Thứ hai, 09/12/2024 - 07:58

KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN O

Chuyện kể: Tương truyền Vi Cố, đời nhà Đường, bên Trung Quốc, một hôm gặp một bà già chột mắt ẵm đứa bé đi qua chợ. Một người không rõ ở đâu đến bảo: “Đứa bé sau này sẽ là vợ anh”.

Oan Thị Kính

Thiện Sỹ là chồng của Thị Kính. Một lần đọc sách mệt, chàng ngủ thiếp đi từ lúc nào. Thấy trên cằm chàng có sợi râu mọc ngược, nghĩ là điềm gở. Nhân lúc chồng đang ngủ, Thị Kính dùng dao cắt sợi râu đó đi. Giật mình thức giấc, chẳng hiểu thực hư ra sao, chàng lu loa rằng vợ dùng dao định giết mình. Thế là nàng mang tội tầy đình, bị chồng ruồng bỏ, xã hội lên án. Nỗi oan này, nàng không sao giãi bày được. Oan ức, đau khổ quá, nàng cắt tóc giả trai đi tu. Những tưởng nhờ nơi cửa Phật để cõi lòng được bằng an, và được yên phận với những tháng ngày còn lại, nhưng nào có được như thế. Với vai chú tiểu, Thị Kính đã làm say lòng Thị Mầu lẳng lơ. Bao lần tán tỉnh, nhưng Thị Mầu không sao làm siêu lòng “chú tiểu”. Bỗng nhiên, Thị Mầu bụng mang dạ chửa, vu vạ cho “chú tiểu” ăn nằm với chị. Một lần nữa, Thị Kính mang tội, bị đuổi ra khỏi chùa. Suốt mấy năm ròng, Thị Kính bồng bế đứa con Thị Mầu đi xin từng giọt sữa và chịu bao tai tiếng nhục nhã. Cho đến khi nàng chết, sự thật mới sáng rõ. Dẫu rằng, nàng được về cõi Niết bàn, nhưng nỗi oan của nàng là một cái gì đó quá nặng nề với người đời.

“Oan Thị Kính” là thành ngữ được dùng để so sánh với những nỗi oan khuất cùng cực mà không giãi bày được.

 

Ốc không nổi mình ốc lại mang cọc cho rêu

Câu thành ngữ ý nói về việc lo liệu cho mình chẳng xong lại còn ôm đồm, cáng đáng cho người khác.

Chuyện kể:

Một con cốc xuống ao mò cá bắt được con ốc. Ốc hổi cốc:

- Trời lạnh thế này mà anh cũng dám tắm à?

Cốc khoác loác rằng:

- Ta quản chi giá lạnh, mưa nắng, khi ta dẹp cánh lại thì ta lội khắp sông hồ. Khi ta giương cánh lên thì bay được mấy tầng cao.

Ốc nói:

- Nhà tôi ở dưới nước quen rồi. Còn anh, tôi chỉ lo anh xuống đây không khéo thì nó mọc rêu ra đầy đầu đấy.

Chuyện giữa ốc và cốc kéo dài làm cho cốc phải ở dưới nước lâu quá thành ra mỏi cánh. Cốc liền dọa ốc:

- Này ốc, mày phải cõng cái cọc dựng lên để cho ta đậu, không ta nuốt mày vào bụng.

Ốc chậm rãi van nài cốc rằng:

- Thân tôi đã thế này, anh thấy đấy, tôi mang nổi mình đã khổ lắm rồi. Vậy mà rêu còn bám đầy vào, bắt tôi phải cõng cả rêu. Bây giờ lại mang cả cọc và rêu cho ông đậu, tôi làm sao nổi. Thôi được, tôi cố mang cái cọc rêu này, ông cứ đậu vào cho đỡ mỏi cánh.

Nói rồi, con ốc cố gắng hết sức cõng cái cọc để cho cốc đậu, nhưng cọc rêu nặng quá, không chịu nổi, nó bèn ngậm miệng lại, rồi chìm xuống nước. Còn con cốc mỏi cánh phải bay lên bờ đậu. (1)

Chuyện hàm ý nhắc nhở người đời đừng làm gì vượt quá khả năng của mình. Bản thân ốc phải vác cái vỏ to hơn người nó nên đã vất vả khó nhọc lắm rồi thế mà còn phải đèo bòng thêm cái cọc rêu nữa, thử hỏi vác sao nổi. Câu thành ngữ này có ý chê bai những kẻ không hiểu được sức mình, không tự lo được cho mình lại còn ôm đồm, gánh vác cho người khác chỉ làm trò cười cho thiên hạ.

Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh,

NXB Thông tấn

(1) Dựa theo truyện Ốc và Cốc

Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc – NXB Văn học, 2003

 

Ông chẳng bà chuộc

Vợ chồng nhà chẫu chàng không có sự nhất trí trong việc cho anh nông dân nọ chuộc lại viên ngọc thần. Thành ra suốt ngày vợ chồng bọn họ cứ “to tiếng” với nhau. Vợ thì một mực “chuộc thì chuộc” (đồng ý cho chuộc), còn chồng thì dứt khoát “chẳng chuộc” (không cho chuộc). Tiếng kêu ra rả trái ngược nhau của hai loại chẫu chàng là tiền đề sáng tạo nên câu chuyện về sự bất hoà của vợ chồng chẫu chàng. Kèm theo câu chuyện dân gian này là sự ra đời của thành ngữ “ông chẳng bà chuộc”.

Thành ngữ “ông chẳng bà chuộc” biểu thị sự chủng chẳng không ăn khớp, không hợp nhau về ý nghĩa cũng như việc làm giữa người này và người khác.

Gần nghĩa với thành ngữ “ông chẳng bà chuộc”, trong tiếng Việt còn có thành ngữ “ông nói gà bà nói vịt”. Tuy nhiên thành ngữ này được sử dụng với phạm vi hẹp hơn. Thành ngữ “ông nói gà bà nói vịt” biểu thị sự không ăn khớp nhau, không hiểu nhau, mỗi người nói một nẻo. Sự không ăn khớp nhau ở đây chỉ dừng lại ở phạm vi nhận thức mà nguyên nhân của nó là do không hiểu ý nhau một cách vô ý thức. Ngược lại, ở thành ngữ “ông chẳng bà chuộc”, sự không ăn khớp nhau được thể hiện ở cả lời nói, ý nghĩ và cả ở việc làm. Sự không ăn khớp này là tất yếu và hoàn toàn có ý thức.

 

Ông Tơ bà Nguyệt

Thành ngữ chỉ những người mối lái trong việc dựng vợ gả chồng, xe duyên cho đôi lứa.

Chuyện kể:

Tương truyền Vi Cố, đời nhà Đường, bên Trung Quốc, một hôm gặp một bà già chột mắt ẵm đứa bé đi qua chợ. Một người không rõ ở đâu đến bảo: “Đứa bé sau này sẽ là vợ anh”.

Giận quá, Vi Cố cho đầy tớ đi giết đứa bé. Người đầy tớ lùng sục, rồi lén đâm đứa bé, sau đó bỏ trốn.

Mười bốn năm sau, Vi Cố lấy vợ. Vợ Vi Cố là Vương Thái, con quan Thái Sử Trương Châu. Cô gái có dung nhan đẹp, giữa lông mày có đính điểm một bông hoa vàng. Gạn hỏi vợ mới bảo:

- Thuở còn bé, một bà vú họ Trần bế vào chợ bị cuồng tặc đâm dao. Vi Cố bèn gạn hỏi:

- Người vú đó có phải bị chột một con mắt không?

Vợ Vi Cố trả lời:

- Đúng thế.

Chuyện cũ nhắc lại khiến Vi Cố ngày đêm lo nghĩ khôn nguôi.

Một đêm trăng sáng, Vi Cố mơ thấy có con hạc ở đâu bay đến, mời Vi Cố ngồi lên lưng rồi bay lên trời. Đến cung trăng, Vi Cố thấy một ông già quắc thước, râu trắng như cước và một bà lão ngồi trên hai bậc đá. Vi Cố đánh bạo hỏi ông cụ:

- Dám hỏi hai cụ làm gì ở đây và tên họ là gì?

Cụ già điềm tĩnh đáp:

- Ta là lão Tơ, còn kia là Nguyệt lão. Chúng ta chỉ có một việc là xe duyên.

Vi Cố lại hỏi tiếp:

- Hai cụ xe duyên thế nào?

Cụ già đáp:

- Cứ đợi đấy sẽ biết!

Một lúc sau, có đôi trai gái từ đâu tới. Lão Tơ lấy ra một sợi tơ hồng trong một cái giỏ buộc hai cổ chân của đôi nam nữ lại với nhau. Đoạn Nguyệt lão vẩy lên tóc của hai người một thứ nước tiên, rồi hai người ra đi. Cứ thế, chốc chốc lại có một đôi trai gái đến để được buộc tơ hồng vào cổ chân rồi lại được vẩy lên tóc một thứ nước thơm. Lúc vãn việc cụ già nói với Vi Cố:

- Họ đã thành vợ thành chồng rồi đấy.

Tỉnh giấc, nghĩ cái duyên của mình với người con gái ngày xưa mà mình cố ý lén cho người đâm chết, chính lại là vợ mình, mới cho rằng “tình duyên là do trời xe nên”. Đó cũng là nhân là nghĩa, những đôi trai gái mà Vi Cố đã gặp trên cung trăng cũng là duyên phận. Nghĩ mình, Vi Cố mới hết sức lập ra người mối lái, giống như ông Tơ, bà Nguyệt trên trời để se duyên kết chỉ cho các đôi trai gái, và cũng đặt tên cho người mối lái xe duyên là ông Tơ, bà Nguyệt. Ông Tơ, bà Nguyệt ở dưới trần gian do Vi Cố lập ra dùng chỉ hồng buộc cổ tay cho các đôi trai gái hoặc dùng cau trầu đặt lễ để bắt mối se duyên.

Vi Cố hết sức mãn nguyện và cảm ơn hạc trời đã000 đưa ông lên tận ông Tơ, bà Nguyệt để học cách xe duyên.

Trải qua nhiều đời, ông Tơ, bà Nguyệt hay còn gọi là ông mối, bà mối vẫn còn lưu truyền. (1)

Mối lái với nhân duyên là chuyện gắn bó với nhau. Nét văn hóa đẹp lưu giữ muôn đời và được thêu dệt từ những sợi tơ hồng và ánh trăng, với nước thơm. Đó là tình yêu lung linh bền chặt. Tuy nhiên trong thực tế, càng ngày trai gái càng có nhu cầu tự mình tìm và lựa chọn, quyết định người bạn đời của mình nên vai trò ông Tơ, bà Nguyệt ít được nói đến. Thậm chí, khi xe duyên, nếu không xuất phát từ tình yêu thì cũng thật trớ trêu.

Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh,

NXB Thông tấn

(1): Theo truyện “Nguyệt Lão” – “Điển tích Văn học” Mai Thục - Đỗ Đức Hiểu - NXB Văn học, 1997

 

Thái Hà đọc và tổng hợp theo: KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ

HOÀNG VĂN HÀNH (chủ biên)

VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

VIỆN NGÔN NGỮ HỌC

NXB VĂN HÓA SÀI GÒN


Tác giả: HOÀNG VĂN HÀNH (chủ biên)
Nguồn: KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ

Bài viết liên quan
Nội dung đang được cập nhật.
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Chẳng cầu trong những năm tháng đẹp nhất gặp được người tốt nhất, chỉ nguyện những năm còn sống được tương phùng, lựa chọn một tòa thành sống với nhau đến già. ...
Tiếng dương cầm vọng mãi
Tiếng dương cầm vọng mãi
Chẳng ngôn ngữ nào êm dịu và trầm lắng cho bằng ngôn ngữ của thi ca Chẳng âm điệu nào thiết tha cho bằng cung thanh trầm của khúc nhạc... Tôi có một tình yêu lớ...
Nắng ấm quê hương
Nắng ấm quê hương
Quê hương là gì hở cha?Ai đi xa cũng nhớ nhiều... Phải thừa nhận rằng từ trước giờ, con chưa bao giờ nghĩ đến khái niệm Quê hương. Và cũng chưa một lần, con tự ...
THÀNH NGỮ TRUNG HOA

THÀNH NGỮ TRUNG HOA

Ngọc bất trác, bất thành khí  Nhân bất học bất tri lý Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ Vô duyên ...
Status 129 trên Nhân Văn Blog

Status 129 trên Nhân Văn Blog

Âm nhạc luôn luôn là nguồn hạnh phúc cho tất cả mọi người sống trên trái đất. Không có âm nhạc thế ...
43 câu nói ý nghĩa

43 câu nói ý nghĩa

1. Bộc lộ sự nóng nảy ra ngoài, đó gọi là bản năng. Kìm nén sự nóng nảy vào bên trong, đó gọi là ...
Như một người cha

Như một người cha

Trong cuộc đời mỗi chúng ta, luôn có những người đã dạy ta một điều gì đó khiến cuộc đời ta thay ...
Người tuổi Dần

Người tuổi Dần

Trời sinh người tuổi Dần rất nhạy cảm, và có giác quan thứ sáu, có khả năng nhìn thấu nội tâm của ...

"Nhân sinh nhược chích như sơ kiến....
Nếu cuối cùng mọi thứ đều phải tan biến, chỉ xin được giữ lại ánh nhìn buổi ban sơ..."

Bụng chứa thi thư, 

phong thái tự đẹp!

Hữu xạ tự nhiên hương

Ngọc bất trác, bất thành khí 

Nhân bất học bất tri lý

Nhất tự thiên kim

Thiên ngôn vạn ngữ

Tri nhân tri diện bất tri tâm

Video clip