Thứ bảy, 20/04/2024 - 23:32

Yếu tố “kì” trong Tây du kí

Thế giới nhân vật Tây du kí là một thế giới tràn đầy những yếu tố kì lạ. Những đặc điểm kì lạ về vòng đời, về hình tướng, về năng lực biểu hiện rõ tính thần kì của các nhân vật...

     Nói đến tiểu thuyết cổ đại Trung Quốc, không thể không nói đến một phương diện quan trọng làm nên sắc thái độc đáo của thể loại văn học phong phú, đồ sộ này. Đó là cái mà Ngô Thánh Tích gọi là "tính truyền kì".

     Tây du kí là bộ tiểu thuyết thần ma đặc sắc nhất, có nhiều độc giả nhất của tiểu thuyết cổ điển Trung Hoa. "Kì" - hạt nhân của tính truyền kì - là yếu tố rất cơ bản làm nên phẩm chất nghệ thuật đặc biệt của Tây du kí. Và nhờ đó, nó vinh dự trở thành đại biểu sáng giá cho những "tác phẩm có tính truyền kì" trong tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc.

     “Kì” là một phạm trù thẩm mĩ đặc trưng truyền thống của văn học Trung Quốc. Yếu tố “kì” có vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển loại hình tự sự nói chung, lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc nói riêng. Tây du kí là một tác phẩm tiêu biểu vừa có tính thần kì (chủ yếu thể hiện ở phương diện nội dung đề tài, vừa có tính truyền kì (chủ yếu thể hiện ở nghệ thuật hư cấu sáng tạo của tác giả. Hai phương diện này kết hợp hài hoà chặt chẽ tạo nên giá trị thẩm mĩ tổng hợp của tác phẩm. Từ nhân vật, cốt truyện đến kết cấu tác phẩm; tất cả đều thể hiện một cách sinh động, phong phú phẩm chất “kì lạ”. Yếu tố “kì” biểu hiện trong toàn bộ cấu trúc và góp phần quan trọng làm nên vẻ đẹp nghệ thuật độc đáo của tác phẩm.

     Thế giới nhân vật Tây du kí là một thế giới tràn đầy những yếu tố kì lạ. Những đặc điểm kì lạ về vòng đời, về hình tướng, về năng lực biểu hiện rõ tính thần kì của các nhân vật, đồng thời cho thấy rõ quan hệ máu thịt giữa thế giới nhân vật Tây du kí với thế giới nhân vật thần kì trong thần thoại, truyền thuyết và hệ thống tiểu thuyết thần ma nói chung. Chính vì vậy mà nhiều nhà nghiên cứu đã khá nhất trí khi coi Tây du kí là “bộ truyện lãng mạn mang màu sắc thần thoại”, “một truyện thần thoại”, “bộ tiểu thuyết thần thoại"...

     Tuy nhiên, thần thoại là nghệ thuật không tự giác, và mang tính hình tượng một cách vô ý thức. Còn Tây du kí là sản phẩm sáng tạo tự giác, có ý thức của nhà văn. Vì vậy, ở thế giới nhân vật Tây du kí, người ta có thể nhìn thấy tất cả những biểu hiện bình thường trong cuộc sống con người. Ranh giới giữa các phạm trù đối lập: cao quí – thấp hèn – chính – tà , tốt – xấu, thiện - ác… trong thế giới nhân vật không phải lúc nào cũng rạch ròi tuỳ theo vị trí không gian của chúng theo trục thẳng đứng như mô hình quan niệm văn hoá chung thời trung cổ. Những đặc điểm kì lạ về tâm lí, tính cách, đặc biệt là “kì tình” của nhân vật biểu hiện sâu sắc tính xã hội; đồng thời nói lên mối quan hệ thân thuộc giữa thế giới nhân vật Tây du kí với thế giới nhân vật trong truyện truyền kì, chí dị từ thời Đường – Tống đến thời Minh – Thanh.

     Sự kết hợp nhuần nhị “thần tính”, “quái tính”, “vật tính”, “nhân tính” trong hư cấu sáng tạo nhân vật làm nên đặc trưng thẩm mĩ phong phú, độc đáo của thế giới nhân vật Tây du kí. Ở đó có thể thấy rõ sự kết hợp việc nhân hoá tự nhiên (phương thức thần thoại) với trần tục hoá thần tiên (phương thức tiểu thuyết), kết hợp hình tượng hoá các khái niệm trừu tượng với việc cường điệu hoặc ảo hoá đặc điểm nào đó của tâm lí, tính cách con người. Điều này khiến cho các nhân vật có sự thống nhất cao độ giữa hai mặt đối lập là tính tự nhiên và tính xã hội. Yếu tố “kì” do đó không những không làm phương hại mà còn có ý nghĩa làm nổi bật yếu tố “chân”, đem lại tính chân thực và sức sống mạnh mẽ cho hình tượng nhân vật.

