Tấc đất cắm dùi
Thành ngữ tấc đất cắm dùi có khá nhiều biến thể khác nhau: thước đất cắm dùi, một thước cắm dùi, miếng đất cắm dùi, mảnh đất cắm dùi,… Trong những dạng thức này, các từ tấc, thước, mảnh, miếng là những danh từ chỉ đơn vị. Tưởng là rất cụ thể là tấc, là thước, là mảnh nhưng chẳng có gì cụ thể. Các từ này chỉ phản ánh sự ít ỏi về mặt số lượng của vật thể cần đo đếm. Sự ít ỏi này càng được bộc lộ rõ khi kết hợp với tổ hợp cắm dùi. Tại sao lại như vậy? Số là, trước đây nhân dân ta trồng tỉa thường dùng dùi chọc lỗ để gieo hạt. Phương thức canh tác này hiện còn lưu giữ trong việc làm nương rẫy của đồng bào một số dân tộc ít người. Tấc đất chỉ đủ để cắm dùi, rõ là cũng chẳng to tát gì. Thành ra, thành ngữ tấc đất cắm dùi mới được dùng để chỉ phần đất nhỏ bé để sinh sống và canh tác của người nông dân.
Đất là cái sinh tử của người nông dân. Người ta sống chết cũng vì đất và phải bám lấy đất. Người ta tranh đấu, giành giật, thù hận cũng vì đất. Tấc đất là tấc vàng! Vì lẽ đó, đất là thước đo sự giàu sang, nghèo hèn. Tấc đất cắm dùi nhỏ nhoi là vậy mà cũng không có thì đó là sự nghèo hèn đến cùng cực.
Thông thường trong tiếng Việt, để nhấn mạnh ý nghĩa và mức độ của sự nghèo hèn, hầu như bao giờ tấc đất cắm dùi cũng đi kèm với các yếu tố phủ định. Hãy so sánh:
- Không có + tấc đất cắm dùi (không có (một) tấc đất cắm dùi)
- Tấc đất cắm dùi + (cũng) không có (một tấc đất cắm dùi cũng không có)
- Không + tấc đất cắm dùi (không tấc đất cắm dùi)
- Tấc đất cắm dùi + cũng không (tấc đất cắm dùi cũng không)
- Có + tấc đất cắm dùi nào đâu (Có một tấc đất cắm dùi nào đâu)
- Đâu (nào) có + tấc đất cắm dùi (Đâu có (nào có) một tấc đất cắm dùi).
Tấc đất tấc vàng
Đất làm ra lúa gạo ngô khoai quý như vàng vậy. Hãy biết tận dụng và trân trọng từng tấc đất...
Tấc: Đơn vị đo lường – Một tấc tương đương với một centimét.
Thành ngữ so sánh đất quý như vàng, ý nói đất đai là vốn quý.
Còn có câu: Một tấc đất, một tấc vàng; Hòn đất hòn vàng.
Chuyện kể:
Ngày xưa, ở một làng nọ có một lão nông cả đời gắn bó với ruộng đồng, ông yêu quý mảnh đất của mình, trồng cây, cày cấy bấy lâu mãn nguyện. Nhờ mảnh đất ấy đời sống ngày một no đủ, nuôi con cái trưởng thành. Tuy vậy, những đứa con ông được hưởng lúa gạo hoa màu từ ruộng vườn do tay ông lao động mà có lại không mấy mặn mà với đất, đôi khi chểnh mảng không thiết làm ruộng. Một ngày kia, ông bị ốm nặng, nhưng nghĩ đến ruộng đất yêu quý, rồi đây không ai cày xới thì lấy làm đau lòng. Hôm ấy, bệnh tình nặng quá, biết mình không qua khỏi, ông đành gọi hai đứa con lại mà rằng:
- Các con nhớ rằng trong đám đất nhà mình có chôn một hũ vàng, sau khi cha mất, các con gia công chịu khó cuốc xới lên tìm kiếm, chắc sẽ giàu to.
- Người cha mất rồi, anh em nhà nọ bảo nhau ra cuốc xới hết đám ruộng này sang đám ruộng khác. Mỗi lần cày xới chả thấy vàng đâu, họ đành bảo nhau trồng cây trên mảnh đất đó. Năm qua tháng lại, cuốc xới đất tơi xốp, lại chăm bón tưới nước đầy đủ nên lúa tốt bời bời, ngô sai bắp, khoai sai củ. Mùa thu hoạch đến, thóc chất đầy nhà, ngô khoai nhiều vô kể, lúc ấy họ mới nghĩ ra rằng người cha quá cố của mình đã nói đúng, họ đã tìm thấy vàng trên mảnh ruộng của mình chính là cuộc sống no đủ mà tấc đất đem lại.
