Tây du kí sở dĩ được coi là một tác phẩm giàu tính truyền kì còn vì nó thể hiện rất sâu sắc và chân thực những tình cảm phong phú, phức tạp của con người. Khi xem xét yếu tố “kì” trong thế giới nhân vật và hệ thống tình tiết, chúng ta đã thấy sự thể hiện những khía cạnh khác nhau của tình cảm con người trong tác phẩm này.
Thứ nhất, thế giới nhân vật Tây du kí tuy chủ yếu là thế giới thần thánh và yêu quái, nhưng hầu hết đều có những quan hệ tình cảm của con người trần thế.
Quan hệ giữa các nhân vật với nhau, một mặt bị qui phạm hóa bởi cơ chế “Tam cương, Ngũ thường” kiểu Nho giáo, mặt khác lại luôn luôn bị chi phối bởi những quan hệ tình cảm cá nhân và xã hội thân sơ khác nhau. Chẳng hạn, tình bạn đồng liêu thân thiết bất chấp cảnh âm – dương cách trở giữa Ngụy Trưng và Thôi Giác, tình yêu kì lạ giữa Khuê tinh và Ngọc nữ, mối thù dai dẳng của Ngọc Thỏ với Tố Nga, tình anh em kết nghĩa giữa Tôn Ngộ Không với Ngưu Ma Vương, giữa Bách Nhãn Ma Quân với bảy nữ quái động Bàn Ti, tình vợ chồng giữa Ngưu Vương với thê thiếp hai bên… Đặc biệt là tình thầy trò như cha con, đồng môn là anh em giữa các nhân vật trong đoàn thỉnh kinh. Liên kết các nhân vật về phương diện tình cảm theo kiểu “gia đình” là liên kết bền vững nhất. Vì vậy, con Cửu Linh Nguyên Thánh mới quyết tâm báo thù cho các “cháu”; hai ma ở núi Bình Đính, ba lão yêu ở động Sư Đà… đều sống chết có nhau. Đây là tính dân tộc rất đặc trưng của người Trung Quốc được biểu hiện nồng đậm trong tác phẩm.
Thứ hai, điều quan trọng hơn là tính chất phong phú, đa dạng và mức độ mãnh liệt của những khía cạnh tình cảm biểu hiện ở các nhân vật. Về phương diện tình cảm xã hội rộng lớn, có thể nói Tôn Ngộ Không có tính điển hình. Tôn Ngộ Không điển hình cho lòng ham sống, lạc quan yêu đời, yêu công bằng và lẽ phải, ghét ác như thù, thích làm việc nghĩa. Tính nóng nảy của Ngộ Không cũng có phần xuất phát từ lòng trọng nghĩa và điểm đặc sắc nhất trong tình cảm của nhân vật này là tình thầy trò và tình bạn. Ngộ Không không chỉ tròn bổn phận mà còn sẵn sàng xả thân vì sư phụ, những lúc nguy nan nhất, người mà lão Tôn nghĩ đến đầu tiên chính là Đường Tăng. Tình bạn ở Tôn Ngộ Không cũng là thứ tình cảm bền vững, trước sau như một, bởi vậy mới có thái độ nhún nhường, mềm mỏng trước Thiết Phiến công chúa và Ngưu ma vương. Lão Tôn tuy hay trêu chọc, đố kị, thậm chí dọa nạt, nhưng cũng rất thương và tỏ ra công bằng với Bát Giới, biết động viên và cũng không tiếc lời khen ngợi mỗi khi chú Ngốc lập công. Trên cương vị “đại ca”, Ngộ Không thực sự xứng đáng không phải chỉ vì là người đến trước, cũng không phải bởi “cây gậy đưa ma”, mà vì bản lĩnh thần thông quảng đại, nhân cách cao thượng, giàu tình cảm và tình cảm mãnh liệt. Có thể nói, tình cảm của Ngộ Không vừa có cái sâu sắc cao cả của bậc đại trượng phu, lại vừa có cái hồn nhiên bộc trực của trẻ nhỏ.
Nếu như yếu tố “kì” trong bản thân mỗi nhân vật, sự kiện biểu hiện chủ yếu ở tính thần kì của chúng thì việc tổ chức thành chỉnh thể, thành sinh mệnh nghệ thuật thống nhất chính là biểu hiện của tính truyền kì. Tổ chức nhân vật, sự kiện trong Tây du kí trên thực tế chưa thể vượt ra ngoài phạm trù của tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc, phương thức liên kết chủ yếu vẫn là theo thời gian – không gian và theo nhóm.