     Yếu tố “kì” trong thế giới nhân vật Tây du kí rõ ràng không phải chỉ được tạo ra dưới ảnh hưởng các quan niệm của hai tôn giáo Phật, Đạo; mà còn chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo và những khái quát triết lí, những biểu tượng và giá trị văn hoá đã được tích luỹ lâu dài trong thực tiễn đời sống của nhân dân Trung Quốc. Tính chất “hỗn hợp” này, một mặt thể hiện tư tưởng “tam giáo đồng nguyên” vốn rất thịnh hành trong đời sống xã hội Trung Quốc ở nhiều thời kì lịch sử khác nhau. Mặt khác, nó góp phần khẳng định Tây du kí là một tác phẩm nghệ thuật đích thực. Những giáo lí, giáo nghĩa và ngay cả những hình tượng tôn giáo được thể hiện trong tác phẩm không phải nhằm mục đích tôn giáo mà là nhằm mục đích nghệ thuật. Đó là sự vận dụng để tạo ra yếu tố “kì”, nhằm đem sức hấp dẫn mạnh mẽ nhất, ý nghĩa xã hội sâu sắc nhất cho hình tượng. Thế giới nhân vật Tây du kí vì thế tuy kì lạ mà vẫn không rơi vào “hoang đản” đến độ phi lí như truyện chí quái hay các loại truyện thần tiên đạo hoá khác. Ngay cả ở những nhân vật “quái” nhất, người đọc cũng cảm thấy rất gần gũi vì chúng đều thể hiện nội dung tình và lí trong đời sống xã hội.

 

***Trích dẫn từ Khóa luận tốt nghiệp Cử nhân Văn học năm 2010: 

“HÌNH TƯỢNG TÔN NGỘ KHÔNG TRONG TÂY DU KÍ CỦA NGÔ THỪA ÂN”

Giảng viên hướng dẫn: ThS. Nguyễn Thanh Diên

Sinh viên thực hiện     : Đỗ Thái Hà

Trường: Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội



Bài viết liên quan
Không khí vùng miền được thể hiện qua ca từ

Không khí vùng miền được thể hiện qua ca từ

Toàn bộ hình ảnh của dân tộc, mỗi vùng đất, mỗi con người, mỗi nét đẹp văn hóa đều hiện lên chân thực, sống động, cái riêng hòa trong cái chung, tổng hợp để làm nên một sức mạnh kì diệu...
Vấn đề gieo vần trong ca từ

Vấn đề gieo vần trong ca từ

Vần là sự hòa âm, sự cộng hưởng nhau theo những qui luật ngữ âm nhất định giữa hai từ hoặc hai âm tiết ở trong hay cuối dòng thơ và thực hiện những chức năng nhất định như liên kết các dòng thơ, gợi ...
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Chẳng cầu trong những năm tháng đẹp nhất gặp được người tốt nhất, chỉ nguyện những năm còn sống được tương phùng, lựa chọn một tòa thành sống với nhau đến già. ...
Tiếng dương cầm vọng mãi
Tiếng dương cầm vọng mãi
Chẳng ngôn ngữ nào êm dịu và trầm lắng cho bằng ngôn ngữ của thi ca Chẳng âm điệu nào thiết tha cho bằng cung thanh trầm của khúc nhạc... Tôi có một tình yêu lớ...
Nắng ấm quê hương
Nắng ấm quê hương
Quê hương là gì hở cha?Ai đi xa cũng nhớ nhiều... Phải thừa nhận rằng từ trước giờ, con chưa bao giờ nghĩ đến khái niệm Quê hương. Và cũng chưa một lần, con tự ...
THÀNH NGỮ TRUNG HOA

THÀNH NGỮ TRUNG HOA

Ngọc bất trác, bất thành khí  Nhân bất học bất tri lý Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ Vô duyên ...
Status 129 trên Nhân Văn Blog

Status 129 trên Nhân Văn Blog

Âm nhạc luôn luôn là nguồn hạnh phúc cho tất cả mọi người sống trên trái đất. Không có âm nhạc thế ...
43 câu nói ý nghĩa

43 câu nói ý nghĩa

1. Bộc lộ sự nóng nảy ra ngoài, đó gọi là bản năng. Kìm nén sự nóng nảy vào bên trong, đó gọi là ...
Như một người cha

Như một người cha

Trong cuộc đời mỗi chúng ta, luôn có những người đã dạy ta một điều gì đó khiến cuộc đời ta thay ...
Người tuổi Dần

Người tuổi Dần

Trời sinh người tuổi Dần rất nhạy cảm, và có giác quan thứ sáu, có khả năng nhìn thấu nội tâm của ...

"Nhân sinh nhược chích như sơ kiến....
Nếu cuối cùng mọi thứ đều phải tan biến, chỉ xin được giữ lại ánh nhìn buổi ban sơ..."

Bụng chứa thi thư, 

phong thái tự đẹp!

Hữu xạ tự nhiên hương

Ngọc bất trác, bất thành khí 

Nhân bất học bất tri lý

Nhất tự thiên kim

Thiên ngôn vạn ngữ

Tri nhân tri diện bất tri tâm

Video clip