Thứ sáu, 26/04/2024 - 11:49

Khái niệm âm tiết và cấu trúc âm tiết

Do tiếng Việt là một ngôn ngữ đơn tiết và có nhiều thanh điệu nên yêu cầu kĩ thuật thanh nhạc của mỗi ca sĩ khi thể hiện phần lời ca khúc phải đảm bảo sự “tròn vành rõ chữ”...

Do tiếng Việt là một ngôn ngữ đơn tiết và có nhiều thanh điệu nên quá trình lựa chọn ca từ cho ca khúc phức tạp hơn nhiều so với các ngôn ngữ Âu châu như tiếng Anh, tiếng Pháp. Điều này cũng yêu cầu kĩ thuật thanh nhạc của mỗi ca sĩ khi thể hiện phần lời ca khúc phải đảm bảo sự “tròn vành rõ chữ”. Khái niệm “âm tiết” của tiếng Việt được hiểu là từng tiếng có sự độc lập, có nghĩa, tách rời khi ta tri nhận về mặt phát âm cũng như tri nhận trên giấy. Âm tiết tiếng Việt vì thế có ranh giới trùng với từ - tiếng - hình vị và nói theo cách thông thường của dân gian thì mỗi từ cũng là chữ.

Cấu trúc của một âm tiết tiếng Việt bao giờ cũng do sự kết hợp của 5 thành tố. Đó là âm đầu, âm đệm, âm chính (nguyên âm), âm cuối và thanh điệu, được biểu diễn theo mô hình sau:

Thanh điệu

Âm đầu

Vần

Âm đệm

Âm chính

Âm cuối

 

Theo mô hình trên, thanh điệu được coi là yếu tố siêu đoạn tính, không thể chia cắt, nó quan hệ với mọi yếu tố trong âm tiết và bao trùm lên toàn bộ âm tiết.

Thanh điệu được xem là bậc thứ nhất của cấu trúc âm tiết, luôn do một trong 6 thanh đảm nhiệm. Đó là các thanh: không dấu (1), huyền (2), ngã (3), hỏi (4), sắc (5), nặng (6). Theo giáo trình Ngữ âm tiếng Việt của Đoàn Thiện Thuật, cao độ của 6 thanh điệu đã được tính toán trong sự tương ứng với cao độ của các nốt trên khuông nhạc:

1. Thanh không dấu tương ứng với nốt “Pha” của giọng nam trung.

2. Thanh huyền tương ứng với cao độ thấp hơn “Pha” một quãng bốn, tức là vào khoảng nốt “Đồ”.

3. Thanh ngã có cao độ gần bằng điểm xuất phát từ khoảng của thanh huyền tức là lớn hơn nốt “Sì” và nhỏ hơn hoặc bằng nốt “Đồ”.

4. Thanh hỏi cũng có cao độ xuất phát từ khoảng nốt “Đồ” và kết ở âm vực thấp hơn điểm xuất phát.

5. Thanh sắc mở đầu với điểm xuất phát gần bằng nốt “Pha”, có thể kết vào những âm vực như nốt “Đố”, nốt “Rế”, tức là có kết thúc linh hoạt ở âm vực cao.

6. Thanh nặng mở đầu với điểm xuất phát của nốt “Đồ” và kết ở âm vực thấp.

Tóm lại, chính sự phức tạp về thanh điệu là yếu tố có ảnh hưởng sâu sắc nhất tới việc lựa chọn ca từ. Lời ca phải được đặt sao cho có độ tương ứng âm vực giữa thanh điệu và các nốt nhạc một cách khéo léo, tinh tế.

Bậc thứ hai của cấu trúc âm tiết gồm 4 thành tố còn lại là âm đầu, âm đệm, âm chính và âm cuối. Trong đó, âm đầu do 21 phụ âm đảm nhiệm và 01 phụ âm tắc thanh hầu.

Thành phần âm đệm do âm vị /w/ đảm nhiệm. Trong tiếng Việt, âm đệm /w/ thể hiện bằng hai con chữ “o” hoặc “u”. Ví dụ: toán, huyện. Trong trường hợp không có sự xuất hiện của “o” hoặc “u” đảm nhiệm vị trí âm đệm, ta gọi đó là những trường hợp âm đệm là /zero/. Ví dụ: hát, ca.

Âm chính, cũng như thanh điệu, là thành phần không bao giờ vắng mặt trong cấu trúc âm tiết. Giữ vai trò làm âm chính gồm có 9 nguyên âm đơn dài /i, ê, e, ư, ơ, a, u, ô, o /, 4 nguyên âm ngắn / e (ngắn), a (ngắn), o (ngắn), ơ (ngắn) và 3 nguyên âm đôi /iê, ươ, uô/. Tất cả gồm 16 âm vị nguyên âm.

Đóng vai trò âm cuối là 6 âm vị phụ âm /m/, /n/, /ng/, /p/, /t/, /k/, 2 bán nguyên âm /j/, /w/ và âm vị /zero/. Tất cả gồm 9 âm vị có khả năng làm âm cuối.

Trong các thành phần cấu trúc âm tiết, ngoài yếu tố thanh điệu có ảnh hưởng sâu sắc tới việc lựa chọn ca từ cho ca khúc thì còn cần phải kể đến sự ảnh hưởng lớn nữa của một yếu tố là âm chính (nguyên âm).

Điều ấy bắt nguồn từ đặc điểm về độ mở khác nhau của các nguyên âm. Những nguyên âm có độ mở vừa như /e, o/ và có độ mở lớn như /a/ thường gợi những tình cảm có tính chất ca ngợi, trải dài, bay bổng, trong sáng, tha thiết. Còn những nguyên âm có độ khép vừa như /ê, ô/ và khép như /i, u, ư/ thường tạo ra những tình cảm buồn bã, những sắc thái u tối, trầm đục. Người nghệ sĩ Việt Nam khi soạn ca từ cho ca khúc thường lợi dụng triệt để đặc điểm này để gây nên những hiệu ứng nghệ thuật sâu sắc. Có thể thấy điều đó qua ví dụ điển hình là tuyệt phẩm Tình ca của nhạc sĩ Hoàng Việt. Khảo sát số lượng nguyên âm trong mỗi âm tiết của ca khúc, nhất là những âm tiết có nhiệm vụ tạo vần, ta thấy những nguyên âm mở chiếm một tỉ lệ lớn, đặc biệt là sự xuất hiện với mật độ dày đặc của nguyên âm /a/. Điều này đã góp phần tạo ra tình cảm ngân vang, bay bổng, trong sáng, tha thiết cho bài hát, thể hiện một tình yêu lứa đôi vượt lên sự hủy diệt của bom đạn chiến tranh, vượt qua mọi cách trở của không gian và thời gian:

“Khi hát lên tiếng ca gửi về người yêu phương xa

Ta át tiếng gió mưa thét gào cuộn dâng phong ba

Em ơi nghe chăng lời trái tim vọng ra

Rung trong không gian mặt biển sôi ầm vang

Qua núi biếc trập trùng xa xa

Qua áng mây che mờ quê ta

Tiếng ca ngàn đời chung thủy thiết tha

 

***Trích dẫn từ Luận văn Thạc Sĩ Khoa học Ngữ văn năm 2012:

"ĐẶC ĐIỂM TIẾNG VIỆT THỂ HIỆN TRONG PHẦN LỜI CA CỦA CA KHÚC TRỮ TÌNH CÁCH MẠNG VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1954 - 1975"

Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Phạm Tất Thắng - TS. Đỗ Anh Vũ

Học viên Cao học                : Đỗ Thái Hà

Chuyên ngành: Ngôn ngữ học - Trường: Đại học Sư phạm Hà Nội



Bài viết liên quan
Khái niệm ca khúc trữ tình

Khái niệm ca khúc trữ tình

Ca khúc trữ tình là những bài hát thể hiện chiều sâu nội tâm của con người với những cung bậc khác nhau...
Một số khái niệm âm nhạc cơ bản

Một số khái niệm âm nhạc cơ bản

Ca từ là phần ngôn ngữ của tác phẩm âm nhạc và phần ngôn ngữ này được đánh giá là có độ trau chuốt, gọt giũa, sáng tạo, mang những giá trị thẩm mĩ có thể tương đương với ngôn ngữ văn học...
Tình người và giá trị nhân văn trong lời ca

Tình người và giá trị nhân văn trong lời ca

Cái đau thương không thể đằm sâu mãi mà đã chuyển hóa trở thành niềm tự hào; sự hi sinh trở thành cái cao cả; và lời ca cứ ngân lên vang mãi theo giai điệu âm nhạc tràn ngập vào lòng người; đánh thức ...
Lời thơ được phổ nhạc