Theo truyện “Người nông dân và những đứa con”
“Truyện cổ nước Nam” – Ôn như Nguyễn Văn Ngọc. NXB Văn học, 2003
-----------------------------
Câu hàm ý sâu xa của người cha răn dạy là: Đất làm ra lúa gạo ngô khoai quý như vàng vậy. Hãy biết tận dụng và trân trọng từng tấc đất.
Tấc đất tấc vàng – lời người xưa vẫn nguyên giá trị.
Ai ơi chớ bỏ ruộng hoang
Bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu.
(Ca dao)
(Theo “Đi tìm điển tích thành ngữ”. NXB Thông Tấn)
Tiền trảm hậu tấu
Tiền trảm hậu tấu có nghĩa là chém trước tâu sau (tiền: trước, trảm: chém, hậu: sau, tấu: tâu, thưa). Trong tiếng Việt thành ngữ tiền trảm hậu tấu thường dùng để chỉ những việc làm không chờ đợi cấp trên, cứ làm, cứ hành động trước, xong xuôi mọi chuyện rồi mới báo cáo, thưa gửi.
Đối với việc chém giết một nhân mạng, một con người mà không cần chờ cấp trên y án, cứ thế mà hành quyết rồi mới tâu thưa, đó là một quyền chỉ được trao cho trong những hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Cho nên, hành vi tiền trảm hậu tấu được coi là hành vi tự quyền ứng phó linh hoạt trong điều kiện không thể chờ lệnh cấp trên.
Song khi không được trao quyền đó mà cứ tiền trảm hậu tấu thì đó lại là hành vi tuỳ tiện, liều lĩnh, vô tổ chức.
Nhấn mạnh ý nghĩa “làm trước, báo cáo sau” thành ngữ tiền trảm hậu tấu trong nhiều trường hợp đồng nhất với hành vi đặt mọi chuyện vào sự đã rồi, đẩy người ta vào thế buộc phải chấp nhận kết quả đó không thể thay đổi, đảo ngược tình thế được nữa.
Tứ cố vô thân
Những ai không có cha mẹ, anh em, bà con, không có bạn bè thân thích, không nơi nương tựa, sống cô độc một mình đều được gọi là người tứ cố vô thân:
"Những thằng tứ cố vô thân, giết chúng nó thì dễ, nhưng giết được, chỉ còn có xương" (Văn học lớp 12, tr.85).
"Trong cái đời tứ cố vô thân của ông, quê quán, bố mẹ, anh em, ngay cả tên tuổi của mình, ông đều không biết" (Nguyễn Huy Tưởng. "Sống mãi với Thủ đô")
Tứ cố vô thân không chỉ nói về những cuộc đời, những số phận, những con người bất hạnh, trơ trọi một mình giữa cuộc sống không cha không mẹ, không thân thích bạn bè mà còn được dùng để nói về những vùng xa lạ, nơi "đất khách quê người".
"Đang đâu lại bỏ chỗ có anh em mà đi đến nơi tứ cố vô thân thế này! (Nguyễn Đức Thuận. "Bất khuất").
Tức nước vỡ bờ
Tức nước vỡ bờ: ám chỉ bất cứ sự chịu đựng nào cũng có giới hạn của nó. Nếu vượt quá giới hạn cho phép thì sự chịu đựng không còn nữa mà thay vào đó bằng một phản kháng giống như bờ bị nước ép quá không thể nào giữ yên được và phải vỡ ra.
Với tính tham sẳn có trong bản chất con người, không dừng lại ở một giới hạn cho phép, nên khi chất chứa một món gì đó, chứa được mười thì muốn mười hai, và khi vật chứa không đủ sức chịu đựng thì phải vỡ thôi.
Trong quan hệ xã hội hàng ngày. Nhiều cá nhân muốn duy trì sự ôn hoà trong cộng đồng, đã cố gắng nhường nhịn những kẻ ỷ thế, cậy quyền, trong tư tưởng một câu nhịn chín câu lành với mong mỏi việc gì rồi cũng qua đi, vui vẻ bình an là chính… Tuy nhiên, thói thường những kẻ ỷ thế cậy quyền thường không cảm nhận được sự nhịn nhục của người khác đối với mình là có giới hạn, và khi lấn lướt được ai đó, thì họ có cảm giác đắc thắng và muốn tiến xa hơn nữa trong việc lấn lướt... Người nhường nhịn chỉ có thể nhường nhịn đến một mức nào thôi và khi quá sức chịu đựng người ấy sẽ phản kháng lại. Sự phán kháng sau khi nhịn nhục quá mức này nó sẽ mạnh mẽ hơn là những phản kháng tức thời. Vì dựa vào hình ảnh nước chảy, nếu chảy từ từ thì không có gì, nhưng nếu do vỡ bờ mà chảy thì ào ạt mạnh mẽ khôn cùng.
Điều này nhằm giải thích. Trong quan hệ xã hội, làm gì cũng đừng đưa người khác vào một thế chịu đựng quá mức. Vì nếu dồn nén ai vào một mức chịu đựng quá sức thì việc phản kháng mạnh mẽ lại là việc đương nhiên không tránh khỏi.
Tha phương cầu thực
Ý nghĩa ban đầu của thành ngữ này thực ra là sự tổng gộp nghĩa của các thành tố cấu tạo nên nó: tha khác, lạ (tha phương: phương khác, xứ lạ) cầu: xin, tìm kiếm, thực: ăn (cầu thực: kiếm ăn, xin ăn, kiếm sống). Trong nghiều trường hợp ý nghĩa của thành ngữ tha phương cầu thực không tách khỏi ý nghĩa các thành tố. Ý nghĩa của nó là sự phản ánh trực tiếp ý nghĩa các thành tố trong sự kết hợp với nhau. Vì vậy, tha phương cầu thực chỉ có nghĩa là xin ăn, kiếm sống ở nơi khác.
Tuy nhiên, đã là thành ngữ thì tất yếu ý nghĩa của nó phải vượt ra ngoài ý nghĩa của các thành tố, để tạo thành một chỉnh thể khái quát hơn, với sắc thái ngữ nghĩa bóng bẩy hơn. Tha phương cầu thực cũng vậy. Nó không dơn thuần chỉ sự xin ăn, kiếm sống nơi khác, mà biểu thị sự lang thang nay đây mai đó để kiếm sống. Trong trường hợp này, tha phương cầu thực được dùng như một phụ từ, có khả năng kết hợp và hạn định động từ đi để tạo nên dạng thức đi tha phương cầu thực.
Đặc biệt, tha phương cầu thực được dùng để nhấn mạnh về sự phiêu bạt của những cuộc đời, những số phận con người lênh đênh chìm nổi. Với nét nghĩa này, tha phương cầu thực có khả năng kết hợp với các từ chỉ hướng tới, đến, lên, xuống, qua, sang, về, lại... để tạo các dạng thức tha phương cầu thực...
Thành ngữ tha phương cầu thực còn có biến thể khác là tha hương cầu thực. Ý nghĩa và cách dùng của hai dạng thức này hoàn toàn giống nhau.
Tham bát bỏ mâm
Ý nghĩa trên được hình thành nhờ sự so sánh trực quan và nôm na của tư duy dân gian: Bát chỉ là phần nhỏ nằm trong mâm cỗ lớn. Thế mà cố giành lấy bát, quên rằng mâm cỗ còn nhiều hơn, còn to hơn, âu cũng là tư tưởng tầm thường, được miếng nào hay miếng ấy, không biết nhìn xa trông rộng. Vì lẽ đó, thành ngữ tham bát bỏ mâm thường cũng được dùng để phê phán lối nhìn thiển cận, cách làm ăn manh mún, thiếu tính toán. Bỏ được tư tưởng tham bát bỏ mâm thì mới có thể tiếp cận được lối làm ăn lớn.
Thành ngữ tham bát bỏ mâm còn có biến thể như tham đĩa bỏ mâm, tham miếng bỏ bát.
Ngoài ra, trong tiếng Việt gần nghĩa với tham bát bỏ mâm còn có thành ngữ tham bong bong bỏ bọng trâu.
