Thứ năm, 21/11/2024 - 16:53

Tôn Ngộ Không - hình tượng anh hùng mang nguyện vọng lí tưởng của nhân dân

Tôn Ngộ Không là hình ảnh mẫu mực, đẹp đẽ của người anh hùng trong xã hội phong kiến với những hành động dũng cảm, phi thường trong cuộc đấu tranh chống lại những thế lực tàn bạo, độc ác để bảo vệ cuộc sống của những người nghèo khổ.

     Là người xuất thân từ một gia đình tiểu thương, cùng chung cảnh ngộ bị áp bức bóc lột như bao người dân nghèo khác trong xã hội phong kiến, cho nên tuy mang nặng ý thức phong kiến, nhưng vết rạn nứt giữa Ngô Thừa Ân với giai cấp thống trị khá sâu sắc. Vốn tính bướng bỉnh, Ngô Thừa Ân luôn khao khát một cuộc sống tự do, tỏ rõ sự căm thù chế độ chuyên chế của chính quyền phong kiến, xem đó là nguyên nhân của sự đói khổ, nghèo nàn. Nhà văn muốn trở thành người hiệp sĩ để dẹp sạch nỗi bất bình trong xã hội, nhưng vì không đủ sức nên đã gửi gắm tất cả hi vọng, nhiệt tình của mình vào hành động phản kháng của nhân vật Tôn Ngộ Không trong Tây du kí. Sự xuất hiện của người anh hùng thần thoại Tôn Ngộ Không là sự thể hiện nguyện vọng, mong muốn của nhà văn cũng như của quảng đại quần chúng nhân dân. Tôn Ngộ Không là hình ảnh mẫu mực, đẹp đẽ của người anh hùng trong xã hội phong kiến với những hành động dũng cảm, phi thường trong cuộc đấu tranh chống lại những thế lực tàn bạo, độc ác để bảo vệ cuộc sống của những người nghèo khổ. Việc "đại náo thiên cung", diệt trừ yêu ma quỉ quái, thể hiện tinh thần phản kháng kiên quyết, tài năng trí tuệ của Tôn Ngộ Không - người anh hùng lí tưởng của nhân dân lao động trong cuộc đấu tranh chống áp bức.

     Người anh hùng thần thoại Tôn Ngộ Không với 72 phép thần thông, có tài nhảy cân đẩu vân, làm những chuyện phi thường ở cả ba thế giới: trời, biển, đất, làm rối loạn tôn ti, trật tự của vương quốc thần tiên, nhưng vẫn không thoát khỏi bàn tay của đức Phật tổ Như lai và chiếc mũ đội đầu của Quan thế âm Bồ Tát. Đó chính là biểu hiện của ý thức hệ phong kiến đang hoành hành trong tư tưởng tác giả.

     Với cây gậy sắt "Như ý" nặng 13.500 cân, Tôn Ngộ Không đã đánh đến tận Sâm La Bảo, lấy sổ sinh tử để xoá tên mình. Vượt lên thượng giới "đại náo thiên cung" đòi chia đôi sơn hà với Ngọc Hoàng thượng đế, khiến Ngọc Hoàng và các vị thần tiên phải thất sắc. Bằng hàng loạt các hành động tiêu biểu, Ngô Thừa Ân đã xây dựng thành công nhân vật anh hùng thần thoại Tôn Ngộ Không với tinh thần đấu tranh kiên quyết, thái độ ngạo mạn, coi khinh thế giới thần tiên. Trước Ngọc Hoàng, Tôn không bao giờ cúi lạy, luôn luôn đứng thẳng với tư thế của người chiến thắng, trả lời rất ngang tàng ngạo nghễ. Bảo vệ Đường Tăng trên đường sang Tây Trúc lấy kinh, Tôn Ngộ Không vẫn giữ vững được tư thế của người chiến thắng, vẫn ngang tàng, bướng bỉnh, khinh thường Ngọc Hoàng, điều khiển cả thiên binh, thiên tướng, sơn thần thổ địa, Tứ Hải Long Vương, đến Phật tổ nhiều khi cũng trở thành kẻ sai khiến của Tôn.

     Với đôi mắt có hào quang sáng chói, Tôn Ngộ Không đã báo hiệu một điều gì không hay cho cái trật tự của thế giới thần tiên.

     “Đại náo thiên cung” kết thúc bằng sự thất bại của Tôn Ngộ Không, điều đó có liên quan tới những tư tưởng chính thống phong kiến mà tác giả đã phần nào chịu ảnh hưởng. Đồng thời cũng phải nói rằng, Tôn Ngộ Không bị đè dưới núi Ngũ Hành và sau đó qui y Phật pháp, cũng là đòi hỏi tất nhiên trong sự phát triển tình tiết của câu chuyện. Rõ ràng, Mĩ Hầu vương trên núi Hoa Quả quyết không thể vô cớ từ bỏ chốn động tiên sung sướng, từ bỏ cuộc đời chúa tể tự do của mình để giúp Đường Tăng sang Tây Thiên lấy kinh. Không sắp đặt như thế, thì không có cách nào chuyển sang được chuyện đi lấy kinh ở sau. Hơn nữa, cốt truyện Tây du kí đã hình thành từ trước Ngô Thừa Ân, tác giả khó lòng thay đổi được một cách căn bản chỗ mấu chốt đó. Trong bản một trăm hồi của Ngô Thừa Ân, kết cục đại náo thiên cung tuy có tính chất bi kịch, nhưng hình tượng anh hùng của nhân vật phản nghịch lại được xây dựng hết sức giàu sức sống. Đem so sánh, ta thấy những kẻ thống trị thiên cung ngoài cứng trong mềm, vừa buồn cười vừa đáng ghét. Chúng dùng đủ âm mưu quỉ kế đối phó với Tôn Ngộ Không. Người đọc không cảm thấy Tôn Ngộ Không bị đè dưới núi Ngũ Hành là “đáng tội”, mà trái lại, hết sức thương y và lấy làm bất bình về chuyện đó. Tư tưởng phản kháng được tác giả biểu hiện trong câu chuyện này là tư tưởng tiến bộ đương thời. Nó làm cho bảy hồi này trở thành phần tinh hoa của Tây du kí, làm cho cả bộ sách thêm rực rỡ, chói lọi.

     Những yêu ma trên đường sang Tây thiên là đối tượng đấu tranh trực tiếp của Tôn Ngộ Không. Hình tượng của chúng phần nhiều do sự ảo hóa những sức mạnh thiên nhiên mà ra. Trong truyền thuyết, người ta ảo hóa muôn vàn trở ngại gặp trên đường đi lấy kinh thành yêu quái. Trong sa mạc có cơn lốc thì tưởng tượng thành Hoàng Phong quái; thấy cảnh ảo giác thì tưởng tượng thành Hoàng Mi đại vương trong chùa Lôi Âm giả; rắn độc cũng đều được hóa thành yêu tinh cả. Những yêu ma đó đứng về phía đối lập trong đấu tranh, là kẻ tử thù một mất một còn của bốn thầy trò đi lấy kinh. Chúng là đại biểu của thế lực gian ác, bản thân chúng có ý nghĩa xã hội. Khi miêu tả chúng, tác giả thường phản ánh một số đặc điểm nào đó của giai cấp thống trị phong kiến. Lại còn có những yêu quái chuyên môn mê hoặc vua chúa ở cõi nhân gian, làm cho triều chính rối loạn. Rõ ràng đó là hóa thân của lũ quần thần gian nịnh trong cuộc sống hiện thực. Chuyện sang Tây thiên lấy kinh gồm bốn mươi mốt chuyện nhỏ, mỗi chuyện nhiều nhất chỉ chiếm bốn hồi, cho nên không thể miêu tả tính cách của từng yêu tinh xuất hiện trong đó, phần nhiều tác giả dùng bút pháp biếm họa, rất chú ý miêu tả chúng dùng các thứ bảo bối, nghĩ ra đủ các loại quỉ kế. Về mặt này, tác giả đã tha hồ phát huy sức tưởng tượng của mình, viết rất hấp dẫn sinh động, độc đáo bất ngờ. Lũ yêu quái đều rất tin vào sức mạnh bảo bối của chúng, nhưng Tôn Ngộ Không cuối cùng thường có thể làm cho chúng mất hết tác dụng. Chúng rất tài ngụy trang, khi thì biến thành trẻ nhỏ, khi thì biến thành phụ nữ, khêu gợi lòng yêu thương của người ta, rồi thừa lúc sơ hở, đột ngột tấn công. Có loài lại giả chùa Lôi Âm, giả danh nhà Phật, trang điểm thành “hương hoa diễm lệ mà đứng đắn nghiêm trang” hòng đánh lộn sòng, dụ người vào bẫy. Những đoạn miêu tả đó rất ý nghĩa đối với người đọc trong việc phân biệt cái giả, cái thật.

