Thứ năm, 21/11/2024 - 17:01

KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN G

Chuyện kể: Từ Đức Ngôn yêu công chúa Nhạc Xương, em gái Trần Hậu Chủ. Gặp buổi nước Trần suy loạn, Từ Đức Ngôn nói với công chúa ...

Gan cóc tía

Câu thành ngữ chỉ sự gan góc, lì lợm, dám đương đầu với thế lực lớn hơn. Người nào không biết sợ hiểm nguy ta ví người đó có gan, gan như cóc tía.

Chuyện kể:

Có một con cóc tía bé nhỏ ở một vùng nọ, rất tức vì thấy cọp chuyên ỷ thế bắt nạt các con thú hiền lành. Một hôm gặp cọp, cóc tía nói:

- Con cọp kia, mày có biết tao là ai không? Tránh ra cho tao đi không tao xé xác bây giờ.

Cọp nhìn hình thù bé nhỏ, xấu xí của cóc tía bèn hỏi:

- Mày là ai mà dám hỗn xược với chúa sơn lâm ta thế hả.

Cóc tía nói:

- Mày không biết tao à? Tao là Cậu ông Trời đây. Đừng có lôi thôi. Cút đi!

Cọp tức quá, hét to:

- Đồ oắt con, mày hãy thi tài với ta, xem ai hơn nào.

Cọp đòi thi nhảy, cóc bảo:

- Được, tao chấp mày đứng trước, tau đứng sau, cả hai cùng nhảy.

Cọp đứng trước. Khi nhảy bao giờ cũng quật đuôi mấy cái để lấy đà. Cóc bèn ngậm chặt vào đuôi cọp, khi cọp quật đuôi, cóc văng xa. Cọp nhẩy đến đã thấy cóc ở phía trước, xa hơn mình thì phục và sợ lắm.

Nó bèn bỏ chạy, giữa đường gặp khỉ. Thấy cọp có vẻ sợ, khỉ bèn hỏi:

- Có việc gì mà ông chạy dữ vậy?

- Mày không biết ư? Ở đằng kia có con cóc xấu xí nhưng đáng sợ lắm, ta phải trốn nó đấy.

Khỉ nhăn răng cười bảo:

- Ôi thằng cóc tía thì có gì mà đáng sợ. Ông cứ đưa tôi đến gặp nó, tôi sẽ bóp nát nó cho ông xem.

Cọp buộc khỉ vào lưng rồi đến chỗ cóc. Thấy khỉ ngồi lên lưng cọp, cóc tía hét:

- À, thằng khỉ kia, mày làm gì mà chậm chạp thế. Mày bảo trả nợ tao hai con cọp, sao bây giờ mới dẫn có một con đến, làm sao tao ăn đủ no.

Cọp nhận thấy ở miệng cóc tía còn một dúm lông của mình, ngỡ là cóc vừa ăn thịt một con cọp khác thật, liền quay đầu chạy thục mạng. Khỉ va đầu vào cây chết từ lúc nào không hay. Khi dừng lại, cọp thấy khỉ nhe răng ra, nó tức quá quát:

- Đồ khỉ, mày lừa tao, còn nhăn răng ra mà cười hả. Rồi quăng khỉ đi thật xa và từ đó hễ gặp cóc tía đâu là cọp trốn biệt. (1)

Cóc tía trốn được cọp vì biết dùng trí lừa được cọp, để cho hả giận. Vậy là có kẻ thông minh như con khỉ, mạnh mẽ như con cọp lại thua trí một kẻ sức lực yếu và nhỏ. Vậy cái sự mưu trí mới đáng là kính nể.

Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn

(1)Theo “Truyện cổ nước Nam” Ôn Như Nguyễn Văn Học- NXB Văn học, 2003.

 

Già đòn non nhẽ

"Đòn" trong thành ngữ này ngụ ý là sự đánh đập là việc dùng vũ lực; còn nhẽ (lẽ) là lời lẽ, là dùng lời nói. Trong một số kết cấu đối xứng của thành ngữ tiếng Việt, ta thường gặp cặp từ trái nghĩa "già" - "non" đứng ở hai vế tạo nên thế đối lập cho cấu trúc thành ngữ.

Chẳng hạn "đoán già đoán non", "già trái non hột", "già nhân ngãi non vợ chồng",... trong "già đòn non nhẽ" thế đối lập, hình thành do tương quan bên nhiều bên ít giữa việc dùng vũ lực và dùng lời lẽ để làm một việc gì đó. Cách mà người đời đã làm là phải "già đòn" nghĩa là dùng vũ lực và "non nhẽ" thôi tức là nói năng khuyên giải chỉ vừa vừa. Cái chính là "đòn" nhiều vào. Ví dụ:

"Nó nói trắng trơn chà "già đòn non nhẽ" cứ tẩn tợn, giết tợn là xong mọi việc"

"Đừng có hòng dân thương. Còn lãnh việc quốc gia thì ngàn đời nó còn rủa. Bay muốn sống phải làm cho dân sợ, "già đòn, non nhẽ".

Thế nhưng, có lẽ đó là cách đối xử thích hợp với quyền lực, đã loại ra một bên phần nhận thức, phần trí tuệ của con người. Và trên thực tế đó cũng là phương pháp xử thế gạt bỏ vai trò giáo dục ra một bên. Chúng ta vẫn nghe dân gian hát "lời nói gói vàng" và theo nó là những câu thành ngữ như "lời vàng ngọc", "lời hay lẽ phải"... Sao lại không lựa lời mà nói, dùng lời lẽ mà thuyết phục con người, mà lại cứ một mức "già đòn", như thế! Có cố chấp hay không? Và, dường như có phần tàn nhẫn chăng?

 

Giàu làm kép hẹp làm đơn

Trong tiếng Việt, “kép” và “đơn là hai từ trái nghĩa, “kép” là “đôi, hai, cặp”, trái với “đơn” là “một”. Với các ý nghĩa đó, người Việt gọi cái áo có hai lần vải là áo kép, chiếc lá cây gồm hai lá chét gọi là lá kép, cửa sổ hai lớp gọi là cửa sổ kép, bị thiệt thòi nhiều bề gọi là thiệt đơn thiệt kép, mưa gió giãi giề gọi là gió kép mưa đơn, v.v. “Kép” và “đơn” trong câu tục ngữ “giàu làm kép, hẹp làm đơn” chính là nằm trong tương quan ngữ nghĩa ấy.

Trong văn chương Việt Nam, chúng ta thường biết đến nhiều câu đối rất hay của cụ Tam nguyên Yên Đổ, trong đó câu đối mà Nguyễn Khuyến cho người cô đầu ở Hà Nam để thờ mẹ cô, cũng vốn là cô đầu, nhân ngày giỗ:

“Giàu làm kép, hẹp làm đơn, tống táng cho yên hồn phách mẹ. Cá kể đầu, rau kể mớ, tình tang thêm tủi phận đàn con”.

Trong câu đối này, Nguyễn Khuyến đã hóm hỉnh mà lồng câu tục ngữ “giàu làm kép, hẹp làm đơn” vào để an ủi người cô đầu, làm mát dạ người “nơi chín suối”. Câu tục ngữ dùng trong vế đối này hàm chỉ mức độ to nhỏ của việc làm giỗ: nhà giàu có khả năng kinh tế thì làm cỗ to (kép), còn nhà nghèo, eo hẹp kinh tế thì làm cỗ nhỏ (đơn), tùy theo gia cảnh. Câu tục ngữ trên, ngẫm cho kĩ nhiều khi được hiểu với nghĩa rộng còn là cách thể hiện niềm tự hào kín đáo của một người biết lo liệu, thu xếp cho cuộc sống phù hợp hoàn cảnh riêng của mình:

“Giàu làm kép, hẹp làm đơn, cơ cực đường nào, liệu đắn đo là kẻ phải.

Đôi khi, trong sử dụng, câu tục ngữ này có dạng rút gọn là “giàu kép, hẹp đơn”. Về nghĩa, dạng đầy đủ và dạng rút gọn của câu tục ngữ đang xét không có gì khác biệt đáng kể.

 

Giàu vì bạn, sang vì vợ

Trong tiếng Việt, tồn tại cả hai dạng “giàu vì bạn, sang vì vợ” và “giàu đổi bạn, sang đổi vợ”. Nhiều người cho rằng đây là hai biến thể của một câu tục ngữ duy nhất. Theo huớng này, hoặc thừa nhận biến thể này là đúng và phủ nhận biến thể kia, hoặc ngược lại. Trong tiếng Việt, tồn tại cả hai dạng “giàu vì bạn, sang vì vợ” và “giàu đổi bạn, sang đổi vợ”. Nhiều người cho rằng đây là hai biến thể của một câu tục ngữ duy nhất. Theo huớng này, hoặc thừa nhận biến thể này là đúng và phủ nhận biến thể kia, hoặc ngược lại. Kì thực thì đây là hai câu tục ngữ riêng biệt, bởi vì hình thức và ý nghĩa của chúng có sự phân biệt rạch ròi.

Ở câu tục ngữ “giàu vì bạn, sang vì vợ”, ý nghĩa được toát là sự đúc kết một kinh nghiệm lâu đời về cách ứng xử của nguời con trai trước bạn bè và người vợ của mình. Bao giờ cũng vậy, hễ gặp bạn bè, dù nghèo khó thật, chàng vẫn tỏ ra giàu có và hào phóng. Còn đối với vợ, chàng tỏ ra mình là người sang trọng, có tài được nhiều người kính phục. Một số người có cách hiểu khác về câu tục ngữ này. Theo họ, câu tục ngữ này ý nói: nhờ có bạn bè và người vợ tốt mà chàng trai mới trở nên giàu sang. Do vậy, chàng trai cần phải quý trọng bạn bè và vợ con. Sự tồn tại cả hai cách hiểu phổ biến đối với câu tục ngữ này có thể tìm thấy cách giải thích, ở cách hiểu từ vì. Ở cách hiểu thứ nhất, vì được hiểu trong nghĩa mục đích; còn ở cách hiểu thứ hai, vì được hiểu theo nghĩa nguyên nhân.

Cũng là cách ứng xử với bạn bè và người vợ, nhưng ở câu tục ngữ “giàu đổi bạn, sang đổi vợ” mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. Câu tục ngữ này trước hết phê phán những kẻ hay thay lòng đổi dạ. Khi nghèo khó thì anh còn biết chơi với bạn nghèo. Khi giàu có, hắn ta sợ bạn nghèo làm phiền nên bỏ bạn cũ để tìm đến bọn giàu kết bạn mong được lợi lộc, chí ít thì cũng ''có đi có lại'' và được tiếng là sánh vai với các bậc đàn anh giàu có trong thiên hạ. Lại nữa, khi anh ta chưa có địa vị, người vợ của mình là tất cả. Nhưng trớ trêu thay, khi đạt được địa vị cao hơn, hắn ta nghĩ ngay tới một người vợ tương xứng hơn với mình. Sự phụ bạc đối với bạn bè, vợ con của bọn người sống bạc bẽo, hợm đời, trưởng giả này không phải là hiếm. Đây là sự đúc kết kinh nghiệm thực tế qua nhiều thế kỉ và đồng thời cũng là lời kết án đối với lối sống của những hạng người như vậy.

Rõ ràng là hai câu: “giàu vì bạn, sang vì vợ” và ''giàu đổi bạn, sang đổi vợ” là hai câu tục ngữ riêng biệt. Mỗi câu biểu thị một ý nghĩ riêng, đúc kết một chân lý riêng và bài học được rút ra qua đó cũng rất riêng.

 

Giật gấu vá vai

Giật gấu vá vai là chỉ việc làm ăn luẩn quẩn cò con, không tạo ra được sự thay đổi lớn, lâu dài mà chỉ có tính chắp vá nhất thời. Chuyện cái vai và cái gấu trên đây là hình ảnh của kẻ khó làm ăn tạm bợ, nhưng cũng có ý chỉ tình cảnh cần giúp đỡ nhau.

Lấy chỗ vải ở gấu áo đem vá vào chỗ ở vai áo bị rách.

Câu này hàm ý chỉ việc xoay xở, chạy vạy, lấy chỗ nọ bù đắp vào chỗ kia để khắc phục tình trạng thiếu thốn túng quẫn.

Còn có câu: Bốc tay sốt, để tay nguội; Vặt đầu cá vá đầu tôm.

Chuyện kể:

Người nọ có mỗi một chiếc áo. Mặc nhiều lâu ngày áo rách ở vai. Chỗ vai áo bị rách hở hoác không thể nào coi được. Thấy cái gấu áo lòng thòng, chẳng mấy tác dụng, cái vai áo bèn bảo cái gấu áo:

- Chị cho tôi mượn một miếng vải ở gấu của chị. Chị để đấy cũng chỉ phí hoài, chẳng làm gì!

Cái gấu áo bảo:

- Sinh ra cái áo thì phải có vai, có gấu. Lấy của tôi bù cho chị thì tôi xin của ai bù cho tôi đây.

Cái gấu mới thuyết phục:

- Chị xem, tôi với chị cùng mẹ đẻ ra, làm cái áo che cho người. Vai tôi bị rách hở hoác, chúng ta lại chẳng xấu hay sao! Hơn nữa, cái phần gấu của chị có mất đi một chút thì mấy ai để ý.

Cái gấu vốn rộng lòng thương người lại nghe cái vai thuyết phục thấy có lý, nghĩ lại thấy mình cũng chỉ là một phần của áo, thôi thì cứ cho cái vai một miếng, nào đã có sao, bèn nói:

- Chị cứ giật lấy một miếng của tôi mà để lên đó, ta đỡ đần nhau được chút nào hay chút ấy, miễn là vai áo chị đỡ hở ra, che kín được cho người là tốt rồi.

Cái vai áo nghe vậy bèn bảo người giật lấy một miếng ở gấu áo rồi vá vào chỗ rách ở vai. Cái vai áo được vá kín, hết hở thịt ra, còn cái gấu thì bị mất một vạt. Tuy vậy, cái áo không bị hở vai lộ liễu như trước nữa.

Người lúc ấy mới bảo:

- Thôi tạm như thế cũng được.

-------------------

Cả cái áo chỉ có ngần ấy vải, giật chỗ này vá vào chỗ khác bị rách thì tất yếu chỗ bị giật, bị xén bớt sẽ lại thiếu hụt. Đấy chỉ là biện pháp tạm bợ, để che giấu cái khiếm khuyết dễ bị lộ ra ngoài. Giật gấu vá vai là chỉ việc làm ăn luẩn quẩn cò con, không tạo ra được sự thay đổi lớn, lâu dài mà chỉ có tính chắp vá nhất thời. Chuyện cái vai và cái gấu trên đây là hình ảnh của kẻ khó làm ăn tạm bợ, nhưng cũng có ý chỉ tình cảnh cần giúp đỡ nhau.

(Theo “Đi tìm điển tích thành ngữ”. NXB Thông Tấn)

 

Giậu đổ bìm leo

Câu thành ngữ có ý muốn nói đến việc lợi dụng người ta gặp điều không hay hoặc khó khăn, hoạn nạn để lấn lướt, áp đảo.

Chuyện kể:

Hàng giậu không biết có từ bao giờ, cứ sừng sững đứng bao lấy khu vườn. Nó hãnh diện ca ngợi đôi tay khéo léo của người vì đã cắm chặt nó xuống đất, lại lấy lạt buộc chúng vào với nhau nên tin rằng chẳng bao giờ bị đổ.

Cạnh giậu có cây bìm bìm mấy lần cố ngóc cái đầu để rồi bám vào bờ giậu, hòng dựa vào đó mà leo cao một chút mong hưởng chút ít ánh nắng trời. Nhưng mỗi lần như thế, hàng giậu lại tỏ ra bực bội, không muốn cho bìm bìm phủ kín cả hàng giậu nhà mình. Vì vậy nó mách người, nó bảo:

- Bìm bìm nó sắp lấn át hàng giậu của chúng tôi. Nếu chúng tôi đổ thì chó gà vào phá hết rau.

Người nghe nó nói thế cho là phải mới phạt bìm bìm không leo lên hàng giậu nữa. Nhiều lần như thế, bìm bìm tức lắm.

Rồi thời vụ cũng qua đi, người ta thu hoạch hết rau trong vườn, không còn ngó ngàng gì đến hàng giậu. Hàng giậu đứng đấy chịu nắng khô nỏ, giờ lại bị nước mưa làm mục hết chân. Một đêm, mưa to gió lớn đùng đùng, hàng giậu bỗng xiêu vẹo. Nó nghiêng ngả xuống gần cây bìm bìm. Vụ khô hanh qua đi, giờ được nước, bìm bìm phởn phơ hẳn lên, nó thấy hàng giậu nghiêng xuống mới bám vào. Lúc đầu còn một vài dây, sau thì mấy dây khác cũng hùa nhau bám vào, làm cái giậu bị nặng quá nghiêng hẳn xuống. Cả họ nhà bìm bìm lúc đấy được đà mới nói với hàng giậu:

- Xưa giậu hắt hủi họ bìm bìm nhà ta, lúc ta cần thì chẳng cho nương tựa, giờ giậu nhà ngươi đổ kêu người nào có thấy ai. Không là hàng giậu ngăn chó, ngăn gà thì cứ để họ nhà ta leo lên, dẫu sao cũng còn có ích.

Cái sự tự nhiên là loại cây dây leo bao giờ cũng cần nương tựa vào tường, giậu hay cây khác để vươn ra ánh sáng để mà tồn tại. Cây bìm bìm là loại cây dây leo, sống dai và sức vươn mạnh mẽ. Cũng từ đặc tính này mà có câu chuyện trên, từ đó người ta liên tưởng vào cuộc sống, ám chỉ khi ai đó gặp khó khăn, hoạn nạn thì kẻ khác lợi dụng, lấn át nhằm hại thêm hoặc kiếm chác một chút gì đó. Quả thật là cuộc đời phù thịnh, ít phù suy.

Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn

 

Gửi trứng cho ác

Thành ngữ gửi trứng cho ác được hình thành theo một lôgich khá thú vị. Trong thành ngữ này, ác chính là quạ. Mà quạ thì ai cũng biết là một loài chim ăn thịt sống. Hễ ngửi thấy mùi xác chết ở đâu là kéo thành bầy tới kiếm chác, ăn lấy ăn để. Quạ lại còn lần mò ăn trộm trứng trong tổ chim khi chim mẹ rời tổ. Ấy thế mà “bố mẹ” chim nào đó cả tin lại đem gửi trứng cho quạ trông nom thì thật là dại dột. Mặt khác, ở thành ngữ này, từ trứng đáng chú ý, vì nó có giá trị biểu trưng sâu sắc. Đối với chim, trứng là ruột thịt, là giọt máu truyền đời. Do vậy, trứng cần phải được nâng niu giữ gìn như chính mạng sống của chim mẹ. Ngoài chim mẹ chẳng còn ai khác có thể giữ gìn nổi quả trứng “mang nặng đẻ đau” này. Thế mà, đem trứng, vật báu cần bảo vệ nâng niu kia để gửi cho quạ, một kẻ chuyên ăn trộm trứng và đang cần chiếm đoạt để làm thức ăn hơn ai hết thì thật là dại dột và nguy hiểm biết bao? !

Như vậy, về mặt ngữ nghĩa thành ngữ gửi trứng cho ác được xác lập theo một lôgich thuận chiều: đem một thứ quý, cần phải giữ gìn để gửi cho một kẻ xấu đang rình mò và muốn chiếm đoạt chính thứ ấy. Cái lôgich đó chúng ta cũng bắt gặp trong thành ngữ mang mỡ đặt trước miệng mèo. Dân gian thường mượn vật để nói người là như vậy đó.

Thành ngữ gửi trứng cho ác trở thành lời phê phán những việc làm ngốc nghếch, cả tin trao gửi cho kẻ xấu những thứ quý giá mà chính kẻ trông giữ kia đang khao khát và có khả năng đoạt lấy cho riêng mình.

Với ý nghĩa đó, thành ngữ gửi trứng cho ác đã cảnh tỉnh, nhắc nhở người đời đừng cả tin, phải biết phân biệt kẻ tốt người xấu trước khi gửi gắm điều gì, vật gì đó. Nên chọn bạn mà chơi, biết chọn mặt gửi vàng, chứ đừng gửi trứng cho ác!

 

Gương vỡ lại lành

Hàm ý chỉ sự chia lìa, tan vỡ, sau đó lại được hàn gắn, đoàn tụ. Câu này thường vận để nói đến tình duyên vợ chồng.

Chuyện kể:

Từ Đức Ngôn yêu công chúa Nhạc Xương, em gái Trần Hậu Chủ. Gặp buổi nước Trần suy loạn, Từ Đức Ngôn nói với công chúa nên có vật gì làm tin để sau này tìm được nhau, rồi lấy gương đập vỡ làm hai mảnh, mỗi người giữ một nửa, hẹn sang năm vào ngày rằm tháng giêng đem bán ở Kinh Đô. Nước Trần bị diệt, công chúa phải vào hầu hạ nhà Dương Tố. Đúng hẹn, Từ Đức Ngôn tìm vào chợ Kinh Đô, thấy một người hầu gái đem bán mảnh gương vỡ. Từ Đức Ngôn lấy nửa gương của mình ra khớp lại thì thấy vừa vặn, mới đề bài thơ gửi lại. Công chúa nhận được thơ khóc lóc thảm thiết. Dương Tố biết chuyện mới lấy làm mủi lòng, độ lượng, bèn mời Trần Đức Ngôn đến và giao trả công chúa, cho hai người đoàn tụ. Người đời từ đó có câu rằng “Gương vỡ lại lành” là chuyện của Từ Đức Ngôn và Nhạc Xương mà ra. (1)

Gương vỡ lại lành như chuyện trên thì không mấy khó, vì có người động lòng trắc ẩn mà đem nối lại tình duyên cho họ. Còn gương vỡ mà không lành thì nhiều. Điều đó khiến mọi người đáng suy nghĩ lắm:

Bây giờ gương vỡ lại lành

Khuôn thiêng lừa lọc đã đành có nơi (2)

Còn như kẻ mê tín thấy gương vỡ thì cho là điềm không lành. Điều đó nói lên không ai muốn cảnh gia đình ly tán, đổ vỡ, lục đục.

Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn

(1): Theo truyện “Gương vỡ lại lành” - “Điển hay tích lạ”, Nguyễn Tử Quang, NXB Trẻ, 2001.

(2): Theo Truyện Kiều.

 

Theo: KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ

HOÀNG VĂN HÀNH (chủ biên)

VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

VIỆN NGÔN NGỮ HỌC

NXB VĂN HÓA SÀI GÒN


Tác giả: HOÀNG VĂN HÀNH (chủ biên)
Nguồn: KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ

Bài viết liên quan
Nội dung đang được cập nhật.
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Chẳng cầu trong những năm tháng đẹp nhất gặp được người tốt nhất, chỉ nguyện những năm còn sống được tương phùng, lựa chọn một tòa thành sống với nhau đến già. ...
Tiếng dương cầm vọng mãi
Tiếng dương cầm vọng mãi
Chẳng ngôn ngữ nào êm dịu và trầm lắng cho bằng ngôn ngữ của thi ca Chẳng âm điệu nào thiết tha cho bằng cung thanh trầm của khúc nhạc... Tôi có một tình yêu lớ...
Nắng ấm quê hương
Nắng ấm quê hương
Quê hương là gì hở cha?Ai đi xa cũng nhớ nhiều... Phải thừa nhận rằng từ trước giờ, con chưa bao giờ nghĩ đến khái niệm Quê hương. Và cũng chưa một lần, con tự ...
THÀNH NGỮ TRUNG HOA

THÀNH NGỮ TRUNG HOA

Ngọc bất trác, bất thành khí  Nhân bất học bất tri lý Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ Vô duyên ...
Status 129 trên Nhân Văn Blog

Status 129 trên Nhân Văn Blog

Âm nhạc luôn luôn là nguồn hạnh phúc cho tất cả mọi người sống trên trái đất. Không có âm nhạc thế ...
43 câu nói ý nghĩa

43 câu nói ý nghĩa

1. Bộc lộ sự nóng nảy ra ngoài, đó gọi là bản năng. Kìm nén sự nóng nảy vào bên trong, đó gọi là ...
Như một người cha

Như một người cha

Trong cuộc đời mỗi chúng ta, luôn có những người đã dạy ta một điều gì đó khiến cuộc đời ta thay ...
Người tuổi Dần

Người tuổi Dần

Trời sinh người tuổi Dần rất nhạy cảm, và có giác quan thứ sáu, có khả năng nhìn thấu nội tâm của ...

"Nhân sinh nhược chích như sơ kiến....
Nếu cuối cùng mọi thứ đều phải tan biến, chỉ xin được giữ lại ánh nhìn buổi ban sơ..."

Bụng chứa thi thư, 

phong thái tự đẹp!

Hữu xạ tự nhiên hương

Ngọc bất trác, bất thành khí 

Nhân bất học bất tri lý

Nhất tự thiên kim

Thiên ngôn vạn ngữ

Tri nhân tri diện bất tri tâm

Video clip