Thứ năm, 21/11/2024 - 16:37

"Người anh hùng" Tôn Ngộ Không

Tây du kí trước hết là một tác phẩm phản kháng mạnh mẽ hiện thực đen tối. Diện phản kháng của tác phẩm rất rộng. Đó là tất cả những gì bất công ngang trái, hủ bại và tàn bạo ở trên trời, dưới đất và giữa trần gian. Là người xuất thân từ một gia đình tiểu thương, cù...

 

        Tây du kí trước hết là một tác phẩm phản kháng mạnh mẽ hiện thực đen tối. Diện phản kháng của tác phẩm rất rộng. Đó là tất cả những gì bất công ngang trái, hủ bại và tàn bạo ở trên trời, dưới đất và giữa trần gian. Là người xuất thân từ một gia đình tiểu thương, cùng chung cảnh ngộ bị áp bức bóc lột như bao người dân nghèo khác trong xã hội phong kiến, cho nên tuy mang nặng ý thức phong kiến, nhưng vết rạn nứt giữa Ngô Thừa Ân với giai cấp thống trị khá sâu sắc. Vốn tính bướng bỉnh, Ngô Thừa Ân luôn khao khát một cuộc sống tự do, tỏ rõ sự căm thù chế độ chuyên chế của chính quyền phong kiến, xem đó là nguyên nhân của sự đói khổ, nghèo nàn. Nhà văn muốn trở thành người hiệp sĩ để dẹp sạch nỗi bất bình trong xã hội, nhưng vì không đủ sức nên đã gửi gắm tất cả hi vọng, nhiệt tình của mình vào hành động phản kháng của nhân vật Tôn Ngộ Không trong Tây du kí. Sự xuất hiện của người anh hùng thần thoại Tôn Ngộ Không là sự thể hiện nguyện vọng, mong muốn của nhà văn cũng như của quảng đại quần chúng nhân dân. Tôn Ngộ Không là hình ảnh mẫu mực, đẹp đẽ của người anh hùng trong xã hội phong kiến với những hành động dũng cảm, phi thường trong cuộc đấu tranh chống lại những thế lực tàn bạo, độc ác để bảo vệ cuộc sống của những người nghèo khổ. Việc "đại náo thiên cung", diệt trừ yêu ma quỉ quái, thể hiện tinh thần phản kháng kiên quyết, tài năng trí tuệ của Tôn Ngộ Không - người anh hùng lí tưởng của nhân dân lao động trong cuộc đấu tranh chống áp bức.

         Với đôi mắt có hào quang sáng chói, Tôn Ngộ Không đã báo hiệu một điều gì không hay cho cái trật tự của thế giới thần tiên.

         Qua chuyện "đại náo thiên cung" của Tôn Ngộ Không, người đọc không những thấy rõ ước mơ, lí tưởng của nhân dân muốn thoát khỏi sự ràng buộc đối với thế lực phong kiến mà còn hiểu rõ bản chất của giai cấp thống trị trong xã hội phong kiến.

         Sau khi Đông Hải Long Vương Ngao Quảng dâng biểu, Ngọc Hoàng Thượng Đế đành gọi Ngộ Không lên trời giao cho chức “Bật Mã Ôn” (quan giữ ngựa). Khi đến ngoài điện Linh Tiêu, Ngộ Không không chờ truyền chiếu, đi thẳng vào trước ngự tọa, với thái độ tự đắc của kẻ chiến thắng. Trước Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thái Bạch Kim Tinh cũng phải cúi đầu lạy tạ, Tôn Ngộ Không vẫn đứng thẳng người. Khi Thượng Đế phán hỏi:

“- Đứa nào là yêu tiên?

Ngộ Không cúi mình trả lời:

- Lão Tôn đây!

Câu trả lời ngang tàng của Ngộ Không khiến các tiên chầu sợ hãi thất sắc nói:

- Loài khỉ kia, sao không phục lạy yết kiến lại dám ứng đối vô lễ. ‘Lão Tôn đây!’  tội đáng chết! đáng chết!”

         Có thể xem thái độ ngạo mạn của Tôn Ngộ Không đối với Ngọc Hoàng Thượng Đế là thể hiện thái độ miệt thị của nhân dân lao động đối với chế độ đẳng cấp và bọn quyền quí, thể hiện nguyện vọng yêu cầu bình đẳng của nhân dân. Ngọc Hoàng Thượng Đế giao cho Ngộ Không chức Bật Mã Ôn khác nào chính quyền chính thống trong xã hội hiện thực không chịu dùng những người ngoài dòng họ.

         Ngọc Hoàng truyền chỉ sang tận Tây phương cầu Đức Phật Tổ Như Lai đến cứu giá. Dưới đây là câu chuyện giữa Như Lai và Đại Thánh:

         "…Các tướng lui ra, Đại Thánh cũng thu phép lại, hiện nguyên hình đến mặt Phật Tổ, vẻ giận dữ to tiếng hỏi:

         - Người là thiện sĩ ở đâu, dám đến đây ngăn trở việc cản binh đạo, lại còn hỏi ta?

         Phật Tổ cười nói:

         - Ta đây là Tây Phương Cực lạc thế giới, Thích Ca Mâu Ni tôn giả Nam Vô a Di Đà Phật. Nay nghe thấy nhà ngươi hung tợn rông càn thôn dã, luôn luôn làm loạn cả Thiên đình, không biết ngươi sinh trưởng ở nơi nào, tu đắc đạo từ bao giờ mà dám làm điều ngang ngược như vậy?

         Đại Thánh nói:

         Ta vốn là:

         Trời đất sinh thành hỗn hợp tiên,

         Vượn già trong núi Quả Hoa Sơn

         Thủy Liêm động đó là cơ nghiệp

         Học bạn tìm thầy thấu lẽ huyền

         Luyện được trường sinh nhiều phép thuật,

         Học tài biến hóa rộng vô biên

Chỉ hiềm hạ giới còn eo hẹp

Lập chí lên trời chiếm Cửu thiên

Bảo điện lẽ đâu trời ở mãi,

Nhân gian vua chúa vẫn chia truyền.

Người tài làm chủ nhường ta chứ?

Thế mới anh hùng dám đứng lên.

Phật tổ nghe, cười nhạt nói:

- Nhà ngươi là loài khỉ kết thành tinh, sao dám dụng tâm cướp ngôi của Thượng Đế… Nhà ngươi từ một kiếp súc sinh mới được làm người, sao dám nói khoác lác như thế?... Mau mau qui y đi, đừng có nói bậy bạ, e rằng gặp phải tay thâm độc, tính mạng khoảnh khắc tan tành thì đáng tiếc cho đời ngươi lắm!

Đại Thánh nói:

 - Thượng Đế tuy tu từ thuở nhỏ, nhưng không nên chiếm lâu chốn Thiên đình. Người ta thường nói: Làm vua phải luân chuyển, sang năm đến nhà ta, bây giờ chỉ bảo cho y (Ngọc Hoàng Thượng Đế) cuốn gói đi, đem Thiên cung nhường lại cho lão. Bằng không nhường thì lão sẽ quấy rối mãi, không bao giờ thanh bình được."

         Một lần nữa chứng tỏ Tôn Ngộ Không không chỉ phá rối Long cung, Diêm cung, đại náo Thiên cung, cũng không muốn dừng lại ở mức “Tề Thiên”, mà còn muốn thay cả Ngọc Hoàng Thượng Đế! Có thể xem đó là đỉnh cao của sự phản kháng của Tôn. Dĩ nhiên điều đó rất phù hợp thực tế của các cuộc khởi nghĩa nông dân không bao giờ giẫm chân tại chỗ. Ban đầu là sự phục thù cá nhân, về sau những cá nhân đó tập hợp lại công khai tuyên chiến với thế lực thống trị. Cuộc khởi nghĩa của một trăm linh tám anh hùng ở Lương Sơn Bạc là bằng chứng cụ thể. Khi mới bước chân ra đi, Tống Giang, Lâm Xung, Dương Chí, Lư Tuấn Nghĩa… có ai tự nguyện đứng trên hàng ngũ của nghĩa quân nông dân, công khai chống lại triều đình? Thật ra, họ là những người “Vô gia khả qui hữu quốc nan đầu” (không có nhà để về, có tổ quốc nhưng không chốn nương thân), gặp nhiều nỗi bất bình trong cuộc sống riêng tư, đành khoác đao lên Lương Sơn Bạc làm nghề “lạc thảo”. Tinh thần phản kháng của Tôn Ngộ Không không phát triển theo chiều hướng đó.

 

         Tuy không miêu tả cụ thể bộ mặt xã hội phong kiến, nhưng qua một số quốc gia mà thầy trò Đường Tăng đã qua, chúng ta cũng phần nào hiểu được bộ mặt của các triều đại phong kiến - đó là triều đại của những "quan văn bất tài, quan võ không giỏi, của những ông vua hôn mê vô đạo...".

         Nhân vật phản nghịch trong “Đại náo thiên cung” đã giương cao lá cờ “Tề Thiên đại thánh” và nêu lên khẩu hiệu “Thay nhau làm vua, sang năm đến lượt ta”; mười vạn thiên binh thiên tướng thua chạy tơi bời, nền thống trị của thiên cung lung lay muốn đổ, đến nỗi Ngọc Hoàng thượng đế không thể không cầu viện bên ngoài; những tình tiết hư cấu và ảo tưởng đó đều dựa trên cơ sở những cuộc khởi nghĩa nông dân, chiến tranh nông dân trong hiện thực. Nếu trong lịch sử không nhiều lần xảy ra những cuộc khởi nghĩa nông dân, chiến tranh nông dân với qui mô to lớn tiến công mạnh mẽ vào các vương triều phong kiến, thì không thể tưởng tượng ra cái tình tiết “đại náo thiên cung” táo bạo như vậy được, và cũng không thể xây dựng nên hình tượng một nhân vật phản nghịch là Tôn Ngộ Không rực rỡ huy hoàng như vậy được.

         Những yêu ma trên đường sang Tây thiên là đối tượng đấu tranh trực tiếp của Tôn Ngộ Không. Hình tượng của chúng phần nhiều do sự ảo hóa những sức mạnh thiên nhiên mà ra. Trong truyền thuyết, người ta ảo hóa muôn vàn trở ngại gặp trên đường đi lấy kinh thành yêu quái. Trong sa mạc có cơn lốc thì tưởng tượng thành Hoàng Phong quái; thấy cảnh ảo giác thì tưởng tượng thành Hoàng Mi đại vương trong chùa Lôi Âm giả; rắn độc cũng đều được hóa thành yêu tinh cả. Những yêu ma đó đứng về phía đối lập trong đấu tranh, là kẻ tử thù một mất một còn của bốn thầy trò đi lấy kinh. Chúng là đại biểu của thế lực gian ác, bản thân chúng có ý nghĩa xã hội. Khi miêu tả chúng, tác giả thường phản ánh một số đặc điểm nào đó của giai cấp thống trị phong kiến. Lại còn có những yêu quái chuyên môn mê hoặc vua chúa ở cõi nhân gian, làm cho triều chính rối loạn. Rõ ràng đó là hóa thân của lũ quần thần gian nịnh trong cuộc sống hiện thực. Chuyện sang Tây thiên lấy kinh gồm bốn mươi mốt chuyện nhỏ, mỗi chuyện nhiều nhất chỉ chiếm bốn hồi, cho nên không thể miêu tả tính cách của từng yêu tinh xuất hiện trong đó, phần nhiều tác giả dùng bút pháp biếm họa, rất chú ý miêu tả chúng dùng các thứ bảo bối, nghĩ ra đủ các loại quỉ kế. Về mặt này, tác giả đã tha hồ phát huy sức tưởng tượng của mình, viết rất hấp dẫn sinh động, độc đáo bất ngờ. Lũ yêu quái đều rất tin vào sức mạnh bảo bối của chúng, nhưng Tôn Ngộ Không cuối cùng thường có thể làm cho chúng mất hết tác dụng. Chúng rất tài ngụy trang, khi thì biến thành trẻ nhỏ, khi thì biến thành phụ nữ, khêu gợi lòng yêu thương của người ta, rồi thừa lúc sơ hở, đột ngột tấn công. Có loài lại giả chùa Lôi Âm, giả danh nhà Phật, trang điểm thành “hương hoa diễm lệ mà đứng đắn nghiêm trang” hòng đánh lộn sòng, dụ người vào bẫy. Những đoạn miêu tả đó rất ý nghĩa đối với người đọc trong việc phân biệt cái giả, cái thật.

         Tiêu diệt yêu ma quỉ quái trên đường sang Tây Trúc là hành động cụ thể của Tôn Ngộ Không nhằm cứu nhân dân khỏi tai nạn, bởi đó là những thế lực thiên nhiên đã được nhân cách hoá. Không những đánh bại chúng, Tôn còn tìm mọi cách vạch trần sự cấu kết giữa thượng đế với yêu ma để làm hại cuộc sống con người. Hành động ngang tàng của Tôn Ngộ Không là hành động của người anh hùng không bao giờ chịu khuất phục trước bất kì một thế lực tàn bạo nào. Qua các chi tiết cụ thể và sinh động, tác giả đã nêu bật những phẩm chất đáng quí ở người anh hùng thần thoại này - đó là tinh thần phản kháng kiên quyết, dũng cảm, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.

         Con đường sang Tây Trúc lấy kinh thật là gian nan vất vả, bốn thầy trò Đường Tăng phải vượt qua 81 nạn yêu ma. Mỗi lần đó là một lần thể hiện tài năng trí tuệ của người anh hùng thần thoại Tôn Ngộ Không. Độc giả làm sao quên được chuyện Tôn Ngộ Không cắt tóc vua, quan ở nước Diệt pháp cứu thầy trò Đường Tăng, chuyện Tôn cầu mưa ở quận Phượng Tiên v.v... Mỗi việc làm của mình, Tôn đều có cân nhắc, suy nghĩ trước sau. Chính vì vậy mà suốt dọc đường đi với bao trở ngại, khó khăn, nhưng Tôn Ngộ Không vẫn luôn luôn là người chiến thắng.

         Việc đi thỉnh kinh phần nào tượng trưng cho ý chí của nhân dân, mong thoát khỏi hiện thực đen tối, nhưng vấn đề trung tâm của sự kiện này là nhằm miêu tả những hành động dũng cảm, kiên cường của thầy trò Đường Tăng vượt qua tám mươi mốt tai nạn đạt mục đích cuối cùng. Đề cao tinh thần nỗ lực lớn lao, ý chí tiến thủ không ngừng của thầy trò Đường Tăng có ý nghĩa hơn bản thân việc đi lấy kinh. Những yêu ma quỉ quái trên đường đi là những chướng ngại vật của thầy trò Đường Tăng, đồng thời cũng là tai nạn cho nhân dân. Ví dụ Linh Cảm đại vương ở Thông Thiên Hà là một con yêu chuyên ăn thịt trai gái đương tơ, hoặc Tôn đạo sĩ được vua ban phong Quốc trượng Tì Kheo định giết một nghìn một trăm mười một em bé để lấy một nghìn một trăm mười bộ tim gan nấu làm thang… Tôn Ngộ Không ra công tiêu diệt những loại yêu ma quỉ quái này cũng là hành động cụ thể nhằm cứu nhân dân khỏi tai nạn.

         Nền nghệ thuật chân chính nói chung bao giờ cũng ít nhiều có phóng đại và một nhà nghệ sĩ lớn bao giờ cũng sáng tác cho nhân dân theo tinh thần thế giới quan và thị hiếu thẩm mĩ của nhân dân.

         Hình ảnh của Tôn Ngộ Không là hình ảnh của người anh hùng thượng võ, người anh hùng biết kết hợp giữa mưu trí và sức lực trong mỗi hành động, việc làm. Đó là hình tượng của một nhân vật phản nghịch triệt để, to gan lớn mật, dám khiêu chiến với cả kẻ thống trị tối cao trên thiên cung. Rõ ràng, về khách quan, hình tượng đó đã phản ánh tư tưởng phản kháng và tinh thần cách mạng của nhân dân.

 
 
 
Link trên báo:

http://ngoisao.net/tin-tuc/phong-cach/choi-blog/nguoi-anh-hung-ton-ngo-khong-2612514.html

http://vietbao.vn/Van-hoa/Nguoi-anh-hung-Ton-Ngo-Khong/50911246/105/

 

***Trích dẫn từ Khóa luận tốt nghiệp Cử nhân Văn học năm 2010: 

“HÌNH TƯỢNG TÔN NGỘ KHÔNG TRONG TÂY DU KÍ CỦA NGÔ THỪA ÂN”

Giảng viên hướng dẫn: ThS. Nguyễn Thanh Diên

Sinh viên thực hiện     : Đỗ Thái Hà

Trường: Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội


Tác giả: © dothaiha - nhanvanblog.com

Bài viết liên quan
Nội dung đang được cập nhật.
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của tôi
Chẳng cầu trong những năm tháng đẹp nhất gặp được người tốt nhất, chỉ nguyện những năm còn sống được tương phùng, lựa chọn một tòa thành sống với nhau đến già. ...
Tiếng dương cầm vọng mãi
Tiếng dương cầm vọng mãi
Chẳng ngôn ngữ nào êm dịu và trầm lắng cho bằng ngôn ngữ của thi ca Chẳng âm điệu nào thiết tha cho bằng cung thanh trầm của khúc nhạc... Tôi có một tình yêu lớ...
Nắng ấm quê hương
Nắng ấm quê hương
Quê hương là gì hở cha?Ai đi xa cũng nhớ nhiều... Phải thừa nhận rằng từ trước giờ, con chưa bao giờ nghĩ đến khái niệm Quê hương. Và cũng chưa một lần, con tự ...
THÀNH NGỮ TRUNG HOA

THÀNH NGỮ TRUNG HOA

Ngọc bất trác, bất thành khí  Nhân bất học bất tri lý Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ Vô duyên ...
Status 129 trên Nhân Văn Blog

Status 129 trên Nhân Văn Blog

Âm nhạc luôn luôn là nguồn hạnh phúc cho tất cả mọi người sống trên trái đất. Không có âm nhạc thế ...
43 câu nói ý nghĩa

43 câu nói ý nghĩa

1. Bộc lộ sự nóng nảy ra ngoài, đó gọi là bản năng. Kìm nén sự nóng nảy vào bên trong, đó gọi là ...
Như một người cha

Như một người cha

Trong cuộc đời mỗi chúng ta, luôn có những người đã dạy ta một điều gì đó khiến cuộc đời ta thay ...
Người tuổi Dần

Người tuổi Dần

Trời sinh người tuổi Dần rất nhạy cảm, và có giác quan thứ sáu, có khả năng nhìn thấu nội tâm của ...

"Nhân sinh nhược chích như sơ kiến....
Nếu cuối cùng mọi thứ đều phải tan biến, chỉ xin được giữ lại ánh nhìn buổi ban sơ..."

Bụng chứa thi thư, 

phong thái tự đẹp!

Hữu xạ tự nhiên hương

Ngọc bất trác, bất thành khí 

Nhân bất học bất tri lý

Nhất tự thiên kim

Thiên ngôn vạn ngữ

Tri nhân tri diện bất tri tâm

Video clip