Đặc điểm địa lí
Thành phố Móng Cái tỉnh Quảng Ninh nằm ở vị trí vĩ độ kinh đông, vùng Đông Bắc tổ quốc, có tọa độ địa lí quốc gia: Vĩ độ Bắc từ 21010' đến 21039' và kinh độ Đông từ 107043' đến 108040'.
Địa giới của thành phố Móng Cái: Phía Bắc và Đông Bắc giáp Đông Hưng tỉnh Quảng Tây thuộc Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, có đường biên tiếp giáp hai nước là 72km; Phía Đông Đông Nam tiếp giáp vịnh Bắc Bộ, có bờ biển dài 50km; phía Tây Tây Bắc giáp huyện Hải Hà.
Địa hình thành phố Móng Cái là chuyển tiếp địa hình đồi núi trung du vươn ra biển, thấp dần từ Bắc xuống Nam, hình thành ba vùng địa hình: Vùng núi cao phía Bắc, vùng đồi trung du ven biển và đảo phía Nam.
Với điều kiện vị trí địa lí, thành phố Móng Cái là cửa ngõ quan trọng của tỉnh Quảng Ninh và cả nước trong việc giao lưu giữa các đô thị lân cận của Trung Quốc và khu vực.
Tình hình kinh tế
Thành phố Móng Cái là một trung tâm kinh tế lớn của tỉnh Quảng Ninh, có cửa khẩu quốc tế Móng Cái nằm trong tuyến "hai hành lang và một vành đai" kinh tế trọng điểm giữa Việt Nam và Trung Quốc. Móng Cái đang giữ vị trí là cầu nối về giao thông, thương mại giữa Việt Nam - Asean với Trung Quốc và các nước phát triển vùng Đông Bắc Á. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội trước mắt cũng như lâu dài.
Móng Cái có nhiều tiềm năng để phát triển một nền kinh tế tổng hợp với mũi nhọn là thương mại - du lịch - dịch vụ. Móng Cái có cửa khẩu quốc tế Bắc Luân và một số cửa khẩu tiểu ngạch như: Vạn Gia, Ka Long, Lục Lầm; quốc lộ 18A nối liền với Hạ Long và cả nước; có cảng nước sâu quốc gia Vạn Gia cho tàu 1 vạn tấn và các cảng thuỷ nội địa như: Dân Tiến, Thọ Xuân, Núi Đỏ… Bãi biển Trà Cổ trải dài 17km với phong cảnh tự nhiên vào loại đẹp nhất Việt Nam; Mũi Sa Vĩ - điểm khởi đầu hình chữ S trên bản đồ Việt Nam từ lâu trở nên nổi tiếng và một số hồ nước có phong cảnh hữu tình như: Tràng Vinh, Đoan Tĩnh, Kim Tinh, mở ra nhiều triển vọng lớn để phát triển ngành du lịch.
Từ khi thực hiện thông báo 118 của Ban Bí Thư Trung ương ngày 02/5/1989 về chủ trương “mở cửa biên giới” và nhất là từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 675/TTg năm 1996 về một số chính sách thí điểm đối với cửa khẩu quốc tế Móng Cái, kinh tế - xã hội Móng Cái phát triển nhanh. Từ một nền kinh tế thuần nông trước năm 1989, cơ cấu kinh tế Móng Cái được xác định lại là: Thương mại - du lịch - dịch vụ, nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, trong đó thương mại - du lịch - dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn và chiếm tới 70% trong GDP.
Cửa khẩu Móng Cái được xác định là cửa khẩu quan trọng nhất trên biên giới bộ của Việt Nam. Trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Trung Quốc, Móng Cái có vị trí đặc biệt trong hai hành lang kinh tế (hành lang kinh tế động lực Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Côn Minh Trung Quốc, hành lang kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Quảng Tây Trung Quốc) và một vành đai kinh tế quanh Vịnh Bắc Bộ (Quảng Đông - Quảng Tây - Việt Nam).
