữ này là như vậy, song cơ chế nảy sinh ý nghĩa đó lại không đơn giản. Như đều biết, móng heo (móng lợn) là một loại sừng cứng bao bọc kín hết ngón chân lợn. Cái vỏ bọc bên ngoài vừa vững, vừa kín như vậy, hẳn là khó lòng biết rõ cái được bảo vệ ở bên trong. Vậy thì, muốn biết ngón chân heo chỉ có cách làm toạc móng. Quả nhiên, làm toạc móng heo, một mặt là làm mất cái che đậy bên ngoài, mặt khác làm bộc lộ rõ hoàn toàn phần bên trong của chân heo. Có lẽ vì thế, đặt nói bên cạnh toạc móng heo tạo nên thành ngữ nói toạc móng heo với sự liên hệ ý nghĩa “làm mất cái vỏ bề ngoài, làm rõ cái bên trong”. Sự liên hội này đã đưa vào trong nội dung ý nghĩa của thành ngữ hai nét nghĩa: nói không che đậy, nói trắng ra.
Thành ngữ nói toạc móng heo còn có biến thể là nói toạc móng lợn, song biến thể này ít được sử dụng.
Nợ như chúa Chổm
Hễ ai mắc nợ nhiều, nợ người này chưa kịp trả đã phải đi vay người khác, cứ thế chồng chất, nợ đìa ra… thì được gọi là “nợ như chúa Chổm”. Vậy chúa Chổm là ai?
Tục truyền, chúa Chổm là nhân vật có thật trong lịch sử nước nhà. Thuở hàn vi, chúa Chổm mắc nợ nhiều. Khi được lên ngôi vua và rước về kinh thành Thăng Long thì bị đòi nợ suốt dọc đường. Chủ nợ thật cũng nhiều mà chủ nợ “hôi” cũng lắm, chúa Chổm làm sao mà nhớ được! Lúc đầu, vẫn cái tính “vung tay quá trán” nên cứ ai hỏi là trả, nhưng, khi thấy “chủ nợ” mỗi lúc một đông, chúa Chổm bèn ra lệnh chỉ trả cho đến khi về tới ngã tư Cấm Chỉ (ở cạnh Hàng Bông gần Cửa Nam xưa có ngõ Cấm Chỉ).
Rượu chè, cờ bạc là “bác thằng bần”, chúa Chổm – hay ai bây giờ mắc nợ nhiều như chúa Chổm, cũng chỉ vì hoặc cả hoặc chỉ cần mắc một trong những thứ nghiện trên. Ca dao còn ghi lại:
Vua Ngô băm sáu tán vàng
Chết xuống âm phủ chẳng mang được gì
Chúa Chổm uống rượu tì tì
Chết xuống âm phủ kém gì vua Ngô.
Ngang như cua
Do cấu trúc cơ thể, nên cua bò ngang chứ không tiến thẳng như con vật khác. Còn có câu: Ngang như cành bứa. Nghĩa bóng: Rất ngang bướng, nói năng, cư xử khác lẽ thường, khăng khăng không chịu nghe theo người khác.
Chuyện kể:
Ngày xưa, có một cô gái xinh đẹp sống với dì ghẻ. Cô gái nết na, làm đủ mọi việc trong nhà, suốt ngày vất vả. Mụ dì ghẻ có một cô con gái vừa xấu người, vừa xấu nết. Nó đỏng đảnh hết chỗ nói. Lúc nào nó cũng vênh váo, kiêu kỳ, không nghe bất kỳ lời khuyên nào nên chẳng làm được một việc gì. Mẹ nó bảo nó đi lấy tấm cho gà ăn thì nó làm ngược lại, đổ ngô tứ tung ra sân, còn liến thoắng cho rằng: “Gà cồ thì ăn ngô hạt”. Bảo nó đi giặt quần áo thì nó bảo, nó là “cành vàng lá ngọc”, không phải mó tay giặt giũ... Vì vậy, bao nhiêu việc đều đổ lên đầu cô gái con chồng.
Hai cô gái đến tuổi gả chồng. Nhưng bao nhiêu chàng trai đến dạm ngõ đều muốn hỏi cô gái mồ côi, làm cho mụ dì ghẻ tức giận.
Một hôm, thấy cô mồ côi mặc cái váy hoa, mụ dì ghẻ sôi máu, xấn xổ vào cô gái đáng thương:
- Con ranh kia, mày ăn cắp hay gã đàn ông nào cho mày chiếc váy? Đồ lười chảy thây.
Nói rồi mụ dì ghẻ ra đòn, đánh mắng cô gái thậm tệ. Cô gái bị đòn đau mới thưa rằng:
- Mẹ ơi, con chẳng ăn cắp mà cũng chẳng có người đàn ông nào cho con cả. Chiếc váy này của một bà cho con đấy chứ...
- Làm gì có bà già nào tốt bụng thế!
Mụ nghiến răng ken két, bắt cô bé mồ côi khai ra bằng hết.
Cô bé mới kể: Hôm ấy, cô ra sông giặt quần áo, bỗng có bà cụ rách rưới bẩn thỉu đứng bên cạnh cô, xin nước uống. Nước sông đục ngầu nên cô lấy ống nước đem theo cho bà cụ uống. Bà cụ uống xong, liền cho cô gái cái bọc nhỏ, bảo là thưởng cho lòng tốt của cô. Mở ra, cô thấy chiếc váy đẹp. Quay lại không thấy bà già đâu nữa.
Mụ dì ghẻ nghe kể mới nghĩ ngay đến bà tiên. Liền đó, sáng hôm sau mới xui con gái mình ra sông giặt giũ, mong may mắn được gặp tiên. Cứ thế vài lần, một hôm, cô gái đỏng đảnh này bỗng thấy một bà cụ tiều tụy xuất hiện. Bà cụ tới gần bảo:
- Vạt váy của tôi lấm bùn. Cô làm ơn lấy nước gột giúp tôi với.
Cô gái cong môi đáp:
- Cái bà già bẩn thỉu này, hãy đi ra khỏi chỗ này. Thật là ghê tởm, ghê tởm.
Bà già nói:
- Thật đúng là một đứa con gái hư. Con bé này không giống con bé kia.
Nó mới sực nghĩ ra:
- Sao bà biết chị tôi à?
Nó mới định mở miệng xin lỗi thì bà cụ liền bảo:
- Một con người độc ác mà lại ngang ngạnh thì không trở thành cô gái xinh đẹp được. Bà cụ nói xong biến mất. Liền sau đó, cô gái đỏng đảnh cũng biến mất.
Chỗ cô ta vừa đứng xuất hiện một con vật nho nhỏ, mình cõng một tảng đá, chân cẳng tua tủa. Nó chính là con cua do bà tiên trừng phạt cô gái xấu bụng mà biến thành. Cô gái lúc là người thì nganh ngạnh, chẳng nghe lời ai nên khi nó biến thành con cua, nó phải bò ngang, chứ chẳng được đi thẳng. Con cua bò ngang, nên sau này người đời thấy kẻ nào ngang bướng là lại ví ngang như cua là vậy.
Từ chuyện con cua có cấu trúc như vậy nên chỉ bò ngang, khác với giống vật khác, nên dân gian khéo vận vào cuộc sống để chỉ những người ngang ngạnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Đó cũng là một tính xấu của con người không biết nghe lời hay, lẽ phải cứ làm theo ý mình. Cũng có thể từ đặc tính của con cua mà có chuyện trên để nói về sự tích con cua.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn
Ngựa quen đường cũ
Chuyện với nghĩa đen thì con ngựa tài tình, giúp chủ tìm lại đường về, đó là do khứu giác. Vận dụng vào cuộc sống, dân gian đã nói chệch đi, lại chỉ ra rằng: Quen cái mùi cũ, cái việc cũ mà không dứt ra được, tật nào vẫn chứng ấy, khó hòng mà cải sửa, cứ lao đầu vào. Vận như thế quả thật tài tình.
Ngựa có khứu giác tốt, nhớ đường đã đi qua.
Nghĩa bóng: Chứng nào vẫn tật ấy, không chịu sửa chữa khuyết điểm.
Còn có câu: Tật nào vẫn theo chứng ấy; Hổ chết chẳng hết vằn.
Chuyện kể:
Tương truyền Quản Trọng người nước Tề có nghề nuôi ngựa nuôi voi. Ông hiểu tính nết chúng như thể là nói chuyện được với voi với ngựa. Quản Trọng có một chú ngựa đực, ức nở, lông mượt, dáng phi nước kiệu như gió. Ngày ngày, Quản Trọng thường cưỡi nó đi thuyết giáo thiên hạ. Lần ấy, Quản Trọng tìm đến nhà Thấp Bằng bàn chuyện đánh nước Cô Trúc. Đến nhà Thấp Bằng, Quản Trọng thả ngựa ra vườn cho nó gặm cỏ. Trong khi hai chủ nhân bàn chuyện thì con ngực đực nghe tiếng hí cách đấy không xa của con ngựa cái của Thấp Bằng. Ngựa cái vừa cựa mình vào dóng tàu ngựa, vừa hí. Con ngựa của Quản Trọng cũng hí ra điều chào lại. Con ngựa cái kia gại gại đôi chân sau xuống cỏ để tỏ tình. Thế là chúng làm quen với nhau và trở nên thân thiết.