     Tiêu diệt yêu ma quỉ quái trên đường sang Tây Trúc là hành động cụ thể của Tôn Ngộ Không nhằm cứu nhân dân khỏi tai nạn, bởi đó là những thế lực thiên nhiên đã được nhân cách hoá. Không những đánh bại chúng, Tôn còn tìm mọi cách vạch trần sự cấu kết giữa thượng đế với yêu ma để làm hại cuộc sống con người. Hành động ngang tàng của Tôn Ngộ Không là hành động của người anh hùng không bao giờ chịu khuất phục trước bất kì một thế lực tàn bạo nào. Qua các chi tiết cụ thể và sinh động, tác giả đã nêu bật những phẩm chất đáng quí ở người anh hùng thần thoại này - đó là tinh thần phản kháng kiên quyết, dũng cảm, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.

Con đường sang Tây Trúc lấy kinh thật là gian nan vất vả, bốn thầy trò Đường Tăng phải vượt qua 81 nạn yêu ma. Mỗi lần đó là một lần thể hiện tài năng trí tuệ của người anh hùng thần thoại Tôn Ngộ Không. Độc giả làm sao quên được chuyện Tôn Ngộ Không cắt tóc vua, quan ở nước Diệt pháp cứu thầy trò Đường Tăng, chuyện Tôn cầu mưa ở quận Phượng Tiên v.v... Mỗi việc làm của mình, Tôn đều có cân nhắc, suy nghĩ trước sau. Chính vì vậy mà suốt dọc đường đi với bao trở ngại, khó khăn, nhưng Tôn Ngộ Không vẫn luôn luôn là người chiến thắng.

     Việc đi thỉnh kinh phần nào tượng trưng cho ý chí của nhân dân, mong thoát khỏi hiện thực đen tối, nhưng vấn đề trung tâm của sự kiện này là nhằm miêu tả những hành động dũng cảm, kiên cường của thầy trò Đường Tăng vượt qua tám mươi mốt tai nạn đạt mục đích cuối cùng. Đề cao tinh thần nỗ lực lớn lao, ý chí tiến thủ không ngừng của thầy trò Đường Tăng có ý nghĩa hơn bản thân việc đi lấy kinh. Những yêu ma quỉ quái trên đường đi là những chướng ngại vật của thầy trò Đường Tăng, đồng thời cũng là tai nạn cho nhân dân. Ví dụ Linh Cảm đại vương ở Thông Thiên Hà là một con yêu chuyên ăn thịt trai gái đương tơ, hoặc Tôn đạo sĩ được vua ban phong Quốc trượng Tì Kheo định giết một nghìn một trăm mười một em bé để lấy một nghìn một trăm mười bộ tim gan nấu làm thang… Tôn Ngộ Không ra công tiêu diệt những loại yêu ma quỉ quái này cũng là hành động cụ thể nhằm cứu nhân dân khỏi tai nạn.

