Trong Tây du kí, Ngô Thừa Ân xây dựng khá nhiều hình tượng nhân vật nhưng nổi bật nhất là hình tượng Tôn Ngộ Không. Đọc xong Tây du kí, hình ảnh Tôn Ngộ Không, người anh hùng lí tưởng, giàu màu sắc thần kì vẫn lởn vởn trong tâm trí độc giả. Mọi người theo dõi việc đại náo Thiên cung của Tôn Ngộ Không, say sưa nhiệt tình như khi để tâm hồn mình hòa theo chiến thắng của Gia Cát lượng trong trận Xích Bích. Vì thế, nếu xem Tam quốc diễn nghĩa là nơi sánh mưu của Gia Cát Lượng thì Tây du kí quả là nơi trổ tài của Tôn Ngộ Không.
Tôn là đứa trẻ của tự nhiên, sinh ra từ một tiên thai trong tiên thạch (đá tiên). Chuyện kể rằng:
“Tại nước Ngạo Lai ở gần bể, có một ngọn núi rất đẹp, gọi là Hoa Quả Sơn. Ngọn núi đó thực là:
…Sườn non đá lạ,
Vách phẳng non hoa
Ngang sườn non líu lo đôi phượng
Trước vách phẳng nằm khểnh lân già
Trên đỉnh núi, giọng gà vàng xao xác,
Dưới hang đá, bóng rồng lượn vào ra…”
Trên đỉnh núi Hoa Quả có một tiên thạch. Thế rồi bỗng một hôm nhịp theo sự tuần hoàn của trời đất, được lúc tinh hoa vũ trụ cùng nảy nở, giữa lúc gió mát trăng thanh, tiên thạch nứt ra một trứng đá. Trứng đá đó hóa ra con khỉ đá, có đủ chân tay mặt mũi. Dần dần do khí thiêng sông núi, con khỉ đá biết đi, biết nhảy, học cào, học chạy, vái lạy bốn phương. Hai mắt của nó có hào quang sáng rực, thấu các vì tinh đẩu lên đến tận Thiên đình, làm kinh động Ngọc Hoàng Thượng Đế. Con khỉ đá này không phải vô cớ xuất hiện ở trần gian. Con đường tương lai của nó thật hết sức rạng rỡ.
Sau khi xuất hiện, con khỉ đá lập tức tỏ ra là kẻ trí dũng song toàn. Nó nhảy thót một cái tìm ra động Thủy Liêm đưa dòng họ vào ở trong đó. Nó được một lũ khỉ tôn làm đại vương, lên ngôi hoàng đế, tự xưng Mĩ Hầu Vương (Vua khỉ đẹp). Dòng họ nhà khỉ gồm khỉ vượn, khỉ cái, khỉ ngựa, được phân phối thành quân, thần, tướng, tá, sớm chơi núi Hoa Quả, đêm ngủ động Thủy Liêm, cùng nhau một lòng, không chịu lẩn vào rừng chim bay, không đi theo muông chạy. Xã hội loài khỉ sống hết sức thoải mái, vui tươi, độc lập xưng vương, không bị kì lân cai quản, không bị phượng hoàng trông coi, không chịu sự câu thúc của vua chúa nhân gian, tự do, tự tại, hạnh phúc khôn lường...
Tôn Ngộ Không, nhân vật trung tâm, linh hồn của tác phẩm chính là một nhân vật điển hình không chỉ nổi bật ở những biểu hiện kì lạ về vòng đời, về hình tướng, về năng lực, mà còn biểu hiện rất nhiều đặc điểm kì lạ về tính cách.