Văn hóa - xã hội
Móng Cái là mảnh đất có truyền thống lịch sử văn hoá từ lâu đời, có 3 di tích lịch sử văn hoá được xếp hạng cấp quốc gia: Đình Trà Cổ, chùa Vạn Linh Khánh, chùa Xuân Lan cùng với các danh thắng khác tạo nên một quần thể du lịch độc đáo, đa dạng mà ít nơi có thể sánh kịp. Lịch sử của nhân dân Móng Cái là lịch sử đấu tranh anh hùng bền bỉ, dẻo dai, kiên cường để chinh phục thiên nhiên, chiến thắng kẻ thù, nhất là từ khi có Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Ngày 02/8/1954, lá cờ đỏ sao vàng của quần chúng cách mạng đã tung bay trên cột cờ đỉnh thành Tổ Sơn, Móng Cái hoàn toàn được giải phóng. Hơn 50 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc thành phố Móng Cái đã có nhiều đóng góp xứng đáng vào cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và xây dựng xã hội chủ nghĩa, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động thời kì đổi mới và nhiều huân chương, huy chương cao quí khác.
Sự nghiệp giáo dục - đào tạo, y tế, văn hoá, thể dục - thể thao đạt được nhiều kết quả, phong trào xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư phát triển rộng khắp, phong trào "Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Xoá nhà tạm” trên địa bàn đạt được nhiều thành tích nổi trội.
Dân số Móng Cái gần 8 vạn người, bao gồm 5 dân tộc anh em cùng chung sống: Kinh, Dao, Tày, Hoa, Sán Dìu. Công tác quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội luôn được đảm bảo, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển. Đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao.
Nhân dân Móng Cái đa dạng về thành phần dân tộc, mang đậm nét văn hoá đặc thù của địa phương, đậm đà bản sắc dân tộc, có tinh thần đoàn kết và mến khách. Điều này đã làm phong phú tài nguyên du lịch và nhân văn của nơi địa đầu tổ quốc biên cương này.
Các doanh nghiệp ở thành phố Móng Cái
Trong những đóng góp cho sự phát triển chung của Móng Cái, thành phố luôn ghi nhận những thành tích quan trọng của các nhà doanh nghiệp, doanh nhân, hộ kinh doanh của mọi thành phần kinh tế trên địa bàn. Toàn thành phố hiện có hơn 100 chi nhánh, văn phòng đại diện; 4.853 hộ kinh doanh (trong đó có 2.430 hộ kinh doanh tại 4 chợ trung tâm) và gần 300 doanh nghiệp (quốc doanh, ngoài quốc doanh, đầu tư nước ngoài) đang hoạt động sản xuất kinh doanh. Chiếm phần đông nhất là các doanh nghiệp Trung Quốc sang buôn bán và đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại tại thành phố.
Cùng với sự năng động sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, các nhà doanh nhân, doanh nghiệp Móng Cái luôn nhiệt tình tham gia có hiệu quả các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, nhất là tham gia đóng góp để cùng thành phố hoàn thành xuất sắc chương trình xóa nhà tạm, xóa đói giảm nghèo, ủng hộ đồng bào lũ lụt, quĩ khuyến học...
Để khẳng định sự trưởng thành và lớn mạnh không ngừng của các nhà doanh nghiệp, doanh nhân, Hiệp hội doanh nghiệp Móng Cái đã chính thức ra đời. Hiệp hội doanh nghiệp Móng Cái trở thành ngôi nhà chung, một sân chơi bổ ích, bình đẳng cho các nhà doanh nhân, doanh nghiệp Móng Cái phát huy năng lực trình độ trong sản xuất kinh doanh và thể hiện nghĩa vụ trách nhiệm của mình đối với thành phố, với Đảng, nhà nước và với nhân dân; cùng góp phần làm bật dậy tiềm năng của khu kinh tế cửa khẩu năng động ở vùng biên cương của Tổ quốc; xây dựng Móng Cái trở thành thành phố biên giới cửa khẩu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với danh hiệu của vùng đất anh hùng.
***Trích dẫn từ Khóa luận tốt nghiệp Cử nhân Quản lí văn hóa năm 2011:
“XÂY DỰNG VĂN HÓA DOANH NGHIỆP Ở CÔNG TY TNHH TRÍ LỰC - THÀNH PHỐ MÓNG CÁI - TỈNH QUẢNG NINH”
Giảng viên hướng dẫn: TS. Nguyễn Thị Phương Thảo
Sinh viên thực hiện : Đỗ Thái Hà
Trường: Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương