Thứ năm, 21/11/2024 - 17:17

Đặc điểm ngôn từ của ca từ ca khúc trữ tình cách mạng 1954 - 1975

Lời ca là nhạc đệm cho toàn bộ cuộc hành quân cách mạng của dân tộc...

     Có thể nói, một không khí của thời chiến đã bao trùm lên toàn bộ hệ thống từ vựng – ngữ nghĩa trong ca từ các ca khúc 1954 – 1975 mà mảng ca khúc trữ tình không là ngoại lệ. Như cách nói của GS. Phan Ngọc, những ca khúc của thời chiến có “lời ca là nhạc đệm cho toàn bộ cuộc hành quân cách mạng của dân tộc”. Tác giả Đỗ Anh Vũ trong khóa luận Bước đầu tìm hiểu mối quan hệ lời và nhạc trong ca khúc Việt Nam hiện đại cũng đã nhận xét: “Dòng nhạc cách mạng đã thực sự mang theo nó một thứ ngôn ngữ riêng, thứ ngôn ngữ mà trước và sau nó chưa từng có”. Theo chúng tôi, nói một cách chính xác thì ca khúc thời chiến nói chung và ca khúc trữ tình cách mạng 1954 - 1975 nói riêng mang theo nó một hệ thống đặc ngữ rất đặc thù; nhằm tái hiện, phản ánh một cách chân thực nhất một hiện tại sinh động về một dân tộc đang sống và chiến đấu mãnh liệt trong một cuộc kháng chiến trường kì.

     Khi nói về không khí chiến trường, ta bắt gặp một loạt các từ ngữ như: bom nổ, bom lửa, bom đạn, giặc thù, diệt thù, đánh giặc, giặc điên cuồng, giết thù, giáp mặt, giao liên, giải phóng, lửa đốt, lửa khói, lửa máu, lũy thép, lập công, mìn nổ, phản lực, pháo đài, tiền tuyến, tuyến đầu, tôi luyện, trực chiến, tiếp đạn, chiến trường, vùng đứng lên, vùng dậy, vót chông, vùi thây, quân xâm lược, xiên thây, xâm lăng…

     Ví dụ:

“Giặc điên cuồng trút hàng vạn bom rơi”

(Quảng Bình quê ta ơi – Hoàng Vân)

“Đời giao liên bước tôi đi dài theo theo đất nước”

(Đường tôi đi dài theo đất nước – Vũ Trọng Hối)

“Mỗi mũi chông nhọn sắc quân thù, xiên thây quân cướp nhào vô đây”

(Cô gái vót chông – Nhạc: Hoàng Hiệp; Thơ: Môlôyclavi)

“Giặc về giày xéo quê hương, tay bồng con tay súng đi giết thù bước theo cờ chiến khu”  

(Hát mừng chị Út – Tú Ngọc)

     Nói về đặc điểm, phẩm chất con người trong thời chiến, ta có một loạt các từ ngữ như: anh hùng, anh dũng, dũng sĩ, bất khuất, trung hậu, dẻo dai, đảm đang, hiên ngang, kết đoàn, kiêu hãnh, kiên gan, ngoan cường, rắn chắc, tin tưởng, sôi sục, miệt mài, tự hào, vinh quang…

     Ví dụ:

“Cô Ba dũng sĩ quê ở Trà Vinh, chị Hai năm tấn quê ở Thái Bình. Hai chị em trên hai trận tuyến. Anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang”

(Hai chị em – Hoàng Vân)

“Chị Út anh hùng chiến đấu kiên gan (…) có những người con chiến đấu ngoan cường”

(Hát mừng chị Út – Tú Ngọc)

“Tiếng loa truyền về tin thắng trận, giữa đất trời thủ đô tự hào. Ta nghe tiếng ca khắp non sông âm vang rộn rã. Đây thủ đô là trái tim kiêu hãnh”

(Bài ca Hà Nội – Vũ Thanh)

“Trong đoàn quân anh dũng ngoan cường. Trong những bài ca thúc giục căm hờn”

(Nguyễn Viết Xuân cả nước yêu thương – Nguyễn Đức Toàn)

“Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam”

(Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam – Nhạc: Chu Minh; Thơ: Hoàng Trung Thông)

     Nói về quân thù, có một loạt các từ ngữ như: giặc điên cuồng, giết giặc, giặc Mỹ cọp beo, quân cướp, gian ác, tan tác, khiếp sợ, đạp thù, bóng thù, tiêu diệt, quét sạch nó đi, vùi thây, xiên thây, quân xâm lược, xâm lăng…

     Ví dụ:

“Thằng giặc Mỹ cọp beo, em không ngừng tay vót chông rào buôn rẫy”

(Cô gái vót chông – Nhạc: Hoàng Hiệp; Thơ: Môlôyclavi)

“Cùng vì quê hương, lời Bác còn vang giết giặc”

(Đường cày đảm đang – An Chung)

“Thì ta còn chiến đấu quét sạch nó đi lời Bác thúc giục chúng ta”

(Bác đang cùng chúng cháu hành quân - Huy Thục)

“Về đây ta biến rừng hoang thành lúa ngô khoai nặng tình đi giết thù”

(Vui mùa chiến thắng – Văn Chừng và Lam Lương)

     Nói về những người ở hậu phương làm nhiệm vụ sản xuất phục vụ tiền tuyến, ta cũng gặp một loạt những từ ngữ đặc thù như: máy reo, búa khoan, bám biển, cấy cày, đồng ruộng, cuốc xới, cày sâu, dành gạo, phơi muối, đẵn gỗ, đắp mương, dẫn nước, hợp tác, khai hoang, mương máng, chuyển gạo, việc đồng, nồi cám lợn…

     Ví dụ:

“Tiếng máy reo như tiếng bước đoàn thợ mỏ tiến quân. Kìa! Tiếng búa khoan reo như tiếng trống trận”

(Tôi là người thợ lò – Hoàng Vân)

“Rồi đồng ruộng ta, ta cấy ta cày chăm bón”

(Hòa bình trên đất nước ta – Nguyễn Mạnh Thường)

“Ơi chị thanh niên phơi muối ven biển. Ơi anh công nhân đẵn gỗ trên rừng”

(Quảng Bình quê ta ơi – Hoàng Vân)

“Tôi đứng trông sang nhà người giỏi chăn nuôi, bếp nồng hơi ấm nồi cám lợn”

(Người giỏi chăn nuôi – Nguyễn Văn Tý)

     Có thể thấy, ca từ các ca khúc trữ tình cách mạng thời kì 1954 – 1975 nói riêng cũng như toàn bộ âm nhạc thời kì kháng chiến nói chung đã chấp nhận được những loại chất liệu ngôn từ rất đặc biệt, không gặp ở bất kì giai đoạn âm nhạc nào trước và sau đó nữa. Đấy là một hệ thống chất liệu ngôn từ cực kì đời thường, gắn với những sinh hoạt hàng ngày giản dị nhất, thô ráp nhất; có những từ ngữ mà trước đó ta tưởng như khó có thể đi vào thơ ca, khó có thể hát lên được, vậy mà chúng vẫn được người nghệ sĩ thể hiện một cách sống động, chân xác theo nghĩa đen, như là chúng vốn có.

     Bên cạnh hình ảnh “nồi cám lợn” như một “đỉnh cao” của chất liệu thô ráp đời thường, ngỡ như khó có thể đi vào bài hát, ta còn bắt gặp hơn một lần xuất hiện hình ảnh “phân gio”:

“Trưa nào bắt sâu lúa cào rát mặt. Chiều nào gánh phân quang giành quét đất”

(Hạt gạo làng ta – Nhạc: Trần Viết Bính; Thơ: Trần Đăng Khoa)

“Ruộng đồng quê ta mương máng dọc ngang nước đủ phân gio nhiều”

(Đường cày đảm đang – An Chung)

