Ngày 28 tháng 12 năm 2012:
Vậy là tôi cũng đã đạt được mơ ước. Sau 7 năm vật lộn với các kì thi và luận văn, giờ đây, tôi chỉ còn phải băng qua sân trường, về nhà và bắt đầu một cuộc sống mới – cuộc sống của một người đã tốt nghiệp…
Ngày nhập trường, chiếc xe mang tôi đi xa gia đình, tôi như chú chim non bỡ ngỡ, lạc lõng giữa một thành phố lạ, mắt tôi nhoè đi...
Cảm giác hụt hẫng khi xa nhà và phải thay đổi hoàn cảnh sống khiến tôi trở nên buồn bã, hoang mang… Những đêm đầu xa nhà là những đêm của nỗi nhớ, một thoáng rùng mình vì nỗi cô đơn, đắn đo với những dự định mới… Nhưng tôi biết, tôi đang trưởng thành lên, tôi đang lớn từng ngày, khó khăn chỉ làm tôi thêm mạnh mẽ… Tôi cố sống lạc quan, tất cả cho mục đích học tập, tất cả để bố mẹ vui lòng.
Những năm sau đó đối với tôi thật bận rộn. Mỗi ngày tôi đến trường từ sáng sớm và trở về vào lúc tối muộn. Tôi lao vào học để chuẩn bị cho các kì thi liên tiếp nên không còn thời gian để chú ý đến việc gì khác. Tuy cũng có nhiều rắc rối và khó khăn, nhưng tôi cũng đã vượt qua.
Học hai trường song song quả là vất vả và mệt mỏi vô cùng… Tôi đã sống mà không cần phải dán mắt vào chương trình truyền hình và tạm bỏ qua nhiều thú vui giải trí khác... Đó là những năm lạnh giá, khi tôi hầu như không tìm được ai hòa điệu với trái tim. Tôi thu mình lại sâu hơn vào thế giới nội tâm. Để có nhiều thời gian tự học và nghiên cứu thêm sách, tôi hay tranh thủ đi ăn một mình, đi học một mình, đến hiệu sách một mình... Những năm kế tiếp trôi qua thật chẳng dễ dàng chút nào… Tôi cứ phải thu xếp một thời gian biểu thật hợp lí để có thể vừa tự học vừa lên thư viện và đến lớp hàng ngày. Tôi đã nỗ lực không ngừng, cố gắng đi học đều đặn cả ban ngày và buổi tối rất vất vả…
Điều đó thật sự là một bước thay đổi lớn trong tư duy và cách nghiên cứu của tôi. Tôi đã biết đến những lần đau đầu kinh khủng vì đọc và tìm hiểu một vấn đề khó, đã biết đến những lần quên ăn ngồi lì trên thư viện, đã biết đến những đêm thức khuya làm bài đến mệt nhoài và liên tục trong tình trạng thiếu ngủ… Nhưng tất cả đều được đền đáp, tôi khám phá ra thật nhiều điều mới mẻ, giá trị lắm. Tôi nhận ra giới hạn khả năng của mình là điều có thể thay đổi được nếu mình cố gắng và quyết tâm thay đổi.
Tôi học cách tự tìm tòi nghiên cứu rất nhiều trên thư viện và từ các bạn trong lớp. Thay vì cách học thụ động trước đây, các thầy cô giáo đã dạy cho tôi biết cách suy nghĩ, định hướng rõ ràng trước những vấn đề mới và khó. Điều mà tôi học được, và tôi cũng đánh giá rất cao điều đó, chính là việc, từ đấy, tôi không ngại khó, không ngại tiếp xúc với cái mới, và cao hơn nữa là tôi luôn biết tìm ra hướng giải quyết cho chính mình một cách chủ động. Ban đầu, tôi cũng có cảm giác choáng ngợp trước khối lượng bài tập dồn dập. Nhưng chính lúc đó, tôi học được cách gồng mình lên, cố gắng hết sức, đào sâu suy nghĩ và hiểu thấu đáo vấn đề...
Tôi cũng từng có những dấu hiệu trầm cảm, mệt mỏi, chán nản, bế tắc vì áp lực học tập. Đôi lúc tôi thấy mọi hi vọng xung quanh dường như tan biến, nhiều hôm đi học về vừa mệt mỏi, vừa buồn chán, tôi thấy quanh mình toàn ngõ cụt, tôi cũng không biết như thế nào nữa…
Trong suốt những năm tháng đó, cứ mỗi lần tôi cảm thấy bất lực, tuyệt vọng trước hoàn cảnh và muốn buông xuôi tất cả thì lời nhắn nhủ của người cha đã khuất lại vọng về, nâng tôi dậy bằng một sức mạnh vô hình: “Thái Hà à, đừng bao giờ từ bỏ ước mơ. Bố tin rằng, một khi ước mơ của con đủ lớn, con có thể làm được tất cả”. Và niềm tin đó đã được tôi giữ trọn. Sự cổ vũ ấy cho tôi hiểu, nỗ lực của mình còn đáng giá hơn tất cả những bằng cấp kia... Tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Bởi nỗ lực có giá trị nhất không phải là khi mọi thứ đến với tôi thật dễ dàng, mà chính là lúc tôi gặp phải hoàn cảnh khó khăn nhất.
Link trên báo:
http://ngoisao.net/tin-tuc/phong-cach/choi-blog/thu-thach-hoc-van-2810671.html
Thái Hà (Nhân Văn Blog)
chimennho_baytoinhungvisao
http://www.facebook.com/thaiha811