Tuy nhiên, do đặc trưng của đề tài thần thoại – tôn giáo và tài năng nghệ thuật kiệt xuất của tác giả, tác phẩm vẫn chứa đựng những phẩm chất nghệ thuật độc đáo ít thấy trong tác phẩm khác. Với Tây du kí, mọi liên kết theo thời gian – không gian, liên kết theo nhóm đều đạt đến độ kì vĩ, hoành tráng; và trên thực tế những hình thức liên kết này không tách rời nhau, tạo thành một thứ hệ tọa độ phức hợp, làm nổi bật tính chất li kì biến ảo của sự kiện, tình tiết tác phẩm. Việc tách ra thành các hình thức liên kết riêng biệt chỉ mang ý nghĩa tương đối, để tiện cho việc tìm hiểu chúng mà thôi. Ngoài ra, những hình thức liên kết đó cũng không phải là tất cả. Tây du kí cũng bao gồm cả hình thức liên kết theo qui luật tâm lí, có những đoạn thể hiện tâm trạng, liên tưởng, hồi tưởng của nhân vật sâu sắc và sinh động… Liên kết theo chủ đề – cụ thể là chủ đề chinh phục cái chết, liên quan đến một mô típ thần thoại – truyền thuyết quan trọng, cũng là một hình thức liên kết độc đáo trong Tây du kí. Tất cả những điều này đều đã khẳng định thành công của tác giả về nghệ thuật dẫn chuyện nói riêng và nghệ thuật tổ chức nhân vật, tình tiết nói chung, đem lại sức hấp dẫn mạnh mẽ cho tác phẩm.
Tây du kí quả là một tác phẩm đã vận dụng tổng hợp và sáng tạo nhiều mô típ thần thoại – truyền thuyết. Nếu như “Chinh phục cái chết” là mô típ có ý nghĩa sợi chỉ đỏ tạo nên một mạch ngầm diễn ra từ đầu tác phẩm, trước cả cốt truyện thỉnh kinh và song song với nó, tạo thành chủ đề có giá trị góp phần kết nối tất cả các sự kiện thành một chỉnh thể hữu cơ, thống nhất; mô típ “sự ra đời thần kì” góp phần làm phong phú thêm quan niệm về vòng đời, báo hiệu phẩm chất phi phàm của nhân vật; mô típ “biến hình” vừa bộc lộ năng lực, tính cách nhân vật, vừa gắn nhân vật với hoàn cảnh, môi trường hoạt động để tỏ rõ bản lĩnh thần thông quảng đại, chủ yếu là ca ngợi nhân vật anh hùng Tôn Ngộ Không.
Bên cạnh các mô típ chủ yếu là “chinh phục cái chết”, “sự ra đời thần kì”, “biến hình”… Tây du kí còn vận dụng nhiều mô típ khác trong quá trình xây dựng nhân vật, trình bày diễn biến sự kiện, tình tiết. Những mô típ thần thoại – truyền thuyết được vận dụng không hề làm mất đi cá tính sáng tạo của nhà văn. Trái lại, tất cả đều nhằm phục vụ cho ý đồ nghệ thuật thống nhất của tác giả, vì thế chúng được nhào nặn, cải biến theo qui luật nghiêm ngặt của hoạt động hư cấu sáng tạo nghệ thuật; khiến cho tác phẩm tuy bao gồm nhiều tình tiết có tính độc lập tương đối nhưng vẫn thống nhất như một chỉnh thể toàn vẹn sinh động, tính thần kì không tách rời tính truyền kì. Trần Lê Bảo cho rằng: “Tây du kí là một mẫu mực trong việc “tiểu thuyết hóa” thần thoại” chính là trên ý nghĩa đó.
Đặc trưng nổi bật của yếu tố “kì” trong Tây du kí là luôn luôn kết hợp hài hòa với yếu tố “hài” và thống nhất hữu cơ với yếu tố “chân”. Toàn bộ yếu tố “kì” trong Tây du kí thực sự đã thể hiện mạnh mẽ tư tưởng, tình cảm, thái độ của tác giả đối với đời sống xã hội đương thời; hướng sự chú ý của người đọc vào những vấn đề vừa lớn lao vừa thiết thực của nhân loại, có giá trị nhân bản sâu sắc và tính thời sự nóng hổi. Do đó, tuy viết về đề tài tôn giáo, nhưng ý nghĩa lớn nhất của tác phẩm lại là ở những triết lí về đời sống xã hội. Giáo lí giáo nghĩa tôn giáo và cuộc đấu tranh thần ma trong Tây du kí chỉ thực sự có ý nghĩa khi được gắn liền với cuộc đấu tranh quyết liệt và dai dẳng giữa chính nghĩa với tà ác, giữa chân – thiện – mĩ với giả - ác – xú, một nội dung chủ yếu nhất của các cuộc xung đột nóng bỏng nhất trong đời sống nhân loại từ xưa đến nay.
***Trích dẫn từ Khóa luận tốt nghiệp Cử nhân Văn học năm 2010:
“HÌNH TƯỢNG TÔN NGỘ KHÔNG TRONG TÂY DU KÍ CỦA NGÔ THỪA ÂN”
Giảng viên hướng dẫn: ThS. Nguyễn Thanh Diên
Sinh viên thực hiện : Đỗ Thái Hà
Trường: Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội