Chủ nhật, 24/11/2024 - 07:15

Văn hoá doanh nghiệp

Văn hoá doanh nghiệp là toàn bộ những nhân tố văn hoá được doanh nghiệp chọn lọc, tạo ra, sử dụng và biểu hiện trong hoạt động kinh doanh, tạo nên bản sắc kinh doanh của doanh nghiệp đó.

      Khái niệm về văn hóa

 

     Tại phương Tây, văn hoá - culture (trong tiếng Anh, Pháp) hay kultur (tiếng Đức)… đều xuất phát từ chữ Latinh cultus có nghĩa là khai hoang, trồng trọt, trông nom cây lương thực; nói ngắn gọn là sự vun trồng. Sau đó từ cultus được mở rộng nghĩa, dùng trong lĩnh vực xã hội chỉ sự vun trồng, giáo dục, đào tạo và phát triển mọi khả năng của con người.

      Ở phương Đông, trong tiếng Hán cổ, từ văn hoá bao hàm ý nghĩa: văn là vẻ đẹp của nhân tính, cái đẹp của tri thức, trí tuệ con người có thể đạt được bằng sự tu dưỡng của bản thân và cách thức cai trị đúng đắn của nhà cầm quyền. Còn chữ hoá trong văn hoá là việc đem cái văn (cái đẹp, cái tốt, cái đúng) để cảm hoá, giáo dục và hiện thực hoá trong thực tiễn đời sống. Vậy văn hoá chính là nhân hoá hay nhân văn hoá. Đường lối văn trị hay đức trị của Khổng Tử là từ quan điểm cơ bản này về văn hóa (văn hóa là văn trị giáo hoá, là giáo dục, cảm hoá bằng điển chương, lễ nhạc, không dùng hình phạt tàn bạo và sự cưỡng bức).

      Như vậy, văn hoá trong từ nguyên của cả phương Đông và phương Tây đều có một nghĩa chung căn bản là sự giáo hoá, vun trồng nhân cách con người (bao gồm cá nhân, cộng đồng và xã hội loài người), cũng có nghĩa là làm cho con người và cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

      Theo phạm vi nghiên cứu rộng nhất, văn hoá là tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử.

      Loài người là một bộ phận của tự nhiên nhưng khác với các sinh vật khác, loài người có một khoảng trời riêng, một thiên nhiên thứ hai do loài người tạo ra bằng lao động và tri thức - đó chính là văn hoá.

      Khái niệm doanh nghiệp

      Theo đại Từ điển tiếng Việt, doanh nghiệp là: “tổ chức hoạt động kinh doanh của những chủ sở hữu có tư cách pháp nhân, nhằm mục đích kiếm lời ở một hoặc nhiều ngành".

       Như vậy, thuật ngữ “doanh nghiệp” mang hai nghĩa rộng và hẹp.

      Theo nghĩa rộng: Doanh nghiệp là đơn vị kinh tế cơ sở, có chức năng sản xuất - kinh doanh hàng hoá, dịch vụ một cách hợp pháp theo nhu cầu của thị trường, nhằm đạt lợi nhuận hoặc hiệu quả kinh tế tối đa. Nghĩa là, doanh nghiệp bao gồm tất cả các cơ sở sản xuất - kinh doanh, từ các tổng công ty, các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia… đến các hộ gia đình kinh doanh cá thể nhỏ lẻ.

      Theo nghĩa hẹp: Doanh nghiệp chỉ bao gồm các cơ sở thuộc khu vực chính thức, có đăng kí tư cách pháp nhân theo các luật doanh nghiệp và kinh doanh hiện hành.

      Theo Khoản 1, Điều 3 Luật Doanh nghiệp đã đưa ra khái niệm doanh nghiệp như sau: “Doanh nghiệp là tổ chức kinh tế có tên riêng, có tài sản, có trụ sở, giao dịch ổn định, được đăng kí kinh doanh theo qui định của pháp luật nhằm mục đích thực hiện các hoạt động kinh doanh”.

      Ở Việt Nam chúng ta hiện nay, tuỳ theo đặc điểm về hình thức sở hữu, về lĩnh vực sản xuất, về qui mô tổ chức sản xuất, người ta có thể phân ra các loại hình doanh nghiệp theo hình thức sở hữu như sau:

       Doanh nghiệp nhà nước:

      Doanh nghiệp nhà nước là tổ chức kinh tế do nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ hoặc có cổ phần, vốn góp chi phối, được tổ chức dưới hình thức công ty nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn.

       Doanh nghiệp nhà nước được tổ chức theo những loại hình sau:

      Công ty nhà nước là doanh nghiệp do nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ, thành lập tổ chức quản lí, đăng kí hoạt động theo qui định của luật doanh nghiệp nhà nước.

      Công ty nhà nước có hai loại: Công ty nhà nước độc lập và tổng công ty nhà nước.

     Công ty cổ phần nhà nước là công ty cổ phần mà toàn bộ cổ đông là các công ty nhà nước hoặc tổ chức được nhà nước uỷ quyền góp vốn, được tổ chức và hoạt động theo qui định của luật doanh nghiệp.

     Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước một thành viên là công ty trách nhiệm hữu hạn do nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ, được tổ chức quản lí và đăng kí hoạt động theo qui định của luật doanh nghiệp.

     Công ty trách nhiệm hữu hạn nhà nước có hai thành viên trở lên là công ty trách nhiệm hữu hạn trong đó có tất cả các thành viên đều là công ty nhà nước hoặc có thành viên là công ty nhà nước và thành viên khác là tổ chức được nhà nước uỷ quyền góp vốn, được tổ chức và hoạt động theo qui định của luật doanh nghiệp.

     Doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của nhà nước là doanh nghiệp mà cổ phần hoặc vốn góp của nhà nước chiếm trên 50% vốn điều lệ. Nhà nước giữ quyền chi phối đối với doanh nghiệp đó.

      Doanh nghiệp có một phần vốn nhà nước là doanh nghiệp mà phần vốn góp của nhà nước trong vốn điều lệ chiếm từ 50% trở xuống.

      Công ty nhà nước giữ quyền chi phối doanh nghiệp khác là công ty sở hữu toàn bộ vốn điều lệ hoặc có cổ phần, vốn góp chiếm trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp khác, giữ quyền chi phối đối với doanh nghiệp đó.  

      Công ty nhà nước độc lập là công ty nhà nước không thuộc cơ cấu tổ chức của tổng công ty nhà nước. Vốn điều lệ của công ty nhà nước là số vốn nhà nước đầu tư vào công ty và ghi tại điều lệ công ty.

      Là một tổ chức có trụ sở, con dấu, tài sản… thực hiện hoạt động kinh doanh, nhằm mục tiêu tối đa hóa giá trị tài sản của chủ sở hữu, xét trong dài hạn thì mục tiêu của doanh nghiệp là tối đa hóa lợi nhuận.

       Hiện nay ở Việt Nam có 6 loại hình doanh nghiệp, đó là: Doanh nghiệp nhà nước, Công ty TNHH 2 thành viên trở lên, Công ty cổ phần, Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và Hợp tác xã.

       

       Các quan niệm về văn hóa doanh nghiệp

 

       Trong một xã hội rộng lớn, mỗi doanh nghiệp được coi là một xã hội thu nhỏ. Xã hội lớn có nền văn hoá lớn, xã hội nhỏ (doanh nghiệp) cũng cần xây dựng cho mình một nền văn hoá riêng biệt. Nền văn hoá ấy chịu ảnh hưởng và đồng thời cũng là một bộ phận cấu thành nền văn hoá lớn. Như Edgar Schein, một nhà quản trị nổi tiếng người Mĩ đã nói: “Văn hoá doanh nghiệp gắn với văn hoá xã hội, là một bước tiến của văn hoá xã hội, là tầng sâu của văn hoá xã hội. Văn hoá doanh nghiệp đòi hỏi vừa chú ý tới năng suất và hiệu quả sản xuất vừa chú ý quan hệ chủ thợ, quan hệ giữa người với người. Nói rộng ra nếu toàn bộ nền sản xuất đều được xây dựng trên một nền văn hoá doanh nghiệp có trình độ cao, nền sản xuất sẽ vừa mang bản sắc dân tộc vừa thích ứng với thời đại hiện nay”.

      Vào đầu những năm 70, sau sự thành công rực rỡ của các công ty Nhật Bản, các công ty Mĩ chú ý tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến thành công đó. Cụm từ Corporate culture (Văn hoá doanh nghiệp) đã được các chuyên gia nghiên cứu về tổ chức và các nhà quản lí sử dụng để chỉ một trong những tác nhân chủ yếu dẫn tới sự thành công của các công ty Nhật trên khắp thế giới.

      Đầu thập kỉ 90, người ta bắt đầu đi sâu nghiên cứu tìm hiểu về những nhân tố cấu thành cũng như những tác động to lớn của văn hoá đối với sự phát triển của một doanh nghiệp. Đã có rất nhiều khái niệm văn hoá doanh nghiệp được đưa ra nhưng cho đến nay vẫn chưa có một định nghĩa chuẩn nào được chính thức công nhận.

      Nhà xã hội học người Mĩ E.N. Schein cho rằng: "Văn hóa doanh nghiệp hoặc văn hoá tổ chức là tổng thể những thủ pháp và qui tắc giải quyết vấn đề thích ứng bên ngoài và thích ứng bên trong các nhân viên, những qui tắc đã tỏ ra hữu hiệu trong quá khứ và vẫn cấp thiết trong hiện tại. Những qui tắc và những thủ pháp này là yếu tố khởi nguồn trong việc các nhân viên lựa chọn phương thức hành động, phân tích và ra quyết định thích hợp. Các thành viên của tổ chức không đắn đo suy nghĩ về ý nghĩa của những qui tắc và thủ pháp ấy mà coi chúng là đúng đắn ngay từ đầu".

      Còn nhà xã hội học Pháp N. Đemert cho rằng: "Văn hóa doanh nghiệp đó là hệ thống quan niệm, những biểu tượng, những giá trị và mẫu hành vi được tất cả các thành viên chia sẻ. Điều đó có nghĩa là trong doanh nghiệp, tất cả các thành viên đó đều gắn bó với nhau bởi quan điểm chung về những vấn đề như doanh nghiệp đó là gì, vai trò kinh tế và xã hội của nó như thế nào, nó chiếm vị trí ra sao đối với những doanh nghiệp cạnh tranh với nó, những nghĩa vụ của nó đối với khách hàng là gì… Chức năng văn hoá tổ chức là tạo ra cảm giác thống nhất của mọi thành viên, tạo ra hình ảnh cái “chúng tôi” tập thể".

      Ông Saite Marie, chuyên gia người Pháp về doanh nghiệp vừa và nhỏ đưa ra định nghĩa như sau: “Văn hoá doanh nghiệp là tổng hợp các giá trị, các biểu tượng, huyền thoại, nghi thức, các điều cấm kị, các quan điểm triết học, đạo đức tạo thành nền móng sâu xa của doanh nghiệp”.

       Một định nghĩa khác của tổ chức lao động quốc tế (ILO): “Văn hoá doanh nghiệp là sự trộn lẫn đặc biệt các giá trị, các tiêu chuẩn, thói quen và truyền thống, những thái độ ứng xử và lễ nghi mà toàn bộ chúng là duy nhất đối với một tổ chức đã biết”.

      Tuy nhiên, định nghĩa phổ biến và được chấp nhận rộng rãi nhất là định nghĩa của chuyên gia nghiên cứu các tổ chức Edgar H. Schein: “Văn hoá công ty là tổng hợp những quan niệm chung mà các thành viên trong công ty học được trong quá trình giải quyết các vấn đề nội bộ và xử lí các vấn đề với môi trường xung quanh”.

       Ở Việt Nam, trong cuốn sách "Văn hoá và triết lí kinh doanh",  xuất bản năm 2000, Đỗ Minh Cương đã đưa ra một khái niệm văn hóa kinh doanh như sau: “Văn hoá kinh doanh là việc sử dụng các nhân tố văn hoá vào trong hoạt động kinh doanh của chủ thể, là văn hoá mà các chủ thể tạo ra trong quá trình kinh doanh, hình thành nên những kiểu kinh doanh ổn định và đặc thù của nó”.

       Theo TS. Lê Đăng Doanh: "Văn hóa doanh nghiệp (văn hoá trong kinh doanh) trước tiên là tôn trọng pháp luật, tôn trọng nhân phẩm con người, phải giữ chữ tín và điều này đòi hỏi người lãnh đạo doanh nghiệp phải có một bản lĩnh đổi mới…”.

       Như vậy, văn hóa doanh nghiệp có tính ổn định và bền vững, bất chấp sự thay đổi thường xuyên của các cá nhân, kể cả những người sáng lập và lãnh đạo doanh nghiệp. Nó tác động sâu sắc tới động cơ hành động của doanh nghiệp, tạo thành định hướng có tính chất chiến lược cho bản thân doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp luôn đóng vai trò như một lực lượng hướng dẫn, một sức mạnh cố hữu trong doanh nghiệp, là ý chí thống nhất toàn thể lãnh đạo và nhân viên của doanh nghiệp.

       Các khái niệm trên đều đã đề cập đến những nhân tố tinh thần của văn hoá doanh nghiệp như: Các quan niệm chung, các giá trị, các huyền thoại, nghi thức… của doanh nghiệp nhưng chưa đề cập đến nhân tố vật chất - nhân tố quan trọng của văn hoá doanh nghiệp.

        Do đó, trên cơ sở kế thừa những nghiên cứu của các học giả và hệ thống nghiên cứu lôgic về văn hoá và văn hoá kinh doanh, văn hoá doanh nghiệp có thể được định nghĩa như sau: “Văn hoá doanh nghiệp là toàn bộ những nhân tố văn hoá được doanh nghiệp chọn lọc, tạo ra, sử dụng và biểu hiện trong hoạt động kinh doanh, tạo nên bản sắc kinh doanh của doanh nghiệp đó”.

 

 

***Trích dẫn từ Khóa luận tốt nghiệp Cử nhân Quản lí văn hóa năm 2011:

XÂY DỰNG VĂN HÓA DOANH NGHIỆP Ở CÔNG TY TNHH TRÍ LỰC - THÀNH PHỐ MÓNG CÁI - TỈNH QUẢNG NINH”

Giảng viên hướng dẫn: TS. Nguyễn Thị Phương Thảo

Sinh viên thực hiện     : Đỗ Thái Hà

Trường: Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương


Tác giả: © dothaiha - nhanvanblog.com

Bài viết liên quan
Nội dung đang được cập nhật.
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Chẳng cầu trong những năm tháng đẹp nhất gặp được người tốt nhất, chỉ nguyện những năm còn sống được tương phùng, lựa chọn một tòa thành sống với nhau đến già. ...
Tiếng dương cầm vọng mãi
Tiếng dương cầm vọng mãi
Chẳng ngôn ngữ nào êm dịu và trầm lắng cho bằng ngôn ngữ của thi ca Chẳng âm điệu nào thiết tha cho bằng cung thanh trầm của khúc nhạc... Tôi có một tình yêu lớ...
Nắng ấm quê hương
Nắng ấm quê hương
Quê hương là gì hở cha?Ai đi xa cũng nhớ nhiều... Phải thừa nhận rằng từ trước giờ, con chưa bao giờ nghĩ đến khái niệm Quê hương. Và cũng chưa một lần, con tự ...
THÀNH NGỮ TRUNG HOA

THÀNH NGỮ TRUNG HOA

Ngọc bất trác, bất thành khí  Nhân bất học bất tri lý Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ Vô duyên ...
Status 129 trên Nhân Văn Blog

Status 129 trên Nhân Văn Blog

Âm nhạc luôn luôn là nguồn hạnh phúc cho tất cả mọi người sống trên trái đất. Không có âm nhạc thế ...
43 câu nói ý nghĩa

43 câu nói ý nghĩa

1. Bộc lộ sự nóng nảy ra ngoài, đó gọi là bản năng. Kìm nén sự nóng nảy vào bên trong, đó gọi là ...
Như một người cha

Như một người cha

Trong cuộc đời mỗi chúng ta, luôn có những người đã dạy ta một điều gì đó khiến cuộc đời ta thay ...
Người tuổi Dần

Người tuổi Dần

Trời sinh người tuổi Dần rất nhạy cảm, và có giác quan thứ sáu, có khả năng nhìn thấu nội tâm của ...

"Nhân sinh nhược chích như sơ kiến....
Nếu cuối cùng mọi thứ đều phải tan biến, chỉ xin được giữ lại ánh nhìn buổi ban sơ..."

Bụng chứa thi thư, 

phong thái tự đẹp!

Hữu xạ tự nhiên hương

Ngọc bất trác, bất thành khí 

Nhân bất học bất tri lý

Nhất tự thiên kim

Thiên ngôn vạn ngữ

Tri nhân tri diện bất tri tâm

Video clip