Đặc điểm nổi bật dễ thấy nhất ở nhân vật Tôn Ngộ Không là ngạo nghễ, ngang tàng, xem thường quyền uy. Thực ra, trong bất cứ xã hội nào, khi mà kẻ thống trị chuyên chế chỉ có dựa vào quyền uy, có thể bất chấp lẽ phải và đạo lí, thì tất yếu sớm muộn gì cũng sẽ sản sinh ra những nhân vật mang đặc điểm tính cách này. Do đó, bản thân sự ngạo nghễ, ngang tàng, xem thường quyền uy không phải là lạ, mà chỗ lạ chính là ở những biểu hiện cụ thể về mức độ và tính chất của nó.
Tôn Ngộ Không ngay khi từ quả trứng đá sinh ra đã biểu lộ mầm mống xuất chúng qua hình ảnh “mắt dọi hào quang, chiếu lên tân cung Đẩu”. Vì muốn được trường sinh bất tử, Ngộ Không đã lênh đênh vượt biển, tầm sư học đạo hai mươi năm trời, được Bồ Đề tổ sư truyền cho diệu quyết trường sinh và phép tránh “ba tai hại”, thông thạo cả bảy mươi hai phép Địa sát biến hóa lẫn phép “cân đẩu vân”. Bẩm sinh đã có tính ngang tàng, lại thêm bản lĩnh thần thông quảng đại nhờ công phu tu luyện như thế, nên trước khi bị Phật tổ Như Lai đè dưới núi Ngũ Hành, Ngộ Không càng ngày càng kiêu căng ngạo mạn, không coi ai ra gì. Hết náo long cung lại náo địa phủ, hết náo địa phủ lại liên tiếp ba lần đại náo thiên cung.
Sau khi hết nạn lớn, qui y đạo Phật, trở thành hòa thượng, Ngộ Không vẫn thường xuyên bộc lộ cái tính khí ngạo nghễ, ngang tàng, xem thường quyền uy ấy. Chỉ có điều, tư cách của lão sau này đã khác, không còn là “yêu tiên” ngông cuồng phá phách chỉ vì cá nhân mình nữa, mà đã trở thành đại đồ đệ của Đường Tăng. Lão thực hiện nhiệm vụ cực kì khó khăn là hộ vệ một trưởng lão “vô tích sự” nhưng lại được tất cả tiên phật thần thánh trên trời dưới đất, âm phủ long cung dốc lòng phù trợ sang phương Tây lễ Phật cầu kinh. Kể từ sau lần giết chết sáu tên giặc cỏ, bị sư phụ mắng nhiếc rồi tức giận định bỏ đi, trên đầu Ngộ Không có thêm chiếc vòng kim cô của Như Lai sẵn sàng xiết chặt bất cứ lúc nào Đường Tăng muốn. Chiếc vòng kim cô ấy là hình ảnh tượng trưng cho giới luật Phật giáo mà Ngộ Không phải tuân thủ. Chính ở cái tư cách đặc biệt này – là hòa thượng nhưng chủ yếu lại phải đóng vai trò một ông hộ pháp – mà Ngộ Không đã bộc lộ đầy đủ tính cách kì lạ của mình.
