Thứ bảy, 20/04/2024 - 23:17

Một số biểu tượng và biện pháp tu từ được sử dụng phổ biến trong lời ca

Những biểu tượng hay xuất hiện Một số hình tượng mang ý nghĩa biểu tượng (tượng trưng, ẩn dụ) được nhiều nhạc sĩ sử dụng và chúng trở đi trở lại trong hệ thống ca từ của những ca khúc trữ tình cách mạng giai đoạn này. Nếu đặt những biểu tượng đó trong hệ thống của thơ, nó sẽ bị coi là mòn sáo, ké...

       Những biểu tượng hay xuất hiện

      Một số hình tượng mang ý nghĩa biểu tượng (tượng trưng, ẩn dụ) được nhiều nhạc sĩ sử dụng và chúng trở đi trở lại trong hệ thống ca từ của những ca khúc trữ tình cách mạng giai đoạn này. Nếu đặt những biểu tượng đó trong hệ thống của thơ, nó sẽ bị coi là mòn sáo, kém sáng tạo. Nhưng vì ca khúc là loại hình nghệ thuật thiên về âm thanh, không đặt ra yêu cầu quá cao về ngôn từ nên những biểu tượng sắp trình bày ở đây, vẫn có thể chấp nhận được. Nói cách khác, khả năng biểu cảm và thẩm mĩ của ca khúc nương nhờ vào nhạc là chính, lời là yếu tố thứ hai nên thính giả/độc giả cũng không quá khắt khe trong việc đòi hỏi lời của mỗi ca khúc cũng phải đẹp đẽ, toàn bích như những tuyệt phẩm thơ. Còn trong trường hợp một ca khúc đẹp cả nhạc lẫn lời thì đó thực sự là một “cuộc hôn phối tuyệt diệu nhất giữa thi ca và âm nhạc” (Trịnh Công Sơn); là điều may mắn và hạnh phúc cho cả người sáng tạo lẫn người thưởng thức; rộng hơn nữa có thể là niềm tự hào cho tình yêu âm nhạc của cả một dân tộc.

 

      Biểu tượng “mùa xuân”

      Biểu tượng mùa xuân trong ca khúc trữ tình cách mạng giai đoạn 1954 - 1975 có lẽ xuất hiện lần đầu qua bài hát Đảng cho ta một mùa xuân (Phạm Tuyên) với những ca từ:

      “Đảng đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng

      Một mùa xuân tươi tràn ánh sáng khắp nơi nơi

      …Bao năm khổ đau đất nước ta không mùa xuân

      …Đảng đã cho ta mùa xuân của cuộc đời…”

      Mùa xuân – mùa ấm áp nhất trong năm, mùa của cây cối sinh sôi đâm chồi nảy lộc đã trở thành biểu tượng của cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tươi trẻ, lạc quan. Theo sau Phạm Tuyên, nhiều nhạc sĩ khác như Văn Ký, Nguyễn Đức Toàn, Bùi Đức Hạnh – Cầm Giang đều sử dụng mùa xuân trong ca từ như một biểu tượng:

      “Ước mơ những mùa xuân bóng dáng tương lai”

                                (Bài ca hy vọng – Văn Ký)

      “Người thiếu nữ ấy như mùa xuân chị đã dâng cả cuộc đời (…) Mùa xuân lan tràn xứ sở”

                    (Biết ơn Võ Thị Sáu – Nguyễn Đức Toàn)

      “Đất nước hòa bình hạnh phúc ta như mùa xuân”

      (Tình ca Tây Bắc – Nhạc: Bùi Đức Hạnh; Thơ: Cầm Giang)

      “Vì độc lập tự do quyết dành ấm no dành lấy những mùa xuân”

           (Bác đang cùng chúng cháu hành quân – Huy Thục)

      “Cùng hành quân đi giữa mùa xuân”

              (Cùng hành quân đi giữa mùa xuân – Hoàng Hà)

      “Em là chồi biếc của mùa xuân Việt Nam”

                        (Người con gái sông La – Doãn Nho)

      “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”

(Dáng đứng Việt Nam – Nhạc: Nguyễn Chí Vũ; Thơ: Lê Anh Xuân)

      Kéo theo biểu tượng mùa xuân, những hình ảnh “mùa xuân” theo nghĩa đen cũng xuất hiện nhiều hơn và dường như chúng cũng chịu một áp lực của biểu tượng để trở thành hình ảnh có độ biểu cảm cao hơn mức thông thường, có xu hướng tiến lên thành hình tượng:

      “Từng đôi chim bay đi tiếng ca rộn ràng cánh chim xao xuyến gió mùa xuân”

(Bài ca hy vọng – Văn Ký)

      “Tổ quốc đã cho ta cuộc đời hôm nay và sức sống tin yêu vào một ngày mai. Mùa xuân vang muôn tiếng hát”

(Bến cảng quê hương tôi – Hồ Bắc)

      “Chim bay giăng giăng ngoài nắng xuân đẹp thay (…) Như đóa hoa xuân chào riêng anh”

(Tình ca – Hoàng Việt)

      “Mùa xuân đã đến quê hương chúng tôi”

                       (Việt Nam quê hương tôi – Đỗ Nhuận)

 

       Biểu tượng liên quan đến ánh sáng

      Những biểu tượng liên quan đến ánh sáng xuất hiện trong ca từ ca khúc thời kì này gồm có: lửa, đèn, trăng, sao và mặt trời, không kể đích danh những lần xuất hiện của từ “ánh sáng” cũng với tư cách một biểu tượng, chẳng hạn:

      “Một mùa xuân tươi tràn ánh sáng khắp nơi nơi”

                  (Đảng cho ta một mùa xuân – Phạm Tuyên)

      “Kìa ánh sáng chân trời mới đang bừng chiếu bốn phương”

                                (Bài ca hy vọng – Văn Ký)

      Biểu tượng “lửa” xuất hiện điển hình trong bài Nổi lửa lên em (Nhạc: Huy Du; Lời: Giang Lam – Huy Du), lửa là gian khổ đấu tranh (lửa chiến tranh còn bỏng đất quê mình) nhưng lửa cũng chính là nhiệt tình cách mạng, là lòng yêu nước nồng cháy:

      “Nổi lửa lên em đánh Mỹ đêm ngày (…) Nổi lửa lên em, đất nước tưng bừng đưa ta vào trận đánh”

                                        (Nổi lửa lên em)

      Biểu tượng “ngọn đèn” xuất hiện một cách sáng tạo trong ca khúc Ngọn đèn đứng gác (Nhạc: Hoàng Hiệp; Thơ: Chính Hữu), đó là niềm tin, là hi vọng không bao giờ tắt của muôn lớp người đang trên đường chiến đấu hoặc hướng về tiền tuyến:

      “Trên đường ta đi đánh giặc dù về Nam hay ta lên Bắc, ở đâu cũng gặp những ngọn đèn dầu trong mắt đêm thâu. Ơ những ngọn đèn không bao giờ nhắm mắt (…) Trong gió trong mưa ngọn đèn đứng gác cho thắng lợi nối theo nhau đang hành quân đi lên phía trước”

                                    (Ngọn đèn đứng gác)

      Biểu tượng “trăng” xuất hiện ít hơn, có lẽ vì trăng phù hợp hơn với không khí lãng mạn của văn học và âm nhạc thời kì trước:

      “Tình nghĩa quê em sáng tỏ như ánh trăng đêm rằm”

                   (Chào em cô gái Lam Hồng – Ánh Dương)

      “Nổi lửa lên em, ánh trăng sáng ngời đưa ta vào trận đánh”

     (Nổi lửa lên em – Nhạc: Huy Du; Lời: Giang Lam – Huy Du)

      Biểu tượng ánh sao và mặt trời (kéo theo “nắng” như một hằng số) xuất hiện nhiều lần hơn cả trong các sáng tác của Phạm Tuyên (Đảng cho ta một mùa xuân), Tình ca (Hoàng Việt), Những ánh sao đêm (Phan Huỳnh Điểu), Hà Nội niềm tin và hy vọng (Phan Nhân)…:

      “Vầng dương hé sáng khắp nơi ta có Đảng

      …Và rồi từ đây ánh dương xây đời mới”

                              (Đảng cho ta một mùa xuân)

      “Đã biến tình đôi ta thành những cánh sao tỏa sáng”

                                              (Tình ca)

      “Buồm vươn cánh vượt sóng ra ngoài khơi

      Trong nắng hồng bừng lên sáng ngời”

                                 (Việt Nam quê hương tôi)

      “Tôi hát ngàn lời ca nồng nàn hơn nắng ban mai đẹp tình hơn cánh hoa mai”

                          (Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người)

      “Thủ đô mến yêu của ta là ngôi sao mai rạng rỡ”

                              (Hà Nội niềm tin và hy vọng)

      “Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi

      Mặt trời của mẹ con nằm trên lưng”

  (Lời ru trên nương – Nhạc: Trần Hoàn; Lời: Nguyễn Khoa Điềm)

      “Đường ta về trong ánh nắng ban mai”

          (Đường chúng ta đi – Nhạc: Huy Du; Thơ: Xuân Sách)

      “Mọi gian lao mẹ con ta san sẻ ngắm chân trời rạng rỡ ánh dương”        

(Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa – Nguyễn Văn Tý)

      “Hồ Chí Minh ánh thái dương rực sáng bầu trời đưa chúng ta lên cuộc sống làm người”

                   (Người sống mãi trong lòng miền Nam – Nguyễn Đồng Nai)

      Tóm lại, những biểu tượng liên quan đến ánh sáng luôn có một ý nghĩa vận động và tích cực, hướng con người đến tương lai, niềm tin, sự sống và hạnh phúc. Những biểu tượng liên quan đến ánh sáng có thể xem là một “sản phẩm” đặc thù của ca từ dòng nhạc cách mạng 1954 – 1975.

     

      Biểu tượng “trái tim”

      Hình tượng trái tim cũng được sử dụng nhiều trong ca từ của ca khúc trữ tình cách mạng giai đoạn 1954 – 1975 với ý nghĩa về tình yêu thủy chung, thiêng liêng, bền vững sắt son với đất nước, nhân dân, với Đảng, với những người yêu nhau, với vợ chồng…

      “Em ơi nghe chăng lời trái tim vọng ra rung trong không gian mặt biển sôi ầm vang”

                                      (Tình ca – Hoàng Việt)

      “Bạn ơi mùa xuân khắp nơi tươi đẹp quá. Khi lí tưởng Đảng rực sáng trong tim chúng ta”

                             (Đảng cho ta một mùa xuân – Phạm Tuyên)

      “Giọng hát vẫn như còn vang dội vào trái tim những người đang sống”

                             (Biết ơn Võ Thị Sáu – Nguyễn Đức Toàn)

      “Lời thề sắt son, theo tiếng Bác gọi bốn ngàn năm dồn lại hôm nay, ngời sáng trong muôn triệu trái tim”

                             (Người là niềm tin tất thắng – Chu Minh)

      “Ngọn lửa trong tim những chiều hành quân sáng lên lời ca những người anh hùng”

(Cùng anh tiến quân trên đường dài – Nhạc: Huy Du; Thơ: Xuân Sách)

 

      “Gửi lời tim cho gió qua mấy câu thiết tha hò ơi”

(Câu hò bên bờ Hiền Lương – Nhạc: Hoàng Hiệp; Lời: Hoàng Hiệp, Đằng Giao)

 

      Một số biện pháp tu từ chủ yếu

      So sánh là biện pháp tu từ được sử dụng dày đặc trong ca từ ca khúc trữ tình cách mạng giai đoạn 1954 - 1975. Điểm nổi bật của những lần phép so sánh được sử dụng trong ca từ là đều có nội dung hướng về những sắc thái tích cực, lạc quan, hi vọng, tin tưởng hoặc những âm hưởng ngợi ca. Tuyệt nhiên không có lần nào phép so sánh mang nội dung buồn thương u ám. Cả ba hình thức so sánh là so sánh tuyệt đối, so sánh hơn kém và so sánh ngang bằng đều được sử dụng.

      Phép so sánh tuyệt đối được dùng trong những trường hợp thể hiện niềm tin tưởng vào con đường cách mạng, tin vào tương lai tươi sáng, tiền đồ của dân tộc và sự lựa chọn của mỗi cá nhân trong lí tưởng yêu nước nồng cháy:

      “Đường ta đi xây đời trong hoa thơm có mùa xuân nào đẹp bằng”

                             (Bài ca hy vọng – Văn Ký)

      “Còn gì vui hơn đường ra trận mùa xuân”

                   (Bài ca Trường Sơn – Nhạc: Trần Chung; Thơ: Gia Dũng)

      Phép so sánh tuyệt đối có lần còn được thể hiện ngay từ nhan đề của tác phẩm: Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người (Trần Kiết Tường). Trong toàn bộ các ca khúc trữ tình cách mạng 1954 – 1975 còn có ba ca khúc nữa có phép tu từ so sánh thể hiện ngay từ nhan đề tác phẩm: Người là niềm tin tất thắng (Chu Minh), Em là hoa Pơ lang (Đức Minh) và Như hoa hướng dương (Nhạc: Tô Vũ; Thơ: Hải Như).

      Phép so sánh hơn kém xuất hiện hai lần trong các ca khúc Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người (Trần Kiết Tường) và Người lái đò trên sông Pô cô (Nhạc: Cầm Phong; Thơ: Mai Trang). Trong ca khúc Hồ Chí minh đẹp nhất tên Người, phép so sánh hơn kém thể hiện niềm kính yêu vô hạn, lòng biết ơn sâu sắc của tác giả - một tiếng nói đại diện cho những người con miền Nam đối với vị cha già kính yêu của dân tộc:

      “Tôi hát ngàn lời ca bao la hơn những cánh đồng, mênh mông hơn mặt biển Đông êm đềm hơn những dòng sông (…) Tôi hát ngàn lời ca nồng nàn hơn nắng ban mai đẹp tình hơn cánh hoa mai, hùng thiêng hơn núi sông dài. Là một niềm tin Hồ Chí Minh! Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người.”

                                      (Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người)

      Phép so sánh hơn kém qua một loạt các hình ảnh mang tầm vóc lớn lao hoặc đẹp đẽ như cánh đồng, dòng sông, nắng ban mai, cánh hoa mai, núi sông dài còn là cách để khẳng định công lao to lớn của Bác Hồ đối với non sông gấm vóc Việt Nam mà những thế hệ đi sau đời đời ghi khắc.

      Phép so sánh hơn kém trong bài Người lái đò trên sông Pô cô lại thể hiện lòng căm thù quân giặc sâu sắc của người lái đò A Sanh. Lòng căm thù ấy chuyển hóa bằng hành động, anh góp sức mình bằng những chuyến đò chở những người chiến sĩ qua sông đi đánh giặc:

      “Non cao đâu bằng sông sâu đâu sánh hờn căm chất nặng tim anh”

                                      (Người lái đò trên sông Pô cô)

      Phép so sánh ngang bằng vẫn là hình thức thông dụng nhất, xuất hiện nhiều nhất trong các cách diễn đạt so sánh của ca từ ca khúc trữ tình cách mạng 1954 – 1975.

      Phép so sánh ngang bằng có thể mang tính chất miêu tả:

      “Em hãy nở nụ cười tươi xinh như đóa hoa xuân chào riêng anh”

                                                (Tình ca – Hoàng Việt)

      “Ngập ngừng bên suối nước reo quanh mình như muôn tiếng đàn”

                                                (Tình ca Tây Bắc)

      “Đời tôi như những con thoi dệt tình yêu quê hương đất nước

      Đời tôi như cánh chim bay, cánh chim bay suốt dãy Trường Sơn”

                             (Đường tôi đi dài theo đất nước – Vũ Trọng Hối)

      “Cho hồ nước đầy là mặt gương soi”

                                      (Hồ trên núi – Phó Đức Phương)

      Phép so sánh ngang bằng trong nhiều trường hợp mang âm hưởng ngợi ca: ngợi ca con người, ngợi ca đất nước, ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng:

      “Người thiếu nữ ấy như mùa xuân chị đã dâng cả cuộc đời”

                                      (Biết ơn chị Võ Thị Sáu)

      “Lòng trai tráng rộng lớn như biển khơi”

                                      (Việt Nam quê hương tôi – Đỗ Nhuận)

      “Anh công nhân bốc xếp đã mang bao tấn thép như dũng sĩ biển Đông”

                                      (Bến cảng quê hương tôi – Hồ Bắc)

      “Hồ Chí Minh ánh thái dương rực sáng bầu trời”

          (Người sống mãi trong lòng miền Nam – Nguyễn Đồng Nai)

      “Em là chồi biếc của mùa xuân Việt Nam”

                             (Người con gái sông La – Doãn Nho)

      “Hà Nội của ta là một bài ca vinh quang”

                                      (Bài ca Hà Nội – Vũ Thanh)

      “Thủ đô mến yêu của ta là ngôi sao mai rạng rỡ”

                                      (Hà Nội niềm tin và hy vọng – Phan Nhân)

      Những trường hợp còn lại, phép so sánh ngang bằng thể hiện chất suy tưởng, diễn giải cụ thể hóa những cảm xúc trừu tượng:

      “Bóng đất nước hình như bóng dáng con tôi”

                                      (Mẹ yêu con – Nguyễn Văn Tý)

      “Nơi hy vọng như vườn hoa nở”

                                      (Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam - Chu Minh)

      “Đất nước hòa bình hạnh phúc ta như mùa xuân”

          (Tình ca Tây Bắc – Nhạc: Bùi Đức Hạnh; Thơ: Cầm Giang)

      “Đã chan hòa trong niềm vui chung như nước sông ra biển lớn”

                             (Bài ca xây dựng – Hoàng Vân)

      Cảm hứng ngợi ca và chủ nghĩa anh hùng cách mạng khiến những sắc thái hùng tráng, kì vĩ, lớn lao thường được tô đậm. Đây là cơ hội cho phép tu từ cường điệu hóa được dịp xuất hiện. Phép cường điệu hóa có thể được sử dụng kết hợp cùng những phép tu từ khác, chẳng hạn so sánh, để gây thêm được ấn tượng mạnh mẽ:

      “Lòng trai tráng rộng lớn như biển khơi

      Với cánh tay dựng nên đất trời”

                             (Việt Nam quê hương tôi – Đỗ Nhuận)

      “Anh lại đứng bên tôi nhằm quân thù mà bắn đôi mắt như lửa soi đốt thiêu quân thù này (…) Kể từ nay sông núi hay biển khơi còn in dấu chân anh đời đời.”

(Cùng anh tiến quân trên đường dài – Nhạc: Huy Du; Thơ: Xuân Sách)

      Phép cường điệu hóa xuất hiện ngay từ những ca khúc đầu tiên của dòng nhạc trữ tình cách mạng giai đoạn 1954 – 1975, đó là tuyệt phẩm Tình ca của nhạc sĩ Hoàng Việt:

      “Khi hát lên tiếng ca gửi về người yêu quê ta

      Ta át tiếng gió mưa thét gào cuộn dâng phong ba

      Em ơi nghe chăng lời trái tim vọng ra

      Rung trong không gian mặt biển sôi ầm vang

      Cho đến những ca khúc ở chặng cuối của giai đoạn này, thủ pháp cường điệu hóa vẫn được sử dụng nhằm tạo ra một âm hưởng hào hùng của những ca khúc mang tầm vóc chính ca:

      “Ta đứng đầu ngọn sóng giữa dòng thời đại thác lũ cuộc đời

Ta đứng đầu ngọn sóng những luồng mạch tâm tư lay động loài người”

                             (Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam – Chu Minh)

      Phép tu từ cuối cùng nữa mà chúng tôi muốn nói đến là phép tu từ nhân hóa. Phép nhân hóa khiến mọi sự vật thiên nhiên và xã hội xung quanh như cùng hòa với niềm tin, tinh thần và lí tưởng của con người, tiếp thêm sức mạnh chiến đấu chống lại quân thù. Nói một cách khác, thiên nhiên và thế giới tự nhiên qua phép tu từ nhân hóa luôn hiện lên sống động trong sự ủng hộ con người, ủng hộ cuộc chiến tranh vệ quốc chính nghĩa:

      “Trăng đã dậy rồi khơi bếp hồng lên nhé

      …Vũ trụ theo ta vào trong chiến trận có chị Hằng soi sáng canh thâu

      …Đất nước tưng bừng nghe tiếng rừng thao thức

      Khơi ánh lửa hồng bên suối đàn Trưng reo”

          (Nổi lửa lên em – Nhạc: Huy Du; Lời: Giang Lam, Huy Du)

      “Em đi lên rừng cây xanh mở lối

      Em đi lên núi núi ngả cúi đầu”

                             (Cô gái mở đường – Xuân Giao)

      Hình ảnh ngọn đèn đứng gác trong ca khúc cùng tên của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, phổ thơ Chính Hữu là một hình tượng nhân hóa đặc biệt. Chúng tôi gọi đây là một trường hợp liên hợp tu từ bởi “ngọn đèn đứng gác” không chỉ được tri nhận như một phép nhân hóa mà nó còn có thể tri nhận như một phép ẩn dụ và hoán dụ.  Tinh thần liên hợp tu từ ấy kéo dài trọn vẹn suốt ca từ của bài hát:

      “Trên đường ta đi đánh giặc, dù về Nam hay ta lên Bắc, ở đâu cũng gặp những ngọn đèn dầu chong mắt đêm thâu. Ơ! Những ngọn đèn không bao giờ nhắm mắt như những tâm hồn không bao giờ tắt. Như miền Nam hai mươi năm không đêm nào ngủ được. Như cả nước với miền Nam đêm nào cũng thức. Soi cho ta đi đánh trận trường kỳ. Đèn ta thắp niềm vui theo dõi, đèn ta thắp những lời kêu gọi. Đi nhanh đi nhanh chiến trường đã giục. Đầy núi đầy sông đèn ta đã mọc (…) Trong gió trong mưa ngọn đèn đứng gác cho thắng lợi nối theo nhau đang hành quân đi lên phía trước”

       Phép tu từ nhân hóa còn xuất hiện một cách đặc biệt qua ca khúc Tiếng hát giữa rừng Pác Bó (Nguyễn Tài Tuệ) để thể hiện tình cảm quyến luyến yêu thương của đất và người Việt Bắc khi phải chia tay Bác Hồ kính yêu về với thủ đô:

       “Ơ rừng Pác Bó quê ta nhớ rừng xưa ôm bóng Người

       Bước chân Người đi đất chuyển dời theo Người

       ...Suối reo dưới chân Người qua

       Đất rung tiếng ca nở hoa tháng tám

       Khuổi Nậm còn reo nhịp theo mong nhớ Người”

 

 

 

 

 

Thái Hà

Website: http://nhanvanblog.com/

Facebook: http://www.facebook.com/thaiha811

Page: https://www.facebook.com/nhanvanblog/

Email: dothaiha86@gmail.com

 


Tác giả: © dothaiha - nhanvanblog.com

Bài viết liên quan
Tình người và giá trị nhân văn trong lời ca

Tình người và giá trị nhân văn trong lời ca

Cái đau thương không thể đằm sâu mãi mà đã chuyển hóa trở thành niềm tự hào; sự hi sinh trở thành cái cao cả; và lời ca cứ ngân lên vang mãi theo giai điệu âm nhạc tràn ngập vào lòng người; đánh thức ...
Lời thơ được phổ nhạc

Lời thơ được phổ nhạc

Ca khúc hay là một ca khúc mà bản thân lời của nó đã là một bài thơ hay. Và những bài thơ hay thường dễ trở thành lời cho những ca khúc hay. Ca khúc có lời vốn là một bài thơ ta thường quen gọi là ...
Sự phù hợp về cao độ trong ca khúc

Sự phù hợp về cao độ trong ca khúc

Sự tính toán về mặt khoa học đã cho thấy những tương ứng giữa cao độ của các nốt nhạc với âm vực của các thanh điệu trong hệ thống thanh điệu của tiếng Việt. Điều này vô cùng quan trọng bởi nó liên ...
Ca khúc trữ tình cách mạng

Ca khúc trữ tình cách mạng

Nếu tính chất âm nhạc chủ yếu của những bài hành khúc là khỏe khoắn, hào hùng, thì ca khúc trữ tình là những bài hát thể hiện chiều sâu nội tâm của con người với những cung bậc khác nhau. Trong ca ...
Lí thuyết ca từ

Lí thuyết ca từ

Nói đến bài hát, không thể không nói đến lời ca. Trong ca khúc, lời ca, ca từ đóng một vai trò khá quan trọng.Lời ca, trước hết là lời, lời nói, nhưng không phải lời nói hằng ngày, mà là lời được ca ...
Lời ca chịu sự chi phối của âm nhạc

Lời ca chịu sự chi phối của âm nhạc

Ca khúc trữ tình cách mạng viết về chiến đấu nhưng lại thông qua cái góc độ trữ tình, tâm tình để ca ngợi cái đẹp trong chiến đấu. Trong ca khúc trữ tình cách mạng, thật khó phân biệt chỗ nào tác giả ...
Văn hoá doanh nghiệp

Văn hoá doanh nghiệp

Văn hoá doanh nghiệp là toàn bộ những nhân tố văn hoá được doanh nghiệp chọn lọc, tạo ra, sử dụng và biểu hiện trong hoạt động kinh doanh, tạo nên bản sắc kinh doanh của doanh nghiệp đó.
Các cấp độ văn hóa doanh nghiệp

Các cấp độ văn hóa doanh nghiệp

Theo Edgar H. Schein, văn hoá doanh nghiệp có thể chia thành ba cấp độ khác nhau. Thuật ngữ “cấp độ” dùng để chỉ mức độ có thể cảm nhận được của các giá trị văn hoá doanh nghiệp hay nói cách khác là ...
Một số đặc điểm cơ bản về Móng Cái - Quảng Ninh

Một số đặc điểm cơ bản về Móng Cái - Quảng Ninh

Đặc điểm địa lí Thành phố Móng Cái tỉnh Quảng Ninh nằm ở vị trí vĩ độ kinh đông, vùng Đông Bắc tổ quốc, có tọa độ địa lí quốc gia: Vĩ độ Bắc từ 21010' đến 21039' và kinh độ Đông từ 107043' đến ...
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Chẳng cầu trong những năm tháng đẹp nhất gặp được người tốt nhất, chỉ nguyện những năm còn sống được tương phùng, lựa chọn một tòa thành sống với nhau đến già. ...
Tiếng dương cầm vọng mãi
Tiếng dương cầm vọng mãi
Chẳng ngôn ngữ nào êm dịu và trầm lắng cho bằng ngôn ngữ của thi ca Chẳng âm điệu nào thiết tha cho bằng cung thanh trầm của khúc nhạc... Tôi có một tình yêu lớ...
Nắng ấm quê hương
Nắng ấm quê hương
Quê hương là gì hở cha?Ai đi xa cũng nhớ nhiều... Phải thừa nhận rằng từ trước giờ, con chưa bao giờ nghĩ đến khái niệm Quê hương. Và cũng chưa một lần, con tự ...
THÀNH NGỮ TRUNG HOA

THÀNH NGỮ TRUNG HOA

Ngọc bất trác, bất thành khí  Nhân bất học bất tri lý Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ Vô duyên ...
Status 129 trên Nhân Văn Blog

Status 129 trên Nhân Văn Blog

Âm nhạc luôn luôn là nguồn hạnh phúc cho tất cả mọi người sống trên trái đất. Không có âm nhạc thế ...
43 câu nói ý nghĩa

43 câu nói ý nghĩa

1. Bộc lộ sự nóng nảy ra ngoài, đó gọi là bản năng. Kìm nén sự nóng nảy vào bên trong, đó gọi là ...
Như một người cha

Như một người cha

Trong cuộc đời mỗi chúng ta, luôn có những người đã dạy ta một điều gì đó khiến cuộc đời ta thay ...
Người tuổi Dần

Người tuổi Dần

Trời sinh người tuổi Dần rất nhạy cảm, và có giác quan thứ sáu, có khả năng nhìn thấu nội tâm của ...

"Nhân sinh nhược chích như sơ kiến....
Nếu cuối cùng mọi thứ đều phải tan biến, chỉ xin được giữ lại ánh nhìn buổi ban sơ..."

Bụng chứa thi thư, 

phong thái tự đẹp!

Hữu xạ tự nhiên hương

Ngọc bất trác, bất thành khí 

Nhân bất học bất tri lý

Nhất tự thiên kim

Thiên ngôn vạn ngữ

Tri nhân tri diện bất tri tâm

Video clip