Bên cạnh phần ca từ là nội dung của ca khúc, chúng tôi nhận thấy, nhan đề tác phẩm cũng chiếm một vai trò vô cùng quan trọng. Nhan đề của mỗi tác phẩm có nhiệm vụ bao quát thông tin, chủ đề, nội dung tư tưởng cũng như cảm xúc tình cảm của ca khúc, là thông điệp đầu tiên mà người nghệ sĩ gửi tới độc giả. Cũng chính nhan đề tác phẩm gây ra ấn tượng ngôn ngữ đầu tiên đối với người đọc, người nghe, gợi nên những cảm xúc nguyên thủy nhất, sơ khai nhất trước khi bước vào thưởng thức tác phẩm. Vì lẽ đó, chúng tôi cho rằng trước khi đi vào miêu tả, phân tích phần ca từ thuộc nội dung tác phẩm thì cũng phải dành một sự quan tâm thích đáng cho cấu trúc và ngữ nghĩa của nhan đề mỗi tác phẩm.
Đặc điểm cấu trúc ngữ pháp của nhan đề ca khúc
Trong 128 ca khúc trữ tình cách mạng giai đoạn 1954 - 1975 theo danh sách đã nêu, chúng tôi nhận thấy nhan đề các ca khúc có thể chia thành 5 nhóm cơ bản là: các nhan đề có cấu tạo là một từ, các nhan đề có cấu tạo là một danh ngữ, các nhan đề có cấu tạo là một động ngữ, các nhan đề có cấu tạo là một tính ngữ, các nhan đề có cấu tạo là một câu. Có thể nhận thấy sự phân bố số lượng và tỉ lệ của từng tiểu loại qua bảng thống kê dưới đây:
Bảng phân loại nhan đề ca khúc theo cấu tạo ngữ pháp
Đơn vị | Từ | Danh ngữ | Động ngữ | Tính ngữ | Câu |
Số lượng | 03 | 61 | 18 | 02 | 38 |
Tỉ lệ | 2,4% | 50% | 15% | 1,6% | 31% |
Nhìn vào bảng phân loại trên, có thể thấy, các ca khúc có nhan đề là một danh ngữ chiếm một số lượng áp đảo: 61 trường hợp (tương ứng với 50%). Từ đây có thể thấy việc tri nhận chủ đề tư tưởng tác phẩm theo hướng một khái niệm – một định danh là hình thức được ưa dùng, được ưu tiên theo cảm quan cá nhân của người sáng tác. Những nhan đề điển hình nhất cho tiểu loại này có thể kể ra là: Câu hò bên bờ Hiền Lương (Nhạc: Hoàng Hiệp; Lời: Hoàng Hiệp, Đằng Giao), Bài ca hy vọng (Nhạc và lời: Văn Ký), Tình ca Tây Bắc (Nhạc: Bùi Đức Hạnh; Lời: phỏng thơ Cầm Giang), Việt Nam quê hương tôi (Nhạc và lời: Đỗ Nhuận), Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người (Nhạc và lời: Trần Kiết Tường), Những ánh sao đêm (Nhạc và lời: Phan Huỳnh Điểu), Bạch Long Vĩ đảo quê hương (Nhạc và lời: Huy Du), Quảng Bình quê ta ơi (Nhạc và lời: Hoàng Vân), Bến cảng quê hương tôi (Nhạc và lời: Hồ Bắc), Người con gái sông La (Nhạc và lời: Doãn Nho), Thành phố hoa phượng đỏ (Nhạc: Lương Vĩnh; Thơ: Hải Như), Bài ca Hà Nội (Vũ Thanh).