Lạ nhất là Ngộ Không tuy qui y nhưng không những đã nhiều lần vi phạm giới luật Phật giáo mà thậm chí còn tỏ ra thích thú với sự vi phạm đó. Đạo Phật cấm sát sinh nhưng Ngộ Không dọc đường đã giết chết bao nhiêu sinh mạng. Không kể vô số các loại yêu ma quỉ quái mà như lời Quan Âm Bồ Tát đã nói: “Đánh chết chúng, là nhà ngươi có công”; chỉ tính riêng lũ giặc cướp là con người cũng đã có hàng chục tên mất mạng vì cây gậy sắt “đưa đám” của vị hòa thượng mặt lông này. Đạo Phật cấm trộm cắp nhưng Ngộ Không cũng đã từng ăn trộm quả nhân sâm ở quán Ngũ Trang, rồi vì không chịu được những lời mắng nhiếc thậm tệ của tiểu đồng mà quật đổ cây, gây nên hậu quả tai hại. Đạo Phật cấm nói dối nhưng trong các lần hàng phục Kim Giác, Ngân Giác ở động Liên Hoa và Trại Thái Tuế ở động Giải Trãi, Ngộ Không đều lấy được bảo bối nhưng lại vờ không biết gì khi Thái Thượng Lão Quân và Quan Âm Bồ Tát hỏi đến. Đạo Phật khuyên người ta nhẫn nhục chịu đựng mà Ngộ Không thì chẳng những không mấy minh mẫn nhịn ai mà còn chủ động gây gổ, quấy rối. Điển hình nhất là ở nước Xa Trì, Ngộ Không trước thì đánh chết hai đạo sĩ cai quản các nhà sư, sau lại đầu têu việc nửa đêm trốn sư phụ đến quán Tam Thanh, nổi gió tắt đèn nến, phá cuộc lễ dương sao do ba đạo sĩ yêu quái tổ chức. Ngộ Không đã bảo Bát Giới vứt tượng ấy để ăn sạch đồ cúng, lại nhân bọn đạo sĩ khẩn khoản xin linh đơn nước thánh mà lừa cho chúng uống nước đái, rồi lớn tiếng nói rõ sự thật để trêu tức. Ở cuộc đại náo quán Tam Thanh này, ta như thấy lại hình ảnh Ngộ Không trong lần đại náo hội Bàn Đào hơn năm trăm năm về trước. Tuy nhiên, tính chất đã khác hẳn: một đằng là nhằm thỏa mãn sự tức khí cá nhân và đòi hỏi tự do, công bằng cho bản thân, một đằng là hành động trả thù chung cho các nhà sư bị bọn đạo sĩ hành hạ, ngược đãi. Vì vậy, Tôn Ngộ Không chẳng ngần ngại “ra tay quyết để lưu danh”, xưng rõ là “Các sư Đại Đường, vâng chỉ sang Tây”.
Những điều mà Tôn Ngộ Không gặp phải trong chặng đường thỉnh kinh không phải là không mang ý nghĩa của sự thất bại, nhưng không phải vì thế mà xem Tôn là kẻ phản bội. Trước sau Tôn Ngộ Không vẫn khinh thường Ngọc Hoàng Thượng Đế và Đức Phật Tổ Như Lai trở thành kẻ để Ngộ Không sai khiến. Trong hồi ba mươi ba, kể chuyện Ngộ Không đánh nhau với hai con yêu ma trong động Liên Hoa, núi Bình Đính là Kim Giác đại vương và Ngân Giác đại vương. Hai yêu ma đều có pháp luật cao cường, lại có năm thứ bảo bối lợi hại, nhất là cái “Hồ lô hồng vàng tía” có thể gói người vào trong đó và chỉ trong một giờ ba khắc, người bị gói sẽ bị nhũn ra như thịt ninh. Để đánh lừa yêu tinh, Ngộ Không đem “Hồ lô hồng vàng tía” gói trời ra địch. Ngộ Không bịa ra thế chứ làm gì có thứ “Hồ lô hồng vàng tía” có thể gói trời được. Y bèn quyết đọc thần chú gọi Nhật Du Thần, Dạ Du Thần, Ngũ Phương Yết Đế đến bảo:
"Các người lên tâu ngay với Ngọc Hoàng, nói lão Tôn qui y chính quả, bảo vệ Đường Tăng sang Tây Thiên lấy kinh, non cao trắc trở, sư phụ gặp tai ách, yêu ma có bảo bối nay ta định lừa nó để đánh đổi, muôn vàn kêu người, cho ta mượn trời đem gói lại độ nửa giờ, giúp ta thành công. Hễ không cho, ta sẽ lên thẳng điện Linh Tiêu khuấy động binh đao cho mà xem."
Tôn luôn luôn giữ thái độ ngạo nghễ của người anh hùng, không bao giờ cúi đầu xu nịnh. Mỗi lần gặp Ngọc Hoàng, Tôn chào to:
"- Chào lão quan, phiền ngài, phiền ngài!"
