Từ địa phương không đối lập với từ toàn dân
Hệ thống ca khúc thời chiến nói chung và ca khúc trữ tình cách mạng 1954 – 1975 nói riêng có thể nói như một cuốn biên niên sử ghi lại từng chặng đường của Cách mạng Việt Nam. Toàn bộ hình ảnh của dân tộc, mỗi vùng đất, mỗi con người, mỗi nét đẹp văn hóa đều hiện lên chân thực, sống động, cái riêng hòa trong cái chung, tổng hợp để làm nên một sức mạnh kì diệu chiến thắng mọi bè lũ xâm lược. Tiểu mục này chúng tôi muốn dành nói về không khí của mọi vùng miền trên lãnh thổ Việt Nam đã được thể hiện một cách khéo léo và tinh tế qua hệ ca từ của các ca khúc. Làm được điều này, người nghệ sĩ như muốn nhắn nhủ về tình yêu từng làng quê, yêu mỗi con người cụ thể, yêu từng bông hoa, dòng suối, cánh chim, tiếng đàn nơi quê nhà cũng chính là yêu đất nước.
Quả thế, hai ca khúc Tiếng đàn Ta lư (Huy Thục) và Rừng xanh vang tiếng Ta lư (Phương Nam) như hiện lên trước mắt chúng ta, bên tai chúng ta hình ảnh dân tộc Vân Kiều cùng quê hương Quảng Bình, Quảng Trị. Chỉ hai từ Ta lư thôi đã đủ làm nên một âm hưởng vùng miền không thể trộn lẫn, một giá trị văn hóa của một dân tộc ít người nhưng đã đóng góp vô vàn sức mạnh tinh thần và vật chất trong cuộc kháng chiến chống Mĩ:
“Đi chiến trường gùi trên vai nặng trĩu.
Đàn ta lư em cất tiếng ca vui cùng núi rừng
Mừng thắng trận quê em”
(Tiếng đàn Ta lư)
“Đàn ơi giữa rừng núi Vân Kiều nắng sớm mưa chiều vẫn cùng ta xây chiến thắng”
(Rừng xanh vang tiếng Ta lư)
Cùng với dân tộc Vân Kiều và cây đàn Ta lư, dân tộc Pa ko cũng đã đi vào tác phẩm âm nhạc qua hai ca khúc Cô gái Pa ko (Huy Thục) và Người con gái Pa kô (Trí Thanh). Những hình ảnh đặc trưng của dân tộc Pa kô đã hiện lên và đi vào ca từ bài hát, đó là con sông Pliu nước chảy hiền hòa, là người anh hùng Kan lịch kiên cường dũng cảm:
“Rừng núi quê ta đẹp mùa hoa nở, con sông Pliu hiền hòa nước trôi xuôi (…) Kan lịch ơi thắm tươi rừng núi”
(Người con gái Pa kô)
Cũng tương tự như thế, sông Pô Kô và Đakkrông là những con sông gợi về núi rừng Tây Nguyên, đi vào ca từ qua hai ca khúc nổi tiếng Người lái đò trên sông Pô Kô (Nhạc: Cầm Phong; Lời: Mai Trang) và Sông Đakkrông mùa xuân về (Tố Hải). Từng bông hoa, dòng suối, cánh chim cũng gợi về quê hương của nó. Đó là hoa Pơ lang của núi rừng Tây Nguyên trong bài Em là hoa Pơ lang (Đức Minh), là dòng suối Lala gợi về chiến trường Quảng Trị trong bài Ơi dòng suối Lala (Huy Thục), là dòng Khuổi Nậm gợi về quê hương Cao Bằng trong bài Tiếng hát giữa rừng Pác Bó (Nguyễn Tài Tuệ). Chim kơ tia và chim s’ rao là những loài chim chỉ có nơi núi rừng xa xôi, đã đi vào ca từ các ca khúc Tiếng đàn Ta lư (Huy Thục) và Sông Đakkrông mùa xuân về (Tố Hải):
“Con chim s’ rao xinh hót trên cành vui mừng công anh”
(Tiếng đàn Ta lư)
“Chim Kơ tia bay tới nghiêng cánh chào Đakkrông”
(Sông Đakkrông mùa xuân về)
Cây đàn T’ rưng là nhạc cụ đặc trưng của người Gia Rai và Ba Na cũng đã đi vào nhiều ca khúc:
“Ta nối tấm lòng dân bằng tình yêu cách mạng
Cho tiếng đàn T’ rưng vang nhiều dòng suối”
(Sông Đakkrông mùa xuân về - Tố Hải)
“Khơi ánh lửa hồng bên suối đàn T’rưng reo”
(Nổi lửa lên em – Nhạc: Huy Du; Lời: Giang Lam, Huy Du)
Từ địa phương đối lập với từ toàn dân
Âm hưởng và không khí vùng miền không chỉ hiện lên qua những cái tên mang màu sắc rất đặc trưng như chúng tôi vừa trình bày mà nó còn hiện lên qua những từ ngữ khác mang màu sắc phương ngữ rất rõ rệt. Đó chính là những từ địa phương nằm trong thế đối lập với những từ toàn dân mà chúng tôi đã có dịp trình bày về lí thuyết trong phần đầu của luận văn.
Những từ địa phương được đưa vào ca từ nhìn chung không nhiều (nghĩa là hạn chế về số lượng) và thường là những từ dễ được tri nhận, cảm quan và thấu hiểu, không phải có thêm chú thích ý nghĩa bên dưới tác phẩm. Nói cách khác, những từ ngữ địa phương này có nhiệm vụ lẩy ra cái khí sắc vùng miền, góp phần thêm để tạo một không khí vùng miền.
Từ “chừ” nghĩa là “bây giờ” được đưa vào ca khúc Quảng Bình quê ta ơi (Hoàng Vân) gợi nên âm hưởng phương ngữ miền Trung:
“Rằng có đắng cay nên chừ mới có ngọt bùi”
Từ “răng” nghĩa là “sao, thế nào” được đưa vào ca khúc Tiếng hát sông Lam (Đinh Quang Hợp), gợi nên âm hưởng phương ngữ Thanh Hóa:
“Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục
Thì biết sống cuộc đời răng là nhục là vinh”
Từ “mô” nghĩa là “đâu, nào” được đưa vào ca khúc Người con gái sông La (Doãn Nho), gợi nên âm hưởng phương ngữ Hà Tĩnh:
“Trời mô xanh bằng trời Can Lộc
Nước mô xanh bằng dòng nước sông La”
Từ “vô” (vào), “nớ” (đó) được đưa vào ca khúc Nổi lửa lên em (Nhạc: Huy Du; Lời: Giang Lam, Huy Du) gợi âm hưởng phương ngữ miền Nam:
“Yêu đất nước trải đường vô trong nớ”
Từ “vô” (vào) cũng đi vào ca từ một số ca khúc nữa như Dân ta đánh giặc anh hùng (Nguyễn Văn Thương) và Xe chú vô đúng ngày tựu trường (Hoàng Nguyễn):
“Nghe Mỹ vô, tay xách súng chạy đón đường”
(Dân ta đánh giặc anh hùng)
Từ “má” (mẹ) cũng là một từ thuộc phương ngữ Nam Bộ được đi vào ca từ bài hát:
“Em thơ bao tuổi đã biết ngồi vót chông
Cho má em đi đánh Mỹ được yên lòng”
(Dân ta đánh giặc anh hùng)
Vài vấn đề khác liên quan đến tên địa phương thể hiện trong ca từ
Sau cùng, âm hưởng vùng miền còn hiện lên chính danh qua các từ ngữ chỉ tên chính thức của miền quê đó như Quảng Bình (Quảng Bình quê ta ơi), Hà Tây (Hà Tây quê lụa), Vĩnh Phú (Bức tranh xuân Vĩnh Phú), Thanh Hóa anh hùng (Hoàng Đạm)… Nhưng có một hệ lụy đã nảy sinh ở đây. Đó là cùng với thời gian, do sự thay đổi của quản lí hành chính nhà nước, một số cái tên đã bị mất đi do việc thay đổi tên gọi hoặc sát nhập các tỉnh thành. Chẳng hạn trường hợp tỉnh Vĩnh Phú tách thành Vĩnh Phúc và Phú Thọ, vô tình đã làm cho ca khúc Bức tranh xuân Vĩnh Phú (Vân Đông) không bao giờ được hát lên nữa. Hay như trường hợp tỉnh Hà Tây bị nhập vào Hà Nội, cũng đồng nghĩa với việc khai tử luôn ca khúc nổi tiếng một thời là Hà Tây quê lụa (Nhật Lai). Cũng tương tự như thế với việc Sài Gòn đổi tên thành Hồ Chí Minh, hàng loạt các ca khúc trong thời kì 1954 - 1975 như Sài Gòn quật khởi (Hồ Bắc), Tiến về Sài Gòn (Huỳnh Minh Siêng) có lẽ chỉ còn được cất lên ít ỏi trong những ngày kỉ niệm, lễ hội, tưởng nhớ.
Một dạng khác của sự lỗi thời ca khúc (cũng là lỗi thời của một bộ phận ca từ) xảy ra trong trường hợp các ca khúc ra đời nhằm để đánh dấu một sự kiện gắn với một địa danh hành chính mang qui mô nhỏ. Đó là trường hợp của các ca khúc Nghe tiếng pháo Khe Sanh (Đức Nhuận), Tiếng súng Đắc Tô (Đức Lưu), Kim Bon bản Mèo đổi mới (Trịnh Lại)… Khi sự kiện nói trên qua đi, tính thời sự của ca khúc không còn nữa, thì những ca khúc nói trên cũng gần như không bao giờ được hát lại nữa. Nói cách khác, có những ca khúc chỉ được sử dụng trong một hoàn cảnh lịch sử nhất định và dường như được dự báo trước về một sức sống khó lâu bền.
Cũng có những trường hợp, tác giả phải tự thay đổi một phần lời để tác phẩm có sức sống lâu bền hơn, có sức khái quát cao hơn. Đầu tiên là trường hợp ca khúc Đường chúng ta đi (Nhạc: Huy Du; Thơ: Xuân Sách). Ban đầu, câu cuối của tác phẩm là: “Miền Nam! Miền Nam! Nghe từng tiếng vang vang”. Nhưng đến khi đất nước thống nhất và bài hát vẫn được sử dụng bởi nó quá hay, câu cuối của tác phẩm nói trên đành phải sửa đổi thành: “Việt Nam! Việt Nam! Ôi tổ quốc vinh quang!” để cho phù hợp với thời đại, với không khí mới của lịch sử.
Một trường hợp khác là ca khúc Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi (Nhạc: Thanh Phúc; Lời: Hải Hồ, 1971). Ban đầu, câu sát kết của tác phẩm là “Vì tương lai miền Nam giải phóng anh em ta ơi ta tiến bước rợp Trường Sơn”. Sau 1975, khi miền Nam đã giải phóng, câu này đã phải thay đổi thành “Vì non sông Việt Nam bền vững đi lên thanh niên gian khó không cản được ta”.
***Trích dẫn từ Luận văn Thạc Sĩ Khoa học Ngữ văn năm 2012:
"ĐẶC ĐIỂM TIẾNG VIỆT THỂ HIỆN TRONG PHẦN LỜI CA CỦA CA KHÚC TRỮ TÌNH CÁCH MẠNG VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1954 - 1975"
Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Phạm Tất Thắng - TS. Đỗ Anh Vũ
Học viên Cao học : Đỗ Thái Hà
Chuyên ngành: Ngôn ngữ học - Trường: Đại học Sư phạm Hà Nội