Chiếm số lượng lớn thứ hai là các nhan đề ca khúc có cấu tạo là một câu: 38 trường hợp (tương ứng với 31%). Khi nhan đề là một câu nghĩa là đã có một thông tin – thông báo tương đối trọn vẹn được gửi tới người nghe/người đọc. Như vậy, có thể xem đây là cách tri nhận được ưu tiên thứ hai trong cảm quan của những người sáng tác khi đặt nhan đề cho ca khúc. Tiêu biểu cho loại thứ hai này có thể kể ra các nhan đề: Ta đã lớn (Nhạc: Nguyễn Xuân Khoát; Thơ: Tố Hữu), Mẹ yêu con (Nhạc và lời: Nguyễn Văn Tý), Đảng cho ta một mùa xuân (Nhạc và lời: Phạm Tuyên), Anh vẫn hành quân (Nhạc và lời: Huy Du), Nguyễn Viết Xuân cả nước yêu thương (Nhạc và lời: Nguyễn Đức Toàn), Dân ta đánh giặc anh hùng (Nhạc và lời: Nguyễn Văn Thương), Đường tôi đi dài theo đất nước (Nhạc và lời: Vũ Trọng Hối), Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi (Nhạc và lời: Văn Ký), Cô gái Sài Gòn đi tải đạn (Nhạc và lời: Lư Nhất Vũ), Cô gái mở đường (Nhạc và lời: Xuân Giao), Người sống mãi trong lòng miền Nam (Nhạc và lời: Nguyễn Đồng Nai), Người là niềm tin tất thắng (Nhạc và lời: Chu Minh), Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam (Nhạc và lời: Chu Minh), Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa (Nhạc và lời: Nguyễn Văn Tý)…
Đứng thứ ba là những nhan đề ca khúc có cấu tạo là một động ngữ. Những động từ giữ vai trò trung tâm (hạt nhân) trong cấu trúc động ngữ thường chỉ những hành động gắn với cuộc sống và con người thời kháng chiến, chẳng hạn: Cùng hành quân giữa mùa xuân (Nhạc và lời: Cầm La), Nổi lửa lên em (Nhạc: Huy Du; Thơ: Giang Lam), Bắc cầu (Nhạc: Quốc Anh; Thơ: Chính Hữu), Địu con đi nhà trẻ (Nhạc và lời: Đào Ngọc Dung), Khâu áo gửi người chiến sĩ (Nhạc và lời: Nguyễn Đức Toàn), Hát mừng quê ta giải phóng (Nhạc và lời: Thuận Yến), Tải đạn ra chiến trường (Nhạc và lời: Thanh Anh), Tiễn anh lên đường (Nhạc và lời: Nguyễn Văn Tý), Ngợi ca dũng sĩ miền Nam (Nhạc và lời: Nguyễn Liệu), Hát mừng anh hùng Núp (Nhạc và lời: Trần Quý), Cùng anh tiến quân trên đường dài…
Những nhan đề có cấu tạo là một tính ngữ và một từ chiếm số lượng ít nhất: 02 trường hợp đối với nhan đề là một tính ngữ và 03 trường hợp đối với nhan đề là một từ. Hai nhan đề có cấu trúc tính ngữ là: Xa khơi (Nhạc và lời: Nguyễn Tài Tuệ) và Vui mùa chiến thắng (Nhạc và lời: Văn Chừng – Lam Lương). Ba nhan đề có cấu trúc một từ là: Tình ca (Nhạc và lời: Hoàng Việt), Tự nguyện (Nhạc và lời: Trương Quốc Khánh) và Lá đỏ (Nhạc: Hoàng Hiệp; Thơ: Nguyễn Đình Thi).
***Trích dẫn từ Luận văn Thạc Sĩ Khoa học Ngữ văn năm 2012:
"ĐẶC ĐIỂM TIẾNG VIỆT THỂ HIỆN TRONG PHẦN LỜI CA CỦA CA KHÚC TRỮ TÌNH CÁCH MẠNG VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1954 - 1975"
Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Phạm Tất Thắng - TS. Đỗ Anh Vũ
Học viên Cao học : Đỗ Thái Hà
Chuyên ngành: Ngôn ngữ học - Trường: Đại học Sư phạm Hà Nội