Mấy hôm sau, khi trở lại nhà rồi con ngựa của Quản Trọng nhớ bạn, nhân lúc được thả thong dong ngoài vườn, nó mới vượt đường xa, tranh thủ đến thăm bạn ngựa cái của nó. Đường cát trắng phau, không có dấu chân đi, mặc dù con ngựa mới chỉ một lần theo chủ, nhưng nó như đã quen thuộc lắm, cứ phăng phăng một lèo tìm đến nơi.
Con ngựa cái của Thấp Bằng thấy bạn ngựa đến thì vui mừng, hí lên mấy tiếng, như có ý hỏi: “Làm sao mà anh biết đường”. Ngựa đực lấy chân cào cào xuống cỏ cũng như muốn trả lời rằng: “Ấy là giống ngựa nhà ta một lần là quen đường cũ”. Gặp bạn, quyến luyến nhưng cũng phải trở về với chủ. Khi nó về đến nơi, biết vậy, Quản Trọng không trách nó mà còn khen nó.
- Quả là mày có tình có nghĩa.
Quản Trọng cùng Thấp Bằng dựng cờ theo Tề Hoàn Công đi đánh nước Cô Trúc. Trận mạc xông pha, hết Nam lại Bắc. Khi đi là mùa Xuân, khi trở về đã chuyển mùa Đông, tuyết rơi xoá hết đường cũ, khiến Quản Trọng và Thấp Bằng không còn nhớ đường về, lang thang nơi rừng sâu tuyết thẳm.
Bỗng Quản Trọng nhớ lại lần ấy, con ngựa của mình tìm đường đến con ngựa cái của Thấp Bằng mới cho rằng chỉ có con ngựa mới tìm được đường, bèn nói với nó:
- Trí nhớ của mày tốt, mày hãy đưa chúng tao về chốn cũ.
Con ngựa như hiểu ý, nó hí lên vài tiếng. Quản Trọng cho thả ngựa ra, con ngựa ung dung thong thả lên đường. Đoàn quân theo sau con ngựa đi vòng qua các khe sâu, rừng thẳm, tuyết dầy tìm được đường về nước. Đoàn người thoát khỏi cảnh lưu lạc, mới nói với Quản Trọng:
- Quả thật, nếu không có ngựa của ngài quen đường cũ, thì chúng ta đâu được như hôm nay.
Theo “Cổ học tinh hoa” Nguyễn Văn Ngọc – NXB Văn học, 2003
---------------------
Chuyện với nghĩa đen thì con ngựa tài tình, giúp chủ tìm lại đường về, đó là do khứu giác. Vận dụng vào cuộc sống, dân gian đã nói chệch đi, lại chỉ ra rằng: Quen cái mùi cũ, cái việc cũ mà không dứt ra được, tật nào vẫn chứng ấy, khó hòng mà cải sửa, cứ lao đầu vào. Vận như thế quả thật tài tình.
(Theo “Đi tìm điển tích thành ngữ”. NXB Thông Tấn)
Nhanh như cắt
Cắt: Loài chim dữ, cánh có lông cứng và nhọn, bay nhanh, hay đánh loài chim khác. Còn có câu: Nhanh như bay Nhanh như điện Nhanh như sói Nhanh như tên bắn.
Chuyện kể:
Xưa, một con diều và một con chim cắt kết bạn với nhau, rủ nhau đi kiếm ăn. Lúc đầu, hai con kiếm được nhiều mồi lắm. Vì diều thì mắt sắc, trông đâu cũng rõ, mà cắt thì nhanh lẹ, sà xuống cái là phỗng được ngay.
Bởi vậy, các loài gà thấy bóng hai con đâu là lánh trước, thành ra hai con sau này khó kiếm được mồi. Cùng đi với nhau, thấy không có lợi, mới tự bàn chia nhau mỗi con một đường.
Diều đi một lúc, thấy đám gà con, sà xuống bắt ngay được một chú, lấy làm sướng lắm tha về, đợi xem cắt bắt được con gì nữa thì rồi cùng ăn chung cho vui.
Ngờ đâu, cắt chẳng đi bắt mồi, lại lộn về không. Cắt trông thấy diều đứng chờ, lại có con gà con ở bên, bèn thoáng một cái lẻn đến cắp ngay gà mà bay đi. Diều đuổi theo. Hai con đánh nhau dữ dội. Diều tuy to và bạo, nhưng không lại được với cắt, dù nhỏ nhưng nhanh. Diều đành chịu mất gà. Từ đó, diều không làm bạn với cắt nữa.
Giận cắt lắm, muốn trả thù nên diều đi làm bạn với quạ. Hai con hợp sức nhau lại đánh cắt. Diều nói:
- Không đánh nó, có miếng mồi nào nó cướp hết. Chả lẽ diều, quạ chúng ta to khỏe thế này lại thua con cắt bé xíu.
Quạ đồng ý, nói:
- Chả nhẽ khôn như quạ ta đây mà lại chịu thua con cắt nhãi ranh.
Thế rồi, một hôm hai con bắt gặp con cắt đang lượn lờ trên không trung mới hò nhau đánh cắt. Cắt thấy quạ và diều đến bèn như mũi tên lao vút từ trên xuống. Quạ và diều đuổi theo. Cắt lại nghiêng cánh lao ngay, rồi bất thình lình mổ một cái đau điếng vào đầu diều. Xong đâu đấy nó giả chết nằm ngửa giữa không trung. Quạ và diều sà xuống, nó liền đạp vào bụng diều và quạ. Nó cứ thế đánh móc vào lườn, vào đầu làm cho quạ và diều bơ phờ, lông bay tứ tung.
Quạ chịu thua, mệt quá, mới đậu vào cành cao mà kêu diều rằng:
- Nó nhỏ nhưng nhanh lắm. Chúng ta không thể làm gì nó được.
Lúc đó có ngọn gió vừa tới bảo với quạ và diều rằng:
- Ồ chúng bay chẳng hay, người ta chả có câu “nhanh như cắt” là gì. Nó còn nhanh hơn cả gió tao đây.
Nhanh để mổ, cướp giật của thiên hạ thì thật là đáng trách. Cái thói chảo chớp nửa công khai, nửa lén lút thường người đời phán cho kẻ ăn cướp, ăn trộm đó chẳng khác gì giống cắt ở truyện trên. Còn như nhanh nhẹn hoạt bát trong công việc để chớp lấy thời cơ, làm có hiệu quả thì lại là điều đáng khen lắm thay.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn
Niêu cơm Thạch Sanh
Câu thành ngữ chỉ của cải vật chất không bao giờ hết, hết lại có, vơi lại đầy.
Niêu là một loại nồi nhỏ được làm bằng đất nung để nấu cơm, kho cá.
Thạch Sanh là nhân vật trong truyện cổ tích, hiền lành khỏe mạnh có công giết đại bàng cứu công chúa. Niêu cơm Thạch Sanh biến hóa, ăn không bao giờ hết.
Chuyện kể:
Sau khi chém được chằn tinh, giết đại bàng cứu công chúa, Thạch Sanh được nhà vua làm lễ cưới gả công chúa Quỳnh Nga cho. Lễ cưới của họ tưng bừng nhất kinh kỳ. Thấy vậy, hoàng tử các nước chư hầu trước kia bị công chúa khước từ lấy làm tức giận. Họ hội binh lính 18 nước kéo sang đánh. Thạch Sanh xin nhà vua đừng động binh. Chàng một mình cầm cây đàn ra trước quân giặc. Tiếng đàn của chàng vừa cất lên thì quân sĩ 18 nước bủn rủn tay chân, không còn nghĩ gì tới chuyện đánh nhau nữa. Cuối cùng các hoàng tử phải cởi giáp xin hàng. Thạch Sanh sai dọn một bữa cơm thết đãi những kẻ thua trận. Cả mấy vạn tướng lĩnh, quân sĩ thấy Thạch Sanh chỉ cho dọn ra vẻn vẹn có một niêu cơm tí xíu thì bĩu môi không muốn cầm đũa. Biết ý, Thạch Sanh đố họ ăn hết được niêu cơm và hứa sẽ trọng thưởng cho những ai ăn hết. Quân sĩ mười tám nước ăn mãi, ăn mãi nhưng niêu cơm bé xíu cứ hết lại đầy. Cảm phục và sợ hãi chúng cúi đầu lạy tạ vợ chồng Thạch Sanh rồi kéo nhau về nước.(1)
Niêu cơm bé xíu nhưng chính là tượng trưng cho uy quyền, cho sự thần thông biến hóa để được sự giàu có thịnh vượng, cho thỏa mãn ước mơ ở đời. Vận câu thành ngữ này vào cuộc sống mang nhiều ý nghĩa.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh,
NXB Thông tấn
(1) Theo truyện “Thạch Sanh” Nguyễn Đổng Chi – NXB KHXH, 1973
Nước chảy chỗ trũng
Nước là chất lỏng nên chảy từ chỗ cao xuống chỗ thấp là quy luật tự nhiên. Nghĩa bóng câu này chỉ của cải, lợi lộc cứ dễ dàng rơi vào tay kẻ giàu có, đã giàu lại càng thêm giàu. Còn có câu: Của cải vào cả nhà giàu.
Chuyện kể:
Một hôm, thần nước đến lò giời để kiện thần mây. Thần nước tâu:
- Thưa! Cái anh thần mây thật chẳng công bằng chút nào, lấp nắng của lò giời làm cho hạ giới chỗ được nắng, chỗ thì râm.
Lò giời gọi thần mây lại quở:
- Mi thật thiếu công bằng, sao cứ che lấp nắng của hạ giới.
Thần mây giận bảo:
- Đấy là vì gió thổi, tôi lang thang trên không trung, gió mạnh thì bay nhanh, gió nhẹ thì bay chậm. Thần mưa cưỡi lên tôi che lấp cả nắng, vậy lại còn kiện tôi là cớ sao!
Lò giời giải thích:
- Chẳng qua Thần mưa muốn công bằng, nơi nào cũng có nắng, giống như nó muốn nơi nào cũng có nước vậy.
Thần mây tức giận bảo:
- Vậy muốn công bằng, cứ thử xem.
Thế là Thần mây sà xuống thấp, làm cho Thần nước tích tụ lại, nặng dần rồi rơi xuống thành nước rơi xuống hạ giới. Thần nước cứ chảy tràn khắp nơi, từ chỗ cao xuống chỗ thấp, cố lấp đầy các chỗ thiếu nước, mong rằng mặt đất nơi nơi đều có nước cho công bằng, thành thử nước từ đấy cứ chảy về chỗ trũng, còn chỗ đất cao thì khô ráo, cần nước lại chẳng thấy đâu. (1)
Chỗ cao thì thường thiếu nước, không có nước. Chỗ trũng thường thì có nước hoặc nhiều nước. Vậy mà nước lại cứ chảy vào chỗ trũng. Hiện tượng tự nhiên thì không lấy gì làm lạ, nhưng lạ là ở xã hội, có kẻ đã giàu rồi thì thường cứ giàu mãi. Đã giàu có lại hay được lộc, được biếu xén, như thế đâu có công bằng. Thần mưa muốn công bằng nhưng Thần mưa là chất lỏng nên cứ theo quy luật lại chảy vào chỗ trũng, vậy thì lại đẩy sự phân cấp giàu nghèo càng cao.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn
(1): Theo “Truyện cổ nước Nam”, Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, NXB Văn học, 2003.
Nước mắt cá sấu
Cá sấu là một loại bò sát mạnh bạo, ăn thịt động vật mà nó bắt được. Loài vật này có thể tấn công và bắt những con vật to lớn khoẻ mạnh như trâu bò và có khi là con người khi vô tình rơi vào phạm vi hoạt động của nó. Do đó người ta xếp cá sấu vào loại động vật hung bạo nguy hiểm. Có một điểm đặc biệt là sau khi nuốt chửng con mồi, khoé mắt cá sấu lại chảy nước tương tự như con người chảy nước mắt khóc thương ai đó...Vì sự tương quan này người ta nghĩ là cá sấu đã khóc cho nạn nhân của nó, kẻ vừa bị nó cướp đi sinh mạng.
Dựa vào tính cách khóc thương kiểu của cá sấu này, người ta liên tưởng đến những hạng người giả dối trong xã hội. Một mặt hại người, hại bạn, một mặt thì nói lời tử tế hiền lành. Một mặt thì làm điều xằng bậy, một mặt nói lời giả nhân, giả nghĩa.
Trong dân gian còn có câu "miệng thì nam mô bồ tát, trong bụng vác một bồ dao găm”. Hạng người này thật là nguy hiểm!
Theo: KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ
HOÀNG VĂN HÀNH (chủ biên)
VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
VIỆN NGÔN NGỮ HỌC
NXB VĂN HÓA SÀI GÒN