     Bên cạnh những chất liệu kể trên, các khẩu hiệu của thời đại như “ba sẵn sàng”, “ba đảm đang”, “anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang”…cũng được các nhạc sĩ đưa vào ca từ khá nhuần nhị qua các ca khúc như Vui mở đường (Đỗ Nhuận), Đường cày đảm đang (An Chung), Hai chị em (Hoàng Vân)… Cũng chỉ trong giai đoạn này, ca từ của các ca khúc mới xuất hiện nhiều tên riêng đến thế để ngợi ca những phẩm chất anh hùng và kiệt xuất. Đó là Bác Hồ, Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân, Võ Thị Sáu, chị Út, anh hùng Núp, Thái Văn A, A Sanh, Lê Nin. Bên cạnh những con người anh hùng là những vùng đất anh hùng: Quảng Bình, Tây Nguyên, Thanh Hóa, thành Huế, Hà Tây, Hà Nội, Nghệ An, Bảo Ninh, Bạch Long Vĩ, miền Nam, Châu Yên, Vĩnh Phú, Sài Gòn… Nhiều khi tác giả định danh cho người anh hùng qua chính quê hương của họ: Người con gái sông La (Doãn Nho), Người lái đò trên sông Pô cô (Nhạc: Cẩm Phong; Thơ: Mai Trang), Cô gái Pa ko (Huy Thục), Chào em cô gái Lam Hồng (Ánh Dương), Cô gái Sài Gòn đi tải đạn (Lư Nhất Vũ), Em thương người trong Huế đấu tranh (Nhạc: Trần Hoàn; Thơ: Quế Lâm), Em bé Bảo Ninh (Trần Hữu Pháp), Anh giải phóng quân Lào (Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn – Hoàng Hà)…

     Tính chất chính trị, thời sự và những tín niệm thiêng liêng của thời chiến còn khiến cho một số biểu đạt về hình thức ngôn từ cũng đổi thay. Chúng tôi muốn nói đến một loạt trường hợp danh từ chung có xu hướng chuyển sang danh từ riêng, điều này kéo theo mặt biểu hiện đang từ viết thường phải chuyển sang viết hoa. Đó là các từ Bác, Người và Đảng. Có thể thấy điều này qua sự thể hiện của một loạt ca khúc điển hình như: Mang hình Bác chúng ta lên đường (Cao Việt Bách), Bác đang cùng chúng cháu hành quân, Người sống mãi trong lòng miền Nam (Nguyễn Đồng Nai), Người là niềm tin tất thắng (Chu Minh), Đảng cho ta một mùa xuân (Phạm Tuyên)… Có vài lần, từ “người” còn được viết hoa để chỉ cho thành phố trong các bài Hà Nội thủ đô ta đó (Vĩnh Cát): “Hà Nội ơi trong chiến đấu gian nan ta càng thấy yêu Người” và bài Thành phố hoa phượng đỏ: “Ơi thành phố tháng 5! Hoa phượng đỏ quê hương! Ta mang Người trong giữa trái tim ta (Nhạc: Lương Vĩnh; Thơ: Hải Như).

     Một đặc điểm tiếp nữa của ca từ trong hệ thống ca khúc nói trên là tính khẩu ngữ. Tính khẩu ngữ thể hiện trước hết ở các từ đệm nằm rải rác trong ca từ của mỗi bài hát. Các từ đệm có thể xuất hiện một cách ngẫu hứng, theo cảm hứng tự do của người nghệ sĩ như: ơ ơ (Hòa bình trên đất nước ta, Tình ca Tây Bắc, Xa khơi, Biết ơn chị Võ Thị Sáu, Tiếng hát giữa rừng Pác Bó…), a là hô (Quê tôi giải phóng), a a a (Gọi nghé trên đồng)… Các từ đệm có thể xuất phát từ lí do mô phỏng, chẳng hạn “Gió đưa cây rừng cành lá vi vu, ú u ú u, chim hót mừng mùa xuân thắng lợi” (Xuân chiến khu – Xuân Hồng). Các từ đệm có thể xuất phát từ nguyên nhân chỉ rõ âm hưởng hoặc sự ảnh hưởng nhạc tính của ca khúc. Chẳng hạn những bài mang âm hưởng hát ru như Mẹ yêu con (Nguyễn Văn Tý) sẽ có các từ đệm như: à á, hời… Các bài có giai điệu ảnh hưởng từ dân ca vùng miền như Thanh Hóa anh hùng (Hoàng Đạm), Chào sông Mã anh hùng (Xuân Giao), Quảng Bình quê ta ơi (Hoàng Vân) sẽ có các từ đệm như: hò khoan, dô hầy, ê dô, ê hầy, dô khoan hò khoan, khoan ta hò khoan, khoan khoan hò khoan, hò ơ…

     Tính khẩu ngữ còn thể hiện ở sự phản ánh cuộc sống thời chiến một cách tự nhiên, trung thực với tất cả sắc màu của nó. Không cần lắm sự trau chuốt đẽo gọt mà cần hơn là sự sống động, biểu cảm hoặc cũng có thể là một cách nhìn nhận mới về biểu đạt ngôn từ của văn nghệ sĩ thời kì này. Chẳng hạn bài Tiếng hát bên rừng (Đức Bằng) có những câu: “Đừng đốt rừng, đừng phá rẫy anh à! Thương anh trèo núi đã mỏi đôi chân, quanh năm trèo núi nhớ từng cơn mưa rừng. Khổ lắm đấy! (…) Ta vui hợp tác gắng công khi được mùa. Đẹp lắm đấy! (…) Bỏ bản làng, chê cái ruộng bậc thang? Ớ! Không nên đâu”. Các từ ngữ như “anh à”, “khổ lắm đấy”, “đẹp lắm đấy”, “không nên đâu” đã thể hiện rõ tính chất khẩu ngữ trong phong cách ngôn ngữ của ca từ bài hát. Trong một trường hợp khác, tính khẩu ngữ bộc lộ sắc thái dí dỏm, vui đùa, tinh nghịch như cách dùng từ “hộ tống” trong bài Đường Trường Sơn xe anh qua (Văn Dung): “Như người chiến sĩ xông pha, em “hộ tống” xe anh qua”.

 

***Trích dẫn từ Luận văn Thạc Sĩ Khoa học Ngữ văn năm 2012:

"ĐẶC ĐIỂM TIẾNG VIỆT THỂ HIỆN TRONG PHẦN LỜI CA CỦA CA KHÚC TRỮ TÌNH CÁCH MẠNG VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1954 - 1975"

Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Phạm Tất Thắng - TS. Đỗ Anh Vũ

Học viên Cao học                : Đỗ Thái Hà

Chuyên ngành: Ngôn ngữ học - Trường: Đại học Sư phạm Hà Nội



Bài viết liên quan
Nội dung đang được cập nhật.
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Chẳng cầu trong những năm tháng đẹp nhất gặp được người tốt nhất, chỉ nguyện những năm còn sống được tương phùng, lựa chọn một tòa thành sống với nhau đến già. ...
Tiếng dương cầm vọng mãi
Tiếng dương cầm vọng mãi
Chẳng ngôn ngữ nào êm dịu và trầm lắng cho bằng ngôn ngữ của thi ca Chẳng âm điệu nào thiết tha cho bằng cung thanh trầm của khúc nhạc... Tôi có một tình yêu lớ...
Nắng ấm quê hương
Nắng ấm quê hương
Quê hương là gì hở cha?Ai đi xa cũng nhớ nhiều... Phải thừa nhận rằng từ trước giờ, con chưa bao giờ nghĩ đến khái niệm Quê hương. Và cũng chưa một lần, con tự ...
THÀNH NGỮ TRUNG HOA

THÀNH NGỮ TRUNG HOA

Ngọc bất trác, bất thành khí  Nhân bất học bất tri lý Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ Vô duyên ...
Status 129 trên Nhân Văn Blog

Status 129 trên Nhân Văn Blog

Âm nhạc luôn luôn là nguồn hạnh phúc cho tất cả mọi người sống trên trái đất. Không có âm nhạc thế ...
43 câu nói ý nghĩa

43 câu nói ý nghĩa

1. Bộc lộ sự nóng nảy ra ngoài, đó gọi là bản năng. Kìm nén sự nóng nảy vào bên trong, đó gọi là ...
Như một người cha

Như một người cha

Trong cuộc đời mỗi chúng ta, luôn có những người đã dạy ta một điều gì đó khiến cuộc đời ta thay ...
Người tuổi Dần

Người tuổi Dần

Trời sinh người tuổi Dần rất nhạy cảm, và có giác quan thứ sáu, có khả năng nhìn thấu nội tâm của ...

"Nhân sinh nhược chích như sơ kiến....
Nếu cuối cùng mọi thứ đều phải tan biến, chỉ xin được giữ lại ánh nhìn buổi ban sơ..."

Bụng chứa thi thư, 

phong thái tự đẹp!

Hữu xạ tự nhiên hương

Ngọc bất trác, bất thành khí 

Nhân bất học bất tri lý

Nhất tự thiên kim

Thiên ngôn vạn ngữ

Tri nhân tri diện bất tri tâm

Video clip