     Hình tượng rực rỡ nhất trong Tây du kí là hình tượng nhân vật anh hùng nổi loạn Tôn Ngộ Không. Đó là một kiểu hiệp sĩ chống trời. Hành động của họ chỉ là quấy rối và đập phá. Quấy rối và đập phá để xây dựng một cái gì thì không rõ ràng. Do vậy hành động của họ thường mang tính chất bột phát, manh động và vô chính phủ. Họ thường chiến đấu đơn độc, lẻ loi và không tránh khỏi thất bại. Trong hoàn cảnh xã hội cũ khi mà áp bức bóc lột, bất công ngang trái tồn tại phổ biến và được thừa nhận như là đương nhiên không thể khác được thì những hành động nổi loạn như vậy cũng có ý nghĩa nhất định. Nó phủ nhận hiện thực, kêu gọi phản kháng dự báo bùng nổ. Tôn Ngộ Không là loại hiệp sĩ chống trời kiểu đó. Đại náo thiên cung là truyện kí anh hùng của y. Y không thừa nhận bất kì một thứ quyền uy nào. Sau khi học được 72 phép thần thông, rồi xuống Long cung đoạt được gậy thần để tự võ trang, sự nghiệp phản kháng, nổi loạn của y bắt đầu. Y xuống âm ti, buộc Diêm vương xóa hết tên họ loài khỉ trong sổ tử, rồi đánh lên thiên cung bắt Ngọc hoàng thượng đế phải nhường ngôi và tuyên bố “nếu không nhường thì sẽ quấy rối, mãi mãi không có thái bình”. Đó là một nhân vật phản nghịch triệt để, dám phủ nhận mọi thứ quyền uy, dám thách thức cả kẻ thống trị tối cao. Về khách quan, hình tượng này đã phản ánh tinh thần phản kháng vĩ đại của nhân dân. Tuy nhiên, sự quấy rối và đập phá của Tôn Ngộ Không hầu như không nhằm mục đích gì rõ rệt: nói cho chính xác hơn, không nhằm một mục đích xã hội nào rõ nét. Có lúc chỉ để nhạo báng quyền uy, có lúc để thỏa mãn cái tức khí cá nhân. Có thể tưởng tượng: nếu Tôn Ngộ Không đánh đổ thiên đình thật thì rồi y cũng sẽ bỏ về động khỉ mà không biết làm gì hơn. Ở chỗ này chúng ta thấy được hạn chế trong lí tưởng xã hội của những người sản xuất nhỏ, nhưng đồng thời cũng thấy được tính chất vô chính phủ manh động, bột phát của hành động nổi loạn.

     Bản thân chuyện sang Tây Thiên lấy kinh bao gồm bốn mươi mốt câu chuyện nhỏ. Hầu hết trong đó đều có yêu tinh xuất hiện tác quái. Lai lịch của lũ yêu tinh ấy tuy khác nhau, nhưng có một đặc điểm chung là ngăn cản công việc đi lấy kinh. Trong số đó có nhiều thứ thực ra là hóa thân của tai họa thiên nhiên, nhưng khi chúng đã biến hóa thành yêu quái, xuất hiện với tư cách là một thế lực gian ác trong cuộc đấu tranh, thì bản thân nó liền có ý nghĩa xã hội. Ngô Thừa Ân gắng sức miêu tả từng trận chiến đấu cụ thể trên đường sang Tây Thiên, Tôn Ngộ Không đã giành được thắng lợi như thế nào trong cuộc đấu tranh chống thế lực gian ác cản trở việc đi lấy kinh. Nhìn chung, câu chuyện sang Tây Thiên lấy kinh với những tình tiết tưởng tượng, trên mức độ rất lớn, đã phản ánh tinh thần khắc phục khó khăn, dũng cảm vươn tới của nhân dân Trung Quốc trong việc đánh đổ mọi thế lực xã hội gian ác và chinh phục thiên nhiên.

     Những nhân vật anh hùng mang nguyện vọng lí tưởng của nhân dân có thể xem như là những đứa con tinh thần của nhà văn phát ngôn cho lí tưởng của tác giả. Khi thể hiện đặc trưng, tính cách của họ, nhà văn thường dùng thủ pháp nghệ thuật khoa trương, phóng đại để làm nổi bật hơn nữa hình ảnh của những con người dũng cảm trong hành động và việc làm. Nền nghệ thuật chân chính nói chung bao giờ cũng ít nhiều có phóng đại và một nhà nghệ sĩ lớn bao giờ cũng sáng tác cho nhân dân theo tinh thần thế giới quan và thị hiếu thẩm mĩ của nhân dân.

     Nhân vật anh hùng như Tôn Ngộ Không không những là đứa con tinh thần phát ngôn cho tư tưởng của nhà văn mà còn là ước mơ, khát vọng của quần chúng nhân dân trong xã hội phong kiến thối nát. Mỗi hành động, việc làm của họ đều nhằm xoá bỏ những bất công trong xã hội phong kiến. Là người anh hùng gần gũi với nhân dân nên họ ít nhiều mang bản chất, tình cảm tốt đẹp của nhân dân.

     Tôn Ngộ Không vẫn là hình tượng rực rỡ của một loại anh hùng mà đặc trưng tính cách là phản kháng, nổi loạn, dám đấu tranh và biết đấu tranh. Nó thể hiện những nguyện vọng sâu kín của nhân dân lao động Trung Quốc bao đời nay chịu áp bức bóc lột.

     Hình ảnh của Tôn Ngộ Không là hình ảnh của người anh hùng thượng võ, người anh hùng biết kết hợp giữa mưu trí và sức lực trong mỗi hành động, việc làm. Tinh thần phản kháng, đấu tranh ở một chừng mực nào đó đã thể hiện được nguyện vọng, mong muốn của nhân dân.

     Mặc dù còn có những hạn chế nhất định, nhưng hình ảnh của người anh hùng Tôn Ngộ Không ít nhiều đã thể hiện được nguyện vọng, lí tưởng của quần chúng nhân dân về một mẫu người anh hùng trong xã hội phong kiến thối nát.

     Tây du kí còn phản ánh lí tưởng tự do bình đẳng cũng như tinh thần khắc phục khó khăn, chiến thắng thiên tai nhân họa để thực hiện bằng được lí tưởng của nhân dân và tầng lớp thị dân mới trỗi dậy đương thời. Tuy kể chuyện nhà sư đi tìm thầy học đạo, nhưng tác giả không coi đạo Phật như một giải pháp chính trị để xóa sạch bất công ngang trái, để giải phóng con người. Về mặt này, tác giả chịu ảnh hưởng rõ rệt khuynh hướng tư tưởng của các truyền thuyết về chuyện Tây du vốn lưu truyền rộng rãi trong dân gian. Theo dõi thái độ của tác giả đối với hai nhân vật Đường Tăng và Tôn Ngộ Không thì rõ. Dưới ngòi bút tác giả, Đường Tăng là một hòa thượng ngây thơ, muốn hiện thực lí tưởng song không có biện pháp gì khả thủ. Nếu không có Tôn Ngộ Không thì một bước ông ta cũng khó đi. Trái lại Tôn Ngộ Không, với cây thiết bổng trong tay đã mở đường máu để đi tìm lí tưởng. Không làm như y thì không thể đạt mục đích. Nhiều lần nhà sư đã rầy la y về chuyện sát sinh, nhưng đã bất giới luật nhà Phật, và rõ ràng y đúng. Y cũng qui y Phật pháp, cũng mặc đồ cà sa nhưng tư tưởng và hành động của y thì rõ ràng đi ngược hẳn giáo lí nhà Phật. Bởi vậy, đạo Phật ở đây cũng chỉ là biểu tượng của tự do, bình đẳng, bác ái nói chung mà thôi. Đó là tư tưởng chính trị và quan niệm đạo đức của nhân dân được thể hiện dưới cái vỏ tôn giáo. Là “thuốc phiện tinh thần của nhân dân”, mọi thứ tôn giáo đều nói đến tự do bình đẳng bác ái. Các thần tượng tối cao của các loại tôn giáo đều ban phát tình thương như nhau cho mọi người, đều mở rộng cửa thiên đường để đón tiếp các linh hồn tội lỗi. Trong xã hội mà cường quyền và bạo lực thống trị, nhân dân vẫn mượn ảo tưởng tự do bình đẳng bác ái đó để đối lập với bất công ngang trái trong cuộc đời. Ở chỗ này tác giả đã tiếp thu quan điểm của nhân dân – những người đã lưu truyền và không ngừng sáng tạo thêm các truyền thuyết về công cuộc Tây du. Lí tưởng tự do bình đẳng bác ái cũng như tinh thần táo bạo, bất chấp mọi khó khăn gian khổ để thực hiện lí tưởng đó, cũng phản ánh những ước mơ sôi nổi của tầng lớp thị dân mới trỗi dậy thời bấy giờ. Đó là tư tưởng dân chủ sơ khai hình thành trong thời kì các nhân tố kinh tế tư bản chủ nghĩa đã nảy mầm. Lí tưởng mới mẻ cũng như tinh thần năng nổ táo bạo đó, đã tạo nên màu sắc dân chủ ít thấy trong những tác phẩm trước kia.

