Thứ năm, 21/11/2024 - 17:02

Một số biện pháp tu từ chủ yếu được sử dụng phổ biến trong lời ca

Điểm nổi bật của những lần phép so sánh được sử dụng trong ca từ là đều có nội dung hướng về những sắc thái tích cực, lạc quan, hi vọng, tin tưởng hoặc những âm hưởng ngợi ca.

     So sánh là biện pháp tu từ được sử dụng dày đặc trong ca từ ca khúc trữ tình cách mạng giai đoạn 1954 - 1975. Điểm nổi bật của những lần phép so sánh được sử dụng trong ca từ là đều có nội dung hướng về những sắc thái tích cực, lạc quan, hi vọng, tin tưởng hoặc những âm hưởng ngợi ca. Tuyệt nhiên không có lần nào phép so sánh mang nội dung buồn thương u ám. Cả ba hình thức so sánh là so sánh tuyệt đối, so sánh hơn kém và so sánh ngang bằng đều được sử dụng.

     Phép so sánh tuyệt đối được dùng trong những trường hợp thể hiện niềm tin tưởng vào con đường cách mạng, tin vào tương lai tươi sáng, tiền đồ của dân tộc và sự lựa chọn của mỗi cá nhân trong lí tưởng yêu nước nồng cháy:

“Đường ta đi xây đời trong hoa thơm có mùa xuân nào đẹp bằng”

                             (Bài ca hy vọng – Văn Ký)

“Còn gì vui hơn đường ra trận mùa xuân”

                   (Bài ca Trường Sơn – Nhạc: Trần Chung; Thơ: Gia Dũng)

     Phép so sánh tuyệt đối có lần còn được thể hiện ngay từ nhan đề của tác phẩm: Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người (Trần Kiết Tường). Trong toàn bộ các ca khúc trữ tình cách mạng 1954 – 1975 còn có ba ca khúc nữa có phép tu từ so sánh thể hiện ngay từ nhan đề tác phẩm: Người là niềm tin tất thắng (Chu Minh), Em là hoa Pơ lang (Đức Minh) và Như hoa hướng dương (Nhạc: Tô Vũ; Thơ: Hải Như).

     Phép so sánh hơn kém xuất hiện hai lần trong các ca khúc Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người (Trần Kiết Tường) và Người lái đò trên sông Pô cô (Nhạc: Cầm Phong; Thơ: Mai Trang). Trong ca khúc Hồ Chí minh đẹp nhất tên Người, phép so sánh hơn kém thể hiện niềm kính yêu vô hạn, lòng biết ơn sâu sắc của tác giả - một tiếng nói đại diện cho những người con miền Nam đối với vị cha già kính yêu của dân tộc:

“Tôi hát ngàn lời ca bao la hơn những cánh đồng, mênh mông hơn mặt biển Đông êm đềm hơn những dòng sông (…) Tôi hát ngàn lời ca nồng nàn hơn nắng ban mai đẹp tình hơn cánh hoa mai, hùng thiêng hơn núi sông dài. Là một niềm tin Hồ Chí Minh! Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người.”

                                      (Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người)

     Phép so sánh hơn kém qua một loạt các hình ảnh mang tầm vóc lớn lao hoặc đẹp đẽ như cánh đồng, dòng sông, nắng ban mai, cánh hoa mai, núi sông dài còn là cách để khẳng định công lao to lớn của Bác Hồ đối với non sông gấm vóc Việt Nam mà những thế hệ đi sau đời đời ghi khắc.

     Phép so sánh hơn kém trong bài Người lái đò trên sông Pô cô lại thể hiện lòng căm thù quân giặc sâu sắc của người lái đò A Sanh. Lòng căm thù ấy chuyển hóa bằng hành động, anh góp sức mình bằng những chuyến đò chở những người chiến sĩ qua sông đi đánh giặc:

“Non cao đâu bằng sông sâu đâu sánh hờn căm chất nặng tim anh”

                                      (Người lái đò trên sông Pô cô)

     Phép so sánh ngang bằng vẫn là hình thức thông dụng nhất, xuất hiện nhiều nhất trong các cách diễn đạt so sánh của ca từ ca khúc trữ tình cách mạng 1954 – 1975.

     Phép so sánh ngang bằng có thể mang tính chất miêu tả:

“Em hãy nở nụ cười tươi xinh như đóa hoa xuân chào riêng anh”

                                                (Tình ca – Hoàng Việt)

“Ngập ngừng bên suối nước reo quanh mình như muôn tiếng đàn”

                                                (Tình ca Tây Bắc)

“Đời tôi như những con thoi dệt tình yêu quê hương đất nước

Đời tôi như cánh chim bay, cánh chim bay suốt dãy Trường Sơn”

                             (Đường tôi đi dài theo đất nước – Vũ Trọng Hối)

“Cho hồ nước đầy là mặt gương soi”

                                      (Hồ trên núi – Phó Đức Phương)