Có lần Tôn vạch trần sự kiềm thúc bất minh của Thái Thượng Lão Quân, để hai đứa đồng tử coi lò vàng, lò bạc lấy trộm bảo bối xuống hạ giới làm điều bậy bạ. Ở hồi năm mươi mốt, khi qua núi Kim Đẩu, Tôn đấu phép với con Tỉ Quái, bị mất gậy bịt vàng, Tôn nghĩ:
"Yêu tinh này có biết ta. Ta nhớ khi ở trận đánh, nó ngợi khen: “Thực là tài giỏi của một người đã náo Thiên cung!”. Cứ xem như thế, quyết không phải quái vật ở phàm gian, tất nhiên là hung tinh ở trên trời, còn tơ tưởng phàm trần hạ giới…"
Thế là Tôn Ngộ Không tự mình bày mưu tính kế rồi vươn mình nhảy lên mây lành thẳng tới ngoài cửa Nam Thiên Môn, tìm Ngọc Hoàng hỏi cho ra nhẽ.
Có thể nói, từ khi qui y đạo Phật, cái tính khí ngạo nghễ, ngang tàng, xem thường quyền uy của Ngộ Không chẳng những không bị triệt tiêu mà còn nâng cao bởi một tầm tư tưởng lớn mang nội dung xã hội sâu sắc. Và đặc điểm kì lạ trong tính cách của Ngộ Không lúc này đã bộc lộ ra ở chỗ: lão luôn đem phép ứng xử của loại anh hùng hảo hán “kiến nghĩa bất vi vô dũng” vào trong mọi hành vi của mình, bất kể nó có phù hợp hay không. Qua đó mà bộc lộ mạnh mẽ lòng tự tôn, tinh thần khẳng khái, phẩm chất kiên trinh và lòng trung thành tận tụy của bản thân. Nhìn Đường Tăng lúc nào cũng cung kính sụp lạy thần thánh, Ngộ Không cảm thấy buồn cười và đã nói với sư phụ một cách tự hào rằng: “…Lão Tôn từ nhỏ là một trang hảo hán, không biết lạy. Ngay cả gặp Ngọc Hoàng Thượng đế, Thái Thượng Lão Quân, con cũng chỉ vâng một tiếng là xong”.
Sự thật đúng là như vậy. Ở bất kì mối quan hệ nào, Tôn Ngộ Không đều thể hiện thái độ, tư thế ngạo nghễ, ngang tàng rất đặc trưng. Với hạng yêu quái thì bất kể nguồn gốc là gì, thần thông quảng đại đến đâu, lão Tôn đều truy kích đến cùng, nếu bản thân không hàng phục nổi thì lão lại đi mời tiên phật thần thánh giúp sức. Với hạng “tiểu thần” như sơn thần, thổ địa, thành hoàng thì mỗi lúc cần thiết, lão chỉ cần niệm chú “úm” một tiếng là có thể lôi lên hàng tá, chậm trễ là dọa “giơ mắt cá chân ra” để cho ăn đòn. Với thần thánh ở trên trời thì tuy có “lịch sự” hơn vì không còn kiểu quan hệ đối đầu như trước, nhưng vẫn cư xử theo lối ngạo nghễ y hệt hồi nào đại náo thiên cung. Có lần Ngọc Hoàng sai thiên thần đi bắt yêu quái giúp Ngộ Không, nhưng xong việc, lão chỉ “ngẩng đầu lên chào Ngọc Hoàng thật to, rồi quay sang các vị thần nói: - Chào các vị, tôi đi đây”. Thiên sư tỏ ý trách móc thì Ngọc Hoàng nói: “Chỉ cần được hắn vô sự, để trên trời được thanh bình là may rồi”. Ngọc Hoàng ở ngôi chí tôn vô thượng mà còn ngán Ngộ Không như thế, huống hồ là các vị thần thánh khác!