 

***Trích dẫn từ Khóa luận tốt nghiệp Cử nhân Văn học năm 2010: 

“HÌNH TƯỢNG TÔN NGỘ KHÔNG TRONG TÂY DU KÍ CỦA NGÔ THỪA ÂN”

Giảng viên hướng dẫn: ThS. Nguyễn Thanh Diên

Sinh viên thực hiện     : Đỗ Thái Hà

Trường: Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội



Bài viết liên quan
Nội dung đang được cập nhật.
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Chẳng cầu trong những năm tháng đẹp nhất gặp được người tốt nhất, chỉ nguyện những năm còn sống được tương phùng, lựa chọn một tòa thành sống với nhau đến già. ...
Tiếng dương cầm vọng mãi
Tiếng dương cầm vọng mãi
Chẳng ngôn ngữ nào êm dịu và trầm lắng cho bằng ngôn ngữ của thi ca Chẳng âm điệu nào thiết tha cho bằng cung thanh trầm của khúc nhạc... Tôi có một tình yêu lớ...
Nắng ấm quê hương
Nắng ấm quê hương
Quê hương là gì hở cha?Ai đi xa cũng nhớ nhiều... Phải thừa nhận rằng từ trước giờ, con chưa bao giờ nghĩ đến khái niệm Quê hương. Và cũng chưa một lần, con tự ...
THÀNH NGỮ TRUNG HOA

THÀNH NGỮ TRUNG HOA

Ngọc bất trác, bất thành khí  Nhân bất học bất tri lý Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ Vô duyên ...
Status 129 trên Nhân Văn Blog

Status 129 trên Nhân Văn Blog

Âm nhạc luôn luôn là nguồn hạnh phúc cho tất cả mọi người sống trên trái đất. Không có âm nhạc thế ...
43 câu nói ý nghĩa

43 câu nói ý nghĩa

1. Bộc lộ sự nóng nảy ra ngoài, đó gọi là bản năng. Kìm nén sự nóng nảy vào bên trong, đó gọi là ...
Như một người cha

Như một người cha

Trong cuộc đời mỗi chúng ta, luôn có những người đã dạy ta một điều gì đó khiến cuộc đời ta thay ...
Người tuổi Dần

Người tuổi Dần

Trời sinh người tuổi Dần rất nhạy cảm, và có giác quan thứ sáu, có khả năng nhìn thấu nội tâm của ...

"Nhân sinh nhược chích như sơ kiến....
Nếu cuối cùng mọi thứ đều phải tan biến, chỉ xin được giữ lại ánh nhìn buổi ban sơ..."

Bụng chứa thi thư, 

phong thái tự đẹp!

Hữu xạ tự nhiên hương

Ngọc bất trác, bất thành khí 

Nhân bất học bất tri lý

Nhất tự thiên kim

Thiên ngôn vạn ngữ

Tri nhân tri diện bất tri tâm

Video clip