     Phép so sánh ngang bằng trong nhiều trường hợp mang âm hưởng ngợi ca: ngợi ca con người, ngợi ca đất nước, ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng:

“Người thiếu nữ ấy như mùa xuân chị đã dâng cả cuộc đời”

                                      (Biết ơn chị Võ Thị Sáu)

“Lòng trai tráng rộng lớn như biển khơi”

                                      (Việt Nam quê hương tôi – Đỗ Nhuận)

“Anh công nhân bốc xếp đã mang bao tấn thép như dũng sĩ biển Đông”

                                      (Bến cảng quê hương tôi – Hồ Bắc)

“Hồ Chí Minh ánh thái dương rực sáng bầu trời”

          (Người sống mãi trong lòng miền Nam – Nguyễn Đồng Nai)

“Em là chồi biếc của mùa xuân Việt Nam”

                             (Người con gái sông La – Doãn Nho)

“Hà Nội của ta là một bài ca vinh quang”

                                      (Bài ca Hà Nội – Vũ Thanh)

“Thủ đô mến yêu của ta là ngôi sao mai rạng rỡ”

                                      (Hà Nội niềm tin và hy vọng – Phan Nhân)

     Những trường hợp còn lại, phép so sánh ngang bằng thể hiện chất suy tưởng, diễn giải cụ thể hóa những cảm xúc trừu tượng:

“Bóng đất nước hình như bóng dáng con tôi”

                                      (Mẹ yêu con – Nguyễn Văn Tý)

“Nơi hy vọng như vườn hoa nở”

                                      (Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam - Chu Minh)

“Đất nước hòa bình hạnh phúc ta như mùa xuân”

          (Tình ca Tây Bắc – Nhạc: Bùi Đức Hạnh; Thơ: Cầm Giang)

“Đã chan hòa trong niềm vui chung như nước sông ra biển lớn”

                             (Bài ca xây dựng – Hoàng Vân)

     Cảm hứng ngợi ca và chủ nghĩa anh hùng cách mạng khiến những sắc thái hùng tráng, kì vĩ, lớn lao thường được tô đậm. Đây là cơ hội cho phép tu từ cường điệu hóa được dịp xuất hiện. Phép cường điệu hóa có thể được sử dụng kết hợp cùng những phép tu từ khác, chẳng hạn so sánh, để gây thêm được ấn tượng mạnh mẽ:

“Lòng trai tráng rộng lớn như biển khơi

Với cánh tay dựng nên đất trời”

                             (Việt Nam quê hương tôi – Đỗ Nhuận)

“Anh lại đứng bên tôi nhằm quân thù mà bắn đôi mắt như lửa soi đốt thiêu quân thù này (…) Kể từ nay sông núi hay biển khơi còn in dấu chân anh đời đời.”

(Cùng anh tiến quân trên đường dài – Nhạc: Huy Du; Thơ: Xuân Sách)

     Phép cường điệu hóa xuất hiện ngay từ những ca khúc đầu tiên của dòng nhạc trữ tình cách mạng giai đoạn 1954 – 1975, đó là tuyệt phẩm Tình ca của nhạc sĩ Hoàng Việt:

Khi hát lên tiếng ca gửi về người yêu quê ta

Ta át tiếng gió mưa thét gào cuộn dâng phong ba

Em ơi nghe chăng lời trái tim vọng ra

Rung trong không gian mặt biển sôi ầm vang

     Cho đến những ca khúc ở chặng cuối của giai đoạn này, thủ pháp cường điệu hóa vẫn được sử dụng nhằm tạo ra một âm hưởng hào hùng của những ca khúc mang tầm vóc chính ca:

“Ta đứng đầu ngọn sóng giữa dòng thời đại thác lũ cuộc đời

Ta đứng đầu ngọn sóng những luồng mạch tâm tư lay động loài người”

                             (Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam – Chu Minh)

     Phép tu từ cuối cùng nữa mà chúng tôi muốn nói đến là phép tu từ nhân hóa. Phép nhân hóa khiến mọi sự vật thiên nhiên và xã hội xung quanh như cùng hòa với niềm tin, tinh thần và lí tưởng của con người, tiếp thêm sức mạnh chiến đấu chống lại quân thù. Nói một cách khác, thiên nhiên và thế giới tự nhiên qua phép tu từ nhân hóa luôn hiện lên sống động trong sự ủng hộ con người, ủng hộ cuộc chiến tranh vệ quốc chính nghĩa:

“Trăng đã dậy rồi khơi bếp hồng lên nhé

…Vũ trụ theo ta vào trong chiến trận có chị Hằng soi sáng canh thâu

…Đất nước tưng bừng nghe tiếng rừng thao thức

Khơi ánh lửa hồng bên suối đàn Trưng reo”

          (Nổi lửa lên em – Nhạc: Huy Du; Lời: Giang Lam, Huy Du)

“Em đi lên rừng cây xanh mở lối

Em đi lên núi núi ngả cúi đầu”

                             (Cô gái mở đường – Xuân Giao)

