Thứ năm, 21/11/2024 - 16:53

Quan niệm về xã hội trong tư tưởng Phật giáo ở Tây du kí

“Ta từ sau khi đắc đạo, có công luyện tập bảy mươi hai phép địa sát và biến hóa, được phép thần thông cân đẩu vân không gì sánh bằng; ẩn mình, tránh mình, cất mình lên, thu hình lại, lên trời cũng có đường, xuống đất cũng có lối, bước vào mặt trời mặt trăng không có bóng, đi vào vàng đá không vướng mắc, nước không thể làm chìm, lửa không thể đốt cháy, chỗ nào mà chẳng đi được.”

     Sau khi dẹp xong giặc Hỗn Thế Ma Vương, Tôn Ngộ Không tiến hành việc tổ chức xã hội khỉ để giữ yên bờ cõi núi Hoa Quả. Bấy giờ có bốn trưởng lão khỉ hỏi về thần thông của Tôn Ngộ Không, y bảo:

“Ta từ sau khi đắc đạo, có công luyện tập bảy mươi hai phép địa sát và biến hóa, được phép thần thông cân đẩu vân không gì sánh bằng; ẩn mình, tránh mình, cất mình lên, thu hình lại, lên trời cũng có đường, xuống đất cũng có lối, bước vào mặt trời mặt trăng không có bóng, đi vào vàng đá không vướng mắc, nước không thể làm chìm, lửa không thể đốt cháy, chỗ nào mà chẳng đi được.”

     Tôn Ngộ Không liền tổ chức chặt chẽ an ninh, quốc phòng để bảo vệ thành quả thanh bình của xứ sở. Thành quả xã hội ấy sẽ đến từ nền giáo dục tinh thần trách nhiệm cá nhân, tinh thần độc lập tự cường, tinh thần Vô ngã, vị tha, tinh thần dân chủ và nhân bản. Các tinh thần giáo dục ấy sẽ tạo nên tình đoàn kết, keo sơn của xã hội, sẽ tạo nên những công dân tốt, loại trừ được các tệ trạng xã hội như dối trá, cướp bóc, tà hạnh, tham nhũng, áp bức, lười biếng, thủ lợi, sa đọa… Tại đây, xã hội loài khỉ, hiện ra như một xã hội thí điểm mà Ngô Thừa Ân muốn giới thiệu, và mẫu thí điểm này là dành cho xã hội con người, đặc biệt là xã hội Trung Hoa với nhiều thành kiến. Hẳn nhiên Ngô Thừa Ân đã dự phòng trước các sức mạnh đề kháng từ bên trong và bên ngoài trong việc xây dựng xã hội mới hợp lí hợp tình hơn.

     Về mặt xã hội, từ đây toàn thể đoàn khỉ đều có họ Tôn và chịu sự lãnh đạo tổ chức của Ngộ Không. Tất cả đều bình đẳng về quyền sống trong động Thủy Liêm, núi Hoa Quả tất cả đều đoàn kết thành một khối ở đằng sau Tôn Ngộ Không, cùng có trách nhiệm trong việc xây dựng và bảo vệ xã hội loài khỉ theo hướng phát triển hưng thịnh.

     Ở hồi hai, tại Tà Nguyệt Tam Tinh động, Tôn Ngộ Không đã đắc pháp nhãn thấy rõ sự thật Vô ngã. Vì sự thật của mọi hiện hữu là Vô ngã nên sự kiện một người có thể theo ý muốn hiện ra nhiều ngã tướng khác nhau. Tất cả hiện hữu đều Vô ngã nên đều nhiếp nhau, không ngăn ngại, nên lửa không thể đốt cháy, nước không thể cuốn trôi, gió không lay, đất không cản v.v...

     “Lí” của sự thật là như vậy nên “sự” của sự thật cũng như vậy. Ở cảnh giới Tứ sắc định, hành giả có thể có thần thông du hành biến hóa tự tại. Tâm thức có giải thoát Vô ngã cũng thế, tùy duyên mà thị hiện. Đây là sự thật như sự thật được ghi chép trong kinh điển Phật giáo.

     Về nghĩa bóng, với một người ngộ Vô ngã mà không có thần thông biến hóa, tâm thức họ cũng được tự tại trước mọi sắc tướng như Tôn Ngộ Không tự tạo ra vào các cảnh giới mà tâm lí không ái trước, không bị vướng mắc – sẽ thấy rõ hơn về sự thật này ở các hồi sau. Nhưng, để tâm thức an ổn có điều kiện đi sâu hơn vào giải thoát, người ngộ Vô ngã cũng cần tránh các sự quấy rối từ bên ngoài, như giang sơn Thủy Liêm động cần được giữ gìn an ninh. Đây cũng là một sự thật của hành giả đang còn có nhiều việc phải làm trên đường tới giải thoát tối hậu.

     Về sự kiện trong giấc mơ Tôn Ngộ Không xuống âm phủ đại náo, xóa tên sinh tử của bản thân và của loài khỉ, âm ti phải cử sứ thần lên tấu với Ngọc Hoàng xử trị; mà Ngọc Hoàng lại giải hòa với Tôn Ngộ Không, là sự kiện hoàn toàn biểu tượng.

     Thực sự, mức độ tâm linh giải thoát của Tôn Ngộ Không bấy giờ tự nó đã xóa sạch nhân sinh tử, đi vào các cảnh giới súc sinh, địa ngục và ngạ quỉ, theo giáo lí nhà Phật. Giải thoát của Tôn Ngộ Không bấy giờ có phúc báo còn lớn hơn cả vua Trời, dù vua Trời có muốn hại cũng không được. Sự kiện giải thoát ấy là một thành quả lớn đáng kể của công phu tu tập làm kinh động các cảnh giới sinh tử đã khiến cho triều thần các cảnh giới ấy ganh ghét, đố kị khi mà tâm thức họ đang đầy ắp chấp thủ các tự ngã.

     Quả thật như Ngô Thừa Ân đã viết đầu hồi ba:

“Bốn bể nghìn non đều sợ nép

Chín u, mười loại xóa tên rồi”

     Các nhà lãnh đạo nếu sống thể hiện tinh thần Vô ngã thì sẽ có sức mạnh vô úy, lòng vị tha, khoan dung, thái độ phóng khoáng, không câu nệ cố chấp, có tinh thần trách nhiệm cao… sẽ thu hút được quần chúng đoàn kết sau lưng mình trong mọi công tác giữ nước và dựng nước, như đàn khỉ quây quần chung quanh Tôn Ngộ Không vậy.

     Nếu mọi người dân được giáo dục Vô ngã, thâm nhập sự thật Vô ngã, chấp nhận sự thật vô ngã thì sẽ rời xa các thái độ sống chấp thủ, sẽ dễ dàng đoàn kết thành một khối tạo nên sức mạnh lớn lao cho dân tộc.

     Giáo dục vô ngã sẽ tạo nên một nền văn hóa Vô ngã. Nền văn hóa này sẽ xóa đi các tư duy chấp thủ gây chia rẽ khối đại đoàn kết của dân tộc. Đây là một mục tiêu lớn và lâu dài của một xã hội. Tinh thần Vô ngã sẽ thống trị các dị biệt, gom tất cả về một mối phục vụ cho cùng một mục tiêu: xứ sở.

     Khi mà đoàn kết dân tộc được thực hiện tốt, và khi mà nhân dân sống với thái độ không cố chấp, thì mọi việc  nước sẽ được thực hiện dễ dàng, như Tôn Ngộ Không tự tại đi vào nước, vào lửa...; đất nước sẽ hùng cường khiến các nước lân bang không thể dòm ngó, không thể quyết định vận mệnh của dân tộc ấy. Vấn đề xâm lăng, bảo hộ sẽ không có đất đứng; sẽ bị xóa sạch khỏi lịch sử như Tôn Ngộ Không xóa sổ sinh tử ở Âm ti cho loài khỉ ở Thủy Liêm động.

     Cái trở lực nguy hiểm hơn cả là ở chính lực lượng cải tổ văn hóa. Nếu lực lượng này chấp thủ các giá trị mới của nền văn hóa giáo dục mới, hay nghi ngờ sự thật Vô ngã thì liền biến ngay lực lượng cải tổ ấy thành công bộc của nền văn hóa cũ, một xã hội phong kiến không có vua. Vị vua thực sự thống trị xã hội bấy giờ là tư duy hữu ngã mà Ngô Thừa Ân đã biểu trưng bằng Độc Giốc quỉ vương thần thông quảng đại với chiếc vòng phép mầu vô lượng, còn có sức mạnh tàn phá hơn cả Tề Thiên Đại Thánh thời kì đại náo Thiên cung. Đây là điểm tế nhị của con đường văn hóa giáo dục mới đặt trọng tâm vào con người và hạnh phúc của con người sống trong một xã hội hợp lí của nhân bản và trí tuệ.

     Trong nền văn hóa mới này, các hành động của cá nhân và tập thể lệch lạc là do nhận thức và tư duy sai lầm. Điểm quan trọng là cá nhân và tập thể luôn luôn trở về với nhận thức và tư duy đúng (ý nghĩa của sự việc Như Lai mách nước cho biết rõ cái gốc của quỉ vương Độc Giốc). Đi ra khỏi nhận thức và tư duy ấy là đi ra khỏi quĩ đạo giá trị của nền văn hóa mới, và sẽ rơi vào quĩ đạo giá trị khác, như Đường Tăng, Ngộ Năng và Ngộ Tịnh đi ra khỏi cái vòng của Tôn Hành Giả để rơi vào sào huyệt của Độc Giốc.

     Những cá nhân và tập thể không nhận thức và tư duy đúng, hay có tà ý lợi dụng giá trị của nền văn hóa mới để thỏa mãn các ý đồ, dục vọng riêng đều đi vào các hành động sai lầm làm trở ngại bước phát triển của nền văn hóa mới. Hệt như sai lầm của Đường Tăng và sự lạm dụng chiếc vòng Kim Cương mài của Độc Giốc, tạo nên cảnh can qua ở núi Kim Đầu. Những nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, trung, hiếu, tình được quần chúng thể hiện, nhưng là thể hiện qua một nhận thức mới và một thái độ sống mới, cởi mở, sinh động, đầy tính người, như nhận thức và thái độ sống của Tôn Ngộ Không (mà thường bị ngộ nhận bởi Đường Tăng và Bát Giới do bị ràng buộc với các quan niệm giá trị cũ).

     Mãi mãi con người xã gội vẫn cần đến thái độ sống nghiêm chỉnh (Giới), kiên trì (Định) và sáng suốt (Tuệ) để hành xử.

 

 

***Trích dẫn từ Khóa luận tốt nghiệp Cử nhân Văn học năm 2010: 

“HÌNH TƯỢNG TÔN NGỘ KHÔNG TRONG TÂY DU KÍ CỦA NGÔ THỪA ÂN”

Giảng viên hướng dẫn: ThS. Nguyễn Thanh Diên

Sinh viên thực hiện     : Đỗ Thái Hà

Trường: Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội



Bài viết liên quan
Nội dung đang được cập nhật.
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Chẳng cầu trong những năm tháng đẹp nhất gặp được người tốt nhất, chỉ nguyện những năm còn sống được tương phùng, lựa chọn một tòa thành sống với nhau đến già. ...
Tiếng dương cầm vọng mãi
Tiếng dương cầm vọng mãi
Chẳng ngôn ngữ nào êm dịu và trầm lắng cho bằng ngôn ngữ của thi ca Chẳng âm điệu nào thiết tha cho bằng cung thanh trầm của khúc nhạc... Tôi có một tình yêu lớ...
Nắng ấm quê hương
Nắng ấm quê hương
Quê hương là gì hở cha?Ai đi xa cũng nhớ nhiều... Phải thừa nhận rằng từ trước giờ, con chưa bao giờ nghĩ đến khái niệm Quê hương. Và cũng chưa một lần, con tự ...
THÀNH NGỮ TRUNG HOA

THÀNH NGỮ TRUNG HOA

Ngọc bất trác, bất thành khí  Nhân bất học bất tri lý Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ Vô duyên ...
Status 129 trên Nhân Văn Blog

Status 129 trên Nhân Văn Blog

Âm nhạc luôn luôn là nguồn hạnh phúc cho tất cả mọi người sống trên trái đất. Không có âm nhạc thế ...
43 câu nói ý nghĩa

43 câu nói ý nghĩa

1. Bộc lộ sự nóng nảy ra ngoài, đó gọi là bản năng. Kìm nén sự nóng nảy vào bên trong, đó gọi là ...
Như một người cha

Như một người cha

Trong cuộc đời mỗi chúng ta, luôn có những người đã dạy ta một điều gì đó khiến cuộc đời ta thay ...
Người tuổi Dần

Người tuổi Dần

Trời sinh người tuổi Dần rất nhạy cảm, và có giác quan thứ sáu, có khả năng nhìn thấu nội tâm của ...

"Nhân sinh nhược chích như sơ kiến....
Nếu cuối cùng mọi thứ đều phải tan biến, chỉ xin được giữ lại ánh nhìn buổi ban sơ..."

Bụng chứa thi thư, 

phong thái tự đẹp!

Hữu xạ tự nhiên hương

Ngọc bất trác, bất thành khí 

Nhân bất học bất tri lý

Nhất tự thiên kim

Thiên ngôn vạn ngữ

Tri nhân tri diện bất tri tâm

Video clip