Lão Quân là ông tổ của Đạo giáo, Ngộ Không cũng từng nói vỗ mặt, kết tội đanh thép. Lần “xong tinh tươm” việc thu phục Kim Giác, Ngân Giác, được Lão Quân cho biết chúng vốn là tiểu đồng coi lò của ông ta, Đại Thánh liền nói: “Ngài làm quan lâu năm mà thực vô lễ. Thả lỏng cho người trong nhà làm việc tà ác, phải hỏi tội danh cai quản không cẩn thận!”. Thậm chí khi có việc phải nhờ đến Đạo tổ, Ngộ Không cũng vẫn thừa cơ trêu chọc ông ta như thường. Lần đến xin “hoàn hồn linh đơn” để cứu sống vua nước Ô Kê, ban đầu Ngộ Không nói xin “một nghìn viên”, rồi giảm xuống “một trăm viên”, “mười viên”. Lão Quân đã tức giận đuổi Ngộ Không “cút đi” nhưng nghĩ lại, “chỉ sợ hắn nấn ná ăn trộm của mình”, bèn sai tiên đồng gọi lại bảo cho một viên. Thế là Ngộ Không được nước, nói với ông ta rằng: “Lão Quân, ngài đã biết tài nghệ của lão Tôn rồi. Mau đem linh đơn ra đây, chia cho chúng tôi bốn người sáu phần vẫn là còn may cho ngài. Nếu không, tôi sẽ mang cái vớt vào vớt sạch”. Tất nhiên lão Tôn cũng chỉ cần và rồi sẽ chấp nhận lấy một viên, nhưng chưa thôi bỡn cợt: “Hãy khoan vội, đợi tôi nếm thử xem, chỉ e là của giả, lại chẳng bị ngài lừa à?”. Lời lẽ ấy, cung cách ứng xử ấy vừa thể hiện bản tính hay bông đùa hài hước vừa nói lên thái độ bất kính của Ngộ Không đối với vị tổ sư của Đạo giáo.
Đối với Đường Tăng, một mặt Ngộ Không luôn một lòng trung thành, tận tâm tận lực phò tá, kể cả khi ông ta “trở mặt vô tình”, bạc bẽo ruồng bỏ mình. Mặt khác lại thường xuyên tỏ rõ thái độ bất bình trước lối suy xét, quyết định hồ đồ và thái độ nhu nhược quá đáng của ông ta. Lòng trung thành, tận tụy của Ngộ Không được tác giả biểu hiện sinh động ở nhiều tình huống khác nhau. Chỉ cần liệt kê bao nhiêu lần Ngộ Không xông pha trận mạc, chẳng kể hiểm để mở đường tiến bước và cứu Đường Tăng thoát khỏi tai nạn cũng đủ chứng minh phẩm chất cao quí đó. Càng ở vào những thời điểm xung đột gay cấn thì phẩm chất đó càng thêm ngời sáng. Có những tình tiết hết sức cảm động. Khi bị Đường Tăng nhất quyết viết giấy đuổi vì đánh Bạch Cốt tinh, lại lấy lí do “ta là hòa thượng tốt, không thèm nhận lễ của kẻ xấu” để từ chối việc lạy tạ từ biệt của đồ đệ; Ngộ Không đã dùng phép “ngoại thân”, nhổ ba sợi lông gáy biến thành ba Hành Giả, cùng với bản thân là bốn, đứng bốn phía quanh sư phụ lạy tạ khiến ông ta không thể lẩn tránh được, đành nhận một lễ. Sau lần ấy, Đường Tăng sa vào bẫy của Hoàng Bào lão quái và bị biến thành hổ dữ, Ngộ Không hay tin là lập tức bỏ cảnh yên vui và những lời lẽ thiết tha của lũ khỉ con cháu, cùng Bát Giới đi cứu sư phụ. Bị yêu quái chê: "không đáng là trượng phu, bị sư phụ tống cổ đi còn vác mặt đến", Ngộ Không đã đáp lại bằng những lời lẽ thấm nhuần đạo lí: “Nhà ngươi không biết câu ‘một ngày làm thầy, làm cha cả đời’ và ‘Bố con không để hận thù quá một đêm’ à? Nhà ngươi hãm hại sư phụ ta, tại sao ta không đến cứu ông ấy?". Trong cuộc giao tranh với Hồng Hài Nhi, Ngộ Không gặp nạn lửa mê man tưởng chết, vừa được cấp cứu tỉnh dậy, đã gọi ngay hai tiếng: “Sư phụ!”, khiến Sa Tăng cảm động quá phải thốt lên: “Anh ơi, anh sống cũng vì sư phụ, chết cũng gọi sư phụ…”. Rõ ràng là trong sự trung thành tận tụy của Ngộ Không, ngoài cái bổn phận thông thường của một đồ đệ đối với sư phụ ra, còn chứa đựng đạo lí và tình cảm chân thành, sâu sắc. Nó làm nổi bật vẻ đẹp độc đáo, kì lạ trong tính cách của nhân vật này – đó là cái “tâm” trong sáng tuyệt vời của một tấm lòng “chí thảo chí hiếu”, gần như sự đối lập với những phản ứng tức thời, nhiều khi có vẻ ngỗ ngược, nóng nảy đối với sư phụ.
Tác giả tỏ ra rất tinh tế khi thể hiện thái độ của Ngộ Không đối với sư phụ. Với Đường Tăng, Ngộ Không vừa xác định được ranh giới quan hệ thầy – trò vừa ý thức rất rõ sư phụ mình là “người trần mắt thịt”. Vì vậy, trước những suy xét, quyết định chủ quan, hồ đồ của Đường Tăng, Ngộ Không thường là tức tối nhưng vẫn phải miễn cưỡng phục tùng, và nhiều khi tỏ rõ thái độ châm biếm. Nếu có vì lợi ích chung mà hành động trái với sự mong muốn và vượt quá tầm hiểu biết của sư phụ, thì trong hầu hết các trường hợp, lão Tôn luôn luôn phải giấu giếm. Hai lần lão tự tiện thực hiện hành động “giết người” trước mặt Đường Tăng là hai lần thầy trò đang ở vào tình thế cấp bách đòi hỏi phải hành động gấp, và tất nhiên hậu quả trực tiếp là Ngộ Không bị đuổi, rồi sau đó thì đến lượt Đường Tăng gặp nạn. Mỗi khi oán trách sư phụ, Ngộ Không thường dùng những lời lẽ nhẹ nhàng, lễ độ, đánh đúng vào chỗ mạnh và cũng là chỗ yếu của Đường Tăng. Lần gặp Bạch Cốt tinh giả làm cô gái, Đường Tăng không tin lời cảnh tỉnh của đồ đệ, cứ cho yêu quái là người tốt, Ngộ Không bèn nói: “…Sư phụ thấy dung mạo nó như thế, tất động lòng phàm. Nếu quả có ý đó, thì bảo Bát Giới chặt cây, Sa Tăng tìm cỏ, con làm thợ mộc, dựng tạm cho thầy chiếc lều, thầy với nó động phòng thành thân, chúng con sẽ tản đi. Lại chẳng là một sự nghiệp sao? Hà tất phải lặn lội lấy kinh làm gì?". Lần gặp “cô gái” ở rừng Hắc Tùng cũng vậy, trước việc Đường Tăng bất chấp mọi lời can ngăn của mình, quay lại cứu yêu quái, Ngộ Không cứ cười khẩy mãi, khiến ông ta phải quát lên hỏi: “Con khỉ khốn kiếp! Nhà ngươi cười cái gì?”