Lời thơ được phổ nhạc

Ca khúc hay là một ca khúc mà bản thân lời của nó đã là một bài thơ hay. Và những bài thơ hay thường dễ trở thành lời cho những ca khúc hay. Ca khúc có lời vốn là một bài thơ ta thường quen gọi là ...
Sự phù hợp về cao độ trong ca khúc

Sự phù hợp về cao độ trong ca khúc

Sự tính toán về mặt khoa học đã cho thấy những tương ứng giữa cao độ của các nốt nhạc với âm vực của các thanh điệu trong hệ thống thanh điệu của tiếng Việt. Điều này vô cùng quan trọng bởi nó liên ...
Ca khúc trữ tình cách mạng

Ca khúc trữ tình cách mạng

Nếu tính chất âm nhạc chủ yếu của những bài hành khúc là khỏe khoắn, hào hùng, thì ca khúc trữ tình là những bài hát thể hiện chiều sâu nội tâm của con người với những cung bậc khác nhau. Trong ca ...
Lí thuyết ca từ

Lí thuyết ca từ

Nói đến bài hát, không thể không nói đến lời ca. Trong ca khúc, lời ca, ca từ đóng một vai trò khá quan trọng.Lời ca, trước hết là lời, lời nói, nhưng không phải lời nói hằng ngày, mà là lời được ca ...
Lời ca chịu sự chi phối của âm nhạc

Lời ca chịu sự chi phối của âm nhạc

Ca khúc trữ tình cách mạng viết về chiến đấu nhưng lại thông qua cái góc độ trữ tình, tâm tình để ca ngợi cái đẹp trong chiến đấu. Trong ca khúc trữ tình cách mạng, thật khó phân biệt chỗ nào tác giả ...
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Chẳng cầu trong những năm tháng đẹp nhất gặp được người tốt nhất, chỉ nguyện những năm còn sống được tương phùng, lựa chọn một tòa thành sống với nhau đến già. ...
Tiếng dương cầm vọng mãi
Tiếng dương cầm vọng mãi
Chẳng ngôn ngữ nào êm dịu và trầm lắng cho bằng ngôn ngữ của thi ca Chẳng âm điệu nào thiết tha cho bằng cung thanh trầm của khúc nhạc... Tôi có một tình yêu lớ...
Nắng ấm quê hương
Nắng ấm quê hương
Quê hương là gì hở cha?Ai đi xa cũng nhớ nhiều... Phải thừa nhận rằng từ trước giờ, con chưa bao giờ nghĩ đến khái niệm Quê hương. Và cũng chưa một lần, con tự ...
THÀNH NGỮ TRUNG HOA

THÀNH NGỮ TRUNG HOA

Ngọc bất trác, bất thành khí  Nhân bất học bất tri lý Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ Vô duyên ...
Status 129 trên Nhân Văn Blog

Status 129 trên Nhân Văn Blog

Âm nhạc luôn luôn là nguồn hạnh phúc cho tất cả mọi người sống trên trái đất. Không có âm nhạc thế ...
43 câu nói ý nghĩa

43 câu nói ý nghĩa

1. Bộc lộ sự nóng nảy ra ngoài, đó gọi là bản năng. Kìm nén sự nóng nảy vào bên trong, đó gọi là ...
Như một người cha

Như một người cha

Trong cuộc đời mỗi chúng ta, luôn có những người đã dạy ta một điều gì đó khiến cuộc đời ta thay ...
Người tuổi Dần

Người tuổi Dần

Trời sinh người tuổi Dần rất nhạy cảm, và có giác quan thứ sáu, có khả năng nhìn thấu nội tâm của ...

"Nhân sinh nhược chích như sơ kiến....
Nếu cuối cùng mọi thứ đều phải tan biến, chỉ xin được giữ lại ánh nhìn buổi ban sơ..."

Bụng chứa thi thư, 

phong thái tự đẹp!

Hữu xạ tự nhiên hương

Ngọc bất trác, bất thành khí 

Nhân bất học bất tri lý

Nhất tự thiên kim

Thiên ngôn vạn ngữ

Tri nhân tri diện bất tri tâm

Video clip