Thứ tư, 09/10/2024 - 07:00

KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ VẦN R

Chuyện kể: Xưa, con tôm nghe con cá chép có tài, bèn đến làm bạn. Kỳ ấy, Thủy thần mở khoa thi, tôm cũng theo cá chép tấp tểnh đi thi. Tôm biết mình tài mọn nên mưu gian với cá giúp sức. Cá bảo tôm...

Rau muống tháng 9 nhịn cho mẹ chồng

Thấp thoáng trong câu tục ngữ rau muống tháng chín nhịn cho mẹ chồng là hình ảnh một nàng dâu hiền thảo, biết nhường nhịn, chăm sóc mẹ chồng, một từ nhịn hẳn cũng nói lên được điều đó. Lại nữa, nhường nhịn rau muống tháng chín lại càng rõ, vì rằng độ tháng chín rau muống đã hết vụ nên hiếm hoi. Ở đây, chúng ta gặp một cô con dâu tốt bụng và một bà mẹ chồng hạnh phúc. Nhưng trớ trêu thay, điều đó lại là một nghịch lý. Những gì tưởng như được nói ra một cách hiển minh, lại được tiềm ẩn những ngụ ý sâu sắc với một cách hiểu trái ngược đầy vẻ mỉa mai. Vẫn là rau muống tháng chín nhưng đâu phải hiểu như trên. Đành rằng, tháng chín rau muống hiếm hoi hơn, nhưng đó chỉ là thứ rau trái vụ, chát đắng và dai nhách. Vẫn là nhịn nhưng đâu phải là sự nhường nhịn chia sẻ mà là sự chịu đựng, thà không ăn, nhịn đói nhịn khát còn hơn.

Hóa ra là nàng dâu trong rau muống tháng chín nhịn cho mẹ chồng là một người con bất hiếu, dồn những gì khó nuốt, nuốt không trôi cho mẹ chồng. Câu tục ngữ phản ánh sự đối xử không tốt, thậm chí nhẫn tâm của nàng dâu đối với mẹ chồng. Quan hệ giữa nàng dâu và mẹ chồng xưa nay thường được nhìn nhận như vậy, thành ra, trong lời ăn tiếng nói của nhân dân ta mới có câu thành ngữ có tính "tổng kết" là như nàng dâu với mẹ chồng. Dĩ nhiên, đây là cách đánh giá cũ, nặng thành kiến từ xa xưa để lại ngày nay. Người phụ nữ biết rõ mối quan hệ cùng giới tính, mối quan hệ "nội bộ", và chính họ, cũng nhận thức rõ, ai chẳng qua một thời trẻ trung, ai chẳng là nàng dâu, ai chẳng về buổi xế chiều, mấy ai chẳng phải là mẹ chồng, để rồi họ thông cảm cho nhau hơn, thương yêu nhau hơn.

Trong sử dụng ngôn ngữ, tục ngữ này có thể được dùng với dạng đầy đủ rau muống tháng chín nhịn cho mẹ chồng. Về ý nghĩa, câu tục ngữ này có thể được dùng vượt ra ngoài phạm vi chỉ mối quan hệ giữa nàng dâu và mẹ chồng. Trên thực tế, nó được dùng để phủ nhận, bác bỏ sự chăm sóc giữa các đối tượng khác nhau trong những mối quan hệ khác nhau.

 

Rồng đến nhà tôm

Rồng là con vật huyền thoại được dân gian tôn thờ, từ cá chép hóa thành. Trước kia, rồng cùng sinh sống dưới nước với tôm. Hàm ý: Người cao quý đến thăm kẻ thấp hèn. Lời nói nhún nhường của chủ nhà với khách. Còn có câu: Sàn hoang được thấy rồng lượn.

Chuyện kể:

Xưa, con tôm nghe con cá chép có tài, bèn đến làm bạn. Kỳ ấy, Thủy thần mở khoa thi, tôm cũng theo cá chép tấp tểnh đi thi. Tôm biết mình tài mọn nên mưu gian với cá giúp sức. Cá bảo tôm:

- Được rồi, hễ khi nào tôi nhảy lên thì anh ngậm chặt lấy đuôi tôi là tự khắc anh cũng nhảy lên được.

Lúc thi, tôm làm theo lời cá chép dặn. Nhưng chẳng may, Thủy thần xét ra, biết là gian xảo, đạp tôm một cái ngã từ trên xuống, còng cả lưng lại. Chỉ có một mình cá chép là thi đỗ và được liệt vào hàng hóa rồng.

Tôm đành phận trở về chốn cũ. Ngày qua tháng lại, cá đã hóa rồng nhưng vẫn nhớ tình cũ nghĩa xưa. Một hôm, nó hạ cố xuống nhà tôm chơi.

Được rồng đến chơi nhà, tôm lấy làm vinh hạnh lắm, bèn bày tiệc rượu chè vui thú. Hứng lên, tôm ngâm một bài thơ rằng:

Rồng một bến mà tôm một bến

Đã từ lâu tôm thấy rồng đến

Mừng vui khôn kể bạn đến nhà

Trước sau gì ta vẫn là ta.

Tôm thú vị về bài thơ, ngâm đi ngâm lại rồi bắt rồng họa lại. Rồng từ tốn nói rằng lâu nay bận làm mưa, làm gió nên ít có điều kiện thăm nhau mà cũng chẳng nghiền văn chương mấy. Rồi rồng cũng đồng ý:

- Thôi thì bác đã bảo, tôi nào dám chối từ, xin đọc để bác nghe, đừng chê rồng này là được - Rồi rồng đọc:

Rồng ở trời cao, tôm ở bến

Vì tình nghĩa cũ rồng vẫn đến

Danh danh lợi lợi chuyện bán mua

Gắn bó rồng tôm giữ tình xưa.

Tôm sướng lắm cứ vểnh râu lên. Lúc này, rồng mới cáo từ. Tôm tiếc cuộc hàn huyên mới tíu tít lên rằng:

- Xin bác hãy lưu lại. Mấy khi rồng đến nhà tôm. Mấy khi tôm được gặp rồng.

Rồng làm đến địa vị cao sang như vậy vẫn khiêm tốn nghĩ đến tình xưa, tìm thăm bạn cũ. Tôm được bạn cũ đến thăm thì vui vẻ không tỏ ra mặc cảm, tự ti. Ấy là lối ứng xử văn hóa mang đậm tình người. Tuy vậy, vẫn có kẻ lên đến địa vị cao sang rồi thì quên bạn cũ, ngại tiếp xúc với bạn cũ, còn kẻ hèn kém thì tự ti. Điều đó thật trái với đạo lý.

Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn

 

Ruột để ngoài da

Câu thành ngữ chỉ người vô tâm vô tính, bộp chộp, không giấu ai điều gì.

Chuyện kể:

Thuở ấy, ở Thiên đình, các quả đào cứ đến độ chín đều được biến thành cô tiên bay ra nô đùa thỏa thích trong vườn.

Một hôm Thái thượng Lão quân trông coi vườn đào gặp một cô tiên tay xách làn xinh xắn, bay lả lướt trong vườn mà thấy lòng mình rạo rực, bèn lại gần bắt chuyện. Vì say đắm cảnh sắc lại thêm những lời tình tứ nên cả hai quên hết những điều luật Thiên đình. Thái thượng Lão quân thì kể cho nàng tiên nghe bao chuyện về Pháp đình, còn nàng tiên thì cũng chẳng giấu giếm gì những điều ong bướm trong vườn đào.

Họ cứ thế đùa chơi, lả lơi nồng thắm, cho đến khi hoàng hôn buông xuống mới sực nhớ ra. Thái thượng Lão quân thì vội lui về dinh thự của mình, còn nàng tiên thì chỉ trong chốc lát nhập vào quả đào thắm.

Nhớ buổi hàn huyên hôm qua, nên sớm hôm sau, nàng tiên lại từ quả đào bay ra. Lòng dạ xốn xang nên nàng tiên không sao giấu kín được nỗi niềm bèn tụ tập các nàng tiên lại rồi thao thao kể về chuyện pháp đình đến chuyện ong bướm mà hai người đã kể cho nhau nghe suốt một buổi.

Một miệng đâu đã kín, thế mà ở vườn hôm đó có chín mười miệng, nên chuyện ấy lan đi nhanh chóng. Ngọc Hoàng hay tin, cho rằng Thái thượng Lão quân để lộ thiên cơ chỉ vì ong bướm lả lơi, nên ra lệnh truất chức vụ trông coi vườn đào của Lão quân, cho đi coi chuồng ngựa. Còn nàng tiên nọ chuyện cứ oang oang, gặp đâu nói đấy nên Ngọc Hoàng phán rằng:

- Ngươi không giữ khuôn phép nhà trời, ruột để ngoài ra, thiếu chín chắn. Từ nay ngươi không được làm quả đào trong vườn nhà trời nữa. Cho ngươi xuống hạ giới nhập vào thứ cây quả hợp với lòng dạ của ngươi.

Nói đoạn, cây đào và quả đào nọ tự nhiên biến mất. Sau này, ở hạ giới, thấy xuất hiện một cây có trái, nhưng hột lại bám ở phía ngoài. Đồn rằng đó là cây đào nọ mà Ngọc Hoàng bắt phạt xuống trần gian. Người ta bảo hột nó để ngoài da, mới đặt tên cho nó là cây đào lộn hột. Ngày nay, nhiều vùng gọi nó là cây điều.

Đặc điểm của quả đào lộn hột là hột nằm bên ngoài, lộ ra. Có thể vì thế mà dân gian liên tưởng ví hột như ruột vậy.

Truyện trên kể về cô tiên lữ từ quả đào mà ra, nhưng chính là nói người. Phần nhiều “ruột để ngoài ra” thường được gán cho người phụ nữ, nên có câu:

Đàn ông nông nổi giếng khơi

Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu.

Ở đây có cái đáng chê và cái đáng khen. Cái chê là vạch áo cho người xem lưng, nói toạc móng heo ra, cái khen là người bộc tuệch, thực bụng, có sao nói hết.

Theo Đi tìm điển tích thành ngữ của Tiêu Hà Minh - NXB Thông tấn

 

Rước voi giày mả tổ

Trong tâm thức của người Việt Nam, mồ mả tổ tiên là một chứng tích thiêng liêng mà con cháu có nghĩa vụ phải giữ gìn bảo vệ. Vì thế, kẻ nào động chạm đến mồ mả tổ tiên thì là kẻ đã gây ra một sự xúc phạm không thể tha thứ. Nếu kẻ xúc phạm ấy lại chính là con cháu thì đó là kẻ bất nghĩa là kẻ phản bội tổ tiên, nòi giống. Cho nên “rước voi giày mả tổ” là hành vi biểu trưng cho sự phản bội Tổ quốc, phản bội đồng bào ruột thịt của mình.

Cùng nghĩa với rước voi giày mả tổ trong tiếng Việt còn có thành ngữ cõng rắn cắn gà nhà. Song nghĩa của thành ngữ này có phần không mạnh mẽ và sâu sắc bằng thành ngữ “rước voi giày mả tổ”.

 

Theo: KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ

HOÀNG VĂN HÀNH (chủ biên)

VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

VIỆN NGÔN NGỮ HỌC

NXB VĂN HÓA SÀI GÒN


Tác giả: HOÀNG VĂN HÀNH (chủ biên)
Nguồn: KỂ CHUYỆN THÀNH NGỮ TỤC NGỮ

Bài viết liên quan
Nội dung đang được cập nhật.
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Chẳng cầu trong những năm tháng đẹp nhất gặp được người tốt nhất, chỉ nguyện những năm còn sống được tương phùng, lựa chọn một tòa thành sống với nhau đến già. ...
Tiếng dương cầm vọng mãi
Tiếng dương cầm vọng mãi
Chẳng ngôn ngữ nào êm dịu và trầm lắng cho bằng ngôn ngữ của thi ca Chẳng âm điệu nào thiết tha cho bằng cung thanh trầm của khúc nhạc... Tôi có một tình yêu lớ...
Nắng ấm quê hương
Nắng ấm quê hương
Quê hương là gì hở cha?Ai đi xa cũng nhớ nhiều... Phải thừa nhận rằng từ trước giờ, con chưa bao giờ nghĩ đến khái niệm Quê hương. Và cũng chưa một lần, con tự ...
THÀNH NGỮ TRUNG HOA

THÀNH NGỮ TRUNG HOA

Ngọc bất trác, bất thành khí  Nhân bất học bất tri lý Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ Vô duyên ...
Status 129 trên Nhân Văn Blog

Status 129 trên Nhân Văn Blog

Âm nhạc luôn luôn là nguồn hạnh phúc cho tất cả mọi người sống trên trái đất. Không có âm nhạc thế ...
43 câu nói ý nghĩa

43 câu nói ý nghĩa

1. Bộc lộ sự nóng nảy ra ngoài, đó gọi là bản năng. Kìm nén sự nóng nảy vào bên trong, đó gọi là ...
Như một người cha

Như một người cha

Trong cuộc đời mỗi chúng ta, luôn có những người đã dạy ta một điều gì đó khiến cuộc đời ta thay ...
Người tuổi Dần

Người tuổi Dần

Trời sinh người tuổi Dần rất nhạy cảm, và có giác quan thứ sáu, có khả năng nhìn thấu nội tâm của ...

"Nhân sinh nhược chích như sơ kiến....
Nếu cuối cùng mọi thứ đều phải tan biến, chỉ xin được giữ lại ánh nhìn buổi ban sơ..."

Bụng chứa thi thư, 

phong thái tự đẹp!

Hữu xạ tự nhiên hương

Ngọc bất trác, bất thành khí 

Nhân bất học bất tri lý

Nhất tự thiên kim

Thiên ngôn vạn ngữ

Tri nhân tri diện bất tri tâm

Video clip