. Thế là Ngộ Không trả lời: “Con cười sư phụ ‘vận đến gặp bạn tốt, vận đi gặp giai nhân’ ”. Khi Đường Tăng hồ đồ bắt đồ đệ cõng yêu quái ở núi Bình Đính, Ngộ không cũng nói với tên đạo sĩ giả rằng: “Nhà ngươi gặp may đấy! Sư phụ ta là người từ bi hiếu thiện, lại chỉ thích sĩ diện bề ngoài, ta mà không cõng, người sẽ mắng ta…”. Lời nói đó quả đã nói lên được đặc điểm rất cơ bản trong tính cách của Đường Tăng và tâm trạng bất bình của Ngộ Không. Sự bất bình ấy có lí do xác đáng và đôi khi được đẩy lên mức quyết liệt. Lần mắc nạn ở chùa Tiểu Lôi Âm, Ngộ Không đã gọi các thần hộ vệ đến bên chiếc não bạt, nói: “Sư phụ tôi không nghe tôi khuyên giải thì ông ấy chết cũng không phụ! Nhưng các người phải làm sao mau tìm cách mở được cái não bạt này thả tôi ra, thì mới có cách xử trí…”. Qua những lời lẽ có vẻ phũ phàng này, ta thấy được tất cả sự bực tức cũng như nỗi lo lắng của Ngộ Không về cái tai họa khủng khiếp mà mọi người đang phải gánh chịu chỉ vì một quyết định độc đoán sai lầm của trưởng lão. Sự thật là ngoài Ngộ Không ra, không còn ai có đủ bản lĩnh để cứu được Đường Tăng. Tiếc rằng cái lô gích tất yếu và vô cùng đơn giản ấy, “sư phụ nhà mình” lại không hoàn toàn ý thức được; nên khi Ngộ Không can ngăn “Đừng vào. Chỗ này lành ít dữ nhiều. Nếu có tai họa, đừng có trách con”, ông ta đã trả lời nhẹ như không: “làm sao trách con”. Sự đối chiếu hai tính cách có nhiều điểm đối lập theo kiểu “tá khách hình chủ” này quả đã làm nổi bật những nét độc đáo, đem lại sức sống mạnh mẽ cho hình tượng nhân vật.
Trong tính cách Ngộ Không, còn nổi lên một đặc điểm cũng rất kì lạ nữa là lòng tự tôn, sự chú trọng nghi lễ hình thức kiểu Nho giáo lại hòa quyện với cái tính khí ngạo nghễ, ngang tàng, xem thường quyền uy kiểu anh hùng hảo hán đã nói ở trên. Điều đó tất nhiên là xa lạ với nhân sinh quan Phật giáo nhưng lại chi phối mọi hành vi và cung cách ứng xử của nhân vật này kể từ khi trở thành đồ đệ của Đường Tăng. Ngộ Không có thể “đau lòng rơi lệ, dụi mắt khóc thầm” vì nghĩ đến chuyện phải lạy mụ già yêu quái ở động Áp Long; lại có thể vui vẻ hào hứng, quên cả đau đớn mệt nhọc chỉ vì được Hồng Hài Nhi lạy và gọi mình là phụ vương. Lần bọn yêu quái ở động Triết Nhạc đưa đầu người nói dối là Đường Tăng đã bị ăn thịt, Ngộ Không tìm đường vào động tiêu diệt chúng để trả thù, đã định biến thành con rắn nước, nhưng rồi lại nghĩ: “Biến thành rắn nước sợ linh hồn sư phụ biết sẽ trách mình là người xuất gia mà lại biến thành loài rắn bò trườn. Biến thành con cua bé chui vào vậy. Cũng không được. Sợ sư phụ trách mình là người xuất gia mà lại lắm chân”, bèn biến thành con chuột nước. Thành tâm đến thế là cùng mà giữ gìn tư cách cũng đến thế là cùng! Nếu đem những suy nghĩ này đối chiếu với việc trước đây khi đấu phép với Nhị Lang thần, Ngộ Không từng biến thành con chim giẽ khiến “Nhị Lang không thèm tới gần”, vì “chim giẽ là loài hèn nhất dâm nhất trong các loài chim, bất kể là quạ ưng, loan phượng nó đều đạp mái bừa”; thì mới thấy hết sự phát triển về chất trong tính cách của Tôn Ngộ Không giữa hai giai