Thả mồi bắt bóng
Chuyện kể có một con chó lượn qua hàng thịt. Nó quắp được một miếng thịt to và vội vàng tha mồi chạy. Lúc chạy ngang qua cầu, nhìn xuống lòng lạch, với làn nước trong veo, con chó thấy hình bóng của miếng thịt in dưới nước, xem ra còn to hơn miếng thịt nó gậm trong miệng. Thế là chàng ta bèn bỏ miếng thịt trong miệng, lao ngay xuống nước để chộp cái bóng của miếng thịt được rọi to dưới mặt nước. Kết quả miếng thịt cũng mất và bóng chỉ là bóng nên cũng tan đi khi miếng thịt không còn. Thế là con chó đành trơ mõm lội lên và không còn thức ăn để mà ăn.
Hình ảnh này gợi cho mọi người một loại người tham lam, thường không chịu an phận trong cuộc sống. Không chấp nhận những gì mình hiện có mà mơ tưởng đến những hình ảnh mông lung như chiếc bóng. Sự mơ tưởng làm mờ đi lý trí và không phân biệt đâu là cái có thật đâu là ảo ảnh và sẳn sàng đánh đổ những giá trị có thật mà mình có để bắt lấy những điều hư ảo.
Trong cuộc sống, để đạt đến một giá trị nào đó người ta thường phải trải qua nhiều gian nan, vất vả. Nhưng khi đạt đến giá trị đó, và tìm thấy sự bình an hạnh phúc trong nó, thì người ta lại quên đi những gian nan vất vả mà mình đã phải trải qua cũng như không còn nhận chân được giá trị cái mà mình đã đạt được. Và với một hào nhoáng nào đó, một bề ngoài có vẻ lợi lộc hơn, vinh quang hơn nào đó. họ đã buông rơi cái hạnh phúc của mình đang có, cái giá trị thật mà mình đang nắm trong tay để theo đuổi cái ảo ảnh mà họ không bao giờ có thể với tới được, hoặc chỉ là cái bóng, vớ vào rồi thì bóng tan, vinh quang giả tạo tan, lợi lộc cũng chẳng có... và chỉ còn biết ngậm ngùi nuối tiếc cho những sai lầm của mình.
Tương tự với nghĩa này người ta còn có câu:
“Đứng núi này trông núi nọ”.
Đứng dưới chân núi, thấy cảnh sắc hùng vĩ, thấy trời mây tráng lệ, con người đã bỏ bao công sức cố gắng trèo lên đỉnh núi để được ở giữa cái hùng vĩ, để nắm bắt cái tráng lệ uy nghi của rừng, để hòa lẫn vào trong cái phong cảnh mà mình yêu thích. Đường đi từ chân núi lên đến đỉnh gian nan ôi là bao, nhưng khi lên đến đỉnh rồi, đứng cạnh một cây dầu một cây si nào đó, họ thấy nó cũng bình thường như bao cây dầu, cây si mà họ thấy ở dưới đồng bằng. Dưới chân họ cũng là đất, lá đá, trên đầu họ vẫn là mây, là gió, họ không có cảm giác mãn nguyện khi họ đã thực hiện được hành trình lên núi như họ đã mong muốn. Vì cái nhìn của họ bây giờ không còn là cái nhìn tổng quan của nơi họ đang đứng mà là cái nhìn sang ngọn núi bên kia, và họ đã thả tưởng tượng đi cao đi xa hơn để nghĩ rằng có lẽ bên kia núi sẽ đẹp hơn!
Ở đâu cũng thế thôi, mỗi nơi một vẽ đẹp riêng, một đặc điểm riêng! Mỗi nơi có lợi điểm riêng và cũng có bất tiện riêng ! Hãy biết mình đang cần gì và chấp nhận những gì mà mình đang có.
Tham thì thâm
Câu thành ngữ hàm ý chê trách kẻ tham lam sẽ gặp điều xấu, hám lợi, dễ bị lừa, bị hại.
Chuyện kể:
Hai anh em nhà kia, cha mẹ mất đi để lại một gia tài và một cây khế. Người anh tham lam nhận hết nhà cửa, vườn tược cho mình, chỉ để lại cho người em cây khế. Một buổi sáng, có con chim lạ đến đậu bên cây khế và mổ quả ăn khế. Người em than phiền đuổi chim đi, con chim vừa ăn khế vừa trả lời rằng: “Ăn một quả nhả cục vàng, may túi ba gang đem ra mà đựng”. Người em nghe vậy may túi ba gang để chờ chim. Sáng hôm sau, chim lại lại đến, nó bảo người em ngồi bám chặt lên mình nó rồi bay đi thật xa, đến hòn đảo từ từ hạ xuống một cái hang rồi bảo người em chui vào mà nhặt vàng. Người em vào hang thấy rất nhiều vàng bạc và châu báu, vội lấy một túi nhỏ mang ra khỏi hang. Chim lạ chờ sẵn đưa người em về nhà. Có vàng bạc, châu báu người em trở lên giàu có nhất vùng. Một hôm người anh lân la sang nhà hỏi dò em. Người em thật thà kể lại câu chuyện con chim lạ về ăn khế. Lòng tham trỗi dậy, người anh tìm cách chiếm lấy cây khế về cho mình rồi ngày ngày chờ chim đến. Rồi một ngày kia con chim lạ lại đến. Người anh cũng than phiền rồi đuổi chim đi. Chim lạ lại nói: “Ăn một quả nhả cục vàng, may túi ba gang đem đi mà đựng” rồi hẹn sáng hôm sau lên đường. Người anh sung sướng chắc mẩm phen này giàu to, bèn may cái túi thật to để sẵn ở gốc khế chờ chim. Sáng hôm sau chim đến và cũng như người em, chim chở người anh đến hòn đảo có hang giấu vàng. Vừa đến hang, người anh hoa cả mắt, rồi vơ thật nhiều vàng vào một cái túi, khi chất đã đầy túi nhưng lòng tham khôn cùng, người anh tiếp tục vơ vàng vào cái túi tiếp theo, sau đó lần lượt chuyển từng túi ra cửa hang. Đã đến lúc mặt trời sắp lặn, com chim lạ đợi mãi, người anh chuyển hai túi vàng lên mình chim rồi giục chim bay nhanh về nhà. Chim cất cánh được một lúc, khi ra đến giữa biển khơi, nặng quá chim mới bảo người anh bỏ bớt vàng đi nhưng người anh không nghe. Bay được một đoạn nữa thì chim mỏi cánh, không chịu đựng được đành hất cả người anh và hai túi vàng xuống biển. Người anh bơi lóp ngóp dưới biển vẫn kêu “vàng của tôi đâu, vàng của tôi đâu”, lúc sau thì chìm hẳn. (1)
Tham lam tới mức mù quáng không tính toán được gì, bất chấp tất cả là chuyện của người anh trong truyện. Nay thiên hạ nhiều kẻ tham lam hiểm hóc, lừa lọc thì không hại dân sao được. Tham lam đi liền với với tham nhũng thì mưu mô lắm lắm, đã thế lại đi liền với xa hoa đồi trụy. Than ôi “ Điều tham thực như vong, nhân tham tài như tử” cái lẽ xưa nay ở đời là vậy.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn
(1) Theo truyện “Cây khế” – “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” Nguyễn Đổng Chi, NXB KHXH, 1973.
Thua keo này bày keo khác
Tùy thuộc vào bản chất của đối tượng mà trong sử dụng ngôn ngữ, thành ngữ thua keo này bày keo khác có những sắc thái ý nghĩa khác nhau. Với những người có tư tưởng làm việc phục vụ cho lợi ích nhân dân, thành ngữ thua keo này bày keo khác, thể hiện sự kiên trì phấn đấu để đạt mục đích.
Thành ngữ thua keo này bày keo khác bao gồm hai vế kết hợp với nhau, không đòi hỏi tính chặt chẽ một cách nghiêm ngặt. Vì vậy, trong sử dụng, giữa hai vế người ta có thẻ thêm vào các từ chỉ chủ thể hành động, chẳng hạn như thua keo này ta bày keo khác...
Thuốc đắng dã tật
Thuốc trị bệnh có nhiều vị, tất phải có vị đắng. Vị đắng khó uống hơn vị ngọt, nhưng tan bệnh. Còn vị ngọt đánh lừa cái lưỡi chứ không khỏi bệnh được. Ý nói: Thuốc có vị đắng mới trị lành được bệnh.
Ở vùng nọ, có một lãnh chúa tàn ác, sống xa hoa. Vị lãnh chúa này thường thích ăn của ngọt và nghe những lời xúi bẩy. Một ngày kia, lãnh chúa bị bệnh thập tử nhất sinh, bèn cho tìm thầy lang giỏi nhất vùng đến chữa trị. Thầy lang thận trọng bắt mạch rồi bốc thuốc. Trong đơn thuốc, thầy cho một số vị đặc trị và nói với người nhà lãnh chúa rằng: ”Tôi cắt thuốc đây tuy khó uống một chút, nhưng mà lui bệnh”.
