Phiến phàm vô cấp độ Hoa Phong
(Lá buồm không vội vượt qua vùng Hoa Phong)
Triệu bích đan nhai xuất thủy trung
(Vách đá đứng, sườn núi đỏ, giữa nước trỗi dựng lên)
Thủy thế mỗi tùy sơn diện chuyển
(Thế nước tùy chỗ theo núi mà biến chuyển)
Sơn hình tà kháo thủy môn thông
(Hình núi nghiêng mình, nép tựa cửa lạch, để nước thông qua)
Ngư long tạp xứ thư yên bạc
(Cá rồng lẫn lộn, tăm khuất dưới từng hơi nước mỏng mùa thu)
Âu lộ tề phi nhật chiếu hồng
(Âu cò cùng bay trong ánh đỏ mặt trời chiều)
Ngọc động vân phòng tam bách lục
(Cõi tiên có ba trăm sáu động ngọc và phòng mây)
Bất tri thùy thị Thủy tinh cung
(Đây không biết chốn nào là cung Thủy tinh).
Quảng Ninh là tỉnh có nhiều di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh đặc sắc. Đây là nơi “Trời bày, đất đặt một kì quan” (Thiên khôi địa thiết phó kì quan) như Nguyễn Trãi đã miêu tả.
Vịnh Hạ Long - kì quan thiên nhiên mới của thế giới trước đó đã hai lần đăng quang là di sản thiên nhiên thế giới về cảnh quan kì thú và về sự độc đáo của địa hình – địa mạo. Giờ đây Hạ Long vẫn đang làm ngỡ ngàng du khách cùng các nhà khoa học về sinh thái và về các giá trị văn hóa, lịch sử…
Vịnh Hạ Long nằm ở phía đông bắc Việt Nam, cách thủ đô Hà Nội 165 km. Vịnh Hạ Long là phần sát bờ phía tây của Vịnh Bắc bộ, là biển của thành phố Hạ Long và Cẩm Phả, một phần huyện Vân Đồn và huyện Cô Tô thuộc tỉnh Quảng Ninh. Vịnh Hạ Long gồm 1.969 đảo, trong đó gần 900 đảo có tên.
Tên Hạ Long có nghĩa là “Rồng xuống”. Từ thế kỉ XIX trở về trước, cái tên Hạ long chưa thấy được ghi chép trong các thư tịch. Vùng biển này thường có tên gọi là biển Giao Châu, Lục Châu, Lục Thủy, Lục Hải, Hải Đông, An Bang, An Quảng, Hoa Phong, Nghiêu Phong v.v… Người dân Hạ Long kể lại rằng: “Ngày xưa, khi vừa mới lập nước, trong một lần nước Việt Nam bị giặc ngoại xâm, Trời sai một đàn rồng xuống giúp người Việt đánh giặc. Thuyền giặc từ biển cả ào ạt tấn công vào bờ thì cũng là lúc đàn rồng xuống đến hạ giới. Đàn rồng lập tức phun ra vô số châu ngọc. Những châu ngọc ấy thoắt biến thành muôn đảo đá màu ngọc thạch, chỗ kết lại như bức tường thành, chỗ dàn ra thành trận địa, chặn bước tiến của quân giặc, tạo điều kiện cho quân ta chiến thắng. Sau khi giặc tan, đàn rồng quyến luyến vùng non nước này không trở về thiên giới nữa, mà ở lại trần gian. Đàn rồng con nhớ mẹ xuống theo. Chỗ rồng mẹ xuống là Hạ Long, chỗ rồng con xuống và quì lại mẹ là Bái Tử Long.
Truyện dân gian này gắn liền với quan niệm về nguồn gốc của dân tộc Việt Nam là “con Rồng, cháu Tiên”. Rồng, Tiên chính là sức mạnh truyền thống của dân tộc đã được biểu tượng hóa. Vậy là tên Hạ Long có từ lâu đời trong dân gian. Người đầu tiên đặt cho vùng đảo cái tên thơ mộng ấy không ai khác ngoài dân gian. Bên cạnh vịnh lớn mang tên “Rồng xuống”, nhiều đảo núi trong vịnh cũng mang tên Đầu Rồng, Đuôi Rồng, Hòn Rồng, Mắt Rồng, Cái Rồng... Ngoài xa có đảo Long Châu, đảo Bạch Long Vĩ. Nơi tận cùng phía bắc có đảo Trà Cổ mang hình con rồng và sự tích rồng đi lấy lại hòn ngọc về cho đất nước và đuôi rồng quẫy lên thành bãi cát Sa Vĩ… Như vậy, Hạ Long không chỉ đẹp ở dáng núi, ở sắc nước, màu trời mà còn đẹp cả trong nội dung tên gọi.
Vịnh Hạ Long là tác phẩm nghệ thuật tạo hình kì lạ của tạo hóa, kết hợp tính tinh tế giữa điêu khắc và hội họa, giữa tính hoành tráng, khỏe khoắn với sự duyên dáng thơ mộng. Nhưng vịnh Hạ Long không phải là tác phẩm nghệ thuật tĩnh, mà luôn biến đổi về tạo dáng và màu sắc theo thời gian và góc nhìn, làm nên trong giây lát những cảnh sắc khác thường, khiến cho du khách không khỏi ngỡ ngàng, sửng sốt.
Hạ Long là vùng biển duy nhất ở Việt Nam, trên diện tích không rộng, mọc lên hàng nghìn hòn đảo với vô số hình dạng kì dị, khác nhau. Các đảo núi ấy quần tụ trên hai vùng biển lớn: một vùng là phía nam và tây nam vịnh, còn vùng kia là phía đông. Giữa hai vùng đảo là trũng biển rộng hình cánh quạt, không có đảo núi xen kẽ, dường như tạo hóa muốn dành cho du khách một tầm nhìn bao quát để chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên.
Trên hai vùng biển phân bố các đảo đá, nếu từ trên cao nhìn xuống, mặt vịnh là một tấm gương xanh biếc, lấp lánh, được đính lên những viên ngọc màu lam nhiều hình dáng.
Đảo Hạ Long không phải là những quả núi đá đơn điệu buồn tẻ mà là thế giới sống động những sinh linh ẩn hiện trong biết bao hình hài bí ẩn bằng đá. Hầu như không một hòn đảo nào lại không mang một hình dáng quen thuộc khiến cho ta liên tưởng đến thế giới của sự sống. Đảo thì giống ông già câu cá (hòn Ông Lã Vọng), đảo thì giống nàng tiên (đảo Cô Tiên), có đảo lại y hệt một đầu người (đảo Đầu Người), hay đôi gà chọi (hòn Gà Chọi), con cóc, con rùa, chú mèo, con chó đứng, con ngựa phi trên mặt nước…
Ngắm nhìn những hòn đảo muôn hình nghìn dáng như bập bềnh nổi trôi trên mặt nước xanh màu ngọc bích và đón làn gió biển trong sạch, mát lành, lòng người thanh thản lạ thường. Du khách cảm giác như lạc vào chốn bồng lai ngoài trần thế. Chính vì vậy, Hạ Long là đề tài bất tận của thi ca, nhạc, họa.
Thưởng ngoạn Hạ Long, ngoài du thuyền, tắm biển, quay phim, chụp ảnh, khách còn vô cùng thích thú khi thăm các hang động trong lòng núi.
Tháng 10 năm 1957, lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm hang Đầu Gỗ. Khi bước chân lên cửa hang, Người nói: “Ai cũng phải vào thăm hang mới thấy hết cảnh đẹp; cảnh đẹp một người không thể nói hết cho nhiều người."
Mênh mông cửa Lục núi vòng quanh
Lớp sóng lô xô đá gập ghềnh
Khe thẳm hang sâu xây tạc đỗng
Trời xanh nước biếc vẽ vời tranh
Thuyền lương tướng Hổ tăm kình lặng
Buồm khách đồn Vân bóng ác chênh
Thợ tạo khen ai bày đặt khéo
Hạ Long riêng một cảnh xinh xinh...
Nhân Văn Blog
chimennho_baytoinhungvisao
http://www.facebook.com/thaiha811