Ca khúc trữ tình cách mạng viết về chiến đấu nhưng lại thông qua cái góc độ trữ tình, tâm tình để ca ngợi cái đẹp trong chiến đấu. Trong ca khúc trữ tình cách mạng, thật khó phân biệt chỗ nào tác giả đã xây dựng câu nhạc theo cốt cách lời ca là văn vần, và chỗ nào đã phổ lời ca theo nhạc điệu, vì nhạc và lời gắn bó chặt chẽ với nhau.
Trong ca từ, những tác phẩm mang tính trí tuệ của con người Việt Nam được thể hiện bằng một hình thức gợi cảm, trong sáng. Bài ca hy vọng của Văn Ký là một thí dụ:
"Về tương lai!
Ngày quê hương màu xanh áo mới
Chứa chan niềm tin
Đường ta đi xanh thắm mộng đời
Về tương lai!
Đàn chim ơi, cùng ta cất cánh
Kìa ánh sáng chân trời mới đang bừng chiếu bốn phương
Gió mưa, buồn thương, mùa đông và mây mù sẽ tan".
Bài ca hy vọng có kết cấu âm nhạc ngắn gọn, cô đọng, mạch lạc. Tính chất âm nhạc dặt dìu nhưng có sức phát triển cao. Ca từ được chọn lọc và mang tính hình tượng… Tất cả những yếu tố ấy hòa trộn, cộng hợp với nhau một cách hợp lí để tạo nên diện mạo của một ca khúc. Ca khúc ra đời trong điều kiện hoàn cảnh lịch sử của đất nước đang nhiều cam go. Điều quan trọng hơn, trong nội dung của nó hàm chứa những cung bậc tình cảm vô cùng lớn lao, dẫn dắt người nghe vào miền cảm xúc của chân trời mênh mang, rộng mở.
Mỗi bước đi thêm yêu tổ quốc (Tân Huyền) là bài hát mang phong cách trữ tình chính luận rất đậm nét: "có được điều đó chính là do sự kết hợp giữa ngôn ngữ âm nhạc dõng dạc, hào sảng, thiết tha với lời ca mang tính khái quát cao về truyền thống lịch sử".
Gửi lòng mình vào ngôn ngữ âm nhạc và lời ca chính là mong thể hiện tình cảm, ý chí, niềm tin, sức mạnh của người cộng sản, của người lính dâng lên Đảng, dâng lên Bác: "Dâng lên tới Đảng cả niềm tin chiếu sáng ngời. Cờ sao quyết thắng, lấp lánh soi sáng đường cháu đi. Đi ta đi giải phóng miền Nam, khi quê hương nhà vẫn còn bóng tên xâm lược… Thì ta còn chiến đấu quét sạch nó đi… Bác kính yêu đang cùng chúng cháu hành quân…"
Đặc biệt, trong Những cô gái quan họ, ta bắt gặp những người phụ nữ Việt Nam rất "thời đại". Ở đây, truyền thống đã được nối tiếp, thời đại gắn với ngọn nguồn.
Hồn của dân ca đã được Phó Đức Phương thừa kế một cách sáng tạo trong sự thống nhất giữa âm nhạc và lời ca. Riêng lời ca cũng đã là một bài thơ có giá trị, một tác phẩm ca từ đạt được tính dân tộc - hiện đại. Chúng ta thử đọc lại cả bốn khổ lời ca (tôi đã tước bớt những từ đệm i, ư…)
Khổ lời 1:
"Trên quê hương quan họ
Một làn nắng cũng mang điệu dân ca
Giữa mùa lúa thơm, cánh cò bay đẹp như trong mộng
Những cô Tấm ngày xưa như vẫn còn đây trong mùa
trẩy hội"
Điệp khúc 1:
"A! Quê hương ta, biết bao nhiêu cô gái xinh đẹp
đảm đang.
Việc nước việc nhà vẹn toàn, nắng mưa nhọc nhằn vẫn tươi duyên".
Khổ lời 2:
"Yêu quê hương quan họ
Từ đồng lúa đến con đò ven sông
Giữa mùa chiến công, xóm làng xưa lại ngân câu hò
Lúa xanh mướt đồng quê, ta tiếp bài ca chiêm mùa
mở hội"
Điệp khúc 2:
"A! Quê hương ta, gái thay trai tay súng tay cày
đảm đang.
Giặc đến, giặc không đường về, lúa xanh mùa mùa vẫn tươi xanh".
Khổ lời 3:
"Ai ngang qua Đông Hồ
Một chiều nắng rẽ thăm nàng tố nữ
Ba mùa gối nhau, gái hội Lim dàn quân trên đòng
Lúa năm tấn vượt lên, xanh ngắt màu xanh trên tầm
đạn thù".
(Trở lại điệp khúc 1)
Khổ lời 4:
"Trên quê hương bao đời
Từng ngày tháng viết nên ngàn câu thơ
Sông Cầu nước xuôi, đất nghìn năm dệt thêm trang sử
Đứng lên với đồng quê, cô gái Việt Nam bao mùa
trưởng thành".
(Trở lại điệp khúc 2)
Để nghe - nghe theo, nghe cùng với giai điệu âm nhạc - lời ca, ca từ có một yêu cầu là phải trong sáng, dễ hiểu, dễ nhớ. Do đó, khi đọc những bài lời ca, ta thường gặp những câu được nhắc đi nhắc lại, hoặc được nhắc lại nhưng có thay đổi vài từ ngữ. Âm nhạc là nghệ thuật thời gian, vì vậy, để khắc sâu vào trí nhớ người nghe, nó thường dùng lối củng cố chủ đề: nhắc lại nguyên si một nét nhạc (chủ đề), hay nhắc lại nét nhạc chủ đề đó ở một mức cao hơn hay thấp hơn; hoặc nhắc lại chủ đề có biến đổi chút ít, hay nhắc lại một phần nhỏ trong chủ đề và biến hóa… Lời ca phải theo cách củng cố chủ đề âm nhạc mà nhắc đi nhắc lại.
Thái Hà
Website: http://nhanvanblog.com/
Facebook: http://www.facebook.com/thaiha811
Page: https://www.facebook.com/nhanvanblog/
Email: dothaiha86@gmail.com