Thuốc sắc lên rồi, bưng đến cho lãnh chúa, lãnh chúa nhấm một ngụm thuốc, bỗng nhăn mặt rồi đổ cả bát thuốc đi mà rằng:
- Người này hại ta, thuốc gì mà đắng thế, giống như thuốc độc vậy.
Rồi hô người bắt thầy giam tống vào ngục.
Người nhà cho tìm thầy thuốc tiếp theo. Biết được tính của lãnh chúa, thầy này cắt thuốc chỉ bốc toàn vị ngọt, vị bổ như: Sâm, quế, cam thảo, táo tầu, nhục, quy… mà tuyệt không dám cho vị đắng. Lãnh chúa uống khen ngọt, cho là thầy lang giỏi. Nhưng uống đến chén thứ mười thì bệnh càng trầm trọng thêm. Bệnh di căn càng uống thuốc bổ càng phát, cho đến chén thứ mười hai thì qua đời.
Lãnh chúa chết, thầy lang cắt vị đắng trước đây được thả khỏi ngục, tiếp tục đi làm nghề.
Một lần, thầy lang được mời vào chữa bệnh cho vua. Yết kiến Hoàng hậu, thầy lang mới tâu rằng:
- Thần được triệu vào cung là nhờ ơn tiên đế nhưng chẳng lấy làm vui.
Hoàng hậu mới hỏi tại sao thì thầy lang thưa tiếp:
- Bệnh tình ở ngọc thể mà ra, thuốc là trị cái gốc, cái gốc không trị được thì thần cũng lại theo bệnh tiên đế mà đi. Nhưng xin được hỏi Hoàng hậu một câu: “Người có ưa nói thật không?”.
Hoàng hậu nhân từ trả lời rằng:
- Tất nhiên, lời nói thật khó nghe nhưng tránh được hiểm họa.
Thầy lang bèn nói:
- Vậy thuốc của thần chữa cho vua cũng như lời nói thật, tất phải có vị đắng, khó uống.
Hoàng hậu cho là thầy lang này có tâm bèn truyền chữa bệnh cho vua. Thuốc được sắc lên cho vua, nhiều vị đắng, vua uống khó nhọc lắm, nhưng đến thang thứ mười hai thì bệnh thuyên giảm, uống thêm vài thang, vua đi lại được.
Khỏi bệnh, nhà vua thưởng cho thầy lang nọ, rồi phong cho chức ngự y. Thầy lang từ chối, chỉ xin cho mình một cái chứng chỉ hành nghề, mong tránh được hiểm họa. Rồi từ đó, thầy lang đã đi khắp nước chữa bệnh cho muôn dân.
Có thể từ chuyện trên mà có câu thành ngữ trên và cũng có thể từ một kinh nghiệm chữa bệnh cắt thuốc mà người đời mới có thành ngữ trên để răn đời. Nhưng dù sao đi nữa thì bài học sinh động đến nay vẫn thường coi là chân lý “Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”. Nhưng dù có “khó nghe” và “mất lòng” đi nữa thì vẫn cần phải nói sự thật. Những người nói sự thật là những người có nhân cách, có thiện chí mong cho người khác và cho xã hội ngày thêm tốt đẹp, chứ chẳng như những người chỉ biết lấy lòng một cách rẻ tiền, hại người.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn
Tương cà gia bản
Tương là loại nước chấm làm bằng đỗ, cà là thức ăn dễ làm đối với nông dân. Người nông dân coi những thức ăn này làm cơ bản trong sinh hoạt. Vì thế, mới có câu: “Thịt cá là hương hoa, tương cà là gia bản”. Ý nói: Cuộc sống, ăn uống thanh đạm, không cao lương mĩ vị, nhưng bền chắc, lâu dài.
Chuyện kể:
Xưa có một người trong nhà kể cũng vào loại bậc khá giàu, nhưng tính kiết kiệm, không hề hao phí đi đâu một tí gì. Chỉ trừ những khi có việc, dám làm con gà, hoặc đĩa cá, còn bữa cơm thường ngày chỉ rót một chút tương, với một đôi quả cà, vừa đủ no thì thôi.
Thiên hạ có người thấy thế cười mà bảo rằng:
- Ta nghĩ người sinh ra trong trời đất, nay mưa mai gió, chẳng lấy gì làm chắc, cho nên lúc ăn, lúc uống cũng nên chớ có nhịn miệng làm chi cho khổ cái thân.
Người kia mắng lại rằng:
- Anh biết một mà chẳng biết mười. Con người ta sống ở đời chẳng phải một chút một ngày gì mà còn lâu dài mãi. Vậy mà cứ lo ăn, không liệu tính việc gì, thì dần dà của hết, người còn. Mình đã chẳng có mà ăn, con cháu mình cũng vì mình mà đói rách khổ sở, lại mang tiếng “đời cha ăn mặn, đời còn khát nước”.
Rồi sau mặc tiếng chê cười, người đó vẫn giữ được thói hà tiện. Nhưng nhà người ấy càng ngày càng sung túc lên, con cháu ai ai cũng thịnh vượng.
Thiên hạ thấy vậy đều khen nhà ấy rằng:
- Tương cà gia bản, ăn chắc mặc bền, cứ như nhà ấy mà học.
Chuyện “tương cà gia bản” đáng học lắm chứ, khác với “bóc ngắn cắn dài”, lại hợp với câu “buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện”. Thời nay, khối người có tiền “vung tay quá trán”, ném tiền qua cửa sổ thì rồi trước sau cũng rơi vào cảnh khốn cùng. Thậm chí, sống như thế đều bị ghép vào tội xa hoa, lãng phí.
Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn
Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa
Điều cần làm sáng tỏ thêm ở đây là tại sao để nói về những điều bất lợi, không may mắn, dân gian lại viện đến vỏ dưa và vỏ dừa? Như ai nấy đều biết khi ăn dưa hấu, người ta thường bổ dọc quả dưa thành từng miếng. Miếng dưa hấu sau khi ăn hết còn vỏ dày vất lại. Miếng vỏ dưa có hình dạng cong, võng lên ở hai đầu, trông tựa như mảnh vỏ ngoài quả dừa. Vỏ dưa nhiều nước, cứng, trơn. Vô ý dẫm lên vỏ dưa rất dễ bị ngã. Và, nhiều người đã bị ngã vì đạp phải vỏ dưa. Thế cho nên, người đời hễ gặp vỏ dưa là tránh, khỏi dẫm lên mà ngã. Oái oăm thay, vỏ dưa và vỏ dừa lại hao hao giống nhau. Cái tâm lý “Kính cung chi điểu” (tức con chim phải tên thấy làn cây cong cũng hoảng sợ) đã cho người đời một lời khuyên choại vỏ dưa thấy vỏ dừa phải tránh. Nghĩa là đã bị trượt ngã vì dẫm phải vỏ dưa, khi gặp vỏ dừa cũng phải tránh ra, vì vỏ dừa và vỏ dừa cũng na ná như nhau mà thôi. Thế nhưng, cuộc sống không phải lúc nào cũng có sự công bằng trong ban phát và trừng phạt. Có những lúc, con người liên tiếp gặp phải những điều không may này đến những điều không may khác. Hoặc, cũng có những khi ta muốn tránh điều bất lợi này mà chọn làm một việc nọ, nhưng khi làm việc nọ lại vấp phải một điều bất lợi khác. Cho nên, đã đành là khi đạp vỏ dưa rồi thì gặp vỏ dừa phải tránh đi, nhưng không phải lúc nào cũng làm được điều đó. Trong khi nhiều trường hợp, tránh vỏ dưa lại đạp phải vỏ dừa. Nghĩa là không thoát khỏi được, dù có ý thức chống đỡ, mà cứ gặp hết điều bất lợi này đến điều bất lợi khác. Rất có khả năng là, thành ngữ tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa hình thành trên cơ sở cấu từ lại ý của câu choại vỏ dưa thấy vỏ dừa phải tránh do hiện thực cuộc sống đòi hỏi.
Trộm cắp như rươi
Để diễn tả tình trạng nhiều trộm cắp gây mất trật tự an toàn xã hội, trong tiếng Việt người ta hay dùng thành ngữ trộm cắp như rươi.
Trộm cắp như rươi đó là tình cảnh của một xã hội loạn lạc, rối ren khi mà bộ máy chính quyền không còn đủ sức làm chủ tình hình được nữa, mặc sức để cho bọn trộm cắp hoành hành. Câu thành ngữ trên là nói về bọn đầu trộm đuôi cướp nói chung, cho nên còn có các biến thể khác như trộm cắp như rươi, kẻ cắp như rươi hoặc cướp đường như rươi.
Trong thành ngữ này, rươi là một loài giun đất, có nhiều chân, cơ thể có rất nhiều lông tơ, do gốc rạ mục sinh ra vào mùa thu, ở những chân ruộng nước lợ. Vào mùa rươi, rươi nhiều vô kể đến nỗi bà con nông dân có thể bắt rươi về làm mắm ăn. Vì rươi nhiều như vậy nên trong tiếng Việt, rươi thường được ví với những gì thật đông, thật nhiều, song chủ yếu lại được ví với bọn người bất hảo, bất lương có thể gây ra những tai hoạ bất ngờ cho con người. Tóm lại rươi thường được ví với bọn người xấu đối lập với người lương thiện. Điều đó khiến rươi khác với kiến trong thành ngữ đông như kiến, vốn được dùng để làm đối chứng cho so sánh số lượng người đông đúc, thành đoàn, thành lũ mà không có nét nghĩa đánh giá những người đó tốt hay xấu, lương thiện hay bất lương...
Trúc dẫu cháy đốt ngay vẫn thẳng
Như ta biết, trúc là một loại cây thuộc họ tre nứa, mai vầu. Thân trúc có nhiều đốt, tất nhiên có đốt thẳng, đốt cong. Khi bị thiêu cháy thân cây, tàn tro vẫn nằm dài trên mặt đất và vẫn giữ được độ cong thẳng của từng đốt cây.
Nhân dân ta mượn hình ảnh của cây trúc để nói về con người. Người thẳng thắn, ngay thật trong cuộc sống cũng như đốt trúc thẳng vậy. Kẻ lèo lá quanh co cũng tựa như đốt trúc cong. Như đốt trúc ngay thẳng, dẫu bị thiêu cháy thì sự ngay thẳng đó vẫn còn lấp lánh trong tàn tro, trong lửa đỏ.
Con người giữa cuộc đời vẫn vậy. Là người ngay thẳng, thì cho dù bị xô đẩy đến khó khăn, gian khổ nào vẫn giữ được và cần phải giữ vững vẻ đẹp của chính mình. Những kẻ xấu, dù cố tìm cách bôi nhọ, vu oan giá hoạ những người tốt để đổi trắng thay đen, cũng không thể nào thực hiện được. Trong hoả mù tội ác của bọn chúng, vẻ đẹp của những con người cao thượng vẫn sáng lung linh: trúc dẫu cháy đốt ngay vẫn thẳng và cây ngay không sợ chết đứng!
Trướng rủ màn che
Trướng là bức màn che cửa, có thêu hình trang trí, đẹp, sang trọng, ngày trước nhà quyền quý hay dùng. Và thành ngữ trướng rủ màn che được dùng để chỉ cuộc sống đài các, êm đềm, được nuông chiều trong sự vinh hoa phú quý của tầng lớp thượng lưu trong xã hội phong kiến, nhất là đối với các lớp con cái của họ. Trong truyện Kiều Nguyễn Du viết:
“Êm đềm trướng rủ màn che
Tường đông ong bướm đi về mặc ai”
Cuộc sống giữa nhung lụa nơi lầu son gác tía khép kín ngăn cách với thế giới “hỗn tạp”, rách rưới, ồn ào bên ngoài như thế khiến cho con người mất dần đi mối liên hệ với cuộc sống sinh động của muôn người ngoài xã hội đời thường. Những lo toan, những đắng cay, nhọc nhằn của người đời, cao hơn thế nữa, vận mệnh của một dân tộc, họ cũng chẳng hay biết và chẳng buồn biết tới. Chính cái hiện thực cuộc sống có được ở những người giàu sang, quyền quý xưa đã làm nảy sinh trong ý nghĩ của người đời sự so sánh nó với một lớp người trong xã hội ngày nay, chỉ biết chăm lo, vun vén cho cuộc sống riêng của mình, có tất cả rồi thì sao nhãng công việc cho đời, thu mình, khép kín lại. Và rồi, lớp người ấy bỗng hoảng hốt khi ngẫm lại mình và nhìn ra cuộc đời sống động, thấy mình đã đứng ra ngoài để tự chiêm ngưỡng một cách vô duyên, lạc lõng. Nói trướng rủ màn che, trướng phủ màn che hay màn che trướng rủ cũng là trong cái ý ấy cả. Vừa là một nhận xét, cũng vừa là một lời chê trách nhẹ nhàng, lặng lẽ.
Theo: KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ
HOÀNG VĂN HÀNH (chủ biên)
VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
VIỆN NGÔN NGỮ HỌC
NXB VĂN HÓA SÀI GÒN