Thứ năm, 21/11/2024 - 20:21

Ca khúc trữ tình cách mạng

Nếu tính chất âm nhạc chủ yếu của những bài hành khúc là khỏe khoắn, hào hùng, thì ca khúc trữ tình là những bài hát thể hiện chiều sâu nội tâm của con người với những cung bậc khác nhau. Trong ca khúc trữ tình, cái “tôi” phải được hòa tr...

       Nếu tính chất âm nhạc chủ yếu của những bài hành khúc là khỏe khoắn, hào hùng, thì ca khúc trữ tình là những bài hát thể hiện chiều sâu nội tâm của con người với những cung bậc khác nhau. Trong ca khúc trữ tình, cái “tôi” phải được hòa trong cái “ta”.

       Ca khúc trữ tình ra đời sau so với các loại thể khác. Trước năm 1945, có nguyên nhân riêng của nó, do hoàn cảnh lịch sử. Mặt khác, phải kể đến các nhạc sĩ lúc đó chưa đủ khả năng, kể cả bút pháp lẫn nhìn nhận để sáng tác ra bài hát loại trữ tình. Từ năm 1945 đến 1975, theo thời gian, ca khúc trữ tình đã tìm được chìa khóa rồi hòa vào cùng dòng chảy của các loại thể khác. Trên chặng đường ấy, ca khúc trữ tình cũng có những bước đi mang tính mềm dẻo với những biến thái riêng. Và, cũng tùy theo từng giai đoạn mà ca khúc trữ tình lại có những dạng mới phát sinh, làm cho diện mạo của nó đầy đặn hơn, nhiều chiều, đa sắc màu hơn. Loại ca khúc trữ tình có thể chia thành mấy dạng sau: trần thuật, chính luận, dân gian, tình ca và trữ tình nghệ thuật.

 

       Dạng trữ tình trần thuật

Nhóm tác giả viết trong cuốn Âm nhạc mới Việt Nam tiến trình và thành tựu, khi nhận diện ca khúc trần thuật, họ cho rằng: “Đó là sự giãi bày, sự kể lại những sự việc, những câu chuyện, những con người trong cuộc sống hiện hữu thông qua nhân vật “tôi”, “em”, “chúng ta”, hoặc một người khác trong cuộc”.

       Thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước, dạng ca khúc trần thuật vẫn nối được dòng với thời kì trước, vẫn là những câu chuyện được thuật lại có đầu, có cuối, những chất dân gian được in dậm hơn và bút pháp sáng tác trở nên già dặn hơn.

       Giai đoạn này, nhánh đề tài về quê hương đất nước, không chỉ bó hẹp trong một vài địa danh của vùng Tây Bắc, mà mở rộng ra các vùng, miền khác; tính chất âm nhạc tuy dàn trải, nhưng có xu hướng đi vào chiều sâu nội tâm. Có thể điểm qua một số bài như sau: Quê tôi (Lưu Cầu), Việt Nam quê hương tôi (Đỗ Nhuận), Bài ca bên cánh võng (Nguyên Nhung), Địu con đi nhà trẻ (Đào Ngọc Dung), Vàm Cỏ Đông (Trương Quang Lục – Hoài Vũ), Rặng trâm bầu, Qua bến đò quan (Thái Cơ)…

       Nhánh đề tài về tình đồng đội, tình quân dân, tình người hậu phương và tiền tuyến được thể hiện với nhiều sắc độ khác nhau. Chí trai ra mặt trận, phụ nữ phải đảm đương việc nhà, việc nước. Điều ấy đã được phản ánh đậm nét qua các tác phẩm: Đường cày đảm đang (An Chung), làm thay công việc của chồng nơi hậu phương, cày bừa, đắp đập, đào mương. Đây là một hình ảnh người phụ nữ tiêu biểu của vùng châu thổ sông Hồng trong thời buổi chiến tranh. Cũng theo môtíp này có: Tiễn anh lên đường (Nguyễn Văn Tý), Thư ra tiền tuyến (Thái Cơ), Những cô gái quan họ (Phó Đức Phương), Con gái đồng chiêm (Phạm Tuyên), Trai anh hùng, gái đảm đang (Đỗ Nhuận), Người con gái sông La (Doãn Nho)… Người phụ nữ trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại này, chẳng kém gì giới mày râu, cũng phơi phới tự tin; và ngay ở những nơi lửa đạn, họ đã có những đóng góp rất đáng khâm phục: gái mở đường (Xuân Giao), Nổi lửa lên em (Nhạc: Huy Du, Lời: Huy Du – Giang Lam), Cô gái Sài Gòn đi tải đạn (Lư Nhất Vũ), Chào em cô gái Lam Hồng (Ánh Dương),… là những minh chứng điển hình.

 

 

         Dạng phong cách dân gian

       Trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, hai miền chia cắt, đó cũng là yếu tố để thúc đẩy các nhạc sĩ sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị. Thời kì ấy, hầu như nhánh viết về đề tài quê hương đất nước chiếm ưu thế tuyệt đối. Đặc biệt nó được nhấn mạnh ở hai mảng: nỗi nhớ miền Nam và niềm tự hào của người dân miền Bắc về cuộc sống mới trong hòa bình, dựng xây.

       Nỗi nhớ miền Nam là tiếng lòng của người con xa quê ra miền Bắc tập kết. Một chút nhắn gửi trong Anh về miền Bắc (Đắc Nhẫn), một nỗi nhớ đến nao lòng trong Nhớ đàn xe nước, Nhớ về quê mẹ (Vân Đông). Dẫu có như vậy, nhưng vẫn một lòng son sắt, thủy chung, điều ấy đã được ghi lại trong: Giữ trọn tình quê (Văn Cận), Tình trong lá thiếp (Phan Huỳnh Điểu), và đặc biệt là Câu hò bên bờ Hiền Lương (Hoàng Hiệp – Đằng Giao)…

       Mảng nói về sự tự hào của người dân miền Bắc, được gắn chặt với những ca khúc viết về địa phương. Lí do là sự kiện (5 – 8 – 1964) Vịnh Bắc Bộ, các nhạc sĩ đã đi thực tế ở những địa phương, nơi được coi là nóng bỏng nhất, và cho ra đời loạt bài hát: Quảng Bình quê ta ơi, Hai chị em (Hoàng Vân), Tiếng hò trên đất Nghệ An (Tân Huyền), Tiếng hát sông Lam (Đinh Quang Hợp), Gái sông La (Lê Hàm)… Ngoài sự kiện trên thì trước, hoặc sau đó, các nhạc sĩ đã ý thức được việc khai thác vốn dân ca để đưa vào tác phẩm của họ, đặc biệt nhiều nhạc sĩ tỏ ra có sở trường viết về mảng đề tài này. Chẳng hạn như Nguyễn Văn Tý có: Bài ca năm tấn, Em đi làm tín dụng, Tấm áo mẹ vá năm xưa, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh; Nguyễn Đức Toàn có: Nỗi băn khoăn của chị LảKhâu áo gửi người chiến sĩ

       Những ca khúc viết theo dạng dân gian là sự tiếp nối truyền thống một cách rõ nhất. Ngoài chất liệu thì từ ngôn ngữ, giai điệu đến lời ca, đặc biệt là yếu tố ngữ âm vùng, miền cũng như địa danh của từng địa phương được các tác giả chú trọng khai thác, làm cho mỗi bài hát có những sắc thái riêng. Mỗi bài hát sẽ là “tỉnh ca” hoặc “địa phương ca”, nó gắn liền với niềm tự hào, kiêu hãnh của con người ở vùng, miền đó. Điều ấy có thể giúp chúng ta đủ tự tin mà khẳng định rằng: đó là ca khúc của Việt Nam chứ không phải của nước ngoài. Hay nói cách khác, đó chính là một trong những nét cơ bản để nhận diện đặc trưng của ca khúc Cách mạng Việt Nam.

 

        Dạng trữ tình chính luận

       Nó được phân biệt với các dạng khác ở chỗ: tính chất âm nhạc vẫn là ngâm ngợi nhưng giàu kịch tính, điều ấy kéo theo sự đòi hỏi về nghệ thuật trình diễn mang nhiều yếu tố kĩ thuật. Đề tài phải mang yếu tố chính luận với những cảm xúc cá nhân cụ thể. Nội dung tác phẩm thể hiện qua ca từ phải có sự đan xen giữa màu sắc trữ tình và sử thi. Bên cạnh đó, một yếu tố không thể thiếu trong từng tác phẩm là hơi thở của thời đại. So với các dạng khác, số lượng những bài trữ tình chính luận là không nhiều, nhưng nó cũng góp phần làm nên sự đa dạng trong cách phân loại của ca khúc Cách mạng Việt Nam từ 1954 – 1975.

       Bước vào thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước, dạng chính luận có những bước phát triển hơn so với thời kì trước, kể cả về mặt số lượng và chất lượng. Chủ đề cơ bản vẫn là tổ quốc, ngoài ra còn một số tác phẩm có đề cập hình tượng người chiến sĩ, nhưng mang tính khái quát, không đi vào một con người cụ thể.

       Chủ đề về tổ quốc có: Tổ quốc tôi trên mười năm đã lớn (Hồng Đăng – Nguyễn Liệu). Đây là ca khúc ra đời sớm nhất về chủ đề này. Tính chính luận của ca khúc là sự dõng dạc, đĩnh đạc không những thể hiện ở tiêu đề, mà còn được thể hiện trong lời ca: “Mười năm chống quân ngoại xâm, từng giọt máu đã ướt ruộng đồng…”. Trong khoảng thời gian này, Lời tổ quốc (Tô Hải) cho thấy không khí xây dựng đang diễn ra sôi động và sự thay da đổi thịt đang từng ngày hiện ra trên miền Bắc, cũng như tương lai về một ngày thống nhất đất nước.

     Bài ca gửi đất liền (Lương Ngọc Trác) là hình ảnh về tổ quốc trong cơn lửa đạn. Tác giả đưa người thưởng thức cùng cộng cảm trong sự trìu mến, thiết tha khi nghĩ về tổ quốc và nỗi căm giận trước sự tàn phá của quân thù.

      Chủ đề về hình tượng người chiến sĩ cách mạng có: Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng (Hoàng Vân). Những người bất tử (Lương Ngọc Trác), Bài ca chiến thắng (Trần Kiết Tường), Người mẹ miền Nam tay không thắng giặc (Thuận Yến), Giờ hành động (Long Hưng - Thanh Hải).

       Nhìn chung, những bài trữ tình mang tính chính luận, dù đối tượng phản ánh có khác nhau nhưng chúng lại có điểm giống nhau đó là: ngôn ngữ âm nhạc hào sảng, khúc chiết. Do tính chất của loại hình mang tính ngâm ngợi, mặt khác để phù hợp với dấu giọng của tiếng Việt nên chúng vẫn mang được những đặc điểm của dân tộc.

 

        Dạng trữ tình tình ca

       Những bài hát thuộc dạng này, nội dung đề cập tới tình yêu đôi lứa. Sau 1954, mặc dù đất nước vẫn còn chia cắt nhưng miền Bắc tạm có hòa bình, kéo theo những đòi hỏi mới về nhu cầu thưởng thức, lúc đó dạng bài hát tình ca mới bắt đầu ra đời.

       Sự ra đời của nó không thể rầm rộ và tự nhiên như dạng hành khúc được. Vì lúc này cái ta phải được tôn trọng và đặt lên hàng đầu. Không có cái tôi cả tôi, mặc dù cái tôi đó là lành mạnh. Vậy nên, ngay từ ngày đầu, tình ca đã có những bước đi khá thận trọng. Điều này phần nào nói lên được khả năng ứng biến mềm dẻo của các nhạc sĩ Việt Nam. Nhìn chung, để sáng tác tình ca, các nhạc sĩ đã đi theo ba hướng sau đây:

       Hướng thứ nhất: hòa cái tôi bé nhỏ vào trong cái ta hùng tráng. Hoàng Việt đã chọn cách này và ông là người đã đặt viên gạch đầu tiên cho tình ca Cách mạng Việt Nam.

       Hướng thứ hai: có thể nói, đây là một hướng đi mang tính mềm dẻo và hợp lí, tránh được mọi sự "phiền toái" cho tác giả. Hướng đi ấy là dựa vào môtíp tình yêu trong dân gian truyền thống, đặc biệt là việc khai thác đề tài dân dã miền núi phía Bắc. Mở đầu cho hướng đi này, phải nói đến Tiếng sáo gọi người yêu của Nguyễn Đình Tân, sau đó là Sao cô em chưa về của Lê Lan, rồi Trước ngày hội bắn của Trịnh Quý. Đặc biệt, Bùi Đức Hạnh đã phỏng thơ của Cầm Giang để cho ra đời bản Tình ca Tây Bắc.

      Hướng thứ ba: khai thác nội dung đề tài trong thơ đương đại. Trong loại ca khúc trữ tình vẫn ghi nhận được một số bài tình ca như: Nhớ (Lê Yên - Thanh Hải), Nhớ (Hoàng Vân - Nguyễn Đình Thi), Tình em (Huy Du - Ngọc Sơn), Bài ca người thủy thủ (Hoàng Vân - Hà Nhật), Chiếc áo xanh (Lương Ngọc Trác - Tố Hữu).

 

       Dạng ca khúc nghệ thuật

       Đó là tác phẩm viết cho giọng hát có phần đệm của nhạc khí. Ca từ có tính hình tượng. Giai điệu phải khai thác được những yếu tố kĩ thuật cũng như yếu tố kĩ xảo cho giọng hát. Phần đệm, nếu tách riêng thì chính bản thân nó phải là một tác phẩm khí nhạc. Khi nằm trong tổng thể của tác phẩm thanh nhạc thì phần đệm phải tôn được vẻ đẹp của giai điệu, lời ca và nhạc đệm không phá vỡ tính thống nhất của hình tượng âm nhạc.

      Nếu với tiêu chí như vậy thì Việt Nam thật khó mà tìm được bài nào thuộc dạng ca khúc nghệ thuật. Nhưng bằng cách nhìn thoáng đạt hơn, có thể tạm chấp nhận những bài sau thuộc dạng này: Mẹ yêu con (Nguyễn Văn Tý), Bài ca hy vọng (Văn Ký), Xa khơi (Nguyễn Tài Tuệ)… Thực ra, ca khúc nghệ thuật là sự rút tỉa, chọn lọc những bài hát có giá trị nghệ thuật cao của nhiều dạng khác mà thành.

       Nhìn chung, những ca khúc thuộc dạng tình ca, ca khúc nghệ thuật không nhiều, nếu so với các dạng khác thì nó chiếm một tỉ lệ quá ít. Tất nhiên, số lượng nhiều hay ít là do bối cảnh lịch sử qui định. Sự xuất hiện của dạng ca khúc nghệ thuật đã làm cho diện mạo của ca khúc Cách mạng Việt Nam trở nên hài hòa hơn: Có thể ví tình ca và ca khúc nghệ thuật như những bông hoa có sắc màu lạ, điểm tô cho ca khúc cách mạng thêm phần rực rỡ.

       Tóm lại, ca khúc trữ tình bao gồm cả những bài ngợi ca (ngợi ca anh hùng, lãnh tụ, tổ quốc…), những ca khúc “thể hiện chiều sâu nội tâm của con người với những cung bậc khác nhau” và thường được trình diễn theo hình thức đơn ca. Nói cách khác, hình thức trình diễn là một tiêu chí quan trọng để xác định tính chất trữ tình của ca khúc.

 

 

 

 

 

 

Thái Hà

Website: http://nhanvanblog.com/

Facebook: http://www.facebook.com/thaiha811

Page: https://www.facebook.com/nhanvanblog/

Email: dothaiha86@gmail.com

 


Tác giả: © dothaiha - nhanvanblog.com

Bài viết liên quan
Nội dung đang được cập nhật.
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Chẳng cầu trong những năm tháng đẹp nhất gặp được người tốt nhất, chỉ nguyện những năm còn sống được tương phùng, lựa chọn một tòa thành sống với nhau đến già. ...
Tiếng dương cầm vọng mãi
Tiếng dương cầm vọng mãi
Chẳng ngôn ngữ nào êm dịu và trầm lắng cho bằng ngôn ngữ của thi ca Chẳng âm điệu nào thiết tha cho bằng cung thanh trầm của khúc nhạc... Tôi có một tình yêu lớ...
Nắng ấm quê hương
Nắng ấm quê hương
Quê hương là gì hở cha?Ai đi xa cũng nhớ nhiều... Phải thừa nhận rằng từ trước giờ, con chưa bao giờ nghĩ đến khái niệm Quê hương. Và cũng chưa một lần, con tự ...
THÀNH NGỮ TRUNG HOA

THÀNH NGỮ TRUNG HOA

Ngọc bất trác, bất thành khí  Nhân bất học bất tri lý Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ Vô duyên ...
Status 129 trên Nhân Văn Blog

Status 129 trên Nhân Văn Blog

Âm nhạc luôn luôn là nguồn hạnh phúc cho tất cả mọi người sống trên trái đất. Không có âm nhạc thế ...
43 câu nói ý nghĩa

43 câu nói ý nghĩa

1. Bộc lộ sự nóng nảy ra ngoài, đó gọi là bản năng. Kìm nén sự nóng nảy vào bên trong, đó gọi là ...
Như một người cha

Như một người cha

Trong cuộc đời mỗi chúng ta, luôn có những người đã dạy ta một điều gì đó khiến cuộc đời ta thay ...
Người tuổi Dần

Người tuổi Dần

Trời sinh người tuổi Dần rất nhạy cảm, và có giác quan thứ sáu, có khả năng nhìn thấu nội tâm của ...

"Nhân sinh nhược chích như sơ kiến....
Nếu cuối cùng mọi thứ đều phải tan biến, chỉ xin được giữ lại ánh nhìn buổi ban sơ..."

Bụng chứa thi thư, 

phong thái tự đẹp!

Hữu xạ tự nhiên hương

Ngọc bất trác, bất thành khí 

Nhân bất học bất tri lý

Nhất tự thiên kim

Thiên ngôn vạn ngữ

Tri nhân tri diện bất tri tâm

Video clip