Vì nghe thấy gió mát mời gọi, hay vì nhìn thấy mây trắng vẫy tay, mà tôi đã gặp gỡ hồ Thanh Hải như thế. Lúc này, không chỉ là rung động sững sờ, mà hơn nữa còn là cảm giác quen thuộc đến điếng lòng. Đắm chìm trong màu xanh thăm thẳm, hun hút, thực sự cảm nhận được vẻ đẹp của nhân sinh, sự quyến rũ của tự nhiên.
Hồ Thanh Hải nằm trong lòng bồn địa Thanh Hải, phía đông bắc tỉnh Thanh Hải, hình thành do sự đứt gãy địa tầng giữa núi Đại Thông, núi Nhật Nguyệt và phía nam núi Thanh Hải. Diện tích hồ vào khoảng 29661 kilômét vuông, hồ nằm ở độ cao 3196 mét cách mặt nước biển, là hồ nước mặn lớn nhất đại lục Trung Quốc.
Hồ Thanh Hải sâu thẳm mà tinh khiết, nó cam tâm tình nguyện rũ bỏ phồn hoa, âm thầm gìn giữ vùng đất xa xôi này. Tránh xa huyên náo ồn ào, không phải để ẩn đi vẻ đẹp của mình, cũng không phải sợ thế nhân quấy nhiễu, mà chỉ là yên tĩnh ở trên cao nguyên, lấy núi tuyết làm khung cốt, mượn trời xanh làm xiêm y, giữ lại cho thiên nhiên mái nhà nguyên thủy và thuần túy nhất.
Năm xưa, khi Văn Thành công chúa xa xôi ngàn dặm đến Tây Tạng, lúc tới núi Nhật Nguyệt, quay đầu chẳng nhìn thấy Trường An, nhìn sang phía Tây bốn bề hoang vu lạnh lẽo. Những giọt nước mắt nhớ quê nhà của nàng, rơi xuống lòng sông, mà điểm cuối của dòng sông ấy, chảy thẳng vào lòng hồ Thanh Hải. Đến đây cùng với một truyền thuyết đẹp, trong trái tim tôi chất chứa thêm một nỗi xúc động dịu dàng, rất muốn biết, nàng công chúa Đại Đường bị gả chồng đến nơi tha hương ấy, đi qua mây nước ngàn năm, nàng có hạnh phúc không?
Bước giữa làn sóng như lụa gấm sắc vàng của hoa cải dầu, hương thơm lãng đãng vương vấn khắp trời. Những cơn gió mát đã dùng bút mực linh hoạt, phác nên một bức tranh hoành tráng giữa non nước tú lệ của hồ Thanh Hải. Hân hoan dạo bước trong khung cảnh ấy, tắm dưới cơn mưa cánh hoa màu vàng rực, và thả hồn bồng bềnh giữa vạn khoảnh sóng nước hồ xanh. Bầu trời xanh thăm thẳm ấy, khiến người ta nguyện đem trái tim nhuốm đầy phong trần của mình dìm sâu trong đó, rồi lại với lên, để nó trong vắt vô trần.
Đến hồ Thanh Hải, cái bạn theo đuổi tìm kiếm không phải là tình thơ ý họa, mà là những phong tục tập quán hết sức chất phác hồn nhiên. Những người mục dân hồn hậu đuổi bầy dê bầy cừu, những bóng dáng trôi dạt như mây, nhởn nhơ giữa thảo nguyên mênh mông vời vợi. Lều trướng chi chít như bàn cờ là mái nhà che mưa che gió cho người dân du mục. Khi nhìn núi tuyết, từ lâu nó đã biến giấc mơ tươi đẹp trở thành băng giá. Bầu trời như sa xuống sát mặt đất, dường như chỉ cần tùy ý giơ tay, là có thể nắm giữ được mảnh gấm lụa xanh biếc ấy.
Đây là quê hương của tâm linh, xuyên qua hành lang của thành phố, đi qua non nước xa vời, là để kiếm tìm sự thanh tịnh của hồ nước. Ngay đến hơn mười loài chim quý như ngỗng đầu sọc, chim mòng biển, mòng biển đầu nâu, cốc đế… cũng tụ lại thành đàn, làm tổ trên đảo chim. Chúng tuân theo quy luật của tự nhiên, di trú từ phương Nam sang phương Bắc, nhưng vẫn không quên an cư lạc nghiệp ở hồ Thanh Hải, đời đời nối tiếp. Hễ nhìn mặt hồ mênh mông như vô tận, núi tuyết trắng xóa soi bóng, ngắm bầy cá tung tăng bơi lội, muôn chim tung cánh vút bay, mặc cho ngày tháng trôi qua, vùng tịnh thổ này mãi mãi thuộc về chúng ta. Nơi đây cất giữ những giấc mơ và những giấc mơ ấy lại truyền hạnh phúc đến cho từng người đi đường ngang qua.
Bất cứ ai đặt chân lên mảnh đất hồ Thanh Hải này đều đã coi nơi đây là nhà của mình. Thong thả cưỡi ngựa, cưỡi bò Yak, chầm chậm dạo chơi trên thảo nguyên thênh thang, thả trôi những suy nghĩ thanh tịnh. Nghe nói, ngựa sinh ra ở vùng hồ Thanh Hải đã sớm nổi tiếng từ thời Xuân Thu Chiến Quốc, còn có tên là “Tần mã” (ngựa Tần). Thời Tùy Đường, nơi đây còn sản sinh ra rất nhiều loài ngựa quý. Chúng được Bá Nhạc là người có con mắt tinh đời tuyển chọn, đưa đi, từ đó về sau, rong ruổi biên cương, vạn dặm tung vó, ngạo nghễ nhìn gió mây. Những chú ngựa dạo chơi trên thảo nguyên ngày nay đã bớt tính nóng nảy của ngày trước, lại thêm phần thuần hóa và hiền lành. Chúng hứng chí dạt dào, dừng vó chậm bước, im lặng ngắm vẻ đẹp thâm trầm của hồ Thanh Hải, lắng nghe tiếng vọng của thời gian.
Bước vào lều vải của mục dân, cảm nhận nhân tình tập tục của vùng đất này. Người dân nhiệt tình mang trà sữa, phô mai, rượu đại mạch ra mời du khách nếm thử. Từng đôi mắt trìu mến, thuần khiết dường như thấu hiểu tâm ý của bạn. Ở nơi này, bạn sẽ quên mất mình là khách qua đường, mà chỉ chìm đắm trong sự ấm áp chân thực, cùng chia sớt niềm vui với mục dân. Và một câu chuyện đã vô tình được ấp ủ trong thời gian chung sống, rồi lại bị tuế nguyệt cất giấu trong cuốn sách giản dị của hồ Thanh Hải, để cho bạn lật giở đọc một cách bình thản.
Người ta đã lấy hồ Thanh Hải sóng biếc vô tận, hàng đàn chim mòng biển tung cánh làm trung tâm. Phong cảnh tráng lệ, hào hùng ấy đã mang đến cho thảo nguyên vốn chỉ dành chăn thả gia súc này một phong thái quyến rũ khác biệt.
Dừng bước chân tìm kiếm, đau đáu ngắm nhìn mặt hồ nước dưới trời xanh vực tuyết. Hồ Thanh Hải, ngươi trong vắt như thế, lại giàu có biết bao. Hành lý giản đơn trên vai này, làm sao để nhét vừa được ngươi trong đó? Có lẽ, chỉ có một trái tim trong sáng, khoáng đạt vô cùng mới có thể cất giấu và chứa đựng được ngươi.
Vậy thì, hãy cất đi sự thuần tịnh xanh biêng biếc này của hồ, cất đi sự hạnh phúc chất phác này của cao nguyên. Để nhiều năm về sau, ta mãi mãi không thể nào quên được vẻ đẹp của hồ Thanh Hải.