Văn hóa và bản sắc dân tộc thường gắn liền với bề dày lịch sử của mỗi quốc gia. Văn học là một bộ phận, một mặt biểu hiện và hợp thành nền văn hóa, vì thế cũng chứa đựng những tinh hoa của trí tuệ con người. Trung Hoa từ lâu đã được coi là trung tâm của nền văn hóa thế giới, nền văn học cổ điển với các thể thơ ca, từ, phú, tiểu thuyết... đã chiếm lĩnh được những đỉnh cao thậm chí gắn liền với tên tuổi của mỗi triều đại. Tản văn đời Tần, Thơ thời Đường, Từ đời Tống, Kịch đời Nguyên và tiểu thuyết chương hồi Minh - Thanh.
Quả vậy, Minh Thanh (thế kỉ 14-19) là thời kì phồn vinh của tiểu thuyết, nói cho chính xác là truyện kể chương hồi. Có thể thấy ở đây loại truyện lịch sử, căn cứ chút ít vào sử sách rồi phát triển hư cấu thêm, mà Tam quốc diễn nghĩa là tác phẩm tiêu biểu; loại truyện anh hùng nghĩa hiệp, viết về cuộc đời các hảo hán phi thường mà Thủy hử là tiêu biểu; loại truyện thần tiên ma quái mà Tây du kí là tiêu biểu; loại truyện thế cố nhân tình mà Hồng lâu mộng là tiêu biểu. Trong kho tàng hơn 300 bộ trưởng thiên tiểu thuyết đó, Tây du kí có một vị trí đặc biệt. Đó là tác phẩm lãng mạn mang sắc thái thần thoại hiếm có trong lịch sử văn học Trung Quốc.
Từ khi ra đời cho đến nay, đã trên bốn thế kỉ, Tây du kí cũng như Tam quốc, Thủy hử được nhân dân Trung Quốc yêu mến và truyền tụng. Nhiều nhân vật như Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới đã đi vào cuộc sống quần chúng trở thành biểu tượng cho loài người. Đó là vinh quang lớn nhất cũng là niềm an ủi vĩ đại đối với tác giả.
Noi theo Ngô Thừa Ân, hàng loạt tiểu thuyết thần ma yêu quái ra đời: Phong thần diễn nghĩa, Tục tây du, Hậu tây du v.v… nhưng không có tác phẩm nào vượt nổi Tây du kí. Tây du kí là bộ truyện lãng mạn thành công nhất trong lịch sử văn học Trung Quốc.
Tây du kí được dịch rất sớm ra tiếng Pháp rồi tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Nga. Đặc biệt ở vùng Đông Nam Á, nó được quần chúng biết và ưa thích giống như Tam quốc, Thủy hử. Ở Việt Nam, Tây du kí cũng như Tam quốc, Thủy hử đã sớm làm quen với bạn đọc như những nhịp cầu nối liền nhân dân lao động hai nước Trung – Việt.
Tây du kí là một bộ tiểu thuyết dài lãng mạn vĩ đại. Không những nó có một nội dung tư tưởng tiến bộ, sâu sắc, mà còn có một hình thức nghệ thuật đẹp đẽ, hoàn chỉnh. Dùng phương pháp sáng tác lãng mạn, tác giả đã phát huy đầy đủ đặc điểm loại hình tiểu thuyết huyễn tưởng này, viết ra những câu chuyện sinh động, phong phú, nhiều màu sắc rất thú vị, sáng tạo nên hình tượng anh hùng lí tưởng huy hoàng chói lọi. Bất cứ về độ cao tư tưởng hay trình độ nghệ thuật, Tây du kí đều có thể sánh với những tác phẩm ra đời trước nó như Tam Quốc chí diễn nghĩa và Thuỷ hử truyện.
Tác giả đã khái quát được rất sâu sắc và rộng rãi nhân vật Tôn Ngộ Không nên nhân vật này đã trở thành điển hình xuất sắc của tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc. Hình tượng Tôn Ngộ Không tập trung phản ánh những phẩm chất ưu tú của nhân dân lao động, đồng thời cũng biểu hiện lí tưởng của nhân dân về nhân vật anh hùng.
Đến nay vẫn chưa có công trình nào nghiên cứu sâu về hình tượng nhân vật Tôn Ngộ Không trong Tây du kí một cách chi tiết. Khoá luận hi vọng sẽ đem lại nhiều kiến giải mới mẻ về nhân vật này qua đề tài: "Hình tượng Tôn Ngộ Không trong Tây du kí của Ngô Thừa Ân".
Tập trung phân tích hình tượng Tôn Ngộ Không thể hiện trong tiểu thuyết Tây du kí của Ngô Thừa Ân. Từ đó làm nổi bật tư tưởng chủ đề của tác phẩm và nghệ thuật xây dựng hình tượng Tôn Ngộ Không.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Hình tượng Tôn Ngộ Không trong Tây du kí của Ngô Thừa Ân.
- Phương pháp cấu trúc
- Phương pháp khảo sát, thống kê, phân loại
- Phương pháp phân tích, tổng hợp, khái quát
- Phương pháp so sánh, đối chiếu.
5. Vài nét về thời đại - nhà văn - tác phẩm
Trong lịch sử Trung Quốc, vương triều Minh (1368-1644) là vương triều phong kiến cuối cùng do giai cấp địa chủ người Hán nắm chính quyền. Nó được xây dựng trên thành quả của cuộc khởi nghĩa nông dân rộng lớn vào cuối đời Nguyên. Thời kì đầu, sau khi giành được chính quyền, do ý thức được bài học lịch sử của triều Nguyên, nên Chu Nguyên Chương (tức Minh Thành Tổ) đã tiến hành một số cải cách kinh tế có lợi đối với nhân dân như: phát triển sản xuất, khuyến khích khai hoang, giảm nhẹ thuế má v.v… Sau những kiệt quệ bởi chiến tranh, nay gặp được những chính sách hợp lòng dân nên nền kinh tế, xã hội dần được phục hồi và phát triển.
Song dù tiến bộ đến mấy, thì cũng chẳng được bao lâu, bộ mặt kinh tế dù phồn thịnh cũng không thể che đậy được những ung nhọt đang nảy nở bên trong. Trải qua các đời Vĩnh Lạc, Hồng Hy, Tuyên Đức… đến đời Vũ Tông (1506-1522), Thế Tông (1522-1567) thì giai cấp thống trị đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết và đi ngược lại với lợi ích của nhân dân. Chúng ngày càng lún sâu vào cuộc sống trụy lạc. Vua thì dâm dật xa hoa, quan lại từ tể tướng trở xuống hống hách chuyên quyền. Cộng thêm các chính sách hà khắc càng làm tiền đề cho mâu thuẫn xã hội nảy sinh. Văn học thời kì này nhìn chung ít có sự tìm tòi mà đi vào lối phục cổ, nội dung nghèo nàn đa phần là ca ngợi giai cấp thống trị và nền thái bình giả tạo. Thể loại tiểu thuyết và hí kịch nhờ gần gũi, phản ánh đời sống tầng lớp dưới mà có nhiều khởi sắc, trong đó có Tây du kí của Ngô Thừa Ân.
Ngô Thừa Ân (1500-1582) tự là Nhữ Trung, hiệu Xạ Dương Sơn Nhân, là người huyện Sơn Âm, phủ Hoài An (nay là huyện Hoài An - tỉnh Giang Tô). Ông xuất thân trong một gia đình quan lại sa sút, sau thành tiểu thương. Cha là Ngô Nhuệ, một tiểu thương bán chỉ màu, vải hoa, ham đọc sách, biết cả lục kinh và luận thuyết của Bách Gia chư tử. Từ lúc niên thiếu, Ngô Thừa Ân với tài văn chương đã nổi tiếng một vùng. Sách Hoài An phủ chí của Thiên Khải có viết về ông: “Ông tính lanh lẹ, thông minh, xem rộng hết các sách, khi làm văn, làm thơ hạ bút là thành bài”. Nhưng sống giữa thời lấy “bát cổ văn” làm tiêu chuẩn lựa chọn nhân tài thì những người có cốt cách cương trực, có tài năng trác việt như Ngô Thừa Ân tất nhiên không được dùng. Mãi đến năm 45 tuổi, ông mới đỗ “Tuế cống sinh”. Sau bởi mẹ già nhà khó, ông miễn cưỡng phải nhậm chức một hai lần nhưng vẫn không thi thố được gì. Lúc già ông quay về làng, rượu thơ vui thú với cảnh ruộng vườn và bắt đầu sáng tác văn học. Tiểu thuyết Tây du kí được ông viết vào khoảng giữa những năm Gia Tĩnh (1522-1567) và Vạn Lịch (1567-1619) khi đã về ở quê nhà.
Dù không cùng cảnh ngộ như hàng vạn, hàng triệu những người dân bần khổ trong xã hội phong kiến, nhưng ông đã nếm đủ mọi gian truân trên bước đường khoa cử, mưu sinh. Chịu ảnh hưởng của ý thức hệ phong kiến nhưng tính cuồng phóng bướng bỉnh, không chịu gập lưng trước đồng tiền và thế lực, làm cho vết rạn nứt giữa ông và giai cấp thống trị sâu thêm. Từ kinh nghiệm bản thân, cảm thông với nỗi đau của nhân tình thế thái, ông ví những thế lực hung ác tàn hại nhân dân ở trong xã hội với các “quỉ quái Mị, Lị, Võng, Lượng”, nêu rõ giai cấp thống trị là nguồn gốc tai nạn của nhân dân. Ông muốn dùng đao trừ tà dẹp sạch mọi bất công trong xã hội, nhưng giận rằng không đủ sức. Lí tưởng không thực hiện được, thế là bao nỗi căm giận bất công và cái nhiệt tâm giúp đời sửa thế, trừ bạo an dân của ông bấy lâu dồn nén đã thể hiện trong Tây du kí.
Tây du kí viết về câu chuyện có thật trong lịch sử. Năm 628, đời Đường Thái Tông có nhà sư trẻ tên gọi Huyền Trang, ngay từ nhỏ đã xuất gia đầu Phật. Vì muốn đi sâu nghiên cứu giáo lí nhà Phật nên nhà sư trẻ quyết chí sang Ấn Độ để lưu học. Thời bấy giờ, việc đi lại giao lưu giữa các nước bị cấm đoán, phương tiện đi lại khó khăn. Trải qua 17 năm, qua 24 nước, tới hàng vạn dặm đường, cuối cùng mới đặt chân lên đất Ấn. Huyền Trang đi khắp đó đây lễ chùa bái phật, thu thập giáo lí, học được mấy chục thứ tiếng nước ngoài, khi về phải dùng tới 24 con ngựa để chở 657 bộ kinh phật. Qua một thời gian dài ăn gió nằm sương trở về đạt được chí hướng. Đường Thái Tông nghe tin cảm phục vô cùng bèn mời về kinh kì làm chủ hai ngôi chùa lớn và tôn làm Tam Tạng pháp sư, tiếp tục nghiên cứu và dịch kinh Phật. Ông xứng đáng là nghiên cứu Phật học, nhà du lịch và là người có công lao trong nền văn hóa Trung Quốc. Sau khi ông mất, câu chuyện đi thỉnh kinh được thêm thắt và mang tính chất thần kì xa dần sự thực.
Đề tài “đi lấy kinh” của Huyền Trang tiếp tục được các “thuyết thoại nhân” (Người kể chuyện) đời Tống, Nguyên viết thành các thoại bản. Trong các thoại bản này có “Đại Đường Tam Tạng thủ kinh thi thoại” ra đời sớm nhất. Tuy chưa phong phú như Tây du kí sau này, nhưng lại đặt nền tảng chủ yếu cho tác phẩm của Ngô Thừa Ân. Trong bản này, Huyền Trang bị đưa xuống vị trí thứ yếu, Hành Giả trở thành nhân vật chủ yếu. Tác phẩm có kể chuyện yêu ma quỉ quái cản trở bước đường đi Tây Thiên lấy kinh của thầy trò Tam Tạng nhưng có phần sơ sài và nhìn chung không có giá trị độc lập của một tác phẩm văn học.
Chuyện về Tây du kí được đưa lên sân khấu khá sớm. Từ đời Kim đã có vở viện bản “Đường Tam Tạng”, đời Nguyên có vở tạp kịch “Đường Tam Tạng tây thiên thủ kinh ”. Nhân vật Tôn Hành Giả cũng đóng vai trò chủ yếu nhưng bản thân lại mang màu sắc của yêu quái.
Với sự kết hợp khéo léo nhiều chi tiết và sự sáng tạo lớn lao của Ngô Thừa Ân, Tây du kí đã trở thành một kiệt tác, hội tụ đầy đủ nhiều giá trị nội dung và nghệ thuật. So với các thoại bản trước thì tính khuynh hướng và tư tưởng chủ đề của tác phẩm rõ nét hơn. Nhiều hình tượng được sáng tạo sinh động có cá tính, tình cảm như con người. Và đặc biệt, với sự sáng tạo thiên tài của Ngô Thừa Ân, không chỉ có hình tượng bất hủ Tôn Ngộ Không với tài trí và tinh thần bất khuất trước mọi khó khăn, mà ngay cả các nhân vật như Trư Bát Giới, Tam Tạng, Sa Tăng cũng có một ấn tượng lâu bền trong lòng độc giả. Bằng những tình tiết li kì lắt léo, giàu kịch tính, với việc xây dựng một tác phẩm mang nhiều màu sắc huyền ảo, Ngô Thừa Ân đã nêu bật được tinh thần phản kháng của nhân dân, khéo léo vạch trần bộ mặt đen tối của xã hội; đồng thời qua quá trình thỉnh kinh, ca ngợi tinh thần vượt khó và khả năng chinh phục thiên nhiên của nhân dân lao động. Chủ đề tư tưởng của tác phẩm được gói gọn trong 100 hồi, phân thành 3 phần lớn:
Bảy hồi đầu kể chuyện Tôn Ngộ Không ba lần đại náo thiên cung đến khi bị đè dưới núi Ngũ Hành.
Từ hồi thứ 8 đến hồi thứ 12 kể chuyện Ngụy Trung chém rồng, hồn Thái Tông xuống Diêm cung trở về dương gian; Huyền Trang vâng chỉ sang Tây Thiên.
Từ hồi 13 đến 100, kể chuyện Tam Tạng tu dụng thêm đồ đệ và quá trình vượt qua 81 nạn sang tận Tây Thiên bái Phật của thầy trò Đường Tăng, cầu được kinh Phật, tu thành chính quả trở về.
Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, Nội dung khoá luận bao gồm ba chương:
Chương 1
Hình tượng nhân vật Tôn Ngộ Không
Chương 2
Tư tưởng chủ đề của Tây du kí thể hiện qua hình tượng Tôn Ngộ Không
Chương 3
Nghệ thuật xây dựng hình tượng Tôn Ngộ Không trong Tây du kí của Ngô Thừa Ân
***Trích dẫn từ Khóa luận tốt nghiệp Cử nhân Văn học năm 2010:
“HÌNH TƯỢNG TÔN NGỘ KHÔNG TRONG TÂY DU KÍ CỦA NGÔ THỪA ÂN”
Giảng viên hướng dẫn: ThS. Nguyễn Thanh Diên
Sinh viên thực hiện : Đỗ Thái Hà
Trường: Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội