Nói đến bài hát, không thể không nói đến lời ca. Trong ca khúc, lời ca, ca từ đóng một vai trò khá quan trọng.
Lời ca, trước hết là lời, lời nói, nhưng không phải lời nói hằng ngày, mà là lời được ca lên, hát lên; điều đó có nghĩa: lời ca là lời nói nhằm bộc lộ một dạng tình cảm của con người trước cuộc sống. Song, đó cũng là lời bộc lộ tình cảm được hát lên theo giai điệu âm nhạc. Xét quá trình vận động từ lời nói đến lời ca, ta thấy nó chịu tác động của những qui luật chủ yếu sau đây: qui luật của ngôn ngữ, qui luật của thơ ca và qui luật của âm nhạc. Và người sáng tác lời ca - là nhạc sĩ kiêm nhiệm, hoặc nhà thơ - không thể không chú ý đến những qui luật đó.
Là bộ phận không thể thiếu được của tác phẩm âm nhạc thanh nhạc, trước hết, lời ca làm nhiệm vụ cụ thể hóa hình tượng âm nhạc. Có thể nói là lời ca đã "phiên dịch" ngôn ngữ âm nhạc thành ngôn ngữ - công cụ giao tiếp chung của xã hội. Với lời ca, hình tượng âm nhạc được cụ thể hóa, do đó, sức truyền cảm của nó đối với công chúng thưởng thức bình thường càng mạnh mẽ hơn, sâu rộng hơn. Với lời ca, âm nhạc - một loại hình nghệ thuật biểu hiện giàu tính ước lệ - được bổ sung thêm tính cụ thể, trực tiếp của một phương tiện diễn tả của văn học: ngôn ngữ. Nhà văn, nhà thơ dùng ngôn ngữ để xây dựng nên tác phẩm văn học; còn nhạc sĩ hoặc người soạn lời ca thì dùng ngôn ngữ để xây dựng nên hình tượng ca từ. Nhưng khi ngôn ngữ trở thành ca từ đi với âm nhạc thì nó có nhiệm vụ mới, vai trò mới, đặc điểm mới.
Lời ca, với tính xác định cụ thể và tính phổ biến toàn dân của ngôn ngữ, có tác dụng truyền đạt một cách rõ ràng nội dung của một tác phẩm âm nhạc đến người nghe.
Theo Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, 2010), ca từ được định nghĩa rất ngắn gọn là “lời của bài hát”, ví dụ “ca từ trong bài hát rất giàu chất thơ”. Cuốn Từ điển tiếng Việt của Văn Tân định nghĩa dài hơn: “Ca từ là lời ca hát. Bài từ khúc có thể hát lên được”. Trong chuyên luận Ca từ trong âm nhạc Việt Nam, Dương Viết Á quan niệm: “Trong loại hình nghệ thuật âm nhạc, ngoài phần âm thanh đóng vai trò chính, còn phải dùng đến ngôn ngữ, nói đúng hơn, đó là phần ngôn ngữ văn học trong âm nhạc (lời trong ca khúc, hợp xướng, kịch bản trong nhạc cảnh, nhạc kịch, tên gọi, tiêu đề của những bài hát, bản nhạc hoặc của từng chương nhạc…). Tất cả phần ngôn ngữ văn học trong âm nhạc, ta gọi chung trong một khái niệm: ca từ”.
Từ những quan niệm, định nghĩa nói trên, chúng tôi đưa ra một định nghĩa như sau: “Ca từ là phần ngôn ngữ của tác phẩm âm nhạc và phần ngôn ngữ này được đánh giá là có độ trau chuốt, gọt giũa, sáng tạo, mang những giá trị thẩm mĩ có thể tương đương với ngôn ngữ văn học”.
Thái Hà
Website: http://nhanvanblog.com/
Facebook: http://www.facebook.com/thaiha811
Page: https://www.facebook.com/nhanvanblog/
Email: dothaiha86@gmail.com