đoạn trước và sau khi bị giam dưới núi Ngũ Hành. Đó cũng là điểm tinh tế của tác giả trong việc xây dựng nhân vật điển hình vừa đa dạng vừa thống nhất này. Công bằng mà nói thì chính tư cách “hộ pháp” đã đẩy cái tính khí ngang tàng và phẩm chất anh hùng hảo hán vốn có của Ngộ Không lên một cấp độ cao hơn. Đó là biểu hiện của ý thức tự giác, lòng trung thành và tinh thần xả thân phụng sự lí tưởng, bảo vệ phẩm giá và danh dự của Phật giáo. Để thực hiện điều đó, Ngộ Không đã lựa chọn cách ứng xử phù hợp với hoàn cảnh khách quan cũng như bản tính hiếu thắng cố hữu của mình. Vì vậy, tuy là hòa thượng nhưng đặc điểm nổi trội trong tính cách của Ngộ Không, nếu muốn dùng một chữ duy nhất trong vốn từ quen thuộc của nhà Phật để biểu đạt thì chữ ấy phải là chữ “sân” (giận) – có nghĩa một điều tối kị đối với người tu hành đạo Phật – mới có thể khái quát được. Điều này tạo nên tính nhất quán trong tính cách anh hùng của Tôn Ngộ Không: trước khi tham gia thỉnh kinh, Ngộ Không là người anh hùng phản kháng đòi tự do, công bằng; từ khi tham gia thỉnh kinh, lão trở thành người anh hùng “cứu nhân gian khỏi tai họa” – thi hành việc Thiện.
Cùng với những đặc điểm kì lạ về vòng đời, hình tướng, năng lực, những đặc điểm về tính cách của nhân vật đã nêu ở trên đã góp phần quan trọng đưa đến sự thành công của tác giả trong việc sáng tạo một nhân vật hoàn chỉnh đặc biệt kì lạ “vừa người vừa thần, vừa khỉ vừa quái” (diệc nhân diệc thần, diệc hầu diệc yêu). Những đặc điểm kì lạ về tính cách ấy cho thấy rõ ràng ý nghĩa của hình tượng Tôn Ngộ Không rộng lớn hơn rất nhiều những khái niệm trừu tượng đã từng được dùng để lược qui những đặc điểm và ý nghĩa của nhân vật này, như cho rằng bốn nhân vật trong “tứ chúng” là hiện thân của “bốn tính” mà “tính” của Tôn Ngộ Không là “tài năng”; hay khẳng định Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung là thể hiện “tinh thần đấu tranh dũng cảm trí tuệ của nhân dân chống lại giai cấp thống trị trong xã hội phong kiến Trung Quốc”; và Tôn Ngộ Không qui y là để “lập chiến công bảo vệ nhân dân” v.v… Tính cách kì lạ đó vừa là kết quả vừa là điều kiện của những tình huống mâu thuẫn, xung đột phức tạp và gay cấn được mô tả trong tác phẩm; qua đó mà thể hiện sâu sắc tình cảm yêu ghét, khen chê đối với xã hội đương thời cũng như lí tưởng xã hội – thẩm mĩ tích cực của nhà văn. Nhờ vẻ đẹp kì lạ ấy mà Tôn Ngộ Không xứng đáng là một điển hình nghệ thuật bất hủ trong văn học Trung Quốc và thế giới.
***Trích dẫn từ Khóa luận tốt nghiệp Cử nhân Văn học năm 2010:
“HÌNH TƯỢNG TÔN NGỘ KHÔNG TRONG TÂY DU KÍ CỦA NGÔ THỪA ÂN”
Giảng viên hướng dẫn: ThS. Nguyễn Thanh Diên
Sinh viên thực hiện : Đỗ Thái Hà
Trường: Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội