Thứ ba, 23/04/2024 - 19:56

KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN H

Chuyện kể: Xưa có một con vẹt được người nuôi, dạy cho nói tiếng người. Con vẹt học được vài ba tiếng, suốt ngày ra rả, lặp đi lặp lại tiếng nói đã bắt chước được, làm huyên náo cả khu vườn...

Há miệng chờ sung

Tục ngữ đã dạy: “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”. Vậy mà cũng có kẻ chẳng muốn làm, chỉ chực chờ ăn. Hắn ta nổi tiếng lười biếng. Cái danh ''đại lãn'' quả là rất xứng đáng. Đại Lãn chờ sung há chẳng phải là một sự kiện nổi tiếng đó sao? Một ngày nọ, hắn đến bên một cây sung to. Chao ôi, bao nhiêu là quả chín! Lại nữa, thỉnh thoảng một quả rơi xuống bên gốc cây. Hắn nghĩ ngay ra một diệu kế. Cần phải nằm ngửa, há to miệng, thế nào cũng có quả rơi đúng miệng. Lúc đó, hắn sẽ nhai ngon lành, mà chẳng cần phải hoài công leo trèo, hái lượm gì… Nhiều quả sung lần lượt rơi chung quanh mình, nhưng chẳng có một quả nào rơi vào miệng hắn. Vừa đói, vừa mệt, hắn đành nuốt nước bọt thất vọng đứng dậy. Thành ngữ ''Há miệng chờ sung'' hay “Đại Lãn chờ sung'' chắc là xuất phát từ câu chuyện này.

Với thành ngữ ''Há miệng chờ sung'', nhân dân ta nhằm đả kích những kẻ lười biếng chực ăn sẵn bằng cầu may. Thí dụ: ''Và những kẻ nhụt chí sinh ra há miệng chờ sung, nằm trong buồng riêng quan Tàu chờ thời như Nguyễn Hải Thần” (Tô Hoài. “Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ”).

 

Há miệng mắc quai

Với thành ngữ này, nói chung, người ta chỉ còn “vướng”, không hiểu chữ quai có nghĩa gì? Trong cách giải nghĩa còn nhiều ý kiến khác nhau.

Nhiều người xem thành ngữ há miệng mắc quai vốn được bắt nguồn từ việc quan sát vật hoặc con vật xung quanh, sau đó mới dùng vật để ví với người. Theo hướng này, từ quai có hai cách lý giải khác nhau. Thứ nhất, quai được xem là các loại dây buộc ở miệng một số đồ dùng như giỏ, gùi... Vì sát cạnh miệng lại dây rợ lòng thòng nữa nên khi mở nắp, mở miệng các vật này thì để bị mắc quai. Sự lòng thòng của quai có thể có tính biểu trưng về bản thân sự khuyết điểm, sự mắc mớ, ràng buộc. Thứ hai, quai được xem là từ rút gọn của từ quai thiếc hay hàm thiếc ở miệng con ngựa. Mỗi khi ngựa định mở miệng thì bị quai thiếc ghì chặt thêm, siết lại mạnh hơn. Quả thật, cách hiểu như trên cũng có những cơ sở nhất định. Tuy nhiên, để thuyết phục hơn bắt buộc người giải thích phải có thêm cứ liệu và cách biện minh chắc chắn hơn nữa.

Một số người lại giải thích theo một hướng khác. Theo hướng này thì thành ngữ há miệng mắc quai gắn liền với việc ăn nói của con người. Miệng trong tiếng Việt được biểu trưng cho cả hoạt động nói năng và ăn uống nói chung. Còn quai là từ rút gọn của từ quai hàm, một loại xương gắn liền với hàm, điều khiển hoạt động ăn nói của con người. Việc ăn uống của con người ta được liên hệ chặt chẽ với nhau qua sự điều phối nhịp nhàng của quai hàm. Khi ăn, quai hoạt động theo cách riêng, ngược lại khi nói, quai cũng điều khiển và hoạt động theo cách riêng phù hợp với nói. Vậy, khi ăn mà nói là bị “trái giò” và đương nhiên là khó nói, là “mắc quai”. Đấy là chưa kể mắc cả miếng ăn ở trong miệng nữa! Chính nhờ cái lôgích này mà thành ngữ há miệng mắc quai thoạt tiên được hình thành, nghĩa của nó không chỉ gắn liền với cả việc ăn cụ thể đồ này thức kia mà còn là ăn hối lộ, ăn đút lót. Cái lôgích để hình thành ý nghĩa này là đã ăn (của người ta) thì không thể nói gì (về chuyện xấu của người ta) được nữa.

Từ ý nghĩ ban đầu này, dần dần thành ngữ há miệng mắc quai được mở rộng ra để chỉ những người do mắc khuyết điểm, hay hành động thái quá dẫn đến hậu quả không nói được người khác nữa, nói người là đụng chạm đến bản thân mình. Trong trường hợp này quai được hiểu theo nghĩa biểu trưng là “cái níu giữ, khiến không cho nói ra sự thật về ai đó”. Như vậy, dẫu có cái quai cụ thể hay cái quai vô hình thì nó đều có sức nặng và sức mạnh ghê gớm. Nó có thể trói buộc chân lý và lẽ công bằng ở đời, nó có thể làm người ta đánh mất mình. Ngày nay, khi mà bả vinh hao phú quý đang giăng bẫy khắp nơi, khi mà nạn ô dù và hối lộ đang còn trong xã hội, thì câu thành ngữ há miệng mắc quai âu cũng là một lời răn, lời cảnh tỉnh đối với mọi người.

 

Hàng tôm hàng cá

Do đâu thành ngữ có nghĩa như trên? Điều này, nguyên do là ở chỗ hàng tôm và hàng cá đích thực ở chợ. Vào những ngày tư, ngày rằm hay ngày tết, khi nhu cầu về thức ăn của người ta tăng lên thì hàng tôm, hàng cá (và cả hàng thịt nữa) thường đông khách, chủ yếu là các bà, các cô, kẻ mua nguời bán tấp nập, kẻ bớt một, người thêm hai, cứ là “ồn ào như vỡ chợ”. Rồi thì sự “mua tranh bán cướp" tất yếu xảy ra câu chuyện “hàng tôm” tranh khách của “hàng cá” còn “hàng cá” lại muốn cướp khách của “hàng tôm”. Và cuối cùng họ đôi co, cãi lộn, quen thói “tanh tưởi”, họ trút tất cả ra ở chợ! Hàng tôm hàng cá là như vậy. Hoá ra là, quy luật cạnh tranh của thị trường đời nào cũng có! Thành ngữ hàng tôm hàng cá chỉ sự đanh đá, cãi vã, lắm điều trong cách xử sự nhỏ nhen thô lậu, thường là của đàn bà con gái khi tranh chấp một quyền lợi gì đó. Từ nét nghĩa cơ bản trên, ý nghĩa thành ngữ được mở rộng: “nó còn chỉ một lối chơi" không đẹp, một cách xử sự nhỏ nhen trong quan hệ giữa người với người trong cuộc sống.

Đôi khi thành ngữ hàng tôm hàng cá được dùng để chỉ một lối mua bán theo kiểu chợ búa của hàng tôm hàng cá.

Trong tiếng Việt còn có hai thành ngữ khá Ií thú, gần nghĩa với hàng tôm hàng cá là hàng thịt nguýt hàng cá và trâu buộc ghét trâu ăn.

Song, hai thành ngữ hàng thịt nguýt hàng cá và trâu buộc ghét trâu ăn chỉ mang nét nghĩa “ghen ăn tức ở” chứ không có nét nghĩa biểu thị sự cãi lộn, đanh đá, lắm điều hay đối xử thô lậu, nhỏ nhen. Xem ra hai thành ngữ sau có sắc thái mát mẻ hơn hàng tôm hàng cá.

 

Hằng hà sa số

Câu thành ngữ nói đến sự nhiều được ví như cát sông Hằng Hà. Nhiều vô kể không đếm xuể.

Chuyện kể:

Có ba chú tiểu một hôm rảnh rỗi việc chùa, ngồi chơi ở bờ sông mới đố nhau.

Chú tiểu nhỏ đố trước:

- Trên đời này trừ sao trời ra thì cái gì là nhiều nhất?

Chú tiểu nhỡ mới đáp:

- Cây rừng là nhiều nhất.

- Không phải, không phải! – Chú tiểu nhớn lên tiếng – Cây sao nhiều bằng lá. Mỗi cây bao nhiêu lá, đệ biết không?

Thấy chú tiểu lớn lý lẽ vậy, chú tiểu nhỡ đành chịu. Chú tiểu nhỏ bèn cự lại:

- Chưa nhiều, chưa nhiều. Mưa mới là nhiều nhất. Huynh có đếm được hạt mưa không?

Lúc ấy, sư cụ đi qua, thấy ba chú tiểu tranh cãi, cũng góp vào câu chuyện:

- Ba con nói đều có lý cả. Cây rừng, lá rừng, hạt mưa đều là những thứ không đếm được. Nhưng theo ta những thứ đó chưa phải là nhiều mà thuyết pháp mói nhiều kia.

Chú tiểu lớn hỏi lại sư cụ:

- Thế nhiều là bao nhiêu, thưa thầy.

- Không thể đếm được. Kinh kinh, quyển quyển. Thuyết pháp là lẽ đời, mà lẽ đời thì ai đếm được. Nhiều, nhiều lắm! Nhiều như cát sông Hằng, Các con thấy không, ngôi chùa ta ngự trên núi, nhìn xuống sông Hằng bao la, chảy qua biết bao vùng rộng lớn, hai bờ có biết bao nhiêu là cát. Các con có đếm được cát sông Hằng không?. Vậy thuyết pháp cũng nhiều như cất sông Hằng đấy các con ạ!

Cả ba chú tiểu nghe sư cụ giảng như thế thì nhìn xuống dòng sông Hằng mênh mông rồi cùng ồ lên một tiếng: Quả là Hằng hà sa số!

Cái sự nhiều vô tận không đo đếm được ở đời có nhiều, nhưng cái mà dân gian ví thường không phải là sao, là mưa, là lá… mà là cát sông Hằng. Đó là vật cụ thể, có địa chỉ cụ thể, nhưng số lượng thì vô kể. Sự cụ nói thuyết pháp nhiều nhưng vẫn phải ví với cát sông Hằng để khẳng định sự nhiều. Chắc hẳn từ một câu chuyện nào đó tương tự như câu chuyện trên mà nên thành ngữ này.

Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn

 

Học vẹt

Thành ngữ chỉ: Học ra rả, học thuộc làu làu nhưng không hiểu cái gì. Còn có câu: Học như vẹt Học như cuốc kêu.

Chuyện kể:

Xưa có một con vẹt được người nuôi, dạy cho nói tiếng người. Con vẹt học được vài ba tiếng, suốt ngày ra rả, lặp đi lặp lại tiếng nói đã bắt chước được, làm huyên náo cả khu vườn.

Con vẹt tỏ vẻ hãnh diện với các loài chim, nó mới lên giọng:

- Từ nay, ta toàn nói bằng tiếng người, chẳng đả động đến tiếng chim nữa.

Loài chim thấy chú vẹt hợm hĩnh mới họp nhau lại bàn cách dạy cho con vẹt một bài học.

Con quạ nói:

- Vẹt học lỏm được tiếng người, nhưng lại tỏ ra thông thái, quên cả ngôn ngữ, âm thanh của loài chim, như thế nó rất ngu!

Con sáo hưởng ứng lời của quạ, nó mới nhảy lên cành cây cao gần nơi chú vẹt ở, nói to lên rằng:

- Chú vẹt à, bác đây cũng giỏi tiếng người, bác sẽ bày thêm cho chú học thật giỏi để nói chuyện thông thạo được với người.

Vẹt vui mừng ra mặt. Sáo bèn dạy:

- Vẹt là tên ngu. Vẹt ngu, vẹt ngu!

Vẹt lặp lại tiếng sáo:

- Vẹt là tên ngu. Vẹt ngu, vẹt ngu!

Vẹt cứ bắt chước lời dạy của sáo, mà lặp lại cho đến thuộc. Cả bầy chim trong vườn được một trận cười thỏa thích.

Quả là học vẹt thì chẳng hiểu sâu xa cái gì. Thế gian cũng lắm kẻ học vẹt, cố tình bắt chước người khác mà lại tỏ ra hãnh diện hợm đời, thì cũng đáng thương như con vẹt kia tự chửi mình mà thôi.

Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn

 

Hồn xiêu phách lạc

Hồn và phách (cũng gọi là vía) theo quan niệm dân gian, là phần tinh thần, phần linh hồn của con người ta đối với thể xác. Hồn và phách luôn tồn tại cùng thể xác khi người ta còn sống. Khi người ta chết thì hồn bay lên không, phách nặng, phụ thuộc vào phần hình của con người, thì tiêu xuống cõi âm.

Với ý nghĩa như vậy, hồn và phách luôn là một nửa của sinh mạng con người. Trong tiếng Việt thành ngữ hồn xiêu phách lạc biểu thị cái ý “mất hết tinh thần và sinh lực do sự sợ hãi”.

Thành ngữ đang xét có rất nhiều biến thể: hồn xiêu phách rụng, hồn kinh phách lạc, hồn kinh phách rời, hồn rơi phách lạc, hồn tan phách rời, hồn bay phách rụng.

Trong thơ văn, các biến thể trên thường được dùng ở dạng đảo lại trật tự kiểu như hồn lạc phách xiêu, phách lạc hồn kinh, lạc phách xiêu hồn.

Ngoài các biến thể trên, thành ngữ hồn xiêu phách lạc còn có hai thành ngữ đồng nghĩa là kinh hồn bạt vía và hồn vía lên mây.

 

Hồng nhan bạc mệnh

Từ Truyện Kiều, người đời vận vào cuộc sống, cảm thương xót xa cho số phận của người con gái xinh đẹp nhưng chịu nhiều cay đắng, tủi cực hoặc cuộc đời ngắn ngủi.

Hồng nhan: Nhan sắc đẹp.

Bạc mệnh: Số mệnh bạc bẽo, rủi ro.

Nghĩa bóng: Thân phận người đàn bà đẹp thường gặp nghịch cảnh, gian truân.

Câu gần nghĩa: Phận má đào; Má đào phận bạc.

Chuyện kể:

Nàng Kiều, nhân vật trong Truyện Kiều của Nguyễn Du là điển hình cho chuyện hồng nhan bạc phận. Vào triều Minh, có gia đình họ Vương sinh ra ba người con, người chị cả là Thuý Kiều đẹp cả người cả nết, tài sắc “Nghiêng nước, nghiêng thành” để cho “Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”. Người thứ hai là Thúy Vân và người em trai út là Vương Quan. Nàng Kiều hồng nhan nhưng phận thì bạc. Nàng phải bán mình chuộc cha, rơi vào tay Mã Giám Sinh, bị Tú Bà bắt làm gái lầu xanh, bị Sở Khanh lừa lọc, gặp Từ Hải người anh hùng tưởng cứu được nàng khỏi phận bạc, nhưng chàng trận mạc đã chết. Mười lăm năm lưu lạc, nhớ nhà, nhớ quê, thân như cánh hoa bị vùi dập, nhan sắc phôi pha. Nàng tủi nhục gieo mình xuống sông Tiền Đường tự vẫn. Từ thân phận nàng Kiều, dân gian mới có câu: “Hồng nhan bạc mệnh” là vậy.

-----------------

Từ Truyện Kiều, người đời vận vào cuộc sống, cảm thương xót xa cho số phận của người con gái xinh đẹp nhưng chịu nhiều cay đắng, tủi cực hoặc cuộc đời ngắn ngủi.

Sinh rằng: Thật có như lời

Hồng nhan bạc mệnh một người nào vay.

(Theo “Đi tìm điển tích thành ngữ”. NXB Thông Tấn)

 

Theo: KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ

HOÀNG VĂN HÀNH (chủ biên)

VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

VIỆN NGÔN NGỮ HỌC

NXB VĂN HÓA SÀI GÒN


Tác giả: HOÀNG VĂN HÀNH (chủ biên)
Nguồn: KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ

Bài viết liên quan
KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN G

KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN G

Chuyện kể: Từ Đức Ngôn yêu công chúa Nhạc Xương, em gái Trần Hậu Chủ. Gặp buổi nước Trần suy loạn, Từ Đức Ngôn nói với công chúa ...
KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN Đ

KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN Đ

Có một lần Tào Tháo đem quân đi chinh phạt nhà Thục. Quân Thục chống trả quyết liệt và cố thủ vững chắc. Cuộc chiến kéo dài, quân Tào mệt mỏi, tiến thoái lưỡng nan...
KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN D

KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN D

Chuyện kể: Xưa có anh học trò rất dốt, nhưng ở đời “Xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ”. Có người tưởng anh hay chữ thật, đón về nhà dạy trẻ...
KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN B

KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN B

Chuyện kể rằng: Ngày xưa, thời Xuân Thu Chiến Quốc, dưới trướng của Sở Công Vương có hai người bắn súng lừng danh thiên hạ. Một người tên là Phan Đáng, còn người kia tên là Dưỡng Do Cơ...
KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN A

KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN A

Theo sách Phật, đời nhà Đường vào thế kỷ thứ VII có ngài Tuệ Viễn quê ở Lư Sơn. Tuệ Viễn thông tuệ kinh pháp nhưng cũng là người thông kinh sử và phụng thờ đức phật...
KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN C

KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN C

Chuyện kể: Đời xưa, chuột vốn là giống linh thiêng ở trời, trời giao cho chìa khóa giữ kho lúa. Lợi dụng quyền hành, chuột thường đến kho, mở khóa rả rích ăn bao nhiêu là thóc, trấu còn lại vương ...
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Chẳng cầu trong những năm tháng đẹp nhất gặp được người tốt nhất, chỉ nguyện những năm còn sống được tương phùng, lựa chọn một tòa thành sống với nhau đến già. ...
Tiếng dương cầm vọng mãi
Tiếng dương cầm vọng mãi
Chẳng ngôn ngữ nào êm dịu và trầm lắng cho bằng ngôn ngữ của thi ca Chẳng âm điệu nào thiết tha cho bằng cung thanh trầm của khúc nhạc... Tôi có một tình yêu lớ...
Nắng ấm quê hương
Nắng ấm quê hương
Quê hương là gì hở cha?Ai đi xa cũng nhớ nhiều... Phải thừa nhận rằng từ trước giờ, con chưa bao giờ nghĩ đến khái niệm Quê hương. Và cũng chưa một lần, con tự ...
THÀNH NGỮ TRUNG HOA

THÀNH NGỮ TRUNG HOA

Ngọc bất trác, bất thành khí  Nhân bất học bất tri lý Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ Vô duyên ...
Status 129 trên Nhân Văn Blog

Status 129 trên Nhân Văn Blog

Âm nhạc luôn luôn là nguồn hạnh phúc cho tất cả mọi người sống trên trái đất. Không có âm nhạc thế ...
43 câu nói ý nghĩa

43 câu nói ý nghĩa

1. Bộc lộ sự nóng nảy ra ngoài, đó gọi là bản năng. Kìm nén sự nóng nảy vào bên trong, đó gọi là ...
Như một người cha

Như một người cha

Trong cuộc đời mỗi chúng ta, luôn có những người đã dạy ta một điều gì đó khiến cuộc đời ta thay ...
Người tuổi Dần

Người tuổi Dần

Trời sinh người tuổi Dần rất nhạy cảm, và có giác quan thứ sáu, có khả năng nhìn thấu nội tâm của ...

"Nhân sinh nhược chích như sơ kiến....
Nếu cuối cùng mọi thứ đều phải tan biến, chỉ xin được giữ lại ánh nhìn buổi ban sơ..."

Bụng chứa thi thư, 

phong thái tự đẹp!

Hữu xạ tự nhiên hương

Ngọc bất trác, bất thành khí 

Nhân bất học bất tri lý

Nhất tự thiên kim

Thiên ngôn vạn ngữ

Tri nhân tri diện bất tri tâm

Video clip