     Hình ảnh ngọn đèn đứng gác trong ca khúc cùng tên của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, phổ thơ Chính Hữu là một hình tượng nhân hóa đặc biệt. Chúng tôi gọi đây là một trường hợp liên hợp tu từ bởi “ngọn đèn đứng gác” không chỉ được tri nhận như một phép nhân hóa mà nó còn có thể tri nhận như một phép ẩn dụ và hoán dụ. Tinh thần liên hợp tu từ ấy kéo dài trọn vẹn suốt ca từ của bài hát:

“Trên đường ta đi đánh giặc, dù về Nam hay ta lên Bắc, ở đâu cũng gặp những ngọn đèn dầu chong mắt đêm thâu. Ơ! Những ngọn đèn không bao giờ nhắm mắt như những tâm hồn không bao giờ tắt. Như miền Nam hai mươi năm không đêm nào ngủ được. Như cả nước với miền Nam đêm nào cũng thức. Soi cho ta đi đánh trận trường kỳ. Đèn ta thắp niềm vui theo dõi, đèn ta thắp những lời kêu gọi. Đi nhanh đi nhanh chiến trường đã giục. Đầy núi đầy sông đèn ta đã mọc (…) Trong gió trong mưa ngọn đèn đứng gác cho thắng lợi nối theo nhau đang hành quân đi lên phía trước”

     Phép tu từ nhân hóa còn xuất hiện một cách đặc biệt qua ca khúc Tiếng hát giữa rừng Pác Bó (Nguyễn Tài Tuệ) để thể hiện tình cảm quyến luyến yêu thương của đất và người Việt Bắc khi phải chia tay Bác Hồ kính yêu về với thủ đô:

“Ơ rừng Pác Bó quê ta nhớ rừng xưa ôm bóng Người

Bước chân Người đi đất chuyển dời theo Người

...Suối reo dưới chân Người qua

Đất rung tiếng ca nở hoa tháng tám

Khuổi Nậm còn reo nhịp theo mong nhớ Người”

 

 

***Trích dẫn từ Luận văn Thạc Sĩ Khoa học Ngữ văn năm 2012:

"ĐẶC ĐIỂM TIẾNG VIỆT THỂ HIỆN TRONG PHẦN LỜI CA CỦA CA KHÚC TRỮ TÌNH CÁCH MẠNG VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1954 - 1975"

Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Phạm Tất Thắng - TS. Đỗ Anh Vũ

Học viên Cao học                : Đỗ Thái Hà

Chuyên ngành: Ngôn ngữ học - Trường: Đại học Sư phạm Hà Nội

 



Bài viết liên quan
Nội dung đang được cập nhật.
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Chẳng cầu trong những năm tháng đẹp nhất gặp được người tốt nhất, chỉ nguyện những năm còn sống được tương phùng, lựa chọn một tòa thành sống với nhau đến già. ...
Tiếng dương cầm vọng mãi
Tiếng dương cầm vọng mãi
Chẳng ngôn ngữ nào êm dịu và trầm lắng cho bằng ngôn ngữ của thi ca Chẳng âm điệu nào thiết tha cho bằng cung thanh trầm của khúc nhạc... Tôi có một tình yêu lớ...
Nắng ấm quê hương
Nắng ấm quê hương
Quê hương là gì hở cha?Ai đi xa cũng nhớ nhiều... Phải thừa nhận rằng từ trước giờ, con chưa bao giờ nghĩ đến khái niệm Quê hương. Và cũng chưa một lần, con tự ...
THÀNH NGỮ TRUNG HOA

THÀNH NGỮ TRUNG HOA

Ngọc bất trác, bất thành khí  Nhân bất học bất tri lý Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ Vô duyên ...
Status 129 trên Nhân Văn Blog

Status 129 trên Nhân Văn Blog

Âm nhạc luôn luôn là nguồn hạnh phúc cho tất cả mọi người sống trên trái đất. Không có âm nhạc thế ...
43 câu nói ý nghĩa

43 câu nói ý nghĩa

1. Bộc lộ sự nóng nảy ra ngoài, đó gọi là bản năng. Kìm nén sự nóng nảy vào bên trong, đó gọi là ...
Như một người cha

Như một người cha

Trong cuộc đời mỗi chúng ta, luôn có những người đã dạy ta một điều gì đó khiến cuộc đời ta thay ...
Người tuổi Dần

Người tuổi Dần

Trời sinh người tuổi Dần rất nhạy cảm, và có giác quan thứ sáu, có khả năng nhìn thấu nội tâm của ...

"Nhân sinh nhược chích như sơ kiến....
Nếu cuối cùng mọi thứ đều phải tan biến, chỉ xin được giữ lại ánh nhìn buổi ban sơ..."

Bụng chứa thi thư, 

phong thái tự đẹp!

Hữu xạ tự nhiên hương

Ngọc bất trác, bất thành khí 

Nhân bất học bất tri lý

Nhất tự thiên kim

Thiên ngôn vạn ngữ

Tri nhân tri diện bất tri tâm

Video clip